GIÁO SỞ LINH THỦY
GIÁO XỨ LINH THỦY – GIÁO HỌ THẾ CHÍ
Nhà thờ Linh Thủy
Lược sử
GIÁO XỨ LINH THỦY
I- VỊ TRÍ ĐỊA LÝ
Giáo xứ Linh Thủy thuộc Giáo hạt Hương Quảng Phong, nằm bên kia đầm phá Tam Giang, trên địa bàn xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, cách tòa TGM Huế 39km về phía bắc tây bắc.
II- NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN
1- Ra đời từ việc truyền giáo của các quản sở Thanh Hương (1888)
Họ đạo Linh Thủy ra đời từ việc truyền giáo của các vị mục tử cai quản giáo sở Thanh Hương từ năm 1888. Thanh Hương nguyên thủy là một giáo xứ mang tên Hương Triều, xuất hiện trước năm 1691. Năm 1802, thời vua Gia Long, làng Hương Triều đổi tên thành làng Thanh Hương. Năm 1853, Đức cha Pellerin (Phan), Giám mục tiên khởi Giáo phận Huế, nâng Thanh Hương thành giáo sở gồm 3 giáo xứ theo tên 3 thôn: Nhất Đông, Nhất Tây, Hương Lâm (và có lúc còn thêm nhiều giáo họ khác nữa).
Từ năm 1888 đến 1899, Linh Thủy trực thuộc Giáo sở Thanh Hương, chỉ có nhà thờ tạm và do các chủ chăn sau đây coi sóc:
– Cha Giuse Grosjean (cố Gioang), Quản sở Thanh Hương (1888-1891)
– Cha Giuse Gontier (cố Công), Quản sở Thanh Hương (1892-1910)
– Cha Phêrô Phan Văn Bá (Thợ Đúc), phó sở Thanh Hương (1891-1895)
– Cha Phêrô Trần Văn Tự (An Ninh), phó sở Thanh Hương (1895-1902).
Các linh mục trên đã có công mở đạo dọc theo phá Tam Giang và sông Ô Lâu, từ vùng Linh Thủy lên tới Hội Yên (đi qua Thế Chí, Đại Lược, Kim Giao, Đa Nghi…) lúc ban đầu. Sau đó các vị khác tiếp tục.
Đức Giám mục Eugène Allys, trong báo cáo thường niên năm 1909 gởi hội Thừa sai Paris, có viết (nguyên văn tiếng Pháp, tạm dịch tiếng Việt): “Sau Cổ Vưu, Thanh-Hương là giáo sở quan trọng nhất của huyện Dinh Cát. Nếu về phần đạo, nó thuộc tỉnh Quảng Trị, thì về phần đời, nó thuộc tỉnh Huế. Cũng trong tất cả huyện Dinh Cát, duy nhất nó đã thoát khỏi tay những đám (Văn Thân) vốn đã tàn phá mọi cộng đoàn Kitô tỉnh Quảng Trị năm 1885.
“Nhưng một trận dịch sốt rét, chỉ trong vài năm, đã làm cho số tín hữu rơi từ 1.463 xuống còn 1.075 người. May thay, Chúa Quan Phòng đã dành cho giáo sở ấy một mục tử mà nỗi buồn, cảnh khổ và bệnh tật chẳng bao giờ làm thất vọng. Thấy tử thần tàn sát hàng loạt giáo dân của mình, cha Gontier, qua nhiều cuộc chinh phục mới, đã tìm cách tái chiếm lãnh địa bị mất. Với biết bao kiên nhẫn, ngài đã rửa tội được cho hàng trăm dự tòng và hàng ngàn trẻ em lương dân. Hiện nay, không kể nhiều linh hồn mà ngài đã đưa về trời, giáo sở của ngài có 1.432 tín hữu, con số gần bằng với năm 1887, trước lúc xảy ra trận dịch.
Để kể ra mọi công việc mà vị đồng nghiệp nhiệt thành này đã thực hiện, phải nói đến nhiều ngôi nhà thờ đẹp đẽ mà ngài đã xây cho các trung tâm chính của giáo sở ngài, và phải liệt kê khoảng một chục cộng đoàn Kitô được ngài tạo cho những nền móng vững chắc tiên khởi, những cộng đoàn làm thành hạt nhân quan trọng nhất cho những giáo xứ như Linh Thủy và Hội Yên”.
2- Trở thành Giáo xứ riêng biệt (1899)
Từ năm 1899, Linh Thủy được tách thành giáo xứ riêng và có các mục tử sau đây:
1- Cha Louis Darbon (Cố Triết, 1899-1909):
Năm 1897, cố Triết làm phó sở tại Thanh Hương. Ngày 13-12-1899, theo lệnh Đức cha Antoine Caspar (Lộc), Linh Thủy được tách thành Giáo xứ riêng và cố Triết được đặt làm Quản xứ tiên khởi. Cha Tađêô Đỗ Văn Cử (Bích Khê) làm phó xứ (1905-1908).
Trong thời gian hai năm (1906-1908), cố Triết đã xây một nhà thờ lớn theo kiểu Gô-tích với tháp chuông rất cao và một nhà xứ dài. Nhưng tất cả đã bị bom đạn tàn phá bình địa sau năm 1948. Ngài cũng truyền giáo ra khắp vùng với 9 giáo điểm trực thuộc, đặc biệt là Thế Chí (đông).
2- Cha Gioakim Nguyễn Văn Dụ (Đốc Sơ) (1910-1927) tiếp nối làm Quản xứ Linh Thủy. Phó xứ có cha P.X. Lê Văn Định (Cổ Vưu) (1914-1921), cha Giacôbê Nguyễn Linh Kinh (Phủ Cam) (1923-1927). Thời này, số người trở lại khá nhiều.
3- Cha Batôlômêô Tống Văn Hộ (Thợ Đúc) (1927-1933). Có cha P.X. Nguyễn Cao Đẳng (Dương Lộc) làm phó xứ (1927-1933), biệt cư tại Thế Chí (đông) năm 1931. Cha Batôlômêô xây nhà thờ Thế Chí năm 1927.
4- Cha P.X. Nguyễn Cao Đẳng (1933-1941) kế nhiệm. Có cha Phêrô Huỳnh Văn Hóa (Tân Thủy) làm phó xứ (1934-1936).
5- Cha Giuse Trần Văn Tường (An Ninh) (1941-1945). Cha đã lập sở các nữ tu Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng. Cha dùng nhà xứ cũ để các chị ở và làm trường học rồi xây một nhà xứ khác.
6- Cha Giacôbê Phan Văn Cơ (Phú Xuân, Phú Mỹ) (1945-1948)[1].
7- Cha Phaolô Trương Công Giáo (Ngọc Hồ) (1948-1959, đi về hai lần, gián đoạn bởi một một thời gian ở Vinh Hòa, năm 1953). Đời cha thật gian nan vì chiến tranh. Tất cả các cơ sở của Linh Thủy đều bị bom đạn tàn phá. Trong cả 2 lần, cha cũng đã đào hồ cái lớn sau nhà thờ để khuếch trương kinh tế, nhưng chương trình này thất bại.
Về sau, lúc thời thế tạm yên, cha xây một ngôi trường phía sau nhà thờ cũ. Còn cha ở trong chái nhà thờ bị sập đổ. Ngoài ra, cha cũng khởi công xây nhà thờ mới nhưng đang dang dở thì được lệnh đổi đi nơi khác.
8- Cha Phaolô Nguyễn Thanh Tiên (Phủ Cam) (1959-1964) kế nhiệm, tiếp tục xây dựng và hoàn thành nhà thờ, hiện còn tồn tại. Ngài cũng xây dựng nhà xứ. Cha cũng coi sóc giáo họ Hải Nhuận (vốn trực thuộc Đại Lược) năm 1963-1964 theo sự nhờ vả của anh ruột là cha Phaolô Nguyễn Thanh Tiếp, Quản xứ Đại Lược bấy giờ.
9- Cha Giacôbê Nguyễn Văn Mỹ (Phủ Cam) (1964-1967). Năm 1965, ngài trả lại giáo họ Hải Nhuận cho cha P.X. Lê Văn Cao, Quản xứ Đại Lược (1965-1967).
10- Cha P.X. Lê Văn Cao (An Vân) (1967-1970). Phó xứ có cha GB Trần Văn Trọn (An Ninh) (1967-1970), cha Gioakim Lê Thanh Hoàng (Trí Bưu) (1969-1970).
Năm 1967 Hải Nhuận chính thức trở thành giáo họ của Linh Thủy. Cha Cao cũng đã tu sửa nhà thờ Hải Nhuận do cha Hoàng Kính xây dựng và làm thêm chái lợp tranh.
Trong biến cố Mậu Thân năm 1968, giáo dân Hương Lâm, dưới sự hướng dẫn cha Bùi Quang Ninh, vị quản xứ 82 tuổi, đã cuốc bộ di tản về Linh Thủy và ở đây một thời gian ngắn. Sau đó cả cha lẫn con chạy về Thuận An, lập nên trại định cư, sau thành Giáo xứ Tân Thuận.
11- Cha Giuse Trần Đức Tuyên (Thai Dương) (1970-1971).
12- Cha Giuse Dương Đức Toại (An Ninh) (1971-1972). Lúc này Linh Thủy đã trở thành Giáo sở với các giáo họ Thành Công, Thế Chí, Hải Nhuận.
13- Cha Giacôbê Lê Sỹ Hiền (Kẻ Văn) (1972-1973)
14- Cha Gioan Nguyễn Đức Tuân (Nghệ An) (1973-1975). Có cha Giuse Hoàng Cẩn (Loan Lý) ở phó (6-12/1973).
15- Cha Gioan Baotixita Lê Xuân Mầng (Trí Bưu) (4/1975-1/1976). Có cha Phaolô Tống Thanh Trọng ở phó. Kiêm các giáo họ Hải Nhuận, Thế Chí, Thành Công, Vĩnh Trị, Thai Dương.
16- Cha Phaolô Tống Thanh Trọng (Ngọc Hồ) (1/1976-10/1998).
Ngài lợp lại nhà thờ Linh Thủy năm 1977, năm 1985 rồi năm 1996. Năm 1989, tu sửa nhà thờ Hải Nhuận do cho Hoàng Kính xây dựng. Trùng tu các nhà thờ Thành Công, Thai Dương, Vĩnh Trị. Năm 1996, tu sửa nhà xứ Linh Thủy.
17- Cha Giuse Nguyễn Điền (Kẻ Bàng) (10/1998-2007)
Ngày 14-05-2004, Giáo họ Thành Công được tách ra làm Giáo xứ với 2 Giáo họ Thai Dương, Vĩnh Trị và được giao cho cha GB Nguyễn Thế Tòng như Quản xứ tiên khởi.
Ngày 06-08-2006, cha Giuse đặt đá khởi công xây dựng nhà thờ Hải Nhuận mới, dài 22m, rộng 8m4, cao 18m. Khi công trình về mặt cơ bản xem như hoàn thành, thì cha được lệnh thuyên chuyển. Ngài cũng tu sửa nhà thờ Thế Chí năm 2001.
18- Cha Mátthêu Mai Nguyên Vũ Thạch (Hòa Đa) (2008-2010).
Tiếp tục hoàn thiện thánh đường Hải Nhuận. Sau gần hai năm miệt mài xây dựng, ngày 9-01-2008, ngôi thánh đường đã được Đức TGM Têphanô Nguyễn Như Thể chính thức cắt băng khánh thành và làm phép.
Ngày 05-4-2008, Hải Nhuận được tách rời, trở thành giáo xứ với Quản xứ tiên khởi là cha Giuse Đặng Văn Niên (sn: 1976, lm: 2007, gốc Dương Sơn).
Kể từ đây, Linh Thủy chỉ còn một giáo họ duy nhất là Thế Chí.
19- Cha Têphanô Nguyễn Hữu (Diêm Tụ) (20/08/2010-7/2016).
Xây đài Đức Mẹ La Vang (07/04/2011–30/05/2011).
Trùng tu nhà thờ : 20/02/2013–20/08/2013
Bên trong nhà thờ Linh Thủy được cha Hữu trùng tu.
- Cha Giuse Hồ Sĩ Hiếu Trung (Triệu Phong) (7/2016-4/2019)
Xây đài Lòng Chúa Thương xót
- Cha Phaolô Nguyễn Ngọc Vịnh (5/2019…. ) Bài sai ký ngày 10.5.2019
Giáo xứ Linh Thủy trải qua chặng đường 131 năm hình thành và phát triển (1888-2019), với bao vui mừng và hy vọng theo dòng lịch sử. Cho dù gặp phải muôn vàn khó khăn, thử thách của cuộc sống, bà con giáo dân Linh Thủy vẫn giữ được một đức tin vững mạnh.
III- HOA TRÁI ĐỨC TIN
– Tu sĩ
– M.Madalena Trần Thị Hậu, sinh 5-7-1913, vĩnh khấn: 21-11-1944, Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng.
– Maria Trần Thị Hạnh, sinh: 5-6-1945, vĩnh khấn: 2-7-1971, Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng.
– Têrêxa Nguyễn Thị Hồng, sinh: 15-7-1960, vĩnh khấn: 21-11-1991, Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng.
– 1 đại chủng sinh.
– 1 thanh tuyển dòng MTG Huế.
2- Giáo dân:
Năm 2010: 156 người
Năm 2015: 235 người.
Năm 2019: 265 người
Bổn mạng Giáo xứ : Lễ Mẹ Lên Trời (15 tháng 08)
*******************************
GIÁO HỌ THẾ CHÍ
Thế Chí là giáo họ của Giáo xứ Linh Thủy, nằm trên địa bàn xã Điền Hải, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, cách Linh Thủy 5km về phía tây tây bắc.
Bổn mạng giáo họ Thế Chí: lễ Thánh Phanxicô Xaviê (03 tháng 12).
Nhà thờ Thế Chí được cha Batôlômêô Tống Văn Hộ xây năm 1927, lúc vừa làm Quản xứ Linh Thủy. Nhà thờ, nhà ở và nhà kho của giáo họ này bị cháy năm 1931 và được lợp lại hoàn toàn bằng ngói cùng năm.
Cha P.X. Nguyễn Cao Đẳng (Dương Lộc) phó xứ Linh Thủy (1927-1933), biệt cư tại Thế Chí năm 1931.
———————————————————————-
[1] Theo Tiểu sử các Linh mục Giáo phận Huế, c. I, tr. 521, thì năm 1946, cha Cơ bỏ xứ vì chạy giặc, nên cha Giuse Trần Văn Tường phải về thay thế (1946-1948)
———————————————————————–
Mọi góp ý, bổ sung, điều chỉnh xin vui lòng liên hệ với Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi theo địa chỉ email: witness2005@gmail.com Xin cám ơn quý vị rất nhiều.
Nhóm Biên sử Tổng Giáo phận Huế.