Lược sử Giáo sở Mỹ Lộc

11/08/2020

GIÁO SỞ MỸ LỘC

GIÁO XỨ MỸ LỘC

GIÁO HỌ AN TRẠCH – GIÁO HỌ HÀ TÂY

GIÁO HỌ LỆ XUYÊN – GIÁO HỌ LINH YÊN

GIÁO HỌ LONG QUANG – GIÁO HỌ TƯỜNG VÂN

GIÁO HỌ VÂN TƯỜNG

Nhà thờ Mỹ Lộc mới, Cha Phêrô Nguyễn Văn Phước xây dựng, khánh thành ngày 21-7-2017

Lược sử

GIÁO XỨ MỸ LỘC

I- VỊ TRÍ ĐỊA LÝ

Giáo sở Mỹ Lộc, Giáo hạt Quảng Trị, nằm trên địa bàn các xã Triệu An, Triệu Hòa, Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Gồm có Giáo xứ Mỹ Lộc và 7 Giáo họ: An Trạch, Hà Tây, Lệ Xuyên, Linh Yên, Long Quang, Tường Vân, Vân Tường. (xem bản đồ).

Nhà thờ Mỹ Lộc, ở thôn Mỹ Lộc, xã Triệu Hòa, cách tòa Tổng Giám mục Huế khoảng 67,2 km theo đường bộ về phía Tây Bắc, cách Trung tâm Thánh mẫu Toàn quốc La Vang hơn 16km về phía Bắc.

II- NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

1- Khai sinh rồi chết yểu (1880-1885)

Họ đạo Mỹ Lộc được khai sinh vào khoảng năm 1880 và trực thuộc Giáo xứ Nhu Lý (cách Mỹ Lộc 3km về phía Tây Bắc), vào thời Nhu Lý được Cha Anrê Nguyễn Ngọc Thoại rồi Cha Gioan Đoạn Trinh Khoan cai quản. Một điều hy hữu tại Mỹ Lộc là khi đã đón nhận tín lý Công giáo, toàn dân làng đồng lòng tin theo và đồng loạt trở lại. Nhưng không bao lâu sau, gặp lúc phong trào Văn Thân tàn sát Công giáo, đặc biệt ở Quảng Trị (09-1885)[1] thì cả làng đồng loạt bỏ đạo do khiếp hãi.

Sử cũ cho biết: khi toàn dân làng theo Công giáo, các tượng bụt thần không còn ai thủ giữ và thờ kính nữa, nên họ đã mang các tượng đó bỏ đi. Còn ngôi chùa làng, do dân tin “thiên văn địa lý”, nên đã được dâng cúng cho Công giáo làm nhà nguyện.

Sau thời thiêu sát của Văn Thân, khi cả làng đã bỏ đạo, họ lấy lại ngôi chùa đã dâng cúng, nhưng cũng vì tin “thiên văn địa lý” như đã nói, họ đã cấp cho 3 sào đất để phòng trường hợp phải làm Nhà thờ lại, mặc dù lúc đó trong làng chẳng còn ai giữ đạo nữa.

2- Tái lập Giáo họ rồi Giáo xứ sau thời thiêu sát (1885)

Thế rồi thời gian trôi qua, với ơn Chúa, một số giáo dân cũ trở về với đức tin, xây dựng lại Giáo họ. Có thể là dưới thời Cha Giacôbê Nguyễn Văn Sĩ (gốc An Do Đông) coi Nhu Lý (1886-1902).

Năm 1902-1909, Cha Laurent GuiChard (Cố Ngãi) đến Nhu Lý thế chỗ và kiêm thêm một số Giáo họ lân cận, trong đó có Mỹ Lộc. Là một mục tử năng động, Cố Ngãi thâu lượm được nhiều kết quả tốt đẹp, và Giáo sở Nhu Lý không chỉ giữ được toàn vẹn kho tàng đức tin sống động và tích cực, nhưng còn là một vườn ươm ơn gọi Linh mục lẫn tu sĩ.

Chính Linh mục Laurent GuiChard hoặc Linh mục Adolphe Delvaux (kế nhiệm) – theo lời kể của các vị cao niên – đã làm ngôi Nhà thờ đầu tiên cho Giáo họ Mỹ Lộc bằng cách di chuyển Nhà thờ của Giáo họ An Cư (vốn không còn giáo dân sau vụ Văn Thân) về làm Nhà thờ Mỹ Lộc.

Nhà thờ Mỹ Lộc xưa (đầu thế kỷ 20)

Năm 1909, Đức Cha Allys giao Giáo sở Nhu Lý cho Cha Adolphe Delvaux (Cố Văn) và ngài ở đó 17 năm trời (đến 1926). Ngài hoàn thành các cơ sở do vị tiền nhiệm GuiChard để lại. Ngài cũng mở mang nhiều cho Giáo họ Mỹ Lộc, nhất là tậu thêm đất đai quanh Nhà thờ.

Mỹ Lộc tiếp tục được sự cai quản của Cha Phaolô Bùi Thông Tuần (gốc Phủ Cam) Quản sở Nhu Lý từ 1926-1934 rồi Cha Gioakim Nguyễn Văn Khiết (gốc Hương Lâm) Quản sở Nhu Lý từ 1934-1940.

Năm 1939, Giáo sở Nhu Lý có 12 Giáo họ: An Thạch, Dương Xuân, Giáo Liêm, Long Quang, Mỹ Lộc, Phan Xá, Phú Tài, Phước Lễ, Quảng Điền, Quảng Lượng, Thanh Liêm, Tường Vân.

Do tình hình chiến tranh và chính trị (đưa đến Cách mạng tháng 8), nên từ 1940 đến 1945, Giáo sở Nhu Lý vắng bóng mục tử. Giáo dân Mỹ Lộc cũng lâm cảnh bơ vơ.

Năm 1945, Cha Tađêô Hồ Bảo Huỳnh (gốc Kim Long) được bổ nhiệm trông coi Nhu Lý và các Giáo họ phụ thuộc, nhưng rồi ngài đã phải vội vã đưa đoàn chiên di cư lên Trí Bưu, ở tới 1951.

Năm 1951, Cha Phêrô Lê Văn Ngọc (anh ruột của các Cha PX. Lê Văn Cao và G.B Lê Văn Nghiêm), được đặt làm Quản sở Nhu Lý (cho đến năm 1955), đã kêu gọi dân làng đang tản mác trở về quê cũ lập lại cuộc sống. Ngài đã tận tình giúp đỡ dân làng, bắt tay vào lại công việc đồng áng, xây dựng lại những gì đã đổ nát vì bom đạn. Có Cha Tôma Lê Văn Cầu ở phó năm 1955.

Năm 1956 Linh mục Tôma Lê Văn Cầu lên làm Quản sở Nhu Lý (1956-1964), nhưng do tình hình an ninh và chính trị, ngài tạm bỏ nơi này lên trú tại Mỹ Lộc. Mỹ Lộc coi như thành Giáo xứ và Cha Lê Văn Cầu là Quản xứ tiên khởi. Năm 1962 ngài đã cho làm lại Nhà thờ Mỹ Lộc bằng cây gỗ, và lợp ngói. Đây là Nhà thờ thứ hai.

Năm 1964-1971 Giáo xứ Mỹ Lộc được Cha Phaolô Nguyễn Thanh Tiên làm Quản xứ, kiêm thêm Nhu Lý và Linh Yên (cùng các Giáo họ trực thuộc). Trong thời gian này, ngài đã một lần nữa, sửa sang lại Nhà thờ, trùng tu lại trường học và xây thêm nhà các chị cũng như hội quán của Giáo xứ Mỹ Lộc.

Năm 1971-1972, Giáo xứ Mỹ Lộc được Cha Giêrônimô Nguyễn Ngọc Hàm cai quản. Cho tới lúc này, diện tích của Nhà thờ Mỹ Lộc với các cơ sở bao quanh là hơn 3000m2.

Trong chiến cuộc năm 1972 (Mùa hè Đỏ lửa), tất cả vùng Đông Hà Quảng Trị đều bị san bằng: Nhà thờ, nhà xứ, trường học, sở các chị… tất cả “chẳng còn hòn đá nào chồng trên hòn đá nào”. Trước tình thế đó, đại đa số giáo dân bỏ quê hương, bỏ Giáo xứ chạy vào Nam, trước là để sinh sống, sau là để giữ đạo. Mỹ Lộc chỉ còn vỏn vẹn 15 gia đình ở lại, nối gót đức tin dũng cảm của tổ tiên và tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa, dù Nhà thờ không còn, Cha xứ, chị sở cũng vắng mặt. Thời gian này họ thường họp nhau tại tư gia để đọc kinh cầu nguyện, mặc dù không được phép[2].

3- Tái lập Giáo họ trong thời hòa bình (1975)

Sau 04-1975 toàn vùng Bắc Quảng Trị (huyện Triệu Phong) chỉ có một vị Linh mục là Phanxicô X. Lê Văn Cao coi sóc. Nhưng lâu lâu Cha mới về Mỹ Lộc dâng thánh lễ tại tư gia cho giáo dân, và đó là niềm an ủi động viên họ giữ đạo trong thời buổi gian khó. Đến năm 1978, Giáo phận bổ nhiệm Linh mục Augustinô Hồ Văn Quý về làm chánh xứ Bố Liêu, kiêm nhiệm các họ đạo khác trong vùng như Nhu Lý, Bích La, Bích Khê, Mỹ Lộc…. Từ đó huyện Triệu Phong có 2 Giáo sở với Cha xứ riêng. (Nhưng từ 1986 đến 1989, Cha Augustinô bị quản chế tại chỗ, không đi làm mục vụ đâu được). Vào năm 2000, Giáo sở Bố Liêu gồm các Giáo xứ và các Giáo họ sau đây: xã Triệu Hòa gồm có: Bố Liêu, An Lộng, Mỹ Lộc, Hà My, Vân Hòa; xã Triệu Long gồm có: Bích Khê, Đầu Kênh; xã Triệu Trạch gồm có: Lệ Xuyên, An Trạch, Vân Tường, Long Quang, Linh Yên (còn gọi là Linh An); xã Triệu An gồm có: Hà Tây, Tường Vân.

Để tạo điều kiện cho giáo dân dễ dàng tham gia các sinh hoạt mục vụ, cũng như dọn đường cho việc tái lập một số Giáo xứ, tháng 5 năm 2001, Cha Augustinô Hồ văn Quý, với sự cộng tác của giáo dân và nhiều người, đã xây dựng lại một nhà nguyện nhỏ cho Mỹ Lộc với tổng diện tích 300m2. Nhà nguyện mới này không phải trên nền Nhà thờ cũ mà là ở bên cạnh. Có thể coi đó là Nhà thờ Mỹ Lộc thứ ba. Ngoài nền nhà nguyện ra, Giáo xứ chẳng còn được một tí đất nào cả, vì nhà nước chỉ cho từng đó.

Nhà thờ Mỹ Lộc được Cha Augustinô Hồ Văn Quý khánh thành ngày 16-07-2002

 Ngày 15-03-2004, Cha Giuse Trần Đức Diễn về nhậm chức Quản xứ Bố Liêu, kiêm Mỹ Lộc, thay Cha Augustinô Hồ Văn Quý đi An Đôn.

Tháng 10-2008, Giáo sở Bố Liêu được tách thành hai Giáo sở: Bố Liêu và Mỹ Lộc.

 4- Trở thành Giáo xứ và Giáo sở (2008)

Đến ngày 02-10-2008, Mỹ Lộc được Đức Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể bổ nhiệm cho một Quản xứ thực thụ là Cha Phêrô Nguyễn Văn Phước, kiêm thêm các Giáo họ: An Trạch, Hà Tây, Lệ Xuyên, Linh Yên, Long Quang, Tường Vân, Vân Tường[3]. Thế là gần 40 năm vắng bóng chủ chăn (chỉ được kiêm nhiệm), hôm nay Giáo xứ Mỹ Lộc lại có Linh mục Quản xứ.

Ưu tư đầu tiên của Cha Phêrô là làm lại Nhà thờ. Trong một lá thư kêu gọi đề ngày 27-9-2012, Cha trần tình như sau:

Tôi là Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Phước, được toà Tổng Giám mục Huế bổ nhiệm làm Cha Quản xứ Giáo xứ Mỹ Lộc ngày 2102008, đến nay vừa tròn 4 năm.

Về Giáo xứ Mỹ Lộc mọi sự đều thiếu thốn, Nhà thờ chưa có, nhà xứ chưa có, trường giáo lý chưa có… chỉ có được một cái nhà nguyện nhỏ xuống cấp với diện tích 300 m2 (xin xem hình đính kèm). Ngoài ra chẳng có gì, đất đai cũng không. Lâu nay tôi ở sau chái nhà nguyện đó.

Cùng với xứ Mỹ Lộc tôi kiêm thêm 7 họ giáo nữa là: Long Quang, An Trạch, Vân Tường, Linh Yên, Lệ Xuyên, Tường Vân và Hà Tây, thuộc 3 xã: Triệu Hoà, Triệu Trạch và Triệu An. Các họ đạo này trước đây có Nhà thờ, nhưng sau chiến tranh Nhà thờ bị phá huỷ, đất đai cũng không còn. Hiện giờ tôi phải đi dâng thánh lễ trong nhà giáo dân thật bất tiện.

Sau 4 năm viết đơn xin cấp đất không biết bao nhiêu lần cho Giáo xứ Mỹ Lộc và các họ nhánh nói trên, hôm này chính quyền tỉnh Quảng Trị mới ra công văn cấp thêm cho Mỹ Lộc được 500m2 đất nữa, nhưng trong đó có cái kho của hợp tác xã. Giờ mình phải bồi thường xây lại cái kho cho họ rồi họ mới làm thẻ đỏ cho mình, khi đó mới có thể tiến hành làm giấy tờ xây dựng Nhà thờ cho Giáo xứ, nhà Cha xứ, trường học giáo lý được…

Cái kho đó giờ xây lại cũng phải mất cả 200 triệu tiền VN. Nhưng, giáo dân ở đây nghèo lắm, người ta sống bằng nghề nông, thiên tai thì xẩy ra mãi. Họ chẳng có tiền mà đóng góp.

Vậy, xin quý ân nhân rộng lòng giúp đỡ và cầu nguyện cho Giáo xứ Mỹ Lộc và các Giáo họ khác nữa sớm có được mảnh đất để xây dựng nhà Chúa hầu cho giáo dân sớm tối cầu kinh dâng lễ thợ phượng Chúa.

Nhờ ơn Chúa quan phòng thúc đẩy, ngày 27-3-2014, Đức TGM Phanxicô Xavie Lê Văn Hồng đã đến chủ sự đặt viên đá đầu tiên khởi công xây dựng ngôi Nhà thờ Mỹ Lộc trên nền Nhà thờ Cha Quý đã xây. Trải qua thời gian 3 năm 3 tháng, hôm 21-7-2017, ngôi Nhà thờ đã chính thức được hoàn thành với hai tầng, diện tích mỗi tầng là 420m2, chiều dài 30m, chiều rộng 14m, mặt tiền có một tháp chính, cao 42m, tính từ mặt đất đến đỉnh Thánh giá, và chính Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh đến làm lễ cung hiến, khánh thành, trong niềm vui lớn lao của Giáo xứ, Giáo hạt lẫn giáo phận. Trên nền kho hợp tác xã cũ (bên trái Nhà thờ nhìn từ phía trước) là một tượng đài Mẹ La Vang với 3 cây đa mô phỏng từ linh địa. Toàn bộ diện tích lên tới 1000m2.

Để xây nhà xứ, Cha Phêrô đã phải mua một khoảnh ruộng phía sau, bên phải Nhà thờ.

Trước Nhà thờ hiện có một sân rộng, xứng tầm với nơi thờ phượng, nền Nhà thờ cũ trước đây. Tiếc là nhà nước vẫn không giao cho Giáo xứ mà biến thành một sân bóng đá.

Tháng 9-2018, Cha Phêrô Nguyễn Văn Phước đi nhận nhiệm vụ mới tại Giáo xứ Thanh Tân, giao Mỹ Lộc lại cho Cha Phanxicô Xaviê Ngô Văn Ái cai quản.

Hiện nay, trên nền trường học, hội quán Giáo xứ và sở các nữ tu được xây dựng hoặc trùng tu thời Cha sở Phaolô Nguyễn Thanh Tiên nhưng bình địa sau 1972, nhà nước đã xây dựng những cơ sở của họ: trường tiểu học thôn, nhà văn hóa thôn… Tính cả sân bóng đá thì Giáo xứ đã mất hơn 2000m2. Khôi phục những gì của tiền nhân Giáo xứ để lại quả là một thách thức lớn lao cho Cha tân Quản sở.

III- CÁC LINH MỤC QUẢN XỨ MỸ LỘC

1- Tôma Lê Văn Cầu 1955-1964 

2- Phaolô Nguyễn Thanh Tiên 1964-1971 

3- Giêrônimô Nguyễn Ngọc Hàm 1971-1972

Từ 1972 gián đoạn bởi chiến tranh.

4- Phêrô Nguyễn Văn Phước 2008-2018.

5- Phanxicô Xavie Ngô Văn Ái từ 9-2018…

Bên trong Nhà thờ Mỹ Lộc – Ngày cung hiến 21-7-2017

IV- HOA TRÁI ĐỨC TIN

1- Linh mục

– PX. Nguyễn Văn Thành (1937-1964-2008) Hồi tục (Giáo họ Linh Yên).

– Anphongsô Trần Lý Tịnh (1950-2005-) Tu đoàn Nhà Chúa, GP Xuân Lộc (Giáo họ Linh Yên).

– Anrê Ngô Minh Tâm (1979-2013-) Giáo phận Nha Trang. Du học tại Pháp (Giáo họ Lệ Xuyên).

2- Nam nữ tu sĩ

– Mađalêna Trần Thị Mỹ Vân (Vĩnh khấn) Tu đoàn Thừa sai Thánh Mẫu Chúa Cứu Thế. Gp. Phan Thiết (Giáo họ Linh Yên).

– Maria Lê Thị Nhung (sn 1980, vk 2018) Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm (Giáo họ Hà Tây).

– Catarina Nguyễn Thị Ngọc Bích (sn 1990, tk 2016) Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng (Giáo họ Lệ Xuyên).

– Mađalêna Nguyễn Thị Ngọc Ánh (sn 1991-tk 2018) Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng (Giáo họ Lệ Xuyên).

3- Giáo dân

– Năm 2010:    340 người.

– Năm 2015:    435 người.

– Năm 2019:    456 người (Lịch Công giáo Giáo phận Huế)

****************************

GIÁO HỌ LINH YÊN

Nhà nguyện Giáo họ Linh Yên hiện thời (tại tư gia)

1- Vị trí địa lý

Linh Yên (hay Linh An) hiện nay là một Giáo họ nhỏ trực thuộc Giáo xứ Mỹ Lộc, nằm ở thôn Linh Yên, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, phía Đông Đông Nam Mỹ Lộc. Một ngôi nhà của một trong số mấy chục giáo dân ở đây được chọn làm nơi cử hành Thánh lễ, có đặt bàn thờ (tọa độ 16.8218 107.2190).

Theo các vị cao niên cho biết, Linh Yên trước 1972 là một Giáo xứ khá lớn, có một ngôi Nhà thờ, ở tọa độ 16.8155 107.2225, cách Nhà thờ Mỹ Lộc gần 4km theo đường chim bay về hướng Đông Nam, nhưng nay chỉ là một sân bóng đá nằm bên đường.

2- Nguồn gốc hình thành và quá trình phát triển

a- Giáo họ của Giáo sở Bố Liêu và An Lộng

Năm 1867, khi Đức Giám mục Hyacinthe Sohier (Bình) sắp xếp lại Giáo phận, phân chia rõ ràng các Giáo sở Giáo xứ và thiết đặt các Cha Quản sở hay Quản xứ, thì tỉnh Quảng Trị (lúc ấy gọi là Giáo hạt Dinh Cát) có 13 Giáo sở. Giáo sở Bố Liêu gồm các Giáo xứ Bố Liêu và các Giáo họ Ái Tử, An Lộng, Bích Khê, Đâu Kênh, Linh Yên, Phúc Lộc. Vị Quản sở đầu tiên là Cha Giuse Bùi Văn Tuyển (1867-1874). Như thế Linh Yên có trước cả Mỹ Lộc.

Linh Yên tiếp tục được coi sóc bởi các vị Quản sở Bố Liêu: Cha Claude Bonin (Cố Ninh) (1875-1877), Cha Giacôbê Nguyễn Văn Sĩ (khoảng 1881-1884), Cha Inhaxiô Lê Văn Huấn (1884-1886), Cha Jean Bonnand (Cố Bổn) (1886-1894); bởi các vị Quản sở An Lộng: Cha Grêgôriô Đỗ Khắc Quyến (1894-1899), Cha Auguste Hilaire (Cố Tri) (1899-1905), Cha Antoine Roux (Cố Ngôn) (1905-1909), Cha Max. Arnoulx de Pirey (Cố Đề) (1910-1924)[4], Cha Phaolô Nguyễn Văn Chuyên (từ 1925, có Cha GB. Trương Đình Thắng làm phó 1925-1928).

b- Thành Giáo xứ độc lập

Năm 1928, Linh Yên trở thành Giáo xứ, có ba Giáo họ trực thuộc là Lệ Xuyên, An Trạch (phía Tây Bắc) và An Lưu (phía Đông Nam[5]), với Cha GB Trương Đình Thắng (gốc Phủ Cam) làm Quản xứ tiên khởi và ngài sẽ ở đây cho tới năm 1943.

Năm 1933 – theo Báo cáo Thường niên của Đức Cha Chabanon – một trận cuồng phong nổi lên ngày 02 tháng 11 đã làm Nhà thờ Linh Yên đổ sụp. Cha Thắng bèn sử dụng các mảnh vụn để dựng lên tại Lệ Xuyên (Giáo họ trực thuộc, nằm phía Tây Bắc Linh Yên, x. bản đồ) một nhà nguyện nhỏ và đã xây tại Linh Yên một Nhà thờ to hơn cái cũ. Nhưng vừa xây xong thì Nhà thờ bị sét đánh, chỉ chừa lại tháp chuông.

Năm 1934, Cha Thắng rửa tội 78 lương dân Linh Yên (Báo cáo của Đức Cha Chabanon).

Năm 1937, Lệ Xuyên có 295 tân tòng. (Báo cáo của Đức Cha Chabanon).

Năm 1942, An Lưu có chừng 12 gia đình với hơn 50 giáo dân.

Ở phó cho Cha Thắng có Cha Tôma Trần Văn Sâm (gốc Dương Sơn) từ 1932-1934, Cha Antôn Trần Văn Đức (gốc Ba Ngoạt) từ 1936-1938, Cha Gioakim Võ Quang (gốc Tây Linh) từ 1938-1939, Cha Philipphê Nguyễn Như Danh (gốc Nhu Lâm) từ 1939-1940, Cha Phêrô Hoàng Kính (gốc Loan Lý, QT) từ 1941-1942, biệt sở Lệ Xuyên.

Năm 1943, Cha Phêrô Trần Văn Điển (gốc An Ninh) đến kế nhiệm chức Quản xứ Linh Yên tới năm 1947 thì đổi đi Nhất Đông.

Từ 1948 đến 1954, do tình hình bất an tại địa phương, giáo dân ly tán, Linh Yên và các Giáo họ trực thuộc không còn mục tử.

Năm 1955, từ Nhu Lý, Cha Phêrô Lê Văn Ngọc (gốc An Vân) được phái đến làm Quản xứ Linh Yên mà lúc đó giáo dân đã trở về. Ngài đã xây lại Nhà thờ Linh Yên, Lệ Xuyên, An Lưu và An Trạch. Ngài ở cho tới năm 1960.

Từ 1961 đến 1964, Linh Yên ở dưới quyền cai quản của Cha Giuse Nguyễn Ngọc Ban (gốc Giáo phận Thái Bình di cư).

Năm 1964, Cha Ban xin vào Sài Gòn chữa bệnh rồi ở luôn trong đó. Nên Linh Yên và Lệ Xuyên, An Trạch chuyển thành các Giáo họ trực thuộc Mỹ Lộc, lúc Cha Phaolô Nguyễn Thanh Tiên bắt đầu trở thành Quản xứ Mỹ Lộc (xem trên).

Đang khi đó, từ năm 1960, do làng An Lưu có thêm nhiều người trở lại nên Giáo họ An Lưu được nâng thành Giáo xứ (khoảng 300 giáo dân), và Cha Lê Văn Ngọc trở thành Quản xứ tiên khởi. Tiếp nối ngài ở An Lưu là Cha Giacôbê Bùi Chung từ 1963-1967.

Biến cố Mậu Thân (1968) rồi Mùa hè Đỏ lửa (1972) làm cho giáo dân An Lưu ly tán, Nhà thờ An Lưu sụp đổ. Sau 1975, một ít trở về nhưng rồi lại phải vào Nam sinh sống. Thành ra hiện nay chẳng còn mấy ai giữ đạo (dù trên danh nghĩa, An Lưu bây giờ thuộc Giáo xứ Mỹ Lộc).

Đất nền Nhà thờ Giáo họ Linh Yên ngày xưa (nay là sân bóng đá)

Nhà nguyện Giáo họ Lệ Xuyên (tọa độ 16.8429 107.1981, xa Nhà thờ Lệ Xuyên cũ chừng 100 m)

———————————————————

[1] Trong vụ Văn Thân thiêu sát này, cả Cha Khoan (chính xứ Nhu Lý) và Cha Huấn (Phó xứ) đều bị giết chết tại Dương Lộc.

[2] Vùng này lúc đó đã ở dưới sự kiểm soát của chính phủ Cộng hòa Miền Nam Việt Nam.

[3] Mỹ Lộc thuộc xã Triệu Hòa; Lệ Xuyên, An Trạch, Vân Tường, Long Quang, Linh Yên thuộc xã Triệu Trạch; Hà Tây, Tường Vân thuộc xã Triệu An (xem bản đồ).

[4] Theo Báo cáo Thường niên năm 1913 của Đức Cha Allys gởi Hội Thừa sai Paris, thì sau khi đã rửa tội cho 81 tân tòng tại làng Linh Yên và chuẩn bị cho khoảng 50 người chịu phép Thêm sức, Cố Đề dự tính xây cho cộng đoàn này một ngôi nhà nguyện nho nhỏ; nhưng vài hào mục bên lương đã nêu lên nhiều khó khăn về khu đất trên đó sẽ xây lên nhà nguyện này, nên Cố đã phải tạm thời từ bỏ ý định. Thời gian sau, Nhà thờ Linh Yên được xây dựng, có thể do ngài hoặc do vị kế nhiệm: Cha Phaolô Nguyễn Văn Chuyên.

[5] Làng An Lưu này khác với làng An Lưu thuộc tỉnh Thừa Thiên, gần Dưỡng Mong, Diêm Tụ..

————————————————————–

Mọi góp ý, bổ sung, điều chỉnh xin vui lòng liên hệ với Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi theo địa chỉ email: witness2005@gmail.com Xin cám ơn quý vị rất nhiều.

Nhóm Biên sử Tổng Giáo phận Huế.