GIÁO SỞ PHAN XÁ
GIÁO XỨ PHAN XÁ
GIÁO HỌ ĐỒNG GIÁM – GIÁO HỌ GIÁO LIÊM
GIÁO HỌ NHU LÝ
Lược sử
GIÁO XỨ PHAN XÁ
I- VỊ TRÍ ĐỊA LÝ
Giáo xứ Phan Xá, Giáo hạt Quảng Trị, nằm trên địa bàn thôn Thanh Liêm, xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, cách Tòa Giám mục Huế hơn 63km theo đường chim bay về phía Tây Bắc.
II- NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN
Giáo xứ Phan Xá ngày nay kết nối lịch sử của mình với lịch sử các Giáo xứ vùng Dinh Cát, cách riêng với Đồng Giám, Nhu Lý, Giáo Liêm, nhất là với Đại Lộc (cách Phan Xá gần 3km5 về phía Nam). Các xứ đạo này đều nằm phía bắc huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
1- Từ cuộc truyền giáo của các Thừa sai Dòng Tên (từ 1617)
Vùng Dinh Cát (Quảng Trị) được đón nhận Tin Mừng từ năm 1617 do vị Linh mục Dòng Tên Francesco Buzomi, tiếp đó là từ các Cha Francisco de Pina, Alexandre Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ)…, với sự cộng tác của các Thầy giảng. Sau một thời gian, vùng Dinh Cát đã có đông người theo đạo. Nhiều cộng đoàn tín hữu được thiết lập. (Xem lược sử Giáo xứ Đại Lộc)
Khi các Cha Dòng Tên bị trục xuất năm 1665, thì có các Linh mục Hội Thừa sai Hải ngoại Paris (gọi tắt là MEP) tiếp nối công việc truyền giáo. Sử sách còn ghi tên một số vị như: Guillaume Mahot (1633-1684), Charles Labbé (1648-1723), Pierre de Sennemand (1660-1730)…
Đến đời chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần (1648-1687[1]) có lệnh cấm và bắt đạo với hai sắc chỉ năm 1663 và 1665. Một số quan chức theo đạo bị trảm quyết. Nhưng đến năm 1672, chúa Hiền lại tha đạo nên có rất nhiều người được rửa tội. Theo sử sách ghi lại, thời kỳ này có nhiều họ đạo (khoảng 37) được thiết lập tại vùng Dinh Cát, trong đó có Phan Xá.
Văn khố Tòa thánh hiện còn ghi tên các họ đạo: Đồng Giám, Đại Be (tức Đại Lộc), Nhu Lý, Kẻ Triêm (tức Thanh Liêm với Phan Xá), Kẻ Giáo (nay gọi là Giáo Liêm)… thuộc hạt Dinh Cát. Báo cáo của Cha Laurent Emmanuel (Lôrensô Lâu) gởi cho Đức Giám mục Giám quản Louis Laneau (MEP, ở Xiêm) vào ngày 17-02-1691, có nhắc đến các họ đạo Kẻ Giáo, Đồng Giám và Nhu Lý. Báo cáo của Cha lên Thánh bộ Truyền bá Đức tin ngày 16-02-1692 và 07-02-1694 cho biết Kẻ Giáo có 80 tín hữu, Đồng Giám 150, Nhu Lý 50[2].
Sau Hội Thừa sai Paris, đến lượt các Cha Dòng Phanxicô tham gia công việc truyền giáo. Đó là thời các chúa Nguyễn Phúc Chú (1725-1738) và Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765). Năm 1739, khi đinh kinh lý các Giáo xứ ở Thừa Thiên và Dinh Cát, Đức Khâm sai Elzéar-François des Achards de la Baume đã ghé thăm Đồng Giám ngày 17 tháng 09[3]. Năm 1747, vùng Dinh Cát lại được giao cho các Cha Dòng Tên lo mục vụ, trong đó có Phan Xá[4].
Năm 1750, Nhà thờ Phan Xá được làm bằng tre lợp tranh (Ngày nay còn di tích gọi là “Ruộng họ”, ruộng được làng Thanh Liêm trích để giúp cho họ đạo có nơi xây Nhà thờ và kinh phí lo việc thờ tự. Ruộng họ này còn được gọi là Nương biện, Nương hiệp)(xem dưới)
2- Lớn lên trong gian khổ
Năm 1765, quyền thần Trương Phúc Loan bắt đầu thao túng nhà chúa Nguyễn, gây khổ trăm họ. Vì thế ở Bình Định, 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ dấy binh chiếm thành Quy Nhơn (1771). Ở bắc chúa Trịnh Sâm đem quân vào chiếm thành Phú Xuân, khiến chúa Huệ phải chạy vào Gia Định (1775). Đất nước rơi vào cảnh chiến tranh giành ngôi báu giữa ba phe: Trịnh, Nguyễn, Tây Sơn (1774-1801), dân chúng phải khốn đốn trăm bề, tín hữu bị bắt bớ dữ dội, đặc biệt ở vùng Dinh Cát. Giáo dân Phan Xá cũng không tránh khỏi cảnh hoạn nạn này. Đây là thời Đức Mẹ hiện ra ở La Vang để an ủi tín hữu (1798).
Sau vài chục năm an bình thời Gia Long và đầu thời Minh Mạng, người Công tiếp tục bị triều đình bắt bớ và bị dân chúng kỳ thị liên miên từ 1825 đến 1885. Dữ dội nhất là đời các vua Minh Mạng (1820-1841), Thiệu Trị (1841-1847), Tự Đức (1847-1883). Đặc biệt vào thời Tự Đức, Phan Xá có Thánh tử đạo Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Trung.[5]
Năm 1861 (thời kỳ Phân Sáp), cộng đoàn Phan Xá được chăm sóc bởi Cha Phêrô Maria Trần Văn Mân. Sinh quán Thanh Lương, thụ phong năm 1851, ngài được sai đi mục vụ vùng Dinh Cát từ tháng 9-1853 đến tháng 3-1854, coi họ đạo Trung Quán (Quảng Bình), ở chung quanh vùng An Ninh, Cửa Tùng, không nhất định một chỗ, chăm sóc giáo hữu Phan Xá.
Linh mục Théodore Bernard, MEP, trong tập “Những tuyên tín nhân từ 1848-1862 của Bắc Đàng Trong” có viết về Phan Xá thời Phân sáp như sau:
“Trinh nữ có đạo tên Nương, sau khi quảng đại chịu 55 roi vì Đức Giêsu Kitô, đã chết do loạt roi đó trong nhà giam, nơi cô đã bị cầm tù”
“Một người có tên Đôminicô Sô, lương dân trở lại, 46 tuổi, (từ Di Loan) phải đày vào Phan Xá do lòng thù ghét đạo, đã bốn lần bị đánh 120 roi mà vẫn không bao giờ bằng lòng chối bỏ đức tin mình. Từ đó ông phải mang gông và xiềng lâu dài, cho đến khi bệnh tình buộc người ta phải tháo ra cho ông. Sau khi chịu đòn thêm một lần nữa với một sự kiên trì như thế, mặc dù rất đau đớn, ông chỉ sống thêm được 25 ngày. Ông đã chết cách thánh thiện, mình vẫn còn đầy thương tích. Xác ông được chôn cất long trọng ở Phan Xá. Hai người con ông còn nhỏ tuổi cũng bị đánh dã man như ông mà vẫn kiên trì không bỏ đạo”
Sau khi vua Tự Đức chấm dứt bắt đạo (1862), Đức Giám mục Joseph Hyacinthe Sohier (Bình) liền chỉnh đốn sự đạo, phân chia Giáo phận thành nhiều Giáo sở, mỗi Giáo sở có nhiều Giáo xứ và một Quản sở trông coi tại chỗ. Thông cáo 8-8-1867 của ngài cho biết : Phan Xá cùng với Nhu Lý và Giáo Liêm hợp thành Giáo sở Nhu Lý. Cha Phêrô Trương Công Quang (Giáo Liêm, Sư Lỗ) làm Quản sở tiên khởi.
Ngày 30 tháng 7 năm Ất Dậu (tức 06-9-1885, thời vua Hàm Nghi), Văn Thân “bình Tây sát Tả” 3 hôm liên tiếp. Số giáo dân từ những nơi khác về trốn trong các rừng cây chá bị truy lùng đem ra giết chết hoặc chôn sống trong tư thế đứng-ngồi. Rải rác nhiều mộ tập thể ở vùng Thanh Liêm và Phan Xá. (Thỉnh thoảng vẫn gặp những mộ chôn đứng nhiều người, khi dời lên thấy còn đeo tượng và chuỗi). Số giáo dân bị lùa vào Nhà thờ rồi thiêu cháy độ 120 người. Di tích của ngôi Nhà thờ bây giờ chỉ là một nền đất với Thánh giá cũ, chôn cất các vị tử đạo thời Văn Thân, có bia ghi lại thế này: “Nơi an nghỉ chứng nhân đức tin: 2 nữ tu, 1 thầy giảng, 120 giáo hữu. 06, 07, 08 tháng 9 năm 1885 (30 tháng 07 Ất Dậu)” Hai nữ tu này là hai chị Dòng Mến Thánh Giá Nhu Lý qua giúp họ Phan Xá từ đầu năm Ất Dậu.[6]
Nền Nhà thờ Phan Xá cũ – Ngày nay là Lăng Tử đạo,
Nơi chôn cất hơn 120 vị anh hùng đức tin (nằm giữa Nương biện)
Lăng tử đạo được trùng tu năm 2014
Năm 1886, dân làng Thanh Liêm đánh đuổi người Phan Xá vì cho rằng người Phan Xá ở choán hướng của họ. Bởi thế Nhà thờ và khu dân cư được dời vào vị trí như ngày nay.
3- Phát triển thành Giáo họ, Giáo xứ rồi lại Giáo họ
Năm 1890, Phan Xá được trông coi bởi Cha Đôminicô Nguyễn Văn Cửu (gốc An Lễ, Quảng Trị), Phó xứ An Ninh biệt sở. Ngài đã thoát chết trong vụ Văn Thân nhờ chạy vào Tiểu chủng viện An Ninh.
Năm 1905, Phan Xá có Quản xứ là Cha Têphanô Nguyễn Hữu Nông (gốc An Vân). Ngài coi sóc Giáo xứ này cho đến 1911 thì ngã bệnh và xin về quê quán.
Năm 1912-1914: Cha Mátthêô Đỗ Khắc Mỹ (gốc An Vân).
Năm 1915-1931: Cha Đôminicô Phạm Văn Yến (gốc Kẻ Hạc, QB).
Năm 1944-1952: Cha Gioan Baotixita Nguyễn Văn Đông (gốc Đại Lộc). Ngài xây trường tiểu học, lập sở Mến Thánh Giá thuộc các chị Di Loan. Rửa tội 1000 tân tòng tại đây, có các Cha phó lần lượt: Tađêô Trần Văn Tri, Phaolô Trần Công Khôi và G.B. Bửu Đồng. Ngài cũng xây Nhà thờ bằng gạch tô vôi lợp tranh năm 1950. Sau thời ngài, Phan Xá lại trở thành Giáo họ.
Năm 1956-1964: Cha Tôma Lê Văn Cầu (gốc Trí Bưu) làm Quản xứ Nhu Lý, kiêm các Giáo họ: Phan Xá, Mỹ Lộc, Thanh Xuân, Phó Hội, Hà Tây, Tường Vân, Giáo Liêm, Thanh Liêm, Hiền Lương, Quảng Điền. Năm 1962, Nhà thờ được Cha trùng tu, mái tranh thay thế bằng mái ngói. Tượng đài Thánh Phanxicô Trung và Lăng Tử đạo Phan Xá cũng được Cha xây dựng.
Năm 1968, Phan Xá được sát nhập vào Giáo sở Dương Lộc.
Năm 1975, Phan Xá được sát nhập vào Giáo sở Đại Lộc.
Năm 1985-1987, Phan Xá là nơi nhà cầm quyền dùng để quản thúc (giam lỏng) Cha Tôma Lê Văn Cầu, nguyên Quản xứ Trí Bưu. Ngày 3-7-1987, ngài bị mù mắt và ngất xỉu, nên được cho về Nhà Chung chữa bệnh.
Năm 1996, Cha Phanxicô Xaviê Lê Văn Cao (gốc An Vân), Quản xứ Đại Lộc kiêm Phan Xá, cho xây dựng lại ngôi Thánh đường như hiện còn.
Năm 2002, Cha Giuse Trần Viết Viên (gốc Thanh Cần), Quản xứ Đại Lộc kiêm Phan Xá.
Năm 2005, Cha P.X Trần Vương Quốc Minh (gốc Bố Liêu) thay thế Cha Trần Viết Viên.
4- Thành Giáo xứ rồi Giáo sở
Ngày 02-10-2008, Phan Xá lại được Đức Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể nâng thành Giáo xứ và Giáo sở (gồm thêm 3 Giáo họ Đồng Giám, Giáo Liêm và Nhu Lý) với vị Quản xứ và Quản sở tiên khởi là Cha Phaolô Trương Minh Tiên, gốc An Bằng. Ngài đã cơi nới Nhà thờ, làm cung thánh, sửa tiền đường, xây lại tháp chuông, đắp đường bêtông, xây bể chứa nước mưa cho dân chúng, lấy đất lại và xây dựng nhà mục vụ đa năng khang trang.
Ngày 30-07-2015, Đức Tổng Giám mục Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng bổ nhiệm Cha Giuse Võ Văn Phú (gốc Hà Úc) về thay Cha Tiên.
Ngài đã làm đài Thánh Ximong Phan Đắc Hòa (mới) và lăng Tử đạo Nhu Lý (trong cùng khuôn viên, năm 2017) cũng như làm lại đài và tượng Thánh Tử đạo Phanxicô Trung ở Phan Xá (trước mặt Nhà thờ, tháng 2-2020).
Bên trong Nhà thờ Phan Xá hiện thời
III- HOA TRÁI ĐỨC TIN
1- Linh mục Tu sĩ
1- Linh mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Huy sinh 20-05-1946, chịu chức 15-04-1975.
2- Linh mục Trương Hoàng Bửu. Năm sinh ? Năm chịu chức ?
3- Nữ tu Nguyễn Thị Ưng (con gái của Thánh Phanxicô Trung), Dòng Mến Thánh Giá Trí Bưu (+)
4- Nữ tu Nguyễn Thị Thạnh (con gái Thánh Phanxicô Trung), Dòng Mến Thánh Giá Trí Bưu (+)
5- Anê Hồ Thị Phước, sinh 12-12-1941, khấn trọn 16-07-1974, Dòng Mến Thánh Giá Huế (+)
2- Giáo dân (Giáo sở)
– Năm 2010: 231 người
– Năm 2015: 232 người
– Năm 2020: 139 người
************
GIÁO HỌ ĐỒNG GIÁM
Nhà thờ Đồng Giám, trùng tu năm 2003
I – VỊ TRÍ ĐỊA LÝ
Giáo họ Đồng Giám nằm trên địa bàn làng An Lợi, xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, cách Nhà thờ Phan Xá 1,5km về phía Tây Nam
II- NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN
1- Nhận hạt giống Tin Mừng từ khá sớm.
Năm 1617, thời chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635), Cha Francesco Buzomi, Dòng Tên người Ý (1576-1639), tới Việt Nam hai năm trước đó, đã khởi công gieo hạt giống Tin Mừng ở Dinh Cát (Quảng Trị) sau khi được chúa cho phép tự do truyền đạo từ Quảng Bình đến Phú Yên.
Nghe lời rao giảng của Cha, một số ít gia đình làng Trà Bát[7] (nơi các chúa Nguyễn đặt dinh khoảng từ 1569 đến 1626) đã hân hoan đón nhận Chúa. Dần dà, các làng lân cận nằm về phía bắc Trà Bát như Đại Lộc, Dương Lệ, Đồng Giám, Phan Xá… cũng mở lòng tiếp nhận đức tin.
Cha F. Buzomi sau đó được sự trợ giúp và tiếp nối của các Thừa sai khác như Francisco Barreto, Francisco de Pina, nhất là Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) từ năm 1644, với sự cộng tác đắc lực của các Thầy giảng, giáo dân tân tòng. Sau các Cha Dòng Tên là đến các Cha Hội Thừa sai Paris (MEP) với sự cộng tác của nhiều Linh mục bản địa tiên khởi
Năm 1691, Cha Laurent Emmanuel (Lôrensô Lâu, một trong những Linh mục tiên khởi), trong báo cáo gởi Đức Giám mục Giám quản Louis Laneau (MEP, ở Xiêm), có nhắc đến các họ đạo Đồng Giám, Nhu Lý và Giáo Liêm. Báo cáo của Cha lên Thánh bộ Truyền bá Đức tin ngày 16-02-1692 và 07-02-1694 về cuộc kinh lý của Đức Giám mục Francisco Pérez (mà Cha tháp tùng), đã cho biết Đồng Giám có 150, Giáo Liêm có 80 và Nhu Lý có 50 tín hữu[8].
2- Trở thành Giáo xứ, kinh qua gian khổ
Năm 1739, khi đinh kinh lý các Giáo xứ ở Thừa Thiên và Dinh Cát, Đức Khâm sai Elzéar-François des Achards de la Baume đã ghé thăm Đồng Giám ngày 17 tháng 09. Bản tường trình bằng La ngữ cho biết Đồng Giám lúc ấy là một Giáo xứ đã thành lập được 20 năm[9]. Sách “Miền truyền giáo Đàng Trong và Đàng Ngoài” (Mission de la Cochinchine et du Tonkin) của các Linh mục Dòng Tên xuất bản tại Pháp năm 1858 cho biết thêm: Giáo xứ Đồng Giám được Linh mục Étienne Lopez (hay Lopès) coi sóc từ 1721 đến 1741, sau đó ngài trở về Áo Môn (Macao) nhưng vẫn gởi thư và quà cho giáo hữu của mình ở Đồng Giám. Vậy Cha Lopez có thể coi là Quản xứ tiên khởi.
Theo “Tiểu sử các Linh mục Giáo phận Huế”[10] thì vị chủ chăn người Việt đầu tiên cai quản Đồng Giám là Cha Tađêô Triêm (1837-1856, gốc Kẻ Sen). Cuốn “Sơ lược Tiểu sử họ Đồng Giám” của nhóm đồng hương này nói thêm ở trang 6: Giáo xứ xây dựng Nhà thờ đầu tiên bằng gạch trong thời gian Linh mục Tađêô Triêm làm Chánh xứ từ 1837. (Cũng theo tài liệu này, ngôi Nhà thờ nói trên đã bị Văn Thân đốt cháy cùng với hàng trăm tín hữu bên trong vào tháng 09-1885).
Tiếp đó là Cha Têphanô Phạm Văn Cẩm (1854-…., gốc Phủ Cam). Sau khi rời chủng viện Kẻ Sen, nơi ngài từng làm giáo sư, Cha coi sóc vùng Dinh Cát 8-9 năm, không nhất định chỗ nào. Ngày 27-9-1860, ngài viết thư cho Đức Cha Sohier: “Đồng Giám và Dương Lộc bán Nhà thờ mà không nói chi với ai cả”. Ngày 27-2-1861 ngài viết một lá thư khác: “Chức việc miền Dinh Cát bỏ đạo gần hết”. Mà đó chính là thời Phân sáp.
Trong thời này, theo tập sách “Những tuyên tín nhân từ 1848 đến 1862 tại Bắc Đàng Trong”, nguyên văn Pháp ngữ, của Linh mục Théodore Bernard, đăng trên Biên niên sử của Hội Thừa sai Paris năm 1918, thì Giáo xứ Đồng Giám có 2 vị (tạm dịch):
Nho sĩ Nhường, một người rất được kính nể, làm lục sự từ năm thứ 9 đời vua Tự Đức. Ông đã chu toàn chức vụ này tại Kinh đô mà nay phải rời bỏ và mất chỗ vì tư cách kitô hữu của mình, vào năm thứ 12 của cùng đời vua. Lần đầu tiên, ông đã từ chối bỏ đạo trước mặt các cấp trên của mình, và lần thứ hai trước Thượng thư bộ Hình, kẻ đã không hề tha cho ông những đòn tra tấn dữ dằn nhất. Ông đã phải rời bỏ những công việc nạo vét và đào đất nặng nhọc mà người ta đã giao cho ông ban đầu, để mang gông đinh và bị tạm giam ở tỉnh đường; việc này đã kéo dài 16 tháng. Bản án của ông là mang xiềng và lưu đày ở tỉnh Tuyên Quang. Dọc đường, ông được diễm phúc là đã có thể xưng tội hai lần. Tháng thứ tám, năm thứ 13 đời vua Tự Đức, người ta đã tống ông vào ngục tối khi vừa đến chốn lưu đày. Chẳng bao lâu sau, do mắc thổ tả, ông mất ngày 04 tháng 12 cùng năm, vào buổi chiều. Trước khi tắt thở, ông đã bày tỏ ước muốn được xưng tội, nhưng bất khả, vì không có Linh mục. Hôm sau, các kitô hữu đồng hương và các bạn đồng cảnh lưu đày, đã chôn cất ông cách long trọng. Thân xác ông đầu quay về làng Xá Tài, chân quay về làng Tân An; bên tả là mộ của cai đội Lộc và bên hữu là mộ của Ông Tú.
Một người tên Đầy, cũng là nho sĩ, vốn yếu lắm rồi, nhưng cũng đã có thể lãnh 20 roi đòn mà không xúc động. Khi được đưa trở lại nhà tù, do lòng kiên trì cao quý trong đức tin như thế, ông đã chết vì kiệt sức, trước khi bản án lưu đày của ông tới nơi.
Tháng 8-1867, Thông cáo của Đức Giám mục Giáo phận Sohier (Bình) về việc sắp xếp các Giáo sở đã cho biết: Đồng Giám cùng với Đại Lộc, Dương Lệ, Dương Lộc, Kẻ Nghĩa hợp thành Giáo sở Đại Lộc với vị Quản sở tiên khởi là Cha G.B Bùi Quang Lợi (gốc Nam Tây).
Vào năm 1871, Cha Tôma Nguyễn Ngọc Huệ (1871-1905, gốc Da Môn) làm Quản xứ Đồng Giám, có lẽ cho tới năm 1883. Có em ruột là Cha Micae Nguyễn Ngọc Án đến ở cùng, khoảng năm 1880. Sau đó Đồng Giám cùng với Kẻ Nghĩa lại trực thuộc Dương Lộc (như chứng từ tiếp đây)
Về thời Văn Thân “bình Tây sát Tả”, tập sách “Một trang lịch sử tỉnh Quảng Trị tháng 9-1885” nguyên văn Pháp ngữ, của công sứ Pierre Jabouille có cho biết vào ngày 07-09-1885 “cộng đoàn kitô hữu nhỏ bé lân cận (Dương Lộc) là Đồng Giám, vì bị canh giữ, đã không thể trốn chạy, và 240 người Công giáo tại đó đã bị cắt cổ trong Nhà thờ. Một họ nhánh khác của Dương Lộc là Kẻ Nghĩa, sau khi nhiều nhà bị hỏa thiêu, cũng thấy biến mất 60 người của mình”. Chỉ có một số đi làm ăn xa, một số nhanh chóng bỏ chạy, một số em nhỏ gởi bà con bên lương là còn sống sót.
3- Trở thành Giáo họ của Đại Lộc hay Dương Lộc
Khi tái lập sau vụ Văn Thân thiêu sát, Đồng Giám cùng với các Giáo họ Dương Lệ Văn, Dương Lệ Đông, Dương Lộc, Phúc Lộc trực thuộc Giáo xứ Đại Lộc.
Thời gian Cha Đôminicô Phạm Văn Yến (1904-1941, gốc Kẻ Hạc) làm Phó xứ Đại Lộc biệt cư Đồng Giám (1908-1915), ngài đã xây lại Nhà thờ khá khang trang, ở địa điểm mới, có chiều dài 26 mét, ngang 10 mét và tháp chuông cao 18 mét. (Ngôi Nhà thờ này bị phi cơ Pháp dội bom ngày 22-07-1953 chỉ còn lại ngọn tháp đứng chơ vơ, cho đến năm 1956 thì cũng đổ sập).
Ngài cũng xây lăng Tử đạo Đồng Giám, có bia ghi rõ: hơn 150 tín hữu đã bị Văn Thân sát hại trong Nhà thờ cũ (Cha Triêm xây) ngày 09-09-1885 (xem ra không khớp với lời P. Jabouille).
Lăng Tử đạo Đồng Giám, trùng tu năm 2003
Năm 1915-1916, Cha Jules Montagnon (Cố Minh)
Năm 1916-1922, Cha Tađêô Đỗ Văn Cử (gốc Bích Khê, 1905-1949)
Năm 1922-1931, Cha Phêrô Nguyễn Văn Chức (gốc Thợ Đúc, 1897-1944).
Sau 1931, Đồng Giám là Giáo họ trực thuộc Giáo xứ Đại Lộc hoặc Dương Lộc tùy theo từng thời kỳ phân chia Giáo xứ.
Năm 1957, khi Cha Đôminicô Lê Hữu Luyến (gốc Di Loan, 1926-1969) làm Chánh xứ Dương Lộc (1951-1961), ngài đã cho xây dựng lại Nhà thờ Đồng Giám mới với diện tích như cũ, vách xây, mái lợp tôn, vài kèo bằng sắt, nhưng không có tháp.
Năm 1964-1967, Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hòa (gốc Đồng Giám, 1924-1979) làm Quản xứ Dương Lộc, kiêm Đồng Giám. Sau khi làm Quản xứ Đại Lộc (1967-1970), ngài xin về quê Đồng Giám hưu dưỡng. Năm 1971, người con của Giáo họ đang hưu trí đã cùng giáo dân làm lại ngôi Nhà thờ lần nữa bằng bê tông cốt sắt kiên cố hơn. Nhà thờ chưa hoàn thành thì biến cố Mùa hè Đỏ lửa 1972 xảy ra. Cuộc chiến 1972-1973 đã khiến tất cả giáo dân Giáo họ chạy tránh bom đạn, mãi cho đến sau tháng 4-1975, khi bốn gia đình con dân trở về làng thì tất cả đã thành bình địa.
Những ngày tháng sau chiến tranh, đời sống của giáo dân về vật chất lẫn tinh thần quả là gian nan vất vả, nhưng Chúa đã chẳng bỏ đàn chiên bơ vơ không người chăn dắt. Năm 1975 Tổng Giáo phận đã sai Linh mục PX. Lê Văn Cao (gốc An Vân) về làm Chánh xứ Đại Lộc kiêm họ nhánh Đồng Giám. Ngài đã cho trùng tu ngôi Nhà thờ cũ bị bom đạn phá sập, cũng như xây dựng và hoàn tất lăng Ngài Khai khẩn.
Cũng dưới thời Cha Cao, trước năm 2000, có ông Micae Nguyễn Huyên (người gốc Đồng Giám) về thăm quê và xây lăng cho ông bà; trong dịp này ông đã dâng cúng để tu sửa lại Lăng Tử đạo Đồng Giám. Tiếp đến tháng 08-2002, thời Cha Giuse Trần Viết Viên, Quản xứ Đại Lộc kiêm nhiệm, tín hữu trong Giáo họ kêu gọi con dân cũng như thân thuộc xa gần cùng chung tay góp của, góp công đại trùng tu nhà Chúa, cùng với lăng Tử đạo của Giáo họ. Tháng 06-2003 công việc trùng tu đã hoàn tất, Nhà thờ và Lăng Tử đạo đã được Đức Tổng Giám mục Têphanô thân chinh đến làm phép và khánh thành.
Năm 2005-2008, khi làm Quản xứ Đại Lộc kiêm nhiệm Đồng Giám, Cha Phanxicô Xaviê Trần Vương Quốc Minh đã kêu gọi bà con giáo dân Đồng Giám tại chỗ và ly hương (nhưng thường về thăm quê dịp mừng Bổn mạng Giáo họ (Lễ Mẹ lên Trời) và chạp giỗ tổ tiên) hãy đóng góp để trùng tu tiếp Nhà thờ và xây nhà mục vụ.
Tháng 10 năm 2008, Cha Phaolô Trương Minh Tiên được bổ nhiệm làm Quản xứ Phan Xá, kiêm Đồng Giám, đã hoàn tất việc trùng tu như thấy hôm nay.
4- Trở thành Giáo họ của Phan Xá
Từ tháng 10-2008 đến nay, Giáo phận thành lập thêm Giáo sở mới là Phan Xá. Đồng Giám là họ nhánh của Phan Xá do Cha Phaolô Trương Minh Tiên (quê quán An Bằng, Thừa Thiên) coi sóc.
Từ 2008, Cha Phaolô tiếp tục sửa sang Nhà thờ Đồng Giám. Năm 2014, ngài xây dựng thêm nhà mục vụ và khánh thành vào ngày 15-08-2014 nhân lễ Bổn mạng Giáo xứ.
Từ ngày 30-7-2015, Linh mục Giuse Võ Văn Phú làm quản xứ Phan Xá kiêm Đồng Giám.
5- Tổng lược các vị Quản xứ Đồng Giám
1- Lm Tôma Nguyễn Ngọc Huệ (1871-1883).
2- Lm Jules Montagnon (Cố Minh) (1915-1916).
3- Lm Tađêô Đỗ văn Cử (1916-1922)
4- Lm Phêrô Nguyễn Văn Chức (1922-1931).
5- Lm Phaolô Nhuyễn Thanh Hòa (1970-1972)
III- HOA TRÁI ĐỨC TIN:
a- Linh mục
Phaolô Nguyễn Thanh Hòa. (1893-1924-1979). Qua đời ngày 30-12-1979 tại Đức Linh, Bình Thuận. An táng tại Nhà thờ Võ Đắc, Bình Thuận, hưởng thọ 86 tuổi, 55 năm Linh mục.
b- Tu sĩ nam nữ:
– Đan sĩ Máctinô Porét Trần Minh Điệp, đan viện Thánh Mẫu Châu Thủy, Bình Tuy.
– Nữ tu Têrêxa Phan Nhất Kim Cẩm (sn 1974, vk 2008), Dòng MTG Huế.
– Nữ tu Mácta Phan Thị Thanh, Dòng MTG Quy Nhơn.
– Nữ tu Maria Phan Thị Lệ Quyên, Dòng MTG Phan Thiết.
– Nữ tu Maria Trần Thị Chung, Dòng Con ĐM Vô Nhiễm.
*************
GIÁO HỌ GIÁO LIÊM
Nhà thờ Giáo Liêm, khánh thành ngày 05-08-2011.
I- VỊ TRÍ ĐỊA LÝ
Giáo họ Giáo Liêm nằm trên địa bàn thôn Giáo Liêm, xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, cách Nhà thờ Phan Xá gần 1km5 về phía Bắc.
II- HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Theo sử liệu, vùng Dinh Cát (Quảng Trị) đã nhận được hạt giống Tin Mừng khoảng năm 1617 trở đi, do các Linh mục Dòng Tên, thời chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên cai trị Đàng Trong nước Việt (1613-1635). Khi các Cha Dòng Tên bị trục xuất năm 1665, thì có các Linh mục Hội Thừa sai Hải ngoại Paris (gọi tắt là MEP) tiếp nối công việc truyền giáo. Các họ đạo dần dần thành hình.
Như đã nói trên, báo cáo của Cha Laurent Emmanuel (Lôrensô Lâu) gởi cho Đức Giám mục Giám quản Louis Laneau (MEP, ở Xiêm) vào ngày 17-02-1691, có nhắc đến các họ đạo Nhu Lý, Giáo Liêm và Đồng Giám. Báo cáo của Cha lên Thánh bộ Truyền bá Đức tin ngày 16-02-1692 và 07-02-1694 cho biết Giáo Liêm có 80 tín hữu, Đồng Giám 150, Nhu Lý 50.
Họ đạo nhỏ bé này cũng đã trải qua những lúc thăng trầm (được tự do hay chịu bách hại) thời các chúa Nguyễn, các vua Tây Sơn rồi các vua Nguyễn cai trị Đàng Trong đất Việt.
Đặc biệt vào thời Văn Thân (dưới triều Tự Đức rồi triều Hàm Nghi), chủ trương “Bình Tây Sát Tả” dưới danh nghĩa “Cần Vương” (phò vua), đã khơi dậy sự thù ghét người Công giáo. Giữa năm 1885, vua Hàm Nghi rời Tân Sở (Quảng Trị) ra Tuyên Hóa (Quảng Bình), Văn Thân bèn đánh chiếm thành Quảng Trị vào tháng 9, tiêu diệt các làng Công giáo quanh vùng. Tập “Một trang huyết lệ trong lịch sử tỉnh Quảng Trị – tháng Chín tây năm 1885” do công sứ Pierre Jabouille viết, Linh mục Adolphe Delvaux dịch, bổ chính và chú thích, đăng trên Bulletin des Amis du Vieux Hué, năm 1923, có nói về họ đạo Giáo Liêm như sau: “Họ Giáo Liêm là một nhánh thuộc bổn sở Nhu Lý, lúc ấy có 130 giáo dân. Đảng Văn Thân làm cho họ mắc mưu: một viên quan hồi hưu, nguyên Sơn Phòng Cam Lộ, lấy cớ rằng chiêu tập họ để lánh nạn, đảng Văn Thân thừa cơ ấy mà đẩy họ vào Nhà thờ rồi thiêu sống. Chỉ còn một giáo dân lúc ấy ở tại Huế và ba bốn người đàn bà hoặc con nít như nhờ có phép lạ nên mới thoát khỏi”.
Về sau, con cháu đã gom lại và chôn cất ở vị trí như hiện nay:
Lăng Tử đạo Giáo Liêm
Trong suốt thời gian tồn tại của mình, Giáo Liêm khi thì thuộc Nhu Lý, khi thì thuộc Đại Lộc, khi lại thuộc Dương Lộc, mãi cho đến tháng 10-2008 thì thuộc Phan Xá.
Đầu năm Mậu Thân (1968), chiến tranh hai miền Nam–Bắc lan tràn dữ dội. Hứng chịu sự tàn phá nặng nề nhất là vùng giới tuyến mà địa bàn là tỉnh Quảng Trị. Dân Giáo Liêm buộc phải rời bỏ quê hương. Cuối năm 1969, chiến tranh bớt tàn khốc, một số người lần lượt kéo về làng.
Vào “Mùa hè đỏ lửa” năm 1972, bom đạn một lần nữa thả xuống vùng bắc Quảng Trị, trong đó có Giáo Liêm, làm cho Nhà thờ (không rõ xây năm nào) bị hư hại nặng nề, chỉ còn lại trơ trọi tháp chuông.
Sau biến cố 1975, cuộc sống người dân bước vào một giai đoạn khó khăn về cả vật chất lẫn tinh thần, mặt kinh tế lẫn mặt sống đạo. Tín hữu Giáo Liêm lại một lần nữa ra đi: kẻ vào Đồng Nai, người lên Buôn Mê Thuột… chỉ còn 3 gia đình ở lại. Mọi sinh hoạt tôn giáo do Cha sở Đại Lộc kiêm nhiệm.
Đầu năm 2004, Linh mục Emmannuen Nguyễn Vinh Gioang (gốc Kim Long), Quản xứ Diên Sanh kiêm quản hạt Quảng Trị, đã giúp xúc tiến việc xây dựng lại Thánh đường Giáo Liêm bị chiến tranh tàn phá, giữa lúc Cha Giuse Trần Viết Viên làm quản xứ Đại Lộc kiêm Giáo Liêm (2002-2005).
Năm 2005, Giáo sở Đại Lộc có Cha sở mới PX. Trần Vương Quốc Minh. Ngài đã tiếp tục công việc của Cha Nguyễn Vinh Gioang là làm giấy tờ xin lại đất Giáo họ và xin phép xây Nhà thờ. Lễ Chúa Ba Ngôi (bổn mạng Giáo Liêm) năm 2006, công trình khởi sự.
Năm 2008, Giáo Liêm trở thành họ nhánh của Phan Xá; Cha Phaolô Trương Minh Tiên (Quản xứ tiên khởi Phan Xá) tiếp tục công việc xây dựng Nhà thờ và đã khánh thành nó ngày 05-08-2011.
Từ năm 2015 Cha Giuse Võ văn Phú quản xứ Phan Xá kiêm Giáo Liêm. Ngài đang nỗ lực tìm cách trùng tu lăng Tử đạo của Giáo họ này.
III- HOA TRÁI ĐỨC TIN
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa (1957-1996-) (Giáo phận Ban Mê Thuột).
*************
GIÁO HỌ NHU LÝ
I- VỊ TRÍ ĐỊA LÝ
Giáo họ Nhu Lý nằm trên địa bàn làng Nhu Lý, xã Triệu Phú, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, cách Nhà thờ Phan Xá khoảng 2km về phía Đông. Đây từng là một làng toàn tòng Công giáo, nằm trong Giáo hạt Dinh Cát Trung thời kỳ từ 1954-1972.
II- HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
1- Từ cuộc truyền giáo của Dòng Tên và Hội Thừa sai tại Dinh Cát
Theo sử liệu, vùng Dinh Cát (Quảng Trị) đã nhận được hạt giống Tin Mừng khoảng năm 1617 trở đi, do các Linh mục Dòng Tên, thời chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên cai trị Đàng Trong nước Việt (1613-1635). Khi các Cha Dòng Tên bị trục xuất năm 1665, thì có các Linh mục Hội Thừa sai Hải ngoại Paris (gọi tắt là MEP) tiếp nối công việc truyền giáo. Các họ đạo dần dần thành hình.
Nhưng cũng từ đó, cuộc sống đức tin bắt đầu gặp khó khăn. Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan (1635-1648), do lời dèm pha của cận thần, đã khởi sự bách hại đạo. Các nạn nhân đầu tiên của ông là thầy giảng Anrê ở Phú Yên và thầy giảng Inhaxu ở Liêm Công, Quảng Trị (cả hai đều là học trò Cha Đắc Lộ). Con của ông là chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) cũng tiếp tục đường lối tiên vương. Máu tử đạo bắt đầu nhuộm thắm vùng Dinh Cát. Sử sách còn ghi lại một số chứng nhân tiên khởi như quan Phêrô Văn Nết, ông Phêrô Đang, ông Phêrô Ký làng Trà Bát (ông Văn Nết tử đạo năm 1656, hai vị còn lại tử đạo năm 1661)… ông Mattêô Văn/Ven làng Dương Lệ Văn (tử đạo năm 1665).
Một số tín hữu miền Dinh Cát đã phải tìm đến vùng lau sậy gần Cửa Việt để trốn tránh (xem bản đồ). Nhóm nhỏ ít người này đã sinh sôi nẩy nở thành một cộng đồng đông đúc; họ khai phá vùng đất hoang vu thành nương vườn tươi tốt, ruộng đồng màu mỡ mang tên là Nhu Lý.
Vào tháng 02-1691, Cha Laurent Emmanuel (Lôrensô Lâu, một trong những Linh mục Việt Nam tiên khởi và là cộng tác viên của các Cha Hội Thừa sai Hải ngoại Paris, những vị đến tiếp nối công việc các Cha Dòng Tên tại Thuận Hóa và Dinh Cát) gởi cho Đức Giám mục Giám quản Louis Laneau (ở Xiêm) một báo cáo về giáo đoàn Đàng Trong. Báo cáo có nhắc đến tên các họ đạo Nhu Lý, Giáo Liêm và Đồng Giám. Bản tường trình cũng của Cha lên Thánh bộ Truyền bá Đức tin ngày 16-02-1692 và 07-02-1694 cho biết Giáo Liêm có 80, Đồng Giám có 150, Nhu Lý có 50 tín hữu.
Họ đạo nhỏ bé này cũng đã trải qua những lúc thăng trầm (được tự do hay chịu bách hại) thời các chúa Nguyễn, các vua Tây Sơn rồi các vua Nguyễn cai trị Đàng Trong đất Việt.
Trong thời gian này, đất Nhu Lý đã sản sinh được một người con làm Linh mục tiên khởi là Cha Marinô Nguyễn Công Hiền, sinh năm 1769, chịu chức năm 1799, hoạt động mục vụ tại miền Nam và mất năm 1804 (theo chứng từ của Đức Giám mục Jean Labartette, Đại diện Tông tòa Đàng Trong 1784-1823, đặt trụ sở ở Cổ Vưu)[11]
Thời chúa Nguyễn Ánh lên ngôi, lấy đế hiệu Gia Long (1802-1820), đạo được bình yên, do nhà vua mang ơn Đức Cha Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine) đã có công giúp lấy lại giang sơn từ tay con cháu Nguyễn Huệ.
2- Trải qua những cơn bách hại
Nhưng đến thời Minh Mạng và Tự Đức, Công giáo lại bị bách hại dữ dội.
Đặc biệt trong cuộc bắt đạo vào cuối đời vua Minh Mạng (1838-1840), Giáo xứ Nhu Lý đã có 2 tấm gương sáng chói, đó là Thánh Ximong Phan Đắc Hòa và Chân phước Gilles Delamotte.
Thánh Phan Đắc Hòa sinh năm 1774, trong một gia đình lương dân tại làng Mai Vĩnh, tỉnh Thừa Thiên, theo mẹ về ở làng Nhu Lý năm 12 tuổi rồi trở lại đạo. Ngài có vào chủng viện 1 năm, sau về lập gia đình, sinh được 12 đứa con. Là một thầy thuốc uy tín, đạo đức và nhân ái, ngài được bầu làm trùm họ. Khi vua Minh Mạng bách hại Công giáo, ngài vẫn can đảm “chứa chấp các đạo trưởng” trong nhà mình.
Đang khi đó thì từ 1831, có Thừa sai Gilles Delamotte, MEP, người Pháp, sinh năm 1799, sang truyền giáo tại Việt Nam, năm 1832 đến coi sóc Nhu Lý (xem như Quản xứ tiên khởi). Năm sau ngài đã phải trốn chạy vào Dương Sơn, Cồn Hến, Nhu Lâm rồi trở về nhiệm sở. Năm 1838 lại phải sống lang thang. Về Nhu Lý tháng 3-1840, ngài lại bị phát hiện. Tối ngày 13-04-1840, đang khi trùm họ Phan Đắc Hòa dùng thuyền đưa ngài đi trốn thì cả hai Cha con bị bắt rồi bị giải về Huế. Cha Delamotte sau đó chết rũ tù ngày 03-10-1840[12] còn trùm họ Phan Đắc Hòa bị xử trảm ngày 12-12 cùng năm tại Cống Chém, An Hòa.
Trong cuộc Phân sáp (1860-1862) dưới triều Tự Đức, họ đạo Nhu Lý đã có 3 chứng nhân theo lời Linh mục Théodore Bernard, MEP, trong tập “Những tuyên tín nhân từ 1848-1862 của Bắc Đàng Trong” (nguyên văn tiếng Pháp, tạm dịch):
Trong tỉnh Quảng Trị, huyện Đăng Xương, tổng Diên Cự, thôn làng và họ đạo Nhu Lý, các binh sĩ Nhiệm, Lành và Hiền (tôi không biết tên thánh của họ), vì cả ba quảng đại từ chối bỏ đạo, do đó, trong 2 lần khác nhau, đã bị giam 3 tháng ở tỉnh đường của kinh đô đang lúc chờ xét xử. Sau khi tuyên án lưu đày trong tỉnh Bắc Ninh, người ta đã xiềng xích họ liền. Năm tiếp đó, sau bao nhiêu nhục mạ và mệt nhọc, họ đã đến nơi lưu đày. Ở đó, người ta tống họ vào ngục tối, không bao giờ cho ra khỏi. Ngày và đêm, họ vẫn mang xiềng xích nặng nề; họ chỉ nhận được thức ăn mỗi ngày một lần, đến nỗi cơn đói dằn vặt họ dữ dội.
Năm 1862, họ bị mang cùm ngày đêm; hơn thế nữa, người ta còn bắt họ nằm trên nền đất ẩm ướt, với một thanh ngang bằng tre ép thúc lồng ngực được buộc chặt vào hai thanh tre khác cắm hai bên người tù. Tay và chân của họ còn bị cột dã man hơn trước. Từ thời đó, người ta không còn cho họ uống gì; họ chỉ có một chén cơm nhỏ mỗi ngày. Việc này kéo dài gần hai tháng. Ngày thứ tư của tháng thứ mười, người ta mới tháo họ khỏi gông cùm và dây trói. Nhưng đã quá trễ.
Kiệt lực vì đói khát và đau đớn, cả ba đều ngã bệnh như nhau và cùng chết bằng một cái chết thánh thiện. Người ta đã tìm thấy họ thanh ngang còn trên ngực, chân bên cùm, nằm dài trên chiếu rách, không áo xống gì cả. Người ta biết tháng, nhưng không biết ngày họ mất. Những người lính có đạo đã chôn cất xác họ, không rõ nơi nào.
2- Thầy giảng Sâm, chịu ba mươi roi mây vì đức tin, nhưng chẳng muốn chối đạo với bất cứ giá nào. Thầy bị tống vào tù và liên tục bị trói vào một cái cọc. Sau vài ngày chịu khổ, thầy đã chết ở đó, được củng cố nhờ các bí tích của Giáo hội.
3- Phú hào Quờn, bà Cẩn, tín hữu Tùy và tín hữu Sắc, bị cầm tù vì đã anh dũng tuyên xưng đức tin, cả bốn vị đều đã chết sau khi nhận lãnh các bí tích cuối cùng với một lòng sốt sắng lớn lao.
Ghi chú: Cộng đoàn Kitô Nhu Lý đã luôn trổi vượt về lòng sốt sắng, sự tận tâm và niềm tôn kính đặc biệt đối với Đức Trinh Nữ rất thánh.
Từ năm 1867, thời Đức Giám mục Hyacinthe Sohier (Bình), Giáo phận bắt đầu được chia thành nhiều Giáo sở, mỗi Giáo sở có Quản sở chính thức, với bài sai, làm mục vụ tại chỗ. Thông cáo ngày 8 tháng 8 năm 1867 của Đức Cha cho biết Nhu Lý là Giáo xứ chính làm thành Giáo sở Nhu Lý với Phan Xá và Giáo Liêm. Quản sở tiên khởi là Cha Phêrô Trương Công Quang (chánh quán Sư Lỗ, sinh quán Giáo Liêm). Ngài coi sóc Giáo sở tới năm 1875, đồng thời cũng được Đức Cha đặt làm bề trên 2 tu viện Mến Thánh Giá Nhu Lý và Bố Liêu.
Đến thời Văn Thân (triều vua Hàm Nghi), Nhu Lý lại trải qua cơn khổ nạn càng lớn lao hơn nữa. Lúc này tại đây, Cha Gioan Đoạn Trinh Khoan đang làm Quản xứ (1882-1885), có Cha GB Lê Văn Huấn ở phó. Tập “Một trang huyết lệ trong lịch sử tỉnh Quảng Trị – tháng Chín tây năm 1885” do công sứ Pierre Jabouille viết, Linh mục Adolphe Delvaux dịch, bổ chính và chú thích, đăng trên Bulletin des Amis du Vieux Hué, năm 1923, có nói về họ đạo Nhu Lý như sau:
“Nhu Lý là một làng toàn giáo dân. Đó là chánh quán của đấng chơn phước Simon Hoà. Năm 1885, hội giáo ấy có chừng 430 hoặc 440 bổn đạo và một nhà phúc có 58 chị nữ tu. Ngày 7 tháng 9 tây, trống giục liên thanh trong các làng lân cận, những toán Văn Thân có khí giới tiến về hướng Nhu Lý mà chốc lát bị bổ vây.
“Ngày hôm trước, các chị nhà phúc, vị Linh mục bổn quốc (Cha Khoan) và Cha phó của ngài (Cha Huấn nhỏ) cùng hai phần ba bổn đạo đã chạy trốn tại Dương Lộc, là nơi đã định kháng cự nên có xẩy ra sự nguy hiểm. Tám mươi giáo dân biết rằng Dương Lộc là nơi không chắc chắn, nên do đường biển chạy vào Huế trốn.
“120 giáo dân, dầu sao cũng trụ tín ở lại Nhu Lý. Họ bị bổ vây, giết từng người hoặc bị xô đẩy vào Nhà thờ. Họ toan kháng cự, nhưng mà những luỹ ải đơn sơ quá, họ không đủ sức kháng cự lại với những người bổ vây đông hơn họ nhiều lắm, nên họ phải thất bại, Nhà thờ bị đốt phá, còn giáo dân bị vùi dập dưới đống tro tàn. Chiều thứ hai, không còn một người giáo dân nào sống sót tại Nhu Lý. Nhà thờ, nhà phúc, nhà của giáo dân đều bị đốt phá tan tành. Đảng Văn Thân không tìm được tiền bạc vật quí gì hết trong nhà phúc, nên thất vọng, họ liền chặt cây trong vườn và chia trâu bò. Nhà phúc Nhu Lý chỉ còn lại một chị lúc bấy giờ ở ngoài Quảng Bình”
“….Nói rút lại, địa sở Nhu Lý (họ sở tại và các họ nhánh) cả thảy thiệt hại 801 giáo dân”.
Sau vụ thảm sát kinh hoàng này, Nhu Lý còn lại khoảng 150 giáo dân.
3- Tái xây dựng và phát triển
Năm 1902-1909, Cha Laurent Guichard (Cố Ngãi) đến thay thế Cha Giacôbê Nguyễn Văn Sĩ (gốc An Do Đông, đã coi Nhu Lý từ 1886-1902) và kiêm thêm một số Giáo họ lân cận (trong đó có Mỹ Lộc). Năm 1904, ngài xây ngôi Nhà thờ mới ngay trên chỗ Nhà thờ cũ đã bị Văn Thân phá hủy. Lúc đó ngài viết: “Năm này đối với tôi là một năm chiến đấu, vì những sách nhiễu do lương dân gây ra cho các người mới theo đạo. Vị quan đầu tỉnh, kẻ thù công khai đối với đạo thánh, đã bị giáng chức do thái độ bất công đối với chúng tôi, các sách nhiễu kết thúc như phép mầu. Người ta có thể hy vọng một vụ mùa thu hoạch các linh hồn dồi dào hơn.”
Quả thực những năm sau đó, ngài thâu lượm được những kết quả tốt đẹp, và Nhu Lý không chỉ giữ được toàn vẹn kho tàng đức tin sống động và tích cực, nhưng luôn luôn còn là một vườn ươm ơn gọi Linh mục và tu sĩ. Trong vòng 7 năm, số dân Công giáo đã vượt lên từ 159 đến 707 người.
Chính Linh mục Laurent Guichard hoặc Linh mục Adolphe Delvaux (kế nhiệm) -theo lời kể của các vị cao niên- đã làm ngôi Nhà thờ đầu tiên cho Giáo họ Mỹ Lộc bằng cách di chuyển Nhà thờ của Giáo họ An Cư (vốn không còn giáo dân sau vụ Văn Thân) về Mỹ Lộc.
Năm 1909, Đức Cha Allys giao Nhu Lý cho Cha Adolphe Delvaux (Cố Văn) và ngài ở đó 17 năm trời. Ngài hoàn thành các cơ sở do vị tiền nhiệm là Cha Guichard để lại (trong đó có Nhà thờ). Có một Cha phó trẻ giúp mục vụ (Linh mục Gioakim Nguyễn Văn Khiết), nên ngài đã đáp ứng đề nghị của Cha Léopold Cadière để lo khảo cứu về lịch sử tôn giáo và các khảo cứu này đã được đăng trong Bulletin des Amis du Vieux Huế. Năm 1913, ngài đi dưỡng đường Hồng-Kông rồi sang Pháp. Tháng 10-1914, ngài về Nhu Lý lại và ở tới 1926.
Từ 1926-1934, Cha Phaolô Bùi Thông Tuần (gốc Phủ Cam) kế nhiệm.
Năm 1939, dưới thời Cha sở Gioakim Nguyễn Văn Khiết (gốc Hương Lâm, 1934-1949), Giáo sở Nhu Lý có 14 Giáo họ: An Thạch, Dương Xuân, Giáo Liêm, Lệ Xuyên, Linh Yên, Long Quang, Mỹ Lộc, Phan Xá, Phú Tài, Phước Lễ, Quảng Điền, Quảng Lượng, Thanh Liêm, Tường Vân, và ở các làng chung quanh có vài gia đình Công giáo nhưng chưa thành lập họ đạo.
Cha Tađêô Hồ Bảo Huỳnh, gốc Kim Long, Quản sở Nhu Lý từ 1945. Do tình hình chính trị, ngài đưa cả Giáo sở Nhu Lý di tản lên Trí Bưu. Ở cho tới 1951.
Năm 1951, Cha Phêrô Lê Văn Ngọc (anh ruột của các Cha PX. Lê Văn Cao và G.B Lê Văn Nghiêm, gốc An Vân), được đặt làm Quản sở Nhu Lý (cho đến năm 1955), đã kêu gọi dân làng đang tản mác trở về quê cũ lập lại cuộc sống. Ngài đã tận tình giúp đỡ dân làng, bắt tay vào lại công việc đồng áng, xây dựng lại những gì đã đổ nát vì bom đạn. Có Cha Tôma Lê Văn Cầu ở phó năm 1955. Cũng năm này, chính phủ VN Cộng hòa được hình thành, bà con giáo dân yên ổn làm ăn, thăng tiến đời sống đạo hạnh.
Năm 1956 Cha phó Lê Văn Cầu lên làm Quản sở Nhu Lý, tiếp tục kiêm các Giáo họ: Giáo Liêm, Hà Tây, Hiền Lương, Mỹ Lộc, Phan Xá, Phó Hội, Quảng Điền, Thanh Liêm, Thanh Xuân, Tường Vân. Nhưng do tình hình an ninh và chính trị, sau vài năm, ngài tạm bỏ Nhu Lý lên trú tại Mỹ Lộc. Năm 1962 ngài đã cho làm lại Nhà thờ Mỹ Lộc bằng cây gỗ, và lợp ngói. Đây là Nhà thờ thứ hai.
4- Lại điêu đứng vì chiến tranh và thời cuộc
Mậu Thân 1968, chiến tranh hai miền Nam Bắc lan tràn dữ dội. Biết bao cảnh chết chóc, nhà cửa bị tàn phá, gia đình bị ly tan. Đến cuối năm 1968, Cha Phaolô Nguyễn Thanh Tiên (gốc Phủ Cam) nhận bài sai về làm Chánh xứ Nhu Lý nhưng phải ở tạm tại Giáo họ Mỹ Lộc. Đứng trước những ngổn ngang do bom đạn gây ra, cuối cùng nhà Cha sở và Nhà thờ cũng được tu sửa.
Cuối năm 1970, ngôi Thánh đường hoàn thành việc tu sửa. Mái lợp tôn, trần được làm lại bằng tôn mè. Giáo dân vô cùng mừng vui. Thế nhưng chưa đầy hai năm thì vào Mùa hè Đỏ lửa 1972, tiếng súng lại vang lên, giáo dân Nhu Lý, cùng với cư dân Quảng Trị, buộc phải rời bỏ quê hương, ruộng vườn, chạy vào Nam để giành lấy sự sống. Trên đường đi, hàng ngàn người phải bỏ mạng, những ai sống sót chạy vào Huế ở lại các trại tiếp cư như Tiểu chủng viện Hoan Thiện, các Nhà thờ, các trường học… Sau một thời gian thì lần lượt kéo nhau vào Đà Nẵng. Năm 1973, số giáo dân Nhu Lý này đa phần phân tán đi Cam Ranh, Bình Tuy, Quảng Biên, Quảng Thuận…
Năm 1975, lại một lần nữa người dân phải ngậm ngùi trước cảnh chia ly. Dân miền Trung đa phần vào Nam sinh sống lập nghiệp. Cả triệu người ra hải ngoại bằng nhiều cách… Kể từ đó, giáo dân Nhu Lý cũng phân tán khắp mọi miền đất nước và cả Âu Mỹ.
Hiện nay, Nhu Lý chẳng còn một giáo dân nào. Nhà thờ không tồn tại nữa, nền đất Nhà thờ cũ được trưng dụng làm trường mầm non Nhu Lý. Đài Thánh tử đạo Simon Hòa thì xuống cấp trầm trọng, chỉ còn lại 4 cột trụ nâng một mái ngói nhỏ, đứng chơ vơ bên đường làng. Lăng Tử đạo giữa cánh đồng phía trước mảnh đất Nhà thờ cũ đã được nhiều Cha sửa sang và đến năm 2017 thì Cha sở Phan Xá Giuse Võ Văn Phú kiêm Nhu Lý đã trùng tu lại như bây giờ (với đài Thánh Simon Hòa mới).
Đài Thánh Simon Hòa (cũ) và Lăng Tử đạo Nhu Lý hiện nay
5- Tổng lược các Linh mục Chánh xứ Nhu Lý
1- Lm Phêrô Trương Công Quang (Giáo Liêm) (1867-1875)[13]
2- Lm Luca Nguyễn Hữu Tín (Mỹ Hương) (1875-1880)
3- Lm Anrê Nguyễn Ngọc Thoại (Da Môn) (1880-1882)
4- Lm Gioan Đoạn Trinh Khoan (Kim Long) (1882-1885).
5- Lm François Dezalay (Cố Lễ) (1886)
6- Lm Giacôbê Nguyễn Văn Sĩ (An Do Đông) (1887-1902)
7- Lm Laurent Guichard (Cố Ngãi) (1902-1909).
8- Lm Adolphe Delvaux (Cố Văn) (1909-1926)
9- Lm Phaolô Bùi Thông Tuần (Phủ Cam) (1926-1934)
10- Lm Gioakim Nguyễn Văn Khiết (Hương Lâm) (1934-1940)
Gián đoạn một thời gian do tình hình chiến tranh và chính trị.
11- Lm Tađêô Hồ Bảo Huỳnh (Kim Long) (1945-1950)
12- Lm Phêrô Lê Văn Ngọc (An Vân) (1951-1955)
13- Lm Tôma Lê Văn Cầu (Trí Bưu) (1955-1964)
14- Lm Phaolô Nguyễn Văn Hiển (Hà Thanh) (1964-1965)
15- Lm GB Phạm Bá Viên (Ai Lao) (1965-1969)
16- Lm Phaolô Nguyễn Thanh Tiên (Phủ Cam) (1968-1972)
III- HOA TRÁI ĐỨC TIN
1- Lm Marinô Nguyễn Công Hiền (1769-1799-1804)
2- Lm Đôminicô Nguyễn Công Sâm (1827-1863-1891)
3- Lm GB Nguyễn Văn Mộ (1836-1867-1915)
4- Lm GB Nguyễn Văn Chữ (1839-1882-1886)
5- Lm Giuse Nguyễn Văn Linh (1868-1897-1941)
6- Lm GB Nguyễn Văn Hân (1889-1915-1962)
7- Lm GB Lương Văn Thể (1888-1918-1962)
8- Gm Ximong Hòa Nguyễn Văn Hiền (em Cha Hân) (1906-1952-1955-1973)
9- Lm Antôn Nguyễn Văn Bình (1941-1970-2009)
10- Lm Giuse Nguyễn Văn Dụ (1950-1998-) Dòng Gioan Tẩy Giả (Đài Loan).
2- Tu sĩ nam nữ
1- Sư huynh Lương Ngọc Bường (Dòng La San) (+1965).
2- Mađalêna Lã Thị Hậu (Dòng Mến Thánh Giá Huế) tử đạo 1840, xin phong chân phước.
3- Mácta Nguyễn Thị Thú (Dòng Mến Thánh Giá Huế) (+).
4- Anna Nguyễn Thị Bình (Dòng Mến Thánh Giá Huế) (+).
5- Agata Lương Thị Thường (Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Huế) (sn 1899; vk 1930; qđ 1990)
6- Gioanna Nguyễn Thị Huột (Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Huế) (sn 1915; vk 1942; qđ 1997)
7- Phanxica Lê Thị Kỷ (Dòng Mến Thánh Giá Huế) (sn 1902; vk 1978) (+)
8- Maria Nguyễn Thị Tân (Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Huế) (sn 1922; vk 1949; qd 2010)
9- Anna Lê Thị Xem (Dòng Mến Thánh Giá Huế) (sn 1933; vk: 1975)
10- Maria Goretti Nguyễn Công Như Quỳnh (Dòng Đa Minh Hố Nai).
11- Anna Nguyễn Thị Tuế (Tu hội đời Thánh Tâm Chúa Giê-su).
– – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – –
[1] Khi sau tên các chúa và vua Nguyễn có 2 niên đại, thì số đầu chỉ năm lên ngôi, số cuối chỉ năm băng hà.
[2] Xem Adrien Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine, Documents historiques I. Paris, Téqui, 1923, pp. 420-421.423.430.
[3] Xem Adrien Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine, Documents historiques II. Paris, Téqui, 1924, p. 72.
[4] Năm 1747, Tòa Thánh đã cử Đức Cha Hilario Costa di Jesu (đang cai quản Giáo phận Đông Đàng Ngoài), giữ chức Khâm sai vào Huế để dàn xếp sự tranh chấp giữa các Hội dòng về khu vực truyền giáo và mục vụ. X. Adrien Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine, II, p. 187.
[5] Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Trung, sinh năm 1825 tại Phan Xá, Quảng Trị, giáo dân, cai đội, bị xử trảm ngày 6-10-1858 tại An Hòa dưới đời vua Tự Ðức. Đức Piô X suy tôn ngài lên bậc Chân phước ngày 02-05-1909, Đức Gioan-Phaolô II suy tôn lên hàng Hiển thánh ngày 19-06-1988. Lễ kính vào ngày 06-10 hàng năm. Có tài liệu cho rằng ngài họ Phan, con cháu của một trong những vị lập nên làng Phan Xá (x. Lê Ngọc Bích, Nhân vật Giáo phận Huế, tập 1, trang 236).
[6] Di tích ngôi nhà của các chị ở gần Nhà thờ nay gọi là Giếng Tây.
[7] Nay là làng Trà Liên, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, bên bờ sông Thạch Hãn, đối diện Đại Lộc ở bờ bên kia.
[8] Xem Adrien Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine, Documents historiques I. Paris, Téqui, 1923, pp. 420-421.423.430.
[9] Xem Adrien Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine, Documents historiques II. Paris, Téqui, 1924, p. 72.
[10] Tiểu sử này có những linh mục tác giả nối tiếp nhau: Antoine Delvaux, Gioan Võ Văn Hoằng, P.X Nguyễn Văn Thuận, Giuse Nguyễn Văn Hội, Stanislaô Nguyễn Đức Vệ.
[11] Xem Adrien Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine, Documents historiques III (1771-1823). Paris, Téqui, 1925, p. 405.482.
[12] Xác ngài được đem về chôn tại Nhu Lý, nhưng quân Văn Thân đã tìm ra, đào lên, giã nát xương cốt, tung vào gió.
[13] Trước năm 1867, từng có các vị Mục tử đến ở Nhu Lý nhưng không chính thức và đi đi về về, như Thừa sai Gilles Delamotte (Cố Y) (1832-1840), Lm Anrê Nguyễn Hòa An (có lẽ từ 1843 cho tới khi qua đời và an táng tại Nhu Lý)