GIÁO SỞ PHÚ XUÂN
GIÁO XỨ PHÚ XUÂN
GIÁO HỌ MỸ XUYÊN – GIÁO HỌ ƯU ĐIỀM
GIÁO HỌ ƯU THƯỢNG – GIÁO HỌ VĨNH AN
Lược sử
GIÁO XỨ PHÚ XUÂN
(PHƯỜNG THUỐC)
I- VỊ TRÍ ĐỊA LÝ
Giáo xứ Phú Xuân, Giáo hạt Hương Quảng Phong, nằm trên địa bàn thôn Phước Phú (Phước Tích + Phú Xuân), xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế, cách tòa Tổng Giám mục Huế hơn 37km theo đường chim bay về phía tây bắc.
II- NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN
1- Giáo xứ Phú Xuân bên dòng Hương giang, thời chúa Nguyễn (giữa tk 17-đầu tk 19)
Đầu thế kỷ 17 (khoảng năm 1615), các cha Dòng Tên theo các tàu buôn từ Macao đến cửa Hội An (Đà Nẵng), sau đó ra kinh đô Thuận Hóa của chúa Nguyễn (đặt phủ tại làng Phước Yên huyện Quảng Điền rồi làng Kim Long huyện Hương Trà) để trình diện, dâng phẩm vật lên chúa[1] và xin truyền đạo. Đến gần giữa thế kỷ 17 thì các giáo xứ Kim Long, Thợ Đúc, Phú Xuân ra đời. Như vậy Phú Xuân là một trong những cộng đoàn tín hữu kỳ cựu của Giáo phận Huế.
a- Từ cuộc truyền giáo của các linh mục Dòng Tên
Lúc bấy giờ sông Kim Long (một nhánh của sông Hương) chưa bị lấp để xây kinh đô nhà Nguyễn. Nó từ chợ Kim Long chảy song song với sông Hương đến Bao Vinh, rồi nối với sông này ở làng Tiên Nộn (chỗ sông Hương bẻ quặt sang phía tây) tạo thành một cù lao gọi là Cồn Vua[2]. Phú Xuân là 1 làng trên Cồn Vua đó. Lúc bấy giờ giáo dân Phú Xuân khá đông, ngoài thường dân còn có ông hoàng bà chúa, quan lại và binh sĩ.[3]
Năm 1677, Nguyễn Phúc Lễ, con trưởng của Phúc quận công Nguyễn Phúc Diễn và cháu của chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần (vị chúa thứ 4, 1648-1687), đang ở Phú Xuân, được nghe cha Bénigne Vachet (MEP 1641-1720) giảng Tin Mừng và theo đạo. Tháng 12-1682, cậu hoàng nầy đã đến nhà thờ Phủ Cam, sau đó lãnh nhận bí tích Thêm sức từ tay Đức cha Louis Laneau (1637-1674-1696[4]) Giám quản Đàng Trong (1679-1682) từ Xiêm sang Việt và đến Huế kinh lý[5].
Thư gởi Đức cha Louis Laneau của cha Charles Labbé (Giám mục tương lai) báo cáo về các năm 1684-1686, cho biết lúc bấy giờ cha Manuen Bổn (?-1698, một linh mục nghiêm nhặt về kinh sách, giáo lý) đang hoạt động mục vụ tại vùng quanh phủ chúa ở Huế. Như vậy giáo xứ Phú Xuân có thể đã được cha Manuen Bổn lui tới ban các bí tích[6].
Năm 1687, chúa Ngãi Nguyễn Phúc Thái (1687-1691) dời phủ từ làng Kim Long huyện Hương Trà đến Phú Xuân (cùng huyện) tức kinh đô Huế ngày nay. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn ca ngợi: “Đất kinh sư là chỗ giao hóa thiên hạnh đầu tiên, phong khí càng ngày càng mở mang, từ chỗ chất phác đổi qua văn minh, do sự phồn tụ hóa ra thân mật. Nhân dân đông đúc, tập tục thuần lương”[7].
Họ đạo Phú Xuân càng trở nên đông đảo nhưng vẫn chưa có nhà thờ vì lệnh cấm xây cất những nơi thờ tự tại khu vực gần phủ chúa. (Chỉ giáo xứ Phủ Cam của cha Pierre Langlois và Thợ Đúc, nơi ông João da Cruz (Jean de la Croix) người đúc súng cho chúa đang ở, là có nhà nguyện).
Năm 1689 cha Pierre Langlois rửa tội một người con gái 11 tuổi của chúa Ngãi vì cô nầy đau nặng. Được rửa tội xong, cô bé lành bệnh, được chúa giao cho cha nuôi nấng dạy dỗ. Năm 1690, chiều ngày lễ Mình Thánh Chúa, cha chính Labbé, cha Langlois và 4 cha Việt đến thăm quan chưởng cơ thị vệ hầu cận chúa Ngãi. Quan nầy -ở Phú Xuân- đã trở lại đạo lâu rồi[8].
Những nhân vật nêu trên cho thấy giáo xứ Phú Xuân lúc bấy giờ đã phát triển rộng khắp, đặc biệt trong giới hoàng tộc, quan lại, binh sĩ.
b- Lớn lên trong gian khổ
Năm 1690 xảy ra vụ cấm cách đối với đạo. Khu vực quanh phủ chúa, dưới sự cai quản của thừa sai MEP Jean-Baptiste de Cappony (1652-1707) lâm vào tình trạng bi đát : không còn nhà thờ, không còn hội họp[9] ; giáo dân Phú Xuân gần kinh đô cũng lao đao. Có người sợ sệt đã bày trang thờ ông bà. Thư của cha Labbé gởi Đức cha Laneau (5-2-1691) đã cho biết tình hình đạo lúc bấy giờ : Một nửa dân chúng và nhiều lính tráng có đạo, còn các thừa sai thì tràn ngập, theo lời tố cáo của một quan đại thần. Có thể đó là một lý do khiến chúa Ngãi ra sắc chỉ cấm đạo, trục xuất mọi thừa sai, ngoại trừ các cha Pierre Langlois và Barthélémy d’Acosta bấy giờ đang làm ngự y.[10]
Đến đời chúa Minh Nguyễn Phúc Chu (1691-1725), các cha dòng Tên cũng được mời vào phủ chúa để chữa bệnh, dạy thiên văn, toán học, sửa máy móc, như cha Juan Antonio Arnedo năm 1700, cha Giambattista Sanna năm 1721, nên chúa ban phép cho các cha lập trụ sở, dựng nhà thờ. Được phép, các cha đã cho xây hai nhà thờ, một trong phủ cho mình, và một bên ngoài cho giáo dân. Nhà thờ sau nầy có thể ở vào khu đất gần cửa Nhà Đồ hiện nay. Đó là thánh đường đầu tiên của giáo xứ Phú Xuân.
Từ 1694-1698, Minh vương tuy vẫn ghét đạo nhưng chưa có sắc lệnh cấm vì nhờ sự can thiệp của một bà hoàng phái Công giáo. Bà nầy được cha Langlois giúp đỡ cả phần xác lẫn phần hồn. Nhưng qua năm 1698, chúa ra lệnh “triệt hạ các nhà thờ để họ không còn nơi nào tụ họp nữa, đồng thời sẽ xử tử những giáo dân còn cố chấp vi phạm và giáng chức những sĩ quan hay những quan chức bất tuân lệnh”. Minh vương nói rõ “sẽ triệt hạ trước tiên hai nhà thờ ở Kinh đô, mà trước hết là nhà thờ cha Langlois quản nhiệm”.
Mùa xuân 1700, chúa Minh ra sắc lệnh tống ngục các đạo trưởng tức linh mục thừa sai và bản quốc, buộc giáo dân viết giấy xuất giáo, đánh thuế họ gấp 3 lần, sung công tài sản của họ. Chúa còn lập danh sách tín hữu toàn xứ và gọi từng người, bắt đạp ảnh. Các nhà thờ, trong đó có nhà thờ Phú Xuân, bị triệt hạ.
c- Dâng hiến máu đào tử đạo
Trong vụ bách hại ngày 17-3-1700, 37 giáo dân có chức phận quanh kinh đô bị bắt điệu ra tòa, phải mang gông xiềng. Sau bốn ngày tra tấn, chỉ còn 7 người trung thành với đạo, gồm 4 nam, 3 nữ. Sau ba bà được tha, mỗi bà chỉ bị chặt một ngón tay út và xẻo vành trái tai mà phụ nữ thường dùng để đeo đồ trang sức. Bốn người nam bị giam đói và giam khát cho đến chết tại cồn Dã Viên, giữa 2 đoạn cầu Bạch Hổ ngày nay. Hết thảy đã chấp nhận để khỏi chối đạo. Bốn vị đó là Phaolô Sô, Vinhsơn Công, Antôn Kỳ, Tađêô Vân[11]. Phải chăng 7 giáo dân Thuận Hóa, sống gần kinh đô trên thuộc giáo xứ Phú Xuân (?).
Trong cuộc cấm đạo (1714-1715) tại kinh đô (phủ chúa) Bác Vọng, có một số lính thị vệ gồm 8 người tự xưng là Công giáo, bị bắt và bị án tử hình cùng với 13 người làng Văn Quỹ (Kẻ Văn). Tám quân nhân trên có thể là người họ đạo Phú Xuân, đã theo chúa ra ở kinh đô Bác Vọng (x. A. Launay I, tr. 569).
Trong thư gởi các Giám đốc Chủng viện hội Thừa sai Paris đề ngày 27-10-1715, Đức cha Labbé cho biết: có một thầy giảng giúp việc cha Langlois, lấy vợ ở một làng gần phủ chúa, ông dạy giáo lý và bị lính đến lùng bắt. Không gặp ông, họ bắt vợ của ông, đánh bà nầy tàn nhẫn, trói lại và bỏ tù. Sau 2 hay 3 ngày, bà chết. Lúc được tin vợ chết, ông định khiếu nại chúa. Nhưng vì kẻ chủ mưu là quan thái giám có thế lực, nên ông biết có khiếu nại cũng chẳng đi đến đâu và đành im lặng (x. A. Launay I, tr. 573). Làng mà Đức cha Labbé cho là ở gần phủ chúa hẳn thuộc giáo xứ Phú Xuân. Và như vậy Phú Xuân đã có một phụ nữ tử vì đạo.
Trong thư đề ngày 11-05-1717, Đức cha Labbé đề cập đến vụ bắt giữ 4 thợ mộc mà cha Pierre Heutte từng nói tới cách đấy 2 năm (1715). Theo đó, mấy ông thợ nầy bị bắt và đánh đập. Hai người chịu không nổi, đã xuất giáo, còn hai vị kia bị tra khảo nhiều lần, nhưng vẫn một lòng giữ đạo. Vợ của hai vị đã phải bán hết đồ dùng trong nhà, kể cả quần áo để nộp tiền cho cai ngục. Những giáo dân ở gần phủ chúa, khi nghe tin 2 ngài bị đem đi chém đầu, đã tấp nập vào tù thăm, họ còn góp tiền bạc ủng hộ các bà vợ trong cảnh túng nghèo mà họ xem như là góa bụa. Cha de Sennemand lúc bấy giờ đang ở trong phủ chúa, đã chứng kiến vụ nầy. Sự kiện trên cho thấy giáo xứ Phú Xuân trước đây có tinh thần đùm bọc anh chị em đồng đạo lúc bách hại. Trong vụ bắt giữ 2 bác thợ mộc trên, giáo xứ Phú Xuân còn nổi bật với cụ Nghiêm, một ngự y của hoàng tử, nhờ quen biết lính gác, đã xin phép cho họ về nhà mình rồi dẫn họ gặp cha Heutte để xưng tội, rước Mình Thánh Chúa khi cụ được tin họ sắp bị đem đi xử. (x. A. Launay I, tr. 581-582).
Trong thư đề ngày 27-06-1727, cha Charles de Flory MEP cho biết: một đêm nọ vào tháng 3, lính đi tuần bắt gặp giáo dân tụ họp đọc kinh tại một nhà thờ gần phủ chúa (lúc này là chúa Ninh Nguyễn Phúc Chú 1725-1738)[12]. Lính dẫn họ đến quan, ông nầy truyền đánh đòn họ và ra lệnh triệt hạ nhà thờ. Quan còn cho lấy tượng Thánh giá bằng đồng của nhà thờ đem giao cho thợ đúc nấu chảy. Nhưng nấu mãi vẫn còn một cánh tay. Người thợ nầy đã đem cánh tay lại cho quan xem, ông ấy không khỏi lo ngại và nghĩ ngợi. Nhà thờ trên hẳn thuộc giáo xứ Phú Xuân, và các giáo dân, lúc ấy biết rõ chuyện nầy, đã được động viên nhiều nhờ sự kiện lạ. (x. A. Launay I, tr. 589).
Đầu tháng 5-1750, chúa Võ Nguyễn Phúc Khoát (1738-1763) ra lệnh cấm đạo do vụ lừa gạt của tên lái buôn Friell người Pháp không chịu đóng thuế (1743), nhất là vụ thương nhân Pierre Poivre, cũng người Pháp, đã ngang ngược bắt cóc ông Micae Cường, sứ giả của chúa kiêm người thông dịch. Chúa cho rằng các thừa sai đứng đằng sau vụ nầy. Đức cha Armand Lefèbvre, các cha Guillaume Rivoal, Bertrand d’Azema phải ra hầu tòa tại Đà Nẵng và được xử trắng án. Tuy vậy chúa Võ vẫn không bỏ qua. Và vào đầu tháng 5-1750, chúa ra lệnh quản thúc các thừa sai để lấy khẩu cung, tòa Giám mục bị lục soát và tịch thu. Nhà thờ bị triệt hạ 36 cái. Giáo xứ Phú Xuân một lần nữa lâm cảnh khốn khổ.
Đến tháng 7-1750, tất cả các thừa sai bị trục xuất khỏi xứ gồm 27 vị trong đó có Đức Cha chính Armand Lefèbvre và Đức Cha phó Edmond Bennetat, ngoại trừ cha Johann Koffler (Dòng Tên người Đức) đang làm ngự y trong phủ. Bản kiểm kê giáo dân lúc bấy giờ cho biết số người Công giáo sụt xuống hơn một nửa. Người bị tử đạo, kẻ xuất giáo, kẻ trốn làng bỏ họ đi lang thang kiếm sống cho qua cơn bách hại. Trong bối cảnh đó, giáo xứ Phú Xuân cũng không kém tiêu điều.
Các năm 1750-1765, chỉ mình cha Koffler cử hành lễ Giáng sinh và Phục sinh tại nhà thờ riêng của cha gần phủ chúa. Giáo dân các nơi, kể cả Phú Xuân đã rủ nhau vào dự các thánh lễ này.
Trong đời chúa Định Nguyễn Phúc Thuần (1765-1777), tình hình bắt đạo lắng dịu, ngoại trừ sắc lệnh cấm đạo năm 1767. Nhưng sau đó, sắc lệnh nầy được nới lỏng có lẽ nhờ vào cha João Loureiro (Dòng Tên người Bồ) đang phục vụ trong phủ chúa.
Trong thời gian chúa Định ở ngôi, giáo xứ Phú Xuân nổi tiếng với câu chuyện ông câu Tuân dám cãi tay đôi với chúa. Chúa dọa chém, ông giơ cổ. Chúa phải rút kiếm lui và phạt án thảo tượng chung thân, bứt cỏ nuôi voi của chúa suốt đời. Con của cụ câu Tuân là linh mục G.B Nhơn từng xin được bị bắt cùng với cha Labartette vào năm 1777 thời quân Trịnh đánh chiếm Phú Xuân. Sau cậu Nhơn được tha, rồi đi tu và được thụ phong linh mục năm 1786. Lúc bấy giờ linh mục hiếm hoi, cha Nhơn được đặt coi sóc cả giáo đoàn Thừa Thiên, trong đó có họ Phú Xuân. Chính linh mục Nhơn đã vào lao ban các phép bí tích cho cha thánh Emmanuen Nguyễn Văn Triệu (1798).
Trong thời gian 3 họ (Trịnh-Nguyễn-Tây Sơn) tranh giành kinh đô Phú Xuân (1778-1801), nhà thờ Phú Xuân chắc không thoát khỏi sự tàn phá.
Từ 1774-1801, đất Phú Xuân là bãi chiến trường giữa quân Trịnh vào đánh chiếm thành Phú Xuân (1774-1786), rồi quân Tây Sơn từ Qui Nhơn ra đánh đuổi quân Trịnh, chiếm thành này (1786-1801), rồi quân của Nguyễn Ánh (Gia Long) đánh chiếm lại. Trong thời gian can qua ấy (27 năm), giáo dân Phú Xuân có thể bị chết cũng khá, phần vì tên bay đạn lạc, phần vì lý do tôn giáo trên đe dưới búa, dễ bị nghi ngờ.
Nói về tình hình Thuận Hóa lúc bấy giờ, Hoàng Lê Nhất Thống Chí cho biết Phú Xuân là thị trấn quan yếu, có ba ngàn quân đóng đồn và ba vạn quân thay phiên canh phòng, từ Ải Vân (Hải Vân) trở ra[13]. Như vậy họ đạo bấy giờ trải qua một thời gian khá căng thẳng (1774-1786), giáo dân khó tập họp vì dễ bị hiểu lầm, mà tập họp cầu nguyện vốn là tập quán cố hữu của người Công giáo. Trong trận đánh thành Phú Xuân của quân Tây Sơn, Hoàng Lê Nhất Thống Chí cũng đưa ra nhận xét đó là một trận hỗn chiến: “Mấy vạn tướng sĩ đóng ở thành Phú Xuân đều không còn sống sót lấy một mống”[14]. Tướng sĩ ở đây là quân Trịnh do Phạm Ngô Cầu chỉ huy. Trong cảnh can qua nầy, thử hình dung giáo dân Phú Xuân đã hứng chịu ra sao?
Năm 1798, Cảnh Thịnh (Tây Sơn) ra lệnh bách hại gắt gao sau khi vua bắt được lá thư của Nguyễn Ánh (Gia Long) gởi cho Đức cha Jean Labartette (An, 1744-1784-1823). Lệnh bắt đạo gồm việc san bằng các nhà thờ, các đạo quán (nhà xứ), tống giam các đạo trưởng (linh mục). Cuộc bách hại kéo dài 3 năm (1798-1801). Trong đợt cấm đạo này, cha Emmanuen Nguyễn Văn Triệu bị bắt tại giáo xứ Thợ Đúc và bị xử trảm vào tháng 9-1798 tại đầu cầu Gia Hội gần Chợ Được[15]. Ngài là vị tử đạo đầu tiên của Giáo phận Huế được nâng lên hàng hiển thánh.
Cũng trong vụ diệt đạo nầy, có 32 chức việc của các giáo xứ vùng Thừa Thiên Huế bị bắt và bị nhốt vào một nhà với 2 cửa: sinh môn và tử môn. Muốn sống thì bước qua sinh môn và đạp Thánh giá đặt ở ngưỡng cửa. Tổng kết có 30 vị đã bước qua tử môn, chấp nhận bị chém đầu để trung thành với đức tin[16]. Trong số 30 vị tử đạo trên, không rõ mấy vị thuộc giáo xứ Phú Xuân. Nhưng chắc chắn là có, vì họ đạo Phú Xuân ở gần đền vua và do đó dễ bị phát hiện và bắt giữ.
2- Giáo xứ Phú Xuân (Phường Thuốc) bên dòng Ô Lâu từ thời vua Nguyễn (1805…)
Năm 1805 vua Gia Long xây dựng kinh thành Huế (theo Đại Nam Thực lục). Đất của 8 làng Phú Xuân, Vạn Xuân, Diễn Phái, An Vân, An Hòa, An Mỹ, An Bảo, Thế Lại (thuộc huyện Hương Trà, phủ Thừa Thiên) được quy hoạch để xây kinh thành[17]. Cư dân các làng đó phải dời đi nơi khác và có quyền canh cư bất cứ đất công nào, lập phường mới, làng mới, lấy tên phường cũ, làng cũ mà gọi. Hiện tại ở phường Tây Lộc (trong kinh thành), đường Thái Phiên, còn một di tích cổ là đình Phú Xuân; đình nầy do dân dựng thờ thần trước lúc vua Gia Long lập kinh thành Huế và được để lại[18]. Đó là dấu tích duy nhất còn lại của làng Phú Xuân.
Một số giáo dân Phú Xuân lúc ấy đã ra hướng tây bắc tới sông Ô Lâu[19]. Họ rẽ về phía phải bờ nam sông này (qua khỏi chợ Mỹ Chánh), đi thêm khoảng 1km và lập phường gọi là Phường Thuốc, vì họ từng làm nghề trồng thuốc lá cho phủ chúa, đền vua và cư dân ở khu vực cũ, mặc dù sau nầy họ không còn trồng cây nầy nữa. Đó là lý do hình thành và hiện hữu của giáo xứ Phú Xuân-Phường Thuốc (mà lúc đó chỉ là một giáo họ trực thuộc).
a- Giáo họ trực thuộc
Ngày 8-8-1867 Đức Giám mục Hyacinthe Sohier (Bình) đặt các quản xứ theo kế hoạch chỉnh đốn giáo phận, theo đó cha Phêrô Võ Viết Liên (gốc Kẻ Bàng, Quảng Bình, 1833-1867-1895) coi một giáo sở lớn nằm hai bên bờ sông Ô Lâu là Nhất Tây gồm giáo xứ Nhất Tây và 12 giáo họ: Đông Dương, Diên Khánh, Hương Giang, Văn Quỹ, Hà Viện, Hương Nhơn, Phú Xuân (Phường Thuốc), Cây Da, Hội Đào, Trường Phước, Phò Trạch. (Thật ra ngài chỉ biệt cư ở Nhất Tây, đang khi vẫn là phó cho cha quản sở Thanh Hương Anrê Nguyễn Văn Lành cư trú ở Nhất Đông).
Giáo họ Phú Xuân tiếp đến hẳn được coi sóc bởi các vị quản xứ Nhất Tây sau đó là các cha Jean Bonnand (cố Bổn) từ 1882, Đôminicô Lê Xuân Biện từ 1892, cha René Boillot (cố Ban) từ 1902, Philipphê Dương Đức Kỳ từ 1908, G.B. Lê Văn Tài từ 1913, Phanxicô Salêdiô Trần Văn Đông từ 1917.
Sổ sách giáo phận Huế năm 1921 cho biết giáo họ Phú Xuân có 53 gia đình thuộc giáo sở Tân Lương-Bến Cộ (cách Phú Xuân hơn 3km về phía tây nam). Quản xứ Tân Lương-Bến Cộ lúc ấy là cha Phêrô Lê Văn Đức (1918-1923), tiếp đó là cha Batôlômêô Nguyễn Văn Khâm (1923-1932), cha Phêrô Ngô Văn Hiến (1932-1939[20]), cha P.X. Lê Văn Định (1939-1944), cha G.B. Lê Xuân Mừng (1946-1947), cha phó Kẻ Văn Giacôbê Trần Văn Thời kiêm nhiệm (1947-1954).
Từ năm 1954 đến 1977, Phú Xuân trực thuộc các cha quản xứ Mỹ Chánh[21]. Các ngài cũng kiêm Tân Lương-Bến Cộ và Lương Điền (một giáo họ tân lập).
Năm 1954-1963, cha Tađêô Nguyễn Văn Tin.
Năm 1963-1966, cha Tôma Trần Văn Dụ.
Năm 1967-1972, cha Giuse Nguyễn Như Tự. Chính ngài xây nhà thờ cũ tồn tại đến năm 2012, nhờ sự giúp đỡ của một người con giáo họ là cha Giacôbê Phan Văn Cơ (1913-1943-1980)
Nhà thờ Phú Xuân cũ, do Cha Giuse Nguyễn Như Tự xây dựng.
Năm 1972-1977: cha Phêrô Hoàng Kính.
Từ năm 1977 (tháng 9) đến 1980, Phú Xuân (lúc ấy chỉ có 25 giáo dân) được cha quản xứ Nhất Tây là Gioan Nguyễn Đức Tuân kiêm nhiệm.
b- Trung tâm truyền giáo
Năm 1980, giáo xứ Phú Xuân được Đức Tổng Giám mục Philliphê Nguyễn Kim Điền chọn làm trung tâm truyền giáo và cha Batôlômêô Nguyễn Phùng Tuệ được đặt làm cha sở (cho đến năm đầu năm 1999 thì đổi vào Ngọc Hồ). Ngài kiêm Mỹ Xuyên[22], Lương Mai, Đại Phú, Ưu Điềm, Vĩnh An, Phong Nguyên, Ưu Thượng (coi như các giáo họ của Phú Xuân).
Từ 1/1999-4/2007: Cha Gioan Nguyễn Đức Tuân quản xứ Phú Xuân. Ngài xây nhà xứ mới. Vì cũng đặc trách ủy ban giáo lý Giáo phận (1995-2006), ngài đã tổ chức thường xuyên các khóa học tại Phú Xuân (trước đó tại Nhất Tây, trung bình 40-50 người, từ các giáo xứ, có nhiều cha trợ giảng dạy) nhằm nâng cao trình độ các giáo dân, giúp họ có xác tín và khả năng làm giảng viên giáo lý, làm tông đồ.
Từ 2007-2015: Cha GB Nguyễn Hiệp quản xứ Phú Xuân. Ngài xây nhà thờ mới: khởi công tháng 10-2012 và khánh thành ngày 10-7-2013. Ngài cũng xây lại nhà các nữ tu MTG và tu sửa nhà xứ (cả hai nằm phía sau nhà thờ).
Từ 7-2015: cha Phêrô Hoàng Minh Tuân kế nhiệm. Ngài cơi nới nhà xứ cho rộng rãi hơn.
Từ ngày 25-10-2017, 2 giáo họ Đại Phú và Lương Mai được tách khỏi giáo sở Phú Xuân để chuyển thành giáo họ của giáo xứ Đại Lược (cả 3 làm thành giáo sở mới Đại Lược), dưới quyền cha Tân Quản xứ Giuse Phạm Đình Luận. Giáo sở Phú Xuân do đó chỉ còn giáo xứ Phú Xuân và các giáo họ Mỹ Xuyên, Ưu Điềm, Ưu Thượng, Vĩnh An.
Cha Phêrô cũng lập một trang Facebook để thông tin và giao lưu với các độc giả trong và ngoài giáo xứ: https://www.facebook.com/gx.phuxuan
Quá khứ vinh quang một thời và nhiệm vụ truyền giáo hiện tại là gánh nặng đang đè trên vai linh mục quản xứ và giáo sở Phú Xuân.
III-HOA TRÁI ĐỨC TIN
1- Linh mục
Cha Giacôbê Phan Văn Cơ (1913-1943-1980)
Cha Đôminicô Phan Sa (1950-1988-) Hoa Kỳ
Cha Đôminicô Phan Văn Anh (1958-2001-)
2- Tu sĩ
1- Matta Phan Thị Nhiệm: sinh 15-03-1923(+), vĩnh khấn: 17-06-1979. Dòng Mến Thánh Giá
2- Anna Phan Thị Thứ: sinh 22-01-1952, vĩnh khấn 13-09-1983. Dòng Mến Thánh Giá (em cha Sa)
3- Maria Phan Thị Hiển: sinh 1968, vĩnh khấn 1999. Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm.
4- Cêcilia Lê Hồ Đắc: sinh 1987, vĩnh khấn 2019. Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm.
3- Giáo dân
– Năm 2010: 875 người
– Năm 2015: 1002 người
– Năm 2020: 565 người
Bên trong nhà thờ Phú Xuân. Giáng sinh 2019.
——————————————————————————
[1] Bấy giờ là chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635), vị chúa thứ 2, người đã chuyển dinh từ Ái Tử vào Phước Yên và tiếp đó là chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan (1635-1648).
[2] Thời Gia Long, Cồn Vua chỉ còn là khu vực nằm giữa kênh đào Đông Ba và sông Hương (hai phường Phú Hiệp và Phú Hậu hiện thời)
[3] Trích dẫn Trần Huy Thanh, Phong tục Tết nhân gian xứ Huế. Tạp chí Huế xưa và nay, số 15, 1995.
[4] Khi sau tên các Giám mục có 3 niên đại, thì số đầu chỉ năm sinh, số giữa năm lên chức, số cuối năm qua đời.
[5] Xem lược sử Giáo xứ Phủ Cam.
[6] A. Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine, Documents historiques I (1658-1728), Paris, Téqui, 1923, tr. 335.
[7] Trích dẫn Trần Huy Thanh, Phong tục Tết nhân gian xứ Huế. Tạp chí Huế xưa và nay số 15, 1995. Năm 1712, chúa Minh Nguyễn Phúc Chu lại dời phủ về làng Bác Vọng, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên. Đến khi chúa Võ Nguyễn Phúc Khoát lên cầm quyền năm 1738 thì phủ chúa mới trở về lại vị trí Phú Xuân và yên vị từ đó cho đến ngày thất thủ về tay quân Trịnh (1775).
[8] A. Launay, sđd, tr. 353
[9] A. Launay, sđd, tr. 370
[10] A. Launay, sđd, tr. 367.
[11] A. Launay, sđd tr. 448-449
[12] A. Launay, sđd, tr. 589.
[13] Hoàng Lê Nhất Thống Chí, tập I, tr. 100.
[14] Hoàng Lê Nhất Thống Chí, tập I, tr. 104.
[15] Đầu cầu Gia Hội phía đông tựa trên mô đất nằm ở ngã ba sông Đông Ba và sông Hương. Nơi đây từ thời Gia Long đã hình thành một cái chợ mang tên Chợ Được (Le Marché où l’on gagne). Chợ Được nằm bên bờ hai con sông, tàu bè đò giang lui tới thuận lợi nên đó là nơi buôn bán sầm uất nhất Huế lúc ấy. Nhưng nó đã phải dẹp bỏ trước sự ra đời của chợ Đông Ba ở ngay đầu phía tây của cầu Gia Hội.
[16] L.-E. Louvet, La Cochinchine religieuse I. Paris, Challamel Ainé, 1885, tr 470-471.
[17] Những phần nằm trong chu vi Kinh thành thôi, những phần nằm ngoài thì khỏi dời, chẳng hạn làng Phú Xuân vẫn còn một mảng lớn nằm phía tây Kinh thành (nay gọi là phường Kim Long)
[18] Đại Nam Nhất Thống Chí. tập I tr. 86.
[19] Lê Nguyễn Lưu, Làng xưa phố cũ, ấp Bình An, Huế Xưa và Nay số 16. 1996.
[20] Cuốn Les Missions catholiques en Indochine 1939 của Hội Thừa sai Hải ngoại Paris cho biết vào năm 1939, Bến Cộ có 5 cộng đoàn và 332 tín hữu,
[21] Giáo xứ Mỹ Chánh được thành lập vào ngày 27-07-1954. Lúc có một số giáo dân cư trú tại tỉnh Quảng Bình, thuộc giáo xứ Bình Thôn, Trung Quán-Mỹ Duyệt và Tam Tòa, di cư vào miền Nam sau khi chia đôi đất nước. Linh mục quản xứ Mỹ Duyệt là cha Tađêô Nguyễn Văn Tin (gốc Kim Long, 1889-1920-1963) đã đi theo để phục vụ họ. Cha đã dẫn đoàn chiên vào định cư tại đồi đất làng Mỹ Chánh, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
[22] Cha Bat. Tuệ cho biết ở Mỹ Xuyên là một họ đạo tương đối khá đông vào năm 1956. Sau 1975 đa số lơ là bỏ đạo. Nay một số khoảng 20 người đã trở về.
————————————————————————
Mọi góp ý, bổ sung, điều chỉnh xin vui lòng liên hệ với Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi theo địa chỉ email: witness2005@gmail.com Xin cám ơn quý vị rất nhiều.
Nhóm Biên sử Tổng Giáo phận Huế.