Lược sử Giáo sở Phường Tây

02/02/2020

GIÁO SỞ PHƯỜNG TÂY

GIÁO XỨ PHƯỜNG TÂY

GIÁO HỌ PHƯỜNG ĐÔNG – GIÁO HỌ LƯƠNG VIỆN

GIÁO HỌ MỸ LỢI

Nhà thờ giáo xứ Phường Tây 

Lược sử

GIÁO XỨ PHƯỜNG TÂY

I- VỊ TRÍ ĐỊA LÝ

Giáo xứ Phường Tây, giáo hạt Hải Vân, có ba giáo họ trực thuộc là Phường Đông, Lương Viện và Mỹ Lợi. Về phương diện địa giới hành chính, giáo sở Phường Tây nằm trên phần đất hai xã Vinh Hưng và Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhà thờ Phường Tây cách tòa Tổng Giám mục Huế 35km về phía đông đông nam.

 II- NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

A- Từ những giáo dân Cự Lại và An Truyền

Trong khoảng thời gian từ 1820-1885, lần lượt có những người Công giáo ở Trài (nay gọi là Cự Lại) về lập gia đình và sinh sống ở Phường Tây. Trên miền đất mới này, những giáo dân di cư đến vẫn giữ đạo cách sốt sắng và trung thành, dù xung quanh họ toàn là lương dân xa lạ. Chúa nhật, họ thường đi bộ lên giáo xứ Chuồn (nay gọi là An Truyền, vốn có từ đầu thế kỷ 18) để dự lễ, mất hai ngày đêm cả đi lẫn về. Những gia đình ấy được xác định, dựa trên gia phả của hai họ Trần ở Phường Tây ngày nay là gia đình các ông: Trần Tin[1] kết hôn với bà Lương Thị Nở[2] và định cư ở đây trong khoảng thời gian từ năm 1820-1825. Sau đó họ sinh được 5 người con là các ông Long, Lân, Quy, bà Phụng và ông Nhỏ. Gia đình họ làm nên một cộng đoàn Kitô hữu nho nhỏ và là hạt nhân tiên khởi của giáo xứ Phường Tây sau này. Thời gian sau, hai người khác tên là Trần Ơn và Trần Vang là con ông Trần Công cũng từ Trài (Cự Lại) về Phường Tây định cư trong khoảng thời gian trước năm 1884, làm nên họ Trần thứ hai ở đây. Cùng với hai họ Trần nói trên còn có hai ông Gioakim Trần Chung (1858) và Phaolô Trần Truật con ông Trần Định cũng quê Trài về Phường Tây định cư cùng với gia đình. Như vậy, tính đến năm 1884, cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi này đã khá đông; họ giữ đạo rất sốt sắng và lãnh nhận các bí tích thường xuyên ở Trài hoặc ở Chuồn. (Ước tính khoảng 9 gia đình, và số giáo dân từ 20 đến 40 người).

Phần mộ 2 vị tử đạo thời Văn Thân (có bia nhỏ) tại khu lăng mộ họ Trần ở Phường Tây

Dưới thời vua Tự Đức (1847-1883) rồi thời Văn Thân cướp bóc giết hại người Công giáo tại Giáo phận Huế (1883-1886), cộng đoàn tiên khởi ở Phường Tây chịu lắm bách hại vì đạo. Nhiều gia đình phải đau khổ và chịu chết chỉ vì mang danh Kitô hữu. Gia đình ông Antôn Trần Ơn và gia đình ông Gioakim Trần Nhỏ đã phải đổ máu để tuyên xưng đức tin. Cả thảy có tám vị: Gioakim Trần Nhỏ, Antôn Trần Ơn, Luxia Nguyễn Thị Duyệt, Gioan Trần Vinh, Phaolô Trần Khiêm, G.B Trần Tuệ, Anna Trần Thị Duyên, Maria Trần Thị Hỡi và một vị từ Quảng Nam không rõ danh tính.

Các ngài chịu chết dưới thời Văn Thân. Hiện nay chỉ còn hài cốt của hai vị đang an nghỉ tại Phường Tây (tọa độ 16.4002 107.8232) là Gioakim Trần Nhỏ và vị từ Quảng Nam ra, còn những vị khác đã được đưa lên Trài cạnh dòng tộc của mình. Bên cạnh đó, nhiều gia đình khác cũng phải chịu bách hại, chịu đau khổ, bị chèn ép, đánh đập vì đạo thánh, như gia đình của bà Catarina Trần Thị Bĩu (1857); gia đình ông Trần Thuật (1860) con ông Trần Lân và gia đình ông Trần Truật (di cư về từ năm 1865).

Như vậy, giáo xứ Phường Tây hiện nay bắt nguồn từ giáo xứ Trài (Cự Lại) và Chuồn (An Truyền). Cây đức tin của cộng đoàn Kitô hữu trên vùng đất cát trắng khô cằn này đã được tưới gội bởi máu của các vị Tử đạo tiên khởi. Và từ đây, cộng đoàn đức tin nhỏ bé ấy ngày càng phát triển mạnh mẽ, không chỉ nơi con cháu trong dòng họ mà còn lan ra lương dân bên cạnh, thuộc các họ tộc khác trên cùng vùng đất.

B- Thành giáo họ trực thuộc (từ 1885)

1. Trực thuộc giáo sở Phủ Cam (1885-1889)

Dưới thời Đức Giám mục Antoine Caspar (Lộc) cai quản Giáo phận Huế (1880-1907) và cha Eugène Allys (Lý) làm quản xứ Phủ Cam kiêm quản hạt Bên Thủy (1885-1908), nhằm khôi phục Giáo phận tơi tả vì vụ Văn Thân, phong trào truyền giáo đã phát triển mạnh tại vùng từ bờ nam sông Hương vào tới đầm Lăng Cô, với nhân sự chính từ giáo xứ Phủ Cam, cụ thể là các cha phó và một số giáo dân nhiệt thành chuyện đạo. Thời kỳ này Phường Tây trở thành một trung tâm truyền giáo, bởi lẽ nơi đây con số giáo hữu đã khá đông và đức tin rất vững vàng. Thỉnh thoảng, cha phó Phủ Cam Anphong Trần Bá Lữ (gốc Sơn Công, 1845-1884-1913) về Phường Tây cùng các vùng lân cận như Hà Úc, Nam Trường (nay thuộc giáo xứ Vinh Hòa) hoạt động tông đồ và chăm sóc các nhóm tín hữu nhỏ (từ 1885 đến 1890).         

2. Trực thuộc giáo sở Diêm Tụ (1890-1894)

Năm 1890, Đức Cha Caspar quyết định thành lập giáo xứ Diêm Tụ (sau đó thành giáo sở), tách khỏi Phủ Cam và đặt cha Antoine Stoeffler (cố Thể, 1863-1887-1940) làm quản xứ tiên khởi. Từ đây Phường Tây không còn thuộc Phủ Cam nữa nhưng được đặt dưới sự coi sóc của các cha sở Diêm Tụ. Thời cha Philipphê Dương Đức Kỳ (gốc An Ninh, 1863-1892-1925) làm phó xứ từ năm 1893, ngài vẫn thường xuyên lui tới viếng thăm Phường Tây và Mỹ Lợi (vì Mỹ Lợi là quê hương của bà Lương Thị Nở, vợ của ông Trần Tin, Kitô hữu đầu tiên về Phường Tây sinh sống) đồng thời chăm sóc cộng đoàn tín hữu ở đây.[3]

3. Trực thuộc giáo sở Hà Úc (1894-1945)

Năm 1894, nhận thấy người theo đạo ngày càng đông, Đức Cha Caspar quyết định cho Hà Úc trở thành một giáo xứ độc lập (sau đó thành giáo sở) và bổ nhiệm cha Jean-Marie Héry (cố Y 1854-1879-1905) làm quản xứ tiên khởi. Thời kỳ này Phường Tây đương nhiên trở thành một giáo xứ trực thuộc Hà Úc. Thời cố Y, người ta trở lại đạo rất đông, nhất là sau trận bão lụt lịch sử năm 1897 (Đinh Dậu), kéo theo nạn đói trầm trọng. Có lẽ nhờ sự giúp đỡ vật chất của Cố cùng với nhiều giáo dân đối với lương dân nên họ trở lại vì thấy tấm gương bác ái nơi người Kitô hữu. Cố Y còn áp dụng phương pháp “nương Cha, nhà Cố”, nghĩa là mỗi gia đình theo đạo thì thường cha phó cho họ một chỗ đất ở, còn cố thì lo việc xây nhà. Phải chăng người ta trở lại đông cũng vì lý do như vậy?

Đến năm 1902, Phường Tây được nâng lên hàng giáo xứ và cha Philipphê Dương Đức Kỳ được bổ nhiệm làm quản xứ tiên khởi. Phường Tây lúc này có các giáo họ trực thuộc: Lương Viện, Phường Đông, Mỹ Lợi, Nam Trường. Tuy nhiên thời gian tách riêng chỉ có một năm, vì sau đó cha Dương Đức Kỳ được thuyên chuyển ra làm quản xứ Sơn Quả. Phường Tây thuộc giáo xứ Hà Úc lại.

Thời cha Marcellin Maillebuau (cố Mầu, 1865-1890-1930) làm quản xứ thì giáo sở Hà Úc kéo dài từ Xuân Thiên (xã Vinh Xuân) đến Nam Trường (xã Vinh Giang). Giáo dân ngày càng đông, nên Cố tổ chức lại cơ cấu sinh hoạt của giáo sở. Các giáo họ phía nam Hà Úc được Cố giao cho các cha phó coi sóc, còn Cố phụ trách từ Hà Úc lên đến Xuân Thiên. Do đó, trải qua ba đời quản sở Hà Úc là cha Mar. Maillebuau (1902-1930), cha G.B. Nguyễn Văn Hân (1930-1937) và cha Jean Viry (cố Vị) (1937-1943), Phường Tây có được các phó xứ đến biệt cư như các cha Phêrô Huỳnh Văn Thuận (từ 1922), Tađêô Hồ Bảo Huỳnh (từ 1929), Anrê Nguyễn Văn Từ (từ 1934), Phêrô Huỳnh Văn Hóa (từ 1937), Phaolô Mai Xuân Hiến (từ 1940), G.B Nguyễn Văn Đông (từ 1941), Gioan Nguyễn Đăng Bình (1943).[4]

Trong thời gian này, nhìn chung đời sống đạo tại Phường Tây tiến triển tốt đẹp. Giáo dân sốt sắng, siêng năng dự lễ, lãnh nhận các bí tích, nhất là gắn bó với nhau qua những buổi đọc kinh sáng tối ở nhà thờ. Nhiều hội đoàn được tổ chức khiến đời sống đạo thêm sinh động. Trên phương diện xã hội, giáo dân Phường Tây sống hài hòa với tất cả những người ngoại đạo. Nhờ đó mà mối quan hệ láng giềng, lương giáo vẫn luôn tốt đẹp cho đến ngày nay.

Cũng trong thời gian này, năm 1939, cố Vị xây dựng cho Phường Tây nhà thờ mới, ngôi nhà thờ thứ ba của họ đạo. Nhờ đó giáo dân có được nơi thờ phượng kiên cố và xứng đáng. Song song đó, Cố còn cho xây cơ sở các nữ tu trên đất mà hiện nay cộng đoàn Con Đức Mẹ Vô Nhiễm đang ở để phục vụ giáo xứ (cạnh nhà thờ, bên kia Quốc lộ 49B).

4. Trở thành giáo xứ độc lập (từ 1945 đến nay)

Vào năm 1945, Đức cha François Lemasle (Lễ) bổ nhiệm cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền (gốc Nhu Lý, 1906-1935-1973)[5] làm quản xứ thứ hai của Phường Tây. Từ đây đánh dấu một bước trưởng thành mới của giáo xứ, Phường Tây trở thành một giáo sở thực sự và lâu dài với ba giáo họ trực thuộc là Phường Đông, Lương Viện và Mỹ Lợi.

Năm 1947, cha Hiền rời Phường Tây để làm Giám đốc Đại chủng viện Huế, cha Tađêô Trần Văn Tri (gốc Kim Long, 1912-1943-1970) kế nhiệm. Ngài là người có công củng cố đức tin và đời sống đạo cho tín hữu, kêu gọi giáo dân sống bác ái với lương dân, tạo mối quan hệ làng xóm tốt đẹp, đoàn kết lương giáo, nhất là giữa những kẻ cùng chung họ tộc nhưng khác niềm tin. Cha Tri là người đầu tiên sắm chuông Tây và làm giá chuông bằng gỗ đầu tiên cho nhà thờ. Cũng trong thời gian này, năm 1952, các nữ tu mở trạm xá khám bệnh, giúp đỡ cư dân. Đến năm 1955, cha Tri được thuyên chuyển làm quản xứ Thần Phù.

Được bổ nhiệm thay thế, cha Giuse Trần Thế Hưng (gốc Tân Mỹ, 1912-1940-1981) ra sức củng cố giáo xứ cả về vật chất lẫn tinh thần. Ngài xây xựng và sửa chữa nhiều công trình họ đạo. Trước tiên là đại trùng tu nhà thờ: tất cả bằng gỗ kiền kiền, nhờ sự đóng góp công của của giáo dân và ân nhân, nổi bật là ông Hội Nghi (Nguyễn Văn Nghi) và ông Ký Viêm (Nguyễn Quang Viêm). Tiếp theo là xây dựng nhà xứ khang trang hơn, rồi các kho lẫm… Số giáo dân của Phường Tây thời gian này lên đến 1500 người. Có lẽ đây là con số đông nhất từ trước đến nay. Và chắc rằng cơ cấu của giáo xứ từ khi có cha sở đã được tổ chức cách quy củ và hiệu quả.

Đến năm 1959, cha Giuse Lê Văn Hộ (gốc Trí Bưu, 1907-1936-1969) được bổ nhiệm thay thế. Cha Hộ tiếp tục công cuộc xây dựng đời sống thiêng liêng cho giáo hữu. Bên cạnh đó, ngài còn đóng trần nhà thờ, làm lại cửa sổ, khiến nhà thờ thoáng mát và khang trang hơn. Cây Thánh giá lớn do anh em ông Trần Hào dâng cúng làm cho cung thánh thêm uy nghiêm, xứng với một nơi thờ tự. Ngài còn xây tháp chuông bằng bêtông kiên cố (sau này được trùng tu lại).

Sau hai năm ở Phường Tây, ngài được thuyên chuyển ra Hội Yên làm cha sở. Phường Tây được cha G.B. Phạm Bá Viên (1913-1943-1998, từ Lào về nhập giáo phận năm 1957) coi sóc cai quản. Làm quản xứ từ 1961 đến 1963, y như các vị tiền nhiệm, cha Viên có mối quan tâm hàng đầu là củng cố ngôi nhà thiêng liêng của tín hữu và sửa sang ngôi nhà vật chất của mục tử.

Tiếp nối cha Viên là cha Phaolô Tống Văn Đơn (gốc Nhất Đông, 1918-1951-1988). Ngài coi xứ từ 1964 đến 1970. Ngoài việc chăm sóc đời sống thiêng liêng tín hữu, ngài còn chú tâm mở mang văn hóa, nâng cao kiến thức cho con em trong vùng không phân biệt lương giáo bằng việc mở trường tiểu học Mai Khôi và giao cho các chị Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm phụ trách. Nhờ đó thiếu nhi địa phương có được điều kiện học tập. Nhiều người biết chữ, những người sau này có điều kiện học thêm và thành đạt cũng ghi ơn mái trường này.

Từ năm 1970 đến 1972, giáo xứ Phường Tây được cha Matthia Nguyễn Văn Triêm (gốc Kẻ Sen, 1914-1945-1984) coi sóc. Bên cạnh việc lo lắng đời sống tinh thần, ngài còn quan tâm đến đời sống vật chất của tín hữu. Ngài mua lại ruộng Nhà chung -tất cả 80 mẫu- cho giáo dân canh tác và nộp huê lợi để cha quản xứ và các nữ tu có thể sinh sống và hoạt động. Ngài cũng tổ chức các hội đoàn như hội Legio Mariae với 35 thành viên, nhất là đoàn Thiếu nhi Thánh Thể với 241 đoàn viên, dưới sự điều hành của chính ngài và 15 huynh trưởng. Như vậy, thời cha Triêm, đoàn Thiếu nhi Thánh Thể tuy tân lập nhưng đã được tổ chức quy mô với mục đích giáo dục đức tin, giúp gia tăng lòng mến yêu Thánh Thể nơi giới trẻ. Đồng thời, ngài giúp các em rèn luyện các kỹ năng sống và đặc biệt là tinh thần nhân bản. Thời kỳ này, trường Mai Khôi vẫn tiếp tục hoạt động và mang lại kiến thức cho thiếu nhi lương giáo trong vùng. Đời sống giáo xứ nhờ vậy có nhiều khởi sắc.

Giai đoạn từ 1972 đến 1999, cha G.B Lê Văn Hiệp (gốc Trí Bưu, 1939-1968-2001) làm quản xứ trong một hoàn cảnh chính trị-xã hội hết sức phức tạp. Ngài về nhận xứ năm 1972, yên bình chưa được bao lâu, nhiệt huyết tông đồ của một linh mục trẻ chưa kịp thi thố, thì bất ngờ biến cố chính trị 1975 xảy đến. Chiến tranh loạn lạc, nhiều giáo dân trong xứ phải chạy trốn hoặc di cư đến nơi khác, riêng ngài vẫn trung thành bám trụ với miền đất được trao. Chiến tranh qua đi, hòa bình lập lại, giáo dân lẫn dân chúng trong vùng lại phải đối phó với những khó khăn cùng cực về kinh tế, và cha sở cũng cùng chung số phận. Ngoài việc chăm lo đời sống thiêng liêng cho giáo dân, ngài còn phải tự tay lao động nuôi sống bản thân mình. Thời bấy giờ, ngài trở thành một “linh mục nông dân” thực thụ: phải cuốc đất trồng khoai, phải lội nước cào rong làm phân bón, phải đi làm “ruộng tập đoàn”… Đó là chưa kể bao sách nhiễu đủ loại từ những kẻ vô thần có quyền lực. Trong hoàn cảnh hết sức khó khăn như vậy, nhiệt huyết tông đồ và đức ái mục tử luôn là hai nét sáng ngời của vị quản xứ trẻ. Ngài chu toàn cách trung thành bổn phận đối với đoàn chiên. Không những thế, một mặt ngài thuyết phục giữ chân nhiều giáo hữu đang muốn bỏ đi tìm những miền đất mới vì không chịu nổi cảnh khó khăn, đói kém ở quê nhà, mặt khác ngài cũng tìm mọi cách để hoạt động truyền giáo, tăng cường đối thoại với lương dân. Trong thời gian này, trường Mai Khôi ngưng hoạt động, vì phải chuyển qua sự quản lý của nhà nước, biến thành trường công. Đoàn Thiếu nhi Thánh Thể do thời cuộc cũng chẳng còn những sinh hoạt sôi nổi như thời cha Triêm, mãi đến năm 1996 mới được tái thành lập. Nhân số ngày một ít đi do nhiều giáo dân di cư vào miền Nam, đi các “vùng kinh tế mới” như Nam Đông, Tây Nguyên, thậm chí ra hải ngoại…

Sau năm 1986, tình hình đất nước có nhiều khởi sắc hơn về kinh tế nhờ “cải cách”, những vấn đề chính trị nhạy cảm cũng dần lắng dịu. Lúc này cha G.B. bắt đầu ra sức củng cố lại giáo xứ về đời sống thiêng liêng lẫn hoạt động của các đoàn thể. Ngài thành lập hội đoàn theo từng giới như Cha gia đình, Mẹ gia đình, Ông bà lão, Thiếu nhi Thánh Thể (1996), các ca đoàn lớn nhỏ và đặc biệt chú ý đến việc dạy giáo lý cho con em trong giáo xứ từ lớp khai tâm đến lớp vào đời… Mọi giáo dân theo giới của mình giúp nhau sống đạo. Ngài cũng hăng say rao giảng Tin Mừng cho anh em lương dân. Cụ thể, ngài lập những nhóm nhỏ tông đồ giáo dân hoạt động truyền giáo. Còn chính ngài luôn luôn nói về đạo Chúa cho người lương khi có điều kiện, như vào những dịp kị giỗ, tiệc tùng. Lương dân trong vùng khi nhắc đến cha quản xứ G.B. đều dành cho ngài những tình cảm hết sức quý mến. Rất nhiều người trở lại từ thời của ngài đang sốt sắng giữ đạo.

Về cơ sở vật chất, cha GB cũng đã xây mới hay tu sửa các nhà thờ Phường Đông, Lương Viện, Mỹ Lợi, nhất là nhà thờ Phường Tây và cả nhà xứ, nhà hội trước khi rời đây năm 1999.      

Thế nhưng 27 năm lao tâm, lao lực với biết bao buồn vui sướng khổ trên mảnh đất Phường Tây thân yêu đã khiến sức khỏe ngài xuống dốc trầm trọng, nên chỉ 3 năm sau (2001) ngài đã qua đời khi đang cai quản giáo xứ Cồn Hến (Tân Thủy), vì bệnh tiểu đường nặng. Sự suy yếu này đã bắt đầu khá lâu trước đó, do từ khi chịu chức, ngài đã luôn trải qua những hoàn cảnh khó khăn vất vả (từng làm mục vụ tại vùng địa đầu giới tuyến đầy gió cát và mất an ninh như Mai Xá, Long Hà, Chợ Hôm, Hà Lợi từ 1969 đến 1972).

Năm 1999, cha Phaolô Tống Thanh Trọng (gốc Ngọc Hồ, 1941-1975-, nay nghỉ ở Nhà hưu Giáo phận) được Đức Tổng Têphanô Nguyễn Như Thể bổ nhiệm làm quản xứ Phường Tây thay thế. Cha Phaolô đã tiếp tục công cuộc “trăm năm trồng người” của các vị tiền nhiệm. Ngài tổ chức các hội đoàn cho có quy củ hơn, cộng tác với ngài là một hội đồng giáo xứ được phân công với đầy đủ các chức danh và công việc. Ngoài những đoàn thể truyền thống như Cha gia đình, Mẹ gia đình, Lão ông, lão bà… còn có hội Legio hoạt động trở lại khá quy mô. Việc củng cố đức tin cho trẻ em qua các lớp giáo lý và đoàn Thiếu nhi Thánh Thể cũng được ngài quan tâm cách đặc biệt: tổ chức sinh hoạt hàng tuần, đào tạo thế hệ huynh trưởng tương lai.

Đến năm 2004, cha Trọng được thuyên chuyển làm quản xứ Triều Sơn Nam, và cha Đôminicô Trương Văn Quy (gốc Ngọc Hồ, 1967-2004-) kế nhiệm, ngay sau khi chịu chức linh mục. Cha Đôminicô chủ trương xây dựng một giáo xứ mà giáo dân tự trưởng thành về mọi mặt cả trong sinh hoạt cộng đồng cũng như đời sống đạo đức. Ngài còn quan tâm đến việc chăm sóc tinh thần cho mầm non “đức tin” của giáo xứ là giới trẻ. Đối với những con em của Phường Tây vì kế sinh nhai phải đi làm ăn xa nhà, ngài tổ chức những buổi tĩnh tâm, họp mặt, chia sẻ kinh nghiệm sống đạo vào dịp tết (lúc họ về quê nghỉ).

Cha cũng đã xây mới nhà thờ Phường Đông, nhà cha sở cùng với tường rào bao quanh (tuy chưa hoàn thiện), rồi đại trùng tu nhà thờ Phường Tây xuống cấp do mối mọt (năm 2011). Trước đó, lúc mới nhận nhiệm sở, ngài cũng đã cùng giáo dân làm đơn yêu cầu nhà nước trả lại trường Mai Khôi khi họ không dùng cơ sở này vào việc dạy học nữa. Sau nhiều khó khăn thử thách tưởng chừng khó vượt qua, nhưng nhờ ơn Chúa, cuối cùng ngôi trường đã được hoàn trả cho giáo xứ vào năm 2006. Giờ đây trên mảnh đất đó, một đài Đức Mẹ đã được dựng lên trước khuôn viên nhà các nữ tu, góp phần tăng thêm vẻ tôn nghiêm cho một cơ sở tôn giáo.

Năm 2012, cha G.B Nguyễn Thế Tòng (gốc Nước Ngọt, 1968-2003-) được bổ nhiệm làm quản xứ, thay thế cha Quy săn sóc linh hồn cho số giáo dân hiện tại gồm cả Phường Tây, Lương Viện, Phường Đông và Mỹ Lợi vào khoảng 800 người[6]. Các hội đoàn như Cha gia đình, Mẹ gia đình, Legio Mariae, Lòng Chúa thương xót, Chung sự hiếu đạo, Thiếu nhi Thánh Thể, Lễ sinh, Tu sinh, Ca đoàn lớn nhỏ… đều hoạt động sôi nổi.

Ngày 21-5-2019, cha Phêrô Phạm Ngọc Hoa (chánh quán Tam Tòa, sinh quán Phủ Cam, 1957-2000-) từ giã nhiệm sở quản xứ Đông Hà để vào tiếp nhận giáo sở Phường Tây. Bài sai ký ngày 10-5-2019. Ngài hiện đang tiếp tục chương trình mục vụ của các cha tiền nhiệm.

Bên trong Nhà thờ Phường Tây hiện thời

5- Tổng lược các linh mục quản xứ

  1. Philiphê Dương Đức Kỳ (1902-1903)
  2. Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền (1945-1947)
  3. Tađêô Trần Văn Tri (1947-1955)
  4. Giuse Trần Thế Hưng (1955-1959)
  5. Giuse Trần Văn Hộ (1959-1961)
  6. G.B. Phạm Bá Viên (1961-1963)
  7. Phaolô Tống Văn Đơn (1964-1970)
  8. Matthia Nguyễn Văn Triêm (1970-1972)
  9. G.B Lê Văn Hiệp (1972-1999)
  10. Phaolô Tống Thanh Trọng (1999-2004)
  11. Đôminicô Trương Văn Quy (2004-2012)
  12. G.B Nguyễn Thế Tòng (2012-2019)
  13. Phêrô Phạm Ngọc Hoa (từ 21-05-2019).

 III- HOA TRÁI ĐỨC TIN

1- Linh mục

  1. Giuse Đỗ Văn Y (1935-1965-) Nghỉ hưu tại Phường Tây.
  2. Simon Đỗ Viên (1951-1990-) Mục vụ tại Hoa Kỳ.
  3. Gioakim Hồ Quang Tâm (-1994-2006) Dòng Chúa Cứu Thế.
  4. Êmilianô Đỗ Minh Liên (1945-1995-) Dòng Thánh Tâm, em cha Đỗ Văn Y.
  5. Antôn Phan Bá (1965-2001-) Mục vụ tại Hoa Kỳ.
  6. Antôn Trần Văn Binh (1962-2003-) Giáo phận Bà Rịa-Vũng Tàu.
  7. PX. Hồ Văn Uyển (1977-2007-)
  8. Mathêô Trần Nguyên (1975-2009-)
  9. Giuse Maria Đỗ Cao Nhân (1980-2013-) Dòng Đaminh.
  10. Gioakim Trần Đình Tạo (1979-2016-)
  11. Gioan Bosco Trần Anh Thao (1984-2016-)
  12. Gioakim Đào Xuân Thành (1967-2003-) Mục vụ tại Hoa Kỳ.
  13. Gioakim Nguyễn Binh (1983-2018-) Dòng Xitô Châu Sơn, Ninh Bình.

2- Đại chủng sinh

1- Giuse Trần Hưng

2- Anrê Phạm Tấn Thăng

3- Giuse Trần Đình Phước.

3- Nam nữ tu sĩ

1- Cataria Trần Thị Uy, sn: 1942, vk: 1970, chết 2013, Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng.

2 – Mađalêna Trần Thị Lợi, sn: 1953, vk: 1987, Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng.

3- Madalêna Trần Thị Vẻ, sn: 1954, vk: 1989, Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng.

4- Anê Lương Thị Thiên, sn: 1955, vk: 1987, Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng.

5- Madalêna Đào Thị Thu Thanh, sn: 1971, vk: 2002, Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng.

6- Madalêna Phạm Thị Thanh Nhàn, sn: 1981, vk: 2012. Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng.

7- Anê Trần Thị Huyền Nga, sn: 1982, vk: 2014. Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng.

8- Anê Cao Thị Điệp, sn: 1983, vk: 2014. Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng.

9- Ursule Anê Trần Thị Mai, sn: 1906, vk: 1925, qđ: 1989, Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm.

10- Jeanne d’Arc Agnès Đỗ Thị Sa, sn: 1941, vk: 1968, Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm.

11- Léontine Maria Đỗ Thị Lan, sn: 1943, vk: 1968, Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm.

12- M. Domitilla Phạm Thị Sen, sn: 1946, vk: 1972, Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm.

13- Maria Đỗ Thị Thế, sn: 1956, vk: 1990, Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm.

14- Maria Phạm Thị Dinh, sn: 1959, vk: 1992, Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm.

15- Maria Trần Thị Tuyết, sn: 1961, vk: 1994, Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm.

16- Maria Phạm Thị Thanh Cảnh, sn: 1977, vk: 2010, Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm.

17- Anê Phạm Thị Thanh Nga, sn: 1979, vk: 2012, Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm.

18- Madalêna Trần Thị Kim Bích, sn: 1981, vk: 2012, Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm.

19- Têrêxa Phạm Thị Lan, sn: 1983, vk: 2014, Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm.

20- Madalêna Trần Thị Nhiệm, sn: 1902(+), vk: 1976, Dòng Mến Thánh Giá.

21- Madalêna Trần Thị Gẫm, sn: 1921(+), vk: 1981, Dòng Mến Thánh Giá.

22- Madalêna Đỗ Thị Vọng, sn: 1935(+), vk: 1982, Dòng Mến Thánh Giá.

23- Anê Đỗ Thị Loan, sn: 1937, vk: 1982, Dòng Mến Thánh Giá.

24- Clara Trần Thị Tuyết, sn: 1939(+), vk: 1985, Dòng Mến Thánh Giá.

25- Maria Trần Thị Hiền, sn: 1947, vk: 1982, Dòng Mến Thánh Giá.

26- Maria Đỗ Thị Dung, sn: 1952       , vk: 1981, Dòng Mến Thánh Giá.

27- Madalena Mai Thị Lệ Hằng, sn: 1986, vk: 2013, Dòng Mến Thánh Giá.           

28- Maria Trần Dạ Thảo, sn: 1988, vk: 2014, Dòng Mến Thánh Giá.           

4- Giáo dân:

– Năm 2010:    800 người (Lịch Giáo phận)

– Năm 2015:    694 người. (Lịch Giáo phận)

– Năm 2020:    661 người. (Lịch Giáo phận)

************************

GIÁO HỌ PHƯỜNG ĐÔNG

I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ

Giáo họ Phường Đông nằm trên địa bàn xã Vinh Hưng, cách nhà thờ Phường Tây khoảng 3km về hướng nam đông nam. Giáo họ hiện nay gồm khoảng 210 giáo dân, có nhà thờ kiên cố, tường rào bao quanh, có nhà cha sở. Giáo dân sống đạo rất sốt sắng, mỗi tuần đều có 3 Thánh lễ; những ngày còn lại giáo dân luôn tụ họp với nhau quanh Chúa Giêsu Thánh Thể để đọc kinh cầu nguyện chung vào mỗi tối.

II. NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

1- Từ phong trào truyền giáo sau nạn Văn Thân

Từ thời cha Anphong Trần Bá Lữ về Phường Tây hoạt động tông đồ (từ 1885 đến 1890). Phường Đông đã có nhiều gia đình theo đạo như: gia đình ông Hồ Tứ, bà Lucia Liên (1887), bà Madalêna Tý (1888). Những giáo dân đầu tiên này đã hết sức trung thành với đạo, nhờ vậy mà trong thời gian dài Tin Mừng vẫn hiện diện giữa lương dân nơi đây. Từ thời cha Antoine Stoeffler (cố Thể) làm quản xứ Diêm Tụ, Phường Đông tiếp tục là một trong những vùng truyền giáo do ngài và các cha phó phụ trách. Từ năm 1894, khi Hà Úc có quản xứ đầu tiên là cha Jean-Marie Héry (cố Y), Phường Đông thuộc quyền coi sóc của ngài nên chắc rằng việc giữ đạo của những giáo dân đầu tiên này dễ dàng, thuận lợi hơn, nhất là trong việc dự lễ cũng như lãnh nhận các bí tích. Bởi lẽ quãng đường từ Phường Đông lên Hà Úc khá gần (hơn 6km).

Thời cha Marcellin Maillebuau (cố Mầu) làm quản xứ Hà Úc (1902-1930) và nhất là khi cha Phêrô Huỳnh Văn Thuận làm phó xứ Hà Úc biệt cư Phường Tây trong khoảng thời gian từ 1922 đến 1929[7] thì số người trở lại nhiều hơn. Ngôi nhà thờ đầu tiên được xây dựng là bằng tranh tre vách đất do sự cộng tác, đóng góp của những tân tòng tiên khởi (nhất là ông Hồ Tứ) cùng với sự lo lắng yểm trợ và khuyến khích của Cố. Từ đây, giáo họ Phường Đông bắt đầu quá trình phát triển và vững mạnh cho đến ngày nay cả về đời sống đức tin cũng như cơ sở vật chất và tổ chức giáo họ.

2- Phát triển trong giáo sở Phường Tây

Sau năm 1945, khi Phường Tây trở thành một giáo sở độc lập[8] thì Phường Đông được đặt dưới sự coi sóc của cha sở Phường Tây cho đến ngày nay. Đầu tiên là cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền (1945-1947), rồi đến cha Tađêô Trần Văn Tri (1947-1955), cha Giuse Trần Thế Hưng (1955-1959), cha Giuse Lê Văn Hộ (1959-1961), cha GB. Phạm Bá Viên (1961-1963), cha Phaolô Tống Văn Đơn (1964-1970). Trong thời gian này, hầu chắc Phường Đông với con số giáo dân ít ỏi nhưng đã rất vững mạnh trong đức tin và lòng đạo. Việc xây dựng nhà nguyện như đã nói ở trên cho thấy rằng giáo dân nơi đây luôn tụ họp chung với nhau hằng ngày để thờ phượng Chúa, đồng thời các cha sở cũng nhiều lần dâng lễ tại đó (nếu không muốn nói là thường xuyên). Trong thời gian từ 1970 đến 1972, khi thay thế cha Đơn làm quản xứ Phường Tây, cha Matthia Nguyễn Văn Triêm đã cho trùng tu nhà thờ Phường Đông bị xuống cấp: làm lại theo kiểu nhà rường với tường bằng gạch khá vững chắc.

Trong một thời gian dài từ 1972-1999, cha sở Phường Tây G.B. Lê Văn Hiệp đã quan tâm đến Phường Đông cách đặc biệt. Tại đó, trong thời kì này, có nhiều gia đình theo đạo nhờ nỗ lực truyền giáo của ngài. Ngài xây mới hoàn toàn ngôi nhà thờ bằng bêtông cốt thép kiên cố, và dựng lại nhà hội bị tàn phá do chiến tranh. Tạ ơn Chúa là trong một thời kỳ khó khăn trăm bề như thế, quản xứ và tín hữu đã đồng lòng không những giữ vững đức tin và đời sống đạo mà còn làm cho giáo họ ngày càng phát triển mọi mặt. Cha G.B. bắt đầu đưa giáo họ Phường Đông đi vào nề nếp với Hội đồng giáo xứ, các hội đoàn như Cha gia đình, Mẹ gia đình, để hoạt động như một giáo xứ trưởng thành. Thời gian sau, ngài còn cho xây tháp chuông kiên cố, sắm chuông tây hiện còn sử dụng.

Từ 1999-2004 cha Phaolô Tống Thanh Trọng tiếp nối cha Hiệp chăm sóc cộng đoàn giáo xứ nhỏ bé Phường Đông. Ngài củng cố ngôi nhà thiêng liêng của tín hữu, tổ chức Hội đồng giáo xứ quy củ hơn. Ngoài hai hội Cha gia đình và Mẹ gia đình, hội Legio cũng bắt đầu có mặt nơi giáo họ nhỏ bé này. Về cơ sở vật chất, cha Trọng cho làm nền và tầng cấp quanh nhà thờ cùng với tiền đường, khiến nơi thờ phượng này càng thêm khang trang.

Từ năm 2004, khi làm quản xứ Phường Tây, cha Đôminicô Trương Văn Quy cũng luôn dành sự quan tâm lớn cho giáo họ Phường Đông. Ngoài việc lo lắng cho đời sống đạo của tín hữu, ngài còn xây dựng thêm cơ sở vật chất, với hy vọng Phường Đông sẽ có quản xứ trong tương lai. Nhờ sự trợ giúp của các ân nhân xa gần cùng với việc đóng góp công sức của giáo dân, ngài xây dựng lại nhà thờ mới hoàn toàn vì nhà thờ cũ dột nát và chật hẹp. Ngài quay nhà thờ về hướng Tây Nam thay vì hướng Đông như trước đó. Bên cạnh đó, ngài còn xây tường rào bao quanh khuôn viên bằng gạch kiên cố và nhà cha sở bên cạnh nhà thờ.

Đến ngày 19-11-2012, Cha G.B. Nguyễn Thế Tòng được bổ nhiệm làm quản xứ Phường Tây, cộng đoàn giáo họ Phường Đông lại được sự coi sóc của mục tử mới.

**********************

GIÁO HỌ LƯƠNG VIỆN

Nhà thờ Giáo họ Lương Viện (được đại trùng tu năm 2013)

1- Vị trí địa lý

Cộng đoàn Kitô hữu Lương Viện nằm trên phần đất của thôn Lương Viện, xã Vinh Hưng, cách nhà thờ Phường Tây khoảng 1km theo đường chim bay về hướng đông đông bắc.

2- Nguồn gốc hình thành và quá trình phát triển

Từ trước thời Văn Thân, tại Lương Viện đã có người theo đạo: năm 1848 có gia đình bà Lucia Chuột, năm 1880 có bà Agata Phụng, ông G.B Cao Loan. Những năm từ 1902-1930, khi cố Mầu cai quản Hà Úc, các cha phó của ngài coi sóc Phường Tây và lo các giáo họ. Năm 1925, giáo họ Lương Viện được cha Huỳnh Văn Thuận thành lập và cai quản. Lúc ấy, số người trở lại khá đông.

Năm 1930-1936 cha G.B Nguyễn Văn Hân làm quản xứ Hà Úc, các phó xứ tiếp tục chăm lo đời sống đạo cho giáo dân Lương Viện. Năm 1940, nhà thờ Lương Viện đầu tiên được xây dựng nhờ sự giúp đỡ của cố Vị, quản xứ Hà Úc thời bấy giờ.

Sau năm 1945, Phường Tây có cha sở riêng, từ đó Lương Viện trực thuộc giáo xứ này cho đến bây giờ. Giáo dân ngày càng đông thêm và giữ đạo cách sốt sắng. Tuy nhỏ bé nhưng giáo họ được tổ chức khá hoàn chỉnh qua các đời cha sở Phường Tây, từ Hội đồng giáo xứ đến các hội đoàn như Cha gia đình, Mẹ gia đình… Nhà thờ giáo họ thứ hai xây năm 1998 do cha G.B Lê Văn Hiệp bị xuống cấp, nên ngày 2-4-2013, cha sở mới G.B Nguyễn Thế Tòng đã trùng tu và nay giáo họ có một nơi thờ phượng Thiên Chúa xứng đáng.

Hiện giáo họ có khoảng 100 giáo dân và được sự coi sóc của cha sở Phêrô Phạm Ngọc Hoa.

*****************

GIÁO HỌ MỸ LỢI

Nhà thờ Mỹ Lợi, do cha Giuse Trần Thế Hưng xây năm 1958

1- Vị trí địa lý

Giáo họ Mỹ Lợi nằm trên đất của làng Mỹ Lợi, xã Vinh Mỹ, cách nhà thờ Phường Tây gần 3km theo đường chim bay về hướng đông đông nam. Hiện nay, giáo họ Mỹ Lợi còn nhà thờ nhưng dường như không có giáo dân sinh hoạt, mặc dù trên giấy tờ vẫn còn một số ít ghi danh. Dầu thế, tưởng cũng nên đề cập đến quá trình hình thành, phát triển, rồi suy thoái của giáo họ này.

2- Nguồn gốc hình thành

Như đã trình bày ở trên, bà Lương Thị Nở, vợ của ông Trần Tin – Kitô hữu đầu tiên về lập nghiệp tại đất Phường Tây– là người Mỹ Lợi. Như vậy, Mỹ Lợi đã có người theo đạo từ khoảng năm 1825. Sau này, có các bà tòng giáo như Matta Phượng (1845), Matta Khanh (1852), các ông như Antôn Đào (1861), Gioan Mai (1872). Dưới triều nhà Nguyễn, thời Văn Thân, cùng một thảm cảnh chung, Mỹ Lợi có nhiều người chết vì đạo, ngược lại một số khác bỏ đạo vì không chịu nổi cực hình. Nhưng sau cơn bắt bớ, nhiều người Mỹ Lợi còn trung thành với Chúa, họ thường đi lễ ở Phường Tây. Tiêu biểu như các ông: Gioakim Lư (1887) cùng gia đình, Antôn Huyên (1885) cùng gia đình, Eutakio Hờm (1886) cùng gia đình.[9] Còn nhiều người khác nữa không rõ tên họ.

Thời cha Dương Đức Kỳ làm phó xứ Diêm Tụ nhưng trông coi Phường Tây và Mỹ Lợi (từ 1893), ngài đã làm nhà thờ bằng tranh trên phần đất do ông Lương Lư dâng cúng, tại thôn 2 Mỹ Lợi, xã Vinh Mỹ, tỉnh Thừa Thiên.

3- Quá trình phát triển và suy thoái

Khi cha Kỳ làm quản xứ Phường Tây (1902-1903), có nhiều kẻ chống đạo đốt phá nhà thờ tranh, một số phát động phong trào “cải giáo hoàn lương”, trả lại ảnh tượng rồi bỏ đạo. Dầu vậy, vẫn còn một số gia đình kiên trì giữ đức tin bất chấp những nghi kỵ ghét bỏ trong làng xóm, trong dòng tộc. Vào thời cha Huỳnh Văn Thuận làm phó xứ Hà Úc (1922-1929), ngài cho dựng lại ngôi nhà thờ bằng tranh thứ hai tại Mỹ Lợi. Tuy nhiên, giáo họ này vẫn luôn bấp bênh, èo ọp do thời cuộc (các trận chiến tranh và các biến cố chính trị).

Từ sau năm 1945, vào thời cha Giuse Trần Thế Hưng làm quản xứ Phường Tây (1955-1959), ngài nâng đỡ Mỹ Lợi nhiều về đời sống vật chất nên có lắm người trở lại. Vào năm 1958, ngài làm ngôi nhà thờ ngói ở thôn 2 Mỹ Lợi, xã Vinh Mỹ, nay còn tồn tại. Nhà thờ dâng kính Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội. Ở mặt tiền, có hai cặp câu đối vinh danh Mẹ: Thơm thay mùi huệ nơi thanh vắng – Xinh bấy hoa hồng giữa góc gai. Và Nhật nguyệt đôi vầng nhường ánh sáng – Thiều quang chín chục kém màu tươi.

Đến năm 1960, thời Đức Giám mục J.B. Urrutia (Thi), giáo họ Mỹ Lợi chuyển sang trực thuộc giáo xứ tân lập Mỹ Á[10] với cha G.B. Nguyễn Cao Lộc (gốc Dương Lộc, 1919-1945-2015) làm quản xứ tiên khởi. Ngài đã về mở mang văn hóa, giúp đỡ vật chất lẫn tinh thần cho Mỹ Lợi, do đó số trở lại đạo cũng khá. Ngài làm nhà thờ ở thôn 4 và rửa tội nhiều người. Tuy nhiên sau biến cố tháng 1-11-1963 (chế độ tổng thống Công giáo Ngô Đình Diệm bị sụp đổ), cha Lộc bị bắt, bị đánh đập, giáo dân Mỹ Lợi bị liên lụy, bị vu khống, kết án… nên đa phần đã lơ đạo và bỏ đạo.

Năm 1967, vì lý do truyền giáo, Đức Tổng Giám mục Philipphê Nguyễn Kim Điền lại tách Mỹ Lợi ra khỏi Mỹ Á. Cha Giacôbê Đỗ Bá Công (gốc Kẻ Văn, 1934-1961-, nay nghỉ hưu tại Hoa Kỳ) được đặt làm quản xứ Mỹ Lợi và cha Bùi Chung (gốc Trí Bưu, 1924-1961-, nay nghỉ hưu tại Quảng Thuận) được đặt làm quản xứ Mỹ Á. Cha Đỗ Bá Công nâng đỡ thuốc men, tiền bạc, thì có kẻ theo đạo trở lại. Nhưng sau biến cố Mậu Thân (1968), cha Công và Cha Chung cũng phải rời cả 2 nơi này. Mỹ Lợi lại thuộc về giáo sở Phường Tây và Mỹ Á thuộc về giáo sở Vinh Hòa. Giáo dân Mỹ Lợi bỏ đạo gần hết.

Đến thời cha Triêm (1970-1972), Mỹ Lợi xuống dốc hẳn. Sau đó, khi cha Hiệp về làm quản xứ Phường Tây, ngài ra sức động viên những người bỏ đạo trở lại, cố gắng đối thoại truyền giáo. Tuy nhiên, chỉ có một số ít giáo dân đi lễ và tái sống đạo. Ngài tu sửa nhà thờ ở thôn 2, xây nhà cho nữ tu và mời các chị về hoạt động truyền giáo. Hy vọng đang được nhen nhóm thì biến cố 1975 xảy đến, giáo họ Mỹ Lợi hầu như tê liệt hoàn toàn.

Thời cha Trọng có được 28 giáo dân Mỹ Lợi ghi danh, nhưng rất ít người đi lễ hay giữ đạo. Nói đúng hơn chỉ vài ba người song cũng không mấy nhiệt thành. Đến nay giáo họ Mỹ Lợi có thể nói đang trong tình trạng tê liệt. Tuy nhiên, còn ước mơ thì còn hy vọng, trách nhiệm đang tiếp tục đặt lên vai các vị mục tử kế nhiêm. Ngôi nhà thờ ở thôn 2 vẫn còn đó như một sự hiện diện của Công giáo trên mảnh đất này và chúng ta hãy tin tưởng rằng ý Chúa nhiệm mầu sẽ thực hiện điều Ngài cho là tốt đẹp.

——————————————————————-

[1] Trước đó họ Nguyễn, khi về Phường Tây cải lại thành họ Trần

[2] Người Mỹ Lợi, một làng giáp với Phường Tây (xem bản đồ).

[3] Theo tài liệu viết tay của cha Giuse Đỗ Văn Y, người con của giáo xứ Phường Tây.

[4] Theo cha Giuse Đỗ Văn Y trong tài liệu chép tay của ngài.

[5]  Thụ phong Giám mục năm 1955, làm Giám mục phó Sài Gòn, rồi Giám mục tiên khởi GP Đà Lạt năm 1960.

[6]  Lịch Công giáo, Tổng Giáo phận Huế năm 2012-2013.

[7] Theo cha Giuse Đỗ Văn Y trong tài liệu chép tay của ngài

[8] Trước đó Phường Tây đã từng có quản xứ là cha Dương Đức Kỳ từ năm 1902-1903

[9] Hai ông Antôn Huyên (1885) và Eutakio Hờm (1886) cùng gia đình sau này định cư ở Phường Tây.

[10] Giáo xứ Mỹ Á nằm tại làng Mỹ Á, xã Vinh Hải (bãi ngang, ven biển), huyện Phú Lộc, cách Mỹ Lợi khoảng 3km theo đường chim bay về hướng đông đông nam. Xem thêm lược sử Giáo sở Vinh Hòa.

————————————————————–

Mọi góp ý, bổ sung, điều chỉnh xin vui lòng liên hệ với Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi theo địa chỉ email: witness2005@gmail.com Xin cám ơn quý vị rất nhiều.

Nhóm Biên sử Tổng Giáo phận Huế.