GIÁO SỞ THẠCH BÌNH
GIÁO XỨ THẠCH BÌNH
GIÁO HỌ THỦ LỄ – GIÁO HỌ VÂN CĂN
GIÁO HỌ MỸ THẠNH – GIÁO HỌ CỔ THÁP
Nhà thờ Thạch Bình do cha Mátthêu Trần Nguyên xây năm 2013.
GIÁO XỨ THẠCH BÌNH
I- VỊ TRÍ ĐỊA LÝ
Giáo sở Thạch Bình, giáo hạt Hương Quảng Phong, gồm có giáo xứ Thạch Bình và 5 giáo họ: Thủ Lễ, Niêm Phò, Vân Căn, Mỹ Thạnh, Cổ Tháp, nằm trên địa bàn 4 xã: Quảng Phước, Quảng Thọ, Quảng Lợi, Quảng Thái và thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Nhà thờ Thạch Bình, trung tâm giáo sở, nằm ở xóm 1, thôn Thạch Bình, thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền, cách tòa TGM Huế hơn 18km đường bộ và 15km đường chim bay về phía bắc tây bắc.
II- NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN[1]
1- Bước đầu hình thành (1904)
Cho đến đầu thế kỷ thứ 20, địa bàn truyền giáo huyện Quảng Điền với 5 tổng[2] Khuông Phò, Thanh Cần, Hạ Lang, Phước Yên, An Thành –ngoài giáo xứ Lãnh Thủy thuộc tổng Khuông Phò ở bên kia phá Tam Giang– mới chỉ có giáo xứ Kim Đôi ở tổng An Thành và giáo họ kỳ cựu Nho Lâm (hay Nhu Lâm) ở tổng Phước Yên trực thuộc giáo xứ Dương Sơn, huyện Hương Trà.
Vào thời gian này, thừa sai Pierre Guillot (cố Cao, 1853-1876-1921), quản xứ Dương Sơn (1886-1921) mở rộng vùng truyền giáo ra 8 làng lương dân chung quanh, trong đó có 3 làng thuộc huyện Quảng Điền.
Năm 1902, trong Báo cáo Thường niên gởi hội Thừa sai Hải ngoại Paris, Đức cha Antoine Caspar Lộc cho biết: “Tại huyện Quảng Điền, cha Guillot cũng đã gặt hái nhiều chiến thắng trên các kẻ thù của Kitô giáo. Các sở mới Thạch Bình, Hạ Lang[3], Nam Dương đang hưởng mọi sự yên lành đáng ao ước: nay người ta không còn dám quấy rầy họ. Cầu mong rằng bình an này kéo dài lâu, vì lúc đó nhiều làng lương dân trong vùng sẽ có thể đến với chúng ta và nghe theo tiếng gọi của ân sủng”.
Năm 1904, một vị thừa sai là cha André Chapuis (cố Châu, 1871-1895-1957) được bổ nhiệm quản xứ Nho Lâm, quê hương của thánh Tử đạo Micae Hồ Đình Hy. Họ đạo này vừa tách biệt khỏi giáo xứ Dương Sơn để trở thành đơn vị giáo xứ mới với khoảng 300 giáo dân, trải rộng trên địa bàn 5 tổng (Phước Yên, Hạ Lang, Thanh Cần, một phần An Thành và Khuông Phò bên này phá Tam Giang).
Cuối năm 1904, qua Báo cáo Thường niên của Đức cha Caspar, cha sở Nho Lâm cho biết giáo dân của ngài đa phần là tân tòng, sống rải rác trong khoảng 15 làng, và mới tăng thêm 14 tín hữu. Hơn 40 năm trước, dưới thời bắt đạo của Tự Đức, trong vùng này người ta chỉ đếm được ba hay bốn gia đình Công giáo, trong đó có gia đình của Á thánh Hồ Đình Hy.
Qua năm sau, đã có bước phát triển đáng kể. Trong Báo cáo Thường niên năm 1905, Đức cha Caspar Lộc đã viết: “Cộng đoàn Kitô rộng lớn Nho Lâm, vừa tách khỏi Dương Sơn, chỉ đếm được 402 giáo dân. Nhưng ở đó có một cánh đồng rộng lớn và phì nhiêu, mở ra cho lòng nhiệt thành táo bạo của cha Chapuis, kẻ vừa có niềm vui được rửa tội cho 70 người lớn và đưa về đàng lành vài con chiên tản lạc”.
2- Giáo xứ thành lập. Thời khai phá (1905-1911)
Chính trong năm 1905 này, cố Châu, với tầm nhìn chiến lược của một nhà truyền giáo lỗi lạc, đã di chuyển trụ sở truyền giáo từ Nho Lâm lên Thạch Bình (cách Nho Lâm gần 4km về phía bắc) nơi có thị trấn Sịa, được xem là trung tâm hành chính, kinh tế của huyện Quảng Điền. Giáo xứ Thạch Bình được thành lập, thuộc hạt Bên Bộ, giáo phận Huế. Về sự kiện này, cuốn “Lịch sử Giáo phận Huế qua các triều đại vua chúa 1596-1945” của hai linh mục Tanítlaô Nguyễn Văn Ngọc và Giuse Nguyễn Văn Hội cho biết: “Qua năm sau (1905), ngài (cha Chapuis Châu) về Thạch Bình và đã ở đây trong vòng 15 năm. Trong thời gian này ngài đã mở nhiều họ đạo tân tòng như Niêm Phò, Bác Vọng, Hạ Lang … lên cho tới Lai Hà”.
Năm 1906, Cha chính (tổng đại diện) Denis Izarn (cố Ý) báo cáo cho hội Thừa sai Hải ngoại Paris biết như sau: “Sở Thạch Bình, cha Chapuis là vị phụ trách viết, đã cho một tổng số là 120 người chịu phép rửa… Số Kitô hữu của con đã tăng từ 400 lên 500 người. Suốt năm, đã có nhiều lời xin trở lại; con đã ghi danh 200 tân tòng. Hai nguyện đường khiêm tốn đã được xây dựng ở Hạ Lang lẫn Cổ Tháp, và hai trạm mới đã được thành lập trong các làng mà đến lúc đó hoàn toàn ngoại đạo”.
Với mùa gặt đầu bội thu, một mình cố Châu không thể đảm đương nổi. Biết thế, Đức cha Caspar Lộc đã gởi ngay đến Thạch Bình một vị phụ tá: tân linh mục Anrê Nguyễn Hữu Tường. (gốc An Vân, 1878-1906-1965). Nhưng qua năm 1908, vì nhu cầu địa phận, cha Anrê Tường phải đi Diêm Tụ, Đức cha Allys Lý (kế nhiệm Đức cha Caspar Lộc) bổ nhiệm linh mục Tađêô Đỗ Văn Cử (gốc Bích Khê, 1871-1905-1949) đến thay.
Nhưng như thế không có nghĩa là đã đáp ứng nhu cầu mục vụ khi phong trào tòng giáo ngày một cao. Chỉ riêng năm 1908, đã có tới 93 người được rửa tội. Cố Châu ngày càng vất vả hơn do nhu cầu nhập đạo và số tân tòng gia tăng. Theo đệ trình của ngài, năm 1910 Đức cha Allys Lý lại bổ nhiệm thêm phó xứ thứ hai đến Thạch Bình: cha Phêrô Lê Văn Đức (gốc An Vân, 1880-1910-1937).
Như vậy là trong hai năm 1910 và 1911, giáo xứ Thạch Bình có đến ba linh mục phụ trách: cha sở Chapuis Châu, cha phó 1 Tađêô Cử và cha phó 2 Phêrô Đức.
3- Thời chia xứ (1911-1920)
Chỉ sau 6 năm (1905-1911) ngắn ngủi, giáo xứ Thạch Bình từ khoảng 400 giáo dân nay đã lên đến 1105 người, tăng bình quân mỗi năm 100 tín hữu mới. Căn cứ đệ trình của cha Chapuis, Đức cha Allys đã quyết định thành lập giáo xứ Lai Hà, tách từ Thạch Bình, với số giáo dân ban đầu là 165 + 41 tân tòng được rửa tội trong năm thành lập (Báo cáo Thường niên 1911, tr. 5/6), với quản xứ tiên khởi là cha Tađêô Cử, nguyên phó xứ Thạch Bình.
Năm 1912, do làm việc quá sức, cố Châu ngã bệnh phải đi điều dưỡng một thời gian, cha phó Phêrô Đức thay thế. Số giáo dân bấy giờ đã lên tới 1200-1300 người, sống rải rác trong 28 làng (Báo cáo năm 1912, tr. 6/7). Để tăng cường nhân sự, một phó xứ khác được cử đến Thạch Bình: cha Tôma Trương Đình Điểm (gốc Nam Tây, 1883-1912-1932).
Năm 1913, Linh mục thừa sai quản xứ Thợ Đúc François Patinier (cố Kính) bị bệnh phải về Pháp điều trị. Thiếu nhân sự, Đức cha Allys Lý điều động quản xứ Lai Hà Tađêô Đỗ Văn Cử vào tạm thay, đồng thời cử phó xứ Thạch Bình Phêrô Lê Văn Đức ra Lai Hà làm cha sở. Cha Phêrô Đức đã ở lại đây 10 năm (1913-1923), tận tâm tận lực xây dựng họ đạo. Tuy nhiên kết quả có phần khiêm tốn, không được như ở Giáo xứ Thạch Bình.
Tuy đã tách để thành lập tân giáo xứ Lai Hà nhưng Thạch Bình vẫn còn là vùng truyền giáo rộng lớn với số tân tòng ngày càng đông.
Ở xóm Tân Thủy (tên khác là xóm Trữ hay xóm Chứa) có tới hơn một nửa hộ gia đình theo đạo. Tại đây cố Châu đã chọn được một viên ngọc quý: cậu Phêrô Huỳnh Văn Hoá, sinh năm 1903, sau trở thành linh mục đầu tiên của giáo xứ Thạch Bình (1934) kể từ ngày thành lập.
Giáo họ Thủ Lễ có hơn 300 dự tòng (50% dân số) nhận bí tích Rửa tội. Giáo họ Đông Lâm (rú) theo đạo rất đông, chưa kể số tòng giáo ở Đông Lâm (làng). Giáo họ Thanh Cần và Đồng Bào cũng không kém. Riêng giáo xứ kỳ cựu Nho Lâm, năm 1909 đã “xóm dưới làng trên và xa gần, nghe Tin Lành (Tin Mừng) thảy về theo tưng bừng” (trích bài hát mà cậu học trò ngoại giáo trường Pellerin Nguyễn Văn Thích đã sáng tác khi theo hội hát của trường về Nho Lâm dã ngoại, nhân lễ Á thánh Micae Hồ Đình Hy ngày 22-05-1909).
Để có người đỡ đần công việc, cha xứ Chapuis đã thành lập sở nữ tu, mời các chị Dòng Mến Thánh Giá Dương Sơn đến phụ trách, giúp mục vụ, y tế, giáo dục… Một số đến phục vụ Thạch Bình từ thời cố Châu hiện vẫn còn lưu tên tuổi: chị bề trên Anna Kiệm, chị Maria Thuận, chị Maria Thiện, chị Anna Thành… Sở MTG Dương Sơn này hoạt động trong khoảng 50 năm. Mãi tới 1959, thời cha quản xứ GB. Nguyễn Văn Đông (1957-1967), mới chuyển giao để ngài lập sở các chị Kim Đôi (Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng).
Nhưng dù có sự giúp sức của các chị Dòng MTG, công việc truyền giáo đang phát triển ồ ạt ở địa bàn Thạch Bình rộng lớn này vẫn còn là một gánh nặng quá tải đè lên vai cha chính xứ Chapuis Châu và cha phó xứ Tôma Điểm. Do đó, năm 1916, Đức cha Allys Lý đã tách các họ đạo 2 tổng Hạ Lang và Phước Yên (nay là các xã Quảng Phú, Quảng Thọ và một phần Quảng Vinh) để tái lập giáo xứ Nho Lâm (lần 2). Cha Micae Nguyễn Văn Cẩm (gốc Tân Mỹ, 1876-1904-1959), người rất thành công trong việc xây dựng tân giáo xứ Cù Lạc (Quảng Bình) được bổ nhiệm cai quản Nho Lâm.
Như vậy, chỉ trong vòng 11 năm (1905-1916), cùng với những thành quả đáng tự hào trong cả Giáo phận, Thạch Bình đã góp vào sổ truyền giáo 3 giáo sở:
– Giáo sở Thạch Bình với các họ đạo: Thạch Bình (chính), Thủ Lễ, Vân Căn, Đông Lâm, Thanh Cần, Ô Sa, Sơn Tùng, Phổ Lại, Đồng Bào… Cha sở là linh mục thừa sai Chapuis Châu.
– Giáo sở Lai Hà với các họ đạo: Lai Hà (chính), Cổ Tháp, Thủy Lập, Thủy Yên, Hà Lạc, Tháp Nhuận, Đông Hồ … Cha sở là linh mục Tađêô Đỗ Văn Cử, rồi Phêrô Lê Văn Đức…
– Giáo sở Nho Lâm với các họ đạo: Nho Lâm (chính), Niêm Phò, Phò Nam, Hạ Lang, Bác Vọng, Xuân Tuỳ, Nghĩa Lộ … Cha sở là linh mục Micae Nguyễn Văn Cẩm.
Nhưng cũng như Nho Lâm lần 1 (1904-1905), Nho Lâm lần 2 là sự thử nghiệm không thành công. Vả lại, do ảnh hưởng Đệ nhất Thế chiến (1914-1918), Giáo phận gặp khó khăn, thiếu thốn nhiều mặt về kinh tế lẫn nhân sự, cha Micae Cẩm được điều lên làm quản xứ Ngọc Hồ (1917). Không cha sở, giáo xứ Nho Lâm và các giáo họ trực thuộc đều trở lại làm giáo họ của Thạch Bình.
4- Thời xây dựng giáo sở (1920-1945)
Sau 16 năm (1904-1920) khai phá cánh đồng truyền giáo Thạch Bình, linh mục khai canh Chapuis Châu từ giã nơi đó, ra nhận nhiệm vụ mới ở Kẻ Sen, Quảng Bình. Cha phó Tôma Điểm đi quản xứ Vĩnh Trị.
Tháng 09-1920 cha Gioan Võ Văn Hoằng (gốc Kẻ Bàng, 1883-1912-1962) được cử đến thay, tiếp tục công việc của vị tiền nhiệm. Năm 1921, bề trên địa phận tăng cường thêm cho Thạch Bình một phó xứ: cha Anrê Nguyễn Văn Từ (gốc Đại Lộc, 1889-1920-1974).
Năm 1923, Đức Giám mục thuyên chuyển cha sở Lai Hà Phêrô Lê Văn Đức về An Truyền, đồng thời bổ nhiệm cha phó Hà Úc Phaolô Lê Quang Tuyến (gốc Kim Long, 1881-1912-1960) ra thay, giữ thế ổn định cho vùng truyền giáo Lai Hà.
Năm 1925, Thạch Bình lại hân hoan đón cha phó 2 Philipphê Nguyễn Văn Tự (gốc Kẻ Bàng, 1893-1924-1947), chuẩn bị cho cha phó 1 Anrê Từ đi làm quản xứ Nho Lâm (Nho Lâm lần 3) năm 1927. Nhưng Nho Lâm lần 3 cũng không thành công vì có sự bất đồng giữa giáo dân và cha sở. Cha Anrê Từ chỉ ở đây chưa đầy 1 năm rồi xin đổi. Bề trên bổ nhiệm ngài làm giáo sư tiểu chủng viện An Ninh. Thay vào đó, cha Giacôbê Nguyễn Linh Kinh (gốc Phủ Cam, 1893-1922-1955) được bài sai về Nho Lâm và ngài đã khôn khéo chọn Bác Vọng (thay Nho Lâm) làm sở chính. Từ đó, vùng truyền giáo 2 tổng Phước Yên, Hạ Lang mới tạm ổn định.
Năm 1929, tân linh mục Inhaxiô Võ Văn Bảo (gốc Kẻ Bàng, 1898-1928-1980) được bổ nhiệm phó xứ Thạch Bình. Đây là cha phó thứ ba cũng là cuối cùng thời cha Gioan Hoằng, vì cha phó thứ tư -Micae Nguyễn Văn Tường- được cử với vai trò biệt sở Bác Vọng, hoạt động độc lập như một giáo xứ riêng lẻ.
Nhờ sự ổn định địa bàn, từ một giáo xứ chia làm ba để san sẻ gánh nặng cho nhau, nhờ sự trợ lực của các linh mục phụ tá và nhất là nhờ lòng tông đồ nhiệt thành của giáo dân, cha sở Gioan Hoằng đã có đủ thời gian, sức lực mở rộng vùng truyền giáo đến doi đất cuối cùng phía đông, ven phá Tam Giang, với các làng Hà Đồ, Phước Lâm, Phước Lý, Vô Lai, Hà Bạc… Thống kê năm 1939 cho biết số giáo dân Thạch Bình (không tính Lai Hà và Bác Vọng) đã lên tới 1063 người.
Ngoài công tác mục vụ, truyền giáo, cha Gioan Hoằng là người có công rất lớn trong việc xây dựng cơ sở vật chất tại giáo xứ Thạch Bình: các nhà thờ Đông Lâm (Rú), Thanh Cần, Thủ Lễ vào thập niên 30 và nhà thờ Nho Lâm vào thập niên 40 (?) khi ngài làm quản xứ Bác Vọng.
Tháng 7-1941, cha Võ Văn Hoằng đi làm quản xứ Tân Mỹ, cha Tađêô Hồ Bảo Huỳnh (gốc Kim Long, 1896-1928-1982) đến thay thế.
4- Thời phát triển (1945-1967)
Năm 1945, cha Tađêô Hồ Bảo Huỳnh từ giã Thạch Bình đổi ra Nhu Lý, cha Đôminicô Huỳnh Văn Thượng (gốc Di Loan, 1896-1926-1957) về kế nhiệm. Cùng năm ấy, Thế chiến Thứ hai sắp kết thúc, tại Đông Dương, Nhật đảo chánh Pháp, giương cao ngọn cờ “Đại Đông Á”, kết cuộc đem lại nạn đói năm 1945 khiến hai triệu người Việt Nam chết thảm.
Tại Thạch Bình, kẻ chết đói không nhiều nhưng kẻ thật sự đói thì vô kể. Chẳng thể làm ngơ trước nỗi khổ của đồng loại, giáo dân đã cùng cha sở tổ chức những đoàn lạc quyên để cứu đói, học tập gương của giáo xứ chính toà Phủ Cam do ông Hồ Văn Hải, Lê Ngọc Bổng (thân sinh Lm Micae Hy Lê Ngọc Bửu)… làm rất hiệu quả. Một số chức việc và giáo dân Thạch Bình cùng đứng ra lập đội, nhóm, tự nguyện ăn mày ở các nhà hảo tâm và những người giàu có. Họ rảo khắp Sịa, lên tận Huế kiếm gạo đem về nấu cháo, nấu cơm vắt để cứu mạng con người.
Gạo thóc bấy giờ rất khó mua, do quân phiệt Nhật vơ vét quản lý chặt chẽ. Có tiền chưa chắc đã mua được gạo, hoặc mua được cũng giá trên trời, làm gì tới được tay người nghèo khổ. Cha sở Huỳnh Văn Thượng giao cho sở nữ tu MTG nấu cơm bán ủng hộ người nghèo và phát chẩn cho người đói sắp chết nằm vờ vật ven đường bên lộ.
Năm 1945, Việt Minh cướp chính quyền. Năm 1946, quân Pháp đổ bộ… Những biến cố chính trị và quân sự dồn dập nổ ra, lửa chiến tranh lan rộng khắp cả nước. Vùng nông thôn Quảng Điền là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Cư dân lương giáo rời bỏ làng xóm, ruộng vườn tìm chỗ nương thân. Ai có khả năng tài chánh thì lên Huế hoặc đi xa hơn, ai nghèo cực thì tản cư quanh quẩn trong vùng. Huyện lỵ Quảng Điền (nay là thị trấn Sịa) là một trong vài nơi yên ổn hiếm hoi, giáo dân các họ nhánh tập trung về quanh khu vực nhà thờ Thạch Bình tương đối đông. Một nhóm ở chợ Côi, một nhóm ở sau chợ Sịa (trước nhà thờ) hình thành xóm đạo Sịa.
Trong hoàn cảnh họ đạo nông thôn phải tản cư, bị nhiều xáo trộn thì Đức cha Arsène Lemasle Lễ lại qua đời (1946). Cha chính J.B. Urrutia Thi tạm quyền lãnh đạo Giáo phận đã thực hiện một số thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh: cha Đôminicô Huỳnh Văn Thượng được thuyên chuyển ra quản xứ Vạn Thiên (hạt Bái Trời, Quảng Trị), kế nhiệm quản xứ Thạch Bình năm 1947 là cha Phêrô Hoàng Kính (gốc Loan Lý, Quảng Trị, 1913-1941-2007), một linh mục trẻ mới 34t.
Cha Phêrô đến Thạch Bình trong hoàn cảnh vừa phải cô độc, vừa bị cô lập. Cô độc vì không có phụ tá -do các linh mục Thừa sai bị tập trung ra Vinh, giáo phận thiếu nhân sự- cô lập do hoàn cảnh chiến tranh không cho phép ngài liên lạc với các họ đạo vùng xa. Vả lại các họ đạo vùng xa cũng chẳng còn giáo dân, còn chăng là số nghèo khổ đang quanh quất ở xóm đạo Sịa. Họ kiếm sống bằng đủ mọi nghề: làm thuê, làm mướn, làm bánh tráng, chằm nón, mổ heo… Cuộc sống hầu hết dưới mức trung bình.
Giáo dân càng cơ cực thì gánh nặng càng đè lên vai chủ chăn. Cha sở tìm đủ mọi cách, xin chỗ này, vay chỗ nọ, lon gạo, trái bắp, ký bột… để chia sẻ cho giáo dân. Đêm đêm, hễ nghe tiếng súng thì bà con lương giáo chạy vào nhà thờ, vào nhà xứ núp đạn. Hơn thế nữa, cha Phêrô là người xâm mình chịu trận. Hễ nghe có ai trong xứ bị Tây bắt là ngài đến ngay, nhận là giáo dân, bảo lãnh họ. Nhờ vậy nhiều người yêu nước được giải thoát, nhiều lương dân được minh oan. Cảm nghĩa, một số trong họ đã tòng giáo.
Tại Bác Vọng, đầu năm 1949, cha sở Gioan Võ Văn Hoằng được lệnh thuyên chuyển vào giáo xứ Dương Sơn, vừa làm quản xứ, vừa kiêm quản hạt Bên Bộ. Thay ngài là linh mục Đôminicô Lê Hữu Luyến (gốc Di Loan, 1894-1926-1969). Nhưng bấy giờ chiến tranh ngày càng ác liệt, cha Đôminicô Luyến cũng chỉ bám trụ được 2 năm. Năm 1951, giáo dân Bác Vọng tản cư gần hết, bề trên gọi ngài ra quản xứ Dương Lộc.
Bác Vọng không có cha sở, trở lại làm giáo họ của giáo xứ Thạch Bình. Như vậy trong gần nửa thế kỷ, giáo sở Thạch Bình trở về tình trạng địa giới ban đầu 12 x 24km, trải dài từ Lai Hà qua Thạch Bình đến Bác Vọng.
Thành lập tân giáo xứ An Mỹ
Sau năm 1954, dưới thời cha sở Phêrô Hoàng Kính, các làng ven phá Tam Giang như Cổ Tháp, Hà Lạc, Mỹ Thạnh… (thuộc xã Quảng Lợi), Hà Đồ, Phước Lý, Hà Bạc… (thuộc xã Quảng Phước) đã có phong trào tân tòng.
Khi cha Hoàng Kính rời xứ để đi Đại Lược năm 1957, cha GB. Nguyễn Văn Đông (gốc Đại Lộc, 1908-1938-1987) đến thay thế. Phong trào tòng giáo bùng nổ. Ngày 18-4-1957, cha GB đã rửa tội 1700 người[4]. Hai địa điểm cha chọn lập họ đạo là Hà Bạc (được ngài đổi tên thành Mai Vĩnh) và Mỹ Thạnh.
Năm 1959, cha Đông lập trường tiểu học tại Mỹ Thạnh. Trường này cũng là loại trường “nghèo”, miễn có chỗ cho các cháu học. Đã thế khi nào có lễ chiều thì các cháu nghỉ học sớm, trường biến thành nhà nguyện để cha làm lễ. Có trường tức phải có thầy, thầy cô không ai hiền lành và tận tâm hơn các nữ tu. Vì thế cha lập sở nữ tu Kim Đôi, các chị vừa lo kinh sách giáo lý vừa dạy chữ nghĩa cho các em nhỏ.
Tháng 06-1961, Thạch Bình có phó xứ mới -cha Giacôbê Bùi Chung -gương mẫu của sự nghèo khó: y phục ngài mặc, trừ chiếc áo dòng, đều bằng vải bao bột mì hoặc đồ viện trợ. Năm 1962 có thêm cha phó 2 là Giuse Trần Văn Lộc, nhưng cha Lộc không ở Thạch Bình mà được cử ra biệt sở Mỹ Thạnh. Đây là giai đoạn Mỹ Thạnh trở lại đạo đông đảo. Theo kiến nghị của cha Đông, Đức cha Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục (thay thế Đức cha Urrutia Thi) quyết định thành lập tân giáo xứ An Mỹ vào năm 1963, bổ nhiệm cha Giuse Trần Văn Lộc (gốc Phủ Cam, 1936-1962-nghỉ hưu) làm quản xứ tiên khởi, đồng thời kiêm luôn họ Thanh Cần, chia sẻ gánh nặng cho cha sở Thạch Bình đang quá tải.
Ở Mỹ Thạnh 4 năm (1962-1966), cha Lộc đã xây dựng nhà xứ, lập trạm xá miễn phí. Chuẩn bị xây dựng nhà thờ, chỉnh trang trường học… thì chiến tranh bùng nổ, Mỹ Thạnh mất an ninh. Bề trên gọi ngài lên làm giáo sư tiểu chủng viện Hoan Thiện từ niên khoá 1966-1967.
Năm 1971, chiến tranh tạm lắng, Đức cha Philipphê Nguyễn Kim Điền điều động cha Giuse Trần Đức Tuyên (gốc Thai Dương Thượng, 1939-1969-2010), nguyên quản xứ Linh Thủy qua làm quản xứ An Mỹ. Năm 1972 xảy ra biến cố Mùa hè Đỏ lửa, cha Giuse Tuyên lên Huế làm giáo sư trường Thiên Hựu, An Mỹ không có cha sở. Tháng 09-1974, cha phó Thạch Bình Phêrô Phan Xuân Thanh được cử ra biệt sở An Mỹ, nhưng sau 30-04-1975, cha được bổ nhiệm làm giáo sư đại chủng viện Huế, giáo xứ An Mỹ trở lại làm giáo họ của Thạch Bình.
Tái lập giáo xứ Lai Hà
Qua một thời gian dài không có cha sở, tháng 02-1957 Đức cha Urrutia thi đã bổ nhiệm cha Batôlômêô Nguyễn Phùng Tuệ (gốc Mỹ Duyệt, Quảng Bình, 1928-1953-2008) đến tái lập và cai quản giáo xứ Lai Hà. Cơ sở vật chất sau chiến tranh của nơi này là một bãi đất trống 12.825 mét vuông. Toàn bộ nhà thờ, nhà xứ có từ thời các vị tiền nhiệm đã thành bình địa, chỉ còn lại đôi chút dấu tích! Cha Batôlômêô cất lại ngôi nhà thờ tranh để có chỗ cho giáo dân quy tụ kinh sách. Dần dà, nhà thờ tranh được thay thế bằng nhà thờ tường xây mái lợp tôn.
Ngày lễ Thánh Phanxicô 1958, tại giáo họ Chí Long thuộc giáo xứ Lai Hà, Đức cha Urrutia Thi đã chủ toạ buổi lễ rửa tội cho 150 anh chị em tân tòng. Ngày 11-11-1959, cha Bat. Tuệ lại rửa tội cho 230 người nữa, và đến tháng 05-1960, thêm 200 lương dân trở về với Chúa.
Ngoài việc dạy đạo cho tân tòng, cha Bat. Tuệ còn chăm lo chuyện văn hoá, giáo dục, xây dựng Giáo hội trên cơ bản mở mang dân trí. Ngài đã thành lập trường tiểu học và trung học Tam Giang -chi nhánh trường Chơn Phước Phượng của Dòng Thánh Tâm- lập nhà tăng (hội trường) và sở các chị. Các chị vừa giúp mục vụ vừa dạy học. Cha sở cũng mời gọi những thầy, cô giáo giỏi, tận tâm đến hợp tác.
Năm 1961, sau khi để lại cho vị kế nhiệm một thành quả lớn lao là hơn 1.000 giáo dân và đầy đủ cơ sở vật chất (nhà thờ, nhà xứ, trường trung, tiểu học…), cha Bat. Tuệ từ giã Lai Hà đi làm tuyên uý quân đội. Linh mục Matthêu Lê Văn Thành đến thay nhưng chỉ ở Lai Hà chưa tới một năm (1961-1962), bề trên gọi ngài lên quản xứ Sơn Công, đồng thời bổ nhiệm cha Matthêu Nguyễn Văn Nghi ra quản xứ Lai Hà. Cha Matthêu cũng ở Lai Hà chẳng bao lâu thì được đến Phong Nguyên, một giáo xứ tân lập (nơi ngài sẽ tử nạn năm 1968).
Năm 1963 cha Giacôbê Đỗ Bá Công được cử đến thay thế. Là một linh mục trẻ, đầy nhiệt huyết, hoạt động hăng say, cha cho lợp ngói nhà thờ, sửa sang trường học, thành lập trạm xá, thực hiện các công trình dân sinh, giúp người nghèo… Nhưng đến năm 1965 vùng Quảng Điền mất an ninh, Lai Hà lại là nơi đầu sóng ngọn gió, hầu hết giáo dân di tản. Năm 1966, cha Giacôbê được thuyên chuyển về Mỹ Lợi, phó mặc Lai Hà cho… Chúa!
5- Thời khói lửa chiến tranh (1967-1975)
Năm giờ sáng ngày 04-02-1967, trong cái lạnh cắt da của miền Trung đang chuẩn bị xuân Đinh Mùi, cuộc chiến ác liệt lần 1 nổ ra tại khu vực nhà thờ Thạch Bình. Xóm đạo Sịa trở thành trận địa. Bà o (giúp việc) của cha sở vừa bước lên bậc cấp nhà thờ định vào dự lễ thì một loạt đạn vang lên, o gục chết tại chỗ. Loạt đạn đó là tiếng súng khai hoả trận chiến. Giao tranh và pháo kích, chết chóc và thương vong. Hơn một tháng sau, ngày 07-03-1967, cuộc chiến ác liệt lần 2 lại nổ ra tại khu vực xóm nhà thờ, lại thương vong chết chóc. Cha sở GB. Đông và một số trai trẻ vị thành niên bị bắt đi, vài ngày sau được thả…
Hai biến cố chiến sự này là hồi chuông báo động cảnh bình yên nay qua rồi. Vốn bị ám ảnh bởi bom đạn chiến tranh, lại chứng kiến nạn kẻ xấu lợi dụng cơ hội để thoả mãn tư thù tư oán, chém giết lẫn nhau, gây xung đột tôn giáo, giáo dân Thạch Bình phải bỏ xứ ra đi. Ai có điều kiện thì lên thành phố Huế tự túc cuộc sống hoặc đi xa hơn, vô nam, vào Đà Nẵng. Ai không có điều kiện thì lên ở trại tạm cư Giếng Khe (Phủ Cam) hoặc nương nhờ thân nhân, họ hàng. Ai cùng cực thì ở lại sống quanh quẩn tại xóm đạo Sịa, phú thác cho Chúa! Cha sở GB. Đông cũng buộc phải sơ tán lên Huế một thời gian ngắn rồi “liều mạng” trở về bám trụ giáo xứ, hy vọng làm chỗ dựa tinh thần cho số giáo dân còn sót lại và khích lệ số giáo dân sẽ hồi hương trong nay mai.
Trong hoàn cảnh đó (1967), Đức TGM Philipphê Nguyễn Kim Điền đã quyết định một sự thay đổi nhân sự: cha GB. Nguyễn Văn Đông được bổ làm quản nhiệm Trung tâm Thánh mẫu La Vang; cha Giuse Lê Hữu Huệ (gốc Di Loan, 1903-1934-1985), nguyên quản xứ Đại Lộc được điều làm quản xứ Thạch Bình, với một phó xứ là tân linh mục Giuse Nguyễn Văn Hội. Cha Hội chỉ ở Thạch Bình được ít tháng thì ngày 14-04-1968 về làm cha phó giáo xứ Phi Trường (Phú Bài) giúp cha Giuse Nguyễn Văn Trinh.
Cha Giuse Huệ là nhà truyền giáo nổi tiếng, ngài từng giữ chức vụ quản xứ Trí Bưu kiêm quản hạt Dinh Cát, xây nhà thờ, cô nhi viện, trường tiểu học Têrêxa Trí Bưu… Nhưng khi về Thạch Bình đành phải bó tay, đầu hàng chiến cuộc. Con chiên bổn đạo ly tán, cơ sở vật chất hủy hoại. Nhà thờ Đông Lâm (Rú) bị bom đánh sập chỉ còn ngọn tháp chơ vơ. Nhà thờ Thanh Cần chỉ còn mấy mảng tường nham nhở. Nhà thờ Bác Vọng, Lai Hà, Phò Nam, Nghĩa Lộ… cũng đồng số phận. Riêng nhà thờ Thạch Bình thì may mắn không bị chiến tranh tàn phá nhưng đã hết tuổi thọ, chỉ chờ triệt hạ nếu không sẽ sụp đổ bất cứ lúc nào.
Đã vậy, cha Giuse Huệ về Thạch Bình chưa được bao lâu thì biến cố Tết Mậu Thân (1968) xảy ra, ngài lánh về xóm Chứa, và năm sau thì được đặt làm trưởng ban Truyền giáo Giáo phận, trụ sở đặt tại giáo xứ Phường Đúc.
Cha Tôma Lê Văn Cầu (gốc Trí Bưu, 1922-1955-1998) được cử tới thay thế và đã đến Thạch Bình ngày 03-11-1969. Cha bắt tay ngay vào việc bằng cách xây nhà thờ mới.
Nhà thờ Thạch Bình cũ, do cha Tôma Lê Văn Cầu xây dựng năm 1969
Lúc bấy giờ chương trình truyền hình bắt đầu phát sóng ở Huế. Cha Tôma liền cho xây một chiếc bệ cao dùng làm nơi đặt máy thu hình (TV) trước sân trường nằm bên trái nhà thờ để giáo dân có nơi giải trí. Cha còn mở chợ, làm quán, xây bến chợ để đồng bào lương giáo có nơi trao đổi buôn bán, cho chạy máy điện và đưa điện ra tận chợ. Ngài còn mở một lò cà-rem, để giúp giáo dân nghèo khổ của mình có phương tiện kiếm sống.
Vừa thực hiện xong những việc công ích trên thì cha Tôma cũng được đổi đi nơi khác
Từ tháng 11-1970, cha Phanxicô Xavie Lê Văn Cao (gốc An Vân, 1930-1962-2018), từ giáo xứ Linh Thủy bên kia phá Tam Giang, được đổi sang Thạch Bình. Là một người năng động, hăng hái, cởi mở, ngài vừa tiếp tục công việc các vị tiền nhiệm, vừa lo cho phong trào Hùng Tâm Dũng Chí mà lúc ấy ngài được đặt làm tổng tuyên úy toàn quốc. Nhưng chỉ vài năm sau (1973), cha Phanxicô Xavie được điều vào Huế, làm giáo sư tiểu chủng viện Hoan Thiện đến năm 1975.
Linh mục Elias Đỗ Văn Y (gốc Phường Tây, 1935-1965-nghỉ hưu) kế nhiệm cha Cao làm quản xứ Thạch Bình từ 1973 cho đến khi thống nhất đất nước. Cũng nên lưu ý là với biến cố này, Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng, vốn đã hiện diện từ 1959, thời cha quản xứ GB. Nguyễn Văn Đông, mới chấm dứt phục vụ tại Thạch Bình để nhường chỗ cho các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá tới hoạt động lần 2 (Lần 1 từ năm 1909, thời cha xứ Chapuis, và kéo dài nửa thế kỷ)[5].
6- Thời hòa bình, tiếp tục xây dựng (từ 1975 đến nay)
Từ Qui Lai, linh mục Giuse Dương Đức Toại (gốc An Ninh, 1941-1968-2010), mới 34 tuổi vào năm 1975, được đổi về Thạch Bình sau ngày tiếng súng chấm dứt, giữa bao cảnh vật đổi sao dời lẫn bao chuyện khó khăn gian khổ, và sẽ ở đó tận 20 năm (1975-1995). Cùng lúc ngài kiêm quản hạt Thạch Bình (nay gọi là hạt Hương Quảng Phong) từ 1975 đến 1983.
Đúng là vật đổi sao dời, vì tại giáo phận Huế, từ trước tới 1975, thường có tục lệ là không vị quản xứ nào ở tại một nơi quá 7 năm, để khỏi gây chán ngán cho chủ chăn lẫn cho giáo hữu. Nhưng từ nay, việc thuyên chuyển linh mục chẳng phải là điều dễ, vì đòi có sự bàn thảo và đồng thuận giữa thế quyền với giáo quyền. (Từ năm 2000 trở đi thì hoàn cảnh thông thoáng hơn).
Ngoài ra, nhiều phen đi cử hành thánh lễ ở các giáo họ, tại nhà một tín hữu (vì nơi đó thánh đường đã hư hại do chiến tranh), cha Giuse bị phạt tiền vì “vi phạm luật pháp” (cử hành lễ nghi tôn giáo không đúng chỗ). Cha liền nói với nhà hữu trách: “Vâng, tôi sẽ cùng toàn thể giáo dân xứ đạo kéo nhau lên trụ sở xã/huyện để nộp phạt”. Sợ có cuộc biểu tình, người ta đành thôi chuyện xử lý hành chánh đối với cha kiểu đó.
Nhưng với một địa bàn quá rộng và giáo dân quá mỏng (535 người, do đi làm ăn trong nam hoặc bỏ ra nước ngoài), cha quản xứ Giuse đã phải sắp xếp các họ đạo trong vùng trách nhiệm thành 06 đơn vị, mỗi đơn vị được gọi là Liên hội, qui tụ nhiều giáo xứ giáo họ trước đây như Liên hội Niêm Phò gồm các giáo xứ thuộc xã Quảng Thọ là Phò Nam, Tân Xuân Lai; Liên hội Cổ Tháp gồm các giáo xứ thuộc 2 xã Quảng Lợi và Quảng Thái là Cổ Tháp, Thủy Yên, Hà Lạc, Tháp Nhuận, Đông Hồ, Lai Hà, Tây Hoàng. Ngoài ra, Vân Căn được ghép thêm họ đạo Lương Cổ, Uất Mậu. Thủ Lễ được ghép thêm họ đạo Mai Vĩnh. Cũng có Liên hội thực ra chỉ gồm một giáo xứ thôi, như Thạch Bình thuộc thị trấn Sịa và Mỹ Thạnh thuộc xã Quảng Lợi.
Dầu sao, trong thập niên 90 tiếp tục có hiện tượng tòng giáo: ngày 18-4-1993, 120 lương dân được rửa tội; ngày 3-7-1994 có 30 người đã bỏ Chúa nay trở lại. Như vậy sau 30 năm (1963-1994) đạo bị khựng, nay bắt đầu có dấu hiệu tốt. Đa số người trở lại đạo đều ở làng Cổ Tháp. Cha Giuse liền vận động chính quyền, xin một lô đất ở làng này để xây nhà thờ, nhưng chỉ mới kiếm ra tiền thì ngài chuyển nhiệm sở.
Cha Giuse đã tu sửa thánh đường Thạch Bình, làm thêm một số nhà mới trong khuôn viên nhà thờ và nhà xứ, chẳng hạn một hội trường phía tay phải nhà thờ, gần đường làng.
Sau 20 năm nhọc nhằn, cha Giuse được bản quyền đổi ra La Vang.
Tiếp nối ngài là cha Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Cần (gốc Diêm Tụ, 1953-1994-), cai quản giáo sở Thạch Bình từ 1995 đến 2001. Tháng 7-1996, cha Cần khởi công xây dựng nhà thờ Cổ Tháp và đã hoàn tất trước lễ Giáng sinh. Cha cũng đại tu nhà thờ Đồng Bào (nay thuộc giáo sở Đông Lâm) năm 1997, nhờ sự trợ giúp của tỷ phú Singapore là ông Paul Chin (từng giúp xây dựng nhiều nhà thờ trong giáo phận), rồi trùng tu nhà thờ Thanh Cần (nay cũng thuộc giáo sở Đông Lâm). Cha còn xây thành rào nhà thờ Thạch Bình, thành rào và cầu đúc nhà thờ Đông Lâm rú, thành rào nhà thờ Thủ Lễ, thành rào, sân trước nhà thờ Vân Căn.
Năm 1998, với 6000 USD của một ân nhân người Pháp, cha Phanxicô đã mua 3 máy cày giúp dân nghèo và 50 xe đạp tặng học trò nghèo xã Quảng Thái. Sau trận lụt lịch sử 1999, ngài còn vận động kinh phí để vừa tái thiết cơ sở vật chất giáo xứ, vừa chia sẻ gánh nặng với quê hương, như giúp xây mới trường Mầm non 2 Thanh Cần, lớp Mầm non Đông Lâm.
Năm 2000, Thạch Bình là một liên họ giáo gồm khoảng 922 giáo dân, sống rải rác trong 7 xã với diện tích trải rộng 7km x 15km. Đa số làm nghề nông. Một số đánh tôm cá. Riêng tại giáo xứ Thạch Bình chỉ có 3 gia đình sống gần nhà thờ.
Cha Giuse Phạm Văn Tuệ (gốc Bến Củi, 1958-2001-) về nhận xứ ngày 10-12-2001.
Năm 2002, chính quyền trả lại ngôi trường tiểu học Li-băng (dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng phụ trách trước đây) cho giáo xứ. Nhưng một con đường mới được mở cắt mất hơn phân nửa ngôi trường. Từ 4 phòng học nay phải đập bỏ 2 phòng rưỡi. Một phòng rưỡi còn lại được cải tạo thành sở nữ tu. Các chị MTG đến phục vụ giáo xứ từ thời các cha sở tiền nhiệm -sáng từ Huế về, chiều lên- nay ở luôn tại giáo xứ.
Cũng vào dịp giải tỏa mở đường năm 2002 này, cha Giuse đã cho xây dựng tường rào kiên cố, đổ cát san lấp mặt bẳng bên trong khuôn viên nhà thờ.
Năm 2003, theo quyết định của Toà TGM Huế, Thạch Bình được chia làm hai: giáo sở Thạch Bình và giáo sở Đông Lâm. Ngày 14-05-2003 Đức Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể đã bổ nhiệm cha Antôn Lê Anh Quốc (1974-2002-) làm quản sở tiên khởi giáo sở Đông Lâm, gồm giáo xứ Đông Lâm và các giáo họ: Thanh Cần, Ô Sa, Đồng Bào và Bác Vọng. Giáo dân sống chủ yếu trên địa bàn xã Quảng Vinh, một số ít ở xã Quảng Phú.
Giáo sở Thạch Bình, sau khi chia xứ, còn lại 472 giáo dân, sống rải rác trong 7 họ đạo, trong đó 4 họ đạo có nhà thờ (Thạch Bình, Thủ Lễ, Vân Căn, Cổ Tháp) còn 3 họ đạo (Mỹ Thạnh, Niêm Phò, Tân Xuân Lai chưa có).
Ngày 17+18-08-2005, Thạch Bình đã mừng kỷ niệm 100 năm thành lập giáo xứ.
Cha Mátthêu Trần Nguyên (gốc Phủ Cam, 1975-2009-) đến nhận xứ Thạch Bình ngày 19-08-2010, thay cha Tuệ đi làm quản xứ Hương Lâm.
Nhà thờ Thạch Bình, bên trong
Vì nhà thờ xây từ thời cha Tôma Lên Văn Cầu đã xuống cấp và trở nên bé nhỏ cho toàn giáo sở, cha Mátthêu đã quyết định phá bỏ nó để làm lại. Ngày 01-02-2012, Đức Tổng Giám mục Phanxicô Xavie Lê Văn Hồng chủ sự nghi thức đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà thờ mới, đổi hương xoay về phía đông.
Ngày 20-06-2013, trước sự vui mừng của hơn 500 giáo dân toàn giáo sở (vào thời điểm này) thánh lễ tạ ơn và cung hiến nhà thờ mới Thạch Bình (dâng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu) đã được cử hành do Đức TGM Phanxicô Xavie chủ tế và nhiều linh mục đồng tế. Một ngôi nhà thờ to đẹp, có tranh kính màu 12 Tông đồ và 4 Thánh sử. Cha Mátthêu cũng xây mới nhà mục vụ, nhà xứ, đài Thánh Tâm, đài Đức Mẹ, đài Thánh Giuse trong khuôn viên nhà thờ.
Tháng 9-2018, cha Mátthêu Trần Nguyên được bổ nhiệm làm quản xứ Bố Liêu. Kế nhiệm ngài là linh mục Đôminicô Trần Bá Kha (gốc Sơn Công, 1982-2017-) vừa chịu chức vào tháng 5 trước đó.
Cha Đôminicô tiếp tục công trình của các vị tiền nhiệm: vừa củng cố giáo dân về mặt tinh thần, đạo đức, vừa tu sửa hay hoàn thiện các công trình vật chất của giáo sở. Bề dày lịch sử phong phú và quá khứ truyền giáo sôi động của Thạch Bình đang như một gánh nặng trên vai và một thách thức trước mắt của cha Đôminicô, hội đồng giáo xứ, các nữ tu phục vụ và bà con giáo hữu!
7- Tổng lược các linh mục quản sở
Tính từ thời điểm khai phá và thành lập cho đến nay, giáo sở Thạch Bình đã được sự dìu dắt và phục vụ của 15 đời quản sở.
1- André Chapuis (cố Châu) (1905-1920)
2- Gioan Võ Văn Hoằng (1920-1941)
3- Tađêô Hồ Bảo Huỳnh (1941-1945)
4- Đôminicô Huỳnh Văn Thượng (1946-1947)
5- Phêrô Hoàng Kính (1947-1957)
7- GB. Nguyễn Văn Đông (1957-1967)
7- Giuse Lê Hữu Huệ (1967-1969)
8- Tôma Lê Văn Cầu (1969-1970)
9- P.X. Lê Văn Cao (1970-1973)
10- Elias Đỗ Văn Y (1973-1975)
11- Giuse Dương Đức Toại (1975-1995)
12- P.X. Nguyễn Văn Cần (1995-2001)
13- Giuse Phạm Văn Tuệ (2001-2010)
14- Mátthêu Trần Nguyên (2010-2018)
15- Đôminicô Trần Bá Kha (2018-……)
III- HOA QUẢ ĐỨC TIN
1- Linh mục
1- Giuse Hồ Đình Tính (1835-1864-1891), sinh quán Nho Lâm (con thánh Micae Hồ Đình Hy).
2- Mátthêô Nguyễn Thanh Bạch (1879-1906-1945), sinh quán Nho Lâm.
3- Phanxicô Xavie Trương Văn Lương (1885-1913-1959), sinh quán Nho Lâm.
4- Giuse Maria Nguyễn Văn Thích (1891-1926-1978), sinh quán Niêm Phò.
5- Phêrô Huỳnh Văn Hóa (1903-1934-1987), sinh quán Thạch Bình.
6- Philipphê Nguyễn Như Danh (1905-1936-1980), nguyên quán Nho Lâm.
7- Phaolô Nguyễn Kim Bính (1922-1951-1996), sinh quán Hạ Lang.
8- Giacôbê Hoàng Xuân Diệp (1928-1958-), sinh quán Khuôn Phò (hoạt động tại Lào)
9- Têphanô Nguyễn Như Thể (1935-1962-), nguyên quán Nho Lâm (Tổng giám mục nghỉ hưu)
10- Phabianô Lê Văn Hào (1939-1972-), nguyên quán Bác Vọng (Dòng Gioan Bosco)
11- Phaolô Trương Đình Tu (1947-1992-), nguyên quán Nho Lâm (Giáo phận Quy Nhơn).
12- Giuse Trương Đình Hiền (1950-1989-), nguyên quán Nho Lâm (Giáo phận Quy Nhơn)
13- Maria Tôma Trương Đình Sơn (1959-2003-), nguyên quán Nho Lâm (Dòng Chúa Cứu Thế)
14- G.B. Trương Đình Hà (1964-2001-), nguyên quán Nho Lâm (du học Rôma)
15- Giuse Maria Prida (-1997-), nguyên quán Khuôn Phò (Dòng Kín Cácmen, Thái Lan)
16- Giuse Trần Viết Viên (1965-2001-), nguyên quán Thanh Cần.
* 4 linh mục Tu, Hiền, Sơn, Hà là anh em ruột.
** linh mục Prida gọi cha Hoàng Xuân Diệp bằng bác ruột.
2- Tu sĩ
1- Mátta Lê Thị Lệ, sn: 1958, vk: 1989, nguyên quán Thủ Lễ (Dòng Con ĐMĐV, nguyên Tổng Phụ trách).
2- Anna Phạm Thị Tuyết Sương, sn: 1972, vk: 2002, nguyên quán Thanh Cần (Dòng Con ĐMĐV).
3- Magarita Đặng Thị Phương Trang, sn: 1974, vk: 2003, nguyên quán Quảng Vinh (CĐMĐV).
4- Anna Nguyễn Thị Thành, sn: 1977, vk: 2006, nguyên quán Quảng Vinh (Dòng Con ĐMĐV).
5-Matta Trần Thị Thu Hương, sn: 1981, vk: 2013, nguyên quán Quảng Vinh (Dòng Con ĐMĐV).
6- Anna Hoàng Thị Luật, sn: 1920, vk: 1947, qđ: 2009, nguyên quán Khuôn Phò (Dòng CĐMVN)
7-Isave Hoàng Thị Kim (+), sn: 1929, vk: 1972, nguyên quán Thạch Bình (Dòng Mến Thánh Giá).
8- Luxia Bùi Thị Thưởng (+), sn 1929, vk: 1978, nguyên quán Thạch Bình (Dòng Mến Thánh Giá).
9- Catarina Trần Thị Thuận (+), sn: 1934, vk: 1985, nguyên quán Th. Bình (Dòng Mến Thánh Giá).
3- Giáo dân
– Năm 2010: 450 người.
– Năm 2015: 616 người
– Năm 2020: 410 người
************************************
GIÁO HỌ THỦ LỄ
1-Vị trí địa lý
Giáo họ Thủ Lễ hiện thuộc xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền. Nhà thờ Thủ Lễ cách nhà thờ Thạch Bình 1km5 về phía nam đông nam.
Phía trước nhà thờ là một con đường làng nhỏ chạy song song với con hói nước tương đối nhiều, nay đã được nâng cấp tráng nhựa và gọi là tỉnh lộ 4 (hay Tam Giang)
2- Nguồn gốc hình thành và quá trình phát triển
Cũng như Thạch Bình, giáo họ Thủ Lễ là công sức mở đạo của cha André Chapuis lúc làm quản xứ Thạch Bình (1905-1920).
Theo lời thuật của một giáo dân lão thành (cụ Nguyễn Khắc Bụi), thì vào thời ấy, có 300 dân làng Thủ Lễ bị kiện và bị ở tù về vụ thuế đinh (thuế đánh vào đầu người). Sau nhờ cha Chapuis can thiệp, những người trên đã ra khỏi tù và xin trở lại đạo. Nhưng rồi họ cũng bỏ đạo gần hết. Những người trung thành còn sót lại đã làm nên giáo xứ Thủ Lễ.
Vào năm 1934, lúc cha Võ Văn Hoằng cho xây nhà thờ Thủ Lễ thì giáo xứ có chừng 10 đến 20 hộ giáo dân gồm khoảng 100 người.
Trước năm 1975, giáo dân Thủ Lễ tương đối khá nhiều. Sau đó một số vào Dương Sơn sinh sống làm ăn, một số đi kinh tế mới ở A Lưới miền núi. Giáo họ Thủ Lễ nay được ghép với giáo họ Mai Vĩnh, số giáo dân hiện thời (năm 2020) là khoảng 40 người.
Mỗi năm giáo xứ mừng bổn mạng vào ngày 26 tháng 7, lễ bà thánh Anna.
3- Nhà thờ Thủ Lễ với nét văn hóa độc đáo
Nhà thờ Thủ Lễ, bên trong
Nhà thờ Thủ Lễ thoạt trông gần giống đình Việt Nam với những vòm uốn cong, với những đường gãy khúc khỏe và chắc, nhất là với các câu đối chữ Nho đắp nổi ở mặt tiền.
Khi xây nhà thờ Thủ Lễ như hiện tồn (kinh phí vào khoảng 2000 đồng), cha Gioan Võ Văn Hoằng đã nhờ cha Giuse Maria Nguyễn Văn Thích là một người thông Nho, giỏi văn chương thi phú, soạn những câu đối được đọc như sau:
Phần ngang ở mặt tiền, bên trên (đọc từ phải sang trái, với phần tạm dịch):
Thủ Lễ giáo đường (giữa: Nhà thờ Thủ Lễ)
Đạo đại nguyên (phải): Xuất ư thiên (trái)
Gốc lớn của đạo – Sinh ra từ trời
Các cột từ phải sang trái (2 cặp câu đối):
Triêu tịch duy tư nhất đạo (cột 4) – Vãng lai bất dịch thường tâm (cột 1)
Sớm chiều suy gẫm đạo duy nhất – Qua lại chẳng đổi tâm thường hằng.
Dân sanh hữu chủ nãi bất loạn (cột 3) – Quân tử học đạo tất ái nhân (cột 2)
Dân sanh có Chúa hẳn không loạn – Quân tử học đạo tất yêu người.
Nhà thờ Thủ Lễ là một sự hài hòa về kiến trúc: các trụ cột và các nét hoa văn với những hàng câu đối chữ Nho ở mặt tiền khiến nhà thờ vừa cổ kính vừa trang nghiêm. Phần bình phong vừa có những hình tam giác vừa có những hình chữ nhật với các trụ tháp nhỏ ngự những Thánh giá cũng nhỏ ở trên đầu. Mỗi trụ tháp làm nhà thờ như thoát khỏi hình khối nặng nề ở phía dưới, mà nhẹ nhàng vươn cao. Nhà thờ đúng là vừa có chiều ngang, vừa có chiều cao nhờ các trụ tháp. Có lẽ kiến trúc đẹp của một thánh đường là có đủ nét hoành bề thế, nói lên sự vĩnh cửu và nét tung tiêu biểu một khuynh hướng thăng hoa. Không dám nói nhà thờ Thủ Lễ hội được vẻ tung hoành nầy. Nhưng nó đang có những cố gắng vươn đến đó.
Lòng nhà thờ Thủ Lễ là một nhà rường Việt Nam tiêu biểu với hàng cột dựng trên những tảng đá hình dáng rất dân tộc.
Trước đó giáo họ Thủ Lễ có một nhà thờ tranh tre do cha Chapuis (Châu) làm lúc ở Thạch Bình. Sau đó cha đã mua bộ giàn trò của nhà thờ làng Cồn Gai, xã Quảng Công, và dỡ về làm nhà thờ Thủ Lễ. Làng Cồn Gai vốn có đạo nhiều, nhưng rồi bỏ đạo, nhà thờ cũng bị hư hại xuống cấp, nên cha Chapuis đã cho dỡ và làm như hiện có. Năm 1934 cha Hoằng đã cho lợp ngói thay tranh
Sau cơn bão số 8 (1985), mượn tạm nhà thờ để cất lúa giống trong 5 năm, hợp tác xã đã lợp lại nhà thờ. Nay hợp tác xã đã trả lại cho giáo xứ.
Năm 1994 giáo dân họ đạo, trong nước có, ngoài nước có, cùng với sự trợ giúp của cha Giuse Dương Đức Toại, quản xứ Thạch Bình kiêm Thủ Lễ, đã sửa lại nhà thờ, đóng bàn ghế mới. Trong đó cụ Nguyễn Khắc Bụi (90 tuổi, qua đời tháng 12-1999, có gia cư trong khuôn viên nhà thờ) và con cháu đã đóng góp 13 triệu đồng. Đang khi nhà cụ vẫn lợp tôn nóng nực với vách bờ-lô xây tạm chưa tô trát, chái bếp thì trống trải.
Ngày 26-7-1994, giáo xứ Thủ Lễ đã tổ chức lễ khánh thành, có cả người ngoại đạo, hợp tác xã và dân làng tham dự.
**********************************
GIÁO HỌ VÂN CĂN
Nhà thờ Vân Căn
1- Vị trí địa lý:
Giáo họ Vân Căn thuộc xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Nhà thờ Vân Căn, dâng kính Đức Bà Truyền Tin, là một nhà thờ nhỏ không mấy kiên cố, nằm trong một mảnh vườn gần như bỏ hoang, cách nhà thờ Thạch Bình hơn 2km về phía tây nam, nhìn ra con đường làng hẹp chạy qua trước mặt.
2- Nguồn gốc hình thành và quá trình phát triển.
Được biết vào những năm làm quản xứ Thạch Bình, cha Chapuis (cố Châu) đã mở đạo tại vùng đất nầy. Giáo xứ Vân Căn được ra đời vào khoảng thời gian ấy.
Nhà thờ đầu tiên do cha Chapuis dựng nên là một nhà thờ bằng tranh tre. Năm 1956, cha Phêrô Hoàng Kính đã cho xây nhà thờ Vân Căn bằng gạch và lợp ngói.
Năm 1994, nhờ sự dâng cúng của gia đình bác Trương Dưỡng (qua đời tháng 6 năm 1998), cộng với sự giúp đỡ của cha xứ Thạch Bình là Dương Đức Toại, nhà thờ Vân Căn đã được sửa lại, lợp ngói.
Bác Dưỡng cho biết: lúc đi kinh tế mới ở Buôn Mê Thuột về, thấy một số tượng trong nhà thờ bị gãy đầu, bác đã chôn tất cả dưới cung thánh. Sau những năm tháng bôn ba quê người, nay được dịp trở về sống ở làng cũ, bên cạnh nhà thờ xưa để trông nom gìn giữ, đối với bác, đấy như là một ơn quan phòng đặc biệt.
Họ Vân Căn hiện nay được ghép thêm 2 họ lân cận là Lương Cổ, Uất Mậu. Số giáo dân chỉ còn khoảng 20 người, rải rác trong cả 3 nơi (theo cha xứ Trần Bá Kha)
Hằng năm, có thánh lễ mừng bổn mạng vào ngày 2 tháng 3 (Lễ Truyền Tin).
Thỉnh thoảng vào dịp đặc biệt, mới có thánh lễ vì quá ít giáo dân và vì giáo họ cũng tương đối gần nhà thờ Thạch Bình. Giáo xứ đã cô quạnh, lại có vẻ đìu hiu.
**********************************
GIÁO HỌ CỔ THÁP
1- Vị trí địa lý
Cổ Tháp là giáo họ xa nhất trong giáo sở Thạch Bình hiện thời, nằm trên địa bàn 2 xã Quảng Lợi và Quảng Thái, ở bờ nam phá Tam Giang, khá gần cửa sông Ô Lâu. Nhà thờ Cổ Tháp cách nhà thờ Thạch Bình hơn 10km theo đường chim bay về phía tây tây bắc.
2- Nguồn gốc hình thành và quá trình phát triển.
Lịch sử Giáo phận Huế tửng có một ghi chú liên quan tới các giáo họ của giáo xứ Thạch Bình: “Gần đây có ơn trở lại đạo. Ngày 18-4-1993 có 120 người lương được rửa tội. Ngày 3-7-1994 lại có 30 tân tòng trở lại đạo”. Đó là sự hồi sinh của hạt giống đức tin giữa cư dân các xã Quảng Lợi và Quảng Thái, nơi mà trong các năm đầu của thập niên 60, đã có các giáo xứ khá sầm uất với nhà thờ khang trang như: Cổ Tháp, Thủy Yên, Hà Lạc, Tháp Nhuận, Đông Hồ, Lai Hà…
Sau “hiện tượng trở lại năm 1993”, Lm. quản xứ Giuse Dương Đức Toại nghĩ ngay đến việc xây dựng một ngôi nhà thờ mới cho đoàn chiên rải rác của các họ đạo này
Sau nhiều suy nghĩ và cầu nguyện, ngài đã chọn thôn Cổ Tháp làm địa điểm cho ngôi nhà thờ này, cách nhà thờ Thạch Bình (Sịa) hơn 10 km. Công việc đang chuẩn bị tốt đẹp thì ngài được bề trên Giáo phận thuyên chuyển đi La vang (1995)… Người kế vị là Lm P.X Nguyễn Văn Cần đã xây dựng và hoàn thành ngôi nhà thờ dịp lễ Giáng sinh 1996. Các giáo dân tân tòng trong vùng, ngoài niềm vui Chúa giáng trần, còn có niềm vui lần đầu tiên dâng thánh lễ trong ngôi nhà mới Cổ Tháp. Bổn mạng nhà thờ là 25/1, lễ thánh Phaolô trở lại, vì giáo dân cũng mới trở lại từ 1993.
Hiện có 40 giáo dân, đức tin còn rất non kém. Cha sở Trần Bá Kha đang tiến hành xây 3 phòng giáo lý gần phía sau nhà thờ để củng cố đức tin cho thế hệ trẻ.
**********************************
GIÁO HỌ MỸ THẠNH
Từ Thạch Bình, theo tỉnh lộ 4 đi ra quãng 4 km về hướng phá ‘Tam giang, thì tới thôn Mỹ Thạnh. Cho tới những năm đầu của thập niên 60 thế kỷ 20, họ đạo Mỹ Thạnh tuy dù non nớt, nhưng đã được may mắn có những cơ sở hạ tầng rất cần thiết cho công việc mục vụ như: cha quản xứ (một linh mục trên danh nghĩa là phó xứ Thạch Bình, nhưng thực tế “biệt cư”, đóng chốt tại Mỹ Thạnh, kiêm nhiệm Thanh Cần là cha Giuse Trần Văn Lộc, xem trên), nhà xứ, trường tiểu học với sở các nữ tu dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng. Nhà nguyện chưa kịp xây dựng, nên dùng tạm phòng học.
Cũng Lịch sử Giáo phận Huế có ghi: “Vào những năm 1954-1963 tại họ Thạch Bình có phong trào trở lại đạo rầm rộ[6]. Ngày 18-4-1957, cha GB. Nguyễn Văn Đông đã rửa tội 1700 người dự tòng, lúc ngài làm cha sở họ Thạch Bình (1957-1967). Nhưng sau biến cố năm 1963, những người tân tòng trên bỏ đạo cũng nhiều”.
Bẵng đi một thời gian, từ 1980 đến đầu năm 1997, đời cha Giuse Dương Đức Toại và P.X Nguyễn Văn Cần, cứ hai tuần một lần rất đều đặn, đoàn chiên nhỏ bé tại Mỹ Thạnh, gồm có 15 hộ gia đình, với 55 giáo dân lại hân hoan họp nhau tại một tư gia để dâng thánh lễ vào chiều thứ bảy thay cho Chúa nhật, trong lúc đang chờ đợi xin lại ngôi nhà xứ (thường được dân địa phương gọi là Nhà Cha Lộc) để sửa sang làm nơi thờ phượng. Đến nay chính quyền vẫn chưa trả lời. Riêng trên khu đất bên kia đường, nơi từng có trường tiểu học của giáo họ, nay mọc lên một trường nhà nước rất bề thế.
Lễ bổn mạng giáo họ là ngày 29/6, Thánh Phêrô tông đồ.n
**********************************
GIÁO HỌ NIÊM PHÒ
Giáo họ Niêm Phò (tục gọi làng Kẻ Lừ) thuộc làng Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, cách nhà thờ Thạch Bình 3,5 km về phía nam.
Niêm Phò là một làng quê thuần nông nghiệp, có địa hình uốn lượn nằm trên tả ngạn sông Bồ thơ mộng của xứ Huế.
Giáo dân Niêm Phò trước đây đi lễ ở nhà thờ Phước Yên, nằm gần bờ sông Bồ (không rõ xây năm nào), cách Niêm Phò khoảng 3km về phía nam tây nam. Vì chiến tranh, nhà thờ Phước Yên chỉ còn lại nền nhà thờ, mấy bức vách và tháp chuông cụt mỏm. Giáo dân Niêm phò di tản vào miền Nam và chỉ còn lại 1 gia đình
Niêm phò là quê hương của linh mục Giuse Maria Sảng Đình Nguyễn Văn Thích.
————————————————————————————
Về các giáo họ khác của Thạch Bình, xin tham khảo Tổng Giáo phận Huế, Lược sử các Giáo xứ, 2001, tập II, trang 695-723
[1] Theo tài liệu “100 năm Giáo xứ Thạch Bình” của Trần Quang Chu, 05-2005.
[2] Tổng là đơn vị hành chính địa phương trung gian giữa huyện và xã ở Việt Nam trước năm 1945 (theo Wikipedia).
[3] Quê của cha Tổng Đại diện Phaolô Nguyễn Kim Bính.
[4] Nhưng sau biến cố năm 1963 (chế độ của tổng thống Công giáo Ngô Đình Diệm), số tân tòng trên bỏ đạo cũng nhiều, như ở xã Quảng Lợi chẳng hạn.
[5] Thời cha Giuse Dương Đức Toại (1975-1995), các nữ tu Dòng Mến Thánh giá giúp mục vụ lưu động. Thời cha Giuse Phạm Văn Tuệ (2001-2010) thì các chị mới hiện diện và lập sở tại Thạch Bình (kéo dài đến hôm nay, với 2 chị).
[6] thời Đệ nhất cộng hòa Tổng thống Ngô Đình Diệm (1954-1963)
———————————————————————-
Mọi góp ý, bổ sung, điều chỉnh xin vui lòng liên hệ với Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi theo địa chỉ email: witness2005@gmail.com Xin cám ơn quý vị rất nhiều.
Nhóm Biên sử Tổng Giáo phận Huế.