Lược sử Giáo sở Thần Phù

03/03/2020

GIÁO SỞ THẦN PHÙ

GIÁO XỨ THẦN PHÙ

GIÁO HỌ GIÁP NAM – GIÁO HỌ DẠ LÊ – GIÁO HỌ VĂN GIANG

Nhà thờ Thần Phù, chụp năm 2012

GIÁO XỨ THẦN PHÙ

I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ

Giáo xứ Thần Phù, thuộc giáo hạt Hương Phú, nằm trên địa bàn xã Thủy Châu, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên-Huế, cách tòa TGM Huế 10 km về phía đông đông nam. Trên phương diện hành chánh, đó là khu vực Phù Tây của làng Thần Phù (làng còn có khu vực Phù Nam, nơi có giáo họ Giáp Nam).

II. NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

1- Đón nhận đức tin (1892) và thành lập giáo họ (1911)

Theo Sổ Rửa tội của Giáo xứ Phủ Cam, tập II, cha quản xứ Eugène Marie-Joseph Allys ngày 16-01-1892 đã rửa tội cho ông Giuse Sáng, và ngày 03-09-1892 cho bà Maria Đóa tại Phủ Cam. Cả hai là người Thần Phù đầu tiên theo đạo.

Giáo họ Thần Phù được thành lập từ thời linh mục Antoine Stoeffler (cố Thể) làm quản xứ Phủ Cam (1908-1936). Cố Thể sai cha phó Batôlômêô Phạm Hữu Hội (gốc Ba Ngoạt) về đấy dạy đạo (1911). Có ông Phan Dục trở lại, lấy tên thánh Têphanô và hiến nhà mình làm nhà nguyện. Cha Hội ở lại và dạy giáo lý tại nơi này.

Sau cha Hội có cha Phêrô Trần Văn Lượng (gốc Nhất Đông) làm phó biệt cư Thần Phù từ 1916. Rồi cha Batôlômêô Nguyễn Văn Khâm (gốc Kim Long) về thay thế vào năm 1918.

2- Giáo xứ biệt lập tách khỏi Phủ Cam (1923)

Đến năm 1923, cha Đôminicô Trần Văn Phú (gốc Nhất Đông) kế nhiệm và kể từ đây, giáo họ Thần Phù tách khỏi Phủ Cam và cha Phú làm quản xứ tiên khởi.

Cha Đôminicô Phú mua một mẫu đất ở giữa làng để dời nhà nguyện về. Nhờ sự liên lạc của Đức cha Allys (lên Giám mục từ 1908), một bà tên Anna đã cúng tiền làm nhà thờ. Nhưng xây lên nửa chừng thì bà Anna mất, lại thêm một lầu chuông bên nam bị sập. Giáo xứ vẫn tiếp tục làm với sự giúp đỡ của ông Nguyễn Văn Diêu (Bát Diêu)[1] và ông Phạm Văn Bút (Nghè Bút). Để có tài chánh, giáo xứ phải mượn làng 5 sào ruộng đem cầm lấy tiền, lúc khánh thành lại phải mượn thêm một mẫu công điền nữa. Để chuộc lại các ruộng nầy, con cái trong họ đạo đến kỳ quân cấp (chia lại ruộng) phải cho họ đạo 1 sào/1 người trong 3 năm.

Nhà thờ đầu tiên được xây cất gần chân đồi Châu Sơn (di tích còn lại: đền Thánh Giuse) và khánh thành năm 1927.

3- Gia tăng tín hữu

Lúc ấy tại làng Thần Phù có 6 họ lớn và 12 họ nhỏ. Các họ nhỏ này ở khu vực Phù Nam. Với tấm lòng hiếu thảo của con cháu đối với tổ tiên, 12 họ nhỏ đã quyết tâm đóng góp công của xây dựng một ngôi đình. Mục đích thờ phụng tổ tiên đã có công đem con cháu về ở tại làng Thần Phù.

Đầu năm 1928, con cháu 12 họ này khởi công dựng đình làng. Do không được sự đồng tình của con cháu 6 họ lớn làng Thần Phù, nên 7 ngày sau khi đình được dựng lên thì đã bị làng cưỡng chế và xô đổ. Lúc đó con cháu 12 họ đều là lương dân.

Từ những bức xúc ấy, một số tiền nhân của 12 họ được ơn Chúa soi sáng dẫn dắt, đã mạnh dạn chèo ghe qua Văn Giang (thuộc xã Phú Lương, huyện Phú Vang), gặp cha Batôlômêô Phạm Hữu Hội, quản xứ Văn Giang (từ 1916), xin được học giáo lý để theo đạo. Được sự đồng ý của cha, các vị tiền nhân trở về họp các gia đình 12 họ và đi đến thống nhất: một gia đình có thể trở lại đạo 50%. Sở dĩ thế là vì có gia đình chồng thuộc họ nhỏ, vợ thuộc họ lớn, không được phép theo đạo. Sau đó lập danh sách xin cha quản xứ cho học giáo lý, cả người lớn và trẻ nhỏ là 124 mạng. Họ được cha Hội và thầy Vu dạy cho. Khi đã ổn định việc học giáo lý và chịu rửa tội (tháng 2-1929 rửa tội đợt I cho trẻ em dưới 15 tuổi được 34 người; ngày 24-03-1929 rửa tội đợt II cho người lớn và trẻ em trên 15 tuổi được 90 người), các tân tòng đã trình lên cha ý kiến xin xây dựng một nhà thờ và gọi tên cộng đoàn mình là Giáp Nam. Cha đồng ý và đệ đơn của giáo dân lên Đức cha Allys Lý đang là chủ chăn Giáo phận.

Đức cha đồng ý và cấp kinh phí mua một lô đất 5000m2 tại Phù Nam để xây dựng nhà thờ Giáp Nam. Số người của 12 họ từng đóng góp xây đình làng nay dâng cúng toàn bộ để dựng nhà Chúa. Vào tháng 10-1928, cha Phạm Hữu Hội quản xứ Văn Giang đã cho khởi sự công việc. Trong quá trình xây dựng, giáo xứ đã phải phân công giáo dân canh gác, để phòng những việc bất trắc xảy ra vì không được sự đồng tình của làng và xã (tức của 6 họ lớn). Nhưng nhờ ơn Chúa, mọi chuyện đều xuôi thuận tốt đẹp. Cho nên ở Phù Nam có câu ngạn ngữ: “Làm nhà ngang không được thì làm nhà dọc”, ý nói về nhà thờ Giáp Nam hiện nay.

Kể từ đó làng Thần Phù có 2 nhà thờ nhưng nhà thờ Giáp Nam lại là giáo họ của giáo xứ Văn Giang, dưới sự quản nhiệm của cha Batôlômêô Phạm Hữu Hội.

Nhà thờ kết cấu đơn sơ: dài 20m rộng 9m cao 2m2, lợp bằng ngói liệt, phía sau có một chái làm phòng áo lễ. Tháp chính nhà thờ cao khoảng 10m, 2 tháp phụ cao khoảng 6m. Bên trong nhà thờ có hai hàng cột giàn trò, nhưng sau thời gian dài bị mối ăn hư hỏng.

4- Phát triển dưới thời các linh mục quản xứ

Sau thời vị quản xứ tiên khởi là cha Đôminicô Trần Văn Phú (1923-1928), Thần Phù (Giáp Tây) đã được tiếp tục coi sóc và xây dựng bởi các vị chủ chăn sau đây.

– Cha Philiphê Lê Thiện Bá (gốc Cổ Vưu) (1928-1933), kiêm Dạ Lê, Phú Bài, Thanh Dạ. Ngài xây hội quán, xây hai nhà thờ Phú Bài và Dạ Lê, gần quốc lộ I, hành khách qua đường ai cũng thấy. Tiền xây nhà thờ nhờ ông Lê Phát An, cậu ruột hoàng hậu Nam Phương, vợ vua Bảo Đại.

– Cha Giuse Trần Văn Trang (gốc Phủ Cam) (1933-1941). Khoảng năm 1936, cha đã xây cất nguyện đường giáo họ Thanh Dạ, kính Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Đồng thời nhờ Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng đến giúp mục vụ tại đó. Quý chị phục vụ cho tới năm 1975. (Sau 1975, Thanh Dạ trở thành giáo họ của Giáo sở Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp).

– Cha Phaolô Trần Bá Úy (gốc Sơn Công) (1942-1943)

– Cha GB. Bửu Đồng (gốc Phủ Cam) (1943-1946). Ngài dựng tượng Thánh Tâm trước nhà thờ Giáp Nam, đập 2 bức tường phòng áo làm 2 cánh gà để dựng bàn thờ Đức Mẹ và Thánh Giuse; xây phòng chái.

– Cha Anrê Nguyễn Văn Cần (gốc Thợ Đúc) (1946-1947)

– Cha GB. Nguyễn Văn Huệ (gốc Ngọc Hồ) (1947-1955), kiêm giáo họ Phú Bài.

– Cha Henri Petitjean (cố Gioan) (1955).

– Cha Tađêô Trần Văn Tri (gốc Kim Long) (1955-1962). Ngài đại trùng tu nhà thờ Giáp Nam nhưng phải cẩn thận cả ngày lẫn đêm để đề phòng những việc bất trắc vì không được sự đồng tình của làng và xã. Kiêm giáo họ Văn Giang từ 1957.

– Cha Phaolô Tống Văn Đơn (gốc Nhất Đông) (1962-1964)

– Cha GB Hồ Đắc Liên (gốc An Truyền) (1964-1969). Ngài sửa chữa nhà thờ Giáp Nam: tháo dỡ mái ngói, lợp tôn, thay đòn tay cột kèo.

– Cha Gioakim Võ Quang (gốc Tây Linh) (1969-1972).

– Cha Phaolô Trần Công Khôi (gốc Cự Lại) (1972-1975) kiêm Trưởng ban Truyền giáo.

– Cha Giuse Trần Văn Phước (gốc Tân Mỹ) (2 tháng). Đau, xin đi Sài Gòn chữa bệnh.

– Cha Đôminicô Phan Phước (gốc Mỹ Phước) (1975-2001).

Tháng 7-1982, lợp lại nhà thờ nhà thờ Giáp Nam, sửa chữa nhà tạm, xây nền cung thánh. Sau 1991 đào hồ, sửa chữa sân.

Tháng 2-1992, triệt hạ toàn bộ nhà thờ Giáp Nam đã xuống cấp trầm trọng, và xây dựng lại trên nền móng cũ; đổi thiết kế: thêm tiền sảnh, nâng cao mặt tiền (14m) có vòng tròn ở giữa, đặt tượng Chúa Kitô Vua, bổn mạng giáo xứ Giáp Nam.

Năm 1994-1995 đại tu nhà thờ Thần Phù.

 

Bên trong nhà thờ Thần Phù

– Cha Phaolô Trần Thắng Thế (gốc Kẻ Văn) (2001-2014)

+ Tổ chức các lớp giáo lý cho mọi giới: thiếu nhi, thanh niên (chuẩn bị hôn nhân), gia đình trẻ (chia sẻ kinh nghiệm làm vợ chồng, cha mẹ), giảng viên giáo lý (chương trình giáo lý nâng cao), người lớn (họp Legio).

+ Mở lớp dạy văn hoá từ lớp 6 đến lớp 9, mỗi tuần 3 buổi cho con em giáo dân và người lương. Các chị Dòng CĐMĐV dạy mẫu giáo

+ Tổ chức cho thanh niên xuất du đến các giáo xứ bạn như Nước Ngọt, Thừa Lưu, Vinh Hoà, Đá Hàn, An Truyền, Lương Văn để giao lưu văn hoá và nhất là tìm bạn đời có đạo.

+ Bác ái tương trợ: một gia đình nào đó trong giáo sở ốm đau, toàn giáo sở giúp đỡ về tinh thần và một phần vật chất. Tang chế: có đội chung sự hiếu đạo lo.

– Cha Vinhsơn Lê Phú Ngọc Trãn (gốc Phủ Cam)  4/2014-…

Cha tiếp nối công việc của các vị tiền nhiệm: một đàng duy trì các hoạt động hội đoàn để giúp giáo dân sống đức tin cách năng động, một đàng tu sửa các cơ sở vật chất của giáo xứ để có nơi thờ phượng xứng đáng và sinh hoạt thuận tiện.

 III- HOA TRÁI ĐỨC TIN

1- Linh mục

1- Phaolô Dương Công Hồ, sn: 1965, lm: 1992. Văn Giang. Giáo phận Đà Lạt.

2- Giuse Nguyễn Ngọc Sơn, sn: 1962, lm: 1993. Văn Giang. Dòng Phanxicô, Úc châu.

3- G.B Dương Quang Đức, sn: 1958, lm: 2000. Văn Giang. Hoa Kỳ.

4- G.Bosco Dương Quang Niệm, sn: 1952, lm: 2003. Văn Giang.

5- P.Xaviê Nguyễn Văn Cần, sn: 1953, lm: 1994. Họ ngoại Văn Giang.

6- Inhaxiô Lê Quang Hòa, sn: 1964, lm: 2002. Họ ngoại Văn Giang.

7- P.Xaviê Nguyễn Đức Hòa, sn: 1975, lm: 2002. Họ ngoại ở Văn Giang. Hội Thừa sai Paris.

8- Phaolô Lư Văn Phú. Giáp Nam. Giáo phận Wagga Wagga, Úc châu.

9- Giuse Nguyễn Duy Trinh, lm: 2018. Giáp Nam. Dòng Carôlô-Scalabrini.

10- Vicentê Nguyễn Văn Toán, lm: 2020. Thần Phù. Dòng Carôlô-Scalabrini.

 2- Tu sĩ

1- Grêgôriô Nguyễn Đình Mỹ. Dạ Lê. Đại chủng sinh thần học 4.

2- Êlisabet Lê Thị Hoa, sn: 1935, vk: 1961. Văn Giang. Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng

3- Maria Lư Thị Phượng, sn: 1974, vk: 2004. Giáp Nam. Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng.

4- Maria Lư Thị Nhung. Giáp Nam. Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ.

5- Anna Bùi Thị Thanh Thảo, sn: 1978, vk: 2011. Giáp Nam. Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng.

6- Anê Nguyễn Thị Trà My, sn: 1982, vk: 2017. Giáp Nam. Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng.

7- Anna Lê Thị Phương Dịu, sn: 1988, tk: 2017. Dạ Lê. Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng.

8- Luxia Nguyễn Thị Thiên Trúc, sn: 1990, tk: 2016. Giáp Nam. Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng.

9- Maria Hồ Thị Như Ý, sn: 1991, tk: 2018. Giáp Nam. Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng.

10- Matta Dương Thị Thùy Trang, sn: 1991, tk: 2019. Dạ Lê. Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng

11- Anê Nguyễn Thị Quý, sn: 1936, vk: 1962. Văn Giang. Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm

12- Matta Võ Thị Hương, sn: 1963, vk: 1999. Văn Giang. Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm.

13- Matta Võ Thị Mai, sn: 1957, vk: 1990. Văn Giang. Dòng Mến Thánh Giá.

14- Catarina Dương Thị Thu Trang, sn: 1962, vk: 1997. Văn Giang. Dòng Mến Thánh Giá.

15- Têrêxa Ng. Thị Phương Thoa. Dạ Lê. Dòng Mến Thánh Giá Bà Rịa.

3. Giáo dân (toàn giáo sở)

Năm 1939:      1030    người

Năm 1964:      924      người

Năm 2010:      815      người

Năm 2015:      850      người

Năm 2020:      606      người

*************************************

GIÁO HỌ GIÁP NAM

Nhà thờ Giáp Nam

1- Vị trí địa lý

Giáo họ Giáp Nam nằm ở khu vực Phù Nam của làng Thần Phù, xã Thủy Châu, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Nhà thờ Giáp Nam cách nhà thờ Thần Phù gần 1km về phía đông.

2- Nguồn gốc hình thành và quá trình phát triển.

Do tranh chấp về đình làng với 6 họ lớn ở Phù Tây, 12 họ nhỏ ở Phù Nam từ đó nhận ra ánh sáng của đạo tôn thờ Chúa Cả trời đất, rồi đã xin gia nhập Giáo hội, làm thành cộng đoàn Giáp Nam. Tuy nhiên, trong 20 năm đầu (1928-1949), họ phải sinh hoạt ở 2 giáo xứ khác.

– Từ 1928 đến 1929 là giáo họ của giáo xứ Văn Giang do cha Phạm Hữu Hội quản nhiệm.

– Từ 1929 đến 1949 là giáo họ của giáo xứ Lương Văn, được quản nhiệm bởi cha Phêrô Huỳnh Văn Thuận từ 1929-1933, cha Phêrô Tống Viết Hộ từ 1933-1945, cha Anrê Nguyễn Văn Từ từ 1945-1949.

Từ tháng 4-1949 mới là giáo họ của giáo xứ Thần Phù, thời cha GB Nguyễn Văn Huệ.

Sau năm 1975, giáo dân đi vào miền Nam sinh sống hết 1/3, đến nay dân số đã ổn định.

Số giáo dân của giáo họ hiện nay khoảng 200 người. Vì sống bằng nghề làm ruộng và làm thuê nên đời sống kinh tế còn khó khăn, do đó về văn hoá có bị hạn chế: 60% con em học hết cấp I, 30% học hết cấp II, 10% học hết cấp III, vài em học đại học và cao đẳng, cho nên chưa hoà nhập với tình hình phát triển văn hoá chung của Giáo phận hiện nay.

*************************************

GIÁO HỌ DẠ LÊ

Nhà thờ Dạ Lê, khánh thành năm 2001

I. Vị trí địa lý

Giáo họ Dạ Lê thuộc xã Thủy Phương, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Nhà thờ Dạ Lê cách nhà thờ Thần Phù 3km về phía tây tây bắc.

II. Nguồn gốc hình thành và quá trình phát triển.

1- Thời kỳ sơ khai

Ngày 26-04-1883 cặp vợ chồng Anrê Kỹ và Agata Mẹo được cha sở Phủ Cam là Eugène Allys (Lý) rửa tội tại nhà thờ Phủ Cam (theo Sổ Rửa tội của giáo xứ này). Đây là hai tín hữu Dạ Lê đầu tiên. Đó là vào thời Đức Giám mục Antoine Caspar Lộc cai quản giáo phận Bắc Đàng Trong.

Từ năm 1883-1905, những linh mục từ Phủ Cam về giảng đạo là các cha Eugène Allys, Đôminicô Lê Văn Phẩm và Jean Léculier (cố Lựu). Trong làng theo đạo được 32 người (trích Sổ Rửa tội tại Phủ Cam).

2- Thời kỳ thành lập, trực thuộc giáo sở Phủ Cam

Họ Dạ Lê lúc ấy còn trực thuộc giáo xứ Phủ Cam. Năm Thành Thái thứ 17 (1906), ông Nguyễn Đình Dực làm tri hương thấy trong sổ bộ của làng ruộng quá nhiều nhưng đều nằm trong tay quan lại và cường hào, dân không có đất để sinh sống. Với sự giúp đỡ của cha Allys, ông Dực đệ đơn kiện và thắng kiện. Nhà vua ra lệnh cấp đất lại cho dân, mỗi nhân khẩu được 5 sào.

Ngày 09-08-1907 gia đình ông Dực và 50 người được cha Allys rửa tội một lượt (trích Sổ Rửa tội số II tại Phủ Cam)

Năm 1908-1913 hai cha phó Phủ Cam là Phaolô Nguyễn Văn Huồn và Matthêô Nguyễn Thanh Bạch ăn ở tại nhà ông Dực để đi giảng đạo, giáo dân tăng lên hơn 200 người.

Ngôi nhà 5 gian hai chái, được cải tạo thành nhà thờ bằng cách dựng 1 cây Thánh giá trên nóc, trổ cửa lớn ở một đầu hồi, không đủ sức chứa khi giáo dân đến dự lễ. Để tỏ lòng biết ơn và ngưỡng mộ, đại diện làng và các tộc trưởng đến trình cha và ngỏ ý đình làng rộng, mời cha và giáo dân dùng đó để làm lễ, một bên thờ thần một bên thờ Chúa.

Năm 1913 ông Dực hiến dâng nhà và vườn rộng 7 sào 11 miếng 2 tấc để làm nhà thờ. Ngôi nhà thờ tranh đầu tiên mọc lên.

– Năm 1913-1915 cha Batôlômêô Phạm Hữu Hội thay cha Bạch.

– Năm 1916-1918 cha Phêrô Trần Văn Lượng thay cha Hội.

– Năm 1918-1923 cha Batôlômêô Nguyễn Văn Khâm thay cha Lượng.

3- Thời kỳ trực thuộc giáo sở Thần Phù

Năm 1923, cha Đôminicô Trần Văn Phú làm quản xứ tiên khởi của Thần Phù, từ đó Dạ Lê cũng tách khỏi Phủ Cam mà trở thành giáo họ của giáo xứ độc lập mới.

Năm 1928, nhà thờ Dạ Lê được xây dựng, nhờ cha quản xứ Philipphê Lê Thiện Bá, một văn tài Công giáo, bán bản quyền cuốn “Bổn đồng ấu” (sách giáo lý thiếu nhi); bà Lê Phát An (một hào phú Sài Gòn, đại ân nhân Giáo phận Huế thời Đức cha Allys) dâng cúng thêm tài chánh và ông Alêxi Nguyễn Văn Nghi (Hội Nghi, Phủ Cam) thi công. Nhà thờ bằng gạch ngói, rộng 6,5m dài 23m.

Năm 1928-1933 cha Bá ở giáo xứ Thần Phù, còn các cha phó ở Dạ Lê: Đôminicô Lê Hữu Luyến (1928), Antôn Nguyễn Văn Bằng (1930), Tôma Nguyễn Văn Luật (1932).

Năm 1933-1941, thời cha Giuse Trần Văn Trang quản xứ Thần Phù, thì ở Dạ Lê có các phó xứ như cha Giuse Đỗ Bá Ấn (1934), cha Giacôbê Nguyễn Văn Ngọc (1936, mở trường dạy giáo lý [hiện còn nền móng nhà] và mượn nhà ông Lý Đài ở ấp 5 để giảng đạo vùng rừng núi và Dương Hòa), cha Anrê Lê Trọng Đinh (1938, tiếp tục dạy ở Lợi Nông và Thanh Lam).

 Năm 1942 cha Phaolô Trần Bá Úy ở Thần Phù kiêm Dạ Lê.

Năm 1943-1946 cha GB. Bửu Đồng ở Thần Phù kiêm Dạ Lê

Năm 1946-1947 cha Anrê Nguyễn Văn Cần ở Thần Phù kiêm Dạ Lê.

Năm 1949-1954 cha Nguyễn Văn Huệ làm quản xứ Thần Phù (1947-1955) nhưng ở Dạ Lê.

Năm 1954 cha Trần Thắng Trung đem giáo dân di cư vào ở Dạ Lê.

Sau năm 1955 giáo họ Dạ Lê không còn các cha phó đến ở nữa, mà trực thuộc hoàn toàn vào các cha ở giáo xứ Thần Phù.

Năm 1968, nhà thờ bị trúng đạn cối hư hoại. Ông Cách (con ông Dực) đi xin và giúp thêm tài chánh để đại tu nhà thờ vào năm 1969 thời cha Võ Quang

Tháng 6-1999, cha Đôminicô Phan Phước triệt hạ nhà thờ cũ và làm lại nhà thờ mới, khánh thành ngày 19-12-2001 (diện tích: 13,2m ´ 23m).

III. Một gia tộc phục vụ giáo họ.

Trước đây sinh hoạt của giáo xứ Dạ Lê được sống động là nhờ các chủ chăn và dòng họ Nguyễn Đình đã tích cực làm việc để xây dựng giáo xứ với phương châm “Nhà thờ là nhà của ta-Công khó ông cha lập ra”, và luôn phát huy tinh thần đó để làm việc không ngại gian nan thử thách. Xin được kể tên các vị câu cựu, phần lớn thuộc dòng họ Nguyễn Đình:

– Ông GB. Nguyễn Đình Dực (1907-1923) phục vụ trọn đời.

– Ông Micae Phạm Phú Bình (1924-1932).

– Ông Micae Nguyễn Đình Cam (1932-1958) phục vụ trọn đời (con trưởng ông Dực).

– Ông Matthêu Nguyễn Đình Dung (1958-1964) phục vụ hết đời (con thứ ông Dực).

– Bà Anê Nguyễn Thị Liêu (con gái ông Dực) năm 1964-1968.

Vào năm 1964, số giáo dân có tham gia với chế độ cũ Ngô Đình Diệm đều tản cư lên Huế ở. Chỉ còn lại những người sống nghề nông, chài lưới và tiều phu. Bà Liêu ngày đêm thúc giục con cháu của mình đi lễ để giáo họ Dạ Lê giữ vững niềm tin. Dù không được ai bầu làm câu họ, bà cũng đã lèo lái chăn dắt đoàn chiên qua cơn bách hại (1964-1968).

– Ông Phêrô Nguyễn Văn Mến (1969-1975).

 – Ông Giuse Nguyễn Đình Thuấn (1975-1983) (cháu nội ông Dực).

– Ông GB. Nguyễn Đình Tắc (1983-2002).

– Ông Micae Nguyễn Đình Quý (2002-2007).

– Ông Inhaxiô Nguyễn Đình Tắc (đương nhiệm)

*************************************

Lược sử

GIÁO HỌ VĂN GIANG

Nhà thờ Văn Giang, khánh thành năm 1996.

I. Vị trí địa lý

Giáo họ Văn Giang nằm bên dòng Đại Giang (sông Lợi Nông/sông An Cựu). Trước kia thuộc tổng Sư Lỗ, bây giờ thuộc xã Phú Lương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Nhà thờ Văn Giang cách nhà thờ Thần Phù khoảng 2,5km đường chim bay về hướng bắc đông bắc.

II. Nguồn gốc hình thành và quá trình phát triển.

Tổ tiên dân Văn Giang là người gốc Thanh Hóa, Nghệ An theo chúa Nguyễn vào Nam lập nghiệp vào đầu thế kỷ 17. Nhưng mãi đến hai trăm năm sau, hạt giống đức tin mới được gieo vào lòng đất này. Đó là ngày 4-10-1882 khi hai tân tòng Văn Giang đầu tiên chịu phép rửa tại giáo xứ Phủ Cam là: Gioakim Yên và Agatha Chước, dưới thời vua Hàm Nghi và loạn Văn Thân.

Với bước đầu phôi thai trong thời kỳ bách hại của phong trào Văn Thân, vào hạ bán thế kỷ 19 như thế, việc mở mang nước Chúa chẳng phải là điều dễ dàng. Họ đạo có từ 4-5 gia đình, không ổn định ăn ở trên quê hương mà phải rày đây mai đó, vì khốn khổ mưu sinh và áp lực thành kiến. Họ đi lễ tại nhà thờ Sư Lỗ do cha Phaolô Nguyễn Cao Hiển (1880-1906-1930) làm quản xứ (1909-1913). Dần dần số gia đình được tăng lên và thành lập họ đạo dưới sự trông coi của cha Hiển.

Đầu thế kỷ 20, giáo phận nhà bình yên, Văn Giang cũng từ đó triển nở mạnh mẽ, giáo dân đông đảo, giáo họ được nâng lên hàng giáo xứ vào năm 1913. Quản xứ tiên khởi là cha Phaolô Nguyễn Cao Hiển từ giáo xứ Sư Lỗ về. Cha tiến hành xây dựng nhà thờ cột kèo bằng gỗ, 3 gian lợp ngói.

Năm 1916 cha Bat. Phạm Hữu Hội (1880-1911-1954) thay cha Hiển làm quản xứ, kiêm lo ruộng Nhà chung Giáo phận. Ruộng Nhà chung ngày càng được ngài mở mang, tổng số 141 mẫu 6 sào, chủ yếu giao cho bổn đạo ở và làm, số còn lại giao cho lương dân. Mỗi giáp (xóm) có người đại diện lãnh nhận trực tiếp với cha quản xứ vì ngài là người thay mặt Nhà chung. Đây cũng là thời kỳ phát triển mạnh mẽ nhất trong lịch sử giáo xứ, kẻ nhập đạo rất đông, nhà thờ được làm lại bằng gạch, lợp ngói, kiến trúc theo lối cổ của Pháp, mặt tiền có thành quách. Nhà cha xứ cũng được xây dựng tử tế. Đây là công trình lớn trong vùng đương thời.

Cha Hội là vị quản xứ lâu nhất, ngài ở được 20 năm và cũng là chủ chăn có công lao bậc nhất trong việc mở mang và xây dựng giáo xứ hưng thịnh. Họ nhánh gồm: Lương Văn-Giáp Nam.

Năm 1940, cha Phêrô Huỳnh Văn Hóa (1903-1934-1987) về làm quản xứ đến 1943.

Năm 1943, cha GB Nguyễn Văn Huệ (1910-1938-2001) đại tu nhà thờ: rộng 6,8m, đỉnh Thánh giá tiền sảnh cao 14,50m. Ngài cai quản đến năm 1945.    

Năm 1946-1947, cha Mátthia Nguyễn Văn Triêm (1914-1945-1984).

Từ năm 1947, tình hình chiến sự ngày càng gây bất ổn, một số đông gia đình giáo dân tản cư lên giáo xứ Phủ Cam và Mẹ Hằng Cứu Giúp. Số còn lại chịu nhiều gian truân các mặt, giáo xứ vắng cha sở mãi đến năm 1953.

Năm 1953, cha PX Bùi Quang Ninh (1886-1913-1975), trông coi Văn Giang đến 1957. Sau đó giáo xứ được cha Tađêô Trần Văn Tri (1912-1943-1970), quản xứ Thần Phù kiêm nhiệm.

Năm 1962, cha Trần Văn Tri về Văn Giang làm quản xứ. Ngài quy tụ con cái hồi hương và khôi phục lại những gì mất mát, nhưng ngài chỉ ở được 2 năm. Đầu năm 1964, chiến tranh lại bùng nổ, cha đành cùng với tất cả con cái ngậm ngùi rời xa giáo xứ để tránh bom đạn. Phần đông các gia đình định cư tại giáo xứ Phi Trường (Phù Lương), phía sau nhà thờ Phù Lương bây giờ.

Năm 1967, ngôi nhà thờ bị bom đạn sụp đổ hoàn toàn chỉ trơ lại bức tiền sảnh loang lổ đầy dấu vết chiến tranh.

Năm 1969, dù chiến sự chưa lắng dịu nhưng giáo dân đã hy sinh vượt khó trở về ngôi nhà thờ của giáo xứ góp nhặt số cột kèo còn lại đem về Phù Lương, để cùng với giáo xứ Diêm Tụ (do cha Giacôbê Phan Văn Cơ cai quản) xây nhà thờ tạm trong chiến tranh.

Năm 1975 hòa bình trở lại, giáo dân trở về với cảnh tượng tiêu điều, xơ xác. Bức tiền sảnh và đỉnh tháp Thánh giá dù không nguyên vẹn và đầy dấu tích đạn bom, vẫn còn đó như chứng tích bao thăng trầm của giáo xứ. Cộng đoàn lúc ấy gồm 24 gia đình trực thuộc giáo sở Thần Phù do cha Giuse Trần Văn Phước cai quản. Sáu tháng sau cha Đôminicô Phan Phước về kế nhiệm. Cha tổ chức lại ban điều hành giáo họ, chọn ông Mátthêô Nguyễn Văn Quảng làm chủ tịch HĐGX; tiến hành xây dựng một nhà nguyện lợp tôn, cột kèo dỡ từ nhà thờ chung với giáo xứ Diêm Tụ về (di vật của nhà thờ giáo xứ cũ).

Năm 1977, do kinh tế khó khăn và thách thức dồn dập, một lần nữa số đông giáo dân (16 hộ) lại vào Nam mưu sinh, còn lại 8 hộ rời rạc ở giáp tây và giáp đông. Xa nhà thờ chính, rồi mỗi tháng chỉ có một thánh lễ, do chỗ cha quản xứ phải kiêm nhiệm 5 họ đạo, đời sống đạo ở Văn Giang do đó cũng đi xuống. Năm 1985, bão lớn, nhà nguyện sập.

Năm 1993, cha quản xứ và giáo dân chọn các ông Nguyễn Văn Sính, Nguyễn Quỳnh và Nguyễn Huynh vào trong HĐGX. Cũng bắt đầu từ năm nầy, ngài nảy sinh ý định xây dựng lại nhà thờ. Thời điểm khởi sự là ngày 19-03-1995 (lễ Thánh Giuse). Toàn giáo sở Thần Phù tập trung đào móng, đặt lại viên đá tái tạo đầu tiên. Do ngày đáng nhớ ấy nên cha quản xứ đổi lễ bổn mạng giáo xứ thành 19-03 (trước kia là 01-05) để muôn đời ghi nhớ. Khi bắt đầu xây dựng, tài chính chưa được 50%, nhưng nhờ ơn Chúa quan phòng, sau hơn một năm, ngày 11-08-1996 công trình hoàn thiện mỹ mãn, với tổng giá trị 190 triệu đồng. Kể từ đây giáo dân có nơi nuôi dưỡng tâm hồn nên đời sống đạo có phần thăng tiến. Giáo họ Văn Giang hiện nay có 12 hộ gia đình, 65 giáo dân.

 ———————————————————————

[1] Bát Diêu là ông nội của Đức Hồng y P.X. Nguyễn Văn Thuận. Hai ông Bát Diêu và Nghè Bút đều ở Phủ Cam

————————————————————————–

Mọi góp ý, bổ sung, điều chỉnh xin vui lòng liên hệ với Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi theo địa chỉ email: witness2005@gmail.com Xin cám ơn quý vị rất nhiều.

Nhóm Biên sử Tổng Giáo phận Huế.