Lược sử Giáo sở Thanh Tân

06/03/2020

GIÁO SỞ THANH TÂN

GIÁO XỨ THANH TÂN – GIÁO HỌ BẾN CỦI

GIÁO XỨ THANH TÂN

Nhà thờ Thanh Tân, khánh thành năm 2000.

Lược sử

GIÁO XỨ THANH TÂN

I- VỊ TRÍ ĐỊA LÝ

Giáo xứ Thanh Tân, thuộc Giáo hạt Hương Quảng Phong, trên địa bàn xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế, tọa lạc dưới chân dãy núi Trường Sơn. Nhà thờ Thanh Tân nằm  bên tỉnh lộ 11B, cách tòa Giám mục Huế 20,6 km theo đường chim hay 34 km theo đường bộ về phía tây tây bắc[1].

II- NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

1- Từ một viện dục anh và một sở canh tác (1864)

Sau khi vua Tự Đức thôi bắt đạo (hòa ước Nhâm Tuất 1862), tình hình tôn giáo xem ra sáng sủa hơn, bản quyền Giáo phận Huế là Đức cha Joseph Hyacinthe Sohier (Bình) mới nghĩ ra sáng kiến thành lập một viện dục anh trong Giáo phận để nuôi dưỡng con cái mồ côi của các gia đình tín hữu bị bách hại trong quá khứ, đặc biệt là vụ “Phân Sáp” vừa mới xảy ra (1861). Đó cũng sẽ là một cơ sở làm kinh tế cho Giáo phận.

Ban đầu, Đức cha chọn địa điểm La Vang nhưng làng Cổ Vưu (Trí Bưu) không chịu nhượng đất. Ngài mới xin vua Tự Đức cho khai thác vùng gọi là dốc Ba Trục, khe Ồ Ồ[2] (nay thuộc xã Phong Xuân, huyện Phong Điền). Nơi nầy đất đai hoang vu, bao la rộng rãi. Thế là viện dục anh ra đời (1864), mang tên Thanh Tân, tiền thân của giáo xứ Thanh Tân sau đó.

Để thưởng công cho thân phụ đã hy sinh vì đạo là Thánh Micae Hồ Đình Hy, Đức cha đã đặt con của ngài là linh mục Giuse Hồ Đình Tính (gốc Nhu Lâm, vừa được ngài tấn phong tại tòa Giám mục ở Kim Long) trông coi viện dục anh Thanh Tân và những đất ruộng mà Đức Cha đã mua lại từ chính quyền để làm công tác xã hội nầy.

Cha Giuse đã xây cất nhiều cơ sở chắc chắn, và dĩ nhiên cả nhà nguyện để các cô nhi có nơi đọc kinh dâng lễ. Sau đó nhiều em lớn lên đã kết bạn với nhau, xây dựng gia đình, sinh sống tại chỗ, dần dần làm nên một họ đạo.

2- Giáo xứ kiêm chi nhánh đại chủng viện (1867)

Vào cuối năm 1867, Đức Cha giao việc coi sóc 3 họ đạo cận kề nhau là Thanh Tân, Sơn Quả, và khu canh tác (hay còn gọi là ngôi trường trang trại Ồ Ồ-Ba Trục) cho một thừa sai vừa mới đến đất Việt là cha Jean-Nicolas Renauld (cố Đồng, 1839-1867-1898); cha Hồ Đình Tính thành phó xứ, có sự trợ giúp của các thầy đại chủng viện Kim Long (được thành lập năm 1866). Các thầy (đa số từ Pénang, Malaysia về) được cho lên đây để vừa lao động khai hoang, vừa học hành tu luyện. Đức Cha rất quan tâm đến vùng này, mỗi tháng một lần hay có thể lâu hơn, ngài ghé thăm các giáo xứ lẫn cơ sở và cử hành nhiều cuộc truyền chức.

Ngày 6-4-1867 (trước khi cha Renauld đến), Đức cha đã tấn phong linh mục cho 8 thầy trong số đang học tập và làm việc tại Thanh Tân. Đó là các cha Têphanô Lê Văn Ấn, Têphanô Đặng Văn Hiệp, Phêrô Võ Viết Liên, GB Bùi Quang Lợi, Phêrô Đặng Văn Minh, GB. Nguyễn Văn Mộ, Phêrô Lưu Văn Quản, Giuse Bùi Văn Tuyển.

Năm 1875, cố Đồng xây nhà thờ Thanh Tân, với sự giúp sức của cụ Phạm Bồi, nội tổ của thi sĩ Hàn Mặc Tử[3]. Ở phó cho ngài có cha Anrê Nguyễn Văn Định (gốc Thợ Đúc) từ 1878 đến 1882, cha Phêrô Maria Trần Văn Mân (gốc Thanh Lương) từ 1880 đến 1884[4], cha Jean Bonnand (cố Bổn) từ 1881-1882 (học tiếng Việt và lo viện dục anh). Năm 1881, cố Đồng rời Thanh Tân về làm Giám đốc Đại chủng viện Thợ Đúc.

Năm 1882, một trận hỏa hoạn làm tiêu tan hết nhà cửa và tài sản của viện dục anh. Rồi một phần vì thời cuộc, phần khác vì rừng thiêng nước độc, sinh nhiều bệnh tật, viện dục anh Thanh Tân phải xin giáo xứ Sơn Quả (thuộc xã Phong Sơn phía đông, bên cạnh) nhượng một phần đất để tái lập. Nên nay nhà thờ Thanh Tân chỉ cách nhà thờ Sơn Quả 570m về hướng tây. Cha Giuse Hồ Đình Tính lại đến Thanh Tân làm mục vụ lần 2 (1882-1883), sau đó đổi lên Ngọc Hồ. Làm phó cho ngài có cha Phêrô Đặng Văn Minh từ tháng 10-1883 và sẽ ở cho tới tháng 3-1885.

Năm 1883, Giáo phận Huế mời các nữ tu Dòng Thánh Phaolô de Chartres sang để coi sóc các trẻ mồ côi. Các chị đã lập viện dục anh tại Kim Long, nên các trẻ nhỏ ở Thanh Tân đã được đưa về cơ sở mới này. Số cô nhi lớn hơn thì ở lại.

Từ 1883 đến 1891, Thanh Tân ở dưới sự kiêm nhiệm của cha Đôminicô Nguyễn Công Sâm, vốn làm quản xứ Sơn Quả và Sơn Công từ 1879 đến 1891. Ngài mất tại nhiệm sở và được an táng trong nhà thờ Sơn Quả.

Trong thời kỳ Văn Thân (1883-1885), giáo xứ Thanh Tân là nơi trú ẩn cho tín hữu chạy trốn đại họa này. Năm 1886, cha GB. Nguyễn Văn Chữ đã từ họ Kẻ Hạc (Quảng Bình) vào đây để lánh nạn vài tháng.

Từ 1893 đến 1897, cha Anphong Trần Bá Lữ (gốc Sơn Công) được chỉ định lên Thanh Tân làm mục vụ. Ngài là một người có duyên nợ lâu dài với họ đạo này, vì đã lãnh phép cắt tóc tại đây năm 1872, rồi làm việc ở đây với tư cách thầy giúp xứ từ 1872 đến 1878 và từ 1879 đến 1881.

3- Cơ sở xã hội, nông trang công giáo (1897)

Năm 1897, Giáo phận mua thêm đất ở Ba Trục-Ồ Ồ để lập sở xã hội, và linh mục Auguste Chaiget (cố Soái) phụ trách công tác nầy (kiêm vai trò quản xứ). Lý do là các trẻ viện dục anh cũ đã khôn lớn và thành lập gia đình với nhau. Giáo quyền phải lo kiếm đất để các đôi vợ chồng côi cút nầy có nơi dựng nhà và sản xuất để sinh sống được[5].

Phải nói rằng cha Chaiget là người có công lớn tại Thanh Tân, vì ngài ở đó lâu nhất, đến khi qua đời (1897-1927), còn kiêm luôn cả 2 giáo xứ Sơn Công và Sơn Quả. Đảm trách công việc nầy, vị mục tử không khỏi chịu đựng nhiều phiền lụy cũng như nhiều tệ đoan trong đám cô nhi mà nay đã thành trai tráng. Nhiều đứa bỏ đi lang thang chỗ nầy sang chỗ khác, một thời gian sau có khi trở về. Nhưng ngài vẫn thương tình cho chúng nhập lại sở và lo lắng chu đáo như một người cha ruột thịt. Với những thanh niên trai tráng xuất thân từ nông trại này, ngài làm thành một làng hoàn toàn công giáo (theo Tiểu sử các Thừa sai phục vụ Giáo phận Huế từ 1850 đến 1975).

Làm phó cho cố Soái có cha Phêrô Đỗ Khắc Tuế (gốc Thợ Đúc) ở Thanh Tân từ năm 1905, biệt cư Sơn Công từ 1908 tới 1911; cha Gioan Nguyễn Văn Chất (gốc Kim Long) từ 1908 đến 1916; cha Lôrensô Trương Văn Vệ (gốc Ngọc Hồ) từ 1916 đến 1920; cha Phêrô Tống Văn Hộ (gốc Thợ Đúc) năm 1919; cha Phêrô Ngô Văn Hiến (gốc Kim Long) từ 1925 đến 1927; cha Phaolô Trần Bá Hạnh (gốc Sơn Công) năm 1927.

Tiếp theo cố Soái là cha Gioakim Nguyễn Văn Dụ (gốc Đốc Sơ). Cuối tháng 6-1927, ngài làm cha sở Thanh Tân, kiêm Sơn Quả từ 1930-1933 rồi kiêm Sơn Công từ 1933-1938. Ở phó cho ngài có cha Inhaxiô Võ Văn Bảo (gốc Kẻ Bàng). Ngài qua đời tại Thanh Tân ngày 24-11-1938, được mai táng nơi đây.

Cha Tađêô Hồ Bảo Huỳnh (gốc Kim Long) từ 1938 đến 1940, thế cha Nguyễn Văn Dụ bị bại liệt rồi qua đời ít tháng sau đó. Chính ngài chôn cất vị tiền nhiệm. Cha Võ Văn Bảo tiếp tục ở phó cho ngài đến năm 1939.

Cha Phêrô Đỗ Khắc Tuế (gốc Thợ Đúc) kế nhiệm từ 1940 đến 1942.

Cha Batôlômêô Nguyễn Văn Khâm (gốc Kim Long) từ 1942 đến 1945.

Cha Phaolô Phạm Ngọc Chiếu (gốc Phủ Cam) từ 1945 đến 1954. Suốt 9 năm chiến tranh này, ngài khéo léo sống với giáo hữu tại Thanh Tân và Sơn Quả. Nhờ sự lãnh đạo sáng suốt đó mà các gia đình hai giáo xứ vừa nói vẫn cương quyết ở lại không di tản như nhiều giáo xứ khác. Năm 1947, chiến tranh lan rộng, giáo dân Ba Trục-Ồ Ồ một lần nữa xuống Thanh Tân và ở lại luôn tại đó. Ở phó cho cha Chiếu có cha Phaolô Nguyễn Thanh Tiếp (gốc Phủ Cam) từ 1950-1954.

Năm 1954, cha Phaolô Trần Văn Khánh (gốc Dương Sơn) đến làm quản xứ Thanh Tân kiêm Sơn Quả cho tới năm 1962.

Từ 1962-1963, Thanh Tân được cha Phaolô Ngô Văn Triệu (gốc Kim Long), quản xứ Sơn Quả kiêm nhiệm.

Từ 1964-1966: cha GB. Trương Đình Thắng (gốc Phủ Cam), kiêm nhiệm Sơn Quả.

Vào năm 1964 xã Phong Sơn (trong đó có Thanh Tân và Sơn Quả) bị chiến tranh nên dân làng lương cũng như giáo phải di tản đến vùng an bình để làm ăn sinh sống, đặc biệt về thành phố Huế (khu định cư Phủ Cam và Kim Long), một số đi lập nghiệp ở miền Nam và Tây Nguyên. Thanh Tân từ 1966 không còn một bóng người.

4- Tái xây dựng giáo xứ (1975)

Sau năm 1975, một số ít giáo dân trở lại quê hương điêu tàn, và bắt tay khai hoang canh tác. Lúc nầy nhà thờ chẳng có, linh mục cũng không. Bấy giờ Đức Tổng Giám mục Philipphê Nguyễn Kim Điền sai thầy Antôn Nguyễn Văn Tuyến (gốc Hà Úc, đang chuẩn bị lãnh chức phó tế) đến xã Phong Sơn hoạt động. Thầy đã động viên giáo dân gốc Thanh Tân – Sơn Quả trở về làng sinh sống.

Ngày 4-1-1976, thầy Antôn thụ phong linh mục và được sai về Sơn Quả – Thanh Tân, làm chủ chăn cho giáo xứ mới mang tên Tân Sơn, sự hòa nhập hai giáo xứ cũ. Trực thuộc giáo xứ này còn có giáo họ Bến Củi thuộc xã Phong Xuân (xem dưới). Thấy có mục tử, các cựu giáo dân an tâm hồi hương, xây dựng lại thôn xóm và họ đạo. Một ngôi nhà thờ bằng tranh tre được dựng lên sát tỉnh lộ 11B, sau đó được di chuyển vào nền nhà thờ Thanh Tân cũ. Giáo dân Tân Sơn lúc ấy được khoảng 300 người. Cha Antôn cũng dựng tạm một nhà thờ bằng tranh tre cho giáo họ Bến Củi. Nhà thờ được khiêng đi dời lại nhiều lần, sau cùng đã tọa lạc tại khuôn viên như hiện có.

Năm 1980, cha Antôn đã xây dựng một ngôi nhà thờ khá kiên cố ở Thanh Tân cùng với các cơ sở khác như nhà xứ, trường mẫu giáo, sở các nữ tu Mến Thánh Giá mà ngài vừa mời lên được.

Nhà thờ Thanh Tân (cũ), xây năm 1980.

Cha Antôn Nguyễn Văn Tuyến cai quản đến năm 1994 thì được điều về làm thư ký tòa Giám mục. Thay thế ngài là cha Phaolô Ngô Thanh Sơn (gốc An Vân). Cha Phaolô ở cho tới tháng 5-1996 thì xin vào Dòng Thiên An, Huế để thử sống đời đan sĩ.

 Cha Bênađô Trần Lương (gốc Kẻ Văn) kế nhiệm.

Ngày 12-1-1999, cha khởi công xây dựng nhà thờ Thanh Tân mới (hiện tồn). Nhà thờ được Đức Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể làm phép ngày 17-9-2000.

Cha Bênađô cũng xây đài Đức Mẹ Thanh Tân, nhà xứ Thanh Tân, nới rộng nhà thờ và xây đài Đức Mẹ Bến Củi năm 1999, trùng tu đài Đức Mẹ Sơn Quả ở Núi Lở năm 2001.

Bên cạnh đó, ngài cũng chăm lo việc giáo dục bằng cách xây trường mẫu giáo thôn Sơn Quả và trường mẫu giáo thôn Công Thành (cùng xã Phong Sơn) vào năm 2000.

Tháng 5-2003, cha Đôminicô Lê Đình Du (gốc Thanh Hương) đến làm quản xứ Tân Sơn kiêm Bến Củi. Trong thời ngài (2003-2010), Đức Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể, vào tháng 11-2005, đã thể theo nguyện vọng của giáo dân mà trả lại nguyên trạng 2 giáo xứ Thanh Tân và Sơn Quả. Dù vậy, cha Đôminicô vẫn ở Thanh Tân và kiêm nhiệm Sơn Quả. Năm 2007, ngài khởi công xây dựng cho Sơn Quả một ngôi nhà thờ mới, to lớn và xinh đẹp, được khánh thành vào năm 2010 (xem lược sử Giáo xứ Sơn Quả).

Cha Đôminicô Nguyễn Tưởng (gốc Loan Lý), cai quản Thanh Tân và Bến Củi từ 2010 đến 2018, nhưng chỉ kiêm Sơn Quả tới năm 2012, lúc giáo xứ này có quản xứ riêng biệt: cha Giuse Nguyễn Điền.

Từ tháng 9-2018, Thanh Tân và Bến Củi có quản xứ mới: cha Phêrô Nguyễn Văn Phước (gốc Nước Ngọt). Ngài xây mới nhà xứ Thanh Tân và dự trù xây lại nhà thờ Bến Củi.

 5- Tổng lược danh sách các linh mục quản xứ hay kiêm nhiệm

1- Giuse Hồ Đình Tính (1864-1867) kỳ 1

2- Jean-Nicolas Renauld (cố Đồng) (1867-1881)

3- Giuse Hồ Đình Tính (1882-1883) kỳ 2

4- Đôminicô Nguyễn Công Sâm (1883-1891) quản xứ Sơn Quả kiêm nhiệm.

5- Anphong Trần Bá Lữ (1893-1897)

6- Auguste Chaiget (cố Soái) (1897-1927)

8- Gioakim Nguyễn Văn Dụ (1927-1938)

9- Tađêô Hồ Bảo Huỳnh (1938-1940)

10- Phêrô Đỗ Khắc Tuế (1940-1942)

11- Batôlômêô Nguyễn Văn Khâm (1942-1945)

12- Phaolô Phạm Ngọc Chiếu (1945-1954)

13- Phaolô Trần Văn Khánh (1954-1962)

14- Phaolô Ngô Văn Triệu (1962-1963)

15- GB. Trương Đình Thắng (1964-1966)

Gián đoạn vì chiến tranh.

16- Antôn Nguyễn Văn Tuyến (1976-1994)

17- Phaolô Ngô Thanh Sơn (1994-1996)

18- Bênađô Trần Lương (1996-2003)

19- Đôminicô Lê Đình Du (2003-2010)

20- Đôminicô Nguyễn Tưởng (2010-2018)

21- Phêrô Nguyễn Văn Phước (25/9/2018……)

Bên trong nhà thờ Thanh Tân

IV- HOA TRÁI ĐỨC TIN

1- Linh mục:

1- Tôma Trần Văn Hiệu (1941-1975-) (Giáo phận Phan Thiết)

2- Anrê Nguyễn Văn Chiến (1953-1957-) (Hoa Kỳ)

3- Phêrô Nguyễn Văn Chửng (1959-2000-) (Hoa Kỳ),

4- Phaolô Cao Xuân Đắc (1966-2006-) (Giáo phận Mỹ Tho)

5- Đôminicô Lý Thanh Phong (1971-2002-)

6- Augustinô Nguyễn Đại Vũ (1978-2010-)

7- Giuse Nguyễn Huy Hùng (1974-2012-) (Dòng Ngôi Lời SVD, Hà Giang)

8- Tôma Trương Quang Phú (-2018-) (Dòng Carôlô-Scalabrini, Philippin)

9- Augustinô Trần Như Huynh (-2019-) (Dòng Augustino Chân Đất OAD, Đà Nẵng).

2- Tu sĩ nam nữ:

1- GB. Trương Thắng, Đan sỹ Thiên An.

2- Phaolô Trương Xuân Trường, Đại chủng sinh.

3- Tôma Thiện Nguyễn Hoàng Trí, chủng sinh tiền chủng viện,

4- Giuse Trần Thanh Tín, chủng sinh ngoại trú.

5- Giuse Nguyễn Tấn Hiệp, chủng sinh ngoại trú.

6- Maria Trương Thị Thúy Hằng, sn: 1980, vk: 2010, Dòng Mến Thánh Giá

7- Anna Trương Thị Hà Ni, sn: 1982, vk: 2016, Dòng Mến Thánh Giá

3- Maria Trần Thị Nga, sn: 1971, vk: 2002, Dòng Mến Thánh Giá

4- Catarina Trần Thị Bích Ngọc, sn: 1986, vk: 2018, Dòng Mến Thánh Giá

5- Anna Trần Thị Thúy Hằng, sn: 1975, vk: 2006, Dòng Mến Thánh Giá

6- Têrêxa Nguyễn Thị Thu Hương: sn: 1976, vk: 2005, Dòng Mến Thánh Giá

7- Maria Hồ Thị Thanh Truyền, sn: 1987, tk: 2015, Dòng Mến Thánh Giá

8- Maria Trần Thị Hạnh, sn: 1979, vk: 2011, Dòng Mến Thánh Giá

9- Maria Nguyễn Thị Thu Thủy, sn: 1978, vk: 2008, Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng

10- Maria Nguyễn Thị Linh Trang, sn: 1987, tk: 2014, Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng

11- Maria Nguyễn Ngọc Bảo Trân, sn: 1985, tk: 2012, Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng

12- Maria Nguyễn Ngọc Bảo Hà, sn: 1993, tk: 2019, Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng:

13- Anna Lý Thị Phượng Yến, sn: 1973, vk: 2004, Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm

3- Giáo dân

– Năm 2010 : 1.900 người.

– Năm 2015 : 1.495 người.

– Năm 2020 : 1.033 người

Thanh Tân là một họ đạo toàn tòng 100%, giáo dân sống bằng nghề làm ruộng rẫy, đi rừng hái lá đốn củi và làm lá nón.

*****************************************

GIÁO HỌ BẾN CỦI

 

Nhà thờ Bến Củi (1990)

I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ.

Giáo họ Bến Củi nằm trên địa bàn xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên- Huế. Nhà thờ Bến Củi cách nhà thờ Thanh Tân 4,5 km theo đường chim bay hay 6,2km theo đường bộ, về phía bắc tây bắc[6].

Giáo họ có tên nôm na nầy có lẽ vì xưa kia ở gần bến sông, củi chặt trên rừng được gánh ra đây, chở đò đem về chợ bán. Thời ấy Bến Củi là một khu rừng rậm đầy cây cối, có cả cọp và heo rừng ở. Hiện Bến Củi và vùng lân cận chỉ là những ngọn đồi trồng keo tràm, quanh đồi được canh tác làm ruộng.

II- HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

1- Đón nhận Tin Mừng từ thượng bán thế kỷ 18

Theo lịch sử Giáo phận Huế, vào năm 1747, Đức cha Hilario Costa di Jesu, Giám mục Giáo phận Đông Đàng Ngoài, được Đức Thánh cha Bênêđictô XIV cử làm Khâm sai Tòa thánh vào Giáo phận Đàng Trong, đến giáo xứ Thợ Đúc ở Huế để tiếp tục dàn xếp và phân chia khu vực các họ đạo trong Giáo phận cho các nhóm thừa sai dòng triều đang tranh chấp nhau[7].

Dịp ấy, nhiều bản danh sách các giáo xứ đã được trình lên vị Giám mục. Theo đó, tên giáo họ Bến Củi, thuộc tỉnh Thừa Thiên, xuất hiện lần đầu tiên, ở dưới quyền chăm sóc của các cha Dòng Tên và có 110 tín hữu. (X. Adrien Launay, Histoire de la Mission do Cochinchine. Documents historiques II (1728-1771). Paris, Téqui 1924. Trang 188).

Như vậy, giáo họ Bến Củi có thể đã đón nhận Tin Mừng vào cuối đời Đức cha Alexandro di Alexandris (1725-1738) hoặc dưới đời Đức cha Armand Lefèbre (1741-1746) và dưới thời chúa Võ Nguyễn Phúc Khoát (1735-1765).

Ban đầu Võ vương có thiện cảm với đạo, nhưng vì vụ lái buôn Friell thất hứa, rồi vụ bắt cóc sứ giả của chúa tên Michel Cường do Pierre Poivre chủ mưu (cả hai đều thuộc Công ty Đông Ấn của Pháp), nên năm 1750, Võ vương đã ra lệnh bắt đạo, triệt hạ các nhà thờ gồm 36 ngôi trong 3 tỉnh Giáo phận Huế. Có thể trong cơn bách hại nầy, giáo họ Bến Củi cũng gặp lao đao khốn khổ. Sau đó lịch sử không nói gì thêm về giáo họ này.

Nhưng đến năm 1927, cuối đời cha quản xứ Thanh Tân Auguste Chaiget (cố Soái) (1897-1927), Bến Củi lúc ấy hẳn trực thuộc Thanh Tân như giáo họ- vẫn chưa có nhà thờ. Chỉ vùng khe Ồ Ồ, tây nam Bến Củi, là có một nhà nguyện, do cố Soái xây trên đồi cao, giữa rừng thiêng nước độc, khiến giáo dân quanh đó bị sốt rét, ghẻ lở, nên họ tản mác dần và một số về ở Bến Củi. Năm 1934, giáo họ mới có được một nguyện đường dựng lên ở đám đất bằng phẳng. 

2- Thăng trầm vì chiến tranh, thời cuộc

Sau vì chiến tranh, giáo dân ngày một bỏ đi tìm nơi khác để sống, cha Anrê Nguyễn Hữu Tường, quản xứ Sơn Quả (1933-1938) đã cho dỡ nhà nguyện Bến Củi về làm ở làng Cổ Bi (giáp ranh Thanh Tân) nhưng rồi nhà nguyện nầy cũng bị tiêu hủy vì bom đạn.

Từ năm 1940-1945, giáo dân còn ở lại nhưng rất ít. Rồi tình hình ngày một khó khăn do chiến tranh loạn lạc, họ phải về Huế sinh sống (1945-1954).

Từ năm 1954-1963, giáo dân Bến Củi lục tục về xây dựng lại làng xóm, họ đạo.

Năm 1963, chính quyền Ngô Đình Diệm sụp đổ, các vùng quê ở Thừa Thiên đều mất an ninh, giáo dân Bến Củi lại ra đi lần nữa.

Sau năm 1975, đất nước thống nhất, giáo dân Bến Củi lại trở về làng cũ. Cũng vào thời điểm này, cha Antôn Nguyễn Văn Tuyến đã cho dựng tạm nhà thờ bằng tranh tre. Nhà thờ được khiêng đi dời lại nhiều lần, sau cùng đã tọa lạc tại khuôn viên như hiện có.

Năm 1976, các thầy đại chủng viện Huế có lên Bến Củi canh tác để sinh sống, nhưng chỉ được một vài năm, vì chính quyền địa phương không chấp nhận. Cha Bênađô Trần Lương (quản xứ tương lai) cũng đã lên ở đây khi còn là chủng sinh.

Năm 1990, một nhà thờ khá kiên cố bằng gạch đá đã được xây dựng do cha Antôn, đó là nhà thờ Bến Củi hiện tại. Năm 1999, cha Bênađô Trần Lương đã nới thêm 1 căn và tu sửa. Nhà thờ dài 22m và rộng 6m. Bến Củi cũng có một trường mẫu giáo, sở các chị Dòng Mến Thánh Giá và tượng đài Đức Mẹ.

Giáo dân ở đây hầu hết là con cháu cụ Phạm Hoát. Trước đây cũng như trong thời chiến, nhiều khó khăn, ai cũng bỏ đi, nhưng con cháu của cụ vẫn ở lại bám làng bám xứ; và nhiều hậu duệ của cụ nay đã trở thành linh mục (xem Hoa quả đức tin).

Dù sao, dẫu ở vùng sâu vùng xa, lẻ loi như thế, toàn bộ thôn Bến Củi cũng đã được điện khí hóa do dự án của giáo xứ xin được. Xã Phong Xuân chỉ có cộng đoàn bé nhỏ Bến Củi nầy thuộc đàn chiên của Chúa, cánh đồng truyền giáo thật bao la.

Nay cha sở đương niệm, Phêrô Nguyễn Văn Phước, dự tính làm lại nhà thờ Bến Củi cho to đẹp hơn, để đáp ứng nhu cầu của giáo họ mai hậu.

III- HOA TRÁI ĐỨC TIN

1- Linh mục:

– Giuse Phạm Văn Tuệ (1958-2001-)

– Bênêđíctô Phạm Tuấn (1973-2003-)

– Giuse Phạm Đình Luận (1982-2016-)

– Phêrô Phạm Đình Lân (1986-2019-)

2- Chủng sinh, tu sĩ:

– Giuse Phạm Đình Duệ, Đại chủng sinh

– Gioan Kim Khẩu Phạm Đình Hưng, Đan sĩ Dòng Biển Đức Thiên An, Huế.

– Maria Phạm Thị Tường Vi, sn: 1986, vk: 2019, nữ tu Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng.

 3- Giáo dân

– Năm 2001: 201 người.

– Năm 2013: 349 người.

– Năm 2018: 387 người.

Đài Đức Mẹ trong khuôn viên nhà thờ Thanh Tân

———————————————————————-

[1] Ở đây có dòng suối nước khoáng đặc biệt, lấy tên từ giáo xứ Thanh Tân, nay trở thành khu tắm nóng và chữa bệnh mà hầu như mọi người ở xứ Huế đều biết.

[2] Theo một vị bô lão tại địa phương, khe có cái tên “Ồ Ồ” ngồ ngộ là do hai bên bờ khe có hai hàng cây dày đặc, gió thổi qua gây nên tiếng ồ ồ.

[3] Cụ Phạm Bồi vì “tội quốc sự” (tham gia phong trào Cần Vương), đã từ Thanh Hóa vào đây lánh nạn và ở lại lập nghiệp khi phong trào nầy thất bại và tan rã. Con cháu cụ sau nầy đổi thành họ Nguyễn để tránh sự theo dõi của mật thám Pháp. Hàn Mặc Tử tên thật là Phanxicô Xavie Nguyễn Trọng Trí, sinh tại làng Lệ Mỹ, Đồng Hới, đã từng sống với thân phụ tại Thanh Tân cho tới lúc 14 tuổi, sau đó theo gia đình vào Quy Nhơn. Thời kỳ đầu sáng tác, nhà thơ lấy bút hiệu là Lệ Thanh (tên ghép 2 chữ đầu của Lệ Mỹ và Thanh Tân). (Theo Lữ Huy Nguyên, Hàn Mặc Tử – Thơ và Đời, Nhà xuất bản Văn Học – Hà Nội 1994, trang 223, và Tạp chí Sông Hương http://tapchisonghuong.com.vn/tin-tuc/p2/c15/n28386/Lang-nghe-non-la-Thanh-Tan.html

[4] Cha Trần Văn Mân qua đời tại Thanh Tân ngày 21-09-1884, hưởng thọ 63 tuổi, làm linh mục được 33 năm. Xác ngài an táng trong nhà thờ Thanh Tân..

[5] Xem ra lúc này, giáo xứ Thanh Tân, ngoài phần đất kế cận giáo xứ Sơn Quả (xã Phong Sơn), còn bao gồm cả phần đất cũ ở Ba Trục-Ồ Ồ (xã Phong Xuân) vốn đã bị bỏ đi từ năm 1883.

[6] Trên Quốc lộ 1A, cách Huế chừng 24km về hướng tây bắc, qua cầu vượt đường xe lửa, quá nhà máy sản xuất nước khoáng Alba hơn 600m, sẽ thấy phía tay trái có cổng làng Đồng Lâm. Xuyên qua các làng Đồng Lâm và Vĩnh Hương, sẽ thấy xuất hiện thôn Bến Củi. Đoạn đường làng nầy dài khoảng 5,5km. Hoặc từ cầu An Lỗ, rẽ trái qua Tỉnh lộ 11B, đi qua 2 giáo xứ Sơn Quả và Thanh Tân khoảng 2km, rẽ phải qua thôn Hiền An, ta sẽ thấy nhà thờ Bến Củi nằm ở lưng chừng đồi.

[7] Năm 1739, Đức Khâm sai Elzéar-François des Achards de la Baume đã từ châu Âu đến Đàng Trong, tới Thợ Đúc, họp công nghị, nhưng chưa giải quyết xong.

———————————————————————-

Mọi góp ý, bổ sung, điều chỉnh xin vui lòng liên hệ với Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi theo địa chỉ email: witness2005@gmail.com Xin cám ơn quý vị rất nhiều.

Nhóm Biên sử Tổng Giáo phận Huế.