Lược sử Giáo sở Thừa Lưu

23/03/2020

GIÁO SỞ THỪA LƯU

GIÁO XỨ THỪA LƯU

GIÁO HỌ CHÂU MỚI – GIÁO HỌ TAM VỊ

Lược sử

GIÁO XỨ THỪA LƯU

I- VỊ TRÍ ĐỊA LÝ:

Giáo xứ Thừa Lưu thuộc Giáo hạt Hải Vân, nằm trên địa bàn thôn Thủy Tụ, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, cách tòa Tổng Giám mục Huế 52,7 theo đường bộ về phía đông đông nam. Giáo xứ ở ngay trung tâm khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô và là cửa ngõ vào du lịch sinh thái Suối Voi (phía nam)

Giáo sở nằm trên 2 xã: Lộc Tiến (giáo xứ Thừa Lưu) và Lộc Vĩnh (các giáo họ Châu Mới, Tam Vị), có địa bàn khá rộng: bề ngang trải dài từ chân đèo Phú Gia đến giáp thôn Phước Hưng (giáo xứ Phước Hưng), dọc Quốc lộ 1A gần 8km, bề rộng từ chân núi Trường Sơn ra tới biển (vịnh Chân Mây) khoảng 10 km.

II- NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

1. Họ đạo Châu Mới, tiền thân của giáo xứ Thừa Lưu

Trước năm 1960, giáo xứ Thừa Lưu có tên gọi là họ Nước Mặn. Họ Nước Mặn cùng với họ Nước Ngọt là hai xứ đạo nằm trong thung lũng giữa hai đèo Phước Tượng (tây) và Phú Gia (đông).

Xuất xứ tên Nước Mặn là do họ gốc Châu Mới[1] nằm gần cửa sông Bù Lu và vịnh Chân Mây, phía biển, đang khi giáo xứ Nước Ngọt nằm hai bên bờ sông Nước Ngọt, phía núi (x. bản đồ).

Họ đạo Châu Mới (cách Thừa Lưu hơn 4km về hướng bắc, thuộc thôn Bình An, xã Lộc Vĩnh) là một trong những cộng đoàn tín hữu lâu đời nhất ở phía nam Thừa Thiên, huyện Phú Lộc.

+ Khai sinh và nuôi dưỡng bởi các Thừa sai ngoại quốc

Năm 1736, vì có tranh chấp với hội Thừa sai Hải ngoại Paris (MEP) và nhiều dòng tu khác, Đức Giám mục Đại diện Tông tòa Alessandro di Alexandris (coi sóc Giáo phận Đàng Trong từ 1728) chán nản xin từ chức. Năm sau, Tòa thánh phải cử Đức cha Elzéar-François des Achards de la Baume làm Khâm sai từ Âu châu sang Việt Nam dàn xếp. Ngài đến Đàng Trong ngày 1-5-1739, sau ra Huế, lưu trú tại tòa Giám mục ở Phủ Cam.

Suốt thời gian Đức Khâm sai đến giáo phận, có cha Jean-Antoine de la Court (1706-#1736-1746) đại diện các Thừa sai Paris để cùng ngài làm việc. Sau khi Đức Khâm sai mất ngày 2-4-1741 tại Phủ Cam mà chưa hoàn thành nhiệm vụ và được an táng tại Thợ Đúc, Giáo phận trống tòa, linh mục de La Court được đặt làm Cha Chính (Tổng đại diện). Ngài coi sóc 2 giáo xứ lớn là Phủ Cam và Thợ Đúc, kiêm nhiều giáo xứ nhỏ từ lâu thiếu vắng mục tử như An Truyền, Đá Hàn, Cầu Hai, Nước Ngọt, Châu Mới v.v…[2] Như thế họ đạo Châu Mới hiện hữu từ tiền bán thế kỷ 18 trở về trước, và có thể đã được thành lập bởi các vị thừa sai vốn thường từ Hội An hay Cửa Hàn (Đà Nẵng) ra phủ chúa ở Thuận Hóa bằng ghe, gọ men theo bờ biển. Châu Mới là một nơi tàu đò thường ghé lại mua bán khá nhộn nhịp, nên có thể các thừa sai xuống đây tạm dừng và giảng đạo cho đám dân chài chất phác ở đó. Họ đạo Châu Mới hình thành trong bối cảnh này. Và trước khi được cha de la Court cai quản, thì Châu Mới có thể đã được cha Manuen Bổn, 1 trong 3 linh mục đầu tiên của Giáo hội VN, chăm sóc, khi ngài làm mục tử lưu động coi cả miền Thừa Thiên từ 1674 đến 1698 là lúc ngài bị chết đuối tại đầm Cầu Hai. 

Vị quản sở kiêm tổng đại diện de la Court thì qua đời ngày 10-12-1746 do mắc bệnh từ những họ đạo nam Thừa Thiên ấy. Trước khi mất ngài có xây nhà thờ Châu Mới nhưng bên ngoài làng, vì lương dân không muốn nơi tụ họp thờ phượng của giáo dân nằm gần chùa của họ[3].

Năm sau, 1747, một bản tường trình (lên vị Khâm sai thứ hai là Đức Giám mục Giáo phận Đông Đàng Ngoài Hilario Costa di Jesu vào Huế kinh lý) đã ghi họ đạo Châu Mới được 100 giáo dân và ở dưới sự chăm sóc của các thừa sai MEP, bên cạnh Tluoi-thuong (Truồi Thượng) 80 và Tluoi-ha (Truồi Hạ) 60 giáo dân.[4] Năm 1748, nhà thờ Châu Mới bị đốt cháy nhưng năm sau được thừa sai Maccioni người Ý dòng Đaminh xây lại.[5]

+ Nạn nhân của các sắc chỉ bách hại.

Từ ngày đó cho đến khi vua Tự Đức lên ngôi (1847), tức một thế kỷ, những cơn bắt đạo khi thăng khi trầm, khi rộng khi hẹp. Như chúa Võ Nguyễn Phúc Khoát với sắc chỉ năm 1750, vua Cảnh Thịnh với sắc lệnh năm 1798, vua Minh Mạng với các sắc lệnh năm 1825, 1826, 1830, 1833, 1834, 1836 và 1838. Các tín hữu vùng nam Thừa Thiên, trong đó có Châu Mới, đã phải sống đạo trong gian khổ.  

Đến thời Tự Đức, cơn bắt đạo gia tăng một cách khốc liệt hơn và rộng khắp hơn với chiếu chỉ “Phân sáp” năm 1861. Chiếu chỉ này ra lệnh: trước hết là chia rẽ các gia đình giáo dân, phân tán sáp nhập họ vào các làng lương để bị quản lý (5 lương dân canh giữ một giáo dân). Hai là triệt hạ các làng Công giáo, tịch thu ruộng nương vườn đất của giáo dân giao cho các làng lương kế cận. Ba là  làm những nhà giam ở chỗ đất hoang tại các tỉnh, phủ, huyện, xã để bắt giáo dân người lớn kẻ nhỏ tập trung vào đó và khắc lên má hai chữ “Tả đạo”.

Thời kỳ Phân sáp nầy, giáo dân ở các xứ đạo Cầu Hai, Nước Ngọt, Châu Mới -dù nằm nơi hẻo lánh- vẫn bị tập trung đưa về nhà giam ở Phú Lộc, tại Cồn Cát[6],  trên bờ sông Nước Ngọt (xã Lộc Thủy). Đến năm 1863, nhà vua mới tha đạo sau khi đã buộc phải ký hòa nước Nhâm Tuất với Pháp năm 1862. Lúc lệnh Phân sáp chấm dứt, giáo dân trở về làng cũ thì chỉ thấy nhà cửa của họ bị tàn phá, tài sản bị cướp đoạt, ruộng vườn bị bỏ hoang, có khi mất cả nương đồng.

+ Vị quản xứ tiên khởi (1867)

Sau khi đạo được tự do rồi, Đức cha Joseph-Hyacinthe Sohier (Bình), Giám mục Tông tòa Giáo phận Bắc Đàng Trong, tức Giáo phận Huế ngày nay, mới đưa ra sáng kiến: phân định ranh giới các giáo xứ và chỉ định cho mỗi giáo sở, mỗi giáo xứ một quản sở, quản xứ ở tại chỗ, thường xuyên lo mục vụ trong địa bàn của mình, không giống như trước đây một linh mục coi sóc cả một vùng rộng lớn với kiểu cách mục vụ lưu động. Từ đó mỗi cha xứ có một bằng cấp gọi là Bài sai[7], các ngài hoạt động trong lãnh địa giáo xứ mình, không giẫm chân lên nhau nữa. Việc bổ nhiệm (với Bài sai) khởi từ năm 1867 cho tới ngày nay.

Từ đó, cả vùng Phú Lộc có quản xứ chính thức tiên khởi là cha Têphanô Đặng Văn Hiệp, gốc An Vân (1836-1867-1903). Sau khi làm phó tại Bố Liêu một thời gian ngắn, ngài được sai đi cai quản cả vùng Phú Lộc với các cộng đoàn nay được nâng lên hàng giáo xứ là Châu Mới, Nước Ngọt Cầu Hai. Có lẽ ngài ở cho tới năm 1880.

Từ năm 1880, cha Giuse Tống Văn Vĩnh (gốc Hòa Viện, 1825-1879-1883) được Đức Giám mục Martin-Jean Pontvianne (Phong) bổ nhiệm làm quản xứ Nước Ngọt kiêm Cầu Hai và Châu Mới. Lúc ấy Châu Mới có khoảng 100 giáo dân, giàu có và ngoan đạo.

+ Đối tượng của vụ Văn Thân tàn sát (1883)

Vua Tự Đức mất ngày 19-7-1883 trong nỗi buồn khổ vì những hiệp ước bất công và thiệt thòi phải ký với quân Pháp. Qua tháng 9-1883, 2 quan phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường bèn lập kế hoạch tàn sát người Công giáo mà họ cho là tay sai của thực dân xâm lược. Họ quy định một ngày, giờ, với mật báo là tiếng súng nổ ở trong cung thành Huế. Họ lập nên một lực lượng mang tên là Đoàn Kiệt để thi hành thủ đoạn dã man trên[8].

Sáng 30-11-1883, ngày quy định để ra tay hành động, Thuyết dự trù ra lệnh cho thủ hạ đi tìm bắt và giết người Công giáo thuộc các giáo xứ quanh Kinh thành và các nơi xa. Ông bảo họ khi nghe phát súng đầu tiên là hành động liền. Nhưng Nguyễn Văn Tường thì lại sợ. Theo ông nếu xảy ra tình trạng đổ máu giết người, quân đội Pháp sẽ lấy cớ mà ra tay đàn áp, đồng thời gây nguy hiểm cho tính mạng của cả hai ông nữa, vì thế Nguyễn Văn Tường tỏ ra dè dặt. Tôn Thất Thuyết ngược lại nhất mực tiến hành phương án dự trù. Vùng Phú Lộc, ông đã sai Hầu tước Chuyên và Phò mã Cát[9] lên đường, chuẩn bị thực hiện như kế hoạch đã định. Còn đối với các giáo xứ nằm gần Kinh đô Huế, vì có sự bất đồng giữa hai ông, lính đợi lệnh mà chẳng thấy gì, nên đã bỏ ra về hầu hết; các giáo xứ này nhờ đó thoát nạn. Đang khi ấy các giáo xứ ở Phú Lộc và giáo xứ Buồng Tằm ở Hương Trà lại bị Văn Thân sát hại vào những ngày cuối năm 1883. Tuy ở xa không nghe tiếng súng hiệu lệnh, lính Đoàn Kiệt vẫn đinh ninh là có, nên đã tấn công họ. Trong số những nạn nhân, có cô Anê Bằng, người họ Châu Mới, được coi như vị nữ thánh anh hùng tử đạo. (xem phụ lục)

Trong vụ tàn sát nầy, họ đạo Châu Mới có khoảng 65 tín hữu đã bị Văn Thân giết[10]. Người ta còn ghi lại được tên những vị tuẫn giáo như ông Liêu, ông Nhơn, ông Thuông, bà Thú, ông Đền, anh Vẻ, ông Luân, anh Chơn, ông Thu, anh Thùy, anh Lũy, bà Yên, anh Sỹ, anh Chung, bà Đào, ông Lưu, toàn gia đình ông Đào, bà Hưu, chị Anê Bằng, chị Viễn, anh Yến và ông Lựu.

Ông Lựu có 4 đứa con dại. Khi ông bị thiêu sống, bà vợ là Ân đưa 4 đứa con qua làng ngoại Trung Kiền (xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc). Ông Sáu, cha bà Ân, đã quăng 3 đứa cháu xuống Cầu Cự của làng và nói: “Để giống đạo càng sinh đạo thêm”. Đứa thứ tư cũng bị giết. Bà Ân thì “cải giáo hoàn lương”. Thế là 4 em nhỏ được phúc tử đạo.

Thời kỳ đó, cha Giuse Tống Văn Vĩnh cũng bị Văn Thân hạ sát cùng với giáo hữu ngày 7-12-1883 tại Nước Ngọt. Trước khi chết, ngài đã chuẩn bị cho những giáo dân ở lại dọn mình: suốt đêm ngài ngồi tòa giải tội cho họ đến sáng, và khi sắp sửa dâng lễ thì Văn Thân đột nhập vào. Thấy cha, chúng đã dùng mã tấu bửa trên đầu ngài. Cha Vĩnh chết ngay tại chỗ. Văn Thân liền quăng xác ngài xuống một cái giếng sâu gần nhà thờ. Về sau, cha Giuse Nguyễn Thế Chánh (1852-1889-1918) cho cải táng với 44 giáo hữu Nước Ngọt đã bị Văn Thân thiêu sống trong nhà thờ.

Sau biến cố Văn Thân, Châu Mới lẫn các họ đạo huyện Phú Lộc được Đức cha Antoine Caspar (Lộc) phái về những vị quản xứ sau đây:

– Cha Phêrô Trương Đăng Khoa (gốc An Lộc, QT) từ 1884 đến 1885.

– Cha Anphong Trần Bá Lữ (gốc Sơn Công, phó xứ Phủ Cam) được cha sở Allys (Lý) cử đi lo mục vụ cả vùng nầy, kiêm thêm Hà Úc và Diêm Tụ, từ 1885 đến 1890.

Đồng Khánh lên ngôi, nhóm Văn Thân cũng tan rã vì vua Hàm Nghi bị bắt (1888). Tôn Thất Thuyết trốn sang Trung Quốc và Nguyễn Văn Tường thì bị lưu đày. Thời thế sau đó ổn định hơn cho người Công giáo. Đức cha Caspar bèn phát khởi một chương trình truyền giáo, trong đó cha sở Phủ Cam Eugène Allys và cụ Thượng thư Ngô Đình Khả là 2 vị có công to.

Năm 1891, cha Giuse Nguyễn Thế Chánh (gốc An Do Nam) làm quản xứ Nước Ngọt và coi mấy họ chung quanh như Trung Kiền (gần Thừa Lưu), Cầu Hai, Châu Mới cho đến năm 1916.

2. Hình thành giáo xứ Nước Mặn-Thừa Lưu.

Khi thời Pháp thuộc bắt đầu (1884), mạng lưới giao thông phát triển: có Quốc lộ 1, có đường xe lửa bắc nam. Ga Thừa Lưu cũng xuất hiện, lại nằm gần Quốc lộ 1, nên dân chúng đổ xô ra vùng mới nầy để sinh sống, vì làm ăn thuận tiện hơn. Người Công giáo, trong số đó có họ Châu Mới và các vùng phụ cận, cũng di dân đến vùng đất mới nầy. Lâu ngày số người Công giáo đông lên, Đức cha đã đặt quản xứ đầu tiên cho họ đạo mang tên Nước Mặn. Đó là gốc tích giáo xứ Thừa Lưu bây giờ.

Vị quản xứ tiên khởi của giáo xứ Nước Mặn, sau này đổi thành Thừa Lưu, là cha Benjamin Godet (cố Ngọc) từ 1895. Ngài cũng kiêm 2 giáo họ là Tam Vị (thôn Phú Gia) và Châu Mới (thôn Bình An). Chỉ mới vài tháng, ngài đã rửa tội được 62 người[11]. Đến 1896 thì đổi về Thuận An, làm tuyên úy cho quân y viện của Pháp. Từ 1896-1899, Nước Mặn được cha Giuse Nguyễn Thế Chánh kiêm nhiệm.

Năm 1899-1908: cha René Morineau (cố Trung) ; phó xứ là cha Giuse Phạm Hữu Huấn (gốc Ba Ngoạt). Cố Trung kiêm hai giáo họ là Tuần (Lăng Cô) và Hói Mít. Năm 1901, với sự đồng lõa của viên công sứ Pháp Duranton, nhiều viên chức địa phương đã dọa dẫm, gây khó cho ngài và cho tín hữu của ngài, nhất là cho 400 tân tòng ở Tuần và Hói Mít. Hiến dâng hai giáo họ này cho Thánh Tâm và Thánh Mẫu, cố Trung và con cái đã được giải thoát. Viên công sứ kế nhiệm Le Marchand đã điều tra và bắt tù những kẻ gây rối phá hoại[12]. Năm 1904, cố Trung xây nhà xứ cạnh nhà thờ Châu Mới.

Năm 1908-1913: cha Henri Denis (cố Thuận); phó xứ là cha Anrê Bùi Quang Lược (gốc Nam Tây). Chương trình mục vụ của cố gồm ba điểm: dạy giáo lý, tiếp cận từng nhà, cứu đói chữa bệnh. Dốc cho giáo dân tất cả những gì mình có, cố gánh thêm công việc dịch sách khi hết tiền hết gạo. Không chỉ thế, cố còn chữa bệnh, nhiều con bệnh không phân biệt lương giáo đều kéo đến với ngài. Cố đã rửa tội nhiều người lớn trong khu vực (71 tân tòng năm 1911 và 60 tân tòng năm 1912). Ngài cũng đã tìm hiểu và ghi lại biến cố Văn Thân tàn sát họ đạo Châu Mới năm 1883, gởi đăng trong số báo Les Misssions Catholiques số 2244 ngày 7-6-1912 (xem dưới). Cũng chính ngài xây nhà thờ Nước Mặn với bộ giàn trò bằng gỗ to lớn, chạm trổ mỹ thuật, mà qua bao biến thiên, vẫn còn tồn tại cho đến hôm nay.

Năm 1913-1920: cha Phaolô Nguyễn Văn Huồn (có khi viết Hườn, gốc Hương Lâm).

Năm 1920-1941: cha Anrê Lê Văn Kiệm (gốc An Vân). Ngài lập sở nữ tu, mở trường học.

Năm 1941-1942: cha Phaolô Lê Quang Tuyến (gốc Kim Long)

Năm 1942-1955: cha Phêrô Nguyễn Văn Oai (gốc An Lộc, QT). Tháng 4-1954, ngài mù lòa hai mắt, được cha Gioakim Võ Quang vào giúp. Năm sau, ngài về hưu trí tại An Lộc.

Năm 1955-1961: cha Ximong Hoàng Văn Tâm (gốc Vạn Thiện). Từ thời ngài, giáo xứ đổi tên từ Nước Mặn thành Thừa Lưu.

Năm 1961-1962: cha Tađêô Hồ Bảo Huỳnh (gốc Kim Long)

Năm 1963-1965: cha PX Trần Văn Cần (gốc Phủ Cam)

Năm 1965-1975: cha Phaolô Trần Văn Khánh (gốc Dương Sơn)

Năm 1975-1999: cha GB Lê Quang Quý (gốc Kim Long)

Ngài trùng tu nhà thờ Thừa Lưu (sửa lại mặt tiền) năm 1986; tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm thành lập giáo xứ Thừa Lưu, có dựng bia ghi nhớ (1894-1994). Ngài ở đây tới 24 năm, một kỷ lục !

Năm 1999-2008: cha PX Nguyễn Hoàng Hải (gốc Lệ Thủy)

Tháng 4-1999, ngài cho trùng tu lăng tử đạo Châu Mới (có lẽ đã được cố Thuận xây trên nền nhà thờ Châu Mới đã bị Văn Thân đốt phá tháng 12-1883).

Ngày 01-10-2006, cơn bão Xangsane (bão số 6) quét qua Thừa Lưu, đã làm sập mặt tiền nhà thờ, nghiêng đổ vào bên trong, gây hư hại hoàn toàn bàn ghế hai căn đầu. Bên trong nhà thờ khi ấy, nhiều cột gỗ bị mối ăn, rỗng ruột, có thể gãy đổ bất cứ lúc nào, rất nguy hiểm cho giáo dân khi tham dự thánh lễ. Mùa mưa thì nhà thờ bị thấm và dột gần cung thánh, nơi tượng đài Mẹ. Cha Hải đã cố gắng sửa sang một ít cho nhà thờ.

Năm 2008-2012: cha Gioan Bosco Dương Quang Niệm (gốc Văn Giang).

Ngày 28-9-2009, cơn bão Ketsana (bão số 9) lại tiếp tục tàn phá, gây thiệt hại tiếp cho nhà thờ Thừa Lưu. Cha Niệm lại phải tiếp tục tu sửa.

Năm 2012-2019: cha Matthêu Phan Văn Tùng (gốc Phước Tượng).

Chúa nhật lễ Truyền giáo ngày 19-10-2014, cha Matthêu đã làm phép viên đá đầu tiên, khởi công làm nhà thờ Thừa Lưu mới, nhưng vẫn giữ lại bộ giàn trò xinh đẹp nguyên thủy… Ngày 22-8-2016 ĐTGM PX Lê Văn Hồng chủ sự thánh lễ khánh thành ngôi nhà thờ vừa được tái thiết với ba tháp mới.

Ngày 12-06-2019: cha Phaolô Hoàng Nhật (gốc Vĩnh Linh) nhận nhiệm sở, theo bài sai ký ngày 10-05-2019 của Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh.

Một trong những ưu tư của vị quản xứ đương nhiệm là thu hút giới trẻ để giáo dục các em, như ngài đã từng làm ở giáo xứ Kim Đôi trước đây. Bên cạnh đó là khôi phục giáo họ Châu Mới một thời lừng lẫy vì chứng tích tử đạo. Điều này đòi hỏi không ít nỗ lực, vì toàn bộ giáo sở của ngài nằm giữa vùng kinh tế Chân Mây vốn đang phát triển với nhiều thách thức cho cuộc sống đạo.

Nhà thờ Thừa Lưu-bên trong (với bộ giàn trò độc nhất vô nhị)

III- HOA TRÁI ĐỨC TIN

1- Linh mục

– Gioan Berchmans Nguyễn Văn Thảo (1918-1945-2013). Gốc Thừa Lưu. Dòng Biển Đức Xitô.

– Giuse Nguyễn Văn Trinh (1926-1953-). Hải ngoại. Em ruột cha Nguyễn Văn Thảo

– Gioankim Trịnh Văn Sinh (1936-1963-1966). Gốc Châu Mới.

– Micae Nguyễn Xuân Linh Ni (1970-2006-). Gốc Thừa Lưu. Giáo phận Xuân Lộc.

– Micae Nguyễn Be (1978-2014-). Gốc Thừa Lưu. Dòng Chúa Cứu Thế.

– Bênađô Nguyễn Xuân Long (1970-2017-). Gốc Thừa Lưu. Dòng Biển Đức.

– Phêrô Lê Văn Ngữ (1983-2019-). Gốc Thừa Lưu. Tổng Giáo phận St-Boniface, Canada

2- Tu sĩ

– Emond Võ Thanh Hà (sn:1915, kd:1936, qđ:2013). Gốc Thừa Lưu. Dòng Chúa Cứu Thế Hoa Kỳ.

– Matthêu Nguyễn Phước. Phó tế vĩnh viễn.

3- Nữ tu

– Catarina Trần Thị Lãnh (sn: 1929, vk: 1956; qđ: 2018). Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm.

– Maria Trần Thị Hương (sn: 1936, vk: 1982). Dòng Mến Thánh Giá.

– Maria Nguyễn Thị Khen (sn: 1968, vk: 2002). Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm.

– Maria Trương Thị Xuân (sn: 1980, vk: 2017). Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm.

– Matta Phạm Thị Tuyền (sn: 1979, vk: 2012). Dòng Mến Thánh Giá.

– Matta Đặng Thị Mơ (sn: 1991, tk: 2017). Dòng Mến Thánh Giá.

– Catarina Phạm Thị Thủy (sn: 1993. Tập sinh). Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng.        

3- Giáo dân:

– Năm 2010:    1310 người.

– Năm 2015:    1395 người.

– Năm 2020:    1198 người.

************************************

PHỤ LỤC 1: CÁC GIÁO HỌ CỦA THỪA LƯU

1- Giáo họ Châu Mới

Phần lịch sử Châu Mới (xem trên).

Nhà thờ Châu Mới đã bị quân Văn Thân đốt cháy năm 1883. Nay tại địa điểm đó nổi lên lăng tử đạo Châu Mới (chôn cất thi hài khoảng 60 giáo dân Châu Mới bị Văn Thân tàn sát), có thành bao bọc, do cha Henri Denis xây dựng có lẽ vào năm 1912 và được cha PX Nguyễn Hoàng Hải trùng tu tháng 4-1999. Lăng này cách nhà thờ Thừa Lưu hơn 4,5 về phía bắc tây bắc. Cách lăng tử đạo này hơn 85m về phía đông bắc, ngay trên độn cát, lại có một mộ khác to và khá dài, cũng chôn cất các tín  hữu gốc Châu Mới tử đạo năm 1883, do con cháu phụng lập tháng 6-1999.

Về giai đoạn lịch sử nầy và về giáo xứ mình, tín hữu Nguyễn Văn Chương đã có thơ:

Bình An Châu Mới với Chân Mây,

Cảnh đẹp dân miền nước lắm thay.

Vì Chúa nhiều người đành tử đạo,

Nhớ quê lắm kẻ chịu chua cay.

Ngất đi Châu Mới nằm yên đó,

Sống lại Chúa cho sẽ có ngày.

Tử đạo máu đào gieo hạnh phúc,

Bình an sẽ đến với miền nầy.

Lúc xảy ra nạn Văn Thân, Châu Mới có 100 tín hữu.

Lúc Cha Denis coi Châu Mới thì giáo họ này chỉ còn có khoảng 30 người.

Nay sau những năm chiến tranh, họ Châu Mới gần như bị xóa tên, chỉ còn vài gia đình sống ven bãi biển Cảnh Dương.

2- Giáo họ Tam Vị

Giáo họ này nằm ở thôn Phú Gia, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, bên một con đường vào cảng Chân Mây, cách nhà thờ Thừa Lưu gần 4,5km về phía đông đông bắc. Tam Vị được thành lập khoảng 1935-1940, có nhà thờ, nhà xứ, nhà trường. Năm 1944, cha Raphael Fasseaux (cố Phương), bấy giờ là quản xứ Nước Ngọt, đã chọn một đám đất rộng tại đây và xây dựng một ngôi nhà lớn dành cho những nữ tu dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm đang được đào tạo, để họ có dịp tiếp xúc với dân chúng.

Tuy nhiên, sau hai cuộc chiến, đến năm 1977-1980 thì các cơ sở này đã bị tàn phá bình địa, giờ không còn dấu tích gì ngoài một đám đất rộng #10.000 m2 nửa trồng cây nửa trồng cỏ (để lưu dấu tài sản của giáo sở Thừa Lưu). Có 7 gia đình Công giáo từ nơi khác đến lập cư.

Ngoài ra còn có giáo họ Cảnh Dương và Cù Dù, cũng thuộc xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, hiện vẫn còn vài gia đình Công giáo nhưng không còn nhà thờ và cơ sở.

***************************************

PHỤ LỤC 2:

GƯƠNG TỬ ĐẠO CHÂU MỚI

Linh mục Henri Denis (cố Thuận), tổ phụ Dòng Xi-tô Phước Sơn, Quảng Trị, khi làm quản xứ Thừa Lưu (1908-1913), đã ghi lại cái chết của một thiếu nữ Châu Mới trong một bài báo (trích dịch):

“Trong các họ đạo mà tôi coi sóc, có một họ chỉ gồm chừng 30 giáo hữu. Họ là những người chài lưới tốt lành, ở sâu trong một cái vũng biển. Đời sống họ yên hàn với Chúa, với hết mọi người.

Ngày lễ Phục sinh, sau Thánh lễ trọng, tôi thấy những người chất phác đó đến gặp tôi. Họ cúi đầu chào tôi cách chậm rãi và trang trọng quá, khiến tôi tưởng rằng có chuyện gì không hay đó chăng?

Một người trong bọn họ nói: ‘Thưa Cha, trong bài giảng của Cha, Cha bảo chúng con rằng Giáo hội mình không thể mất đi, cũng như các giáo xứ An Nam (Việt Nam) ngày nay nhiều hơn trước thời bắt đạo. Điều đó đúng với Nước Ngọt, Cầu Hai, Phủ Cam, cũng như đúng cho tất cả giáo xứ có người chịu chết vì đạo, trừ giáo xứ chúng con.

Cha ông chúng con chết vì đức tin đã 30 năm, nhưng chúng con vẫn sống cô đơn, lẻ loi. Người lương dân khen ngợi chúng con, nhưng chẳng có ai trở lại đạo Công giáo cả mà cầu nguyện cho chúng con.

Phải chăng chúng con cho tới giờ nầy vì không làm chi để tỏ lòng tôn kính các Đấng chịu tử vì đạo?’

Lúc ấy ông ta kể lại cho tôi lần thứ 100 vụ tàn sát năm 1883.

Giáo xứ Châu Mới (Chanmay) đếm được hơn 100 tân tòng. Tất cả giàu có và rất ngoan đạo. Một chiều kia, trong tháng 11[13], lính triều đình Huế xông đến, với lệnh trên phải giết sạch các người Công giáo. Nghe vậy đàn ông chạy trốn lên núi, đàn bà giữ nhà, vì họ nghĩ rằng bọn chúng không làm khổ các bà đâu. Nhưng than ôi các bà đã lâm nạn ghê rợn!

Đầu bị cột vào hai thân tre dài, các bà bị lính lôi đi, từ làng nầy sang làng khác. Con cái các bà chạy theo khóc la thảm thiết. Lính từ chối không cho các bà ăn. Họ bắt các bà ngày cũng như đêm ngồi dưới làn mưa đổ xuống như trút. Họ cột các bà lại gần một đống đầu lâu người bị chặt ra cách đấy 8 ngày ở làng Nước Ngọt. Thấy mặt mũi bị rữa ra hôi thối, các bà nhận ra đó là cha mẹ, bà con thân nhân mình.

Bọn lính đặt ở giữa chợ một hình Thánh giá bằng rơm, bảo các bà nếu bằng lòng bước chân qua Thập tự, sẽ được thoát khỏi hình khổ. Nhưng các bà đồng lòng từ chối. Sau cùng bọn lính dẫn các bà về họ Châu Mới. Chúng chặt đầu, hay đúng hơn, chúng cưa đầu các bà ra ngay trên nền nhà thờ bị đốt.

Trong số những vị tử đạo họ Châu Mới có một thiếu nữ nhan sắc đẹp đẽ mà ngày nay, sau 30 năm, dân chúng vẫn còn nói: “đẹp như cô Anê Bằng”.

Cô Anê Bằng ở Huế. Khi hay tin có cuộc tàn sát những người đồng hương, cô muốn chia sẻ số phận với họ. Nhưng người thân của cô ở Huế muốn giữ cô lại. Cô vẫn trốn đi ban đêm về quê.

Chiều mai lại, cô đã đi được đoạn đường 60 km. Tới Thừa Lưu, ông lý trưởng chận cô lại và nói: “Tất cả người Công giáo đều chết hết cả rồi. Đừng có hòng đi xa nữa. Cô hãy về nhà tôi. Rồi đây cô sẽ được giàu có, tôi sẽ để cho cô giữ đạo”.

Cô Anê trả lời: “Ngày mai đây, tôi sẽ giàu có hơn nhiều, vì hiện giờ tôi đang chạy kiếm tìm của cải đó”.

Cô tới làng Châu Mới lúc chập choạng tối. Cô thấy trên nhà thờ một đống thi thể. Nhà giáo hữu bị đốt. Chỉ còn lại nhà cha mẹ cô. Cô vào thấy mẹ, bà ngoại và một đứa đầy tớ gái nằm trên vũng máu. Đầu họ bị chặt ra. Cô hỏi cha cô ở đâu? Các người bên lương báo cho cô biết tại Phú Hải có cuộc tàn sát, lính còn đang ở đó. Tức thì cô liền chạy về phía Phú Hải.

Nửa đường, cô gặp bọn lính, trong đó có cha cô đang bị thương, còn sống. Lính dẫn ông về nhà để bắt ông chỉ nơi chôn giấu của cải.

Cô Anê hết sức vui mừng tự xưng mình là người Công giáo. Rồi cô đã tự tay cầm lấy cái gông đang đè nặng trên vai cha mình. Cô theo họ về Châu Mới.

Bọn lính dùng vôi vạch một hình Thánh giá lớn trên mặt đất, bắt cô Anê đạp lên. Cô thong dong tiến tới trước hình Thánh giá, cúi đầu chào cách cung kính. Bọn lính không bắt ép nữa. Chúng để cho người cha và cô con gái xướng kinh.

Vừa đọc xong, bọn chúng chặt đầu cả hai cha con.” (Les Missions Catholiques, số 2244 ra ngày 7-6-1912).

———————————————————————

[1] Trước khi Huyền Trân Công chúa về Chiêm quốc năm 1306 để đổi lấy 2 châu Ô, Lý cho Việt Nam, thì dải đất từ bắc Quảng Bình vào Bình Thuận là lãnh thổ dân tộc Chăm (Champa). Nay các làng Bình An, Đông An, Cảnh Dương đào bới đất vườn, thỉnh thoảng gặp chum vại đựng tro hài của họ. Trải qua 16 thế kỷ, vùng vịnh nầy mang nhiều tên. Người Champa gọi là Bến Ôn Công, sử thần triều Nguyễn gọi Chu Mãi, dân địa phương gọi Chu Mới, người Pháp viết Chou-May (Maspéro), các thừa sai viết là Cho-Moi, Cho-Muoi, các nhà vẽ bản đồ ghi Chân Mây. Hiện tại vịnh Chân Mây đang được nhà cầm quyền Thừa Thiên-Huế và giới khoa học dự định làm cảng nước sâu.

[2] Xem Adrien Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine, Documents historiques II (1728-1771), Paris, Téqui 1924. Tr. 99-100

[3] Adrien Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine II, tr. 120.

[4] Xem Adrien Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine II, trang 187-188.

[5] Adrien Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine II, tr. 121.

[6] Cồn Cát nay còn đó, dù khó xác định được địa điểm nhà tù (lúc ấy được làm bằng tranh tre, để dễ bề đốt cháy mà thiêu sống các tín hữu bị giam khi có lệnh), nhưng nơi nầy đã được ghi vào thiên hùng sử của Giáo hội Việt Nam.

[7] Bài sai: nguyên gốc là thẻ bài ghi những chi tiết về vị linh mục được sai đi; nay gọi là văn thư bổ nhiệm. Bài sai hay bằng cấp (bằng chứng cấp cho) này, khi cần thì trình với nhà cầm quyền địa phương. Như trong thông cáo đề ngày 1931867, Đức cha Sohier viết: “Nay ta gởi bằng cấp cho các cha. Vì đã xy ra tại họ Châu Mới (Thừa Thiên), nhà cầm quyền bắt cha Máctinô Nguyễn Văn Thanh (An Vân), như các cha đã biết, khi quan Phủ Doãn hỏi cha Thanh có bằng cấp của Giám mục không ? Vì thế nay ta gởi bằng cấp cho các cha, để trình cho các quan địa phương khi cần.” 

[8] Xem Bulletin des Amis du Vieux Hué tháng 7-9 năm 1941 trang 241-246. Đoàn Kiệt và Phấn Nghĩa là hai lực lượng của Tôn Thất Thuyết.

[9] Phò mã Đô úy Trương Văn Cát, chồng của Vĩnh Trân Công chúa Nguyễn Phúc Thục Tuệ, em gái vua Thiệu Trị.

[10] Khi cha PX Nguyễn Hoàng Hải trùng tu lăng tử đạo Châu Mới trên nền cung thánh nhà thờ Châu Mới tháng 4-1999, ngài tìm thấy một tấm bảng đồng nằm trong đống đổ nát. Bảng đồng đó có kích thước khoảng 25x35cm ghi rằng: “Hic sepeliumtur Reliquix circiter sexaquinta fidelium in odium fidei interfectorum A.D. 1885.” (Nơi đây chôn cất hài cốt của khoảng 65 tín hữu bị giết do lòng thù ghét đức tin. Năm 1885 Công nguyên). Nay bảng đó được cha Hải cho khắc lại bằng đá, nguyên văn Latinh có phụ chú tiếng Việt cho thế hệ mai sau hiểu. Bảng đồng đem về lưu giữ sau Nhà tạm nhà thờ Thừa Lưu sau đó đưa về tòa Giám mục. Dự đoán bảng đồng có từ thời cố Henri Denis năm 1912 do cách trang trí và nét chữ cổ… Còn về tên tuổi các vị tử đạo Châu Mới thì có danh sách mà cha PX Nguyễn Hoàng Hải đã sưu tầm được từ một gia tộc ở giáo xứ Phường Tây, nay có bản photo lưu giữ tại nhà xứ Thừa Lưu.

[11] Báo cáo Thường niên năm 1896 của Đức Giám mục Antoine Caspar gởi Hội Thừa sai Paris

[12] Báo cáo Thường niên năm 1901 của Đức Giám mục Antoine Caspar gởi Hội Thừa sai Paris

[13]Thông thường, dân quê Việt Nam hay nói ngày tháng theo Âm lịch. Vậy tháng 11 trên đây một cách chính xác có thể là Âm lịch.

——————————————————————————

Mọi góp ý, bổ sung, điều chỉnh xin vui lòng liên hệ với Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi theo địa chỉ email: witness2005@gmail.com Xin cám ơn quý vị rất nhiều.

Nhóm Biên sử Tổng Giáo phận Huế.