Lược sử Giáo sở Thuận Nhơn

25/03/2020

GIÁO SỞ THUẬN NHƠN

GIÁO XỨ THUẬN NHƠN

GIÁO HỌ CU HOAN – GIÁO HỌ HỘI YÊN – GIÁO HỌ KIM SANH

GIÁO HỌ LAM THỦY – GIÁO HỌ PHƯỚC ĐIỀN – GIÁO HỌ PHƯƠNG LAN

GIÁO HỌ THI ÔNG – GIÁO HỌ THUẬN ĐỨC – GIÁO HỌ TRUNG ĐƠN

«Nhà thờ» Thuận Nhơn (hiện trạng: Nhà Giáo lý-Mục vụ, chụp tháng 03-2020)

GIÁO XỨ THUẬN NHƠN

I- VỊ TRÍ ĐỊA LÝ:

Giáo xứ Thuận Nhơn, thuộc Giáo hạt Quảng Trị, tọa lạc tại làng Thuận Nhơn, xã Hải Vĩnh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Nhà thờ giáo xứ cách tòa Giám mục Huế hơn 54km theo đường bộ hay 44km theo đường chim bay về phía tây bắc.

Giáo sở Thuận Nhơn có diện tích trải dài trên bốn xã: Hải Vĩnh, Hải Quế, Hải Thiện và Hải Thành thuộc huyện Hải Lăng. Hiện tại, giáo sở gồm có 1 giáo xứ (Thuận Nhơn) và 8 giáo họ: Cu Hoan, Hội Yên, Kim Sanh, Lam Thủy, Phước Điền, Thi Ông, Thuận Đức, Trung Đơn.

II- NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

1- Khai sinh bởi các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế (1926)

Lịch sử cho biết vào năm 1925, các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế thuộc tỉnh dòng Québec, Montréal, Canada gồm có cha Hubert Cousineau (1890-1964) và cha Eugène Larouche (1892-1978) đã đến Huế để lập dòng Chúa Cứu Thế với hai hoạt động chính: rao giảng tuần đại phúc ở nhiều nơi và lập hội Đức Bà Hằng Cứu Giúp để phổ biến lòng sùng kính Mẹ Maria dưới tước hiệu này. Lịch sử giáo xứ Hội Yên lại cho hay: sau năm 1925 các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế đã có lập hội này tại đây (xem lược sử Hội Yên bên dưới). Mà Hội Yên chẳng xa Thuận Nhơn là mấy[1].

Có thể trong khi các ngài đến giảng đại phúc ở đây vào mùa Chay, có những người họ Ngô đang cư trú tại thôn Thuận Nhơn đã được nghe nói về đạo. Chính cha Giuse Hoàng Cẩn (quản xứ Thuận Nhơn từ 1973 đến 2001) cho biết khoảng các năm 1925-1926 có một số người thuộc dòng tộc họ Ngô cư trú tại Thuận Nhơn trở lại đạo[2].

Đất hương hỏa của tộc họ Ngô lúc ấy gồm 12 mẫu, được chia hai và dành cho những người trở lại đạo một nửa. Họ dâng đất và xây nhà thờ để có nơi đọc kinh thờ phượng Chúa.

Sự trở lại đạo của những người nầy là dứt khoát và mãnh liệt. Thánh đường Thuận Nhơn đầu tiên mọc lên trên vùng đất hương hỏa như một bảo chứng hiếm hoi lạ lùng về niềm tin “theo đạo không phải là bỏ ông bỏ bà”. Trái lại các ngài sẽ được hương khói cách xứng hợp trên bàn thờ, bên cạnh phép Thánh Thể trong lời cầu nguyện vào các buổi cử hành phụng vụ. Hiểu rõ điều nầy, các tân tòng họ Ngô đã dâng đất hương hỏa, xây nhà thờ để tạ ơn Thiên Chúa là Đấng tạo thành trời đất và tìm cho tổ tiên một hình thức thờ phụng mới sâu sắc, xứng hợp.

Như vậy có thể cho rằng chính linh mục Hubert Cousineau, DCCT, là người khai sinh giáo xứ Thuận Nhơn

Trên phương diện xã hội, đó là vào cuối đời vua Khải Định (1916-1925) và đầu đời vua Bảo Đại (1926-1945). Trên phương diện tôn giáo đó là đời Đức cha Allys với các hội dòng phát triển mạnh ở Giáo phận Huế (Dòng Sư huynh Lasan năm 1904, Dòng Kín Các-men năm 1910, dòng Xitô Phước Sơn năm 1918, Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm năm 1921, Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng (lúc ấy gọi là dòng Mến Thánh Giá Cải Cách) năm 1924, Dòng Thánh Tâm năm 1925, Dòng Chúa Cứu Thế năm 1925, Dòng Biển Đức Thiên An năm 1940).

2- Thuộc giáo sở Hội Yên

Năm 1959, Thuận Nhơn ở dưới sự chăm sóc của linh mục Giacôbê Trần Văn Thời (1923- 1950-1994). Ngài làm quản xứ Hội Yên từ 3-8-1959 và lo các giáo họ Phương Lan, Ba Dư, Cổ Lũy, Kim Lộng, Kim Giao, Diên Khánh, Mỹ Thủy, Trung An, Tân An, Phước Điền, Trung Đơn, Kim Sanh, Thi Ông, Lam Thủy, Thuận Nhơn.

Năm 1961 (tháng 7), Hội Yên ở dưới quyền cha quản xứ Antôn Nguyễn Văn Thọ (1920-1948-1988) nên Thuận Nhơn cũng được chuyển qua sự chăm sóc của ngài, còn cha Trần Văn Thời lên Đa Nghi. Tháng 6-1962, cha Thọ đổi đi làm quản xứ La Vang Thượng.

Theo cha Giuse Hoàng Cẩn, lúc ấy Thuận Nhơn đã có một ngôi nhà thờ. Có thể đây là nhà thờ đầu tiên của giáo xứ do những người thuộc tộc họ Ngô xây dựng lúc trở lại đạo. Ngôi nhà thờ nằm khuất trong một đường xóm, nhìn ra một nhánh sông con bên kia đường. Tháp chuông bên cạnh, phía phải trước mặt nhà thờ, không cao không thấp, đứng chơ vơ lạc lõng. Nhà thờ trông khắc khổ. Phía trước nhà thờ là một nền sân nhỏ xi-măng, vuông vắn như chiếc sập không chân kê sát mặt đất. Nhưng vào tháng 4 năm 1972, chiến cuộc Mùa hè Đỏ lửa, nhà thờ đã bị bom đạn phá sập, chỉ còn lại nền và tiền đường (2 cột trụ hai bên cửa chính).

Từ 1962-1972, cha Giuse Đỗ Bá Ái làm quản xứ Đa Nghi kiêm Hội Yên và Thuận Nhơn. Ngài đã lập một bệnh viện và mở một ngôi trường mang tên Trung học Quảng Đức; cả hai cơ sở này đều nằm tại Đa Nghi, dưới sự bảo trợ của cơ quan cứu trợ Misereor (Đức quốc).

Mùa hè Đỏ lửa năm 1972, chiến tranh lan rộng. Nhà thờ bị sập, các công trình xã hội cũng tan tành. Cha Giuse Đỗ Bá Ái đưa giáo dân Đa Nghi, Hội Yên vào Đà Nẵng, tạm cư tại trại 6 Non Nước, đến tháng 7-1973 vào Ninh Thuận để sinh sống làm ăn, lập ra họ đạo mới tại vùng định cư mới mang tên Quảng Thuận (Quảng Trị+Ninh Thuận). Giáo dân Thuận Nhơn cũng tản mác.

3- Thành giáo xứ và giáo sở

Tháng 12-1973, cha Giuse Hoàng Cẩn được bổ nhiệm làm quản xứ Thuận Nhơn, kiêm Hội Yên cùng nhiều giáo họ thuộc khu vực (1973–2001). Nhiều người trong vùng chạy loạn năm 1972 cũng trở về quê cũ. Có cha Giuse Cái Hồng Phượng ở phó từ tháng 9-1975 đến tháng 8-1978. Việc đầu tiên của cha quản sở là sửa sang lại nhà thờ.

Năm 1985, cơn bão số 8 với gió giật cấp 12 (khoảng 130 km giờ), đã khiến ngôi thánh đường trên hư hại nặng lần nữa. Nhà thờ đã được tạm thời lợp tôn lại với vách ván chôn xung quanh.  Sau đó cha Giuse đã tận dụng gạch của nhà thờ Hội Yên bị sập vào năm 1972 vì chiến tranh để xây lần nhà thờ Thuận Nhơn[3]. Cha cũng tu sửa nhà xứ.

Tháng 5-2001 đến tháng 5-2007, cha Giuse Phan Miên làm quản sở Thuận Nhơn, sau đó về Nhà Chung học sinh ngữ để chuẩn bị đi du học (nhưng rồi lại đi mục vụ tiếp).

Năm 2007, linh mục Giuse Võ Văn Phú được bổ nhiệm làm quản xứ Thuận Nhơn, coi sóc thêm 17 giáo họ gồm Thuận Đức, Cu Hoan, Hội Yên, Lam Thủy, Thi Ông, Đa Nghi, Cổ Lũy, Kim Lộng, Kim Giao, Diên Khánh, Đông Dương, An Nhơn, Mỹ Thủy, Tân An, Thâm Khê, Kim Sanh[4], Trung Đơn và Phước Điền. Tổng cộng gồm 1.200 giáo dân.

Cha đã cố gắng xây nhà Mục vụ để phục vụ cho các sinh hoạt của giáo sở mà từ trước đến nay chưa hề có. Nhờ những tấm lòng hảo tâm của bà con trong nước lẫn hải ngoại, nhà Mục vụ khởi công ngày 08-12-2008 đã hoàn thành ngày 30-07-2009.

Tháng 8 năm 2010, cha GB Phạm Xứ[5] được bổ nhiệm làm quản xứ Thuận Nhơn, kiêm giáo họ Kim Giao và nhiều giáo họ khác. Ngài khởi công xây dựng nhà thờ Kim Giao tháng 5-2012, xây dựng nhà nguyện giáo họ Phước Điền và nhà thờ giáo xứ Thuận Nhơn tháng 6-2012.

Cha GB đã nhờ cha phó Matthêu Phan Văn Tùng coi sóc giáo xứ Thuận Nhơn từ 28-8-2010 và cha phó Anrê Lê Minh Phú coi sóc từ 24-10-2012, còn ngài thì về ở giáo họ Kim Giao (ngày 15-4-2011).

Ngày 12-01-2013, thánh lễ tạ ơn của một tân linh mục sinh quán Hội Yên là cha Philipphê Hoàng Sĩ Tuấn (Giáo phận Bà Rịa-Vũng Tàu) đã được tổ chức tại giáo xứ Thuận Nhơn, như một làn gió mát cho giáo sở.

Cha Giuse Phạm Xuân Cường coi sóc giáo sở Thuận Nhơn từ tháng 7-2015 đến tháng 10-2017. Thấy nơi thờ phượng quá nhỏ, ngài đã cho tháo dỡ để xây lại.

Ngày 18-8-2016, Đức TGM Phanxicô Xavie chủ sự Nghi thức đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà thờ Thuận Nhơn mới. Hiện diện, có nhiều linh mục, tu sĩ nam nữ và đông đảo bà con giáo dân trong giáo xứ. Nhưng vì nhiều lý do, cho tới nay, công trình vẫn chưa khởi sự !?!

Nhà thờ Thuận Nhơn cũ (chụp ngày 12-04-2016)       

Tháng 10-2017, cha Philipphê Nguyễn Bá Thông, sau nhiều năm đi làm mục vụ tại hải ngoại (Giáo phận Besançon bên Pháp 2011-2017), đã được bổ nhiệm làm quản sở Thuận Nhơn cho đến hôm nay.

Ngày 15-07-2018, ngài khởi công xây dựng Nhà Giáo lý-Mục vụ. Ngày 25-01-2019, Đức Tổng Giuse Nguyễn Chí Linh, nhiều linh mục Giáo phận, nhiều viên chức chính quyền cùng tất cả bà con giáo dân vui mừng khánh thành ngôi nhà Mục vụ 2 tầng này. Một phòng lớn ở tầng trệt được dùng làm nhà thờ tạm.

Ngày 26-06-2019, cha Philipphê chính thức khởi sự công trình xây nhà nguyện giáo họ Thi Ông và đến ngày 23-12-2019 đã hoàn thành. Nhà nguyện này được cung hiến cho Lòng Chúa Thương Xót.

Ngài còn ấp ủ một ước vọng tha thiết khác là xây lại nhà thờ Thuận Nhơn. Nhưng với quỹ đất hiện tại quá chật hẹp (30m x 30m), kinh phí cũng còn rất hạn chế cộng thêm dịch bệnh Sars-CoV-2 đang hoành hành khắp nơi, nên công trình Nhà Chúa vẫn đang còn nằm trên bàn giấy. Bảng đá kỷ niệm lễ đặt viên đá đầu tiên ngày 18-08-2016 vẫn còn đó như một sự thách thức và nhắc nhở.

Bên trong “nhà thờ” Thuận Nhơn hiện thời.

III- HOA TRÁI ĐỨC TIN

1- Linh mục:

Micae Hoàng Ngọc Bang (1895-1926-1968), sinh quán Hội Yên. Bị giết chết năm Mậu Thân.

Micae Nguyễn Thế Minh (1938-1966-), chánh quán Hội Yên. Gia nhập Dòng Tên từ 1969.

Phêrô Nguyễn Văn Linh (1956-1996-2011), sinh quán Hội Yên.

Antôn Ngô Văn Thái (1973-2008-), sinh quán Hội Yên. Dòng Thánh Thể.

Micae Ngô Quang Danh (1978-2012-), sinh quán Thuận Nhơn.

Philipphê Hoàng Sĩ Tuấn (1977-2013-), sinh quán Hội Yên. Giáo phận Bà Rịa

Micae Nguyễn Văn Trường (1980-2015-), sinh quán Thuận Nhơn.

Micae Ngô Văn Thuận (1980-2015-), sinh quán Thuận Nhơn.

Micae Nguyễn Văn Hưng (1982-2017-), sinh quán Thuận Nhơn.

P.X. Ngô Văn Ái (1983-2017-), sinh quán Thuận Nhơn.

P.X. Nguyễn Ngọc Triều (1985-2018-), sinh quán Thuận Nhơn.

2- Tu sĩ nam nữ:

Maria Ngô Thanh Vũ (sn: 1917; vk: 1946; qđ: 1997), sinh quán Thuận Nhơn. Dòng CĐMĐV.

Maria Nguyễn Thị Ba (sn: 1945; vk: 1974), sinh quán Hội Yên. Dòng CĐMĐV.

Luxia Trần Thị Lộc (sn: 1892; vk: 1932; qđ: 1982), chánh quán Hội Yên. Dòng CĐMVN.

Anna Ngô Thị Quyền (sn: 1946; vk: 1972), chánh quán Thuận Nhơn. Dòng CĐMVN.

Luxia Nguyễn Thị Mười (sn: 1947; vk: 1974), chánh quán Hội Yên. Dòng CĐMVN.

Matta Ngô Thị Thanh (sn: 1984; vk: 2016), sinh quán Thuận Đức. Dòng CĐMVN.

Ysave Hoàng Thị Quỳnh Chi (sn: 1987; vk: 2019), sinh quán Hội Yên. Dòng CĐMĐV.

 3- Giáo dân:

– Năm 2010:    1200 người (18 giáo họ)

– Năm 2015:    475 người (9 giáo họ)

– Năm 2020:    452 người.

******************************

GIÁO HỌ HỘI YÊN + ĐA NGHI

Nhà thờ cổ Hội Yên (nay tiền đường này cũng đã sụp đổ)

I- VỊ TRÍ ĐỊA LÝ

Giáo họ Hội Yên thuộc xã Hải Quế, huyện Hải Lăng tỉnh Quảng Trị. Nay giáo họ chỉ còn lại nền nhà thờ và mặt tiền đổ nát gần hết, cách nhà thờ Thuận Nhơn 332m theo đường chim bay về phía đông và cách nền nhà thờ Đa Nghi hơn 2km về phía nam tây nam.

Giáo họ có tên kép là vì Hội Yên và Đa Nghi cách nhau chưa tới 2km và trung tâm của giáo sở khi ở họ đạo này, khi ở họ đạo kia từ 1896 đến 1972.

II. NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

1- Khai sinh từ giáo xứ Nhất Đông (1892)

Theo lịch sử thì người dân Hội Yên có thể đã tin nhận giáo lý Công giáo vào thời cha Joseph Grosjean (cố Gioang, thừa sai MEP, 1859-1882-1914) làm quản xứ Nhất Đông (1888-1891). Lúc bấy giờ cha Grosjean có mở thêm 12 cộng đoàn tân tòng. Hội Yên và Đa Nghi có thể nằm trong số ấy.

Trên phương diện xã hội, vào những năm nầy, các cuộc bắt đạo của vua Tự Đức đã chấm dứt khá lâu (1864), các cuộc khủng bố tàn sát của Văn Thân đối với người Công giáo, mặc dù còn hằn kỷ niệm (1882-1886), cũng chìm dần vào quên lãng. Tình hình truyền giáo có nhiều thuận lợi hơn trước.

Trên phương diện tôn giáo, đó là thời Đức cha Antoine Caspar (Lộc) cùng cha Eugène Allys (Lý) và cụ Thượng thư Ngô Đình Khả lập ban truyền giáo để mở mang đạo (1888). Đây là những năm trong Giáo phận Huế có nhiều họ đạo mới được thành lập và con số giáo dân tăng đáng kể.

Theo lược sử giáo xứ Nhất Đông thì vào những năm 1892-1910, thời cha Joseph Gontier (cố Công) làm quản xứ (tiếp nối cha Joseph Grosjean), giáo xứ này có thêm 4 giáo họ mới: Nhất Tây, Hội Yên, Đa Nghi, Linh Thủy.

2- Thành giáo xứ độc lập (1896)

Năm 1896, giáo quyền Huế tách hai giáo họ Đa Nghi và Hội Yên ra khỏi giáo sở Nhất Đông để thành lập giáo xứ mới, và sai linh mục Phêrô Phan Văn Bá (1857-1891-1910) làm quản xứ tiên khởi. Lúc đầu cha Bá đặt trụ sở tại Đa Nghi. Đến tháng 08-1904, khi nhà thờ Hội Yên đã hoàn tất, ngài dời trụ sở về Hội Yên (Hai bên cách nhau chưa tới 2km). Từ đó Đa Nghi là giáo họ của giáo xứ Hội Yên.

Cha Bá vốn nổi tiếng là một tay thợ mã giỏi. Các câu đối bông hoa chưng trong nhà thờ tự ngài làm lấy; ngài khéo sáng tạo các bàn kiệu, các bộ đồ lễ cho đội ngũ của giáo xứ. Mỗi lần có Đại hội Đức Mẹ La Vang, đội ngũ của ngài nổi bật hơn cả; bàn kiệu giáo xứ Đa Nghi, Hội Yên đẹp đẽ và tinh xảo hơn hết. Cha Phêrô cũng huấn luyện giáo dân Hội Yên biết diễn tuồng, làm kịch, hát bội. Vốn thông Nho (đơn trương, giấy má, sổ sách gì phần nhiều ngài viết bằng Hán tự), ngài lại có tài đặt kinh tiếng Việt đọc theo cung điệu Latinh. Nhờ vậy đời sống đạo đức của một giáo xứ thôn quê bớt đơn điệu buồn tẻ mà sinh động hẳn lên, qua đó Tin Mừng cũng dễ thâm nhập lòng người.

Ở phó cho cha Bá có cha Phaolô Nguyễn Văn Chính từ 1907-1910 rồi kế nhiệm.

Cha Bá qua đời tại Hội Yên ngày 10-3-1910, an táng trong nhà thờ, thọ 53tuổi, 10 năm linh mục. Nay mộ ngài vẫn còn ở đó dù nhà thờ đã sập đổ.

Tiếp nối ngài là cha phó Phaolô Nguyễn Văn Chính (1878-1907-1961), làm quản xứ từ 1910 cho tới 1937, đưa nhiều lương dân trong vùng trở lại đạo. Báo cáo Thường niên 1918 của Đức cha Allys gởi Hội Thừa sai Hải ngoại Paris cho biết Hội Yên có 1500 Kitô hữu mới. Hội Đức Bà Hằng Cứu Giúp mà các cha Dòng Chúa Cứu Thế đã lập ở Hội Yên năm 1925, được cha Phaolô duy trì phát triển. (Vì thế sau nầy, khi về hưu, ngài xin ở trong Dòng đến mãn đời). Ngài cũng lập ra một “đội văn nghệ” nổi tiếng, có khả năng múa may, diễn kịch, hát bội, thu hút được quần chúng. Tài nghệ nầy ngài học được là nhờ cha bảo trợ kiêm quản xứ cũ là cha Phan Văn Bá.

Ở phó cho cha Chính có cha Phêrô Nguyễn Văn Oai năm 1916, cha Phaolô Nguyễn Văn Chuyên (em ruột) năm 1921, cha Giêrônimô Nguyễn Văn Lục năm 1925, cha Tôma Nguyễn Đăng Hùng năm 1927, cha Antôn Nguyễn Đức Tú năm 1931, cha Anrê Lê Trọng Đinh năm 1934.

3- Lánh nạn chiến tranh

Năm 1945, chiến tranh bùng nổ, cha quản xứ Antôn Nguyễn Văn Bằng (vốn coi giáo xứ từ 1937) đã đưa giáo dân Hội Yên đi lánh nạn bằng cách lên ngụ tại họ Diên Sanh cách đó khoảng 5km về phía tây nam, và lập trụ sở giáo xứ Hội Yên tạm ở đây một thời gian cho đến năm 1949. Ở phó cho ngài có cha Anrê Lê Trọng Đinh năm 1937, cha Inhaxiô Võ Văn Bảo năm 1939, cha Phêrô Trần Văn Điển năm 1941, cha Giacôbê Phan Văn Cơ năm 1943.

Từ 1949 đến 1959 là nhiệm kỳ của cha Phaolô Mai Xuân Hiến, có gián đoạn một năm (1953) vì cha phải ra coi sóc giáo xứ Hoàn Lão (Quảng Bình). Giáo dân Hội Yên lúc này đã về lại quê cũ.

Từ 1959-1962, cha Giacôbê Trần Văn Thời làm quản xứ. Mới nhận nhiệm sở, ngài cho trùng tu ngôi nhà thờ do cha Bá xây dựng trước đấy đã trên 50 năm. Sau đó một thời gian, trụ sở giáo xứ lại được chuyển về giáo họ Đa Nghi.

Thời linh mục Giuse Đỗ Bá Ái làm quản xứ Đa Nghi kiêm Hội Yên (1962-1972) và từ 1969 kiêm thêm Diên Sanh, Gia Đẳng, ngài đã lập một bệnh viện và mở một ngôi trường mang tên Trung học Quảng Đức; cả hai cơ sở này đều nằm tại Đa Nghi, dưới sự bảo trợ của cơ quan cứu trợ Misereor (Đức quốc).

Năm 1972, Mùa hè Đỏ lửa, chiến tranh lan rộng. Nhà thờ bị sập, cha Giuse Đỗ Bá Ái đưa giáo dân Đa Nghi+Hội Yên vào Đà Nẵng (trại tạm cư 6 Non Nước), tháng 7-1973 vào Ninh Thuận để sinh sống làm ăn, lập ra họ đạo mới tại vùng định cư mới mang tên Quảng Thuận (Quảng Trị+Ninh Thuận).

Sau tháng 4-1975, chỉ có 3 gia đình trở lại với mảnh đất quê cha mà thôi. Họ sống ở bên kia đường, đối diện với nhà thờ đã bị sập, và phải vào nhà thờ Thuận Nhơn cách đó khoảng 400m để tham dự phụng vụ.

Hiện tại, giữa lòng nhà thờ Hội Yên có mộ cha Phêrô Phan Văn Bá. Theo cha Giuse Hoàng Cẩn, nhờ mộ phần ấy mà nền nhà thờ Hội Yên cao ráo bằng xi-măng không bị trưng thu (sau năm 1975) để nuôi vịt. Nhà thờ dù sập đổ, vẫn còn tồn tại như dấu tích thiêng liêng của một họ đạo.

 4- Tổng lược danh sách các linh mục quản xứ:

1) Phêrô Phan Văn Bá                        1896-1910

2) Phaolô Nguyễn Văn Chính             1910-1937

3) Antôn Nguyễn Văn Bằng               1937-1949

4) Phaolô Mai Xuân Hiến                   1949-1959[6]

5) Giacôbê Trần Văn Thời                  1959-1962

6) Giuse Đỗ Bá Ái                              1962-1972[7]

Từ tháng 12-1973 trở đi, Hội Yên được các linh mục quản xứ Thuận Nhơn kiêm nhiệm cho đến nay. Riêng Đa Nghi thì thuộc về Kim Giao từ tháng 7 năm 2015, khi Kim Giao tách khỏi Thuận Nhơn để thành giáo xứ độc lập với các giáo họ Kim Long, Diên Khánh, Đông Dương, Đa Nghi, Mỹ Thủy, dưới quyền cha quản sở tiên khởi GB Phạm Xứ.

 ******************************

GIÁO HỌ THI ÔNG

Nhà thờ giáo họ Thi Ông, khánh thành ngày 23-12-2019

1- Vị trí địa lý

Giáo họ Thi Ông tọa lạc tại làng Thi Ông[8], thuộc xã Hải Vĩnh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Nay thuộc giáo sở Thuận Nhơn. Nhà thờ Thi Ông cách nhà thờ Thuận Nhơn 2,21km theo đường chim bay về phía tây bắc.

 2- Nguồn gốc hình thành và quá trình phát triển 

Thi Ông là một trong những cộng đoàn tân tòng có từ thời cha Joseph Grosjean (cố Gioang) làm quản xứ Nhất Đông (1888-1891). Bằng chứng là theo lịch sử, đã có một nhà nguyện được xây dựng lần đầu tiên vào năm 1890 tại xóm Sáo thuộc làng Thi Ông, Quảng Trị. Từ năm 1893 đến 1896, nhà thờ được dịch chuyển lên vị trí hiện tại và được xây dựng kiên cố với chiều dài 21m, chiều rộng 9m cộng với một tháp chuông cao 20m.

Nhưng khi trở thành một giáo họ từ năm 1896, thì Thi Ông trực thuộc giáo sở Hội Yên, thời cha quản xứ Phêrô Phan Văn Bá (1896-1910), Phaolô Nguyễn Văn Chính (1910-1937), Antôn Nguyễn Văn Bằng (1937-1949), Phaolô Mai Xuân Hiến (1949-1959), Giacôbê Trần Văn Thời (1959-1962), cha Giuse Lê Văn Hộ (1963).

Từ năm 1963 đến 1975, do thời cuộc chiến tranh, nhà thờ đã bị phá hủy chỉ còn lại nền móng và tháp chuông. Năm 1981, để xây dựng các công trình phúc lợi của địa phương, chính quyền đã tận dụng toàn bộ gạch cũ lấy từ nền móng và tháp chuông của nhà thờ (chuông cũng đã bị “lưu lạc” từ lúc đó !)

Tổng diện tích trước đây của nhà thờ Thi Ông là 6215m2. Nay chính quyền đã cấp 4 mảnh thổ cư cho 4 hộ gia đình, chỉ còn lại nền móng và diện tích chung quanh khoảng hơn 260m2.

Từ năm 1973, Thi Ông thuộc về giáo sở Thuận Nhơn, dưới thời cha Giuse Hoàng Cẩn.

Kể từ năm 2006, dưới thời cố linh mục Giuse Phan Miên, dịp đại lễ Giáng Sinh, một máng cỏ nho nhỏ thường được dựng lên trên nền đất của nhà thờ cũ để mừng Chúa xuống trần. Hoạt động này vẫn được duy trì hàng năm dưới thời cha Giuse Võ Văn Phú.

Năm 2013, cha quản xứ Gioan Baotixita Phạm Xứ đã dựng một nhà nguyện tạm bợ bằng tre và tôn (7m x 6m) để làm nơi dâng lễ và cầu nguyện.

Ngày 21-6-2019, thời cha quản xứ Philipphê Nguyễn Bá Thông, sau biết bao lời cầu nguyện công khai và âm thầm của toàn thể giáo sở và giáo họ, cuối cùng Chúa đã nhậm lời: chính quyền các cấp đã đồng ý cho “tu chỉnh” nhà nguyện.

Ngày 26-06-2019, công trình chính thức khởi công và đến ngày 23-12-2019 đã được hoàn thành. Nhà nguyện này được cung hiến cho Lòng Chúa Thương Xót.

************************************

GIÁO HỌ PHƯỚC ĐIỀN

Nhà thờ Phước Điền, xã Hải Thành, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, xây dựng từ năm 1926, do cha Phaolô Nguyễn Văn Chính. Nằm cách nhà thờ Thuận Nhơn 3,67km theo đường chim bay về phía đông nam.

Mặt tiền cũ kỹ, nhưng bên trong đã được cha GB Phạm Xứ xây mới năm 2012.

************************************

GIÁO HỌ THUẬN ĐỨC

Nhà thờ Thuận Đức, xã Hải Vĩnh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, cách nhà thờ Thuận Nhơn 4,16km theo đường chim bay về phía đông. Bên trái là nhà bia, ghi công hai vị giáo dân họ Ngô, khai canh và khai khẩn làng Thuận Đức từ năm 1916.

—————————————————————————————–

[1] Hội Yên nằm phía đông Thuận Nhơn, cách nhau khoảng 300m, có nhánh sông Vĩnh Định ngăn giữa (xem bản đồ).

[2] Hiện giờ tại thôn Thuận Đức, nằm phía đông Thuận Nhơn, cách khoảng 4km (xem bản đồ), có bia đá cho biết ông Micae Ngô Kim Định và ông Phêrô Ngô Ổn là tiền khai canh và hậu khai khẩn của làng Thuận Đức từ năm 1916.

[3] Nhà thờ đã được xây trên nền cũ với kích thước cũ (rộng 6m3 dài 10m), phía sau nhà thờ là nhà hội của giáo xứ và phòng tiếp khách. Nhà thờ này được cha Phạm Xứ trùng tu (xây thêm tháp) năm 2012, nhưng rồi đã bị cha Giuse Phạm Xuân Cường cho tháo dỡ đầu năm 2016.

[4] Giáo họ Kim Sanh, xã Hải Quế, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, trước đây có một nhà nguyện, nằm cách nhà thờ Thuận Nhơn 2km theo đường chim bay về phía nam đông nam, nhưng nay chẳng còn dấu vết gì.

[5] Ngày 28-08-2010 Đức Tổng Giám mục Têphanô đã bổ nhiệm cha GB Phạm Xứ, chánh xứ Thuận Nhơn, kiêm Kim Giao và 18 giáo họ, trải dài trong 8 xã (xã Hải Vĩnh gồm Thuận Nhơn, Thuận Đức, Thi Ông, Lam Thủy; xã Hải Thiện gồm Cu Hoan, Cồn Đống; xã Hải Thành gồm Phước Điền, Kim Sanh, Trung Đơn; xã Hải Quế gồm Hội Yên và Kim Long; xã Hải Ba gồm Đa Nghi, Cổ Lũy, Phương Lang; xã Hải Dương gồm Kim Giao, Diên Khánh, Đông Dương, Xuân Viên, An Nhơn; xã Hải An gồm Mỹ Thủy, Tân An; xã Hải Khê gồm Thâm Khê).

[6] Cha Hiến có ra Hoàn Lão (Quảng Bình) một năm (1953), nên kể như ở Hội Yên 2 lần.

[7] Tiểu sử các Linh mục Giáo phận Huế cho biết vào năm 1963, có cha Giuse Lê Văn Hộ ở Hội Yên. Phải chăng ngài làm phó biệt cư Thi Ông?

[8] Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế, lấy hiệu là Gia Long, lập dinh Quảng Trị bao gồm đất đai các huyện Hải Lăng, Đăng Xương (tên cũ là Vũ Xương), Minh Linh và đạo Cam Lộ (mới lập). Trong đó, huyện Hải Lăng gồm 5 tổng: Hoa La, An Thư, An Dã, Câu Hoan, An Khang và mảnh đất làng Thi Ông ngày nay khi ấy thuộc tổng An Khang. Theo bản đồ hiện nay, vị trí làng Thi Ông là: phía Bắc giáp với các làng Phương Lang và Ba Du; phía Nam giáp với các làng Cu Hoan và Thuận Đức; phía Đông giáp với các làng Cổ Lũy, Lương Chánh và Thượng An; phía Tây giáp với các làng Lam Thuỷ và Thuận Nhơn Ngoài. Làng lại ở gần sông Vĩnh Định (Theo http://www.baoquangtri.vn/V%C4%83n-h%C3%B3a-Th%E1%BB%83-thao/modid/421/ItemID/141946).

————————————————————————–

Mọi góp ý, bổ sung, điều chỉnh xin vui lòng liên hệ với Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi theo địa chỉ email: witness2005@gmail.com Xin cám ơn quý vị rất nhiều.

Nhóm Biên sử Tổng Giáo phận Huế.