LƯỢC SỬ
GIÁO SỞ THỦY YÊN
GIÁO XỨ THỦY YÊN – GIÁO HỌ THỦY CAM
Nhà thờ Thủy Yên (xây dựng năm 2003)
I- VỊ TRÍ ĐỊA LÝ:
Giáo sở Thủy Yên thuộc Giáo hạt Hải Vân, nằm trên địa bàn xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc tỉnh Thừa Thiên-Huế. Nhà thờ Thủy Yên cách Tòa Tổng Giám mục và thành phố Huế khoảng 50km về hướng Đông Nam.
Giáo sở Thủy Yên gồm Giáo xứ Thủy Yên và Giáo họ Thủy Cam thuộc thôn Thủy Yên Thượng và thôn Thủy Cam. Đây là một vùng đất trũng nằm gần đèo Phước Tượng, cách Quốc lộ 1A khoảng 2,8km theo đường chim bay về hướng Nam. Cùng với vùng Nước Ngọt, nó như một “thung lũng” vì được bao bọc xung quanh bởi các dãy núi.
II- NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN.
1- Từ một chiến dịch truyền giáo hậu Văn Thân (1886)
Từ năm 1883 đến 1886, với chủ trương Bình Tây Sát Tả (đánh Pháp giết Đạo), quân Văn Thân đã tấn công nhiều xứ đạo của Giáo phận Huế ở Nam Thừa Thiên (1883), Bắc Quảng Trị (1885) và Nam Quảng Bình (1886), giết hại hơn 12.000 tín hữu. Để khôi phục nhân sự, Đức Giám mục Giáo phận Antoine Caspar (Lộc) và Cha Quản xứ Phủ Cam Eugène Allys (Lý) kiêm Quản hạt Bên Thủy, khi an bình trở lại, đã tung ra một chiến dịch truyền giáo đại quy mô khắp cả Giáo phận.
Phó xứ của Cố Lý như Cha Anphong Trần Bá Lữ vào năm 1885 đã được phái về vùng Nam Thừa Thiên (huyện Phú Lộc) như Cầu Hai, Nước Ngọt, Châu Mới… nhằm qui tụ những giáo dân tản mác và củng cố các họ đạo, đồng thời rao giảng Tin Mừng cho lương dân. Vị Mục tử “bao sân” này (vì ngài còn lo cả Hà Úc, Diêm Tụ) hoạt động cho tới năm 1890.
Từ Nước Ngọt, vốn đã hình thành như một cộng đoàn tín hữu từ trước năm 1747, tiếp đến thành Giáo họ rồi thành Giáo xứ (xem lược sử Nước Ngọt), Tin Mừng đã được lan ra khắp vùng thung lũng của sông Bù Lu (thượng nguồn), đến các thôn Thủy Yên và Thủy Cam. Bởi thế vào năm 1889, tại Giáo xứ Nước Ngọt, đã có lễ rửa tội cho nhiều dự tòng gốc Thủy Yên (còn ghi trong sổ Rửa tội lưu tại Nước Ngọt), như các ông bà: Phaolô Bằng, Catarina Bể, Phaolô Bình, Maria Chúc, Catarina Chuộc, Mađalêna Chuộc, Matthêu Chức, Alexi Dài, Matta Dậu, Mađalêna Đoan, Alexi Đức, Phêrô Em, Phaolô Huệ, Catarina Kiến, Matthêu Lép, Maria Lợi, Matta Lụt, Maria Lý, Catarina Nhỏ, Matta Niêu, Maria Ổn, Alexi Phụng, Phêrô Qui, Matta Sở, Phaolô Thọ, Matthêu Thuận, Matta Tròn, Matthêu Tự, Alexi Tường, Maria Úp, Matta Úp, Matthêu Uyên, Phaolô Văn, Matta Viên.
2- Trực thuộc Giáo sở Nước Ngọt (1889).
Những tín hữu đầu tiên ấy đã quy tụ lại thành Giáo họ để sớm tối cầu nguyện chung với nhau. Năm 1916-1918, khi Cha Jules Joseph Montagnon (Cố Minh) làm Quản xứ Nước Ngọt thì Cha Anrê Lê Văn Kiệm làm Phó xứ kiêm Thủy Yên và các Giáo họ lân cận. Ngài đã dựng ngôi Nhà nguyện đầu tiên bằng tranh tre ở đấy. Ngày 23-04-1917, Cha Kiệm đã rửa tội cho bà Maria Trông tại Nhà thờ. Trong giai đoạn này, Giáo họ Thủy Yên được phân chia thành các giáp (xóm) như giáp Bãi Đáp, giáp Trung, giáp Đông, giáp Thượng.
Năm 1925-1933 thời Cha Raphael Fasseaux (Cố Phương) làm Quản xứ Nước Ngọt và kiêm luôn các họ đạo lân cận (lần I), ngài đã để lại nhiều công trình vật chất lẫn tinh thần cho toàn Giáo sở Nước Ngọt nói chung và cho Giáo họ Thủy Yên nói riêng. Trong thời gian này, Giáo họ Thủy Yên ngày càng phát triển, số giáo dân tăng lên rất nhiều nên có các Cha phó của Giáo sở Nước Ngọt đến coi sóc mục vụ.
1933-1935: Cha Jean Viry (Cố Vị) làm Quản xứ, Cha Vinhsơn Phaolô Nguyễn Thế Thảo Phó xứ. Đầu năm 1936, Cố Vị được sai đến Tiểu Chủng viện An Ninh.
1936-1937: Cha Vinhsơn Phaolô Nguyễn Thế Thảo tạm coi xứ Nước Ngọt trong thời gian chờ Quản xứ mới.
1937-1942: Cha Raphael Fasseaux trở lại cai quản Giáo xứ Nước Ngọt (lần II), kiêm các Giáo họ lân cận. Cũng như lần đầu, Cố đã để lại nhiều công trình và dấu ấn, thúc đẩy sự phát triển và lan rộng Tin Mừng trong vùng đất rộng lớn này nói chung và Giáo họ Thủy Yên, Thủy Cam nói riêng. Đặc biệt, trong giai đoạn này, số giáo dân Thủy Yên đã tăng lên khá đông, ngôi Nhà nguyện nhỏ được dựng lên trước đó không thể đáp ứng nhu cầu thiêng liêng của bà con nữa. Khoảng năm 1938, Cố Phương đã làm lại ngôi Thánh đường Giáo họ Thủy Yên bằng gỗ, có móng bằng bê tông mỏng, tường xung quanh được đan bằng tre trát vôi, lợp tranh, cổng chính Nhà thờ cũng được xây bằng vôi và gạch. Cha phó Antôn Trần Văn Đức được cử về ở để chăm coi Giáo họ (1938-1941).
Bên cạnh đó, để phục vụ việc giáo dục đức tin lẫn văn hóa cho giáo dân của Giáo họ, đồng thời để truyền giáo cho bà con lương dân các vùng xung quanh, Cố Phương đã xây dựng trường học tại Thủy Yên rồi giao cho các chị Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm phụ trách điều hành và giảng dạy. Cộng đoàn này đã hoạt động cho đến nay.
Cộng đoàn nữ tu Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, Thủy Yên (Hình chụp 2017)
Thời điểm này, những chiếc cầu bằng tre cũng được Cố Phương bắc qua các con suối trong vùng như: cầu Rào Bại, cầu Bãi Đáp, sau này được làm bằng gỗ.
Cố Phương cũng thu mua nhiều ruộng đất cho giáo dân canh tác, sinh sống.
Để đáp ứng việc xây dựng các công trình của Giáo sở và phục vụ bà con trong vùng, Cố Phương cho xây dựng một lò gạch tại vùng Là Ngà (Thủy Cam).
1942-1946: Cha Anrê Nguyễn Văn Cần làm Quản xứ Nước Ngọt cùng với các Phó xứ: Cha GB Nguyễn Văn Huệ, Cha Tađêô Trần Văn Tri (1943-1944), Cha Giacôbê Phan Văn Cơ, Cha P.X. Trần Thanh Giản (1944-1945), Cha Raphaen Bửu Hiệp (1945-1946).
1946-1953: Cha GB. Trần Hữu Quý làm Quản xứ Nước Ngọt cùng với các Phó xứ: Cha Raphaen Bửu Hiệp (1945-1948), Cha Phêrô Lê Văn Ngọc (1948-1951), Cha Anrê Nguyễn Văn Trúc (1951-1952), Cha Phaolô Tống Văn Đơn (1952-1953).
1954-1955: Cha Antôn Nguyễn Văn Bằng làm Quản xứ Nước Ngọt cùng với Cha phó Đơn (1954-1955).
1955-1959: Cha Giuse Lê Văn Hộ làm Quản xứ Nước Ngọt cùng với các Phó xứ: Cha Đơn, Cha Gioakim Võ Quang (1955-1956).
1959-1963: Cha Giuse Trần Thế Hưng làm Quản xứ Nước Ngọt cùng với các Phó xứ: Cha Phaolô Nguyễn Khắc Hiền (1960-1962), Cha Giacôbê Đỗ Bá Công (1962-1963). Trong thời gian này Cha phó Hiền đã kêu gọi bà con sửa sang lại con đường từ Nước Ngọt đến Thủy Yên, làm những chiếc cầu tạm bắc qua những sông suối nhỏ trong vùng.
1963-1968: Cha Giacôbê Trần Văn Thời làm Quản xứ Nước Ngọt cùng với Cha Công ở phó. Cha Thời không may bị bắt lên núi nhân biến cố Mậu Thân 1968 (giam 2 tháng 5 ngày rồi được phóng thích về Huế), Cha Công tạm thời coi xứ trong thời gian chờ Cha sở mới. Trong biến cố này, Nhà thờ Thủy Yên cũng bị tàn phá do bom đạn.
1968-1975: Cha Tanítlaô Nguyễn Văn Ngọc làm Quản xứ Nước Ngọt. Trong thời gian này Giáo họ Thủy Yên gặp nhiều khó khăn thử thách. Do nằm trong vùng mất an ninh, vả lại Nhà thờ chẳng còn, nên giáo dân về định cư quanh Nhà thờ Nước Ngọt hoặc đến các vùng lân cận.
1975-1999: Cha Phaolô Nguyễn Văn Hiển làm Quản xứ Nước Ngọt kiêm Giáo họ Thủy Yên và các họ đạo lân cận. Từ cuối năm 1975 giáo dân Thủy Yên lần lượt trở về quê hương sinh sống, nhưng không có nơi thờ phượng. Để đáp lại khát vọng thiêng liêng của bà con, Cha Phaolô Nguyễn Văn Hiển đã khởi công tu sửa trường học (cơ sở của các chị Dòng CĐMVN) để làm Nhà nguyện tạm thời cho giáo dân Thủy Yên. Ở Nhà nguyện này Cha Hiển đến dâng Thánh lễ vào tối Thứ 6 hàng tuần, và hàng tháng dâng một Thánh lễ vào chiều Chúa nhật. Trong thời gian này, Cha đã không ngừng tái xây dựng, phát triển Giáo sở về phương diện vật chất lẫn tinh thần, đặc biệt là đã ra sức củng cố lại đời sống thiêng liêng của giáo dân trong toàn Giáo sở qua các giờ giáo lý cho trẻ em cũng như người lớn.
Dù thời cuộc khó khăn, ngài đã để lại cho Giáo xứ nhiều công trình giúp ích cho phúc lợi xã hội. Sau đây là một số công trình trong thời ngài:
+ Những cây cầu bắc qua các rào nối liền các thôn Thủy Yên, Thủy Cam và làng Bái Đáp: cầu Rào Bại (nối thôn Thủy Yên và Thủy Cam), cầu Mụ Rết (nối thôn Thủy Cam và làng Bái Đáp), cầu Đập (nối liền thôn Thủy Yên hạ với xóm Đập).
+ Đắp những con đường liên thôn nối Thủy Yên, Thủy Cam và Đập. Năm 1993, phục hồi và cho xây đập để lấy nước tưới ruộng, giải quyết vấn đề thiếu nước vào các tháng khô hạn.
+ Đắp đập nước Ba Dội (Thủy Yên) để lấy nước phục vụ cho nông nghiệp của hai hợp tác xã Thủy An và Thủy Xuân. Nước được dẫn vào các con mương dài cả cây số, chạy dọc dài theo chân ruộng và tưới đều các ruộng nầy. Kinh nghiệm làm ruộng người xưa được lặp lại ở đây.
+ Đắp đập Muống (gồm đập tràn và đập ngăn có tay quay bằng sắt) vừa ngăn mặn, vừa giữ ngọt để phục vụ đồng ruộng hợp tác xã Thủy Tân (địa bàn của hai Giáo xứ Phú Xuyên và Phước Hưng hiện thời).
1999-2001: Cha Giuse Nguyễn Văn Chánh tiếp nối công trình của Cha Phaolô Nguyễn Văn Hiển. Đời sống đức tin giáo dân được củng cố, các gia đình rối[1] được trở về với Chúa và hội nhập với cộng đoàn qua việc lãnh nhận các bí tích Rửa tội, Hòa giải, Hôn phối… Đặc biệt là sau “cơn lụt thế kỷ” (1999).
Các công trình phúc lợi xã hội: xây hai trường mẫu giáo ở Thủy Cam, xây tháp chuông Thủy Cam, một số giếng nước phục vụ cho dân sinh bất kể lương giáo của hai Giáo họ Thủy Yên và Thủy Cam.
2001-2006: Cha Giacôbê Lê Sĩ Hiền. Ngày 11-11-2001 Cha chính xứ Giacôbê Lê Sĩ Hiền, Cha phó Phêrô Võ Xuân Tiến về nhận xứ Giáo sở Nước Ngọt. Giúp xứ có Thầy Phêrô Huỳnh Trọng.
Thời gian đầu, Cha Phêrô Võ Xuân Tiến đến để coi sóc mục vụ hàng tuần ở Giáo họ Thủy Yên và Thủy Cam.
Tháng 6-2003, do giáo dân ngày càng đông và ngôi Nhà nguyện cũ xuống cấp, Cha Giacôbê mở móng xây dựng lại Nhà thờ, nhà xứ Giáo họ Thủy Yên.
25-03-2003, Cha Giacôbê lập hội Legio nữ ở Thủy Yên. Xây dựng cầu Rào Đình cho bà con làng Thủy Cam–Bái Đáp.
03-05-2003, Cha Phêrô Huỳnh Trọng (chịu chức ngày 03-12-2002) chính thức phó Giáo sở Nước Ngọt thay thế cho Cha Phêrô Võ Xuân Tiến gia nhập hội Xuân Bích.
13-12-2003, Cha Phêrô Huỳnh Trọng biệt cư tại Giáo họ Thủy Yên để trực tiếp coi sóc giáo dân và cộng tác với Cha chính Giacôbê trong việc xây dựng Thánh đường Thủy Yên cho đến lúc khánh thành.
3. Chính thức trở thành Giáo xứ và Giáo sở (2005)
Vào ngày 19-02-2005, Giáo họ Thủy Yên đã sang một trang sử mới. Được sự ủy nhiệm của Đức Tổng Têphanô Nguyễn Như Thể, Cha Tổng Đại diện Tanítlaô Nguyễn Đức Vệ cử hành Thánh lễ tạ ơn khánh thành ngôi Nhà thờ mới. Trong Thánh lễ này, ngài công bố:
– Thiết lập Giáo sở Thủy Yên gồm Giáo xứ Thủy Yên và Giáo họ Thủy Cam.
– Công bố vị Quản sở tiên khởi: Cha Phêrô Huỳnh Trọng.
Và sau đây là một số hoạt động thiêng liêng của Cha Quản sở từ ngày đó:
+ 24-10-2004 tổ chức kiệu Thánh Thể từ Nhà nguyện Thủy Cam về Nhà thờ Thủy Yên. Việc này được duy trì cho đến nay vào mỗi dịp lễ Mình Máu Thánh Chúa, luân phiên từ Thủy Cam qua Thủy Yên và ngược lại. Đồng thời tổ chức chầu Thánh Thể theo liên gia vào mỗi thứ 6 hàng tuần từ 12g đến 5g tại Nhà thờ Thủy Yên.
+ Tổ chức đi Đàng Thánh giá liên phái vào ngày thứ 6 Tuần thánh hàng năm.
+ 20 đến 27-04-2013: Tuần Đại phúc do các Cha Dòng Chúa Cứu Thế Huế phụ trách.
+ Lập các đoàn thể công giáo tiến hành: Thiếu Nhi Thánh Thể Micae Hồ Đình Hy (2005), Legio, Phan Sinh, Cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót…
Một số công trình xây dựng phục vụ dân sinh:
+ 23-04-2007, khởi công xây dựng nhà giáo lý – nhà bếp Giáo xứ.
+ 20-05-2007, khởi công xây dựng cầu Bái Đáp (Thủy Yên–Bái Đáp).
+ 31-10-2013 lắp đặt nhà máy lọc nước tinh khiết nhằm phục vụ nhu cầu của bà con trong xã Lộc Thủy (Nguồn nước của xã này từ mấy năm trước bị ô nhiễm vì nhà cầm quyền đã thiết lập bãi chứa và nhà máy xử lý rác thải lớn tại đây).
+ Làm một số con đường liên xóm, liên thôn phục vụ nhu cầu đi lại của bà con lương giáo.
Nhà thờ Thủy Yên – Bên trong
III- HOA TRÁI ĐỨC TIN.
1- Linh mục
– Phaolô Trần Văn Lượng (1915-1947-1974, Dòng Chúa Cứu Thế).
– Phêrô Nguyễn Văn Phước (1973, chịu chức 01-01-2007).
– Giuse Phan Văn Quyền (1975, chịu chức 01-01-2007).
– Phaolô Trần Văn Quang (1978, chịu chức 01-01-2007).
– Giuse Phạm Hữu Quang (1983, chịu chức 08-09-2016).
– Matthêu Phan Văn Tuyên (1984, chịu chức 22-05-2018).
2- Nữ tu
– Matta Nguyễn Thị Kim Ngân (sn: 1988; vk: 2020, Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng).
– Mađalêna Nguyễn Thị Nguyệt (sn: 1997, đệ tử, Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng).
– Matta Trương Thị Châu Thủy (sn: 1998, Thỉnh sinh, Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng). Thủy Cam.
– Julienne Trần Thị Thương (sn: 1913, vk: 1942, qđ: 2003, Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm).
– Maria Catarina Châu Thị Thu Ngân (sn: 1983, vk: 2016, Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm)
– Matta Trương Thị Phương (sn: 1984, vk: 2019, Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm). Thủy Cam.
– Maria Nguyễn Thị Thùy Hương (sn: 1984, vk: 2016, Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm).
– Têrêxa Nguyễn Thị Diệp (sn: 1926, vk: 1978, Dòng Mến Thánh Giá). Thủy Cam.
– Maria Trần Thị Thanh Bình (sn: 1970, vk: 2008, Dòng Mến Thánh Giá).
– Catarina Trần Thị Thi Thi (sn: 1980, vk: 2012, Dòng Mến Thánh Giá).
– Matta Nguyễn Thị Nhật Thúy (sn: 1984, vk: 2015, Dòng Mến Thánh Giá).
– Mađalêna Huỳnh Thị Nin (sn: 1986, tk: 2014, Dòng Mến Thánh Giá).
– Anê Phan Thị Diễm My (sn: 1987, vk: 2019, Dòng Mến Thánh Giá).
– Isave Nguyễn Thị Nguyện (sn: 1989, tk: 2015, Dòng Mến Thánh Giá).
– Agata Nguyễn Thị Kim Tuyến (sn: 1990, tk: 2016, Dòng Mến Thánh Giá).
2- Nam tu và đại chủng sinh:
– Phaolô Phạm Hữu Vinh (sn: 1984, vk: 2019, Dòng Thánh Tâm).
– Phêrô Nguyễn Văn Lời, Thần học IV (niên khóa 2018-2019)
3- Giáo dân (toàn Giáo sở)
– Năm 2010: 1835 người.
– Năm 2015: 1925 người.
– Năm 2020: 1888 người (theo số liệu điều tra của Giáo phận).
*************************************
GIÁO HỌ THỦY CAM
I- VỊ TRÍ ĐỊA LÝ.
Giáo họ Thủy Cam thuộc thôn Thủy Cam, xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhà thờ Thủy Cam cách Nhà thờ Thủy Yên gần 1km về phía Dông.
II- NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN.
1- Những giáo hữu đầu tiên của Giáo họ:
Căn cứ vào Sổ rửa tội quyển thứ 1 của Giáo sở Nước Ngọt, có các ông bà sau đây thuộc Giáo họ Thủy Cam là những tín hữu tiên khởi: Catarina Loan, rửa tội ngày 08-02-1893 và Matthêu Lễ, rửa tội ngày 11-03-1893 do tay Cha Giuse Nguyễn Thế Chánh. Từ những người này, hạt giống đức tin đã triển nở thành một cộng đoàn.
Vào thời Cha Jean Viry (Cố Vị), năm 1933-1934, cộng đoàn Thủy Cam đã có một Nhà nguyện cột gỗ, kèo xuyên[2], mái lợp tranh, vách tre trét bùn cạnh vườn đình làng Thủy Cam, phía bên kia cầu Rào Đình, cách Nhà thờ hiện thời khoảng 1,5 km, nay còn di tích móng xung quanh.
2- Hình thành Giáo họ với Nhà thờ.
Đến năm 1937-1942, khi trở lại làm Quản xứ Nước Ngọt lần 2 với Cha Antôn Trần Văn Đức ở phó, vì thấy ngôi Nhà nguyện bên kia sông nằm ở vị trí bất tiện trong việc đi lại dự lễ của con chiên và hằng năm thường chịu những cơn lũ lụt lớn, Cha Raphael Fasseaux (Cố Phương) đã tìm mọi cách mua đất, mua ruộng, dựng lò nung gạch để xây trường và nhà cho các nữ tu Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm. Năm 1937, các chị chính thức đến phục vụ trên mảnh đất này. Nữ tu Veronique Phạm Thị Ước (sn: 1905, qđ: 1984) là bề trên tiên khởi của cộng đoàn Thủy Cam.
Cộng đoàn nữ tu Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, Thủy Cam
Sau khi xây xong nhà các chị, năm 1938, Nhà nguyện được dời về đây với nền móng đá, tường gạch vôi tạm kiên cố để giáo dân thờ phượng Chúa. Cùng năm, Thủy Cam được lập thành Giáo họ thuộc Giáo sở Nước Ngọt và chia ra 3 phái (xóm đạo).
Tháng 8-1965, chiến tranh bom đạn tàn phá ngôi Nhà thờ. Thời điểm này, vùng đất Thủy Cam không còn an toàn nữa, nên bà con giáo dân phải về sinh sống tại Nước Ngọt.
3- Xây dựng lại Nhà thờ
Sau biến cố 1975, giáo dân Thủy Cam trở về quê nhà làm ăn sinh sống, nhưng chẳng có nơi để dâng Thánh lễ. Lúc bấy giờ, Cha Phaolô Hiển đang là Quản sở Nước Ngọt đã tận dụng mấy phòng học của các chị Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm và dần dần khắc phục, sửa chữa thành nơi thờ phượng. Đó cũng là nhờ sự quan tâm của Đức Tổng Têphanô, sự đồng lòng quyết chí của các chức việc, cùng với sự hiệp lực của bà con tín hữu đã lên núi đốn cây đem về tu sửa.
Ngày 20-01-1999, Cha Giuse Nguyễn Văn Chánh về nhận sở Nước Ngọt thay Cha Phaolô. Thấy tháp chuông làm bằng những thanh sắt tận dụng từ tháp chuông Nhà thờ Thủy Cam cũ, mỗi lần chuông đánh tháp đong đưa không an toàn, Cha Giuse đã xây lại tháp chuông mới. Đồng thời, Cha cũng làm bờ tường rào, dựng phòng học cho các trẻ nhỏ.
Từ tháng 4-2010, các nữ tu có kế hoạch xây dựng lại cơ sở Thủy Cam, nên Cha Phêrô Huỳnh Trọng Quản xứ Thủy Yên cho che rạp tạm thời làm nơi thờ phượng.
Do nhu cầu cấp thiết của Giáo họ cần có một ngôi Thánh đường mới để phục vụ đời sống đức tin của giáo dân vốn gia tăng đáng kể, Cha sở Phêrô đã quyết định mở móng xây dựng lại Nhà thờ, nhà xứ Giáo họ Thủy Cam.
Ngày 23-06-2014 Đức Tổng Giám mục Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng đã về chủ sự nghi thức đặt viên đá đầu tiên xây dựng Nhà thờ Giáo họ này. Cho tới nay (tháng 08-2020) công trình vẫn chưa hoàn thành vì nhiều trở ngại khách quan, trong đó có đại dịch Covid-19./.
Nhà thờ Thủy Cam đang trong tiến trình xây dựng (ảnh chụp ngày 20-06-2019)
—————————————————————————–
[1] Hôn nhân bị ngăn trở về Giáo luật.
[2] Kèo và xuyên là 2 trong 6 cấu kiện của nhà rường ở Huế. Về mặt kết cấu, quan trọng nhất khi thiết kế nhà rường là bộ khung gỗ, hay bộ giàn trò. Đây là một tổ hợp các cấu kiện cột – kèo – xuyên – trến – xà – đòn tay được ráp nối với nhau hoàn toàn bằng liên kết mộng, tạo nên bộ khung vững chắc của công trình. Bộ giàn trò ấy được đặt trên một mặt nền đắp cao thông qua các chân đá tang được đẽo công phu hình vuông, chữ nhật, hình búp sen hay hình trái bí ngô để chống ẩm mốc, và cũng chứng tỏ sự quý giá của công trình (x. https://angcovat.vn/kinh-nghiem-xay-nha/1590-nha-ruong-la-gi-cach-thiet-ke-nha-ruong-lam-tai-hien-a-hon-quea-xu-hue-kn321068.html)
——————————————————————-
Mọi góp ý, bổ sung, điều chỉnh xin vui lòng liên hệ với Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi theo địa chỉ email: witness2005@gmail.com Xin cám ơn quý vị rất nhiều.
Nhóm Biên sử Tổng Giáo phận Huế.