GIÁO SỞ TRÍ BƯU
GIÁO XỨ TRÍ BƯU
GIÁO HỌ QUY THIỆN – GIÁO HỌ LONG HƯNG
GIÁO XỨ TRÍ BƯU
Nhà thờ Trí Bưu
Lược sử
GIÁO XỨ TRÍ BƯU
I- VỊ TRÍ ĐỊA LÝ:
Giáo xứ Trí Bưu (hay Cổ Vưu[1]), giáo hạt Quảng Trị, thuộc vùng đất trước đây gọi là Dinh Cát, vốn là một căn cứ của chúa Tiên Nguyễn Hoàng sau khi ông vào xã Ái Tử để trấn nhậm Thuận Hóa và Quảng Nam (12-1558)[2]. Nay nhà thờ Trí Bưu thuộc phường 2, thị xã Quảng Trị, cách Trung tâm Thánh mẫu Toàn quốc La Vang hơn 6 km về phía bắc và cách tòa Giám mục Huế hơn 57km về phía tây bắc.
II- NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN
1- Hạt giống đức tin được Dòng Tên gieo trồng (1619-1643).
Năm 1615 linh mục Francesco Buzomi (1576-1639), thừa sai Dòng Tên người Ý từ Áo Môn (Macao) đến Hội An, chọn nơi này làm trụ sở, rồi vào Quảng Nam, Phú Yên truyền đạo. Năm 1619, ngài ra kinh đô, tới Dinh Cát yết kiến vị chúa đang cai quản Thuận Hóa và Quảng Nam là Sãi vương Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635), con của Nguyễn Hoàng, để dâng quà lấy lòng và chính thức xin phép được truyền đạo. Với thâm ý dùng các thừa sai để nối chặt và bảo đảm liên lạc thương mại với người Bồ, vốn cần thiết cho những chiến cuộc dự định chống chúa Trịnh ngoài Bắc nay mai (từ 1630), Sãi vương tiếp cha Buzomi cách niềm nở, ban cho cha một tờ chiếu đóng dấu đỏ của triều đình, cho phép cha được tự do truyền giáo trong khắp các vùng xứ nam do ông cai trị[3]. Lợi dụng cơ hội, cha liền đi khắp khu vực bắc Đàng Trong để thi hành nhiệm vụ, sau đó vào lại Hội An.
Như vậy, sớm lắm là vào năm 1619, vùng Dinh Cát (Quảng Trị) trong đó có Trí Bưu, đã được nghe nói đến Tin Mừng.
Theo cố Linh mục Mátthêu Lê Văn Thành, gốc Trí Bưu, làng Trí Bưu theo đạo đời cha A. de Rhodes (Đắc Lộ), do 12 thầy giảng dạy dỗ và rửa tội. Được biết lúc trở về lại xứ Đàng Trong lần thứ ba (1-1642 đến 9-1643), cha A. de Rhodes mới tổ chức hội Thầy giảng như ở xứ Bắc, rồi chia họ làm hai nhóm mà một ra truyền giáo ở bắc Đàng Trong. Như vậy, cư dân Trí Bưu biết đạo sớm lắm cũng vào năm 1642 hoặc 1643.
2- Thành giáo xứ do Hội Thừa sai Hải ngoại (1690)
Từ năm 1664, Hội Thừa sai Hải ngoại Paris (MEP) bắt đầu đến Đàng Trong hoạt động. Năm 1689, thầy Manuen (hay Lôrensô) Huỳnh Văn Lâu được Đức Giám mục Giám quản Louis Laneau (1637-1696) phong chức linh mục tại Thái Lan. Năm sau, trở về Việt Nam, cha được linh mục Tổng đại diện Charles-Marin Labbé gởi ra phục vụ giáo dân ở Dinh Cát.
Trong báo cáo gởi Đức cha Laneau viết ngày 17-2-1691 về chuyến viếng thăm 16 họ đạo do mình phụ trách tại Dinh Cát, cha Lôrensô Lâu có nhắc đến Cổ Vưu (Trí Bưu). Lúc ấy cộng đoàn này có 120 giáo dân nhưng hầu hết đi làm rú, không mấy người ở nhà[4]. Như vậy làng Cổ Vưu đã theo đạo và nên một giáo xứ từ hạ bán thế kỷ 17, vào năm 1690, do Hội Thừa sai Paris thành lập.
Nhưng vào năm 1747, nhân cuộc kinh lý của Đức Giám mục Hilario Costa di Jesu (đang cai quản Giáo phận Đông Đàng Ngoài), giữ chức Khâm sai vào Huế để dàn xếp cho xong những tranh chấp về địa giới mục vụ và truyền giáo giữa các hội dòng[5], một báo cáo gởi lên ngài cho thấy Cổ Vưu, cùng với 11 họ đạo khác ở Dinh Cát, ở dưới quyền cai quản của các cha Dòng Tên. Cổ Vưu lúc đó có 200 tín hữu[6]. Năm 1773, Dòng Tên bị giải thể, nên Cổ Vưu lại thuộc các cha MEP.
Năm 1776, cha Jean Labartette (cố An, MEP), đang coi sóc giáo xứ Thợ Đúc, đã rời nơi này ra ở Cổ Vưu một năm để viếng thăm các họ đạo Dinh Cát.
Năm 1786, cha Jacques Longer (cố Gia, MEP), giám đốc tiểu chủng viện Hòa Ninh (Di Loan, Quảng Trị), phải giải tán chủng viện mà đến ở tại giáo xứ Cổ Vưu một thời gian vắn khi quân Tây Sơn chiếm kinh đô Phú Xuân mà quân Trịnh đã đoạt năm 1775 từ tay chúa Nguyễn.
3- Lớn lên trong gian khổ và bách hại (1798-1862)
Kể từ năm 1771, lúc 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ dấy binh chiếm thành Quy Nhơn; qua năm 1775, lúc chúa Trịnh Sâm đem quân vào chiếm kinh đô Phú Xuân khiến chúa Nguyễn phải chạy vào Gia Định; rồi năm 1786, lúc quân Tây Sơn chiếm kinh đô Phú Xuân từ tay quân Trịnh; đến năm 1802, lúc vua Gia Long thống nhất sơn hà, thì đất nước rơi vào cảnh chiến tranh giành ngôi báu giữa ba phe: Tây Sơn-Trịnh-Nguyễn. Đời sống dân chúng rất cơ khổ, đạo gặp nhiều khó khăn, bị bắt bớ dữ dội.
Trong bối cảnh ấy, Đức cha Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc, 1771-1799) làm Đại diện Tông tòa coi sóc Giáo phận Đàng Trong, nhưng chỉ có thể hoạt động ở miền nam (vì đang phò Nguyễn Ánh), còn các tỉnh ở phía bắc Giáo phận trao cho Giám mục phó Jean Labartette (1784-1823). Đức cha Labartette cũng bị triều Tây Sơn nghi kỵ (do có lần họ bắt được thư của Nguyễn Ánh gởi cho ngài) nên vị Giám mục khi thì ở Phú Xuân, khi thì ở Cổ Vưu, khi thì ở Di Loan, tùy theo tình hình chính trị. Cổ Vưu do đó cũng bị lôi vào vòng xoáy của cơn bách hại.
a- Thời vua Cảnh Thịnh
Ngày 7-8-1798, Cảnh Thịnh bí mật sai 4 cơ binh, mỗi cơ gồm 50 lính, bất thần xâm nhập vào 4 họ đạo lớn: Thợ Đúc, Kim Long, Dương Sơn và Cổ Vưu để tìm bắt Đức Giám mục Jean Labartette nhưng không tìm gặp. Chỉ bắt được cha Emmanuen Nguyễn Văn Triệu tại Thợ Đúc và 32 ông chức việc tại 4 họ đạo nói trên mà sau đó phải trải qua thử thách “cửa sinh-cửa tử”, nghĩa là bị bắt giam trong ngôi nhà có hai cửa sinh môn và tử môn. Ba mươi người bước ra tử môn bị lính cầm gươm chém chết tại chỗ[7].
Sau cuộc lùng bắt thất bại đó, ngày 17‑8-1798, vua Cảnh Thịnh hạ sắc dụ cấm đạo. Một nhóm giáo dân Cổ Vưu và Thạch Hãn chạy vào ẩn trốn tại rú Lá Vằng, nơi họ từng vào đó làm rẫy (về sau gọi là phường Lá Vằng hay phường La Vang). Ban đêm họ họp nhau đọc kinh lần hạt dưới gốc cây đa đại thụ.
Tại đó họ đã nhiều lần được thấy Đức Mẹ hiện ra, mặc áo choàng, tay bồng Chúa Hài Đồng, ban lời an ủi. Tỏ mình cho những tín hữu bị bách hại, đó là nét độc đáo của vị Nữ Vương Thiên Đàng khi đến trên đất Việt, và giáo dân Cổ Vưu đã có vinh dự hiếm hoi ấy.
b- Thời vua Minh Mạng
Vừa lên ngôi, Minh Mạng đã tỏ ra thù ghét Công giáo. Năm 1821, khi các quan đề cập đến Hồi giáo, ông ta nói: “Trẫm cũng ghét đạo của người Âu Châu, trẫm sẽ cấm và bắt bớ đạo cho tới khi tận diệt gốc rễ”. Khi các quan trình bày việc bách hại bên Nhật, Minh Mạng phán ngay: “Những cách ấy không khéo, người Annam có cách diệt đạo hay hơn nhiều”.
Tiếp đó, nhà vua đã ký 7 Sắc lệnh cấm đạo vào những năm 1825, 1826, 1830, 1833, 1834, 1836 và 1838. Vì vậy phó tế Isidore Gagelin (Kính, về sau tử đạo) đã phải được Đức cha Jean Labartette phong chức linh mục ngày 28-9-1822 tại nhà thờ Nhất Đông thuộc giáo sở Thanh Hương chứ không phải tại Cổ Vưu để khỏi lộ bí mật. Chính Minh Mạng cũng đã ra lệnh xử giảo ngài.
Linh mục François Jaccard (Phan) và chủng sinh Tôma Trần Văn Thiện đã bị xử giảo (thắt cổ) năm 1838 tại Nhan Biều, không xa Cổ Vưu là mấy (xem bản đồ).
Biết trong Công giáo có “10 giới răn”, ngày 15-07-1834 vua cho công bố “Thập điều” lấy từ triết học Khổng Tử đem áp dụng vào xã hội (trong đó có điều 7 vu khống mạ lỵ đạo) và buộc tín hữu phải học tập. Giáo dân Cổ Vưu đã phải chịu cưỡng bức nhồi sọ những điều này.
c- Thời vua Tự Đức
Ngay từ khi lên ngôi, Tự Đức đã ra sắc lệnh cấm đạo. Tổng số lên tới 13, ký vào các năm 1848, 1851, 1855, 1857, 1859 và 1860. Nội dung như sau: Ai chứa chấp đạo trưởng sẽ bị phân thây và buông sông (1851). Người Công giáo, dù học giỏi, có khả năng, cũng chẳng được bổ nhiệm giữ chức vụ nào (1855). Giáo dân không chịu đạp lên Thánh giá sẽ bị khắc hai chữ “Tả đạo” trên mặt và đi đầy biệt xứ (1855). Linh mục Việt: đạp Thánh giá hay không đều bị phân thây để nêu gương; Thừa sai: bị trảm quyết, đầu phải treo luôn trong 3 ngày, rồi buông sông hay ném xuống biển (1855). Ai cố chấp xưng đạo: đàn ông sẽ bị cưỡng bách tòng quân, đàn bà bị tuyển làm tôi đòi cho quan lại (1857). Bắt các thành phần trong Hội đồng giáo xứ (1859). Binh sĩ Công giáo không đạp ảnh Thánh giá sẽ bị giải ngũ, bị khắc hai chữ Tả đạo và lưu đầy chung thân (1859). Giới quan lại Công giáo, cả những ai đã chối đạo cũng bị cất chức. Những ai trung kiên sẽ bị trảm quyết (1859). Các nữ tu không được cấp giấy thông hành để di chuyển ngoài địa phương mình đang ở, vì họ là những liên lạc viên đắc lực. Ai bất tuân sẽ bị tù chung thân, hay làm tôi đòi cho quan lại (1860).
Nhưng khủng khiếp nhất vẫn là sắc lệnh Phân sáp toàn diện, ký vào cuối tháng 7-1861, nội dung gồm năm khoản: “1- Già trẻ, lớn bé, nam nữ Công giáo phải phân tán vào các làng lương. 2- Các làng lương phải nhận canh chừng theo tỉ lệ 5 lương canh 1 giáo. 3- Các nhà Công giáo bị phá hủy, đất đai trao cho dân lương canh tác để nộp thuế. 4- Vợ chồng con cái phải tách biệt nhau. 5- Phải khắc chữ “Tả đạo” ở má trái và nơi lưu đày ở má phải”. Cổ Vưu và các họ đạo lân cận sống những ngày tháng kinh hoàng[8]. Thừa sai MEP Théodore Bernard, trong tập “Những tuyên tín nhân từ 1848 đến 1862 tại Bắc Đàng Trong” còn ghi lại hai trường hợp thuộc họ đạo Cổ Vưu.
4- Phát triển dưới thời các vị quản xứ (1867-1972)
Sau thời Phân sáp, bình yên trở lại, Đức Giám mục Giáo phận Hyacinthe Sohier Bình từ nơi trốn tránh Kẻ Sen-Kẻ Bàng cũng về lại Huế, lập tòa Giám mục ở Kim Long và bắt đầu tái thiết Giáo phận. Ngài kêu gọi dựng lại các nhà thờ, nhà xứ để ngài đặt cha sở. Hưởng ứng lời Đức cha, giáo xứ Trí Bưu đã cấp tốc làm một nhà thờ bằng tranh tre và một nhà xứ vào năm 1864.
Giáo sở Trí Bưu (gồm giáo xứ Trí Bưu và các giáo họ Hạnh Hoa, Trí Lễ [Quy Thiện], Ngô Xá, Đá Hàn [Thạch Hãn], Chợ Sãi) lần lượt có các vị quản xứ chính thức như sau:
– Cha Phêrô Đỗ Khắc Nhơn, gốc Thợ Đúc, quản xứ tiên khởi (1867-1874), có cha Phêrô Đặng Văn Minh ở phó. Cha Nhơn qua đời và an táng tại Trí Bưu năm 1874, thọ 53 tuổi, làm linh mục được 19 năm. Ngài là cháu ngoại của thánh Gioan Đoạn Trinh Hoan.
– Cha Gioan Đoạn Trinh Khoan, gốc Vân Dương, cháu nội của thánh Gioan Đoạn Trinh Hoan. Coi sóc Trí Bưu năm 1874. Ngài sẽ bị Văn Thân giết chết vào tháng 9-1885 tại Dương Lộc khi dẫn giáo dân và nữ tu Nhu Lý chạy về đó lánh nạn.
– Cha Anrê Trần Văn Doãn, gốc Da Môn. Quản sở Trí Bưu từ 1874 đến 1879. Có cha François Patinier (cố Kính) làm phó sở. Năm 1877, nhà thờ được chỉnh trang.
– Cha Inhaxiô Lê Văn Huấn, gốc Dương Lệ Văn, làm quản sở từ 1880 đến 1883. Khi coi sóc Bố Liêu kiêm An Lộng (khoảng từ 1884), ngài sẽ từ Huế nghe biết con cái mình, hơn 100 ở Bố Liêu và hơn 175 ở An Lộng bị Văn Thân thiêu sát ngày 07 rồi 12 tháng 9 năm 1885.
– Cha Paul-Émile Mathey (cố Thiện) từ 1884 đến 1887, có cha Giuse Bùi Thông Bửu phó sở. Trong thời ngài, xảy ra biến cố Văn Thân tàn sát nhiều giáo xứ ở Quảng Trị vào đầu tháng 9-1885. Được báo trước, cố Thiện mời gọi cha phó và giáo dân theo mình chạy trốn. Tất cả đồng lòng, nhưng rồi đa phần, trong đó có cha phó, hoặc bị lừa, hoặc ở lại, đều bị Văn Thân tàn sát (xem Phụ lục).
Cuối năm 1885, phước viện (dòng) Mến Thánh Giá Trí Bưu thành lập, thay thế cho 3 phước viện Bố Liêu, Mỹ Hương và Nhu Lý bị Văn Thân tiêu diệt.
– Cha François Patinier (cố Kính) quản sở từ 1887-1895 kiêm quản hạt Dinh Cát. Năm 1889 ngài khánh thành nhà thờ Trí Bưu mới vì nhà thờ do ngài chỉnh trang năm 1877 đã bị cháy vào tháng 09-1885 cùng với 600 giáo dân trốn trong đó. Năm 1923, Đức cha Allys nói rằng chính cha hạt trưởng Patinier đã tạo nên và nâng đỡ một phong trào trở lại rộng lớn trong những năm 1880-1898 ở Quảng Trị.
– Cha Claude Bonin (cố Ninh) từ 1895-1904: thay cố Kinh đảm nhận giáo sở Trí Bưu kiêm La Vang, đồng thời làm quản hạt. Ngài lo cho họ đạo nhỏ La Vang có được một nhà nguyện rộng rãi và to đẹp hơn. Sau một chuyến đi nghỉ dưỡng bệnh, ngài lại về điều hành giáo sở và đều đều đi thăm viếng các họ đạo trong giáo hạt. Các cha Ernest Girard, Pierre Serraz, Adolphe Delvaux, Têphanô Nguyễn Hữu Nông và Giuse Nguyễn Xuân Cảnh ở phó cho ngài. Năm 1900, ngài cổ võ cha Guichard xây dựng nhà thờ Thạch Hãn cùng lăng mộ hai Thánh Phanxicô Jaccard (Phan) và Tôma Trần Văn Thiện ở Nhan Biều. Nhà thờ hoàn thành, vào năm 1901, ngài mở một trường học ở Thạch Hãn rồi ngày ngày đi từ Trí Bưu đến đó để dạy.
– Cha Léopold Cadière (cố Cả) từ 1904 đến 1911, cha Giuse Nguyễn Xuân Cảnh rồi cha Micae Trần Văn Hiệu ở phó. Ngài xây dựng nhà thờ lớn hơn bằng ngói, lập trường cho các nữ tu dạy học. Tại đây, cố Cả bắt đầu nghiên cứu tiếng Việt và tiếng Hán-Việt. Đến tháng 10-1911 ngài rời đi Pháp. Từ 1904, Thạch Hãn tách ra, trở thành giáo xứ độc lập.
– Cha François Lemasle (cố Lễ, sau lên Giám mục) từ 1911 đến 1922, có các cha phó: Micae Trần Văn Hiệu (1911-1912), Antoine Reyne (cố Phú, 1912-1915), Mátthêô Nguyễn Linh Giáo (1912-1918), Phaolô Nguyễn Văn Chuyên (1918-1921), Phêrô Nguyễn Văn Oai (1921-1922). Ngoài quản sở Trí Bưu, ngài còn quản hạt Dinh Cát, lo tu viện Mến Thánh Giá, phụ trách Đền thánh La Vang và các cuộc hành hương. Ngài xây dựng vài công trình mới cho tu viện, đặc biệt một ngôi nhà nguyện rộng rãi và thanh nhã.
– Cha René Morineau (cố Trung) làm quản sở từ 1922 đến 1934, kiêm quản hạt, có các cha phó: Phêrô Nguyễn Văn Oai (1922), Phaolô Bùi Thông Tuần (1923-1925), Phanxicô Nguyễn Cao Đẳng (1925-1927), Giacôbê Nguyễn Linh Kinh (1927-1928), Đôminicô Lê Hữu Luyến (1929-1933), Tađêô Hồ Bảo Huỳnh (1929-1934), Tôma Nguyễn Văn Luật (1933-1936). Đời cố Trung, giáo sở Trí Bưu rất phát đạt. Ngài xây dựng Vương cung Thánh đường Đức Mẹ La Vang (cũ). Trong nhiều năm, người ta thấy ngài cứ mỗi sáng đi xe đạp vượt qua 6 cây số từ Trí Bưu lên La Vang, trải qua cả ngày với thợ, rồi chiều tối trở về. Từ 1922, Thạch Hãn lại trực thuộc Trí Bưu.
– Cha André Chapuis (cố Châu) làm quản sở từ 1934 đến 1936, có cha Mary Cressonier (cố Báu) mới từ Pháp qua, làm phó sở để bắt đầu học tiếng Việt và phong tục tập quán người Việt.
– Cha Antoine Reyne (cố Phú) làm quản sở từ 1936 đến 1941 kiêm quản hạt, phụ trách Đền thánh La Vang, có các cha phó: Gioakim Võ Văn Quang (1936-1938), Giuse Trần Văn Tường (1938-1941). Ngài thực hiện nhiều tu sửa quan trọng tại nhà thờ Trí Bưu, được cha Cadière xây dựng năm 1910: thay nhiều cây gỗ lớn của sườn nhà và đặt một tượng Đức Mẹ lớn trên cao phía sau bàn thờ chính. Từ 17 đến 19-08-1938, ngài tổ chức Tam nhật quan trọng kính Đức Mẹ La Vang.
– Cha André Eb (cố Hương) làm quản sở từ 1941 đến 1948, cha Giuse Trần Văn Tường rồi cha Phaolô Trương Công Giáo phó sở. Tháng 03-1945, Nhật đảo chính lật đổ Pháp. Cha Eb cùng mọi thừa sai cũng như mọi người Âu rải rác khắp Thừa Thiên Quảng Trị đều bị tập trung về Huế. Sau khi Nhật bại trận vào tháng 08-1945, Việt Minh nắm chính quyền thì việc tập trung kéo dài cho tới tháng 10-1946, lúc đoàn quân viễn chinh Pháp đến Huế. Sau đó cha Eb sang Pháp nghỉ một thời gian rồi về lại Trí Bưu cho đến gần cuối năm 1948. Cha phó Giáo xử lý thường vụ trong thời gian cha sở Eb vắng mặt. Cũng từ năm 1945, Thạch Hãn lại trở thành giáo xứ độc lập.
– Cha Giuse Lê Hữu Huệ, gốc Di Loan, làm quản sở từ 1948 đến 1961 kiêm quản hạt Dinh Cát, có nhiều cha phó phụ lực: Đôminicô Nguyễn Văn Nghĩa (1953-1955), Giuse Nguyễn Văn Trinh, Mátthêu Nguyễn Văn Nghi (1955-1956), Phaolô Nguyễn Khắc Hiền (1957), Micae Hoàng Ngọc Bang (1958-1961). Cha Huệ xây nhà thờ Trí Bưu, phía tiền đường theo kiểu Á đông. Sau chiến cuộc Mùa hè Đỏ lửa 1972, nhà thờ bị sụp đổ chỉ còn lại cái sườn. Ngài cũng lập sở cô nhi Trí Bưu, trường tiểu học Têrêxa, tổ chức nhiều hội đoàn: Thanh niên, Nghĩa Binh Thánh Thể, Con Đức Mẹ, Hùng Tâm Dũng Chí, Mẹ Gia Đình.
– Cha Anrê Bùi Quang Tịch, gốc Nam Tây, quản sở từ 1961 đến 1968. Sáng ngày đi nhận Trí Bưu, ngài ưu tư với một cha bạn, muốn thăm dò tình hình giới trẻ của giáo sở thế nào, vị này vui miệng nói: “Với bộ râu như Cha, chẳng thanh niên nào dám đến gần đâu!”. Ngay trưa hôm đó, mọi người ngỡ ngàng khi nhìn thấy cằm cha đã nhẵn trụi, dù bộ râu đã thân thiết với cha suốt mấy mươi năm. Ngài sống rất khó nghèo trong việc sử dụng đồ dùng riêng, nhưng lại rất rộng rãi giúp đỡ kẻ túng thiếu. Đối với những gì liên quan đến nhà thờ và các đồ phụng vụ, ngài không nệ tốn kém.
– Cha Phêrô Lê Văn Ngọc, gốc An Vân, từ 1968-1971: làm nhà thờ mới nhưng chưa xong. Vì giáo xứ Ngô Xá (cách Trí Bưu 4,5km về phía đông đông bắc) vắng bóng linh mục nên được các cha sở Trí Bưu kiêm nhiệm từ 1968 đến 1972. Rồi từ 1975 đến 2003.
– Cha GB Nguyễn Cao Lộc, gốc Dương Lộc, từ 1971 đến 1972. Ngài tiếp tục công trình xây nhà thờ Trí Bưu. Chẳng may chiến cuộc Mùa hè Đỏ lửa xảy ra từ tháng 3-1972, giáo sở tan hoang, bản thân ngài thì bị bắt, sau được phóng thích vào Sài Gòn.
Vì từ tháng 3-1972 đến tháng 10-1973, vùng bắc Quảng Trị lâm vào chiến cuộc khốc liệt nên mọi sự đều tan tành, mọi người đều bỏ chạy vào nam. Cha Tôma Lê Văn Cầu, gốc Trí Bưu, từ cuối năm 1973, ra ở La Vang Thượng, cố gắng làm các nhà thờ tạm ở La Vang Thượng, Thạch Hãn, Trí Bưu, Quy Thiện và Ngô Xá. Năm 1974, ngài quản xứ Ngô Xá kiêm Trí Bưu.
5- Tái xây dựng sau ngày hòa bình (từ 1975)
– Cha Tôma Lê Văn Cầu, quản xứ Trí Bưu từ 1975 đến 1985, có các cha phó: PX. Nguyễn Văn Huy (1975-1979), Antôn Dương Quỳnh (1979-1985). Ngài cũng kiêm luôn Đông Hà, Cam Lộ, Gia Môn, Ngô Xá, Quy Thiện.
Năm 1980, tại Quảng Trị vấp trận lụt lớn, vì quan tâm tới các gia đình gặp nạn, cha Tôma tình nguyện vào Nam kiếm lương thực giúp đồng bào. Chẳng may bị bắt ở Quảng Thuận, giam tù tại Phan Thiết từ 15-12-1980 đến 23-2-1981. Được phóng thích, ngài trở về lại Trí Bưu.
Ngày 15-5-1985, bị mời đi làm việc tại huyện Triệu Hải một tuần. Ngày 23-5-1985, bị quản chế tại Phan Xá, Quảng Trị. Đến ngày 3-7-1987, bị mù mắt và ngất xỉu, nên được phép về Nhà Chung chữa bệnh.
– Cha Antôn Dương Quỳnh, gốc Vĩnh Linh, quản xứ Trí Bưu từ 1985 đến 1996, kiêm các giáo họ Quy Thiện, Thạch Hãn, An Đôn. Ngài xây nhà thờ An Đôn năm 1993 . Trong lòng nhà thờ Trí Bưu đã sập mái, đổ tường, chỉ còn lại bộ sườn bê-tông do chiến cuộc 1972, ngài làm một nhà thờ bằng gỗ. Để giáo dục đức tin cho giới trẻ, cha Antôn thường tổ chức những buổi dao ca, hoạt cảnh tôn giáo sống động và hấp dẫn.
– Cha Antôn Nguyễn Ngọc Hà, gốc Hà Thanh, từ 1996 đến 1999. Ngài xây dựng nhà xứ Trí Bưu mới, to lớn, khang trang và phục chế lăng Tử đạo.
– Cha GB Lê Quang Quý, gốc Kim Long, làm quản xứ Trí Bưu từ ngày 14-1-1999, kiêm các giáo họ Thạch Hãn, An Đôn, An Lưu, Quy Thiện, Ngô Xá, Long Hưng, Ba Lòng.
Lễ Phục Sinh tháng 3/2000, nhà thờ được trùng tu, và sau 1 năm xây dựng đã hoàn thành tốt đẹp, được Đức Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể cung hiến ngày 21-6-2001.
Cha sở GB tiếp tục làm tường rào chung quanh nhà thờ. Ngoài ra, trong khuôn viên nhà thờ còn có các tượng đài Đức Mẹ, Lòng Chúa Thương Xót, Mục Tử Nhân Lành, Thánh Cả Giuse, Núi Taborê, Thánh Don Bosco và các phòng học giáo lý. Ngài trùng tu lăng Tử đạo với ngôi Nhà bia tưởng niệm 600 vị Tử đạo bị quân Văn Thân thiêu sát năm 1885. Tại đất thánh (nghĩa trang) Trí Bưu, ngài cũng dựng tượng đài Pietà, xây tường thành bao bọc. xây dựng Đền thánh Tử đạo Tôma Trần Văn Thiện và Phanxicô Jaccard Phan tại Nhan Biều, cách nhà thờ Trí Bưu gần 2km về phía tây tây bắc.
Cha GB bị bại liệt, phải ngồi xe lăn từ tháng 7/2016, vẫn can đảm và hăng say tiếp tục phận sự mục tử. Ngài đã lần lượt có các cha phó: Giuse Trần Đức Diễn, G.B. Phạm Quốc Huy, Antôn Lê Anh Quốc, Phaolô Trần Văn Quang, Phêrô Phạm Linh Nghi, Gioakim Trần Đình Tạo, P.X. Ngô Văn Ái, Phaolô Nguyễn Tuyên.
– Ngày 10-02-2020, Giáo sở Trí Bưu đón một quản xứ mới là linh mục Giuse Lê Văn Hồng, gốc Phú Kinh. Cha Phaolô Nguyễn Tuyên (phó xứ từ tháng 9-2018) tiếp tục nhiệm vụ tại nhiệm sở. Cha tân quản xứ cũng đồng thời là trưởng ban Giáo lý của Tổng Giáo phận.
Bên trong nhà thờ Trí Bưu hiện thời
5. Vài sự kiện quan trọng trong lịch sử Trí Bưu
a. Tòa Giám mục được thiết lập
Khoảng 1804, đầu triều vua Gia Long (1802-1820), khi đạo được tự do tạm, Đức cha Jean Labartette (1784-1823) đã quyết định lập tòa Giám mục tại giáo xứ Cổ Vưu, sau nhiều năm tháng hoạt động lén lút, khi ở Phú Xuân, khi ở Cổ Vưu, khi ở Di Loan, để tránh sự bắt bớ của nhà cầm quyền.
Làng Trí Bưu đã cúng 2 mẫu 4 sào thổ và 4 sào điền để lập tòa Giám mục và nhà cha sở. Tòa tồn tại tới năm 1823 đời Minh Mạng (1820-1840). Sau biến cố Văn Thân (1885), Đức cha Antoine Caspar (Lộc) dùng sở đất đó mà lập tu viện Mến Thánh Giá Cổ Vưu. (Theo cha Tanítlaô Nguyễn Văn Ngọc, Lịch sử Dòng Mến Thánh Giá Huế).
Được biết tháng 5 năm 1823 nhân lễ sinh nhật vua Minh Mạng, Đức cha Labartette đã “thân hành từ Cổ Vưu vào ở lại họ Thợ Đúc để dọn dẹp lễ vật vào đền dâng vua” (Lm Tanítlaô Nguyễn Văn Ngọc, Lịch sử Giáo xứ Phường Đúc, tr. 83).
Tháng 6-1823, Đức cha Labartette mắc bệnh, được đưa về Cổ Vưu và qua đời tại đây ngày 06 tháng 8 cùng năm, thọ 79 tuổi. Xác ngài được quàn 3 tuần và an táng tại nhà thờ Cổ Vưu[9]. Hiện ngôi mộ ngài nằm tại đất thánh (nghĩa địa) Trí Bưu dưới tượng đài Pietà.
b- Việc tổ chức kiệu Đức Mẹ La Vang
Từ 1867-1885, vào những ngày đầu năm mới, các vị quản xứ Cổ Vưu (vốn kiêm linh địa La Vang) như các cha Đỗ Khắc Nhơn, Đoạn Trinh Khoan, Paul E. Matthey (Thiện) thường tổ chức các cuộc hành hương từ Cổ Vưu lên La Vang, vừa đi vừa phát quang mở đường để kính viếng Mẹ tại ngôi nhà nguyện bằng tranh. Đây là khởi đầu cho truyền thống hành hương Đức Mẹ La Vang vào dịp minh niên. Năm 1885, nhà nguyện này bị Văn Thân đốt nhưng ngay sau đó, Đức cha Caspar (1880-1907) đã cho xây lại một nhà thờ bằng gạch ngói, 15 năm sau mới hoàn thành, đời cha Claude Bonin.
Ngày 8-8-1901, Đức cha Caspar tổ chức đại hội La Vang lần thứ nhất và cuộc rước kiệu cũng khởi hành từ Cổ Vưu vào linh địa. Đức Cha còn đặt ra thông lệ 3 năm đại hội La Vang 1 lần.
Cha Giuse Trần Văn Trang, Đấng sáng lập Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng, từng viết về cuộc kiệu La Vang 1901 như sau: “Hồi ấy chưa có xe lửa, nên thiên hạ đạo ngoại ở kinh… đò nốt các họ trong ngoài đậu chật các bến sông Cổ Vưu, hát xướng đèn đuốc vui vẻ… Các Cha đốc sức trải đò, thắp lồng đèn có hình kiểu nọ thức kia sáng láng chói lọi lộn lên lộn xuống dưới sông, cùng trống kèn ca xướng, lại đốt nhiều pháo bông lạ cho thiên hạ tuôn đến vui xem mà mừng kính Đức Mẹ”. (Trần Văn Trang, Tự tích tôn kính Đức Mẹ La Vang, Imprimerie de Qui Nhơn, 1923).
Trong quá khứ, họ đạo Cổ Vưu đã sống những ngày rước kiệu Mẹ thật tưng bừng và đạo đức. Đến đời Đức cha Paul-Marie Chabanon (Giáo, 1930-1936), việc rước kiệu từ Cổ Vưu vào La Vang mới bị bỏ và chỉ tổ chức tại La Vang mà thôi.
c- Các vị chủ chăn từng đến thăm viếng
Tháng 6-1853: Đức cha Pellerin (Phan), Giám mục chính, kinh lược và ban phép Thêm sức cho giáo hữu Cổ Vưu, dù lúc đó vua Tự Đức đã ra sắc lệnh cấm đạo và truy lùng các Thừa sai.
Tháng 12-1853: Đức cha Sohier (Bình), Giám mục phó, từ Di Loan đã lén lút đến thăm Cổ Vưu, rồi Dương Sơn và An Vân, thậm chí còn truyền chức bí mật cho thầy Phaolô Trần Hữu Ninh tại nhà ông Thường ở An Vân nữa (tài liệu của cố A. Delvaux).
Đặc biệt ngày 27-4-2013 Đức Tổng Giám mục Léopoldo Girelli, đại diện không thường trú của Tòa thánh đã viếng thăm mục vụ và dâng thánh lễ cho cộng đoàn giáo xứ. Cùng đi có 2 Đức Tổng Giám mục PX. Lê Văn Hồng và Têphanô Nguyễn Như Thể.
III. HOA TRÁI ĐỨC TIN
1- Giám mục
Đức Cha P.X. Lê Văn Hồng (1940-1969-2005-Nghỉ hưu)
2- Linh mục
1- Lê Văn Thật (…-1815-…)
2- Lê Thiện Cần (1837-1875-1885).
3- Salêdiô Lê Cung (1887-1897-1903).
4- Phanxicô Xaviê Lê Văn Định (1884-1913-1964).
5- Philipphê Lê Thiện Bá (1891-1918-1981).
6- Giuse Lê Văn Hộ (1907-1936-1969).
7- GB. Lê Xuân Mầng (1911-1941-2005).
8- Matthêu Lê Văn Thành (1919-1945-1999).
9- Tôma Lê Văn Cầu (1922-1955-1999).
10- Giacôbê Bùi Chung (1924-1961-) (Giáo phận Nha Trang)
11- Giuse Lê Viết Phục (1928-1955-2017) (Dòng Chúa Cứu Thế)
12- Phêrô Lê Viết Hoàng (1933-1961-) (Hoa Kỳ)
13- Gioakim Lê Thanh Hoàng (1934-1968-)
14- GB. Lê Văn Hiệp (1939-1968-2001)
15- GB. Lê Văn Tuấn (1957-1990-) (Pháp)
16- GB Lê Quốc Tuấn (1957-1999-) (Hoa Kỳ)
17- Lê Thanh Phục (Dòng Chúa Cứu Thế)
18- Lê Viết Phương (Dòng Chúa Cứu Thế)
19- Lê Thanh Bình (1964-1998-) (Hoa Kỳ)
20- Mátthêu Lê Lực (1965-2007-) (Giáo phận Xuân Lộc)
21- Anrê Lê Văn Hải (1956-1995-) Giáo phận Nha Trang)
22- Gioakim Trần Ngọc Chương (1982-2018-)
23- Cha G.B. Lê Khoa Vi (1985-2018-)
3- Nam nữ tu sĩ và chủng sinh
* Nam tu sĩ
1- Lê Huề (Dòng La San) (+)
2- Lê Văn Mẫn (Dòng Xitô Phước Sơn) (+)
3- Lê Văn Chất (Dòng Thánh Tâm) (+)
4- Lê Phong (Dòng Biển Đức Thiên An)
* Đại chủng sinh
1- Đôminicô Lê Duy Linh
2- Phêrô Lê Anh Cường
3- Phêrô Nguyễn Văn Thành
* Nữ tu sĩ
a/ Dòng Mến Thánh Giá
1- Maria Lê Thị Thuận (sn 1906, vk 1970) (+)
2- Maria Lê Thị Thảo (sn 1906, vk 1977) (+)
3- Maria Lê Thị Nguyện (sn 1912, vk 1972) (+)
4- Matta Lê Thị Bình (sn 1916, vk 1976) (+)
5- Maria Lê Thị Chiếu (sn 1920, vk 1982) (+)
6- Maria Lê Thị Khiên (sn 1922, vk 1978) (+)
7- Mađalêna Lê Thị Phép (sn 1925, vk 1974) (+)
8- Anna Lê Thị Hiệp (sn 1925, vk 1975) (+)
9- Matta Lê Thị Ngọc (sn 1926, vk 1982)
10- Anna Lê Thị Nhiệm (sn 1936, vk 1980) (+)
11- Anna Lê Thị Được (sn 1939, vk 1980) (+)
12- Têrêxa Lê Thị Niềm (sn 1940, vk 1981) (+)
13- Maria Lê Thị Giáo (sn 1940, vk 1981)
14- Maria Lê Thị Hy (sn 1943, vk 1981)
15- Maria Lê Thị Thuận (sn 1949, vk 1980)
16- Maria Lê Thị Vinh (sn 1949, vk 1987)
17- Maria Lê Thị Huyền (sn 1977, vk 2011)
18- Isave Trần Thị Thanh Tịnh (sn 1979, vk 2010)
19- Maria Lê Thị Thanh Khoa (sn 1982, vk 2015)
20- Lê Thị Trợ (SG)
21- Lê Thị Đơn (SG)
22- Lê Thị Thùy Trang (SG)
23- Lê Thị Thanh (SG)
24- Lê Thị Diễm Vân
25- Lê Thị Kim Dung
26- Lê Thị Vân
27- Lê Thị Hồng
b/ Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng
1- Maria Lê Thị Sự (sn 1921, vk 1949, qđ 2010)
2- Maria Lê Thị Lệ (sn 1921, vk 1950, qđ 2006)
3- Matta Lê Thị Hoàn (sn 1926, vk 1953, qđ 2012)
4- Anna Lê Thị Soi (sn 1933, vk 1961)
5- Matta Lê Thị Phương (sn 1934, vk 1961)
6- Matta Lê Thị Thanh (sn 1937, vk 1967, qđ 2017)
7- Maria Lê Thị Châu (sn 1941, vk 1969)
8- Matta Lê Thị Tích (sn 1942, vk 1970)
9- Xêxilia Lê Thị Bình (sn 1950, vk 1980)
10- Maria Lê Thị Bình (sn 1955, vk 1989)
11- Anna Lê Thị Phương Mai (sn 1971, vk 2006)
12- Ysave Lê Thị Huyền Nhung (sn 1976, vk 2008)
13- Ysave Lê Thị Thùy Trang (sn 1984, vk 2017)
14- Anna Lê Thị Khoa Thư (sn 1988, tk 2014)
15- Matta Lê Thị Minh Hương (sn 1991, tk 2017)
c/ Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm
1- Odile Lê Thị Điều (sn 1903, vk 1930, qđ 1967)
2- Rosalie Lê Thị Nghĩa (sn 1904, vk 1931, qđ 2000)
3- Perpétua Lê Thị Phẩm (sn 1902, vk 1932, qđ 1942)
4- Modeste Lê Thị Tri (sn 1950, vk 1979)
d/ Dòng Phaolô
1- Marie Lê Thị Niềm (sn 1952, vk 1975)
2- Lê Thị Triết
3- Lê Thị Chiếu
4- Lê Thị Lân (Pháp)
e/ Dòng Cát-minh
1- Lê Thị Tình
2- Lê Thị Cần
f/ Dòng Nữ Đaminh (SG)
Lê Thị Trang
4. Giáo dân
Năm 2010: 925 người
Năm 2015: 930 người.
Năm 2018: 944 người.
Các hội đoàn:
1- Hội đồng giáo xứ, 2- Legio Mariae, 3- Gia đình Cùng Theo Chúa, 4- Hiền Mẫu, 5- Giới Trẻ, 6- Thiếu Nhi Thánh Thể, 7- Hiệp Hội Mến Thánh giá Tại thế, 8- Ca Đoàn, 9- Bác Ái Vinh Sơn, 10- Lễ Sinh.
**********************************
GIÁO HỌ LONG HƯNG
Nhà thờ Long Hưng (hiện trạng)
Giáo họ Long Hưng có nhà thờ nằm trên quốc lộ 1A, gần Cầu Trắng, thuộc làng Long Hưng, xã Hải phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, cách nhà thờ Trí Bưu khoảng 2km về phía nam. Nhà thờ được xây dựng từ năm 1955-1956 do một giáo dân giáo họ, tổng diện tích 1220m2.
Trước 1975, giáo họ vẫn luôn có các cha quản xứ trông coi, nhưng nhà thờ hình Thánh giá vuông (2 cạnh bằng nhau, ở giữa có tháp hình vuông nhô cao) thì đã bị hư hại vì chiến cuộc Mùa hè Đỏ lửa 1972 và một số giáo dân đã chạy vào các trại tạm cư Non Nước ở Đà Nẵng từ đó.
Sau 1975, giáo dân thì tản mác khắp nơi, nhà thờ lại bị hư hại nặng từ trước, nên không được phép xây dựng lại. Mặc dầu vậy, hằng năm, vào ngày bổn mạng của Giáo họ (lễ thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu 01-10), các linh mục trong Giáo hạt Quảng Trị cũng đồng tế với cha quản hạt, một vài giáo dân Long Hưng đứng ra tổ chức lễ và giáo dân trong Giáo hạt về tham dự đến vài trăm người.
Hy vọng rằng nhờ lời cầu nguyện của các vị tiền bối nơi đây, Thánh nữ Têrêxa quan thầy và con cháu khắp nơi, giáo họ Long Hưng sẽ hồi sinh, ngôi nhà nguyện được phục dựng.
**********************************
GIÁO HỌ QUY THIỆN
1- Vị trí địa lý
Nhà thờ Quy Thiện thuộc xã Hải Quy, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, cách nhà thờ Trí Bưu khoảng 1k50 về phía đông.
2- Nguồn gốc hình thành và quá trình phát triển
Giáo họ Quy Thiện hình thành khoảng năm 1846, lúc đó gọi là làng Trí Lễ. Nhà thờ được làm bằng tre lợp tranh ở nơi nay là xóm đò, còn gọi là Gai. Trong làng có hai họ lớn nhất là Lê Thanh và Nguyễn Duy. Vào thời gian nầy, làng Trí Lễ có khoảng vài chục gia đình Công giáo.
Thời Văn Thân tấn công hạt Dinh Cát (1885), một số tín hữu Trí Lễ bị giết ở ngoài đồng, bởi chính những kẻ đồng hương. Có những địa danh mà giáo dân còn nhớ là Lăng Hồ và Khuông Lăng, nơi đó có những tín hữu tử đạo do quân Văn Thân sát hại.
Đến năm 1930, đời cố Morineau Trung, một nhà thờ nhỏ được xây dựng ở xóm Hội, tức xóm đạo bây giờ. Nhà thờ cột mít, 4 vài, cao 2m, tháp 7m, lợp ngói âm dương. Đến năm 1945 gió đánh tuột ngói, mái trên lợp lại bằng tranh sau đó cũng cháy luôn.
Đời cha Giuse Lê Hữu Huệ làm quản xứ Trí Bưu kiêm Quy Thiện, ngài mua 4 vài cột của ông thân cha Tôma Lê Văn Cầu và lợp lại năm 1947; khi ấy giáo họ có khoảng 15 gia đình. Đến đời cha Anrê Bùi Quang Tịch (1964), lúc giáo xứ có khoảng 18 gia đình, một ngôi nhà thờ được xây dựng dài 18m, rộng 7m, tường cao 4m, tháp cao 11m. Tới chiến cuộc 1972, nhà thờ bị bom đánh sập. Sau khi hồi cư, hầu hết giáo dân đi vào Nam, chỉ về lại vỏn vẹn 8 gia đình, Thời cha Tôma Lê Văn Cầu làm quản xứ La Vang Thượng, giáo họ dọn lại ngôi Thánh đường và tu sửa để cử hành Thánh lễ vào tháng 3-1974.
Từ năm 1975, giáo họ Qui Thiện nằm trong giáo sở Trí Bưu. Giáo dân gồm có 21 gia đình, 87 nhân khẩu, có một số đi làm ăn xa.
Sau những ngày tháng chiến tranh, đến năm 1978, nhà thờ gỗ được thay lại bằng vài sắt và lợp ngói. Giáo họ lúc ấy có khoảng 27 gia đình và 104 người, vẫn trực thuộc cha quản xứ Trí Bưu.
Nhà thờ được xây dựng lại năm 2003 và khánh thành vào dịp lễ Chúa Giáng Sinh năm đó.
Bổn mạng là Thánh Phêrô Tông đồ mừng vào ngày 29-6 hằng năm.
Ngày 20-7-2013, lần đầu tiên giáo họ Quy Thiện có một nữ tu Maria Nguyễn Thị Thùy Dương khấn trong Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng Phú Hậu Huế. n
*************************************************************
PHỤ LỤC 1
CÁC DI TÍCH THUỘC GIÁO XỨ TRÍ BƯU
1. Lăng Tử đạo Văn Thân.
Lăng và bia Tử đạo Trí Bưu
Lăng tử đạo Trí Bưu, nơi chôn cất cha Giuse Bùi Thông Bửu và 600 giáo dân bị Văn Thân thiêu sát tại nhà thờ Trí Bưu ngày 7-9-1885. Lăng nằm trên đường Trần Bình Trọng, cách nhà thờ Trí Bưu gần 225m về phía nam, và cách Đất thánh (Nghĩa trang giáo xứ Trí Bưu) đó khoảng 250m về phía đông.
2. Mộ Đức cha Jean Labartette tại nghĩa trang Giáo xứ.
Thoạt đầu, Đức Cha được an táng trong nhà thờ. Năm 1971 khi Trí Bưu làm lại nhà thờ, hài cốt Đức cha và một số cha khác đã được đem lên đặt vào một hầm mộ trên cao sau cung thánh. Nhưng hiện nay, hài cốt của các ngài được chôn cất tại Đất thánh của Giáo xứ.
Mộ Đức cha nằm ngay dưới chân tượng đài Pietà (Mẹ Sầu Bi), tọa lạc ở trung tâm Đất thánh (nghĩa trang). Trong nghĩa trang này cũng có mộ của cha Henri Valour (cố Hoan), tử nạn vì mìn ngày 22-02-1966 tại Đông Hà, mộ hai nữ tu Anna Tùy và Matta Mai đã bị sát hại ngày 29-4-1947 tại vùng Thanh Hương. Sau khi hiệp định Genève năm 1954 được ký kết, hòa bình lập lại, Phước viện MTG Trí Bưu đã thực hiện việc tìm kiếm nơi chôn vùi xác hai chị. May mắn tìm được, nên đã đưa di cốt hai chị về an táng tại khu mộ của Nhà Phước MTG Trí Bưu nằm trong nghĩa địa của giáo xứ Trí Bưu. Nữ tu Anna Tùy là chị ruột của Đức Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể.
3. Đền Thánh Jaccard Phan và Tôma Thiện.
Đền Thánh Jaccard Phan và Tôma Thiện và tọa lạc ở thôn Nhan Biều, cách giáo xứ Trí Bưu khoảng chừng 2km về phía tây tây bắc. Nơi đây là pháp trường mà vua Minh Mạng đã ra lệnh xử giảo 2 ngài ngày 21-9-1838.
Năm 2010, Đức Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể đã giao cha quản hạt Quảng Trị GB. Lê Quang Quý xây dựng Đền thánh cho 2 ngài (thời cha Claude Bonin mới chỉ xây lăng mộ). Anh em cựu chủng sinh Huế trong và ngoài nước cùng với các ân nhân khắp nơi đã tích cực đóng góp để hoàn thành Đền thánh tốt đẹp.
Đền thánh Jaccard Phan và Tôma Thiện
****************************************
PHỤ LỤC 2
GIÁO SỞ TRÍ BƯU BỊ VĂN THÂN TÀN SÁT
Trích “Một trang huyết lệ trong lịch sử tỉnh Quảng Trị – Tháng chín tây năm 1885”. Tác giả: Công sứ Jabouille (Bulletin des Amis du Vieux Hué, 10è année, No 4. Octobre-Décembre 1923. Pages 395-426). Dịch, bổ chính và chú thích: Linh mục Adolphe Delvaux. Ha Noi, Imprimerie Trung Hòa, 1941. Trang 13-19.
Từ lúc đó, phái Văn Thân làm chủ tỉnh thành và toan mưu bắt quan Tuần-vũ. Tức thì một đoàn binh do phái Văn Thân tổ chức và chỉ huy, có khí giới hẳn hoi, đi về phía Chợ-Sãi mà quan Tuần-vũ đang ở đường ấy trở về, có đông quân lính mang khí giới theo hầu. Quan Tuần không kháng cự gì hết, lại đầu phục bọn Văn Thân, nên họ không làm hại, và chỉ yêu cầu đóng ấn vào tờ, để truyền cho binh lính cứ giữ khí giới, dầu khi ấy đã có lệnh ở Huế truyền phải giải binh.
Họ nhắc lại cho các làng mật lệnh năm 1883, giục nhân dân trốn các làng phải lo chu cấp khí giới, binh lính, lương thực, tiền của, ghe thuyền, vân vân… tùy theo sự nhu cầu các vệ binh, và phải xem xét kỹ lưỡng những người lạ mặt vãng lai. Cố Thiện vừa đến Cổ-Vưu, thì nghe một tiếng nổ dội trời long đất do trong thành bắn ra. Đó là dấu hiệu báo sự thắng trận của phái Văn Thân và sự tuyên bố thiết quân luật.
Lập tức cố Thiện viết thư báo cho quan tướng de Courcy ở Huế rõ những việc xẩy ra và những nỗi éo le của giáo dân, và ngài cũng viết cho Đức cha Lộc (Mgr Caspar) mảnh giấy sau nầy: “Kính lạy Đức Cha, phái Văn Thân đã lấy tỉnh thành Quảng Trị rồi, tình cảnh chúng con rất éo le. Đức Cha có thể làm gì cứu chúng con được không? Nếu chúng ta không gặp nhau ở đời này nữa, thì xin giã từ Đức Cha, con đã quyết hy sinh “chiều Chúa nhựt””.
Rồi chiều lại, cố Thiện chiêu tập con chiên của mình hội lại trong nhà thờ đông gần tám trăm, ngài giảng cho họ nghe, khuyến khích họ và giải tội lòng lành cho họ. Nhưng cái tấn kịch một đàn chiên, mà đại đa số là đàn bà và con nít, sắp sửa bị chết một cách chắc chắn làm cho ngài suy nghĩ và liền thúc giục ngài quyết định dìu dắt họ đào nạn. Ngài tỏ cho họ biết những nỗi lo sợ vì cái cảnh éo le, đoạn ngài khuyến khích họ hợp lại từng đoàn mà theo đường núi hiểm trở để chạy vào trốn trong hội giáo ở địa đầu tỉnh Thừa Thiên. Ngài đem hết lòng hăng hái và quả quyết mà thực hành cái định kế ấy, lúc thì hăm doạ, lúc lại khẩn nài đoàn chiên mình phải theo gót mình để bảo toàn tính mạng. Dẫu nghe lời cố nói lý gì, dẫu thấy sự hiểm nghèo sắp đến, cũng không làm cho họ hết do dự: người thì không đành trốn nơi chôn nhau cắt rún, bỏ nhà lìa cửa, người lại đã lâu ngày nghe hăm doạ bắt bớ, nên coi những sự ấy làm thường, không có thể tin rằng có một ngày người ta thực hành những điều hăm doạ ấy. Tại không muốn nghe, lại tại lầm, nên làm cho gần sáu trăm (600) giáo dân phải thiệt mạng.
Cố Thiện đã chọn xóm La-Vang làm nơi gặp nhau trước khi do đường núi chạy vào Huế. Theo thì giờ đã định, chiều ngày mồng sáu, ngài cải trang ra đi với một vài người đồng hành. Cha phó của ngài là cha Bửu, phải dẫn những giáo dân còn lại mà theo ngài. Khi đã đi ngang qua các làng lương dân, khỏi bị chúng nhìn nhận và khuấy nhiễu, cố Thiện bây giờ sai người báo tin cho cha Bửu phải vội vàng đi cho kịp. Khi cha Bửu và các bạn đồng hành vừa đến La-Vang, thoạt nhiên họ nghe những tiếng la kêu inh ỏi, họ kinh hoảng nên chạy tan tác, cha Bửu trở lui vì tin chắc chắn rằng: điều ấy không sao giải được, cố Thiện đã bị phái Văn Thân bắt rồi.
Về sau, người ta rõ rằng những tiếng la inh ỏi đó là những tiếng của các người kêu nhau và không dính líu gì hết với sự giáo dân đào nạn. Dẫu sao đi nữa, cha Bửu với các bạn đồng hành bị làng Long-Hưng bắt và trói lại; có lẽ cha Bửu được thả ra, nên ngài trở về nhà thờ mình mà chịu chết.
Còn cố Thiện ẩn núp trong bụi mà đợi, nhưng vô ích, cha phó mình và các bạn đồng hành của ngài không thấy đến. Cố Thiện không dám ngủ lại trong xóm La-Vang, nên ngài nằm ngoài đồng và hôm sau ngài gặp một số ít bổn đạo đã theo ngài.
Ngài tỏ cho họ biết cái sự quyết định của ngài là phải do đường núi mà vào Huế. Dẫu cực khổ đến đâu cũng phải thực hành cái định kế ấy, vì phàm người giáo dân nào mà lọt vào tay phái Văn Thân thì phải giết hại một cách thảm khốc.
Một người lương dân ở xóm La-Vang, có lòng thương, xin thân hành dẫn đầu giáo dân đào nạn theo những con đường hiểm trở mình từng thuộc biết. Sau hết quyết định khởi hành ngày hôm sau để đợi cha Bửu có thì giờ mà theo.
Cố Thiện trốn trong một nhà có đạo, bất ngờ nghe những sự bàn tán của đồng đảng của phái Văn Thân, ngài muốn tránh sự thù hằn đã lụy đến chủ nhà, nên ngài vội vàng chạy ra ẩn núp cả đêm ngoài bụi. Gần hai trăm giáo dân theo ngài, nhưng dẫu mà ngài khẩn nài thế nào, họ cũng từ chối không chịu theo ngài chạy vào Huế, vì họ nói rằng họ muốn ở lại La-Vang mà xem những thời cục xoay vầy ra sao. Cố Thiện thấy họ cứng cỏi không muốn nghe, mà mình khuyên bảo mấy cũng vô hiệu, ngài liền khởi hành ngày mồng 7 tháng 9 tây với một vài người mà thôi. Đứng trên những đồi núi lúp xúp, ngài thấy các làng giáo dân thuộc về miền Dinh-Cát bị đốt phá tan tành.
Ngày hôm sau, mồng 8 tháng 9 tây, đoàn ngài trốn nạn, nào bị đói khát, nào bị say nắng, nhiều giáo dân phải nằm ngay giữa đường và vì sức mỏn, nên không theo được nữa. Sau hết người hướng dẫn họ báo cho họ biết rằng họ đã gần đến họ Ba Trục, ở đất người ta thấy cái tình cảnh khốn đốn của cố Thiện và các bạn đồng hành của ngài, làm cho người ta kinh khủng và vội vàng đi đón những người trì hoãn cùng cấp cứu những người đã ngã dọc đường vì đói mệt.
Ai nấy đều tưởng cố Thiện đã bị giết, nhưng ngài đến Huế ngày 9 tháng 9 tây. Ngày hôm trước, là mồng 8 tháng ấy, quan tướng de Courcy đã phái một toán binh ra tái chiếm tỉnh thành Quảng Trị. Cố Lý (về sau là Đức Cha Lý, Giám mục địa phận Huế) đồng đi với toán binh ấy. Ngài còn ghi nhớ rõ ràng những cái thời cục thảm hại ấy (xem l’Annam… par le Général X, page 31: Compagnie Roy-M. Hamelin haranguant les lettrés renfermés dans la citadelle de Quangtri).
Sau khi khuyến khích mà ít ai nghe, cố Thiện lìa địa sở Cổ Vưu, ngài đi rồi, thì tám trăm giáo dân, một phần giải tán khắp làng, còn một phần khác mà đại đa số là đàn bà với con nít chạy vào nhà thờ đóng bịt cửa lại mà ẩn núp.
Buổi mai ngày 7 tháng 9 tây, ông Đội Cự, tướng Văn Thân, chia toán quân mình ra làm hai đoàn: đang lúc đoàn nọ bổ vây làng Cổ Vưu, thì đoàn kia lùng khắp đàng sá để đuổi giáo dân về ngả nhà thờ. Những giáo dân nào đang ở trong nhà thì bị tàn sát, còn nhà cửa thì bị phóng hoả hủy phá. Có lệnh truyền thi hành một cách rất nghiêm nhặt, nên vào lúc trưa những giáo dân còn lại chạy về nhà thờ mà đã chật cứng những người đang đọc kinh lớn tiếng, và họ đoán trước rằng giờ chết đã gần đến.
Nhưng phái Văn Thân còn do dự, chưa dám xông chiếm nhà thờ. Cửa lớn và cửa nhỏ đều đóng bịt lại một cách rất kiên cố, đó là lần thứ nhứt mà phái Văn Thân mục kích một lũ giáo dân đông đúc đáng sợ, tập trung lại như muốn để kháng cự vậy.
Từ trước đến bây giờ, ở miền Nam Huế và Bắc Trung-kỳ, người ta chỉ đuổi bắt những giáo dân lẻ loi trong nhà họ. Sự giáo dân tập trung đông đúc như thế, đây là một dấu hiệu muốn kháng cự hay sao? Họ có khí giới không? Đó là những câu hỏi làm cho phái Văn Thân rất lo ngại. Không ai dám đề xướng và thực hành ngay sự tàn sát, nên phải lui binh để tránh mũi đạn bắn ra quá gần, vì tưởng ở trong nhà thờ có nhiều súng đạn.
Lúc bấy giờ, một tay Văn Thân la lên rằng: “Cứ tiến mà! Họ không có khí giới đâu, có gì mà sợ?” Phái Văn Thân liền tiến, một thần công, hầu bắn cho đích, họ đem chĩa vào cửa chính thánh đường rồi bắn hai phát. Lại gần cửa sổ, phái Văn Thân chĩa súng bắn đám đông giáo dân đang chen chúc nhau trong nhà thờ mà họ không thèm kháng cự và đào thoát. Bấy giờ phái Văn Thân muốn cho sự tàn sát kết liễu, nên họ đem rơm do cửa lớn cửa nhỏ tống vào mà phóng hoả. Bởi thế nhà thờ liền hoá ra đống than lửa rất lớn. Hễ người nào không bị chết cháy, thì bị chết ngột vì khói bao phủ, hoặc bị mái nhà đang cháy đổ sụp xuống đè chết. Một vài giáo dân muốn đào thoát, thì bị phái Văn Thân dùng mác xô đẩy vào trong đám cháy, hoặc bị giết lập tức.
Ngày 12 tháng 9 tây, lúc quân Pháp đến, thì họ chỉ thấy một đống bốn trăm thây chết hôi hám. Di thể của cha Bửu khó mà nhìn nhận, vì đã bị chém một cách ghê gớm; còn những xác khác, nhất là đàn bà con trẻ, đều bị tan xương nát thịt. Phía sau nhà thờ cuối cùng mới đổ sụp, đè vùi những người sống sót lại sau. Cố Lý thấy trong nơi ấy có xác một đứa trẻ kia còn buộc với xác mẹ nó. Cách đó vài bước, một bà già bị trọng thương ghê gớm nơi cổ mà đã sảng sốt, nên vừa thấy ngài thì kêu lên rằng: “Xin cứ giết tôi đi, tôi không bỏ đạo đâu”. Một người trai mà cố Thiện đã giao vài đồng bạc trước khi ngài lánh nạn, thì lúc bấy giờ đã hai ngày nằm trốn dưới hồ sen trước mặt nhà cha sở, rày là chỗ nhà phúc mấy chị Mến Thánh Giá.
Người ấy nghe những tiếng rên rỉ của những kẻ hấp hối, những chuyện bàn bạc của phái Văn Thân, nên về sau tường thuật lại những vai tuồng các yếu nhân trong đảng Văn Thân đã đóng trong tấn tuồng tàn sát thảm khốc kia.
Chúng ta đã thấy nhiều giáo dân đã lìa Cổ Vưu mà theo cố Thiện còn ẩn núp trong miền sơn cước gần làng họ. Nhưng sợ toán binh Văn Thân đi tuần thám, thì họ phải chạy vào trốn trong rừng xanh. Vì quá đói khát nên một vài người đánh liều lén về đồng nội kiếm môn khoai độ khẩu, nhơn đó mà nghe tiếng kèn tây thổi về hướng tỉnh thành. Mầng quá họ chạy về ngả ấy vừa gặp cố Lý, ngài cho ăn uống đỡ đói, rồi họ vội vàng trở lại rừng xanh báo tin để các bạn lánh nạn biết cho khỏi lo sợ.
Được tin mầng, giáo dân lánh nạn từ rừng xanh kéo nhau về Quảng Trị, không ngờ đàng sá đảng Văn Thân còn phòng triệt, nên độ ba mươi người bị bắt và tàn sát thêm nữa.
Bởi thế ông Thoàn bị giết, nhưng mà trước khi chết ông xin cái đặc ân chết trên đất của nhà thờ La-vang đã bị đốt phá. Hai mươi chín bạn đồng hành bị trói lại rồi đốt thiêu trong nhà thờ.
Tám ngày sau khi quân Pháp chiếm giữ tỉnh thành, những giáo dân tản lạc hoặc chưa sa vào tay đảng Văn Thân, mới đến Quảng Trị mà đã kiệt sức rồi.
Nói rút lại, trong số tám trăm giáo dân của hội giáo Cổ Vưu, sáu trăm đã bị tàn sát, còn nhà thờ và nhà cửa của giáo dân, thì chỉ còn lại những đống tro tàn khói lên nghi ngút.
Những họ nhánh của địa sở Cổ Vưu, là Hạnh-Hoa, Trí-Lễ (rày là Qui-Thiện), Ngô-Xá, Đá-Hàn (ct: Thạch Hãn), Chợ Sãi, cả thảy có 4 trăm giáo dân. Trong số ấy chỉ còn lại 80 người sống sót. Hạnh-Hoa và Đá-Hàn cũng đã chịu một cái số phận đốt phá như Cổ Vưu vậy.
Những giáo dân ở Chợ Sãi bị tàn sát không sót một người. Còn bổn đạo họ nhánh Trí-Lễ, thì bị đảng Văn Thân đồng hương chém giết, những đảng Văn Thân làng ấy rất tàn ác. Chính mình họ khi thấy giáo dân Cổ Vưu tan tác chạy trốn ngoài đồng, họ bắt lại mà chém giết. Bởi thế quân Pháp và cố Lý thấy những tử thi giáo dân rải rác ngoài đồng ruộng.
———————————————————————————-
[1] Tên gọi Cổ Vưu/Trí Bưu có nguồn gốc như sau: Thời triều Trần, triều Hồ có tổ chức một nhà trạm tại Quảng Trị để lo việc liên lạc công văn thư từ như kiểu bưu điện bây giờ. Về sau cộng đồng cư dân ở trên vùng đất xây nhà trạm đó được gọi là làng “Cổ Bưu”, đọc trại ra là Cổ Vưu. Đến thời triều Nguyễn, nhà nước cũng chọn làng Cổ Vưu để xây nhà trạm lấy công văn thư từ và cải tên thành làng Trí Bưu (trạm thư tín).
[2] Theo sử cũ, vùng đất dựng nghiệp của chúa Tiên Nguyễn Hoàng bao gồm cả Thuận Hóa và Quảng Nam (từ Quảng Bình đến bắc Phú Yên), nhưng các căn cứ của ông đều được xây dựng trên đất Quảng Trị. Trấn dinh đầu tiên đặt ở xã Ái Tử, năm 1570 dời sang làng Trà Bát, năm 1600 dời về đông Ái Tử (tức Dinh Cát, hay Cát Dinh). Đến năm 1626, chúa Nguyễn Phúc Nguyên cho chuyển dinh phủ vào làng Phước Yên (nay thuộc huyện Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế), chấm dứt 68 năm vùng đất Ái Tử – Trà Bát thuộc huyện Vũ Xương, phủ Triệu Phong cũ là lỵ sở của chính quyền họ Nguyễn ở Đàng Trong. (theo https://thanhnien.vn/van-hoa/dinh-chua-tien-nguyen-hoang-tai-quang-tri-duoc-xep-hang-di-tich-quoc-gia-1048638.html
[3] Xem Linh mục Nguyễn Hồng, Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam. Quyển I. Nhà xb Hiện Tại, 1959, trang 81.
[4] Adrien Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine. Documents historiques I (1658-1728). Paris, Téqui, 1923. Trang 41-5-421, đặc biệt trang 417. Rú đây có thể là khu rừng lá vằng ở về phía nam Cổ Vưu mà sau này sẽ được mang tên phường La Vang hay phường Lá Vằng (thời vua Gia Long) và trực thuộc làng Cổ Vưu. Trực thuộc giáo xứ Cổ Vưu đến độ Đức Giám mục Hyacinthe Sohier khi xin phường La Vang đó làm nơi xây dựng sở dục anh (nuôi trẻ mồ côi nạn nhân Phân sáp) vào năm 1864 thì đã bị giáo xứ Cổ Vưu từ chối không chấp thuận.
[5] Những tranh chấp mà Đức Khâm sai Elzéar-François des Achards de la Baume chưa giải quyết xong năm 1739.
[6] Adrien Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine. Documents historiques II (1728-1771). Paris, Téqui, 1924. Trang 41-5-421, đặc biệt trang 417.
[7] L.-E. Louvet, La Cochinchine religieuse I. Paris, Challamel Ainé, 1885, tr 470-471.
[8]http://gpbanmethuot.com/giao-duc-kito-giao/doc-lai-lich-su-cong-giao-viet-nam-bi-cam-va-bach-hai-43077.html
[9] Adien Launay, Sđd, t. III, tr. 490-492.
————————————————————————————–
Mọi góp ý, bổ sung, điều chỉnh xin vui lòng liên hệ với Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi theo địa chỉ email: witness2005@gmail.com Xin cám ơn quý vị rất nhiều.
Nhóm Biên sử Tổng Giáo phận Huế.