Lược sử Giáo sở Vinh Hòa

04/04/2020

GIÁO SỞ VINH HÒA

GIÁO XỨ VINH HÒA

GIÁO HỌ NAM TRƯỜNG – GIÁO HỌ THÁNH TÂM

GIÁO HỌ ĐÔNG DƯƠNG – GIÁO HỌ ĐƠN CHẾ

GIÁO HỌ MỸ Á – GIÁO HỌ NGHI GIANG

Nhà thờ Vinh Hòa hiện nay

GIÁO XỨ VINH HÒA

I- VỊ TRÍ ĐỊA LÝ

Giáo sở Vinh Hòa, giáo hạt Hải Vân, nằm ở vị trí cuối cùng của doi đất Thuận An-Tư Hiền, thuộc huyện Phú Lộc, hiện gồm giáo xứ Vinh Hòa, 2 giáo họ lớn Thánh Tâm, Nam Trường (có nhà thờ) và 4 giáo họ nhỏ: Mỹ Á, Đông Dương, Nghi Giang, Đơn Chế[1].

Nhà thờ Vinh Hòa cách tòa Tổng Giám mục Huế chừng 44km theo đường bộ, hơn 34km theo đường chim bay, về hướng đông nam.

II- NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

1- Từ một chiến dịch truyền giáo rộng rãi (1885)

Theo tài liệu của linh mục Tanítlaô Nguyễn Văn Ngọc, linh mục Giuse Nguyễn Văn Hội và ông Batôlômêô Nguyễn Văn Dũ[2], khoảng giữa thập niên 1880, dưới thời Đức cha Antoine Caspar (Lộc), tại vùng biển tỉnh Thừa Thiên có nhiều người, cả giới nho sĩ, quan lại cấp nhỏ muốn tìm hiểu và xin học đạo, sau khi một chiến dịch truyền giáo được phát động rộng rãi khắp giáo phận, nhằm khôi phục dân số Công giáo bị giảm thiểu do các cuộc tàn sát của Văn Thân (1883-1886). Một vài giáo dân Phủ Cam đã được gởi đến tiếp xúc, dạy đạo cho số người nầy tại Diêm Tụ (xã Vinh Thái, huyện Phú Vang), Nam Trường, Nghi Giang (xã Vinh Giang, huyện Phú Lộc)…

Theo sổ sách ghi lại, năm 1885, Lm E.M Allys (Cố Lý), quản sở Phủ Cam kiêm quản hạt Bên Thủy (từ bờ nam sông Hương vào đến chân đèo Hải Vân) đã tổ chức một trường dạy giáo lý tại làng Diêm Tụ; ngài cử cha phó Anphong Trần Bá Lữ (1845-1913) phụ trách các lớp giáo lý ấy. Một số người Nam Trường, Nghi Giang đã theo học và đã được rửa tội vào thời gian này[3].

Năm 1885 được xác định là cột mốc lịch sử mở đầu cho việc hình thành giáo xứ Nam Trường và giáo sở Vinh Hòa ngày nay.

2. Khởi từ Nam Trường như giáo họ.

 

Nhà thờ Nam Trường hiện nay

2.1. Nam Trường, Nghi Giang và Mỹ Lợi thuộc giáo sở Diêm Tụ (1889-1894)

Năm 1889, số tân tòng vùng hạ bạn[4] và vùng biển tăng nhanh nên Đức Cha Caspar (Lộc) lập một giáo sở mới là Diêm Tụ (bên này đầm Thủy Tú) và cha François Antoine Stoeffler (cố Thể) được đặt làm quản sở tiên khởi (1890-1908). Nam Trường, Nghi Giang và Mỹ Lợi lúc ấy là ba giáo họ (bên kia đầm Thủy Tú) trực thuộc giáo sở Diêm Tụ. Cha Micae Dương Đức Kỳ, phó Diêm Tụ (1893-1902) đi lại dạy dỗ và dâng lễ cho ba giáo họ này.

2.2. Nam Trường, Nghi Giang và Mỹ Lợi thuộc giáo sở Hà Úc lần nhất (1894-1912)

Năm 1894, Đức cha Caspar (Lộc) lập một giáo sở mới ở vùng biển gọi là giáo sở Hà Úc, ba giáo họ Nam Trường, Nghi Giang và Mỹ Lợi được chuyển sang trực thuộc giáo sở này lần thứ nhất. Cha Jean-Marie Héry (cố Y) làm quản xứ tiên khởi tại Hà Úc từ năm 1894-1902.

Kế đến cha Marcellin Maillebuau (cố Mầu) làm quản xứ Hà Úc từ năm 1902-1930. Đây là giai đoạn công việc truyền giáo tại vùng biển được phát triển mạnh. Vào thời điểm này, Nam Trường, Nghi Giang và Mỹ Lợi mỗi nơi đều có được đất vườn và một nhà thờ nhỏ bằng tranh. Cha Antôn Nguyễn Văn Sản, phó xứ Hà Úc biệt cư tại họ Nam Trường (1909-1912).

2.3. Giáo xứ Nam Trường với hai giáo họ Nghi Giang và Mỹ Lợi (1912-1919).

Để mở rộng việc truyền giáo tại vùng cửa Tư Hiền, năm 1912 Đức cha Allys (Lý), kế nhiệm Đức cha Caspar (Lộc), nâng giáo họ Nam Trường lên giáo xứ với hai giáo họ Nghi Giang và Mỹ Lợi. Cha Giuse Nguyễn Xuân Cảnh được bổ nhiệm làm quản xứ Nam Trường kiêm 2 giáo họ, kết thúc giai đoạn thuộc giáo sở Hà Úc. Cha Cảnh đã làm lại nhà thờ Nam Trường rộng lớn hơn, mái lợp tranh, cột kèo bằng gỗ tốt. Nhà thờ nằm giữa làng, mặt tiền hướng về phía Cầu Hai. Cha cũng làm nhà xứ phía sau nhà thờ. Thánh cả Giuse được chọn làm thánh hiệu.

Công việc đang tiến triển tốt đẹp, chẳng may năm 1919 cha thọ bệnh, qua đời tại Kim Long  (quê quán của ngài) năm 1922 và an táng tại nghĩa trang đại chủng viện Huế, thọ 50 tuổi.

2.4. Nam Trường, Nghi Giang và Mỹ Lợi thuộc giáo sở Hà Úc lần hai (1919-1927)

Năm 1919, sau khi cha Cảnh thọ bệnh (mất trí), Đức cha Lý không đặt quản xứ ở Nam Trường nữa, nên Nam Trường và các giáo họ lại một lần nữa thuộc về Hà Úc dưới thời cha Marcellin Maillebuau (cố Mầu); nhà xứ Nam Trường được dành làm nhà cho ông từ ở. Cố Mầu và các cha phó Hà Úc thường lui tới đây để dạy giáo lý và dâng lễ Chúa nhật. Các ngài tạm trú ở chái nhà thờ. Cha phó GB Nguyễn Văn Hân kiêm 3 giáo họ từ 1920 đến 1921.

Trong giai đoạn này, việc truyền giáo tại vùng cửa Tư Hiền phát triển rất mạnh, dẫn đến việc hình thành các giáo họ mới là Vinh Hòa, Thánh Tâm, Đông Dương, Đơn Chế và Hòa An (Rẫm).

Sau khi trở lại, một vài gia đình đã hiến tặng một số đất cho giáo họ Vinh Hòa[5]. Cố Mầu và  cha phó GB Nguyễn Văn Hân đã làm một nhà thờ tranh ba căn hai chái, chung quanh khại[6] tre, trở mặt ra ruộng theo  hướng đông nam và đặt Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời làm thánh hiệu.

Năm 1921, cha Hân được thuyên chuyển vào Nước Ngọt. Hai cha phó Hà Úc là Phanxicô Xaviê Dương Văn Nguyên (1921-1927) và Phêrô Huỳnh Văn Thuận (1922-1929) được cử phụ trách Nam Trường, Nghi Giang, Mỹ Lợi và Vinh Hòa. Các ngài thường xuyên đến dâng lễ, dạy giáo lý tân tòng và các lớp vỡ lòng. Hồi đó tại Nam Trường có mấy chức việc rất nhiệt thành cộng tác với các linh mục lo việc tông đồ như ông câu Truyện, ông việc Thứ[7], ông từ Dương, ông bang Tiếu[8]… nên công việc truyền giáo tiến triển rất tốt đẹp. Cha Huỳnh Văn Thuận thì có cho dựng lại ngôi nhà thờ bằng tranh thứ hai tại Mỹ Lợi.

2.5 Giáo họ Vinh Hòa

Vào cuối thập niên 1900, tại Vinh Hòa có vụ kiện điền thổ giữa làng với một số gia đình. Việc tranh chấp ruộng đất kéo dài cả chục năm và có án mạng. Số gia đình ấy vốn là điền chủ giàu có, nhưng do kiện cáo kéo dài không kết quả nên dần trở thành nghèo túng, lại còn bị đe dọa, áp đảo tinh thần nghiêm trọng… Trong hoàn cảnh như thế, nhiều người phải bỏ xứ ra đi, một số tìm đến với đạo Chúa. Vị mục tử đón nhận họ là cha GB. Nguyễn Văn Hân, phó xứ Hà Úc, lúc đó phụ trách Nam Trường và Nghi Giang (1915-1921). Ngài dạy đạo cho họ từ năm 1915 và đến đầu năm 1921 thì tổ chức lễ rửa tội cho họ, đánh dấu ngày khai sinh họ đạo Vinh Hòa. Theo sổ sách giáo xứ, cư dân Vinh Hòa được rửa tội đầu tiên cả thảy 9 gia đình. Trong các gia đình nầy, có những người nổi bật nhờ đóng góp nhiều cho sự phát triển của giáo xứ về vật chất lẫn tinh thần như ông Alêxù Nguyễn Quang Xán và hai con là Nguyễn Quang Viêm và Nguyễn Quang Kiện (ông nội của các nữ tu Nguyễn Thị Báu, Nguyễn Thị Tước, Nguyễn Thị Điền, Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Huế), ông Phaolô Nguyễn Quang Lưu (thân sinh của linh mục Nguyễn Hoàng Diệp, DCCT), ông Antôn Đốc (ông ngoại của nữ tu Nguyễn Thị Mầng, Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Huế và nữ tu Nguyễn Thị Thu, Dòng MTG Huế), bà Mađalêna Quyến (thân mẫu của nữ tu Nguyễn Thị Cúc, MTG Huế), ông Antôn Hà Thúc Dung (ông nội của nữ tu Hà Thị Phương, MTG Huế)…

2.6 Giáo họ Thánh Tâm

Năm 1921, Cha phó PX Dương Văn Nguyên đã khuyên bảo được ông Cửu Dự -đang ở Thánh Tâm- cùng với cả gia đình trở lại trong nghi thức hợp thức hóa và rửa tội cho con cái ông. Ông vốn người làng Tăng Sà, tân tòng ở Nam Phổ trước đó khá lâu nhưng rồi lơ đạo trong 9 năm. Giàu có nhờ đấu các trộ sáo[9], đánh bắt thủy sản ở đầm Cầu Hai, ông mua được tước phẩm triều đình (tước Cửu) và cho con cái ăn học. Gia đình ông sau khi trở lại đã cúng sở vườn của mình để xây dựng nhà thờ giáo họ Thánh Tâm như địa điểm hiện thời. Hai con của ông: Trợ Tưởng và Hương Hòe là giáo viên đồng thời cũng là những tông đồ giáo dân đầy nhiệt huyết. Lúc bấy giờ trong khuôn viên nhà thờ Thánh Tâm có trường Sainte-Marie do ông Trợ Tưởng điều hành. Trường bị thiêu hủy năm 1945. Sau đó hai ông Trợ Tưởng, Hương Hòe bị đưa ra bắc nên trường không còn hoạt động.

 

Nhà thờ Thánh Tâm hiện nay.

2.7 Giáo họ Đông Dương

Theo sổ sách của giáo họ, trước khi cư dân Đông Dương trở lại thì đã có gia đình ông Phêrô Giai và con là Phêrô Vịnh, người Nghi Giang, rửa tội năm 1910, đến sống tại làng Đông Dương. Và cư dân Đông Dương rửa tội đầu tiên là gia đình ông Bênêđictô Trần Văn Quyến vào năm 1920. Cùng với việc rửa tội, cha phó Nguyễn Văn Hân còn đặt tên cho hai con trai của ông Quyến là Cầu và Nguyện; rồi sau nầy cha phó Nguyên sắp đặt cho hai anh ấy kết bạn với hai chị em đạo hạnh ở Nam Trường là Mađalêna Nguyễn Thị Nghe và Mađalêna Nguyễn Thị Cho. Anh chị Cầu-Nghe kết hôn năm 1924 và anh chị Nguyện-Cho kết hôn năm 1928. Hai gia đình nầy trở thành hạt nhân cho giáo họ Đông Dương thời bấy giờ. Về sau,  cháu nội ông Nguyện là Vinhsơn Trần Quang Minh cũng làm câu trưởng.

Họ Đông Dương nằm ở hướng tây núi Linh Thái, ra thấu biển. Nơi đây Nhà chung Giáo phận đã mua được của làng nhiều đất ruộng (sau 1975 sở ruộng nầy bị nhà nước quản lý). Dân làng Đông Dương vừa làm ruộng vừa làm biển. Trước đây Đông Dương đã có một nhà thờ (tháng 2-1976) do cha sở Phêrô Trần văn Quí (1974-1980) xin tôn và gỗ của nhà thờ Phủ Cam Huế về làm, nhưng nay đã sụp đổ do mối mọt. Nền nhà thờ vẫn còn. Thánh Phêrô (29/06) là bổn mạng giáo họ Đông Dương.

2.8 Giáo họ Đơn Chế

Họ Đơn Chế thuộc làng Đơn Chế, xã Vinh Giang, bắc giáp Mỹ Lợi, nam giáp Nam Trường. Theo sổ sách họ Đơn Chế để lại thì phần lớn những gia đình có đạo ở Đơn Chế hoặc đã ngụ tại Nam Trường hoặc do kết hôn với người có đạo ở những nơi khác như Nam Trường, Mỹ Lợi, Xuân Thiên… Đã có một số người rửa tội ở những năm 1902, 1913, 1918 nhưng nhiều hơn cả là vào những năm 1958-1960 dưới đời cha GB. Nguyễn Cao Lộc. Lúc bấy giờ họ Đơn Chế có được 12 gia đình Công giáo.

Rồi các biến cố dồn dập xảy ra, giáo dân Đơn Chế có người ra đi, người ở lại thì đơn chiếc, lo sợ, nên họ giáo mất dần.

2.9 Giáo họ Hòa An (Rẫm)

Về giáo họ này, xin xem Lược sử Giáo sở Phước Tượng, vì từ năm 2005 Hòa An trực thuộc Phước Tượng.

3- Giáo sở Vinh Hòa được thành lập (1928)

Sau hơn 1/3 thế kỷ (1885-1923) hạt giống đức tin được dần dần ươm trồng tại vùng cửa biển Tư Hiền, năm 1928, Đức cha Allys (Lý) đặt cha phó Phanxicô Xaviê Dương Văn Nguyên làm quản xứ Nam Trường kiêm các giáo họ Vinh Hòa, Nghi Giang, Thánh Tâm, Đông Dương, Hòa An, Đơn Chế, Mỹ Lợi. Trong sổ sách, cấp bằng của Giáo phận đã ghi chính thức như vậy.

Nhưng rồi cố Mầu, cha phó Nguyên và cha phó Phêrô Huỳnh Văn Thuận đã hội ý và trình lên Đức cha như sau: việc đặt cha Nguyên làm quản xứ Nam Trường như đời cha Cảnh (1912-1919) không được thuận tiện, vì vườn nhà thờ Nam Trường ở giữa làng, chật hẹp lúng túng lại ồn ào và nóng nực, không thể mở mang được. Hơn nữa Nam Trường hình chữ nhật, xung quanh không có làng nào kề cận nên việc truyền giáo bị cô lập. Trái lại nếu đặt ở Vinh Hòa thì tốt đẹp hơn, vì địa điểm nhà thờ rộng rãi quang ánh lại gần biển mát mẻ, gần chợ và bến đò qua lại Cầu Hai-Đá Bạc dễ dàng. Lại nữa, Vinh Hòa ở trung tâm, có nhiều làng phụ cận, việc mở đạo có phần hứa hẹn trong tương lai.

Đức cha Lý chấp thuận đề nghị trên và đặt cha Phanxicô Xaviê Dương Văn Nguyên làm quản xứ tiên khởi Vinh Hòa năm 1928.

3.1 Giai đoạn 1928-1945

Đầu năm 1928, như đã nói trên, cha Phanxicô Xaviê Dương Văn Nguyên rời Hà Úc về sống giữa cộng đoàn dân Chúa tại Vinh Hòa. Bấy giờ Vinh Hòa đất rộng người thưa, cuộc sống khó khăn và vất vả. Để cất tạm ngôi nhà xứ, cha Nguyên phải thuê ghe ra tận Dương Lộc, quê hương của mình để xin gia đình và bà con săng gỗ… Một ngôi nhà tranh 3 căn và 1 nhà bếp nhỏ, đó là nhà xứ đầu tiên của Vinh Hòa.

Tuy chưa đáng gì, nhưng đã có được mái nhà để “an cư”[10], cha Nguyên tiếp tục mở mang đạo Chúa. Ngài thăm viếng các làng lân cận, dạy dỗ và rửa tội cho nhiều người, mở các lớp giáo lý thường xuyên cho thiếu nhi, tổ chức các cuộc rước kiệu linh đình, tập cho các em múa, lập cả một đội trống nữa… Từ đó, ở đâu có rước kiệu thì đội Vinh Hòa cũng được khen.

Ngoài ra, cha Nguyên và cha Eugène Larouche (cố Hiền), bề trên Dòng Chúa Cứu Thế lúc bấy giờ, đã xin làng Vinh Hòa 3 mẫu đất cát dưới chân núi Linh Thái phía biển để làm một nhà nghỉ, gọi là nhà mát Hiền Nguyên. Đến kỳ hè, các cha các thầy các đệ tử Dòng Chúa Cứu Thế về nghỉ tấp nập. Các cha tổ chức những cuộc lửa trại, văn nghệ… lôi cuốn được nhiều đồng bào lương giáo đến tham dự. Từ cơ sở Dòng Chúa Cứu Thế nầy mà Vinh Hòa đã có nhiều ơn gọi, tu trì. Cha Phêrô Nguyễn Hoàng Diệp (DCCT) là linh mục đầu tiên xuất thân từ giáo xứ đó.

Nhà nghỉ Hiền Nguyên và sở đất của dòng nầy không còn nữa do biển xâm thực và do các biến cố của thời cuộc kể từ năm 1945.

Cha Phanxicô Xaviê làm quản sở Vinh Hòa được 4 năm (1928-1931). Ngài cùng với cố Hiền đã được ghi nhận là có nhiều đóng góp cho việc xây dựng giáo sở trong lĩnh vực đời (văn hóa) lẫn đạo (đức tin). Tiếp đó là các vị quản sở:

Cha Antôn Nguyễn Văn Bằng 1932-1936.

Có lần, vào dạo tháng giêng-hai trời rất rét, ngài bị chìm ghe ngoài đầm Cầu Hai từ đầu hôm cho tới rạng sáng. May bám được vạt sáo làm nghề của ngư dân. Sáng mai lại, có thuyền đi qua ngài mới vô bờ được.

Cha Batôlômêô Phạm Hữu Hội 1936-1942

Cha Phaolô Mai Xuân Hiến 1943-1945. Từ 1945, Mỹ Lợi thành giáo họ của Phường Tây.

3.2 Giai đoạn 1945-1956

Thời gian này, nổi bật nhất linh mục Micae Hoàng Ngọc Bang (1945-1953). Ngài là vị mục tử rất thiết tha với Chúa và hiền hòa với mọi người. Dù giai đoạn lịch sử này tương đối khó khăn nhưng ngài đã khéo léo hướng dẫn giáo xứ giữ vững niềm tin, gây được nơi lương dân nhiều thiện cảm mà đến hôm nay vẫn tồn tại. Ngài đã thiết lập tại Vinh Hòa và Nam Trường hai sở nữ tu Mến Thánh Giá Phủ Cam còn hiện diện mãi tới bây giờ. Cha còn mở trường tiểu học Mỹ Cảnh (diễn dịch từ tên thánh Micae của cha) tại Vinh Hòa. Về kinh tế, cha thuê lại đất ruộng của Nhà chung giáo phận tại Đông Dương và Hòa An để có vốn làm ngân quỹ cho sinh hoạt giáo sở.[11] Năm 1953, cha Bang đổi qua Diêm Tụ. Kế nhiệm ngài có các cha

– Phaolô Trương Công Giáo (1953)

– Tađêô Hồ Bảo Huỳnh (1953-1955)

– Phaolô Tống Văn Đơn (1955-1956)

3.3 Giai đoạn 1956-1960

Vào năm 1956, cha GB Nguyễn Cao Lộc được cử về làm quản xứ Vinh Hòa. Ngài là người hăng say truyền giáo và hoạt động tông đồ rất năng nổ. Đây là giai đoạn lịch sử tương đối thuận lợi cho công cuộc rao giảng Tin Mừng, nên số người theo đạo rất đông. Theo sổ sách giáo sở để lại thì bấy giờ giáo dân Vinh Hòa đã lên tới con số 1099 người.

Cha GB đã củng cố lại các đoàn thể như: Thanh Niên, Con Cái Đức Mẹ, Thiếu Nhi Thánh Thể… Ngài cũng xin đất làng (bấy giờ là cồn rú, lùm cấm) để xây dựng trường trung học Túy Vân. Đây là cơ sở giáo dục bậc trung đầu tiên vùng Cửa Tư Hiền, nay là trường cấp II Vinh Hiền. Cùng với hệ thống các trường tiểu học trong giáo sở và trung học Túy Vân, Giáo hội Công giáo tại Vinh Hòa đã đóng góp rất lớn cho nền học vấn của vùng đất xa xôi trắc trở này mà đến hôm nay nhiều bà con lương dân vẫn ghi ơn và trân trọng. Cha còn xin đất làng để lập một nghĩa địa Công giáo ở chân núi Linh Thái trên đường ra biển.[12] Từ Vinh Hòa, cha Lộc đã xin các chị MTG Phủ Cam về cộng tác để đi truyền giáo tại Mỹ Á lẫn Đơn Chế, và đã có một số lớn gia đình tại Mỹ Á trở lại đạo. Cha cũng được phép xây dựng bến tàu Túy Vân đi Đá Bạc, mở đường làng Mỹ Á cho xe Lambretta 3 bánh chạy từ thôn 4 Mỹ Á ra đến chợ Vinh Hiền.

3.3.1 Giáo xứ Mỹ Á-Mỹ Lợi

Năm 1960, theo lời đề nghị của cha Lộc, Đức cha Jean-Baptiste Urrutia (Thi) đã cho lập giáo xứ Mỹ Á gồm hai giáo họ Mỹ Á và Mỹ Lợi, giao cho cha Lộc làm quản xứ tiên khởi (1960-1964). Đây là vùng thí điểm truyền giáo. Theo sổ sách để lại thì từ năm 1960 đến 1963, giáo dân Mỹ Á đã lên đến 335 người. Bởi lẽ trong thời gian làm quản xứ Vinh Hòa (1956-1960), cha Lộc đã đưa một số gia đình ở Mỹ Á vào đạo. Và ngày ghi dấu đặc biệt trong việc hình thành giáo họ ấy là 23-8-1959, khi Đức Giám mục Urrutia (Thi) về ban phép rửa tội cho 89 người. Trong số những gia đình đầu tiên này đã có những gia đình “tín với Thiên Chúa, trung với Giáo hội” qua các thời kỳ khó khăn như gia đình ông G.B Bùi Ngọc Tư, Phaolô Trần Ngọc Liễn, Phaolô Huỳnh Hiếu, Giuse Lê Hà, Phêrô Huỳnh Huyến (có con là nữ tu Maria Sương, MTG Huế), Giacôbê Nguyễn Khanh (con ông Khanh là anh Giacôbê Nguyễn Khóa, câu trưởng họ Mỹ Á)…

Được sự chấp thuận của làng Mỹ Á, cha Lộc đã chọn một địa điểm gần cuối làng, thuộc thôn 4, giáp với Mỹ Lợi, cách Vinh Hòa 7 km, để xây dựng nhà thờ và các cơ sở của giáo xứ. Khởi đầu, ngài chỉ làm một nhà tranh nhỏ. Đầu năm 1962, nhờ sự giới thiệu của Đức cha Thục, cha Lộc đã bán lại cho Nhà nước bấy giờ ngôi nhà tranh nhỏ đó để có được số tiền cần thiết nhằm xây dựng nhà thờ Mỹ Á to lớn, nhà cha sở, nhà các chị và mua lại trường tiểu học Mỹ Lợi để làm cơ sở cho giáo xứ Mỹ Lợi.

Khi làng giao đất cho cha thì tạm ổn, nhưng khi cha Lộc xây lên các cơ sở to lớn lấn lướt các nhà thờ họ tộc, đình làng cùng am miếu thì nhiều người khó chịu và bất mãn. Lúc bấy giờ uy thế của cha quá lớn nên không ai làm gì được. Nhưng với biến cố tháng 11 năm 1963, nền đệ nhất Cộng hòa sụp đổ, thì sự bất mãn trong lòng nay trở thành hành động. Một số thanh niên trong làng do nhiều phía xúi giục đã tấn công hành hung ngài, gây nhiều thương tích trầm trọng. Rất may là ngài đã được giáo dân và chính quyền giải cứu kịp. Dầu vậy trên giường bệnh ngài đã tha thứ cho những kẻ hành hung mình. Ngài lại can thiệp để chính quyền bấy giờ tha cho họ khỏi cảnh lao lung. Từ biến cố này ngài rời khỏi Mỹ Á[13].

Sau khi cha Lộc rời Mỹ Á, Đức Giám mục Philipphê Nguyễn Kim Điền đã gởi cha Emmanuel Nguyễn Vinh Gioang về làm quản xứ nơi đây, nhưng ngài chỉ ở mấy tháng. Năm 1964, Đức cha Điền phái cha Micae Hoàng Ngọc Bang kế nhiệm. Cha Bang ở Mỹ Á được 4 năm (1964-1967). Rời nơi này, cha lên họ Tân Thủy (Cồn Hến) và qua đời năm Mậu Thân (1968). Thay cha Bang là cha Phaolô Nguyễn Khắc Hiền, nhưng cha Hiền cũng chỉ ở được mấy tháng rồi lên Huế.

Trong năm 1967, vì lý do truyền giáo, Đức cha Điền đã tách Mỹ Lợi ra khỏi Mỹ Á. Cha Đỗ Bá Công được đặt làm quản xứ Mỹ Lợi và cha Bùi Chung quản xứ Mỹ Á. Sau biến cố Mậu Thân (1968), cha Công và Cha Chung cũng phải rời cả 2 nơi này. Mỹ Lợi lại thuộc về giáo sở Phường Tây và Mỹ Á lại thuộc về giáo sở Vinh Hòa. Sau 1975, nhà thờ và các cơ sở bị phá dỡ, chỉ còn lại ban-công đúc và tiền đường nhà thờ Mỹ Á.

 

Ban-công, phần còn lại của nhà thờ Mỹ Á

3.4 Giai đoạn 1960-1968

Tiếp theo, cha Anrê Nguyễn Văn Cần (gốc Thợ Đúc[14]) đang ở Truồi được đổi về Vinh Hòa. Ngài chỉ làm quản xứ Vinh Hòa trong hai năm (1960-1961), nhưng dưới thời ngài, nhà thờ Vinh Hòa được xây dựng kiên cố, cao ráo. Công trình do ông Ký Viêm[15] thiết kế, giúp vốn và thực hiện.

Lúc bấy giờ nhà thờ trở mặt ra ruộng, hướng đông nam, vì khi ấy con đường chính men theo bờ ruộng. Nhưng khi làm quản xứ Vinh Hoà, cha Anrê Cần đã đổi hướng nhà thờ theo con đường mới như hiện nay.

Sau khi hoàn thành nhà thờ, cha Cần đổi lên Lương Văn và vị quản xứ Lương Văn Tanítlaô Nguyễn Văn Ngọc thuyên chuyển về Vinh Hòa. Ngài là cháu và học trò của cha Nguyên. Khi cha Nguyên phụ trách Vinh Hòa (1921-1928, phó xứ Hà Úc biệt sở; 1928-1931, quản sở Vinh Hòa) thì “chú” Ngọc đã về thăm và giúp đỡ cha nên ngài không xa lạ chi với giáo sở này.

Lúc bấy giờ nhà xứ bị mối phá nặng nên cha Ngọc dỡ bỏ phần mái, thay toàn bộ bằng gỗ tốt kiền kiền, lợp ngói liệt, nâng cao tường lên 1m. Nhà xứ trở mặt ra hướng tây theo con lộ mới hình thành và đúc hiên trước hiên sau nên có vẻ tân thời. Ngài cũng làm lại nhà các chị Vinh Hòa đối diện nhà thờ (bên kia đường), xây thêm 2 phòng học cho trường Mỹ Cảnh. Cùng với cha Lộc ở Mỹ Á, cha Ngọc đã tổ chức một cuộc rước kiệu Đức Mẹ từ Vinh Hòa đến nhà thờ Mỹ Á, đường đi-về trên 14 km. Cả ngàn người tham dự bế mạc tại sân nhà thờ Thánh Tâm bằng thánh lễ tối.

Ngài còn liên kết với cha Phaolô Nguyễn Kim Bính, cha Giacôbê Đỗ Bá Công và cha G.B Nguyễn Cao Lộc, tổ chức tại Vinh Hòa đại hội Thiếu Nhi Thánh Thể phía nam Giáo phận Huế (từ Lăng Cô tới Truồi qua Hà Thanh) trong 3 ngày gồm 300 thiếu nhi. Đại hội thành công tốt đẹp.

Cha Tanítlaô Ngọc cũng trùng tu nhà thờ Đông Dương, nhà thờ Thánh Tâm, làm lầu chuông cho Nam Trường, xây dựng trường tiểu học Vinh Sơn ở Nam Trường sát cạnh đường quan.

3.5 Giai đoạn 1968-1975

Năm 1968, xảy ra biến cố đau thương Tết Mậu Thân. Tang tóc hỗn loạn đặc biệt bao trùm tỉnh Thừa Thiên và thành phố Huế. Giáo dân giáo sở Vinh Hòa đa số tản cư vào Đà Nẵng (phần đông tập trung ở giáo xứ Ngọc Quang) còn cha Ngọc đổi vào giáo sở Nước Ngọt.

Về thay thế ngài là cha Matthia Nguyễn Văn Triêm (1968-1970).

Tiếp đó là cha Giacôbê Phan Văn Cơ (1970-1974).

Đây không phải là lần đầu tiên con đường lữ hành đức tin của giáo dân giáo sở Vinh Hòa gặp gian nan trắc trở. Đã có những lúc mây đen vần vũ, dông tố bão bùng… tưởng chừng muốn xóa khỏi vùng đất Tư Hiền niềm tin Kitô giáo. Chẳng hạn vào giai đoạn 1946-1947: nhiều Kitô hữu nhiệt thành bị sát hại (như ông Xạ Giá, thân sinh của nữ tu Mađalêna Nguyễn Thị Phúc Dòng MTG Huế). Giai đoạn 1963, chế độ của tổng thống Công giáo Ngô Đình Diệm bị sụp đổ, nhiều người theo “đạo gạo” rời bỏ đức tin (chuyện này cũng xảy ra ở nhiều giáo xứ khác trong Giáo phận), ngay cha Nguyễn Cao Lộc lúc đó đang trông coi giáo xứ Mỹ Á cũng bị hành hung. Đến biến cố 1975 thì quả là một sự đổi đời theo nghĩa đảo lộn toàn diện… Thế nhưng với ơn Chúa, giáo sở Vinh Hòa vẫn tồn tại.

3.6 Giai đoạn từ 1975 đến nay

Sau khi đất nước thống nhất (4-1975), cư dân vùng Tư Hiền kéo nhau hồi hương xây dựng lại cuộc sống, trong số này có nhiều giáo dân giáo sở Vinh Hòa.

Cha Phêrô Trần Văn Quí (1974-1980). Đây là thời điểm cực kì khó khăn về kinh tế và xã hội, cha sở (vốn nhận xứ từ tháng 5-1974) và giáo dân đã chèo chống để vượt qua sóng gió, giữ vững đức tin. Trong hoàn cảnh gian nan như vậy, may thay vị mục tử trẻ trung (chịu chức tháng 5-1973), hiền hòa, năng động, chịu khó, lạc quan nên lôi cuốn được nhiều giáo dân nhiệt thành cộng tác. Lúc bấy giờ số tín hữu trở về đông nên tinh thần dâng cao thực sự. Cha Phêrô mở các lớp thần học giáo dân, thanh thiếu niên rất hưởng ứng, dù có kẻ phải cuốc bộ 4-5 cây số để đến nhà thờ. Nay nhiều người lương giáo vẫn còn nhắc đến “thời gian khổ” của cha Phêrô.

Cha Anrê Nguyễn Văn Phúc (1980-1994). Nguyên là giáo sư tiểu chủng viện Hoan Thiện Huế, sau khi chủng viện bị giải tán, ngài được cử về kế nhiệm, làm quản xứ Vinh Hòa 14 năm (1980-1994). Thập niên 80 là thời điểm khó khăn trong nhiều lĩnh vực xã hội, tôn giáo, đặc biệt là kinh tế. Nhiều gia đình phải bỏ quê hương, giáo xứ để đến vùng kinh tế mới như Nam Đông (Huế), Đăklăk, Xuân Lộc….

Cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90, thêm rất nhiều người trẻ đổ xô vào các thành phố lớn để tìm cơ hội mới cho bản thân và gia đình. Thế là thánh đường vắng bóng con chiên, nương vườn nhà cửa hoang tàn vắng vẻ. Dầu ở trong hoàn cảnh khó khăn như thế, cha Phúc cũng đã có nhiều nỗ lực để gìn giữ và củng cố đức tin cũng như các cơ sở tôn giáo của giáo sở.

Cha Phaolô Nguyễn Luận (1994-2001).

Nhiều người ái ngại cho cha sở mới trước con số giáo dân thưa thớt mà địa bàn lại rộng lớn, phức tạp. Nhưng may thay, nhờ yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa của cuối thập niên 90, người dân có được cuộc sống kinh tế tạm ổn định, đời sống tôn giáo được xã hội tôn trọng hơn, nên dần dà số giáo dân còn lại thực hành “việc đạo” thường xuyên hơn và trưởng thành hơn.

Các cơ sở vật chất như nhà thờ, trường học được trùng tu và trang bị các vật dụng cần thiết như: bàn ghế, quạt, điện, âm thanh…, tạo điều kiện cho giáo dân thích đến nhà thờ, trường lớp.

Năm 1995, ông Giuse (em ông Ký Viêm ở Hoa Kỳ) giúp vốn để xây dựng tiền đường nhà thờ Vinh Hòa như hiện tại, trở mặt ra đường quan hướng tây bắc, vì lúc nầy đường quan lại nằm sau lưng nhà thờ.

Các lớp giáo lý, các buổi sinh hoạt đoàn thể dần được hồi sinh, nên đời sống đạo trở nên sống động, lôi cuốn được giới trẻ, các học sinh lương giáo đến học tập tại nhà thờ, trường lớp của giáo xứ.

Trong dịp mừng kỷ niệm 110 năm lãnh nhận đức tin (1885-1995), 70 năm thành lập giáo sở Vinh Hòa (1926-1996)[16] vào ngày 06-08-1996, linh mục Hoàng Diệp đã viết cho giáo xứ bài hát “Mừng xứ Vinh Hòa”. Cũng trong niềm vui trọng đại này, ông Batôlômêô Nguyễn Văn Dũ, thầy giáo – nhà thơ cũng đã ghi lại tâm tình của mình trong bài thơ: “Ngày tùy giáo”.

– Cha Vinhsơn Lê Phú Ngọc Trãn (2001-2014)

– Cha Phaolô Đặng Văn Nam (2014-2019)

– Cha Matthêu Phan Văn Tuyên, ngày 10-05-2019, đã được Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh bổ nhiệm làm quản xứ Vinh Hòa. Cha đến nhận nhiệm sở ngày 21-05-2019.

Bên trong nhà thờ Vinh Hòa hiện thời

4. Tổng lược các linh mục quản xứ

1- Nam Trường

1- Jean-Marie Héry (cố Y) quản xứ Hà Úc kiêm nhiệm (1894-1902)

2- Antôn Nguyễn Văn Sản, phó xứ Hà Úc kiêm nhiệm (1902-1912)

3- Giuse Nguyễn Xuân Cảnh, quản xứ tiên khởi (1912-1919)

4- GB Nguyễn Văn Hân, phó xứ Hà Úc kiêm nhiệm (1920-1921)

5- Phanxicô Xaviê Dương Văn Nguyên, phó xứ Hà Úc kiêm nhiệm (1921-1927)

2- Vinh Hòa

1- P.X Dương Văn Nguyên (1928-1931)

2- Antôn Nguyễn Văn Bằng (1932-1936)

3- Batôlômêô Phạm Hữu Hội (1936-1942)

4- Phaolô Mai Xuân Hiến (1943-1945)

5- Micae Hoàng Ngọc Bang (1945-1953)

6- Phaolô Trương Công Giáo (1953)

7- Tađêô Hồ Bảo Huỳnh (1953-1955)

8- Phaolô Tống Văn Đơn (1955-1956)

9- G.B. Nguyễn Cao Lộc (1956-1960)

10- Anrê Nguyễn Văn Cần (1960-1961)

11- Tanítlaô Nguyễn Văn Ngọc (1961-1968)

12- Matthia Nguyễn Văn Triêm (1968-1970)

13- Giacôbê Phan Văn Cơ (1970-1974)

14- Phêrô Trần Văn Quí (1974-1980)

15- Anrê Nguyễn Văn Phúc (1980-1994)

16- Phaolô Nguyễn Luận (1994-2001)

17-Vinhsơn Lê Phú Ngọc Trãn (2001-2014)

18- Phaolô Đặng Văn Nam (2014-2019)

19- Matthêu Phan Văn Tuyên (10-05-2019…)

III- HOA TRÁI ĐỨC TIN

1. Linh mục:

– Lm Phêrô Nguyễn Hoàng Diệp (sn: 1924, lm: 1954, qđ: 2008). Vinh Hòa, Dòng Chúa Cứu Thế.

– Lm Batôlômêô Huỳnh San (sn: 1948, lm: 1979, qđ: 2019). Mỹ Á. Mất tại Australia.

– Lm Đặng Phượng Hoàng (….). Nội: Nam Trường – ngoại: Thánh Tâm, USA.

– Lm Batôlômêô Nguyễn Phúc (sn: 1985, lm: 2018). Thánh Tâm. Giáo phận Huế.

– Lm Phêrô Nguyễn Bá Quỳnh (sn: 1984, lm: 2018). Nam Trường. Dòng Don Bosco

2. Nữ tu

* Dòng Mến Thánh Giá:

– Maria HoàngThị Sương (sn 1956, vk 1988). Mỹ Á.

– Agata Hoàng Thị Hồng Thái (sn 1942, vk 1985). Nam Trường

– Mađalêna Nguyễn Thị Nhuần (sn 1958, vk 1989). Nam Trường

– Anê Nguyễn Thị Thu (sn 1957, vk 1990). Nam Trường

– Madalena Hoàng Thị Minh Thư (sn 1986, vk 2018). Nam Trường.

– Mađalêna Nguyễn Thị Phúc (sn 1936, vk 1987). Vinh Hòa

– Mađalêna Hà Thị Phương (sn 1941, vk 1980). Vinh Hòa

– Maria Lê Thị Nhường (sn 1952, vk 1989). Vinh Hòa

– Anna Lê Thị Thuận (sn 1958, vk 1991). Vinh Hòa

Isave Hoàng Thị Bảy (an 1989, tk 2015). Vinh Hòa

Maria Ng. Thị Băng Châu (sn 1992, tk 2018). Thánh Tâm.

* Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm

– Matta Nguyễn Thị Báu (sn 1931, vk 1959, qđ 2015). Vinh Hòa.

– Luxia Nguyễn Thị Mừng (sn 1954, vk 1986). Nam Trường.

– Catarina Nguyễn Thị Điền (sn 1943, vk 1968). Vinh Hòa.

– Célestina Nguyễn Thị Tước  (sn 1946, vk 1974). Vinh Hòa. (Hoa Kỳ).

* Dòng Cát-minh

– Nguyễn Thị Lan. Vinh Hòa

* Dòng CĐMĐV Huế

– Têrêxa Nguyễn Thị Diệu Cảnh (sn 1940, vk 1967). Nam Trường

* Dòng Phaolô

– Matta Trần Thị Phi (sn 1956, vk 1986). Nam Trường

Và một số các em đang ở tập viện, đệ tử viện MTG Huế.n

3- Giáo dân:

(Theo cuốn Giáo Hội Công Giáo VN 1996)

– Năm 1939 :   828 người (Theo cuốn Giáo Hội Công Giáo VN 1996)

– Năm 1964 :   1099 người (Theo cuốn Giáo Hội Công Giáo VN 1996)

– Năm 2010 :   500 người (Theo Lịch Công giáo Giáo phận Huế)

– Năm 2015 :   528 người (Theo Lịch Công giáo Giáo phận Huế)

– Năm 2020 :   503 người (Theo Lịch Công giáo Giáo phận Huế)

IV- CÁC CƠ SỞ VẬT CHẤT HIỆN DỤNG

– Nhà thờ (3) : Vinh Hòa, Thánh Tâm, Nam Trường.

– Nhà xứ (1) : Vinh Hòa.

– Cơ sở giáo dục:

+ Vinh Hòa: 3 phòng và 1 nhà trẻ – mẫu giáo.

+ Nam Trường: 2 phòng học

– Các giáo họ Mỹ Á và Đông Dương vẫn còn đất dành để làm nhà thờ trong tương lai.

———————————————————————————–

[1] Giáo sở trải dài trong địa bàn 3 xã: xã Vinh Hiền có Vinh Hòa, Thánh Tâm, Đông Dương; xã Vinh Giang có Nam Trường, Nghi Giang, Đơn Chế; xã Vinh Hải có Mỹ Á. Giáo sở trước đây còn có giáo họ Hòa An (Rẫm) thuộc xã Vinh Hiền (dù nằm bên kia đầm Cầu Hai), nhưng từ 2005 thì trực thuộc thuộc giáo sở Phước Tượng và  nằm trong xã Lộc Bình.

[2] Bản chép tay của linh mục Tanítlaô Nguyễn Văn Ngọc dành cho địa sở Vinh Hòa (26-3-1985). Lm Giuse Nguyễn Văn Hội, Lịch sử Giáo phận Huế, 1994. Ông Bat. Nguyễn Văn Dũ, Túy Vân cổ kim (bản chép tay).

[3] Về những người rửa tội đầu tiên tại Nam Trường, thì sổ sách giáo xứ không ghi vì bấy giờ chưa có xứ. Vùng Nam Trường, Nghi Giang thuộc Phủ Cam, rồi Diêm Tụ… Sổ Nam Trường có ghi ông Giacôbê Hoàng Văn Truyện (câu Truyện) sinh năm 1871, làm phép hôn phối năm 1894.

[4] hạ bạn: từ địa phương, có nghĩa là dân chài sống trên ghe thuyền.

[5] Khuôn viên nhà thờ Vinh Hòa có diện tích khoảng 4000 m2, do 3 gia đình hiến thuộc họ Lê (ông nội của nữ tu M. Lê Thị Nhường), họ Nguyễn Quang (thân sinh của linh mục Phêrô Nguyễn Hoàng Diệp).

[6] Khại: từ địa phương, có nghĩa là đan bằng tre thưa để làm vách, làm tường che nhà.

[7] Con cháu ông Truyện, Thứ qua các thế hệ cũng là những giáo dân nhiệt thành của giáo xứ Nam Trường và giáo sở Vinh Hòa.

[8] Ông Bang Tiếu là con ông Từ Dương, gia đình hay chữ và đạo đức. Ông làm Thông nhất ở huyện Quảng Điền rồi làm Bang tá ở Bạch Mã, về sau làm phát ngân viên tỉnh Quảng Nam. Năm 1961 ông nghỉ hưu về sống và phục vụ giáo xứ.

[9] Trộ sáo: từ địa phương, có nghĩa là các bức đan bằng tre dựng giữa đầm phá, quây lại với nhau để bắt cá.

[10] Có lần ngài đi làm lễ họ Nam Trường cạnh đó, ở nhà thanh niên chơi đốt pháo làm nhà ngài bị cháy tiêu tan không chữa được. Nhờ vậy ngài có sáng kiến làm nhà ngói.

[11] Trong thời gian 1990-2000, người cháu ruột của cha Micae Hoàng Ngọc Bang là cụ Micae Hoàng Ngọc Trợ, hiện sống tại Hoa Kỳ, đã quan tâm rất nhiều đến xứ đạo Vinh Hòa. Thời cha Bang làm quản xứ, cụ đã nhiều lần đến thăm nơi đây. Cụ đã quảng đại hỗ trợ công cuộc đào tạo các ơn gọi linh mục, tu sĩ tại Giáo phận Huế và còn đỡ đầu cho một số chủng sinh, linh mục. Tại Vinh Hòa (1990-2001), cụ đã giúp cho chương trình “Xóa đói giảm nghèo” nhiều máy cày, góp phần trùng tu nhà xứ…

[12] Người dân, kể cả Công giáo, vẫn có thói quen chôn cất người chết trong nương vườn của mình hay đất đai của họ tộc. Nên đi đâu cũng thấy mồ mả lăng tẩm. Đất thánh Vinh Hòa sau 1975 giáo xứ không còn thực quyền làm chủ.

[13] Vào năm 1995, kỷ niệm 50 năm linh mục, cha G.B Nguyễn Cao Lộc từ Xuân Lộc trở về thăm Mỹ Á, như đứa con tinh thần của mình. Nhiều người lương giáo đến thăm ngài và dùng với ngài một bữa cơm thân mật tại nhà ông câu Hiếu (thôn 1 Mỹ Á). Nhìn cha con thân tình và nghe họ kể lại những công trình khai hóa của ngài cho làng Mỹ Á như mở đường, trồng cây, xây trường, mở trạm xá… mà thấy sự nghiệp và tình thương lớn lao của ngài dành cho đứa con thiêng liêng Mỹ Á.

[14] Cha Anrê Cần này (1904-1934-1993) khác với cha Anrê Nguyễn Văn Cần, gốc An Vân (1860-1895-1899)

[15] Bat. Nguyễn Quang Viêm, con ông Hương Xán, thân phụ của nữ tu Nguyễn Thị Tước Dòng CĐMVN Huế

[16] Tiểu sử các Linh mục Giáo phận Huế cho biết Giáo sở Vinh Hòa được thành lập năm 1928, với cha Phanxicô Xavie Dương Văn Nguyên làm quản sở.

———————————————————————–

Mọi góp ý, bổ sung, điều chỉnh xin vui lòng liên hệ với Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi theo địa chỉ email: witness2005@gmail.com Xin cám ơn quý vị rất nhiều.

Nhóm Biên sử Tổng Giáo phận Huế.