GIÁO SỞ XUÂN THIÊN
GIÁO XỨ XUÂN THIÊN – GIÁO HỌ KHÁNH MỸ
Nhà thờ Xuân Thiên hiện thời
LƯỢC SỬ
GIÁO XỨ XUÂN THIÊN
I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ
Giáo xứ Xuân Thiên, Giáo hạt Hải Vân, nằm trên địa bàn thôn Xuân Thiên Hạ, xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế, cách Tòa Tổng Giám mục Huế 27 km theo đường bộ hay 19,5 km đường chim bay về hướng Đông Đông Nam. (Từ Huế đi về phía Đông Nam, qua cầu Trường Hà, đến Tỉnh lộ 49B, rẽ trái khoảng 1 km rồi rẽ phải vào đường thôn khoảng 500m là tới Nhà thờ Xuân Thiên, tọa độ 16.446823 107.777846).
II- NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN
A- Từ chiến dịch truyền giáo sau nạn Văn Thân (1886)
Thời Đức Giám mục Antoine Caspar Lộc coi sóc Giáo phận (1880-1916) và Cha Eugène Allys Lý làm Quản xứ Phủ Cam kiêm Quản hạt Bên Thủy (1885-1908), công cuộc truyền giáo khắp Giáo phận, đặc biệt ở vùng từ bờ Nam sông Hương vào tới đầm Lập An, dâng cao mạnh mẽ, nhằm khôi phục những thiệt hại về dân số tín hữu sau các cuộc tàn sát của Văn Thân (trên 12 ngàn người).
Báo cáo Thường niên của Đức Cha Caspar gởi cho Hội Thừa sai Hải ngoại Paris năm 1889 có trích bản tường trình của Cha Quản hạt Allys trong đó có đoạn: “Đức tin đã có thể cắm rễ trong các làng Hà Úc, Hà Vĩnh, Cầu Hai, Diêm Tụ. Đó là những cuộc chinh phục mới mẻ và đầu tiên của chúng tôi, trong phần đất phía Nam này, vốn vẫn bị bỏ hoang từ năm 1883”.
Năm 1890, Đức Cha đặt Linh mục François-Antoine Stoeffler (Cố Thể) làm Quản xứ tiên khởi của Diêm Tụ kiêm Giáo họ Hà Úc (bên này và bên kia đầm Thủy Tú). Người Hà Úc và các làng lân cận lúc ấy theo đạo khá đông. Một trong những phương pháp của vị Thừa sai là mở mang nương vườn và đồng ruộng cho Giáo xứ và giáo hữu. Hồi đó, Hà Úc đất rộng người thưa, toàn là độn hoang cát trắng bạc màu. Cố Thể xin làng bán hay chuyển nhượng để con chiên khai khẩn.
Năm 1894, nhận thấy sự đạo ở Hà Úc ngày càng phát triển, Đức Giám mục Caspar đặt Linh mục Jean-Marie Héry (Cố Y) làm Cha xứ tiên khởi Giáo xứ Hà Úc. Với tinh thần phục vụ xã hội, Cố đã đem hạt giống dương liễu ở ngoại quốc về trồng tại Hà Úc lần đầu tiên, từ đó loại cây này được nhân rộng ra khắp vùng duyên hải. Đây là nguồn lợi kinh tế nhiều mặt (giữ đất, chắn gió, ngăn biển, làm củi, dựng nhà…) mãi tới ngày nay. Qua năm 1897 (Đinh Dậu), ở Huế có bão lụt lớn, kéo theo nạn đói và bệnh tật hoành hành, dân tình khốn khổ. Giáo phận và Giáo xứ liền tổ chức cứu trợ, nên đã lôi cuốn thêm nhiều kẻ theo đạo, bởi thấy gương thương người của con cái Chúa…
Năm 1902, Cha Marcellin Maillebuau (Cố Mầu) kế nhiệm, tiếp tục công cuộc truyền giáo.
B- Thời kỳ thuộc Giáo xứ Hà Úc (1902-1945)
1- Cha Marcellin Maillebuau (Cố Mầu) Quản xứ Hà Úc 1902-1930
Trong thời gian này, phong trào tân tòng vùng biển dấy lên rất mạnh. Theo Báo cáo Thường niên (gởi Hội Thừa sai Paris) của Linh mục Tổng đại diện Alphonse Izarn (Cố Ý) năm 1906, thì tại vùng Hà Úc có 85 giáo điểm Tin Mừng. Các họ đạo từ Khánh Mỹ, Xuân Thiên, xuống đến Vinh Hòa dần dần được thành lập thêm. Người ta theo đạo hoặc vì thấy các Thừa sai lo cả phần hồn lẫn phần xác, bênh vực giáo dân trong các vụ kiện, cứu giúp khi có thiên tai đói kém. Đồng bào Xuân Thiên theo đạo đời Cố Mầu không phải vì kiện cáo nhau,[1] nhưng vì đói khổ được cứu trợ.
Cha Tanítlaô Nguyễn Văn Ngọc, có ở Xuân Thiên 5 tháng (từ 9-1944), kể lại rằng: anh đầu bếp tên Ơn và mấy cụ lớn tuổi ở Xuân Thiên năng nhắc đến Cha Giuse Trần Văn Trang và nói: “Cha Trang dạy chúng con lúc Xuân Thiên mới vào đạo”. Như thế, họ đạo Xuân Thiên (và có thể cả Khánh Mỹ, cách Xuân Thiên hơn 4km về phía Bắc Tây Bắc) được thành lập vào năm 1910, vì Cha Trang ở phó cho Cố Mầu tại Hà Úc năm 1910-1913.
Trong thời gian nầy, các Cha phó Hà Úc khác đến giúp Xuân Thiên là:
– Gioan Baotixita Huỳnh Viết Chưởng (1912).
– P.X. Trương Văn Lương (1913)[2].
– Phaolô Lê Quang Tuyến (1915).
– G.B. Nguyễn Văn Hân (1916).
– P.X. Dương Văn Nguyên (1920).
– Phêrô Huỳnh Văn Thuận (1922).
– Đôminicô Nguyễn Thanh Chước (1927).
– Tađêô Hồ Bảo Huỳnh (1929).
– Đôminicô Huỳnh Văn Thượng (1930).
Các Cha phó ấy thay nhau lên dâng lễ Chúa nhật và thỉnh thoảng ở lại vài ba tuần để dạy tân tòng và các em vỡ lòng, thêm sức.
Cố Mầu đã làm Nhà thờ Xuân Thiên phía dưới đường quan (nay là Tỉnh lộ 49B), Nhà thờ ba căn hai chái, lợp tranh, hai bên có trồng tranh mía.
2- Cha G.B Nguyễn Văn Hân Quản xứ Hà Úc 1930-1937.
Từ năm 1930, Cha Hân và các Cha phó vẫn tiếp tục làm mục vụ tại Xuân Thiên:
– Anrê Lê Trọng Đinh (1932).
– Giacôbê Nguyễn Văn Ngọc (1934).
– Phêrô Huỳnh Văn Hóa (1936).
3- Cha Jean-Marie Viry (Cố Vị) Quản xứ Hà Úc 1937-1943.
Cố đã xây Nhà thờ kiên cố trên độn cát cao như ngày nay. Ngài còn cho xây một nhà ở 2 phòng bên cạnh Nhà thờ bằng vách lợp tranh (nay chỉ còn móng).
Nhà thờ Xuân Thiên cũ, do Cha Jean-Marie Viry xây.
Ngài cử phó xứ là Cha GB. Nguyễn Văn Huệ ở tại Xuân Thiên để lo mục vụ tại Hà Thanh và Khánh Mỹ (1938-1941).
4- Cha Phêrô Huỳnh Văn Hóa Quản xứ Hà Úc 1943-1945.
Năm 1943, Cha Hóa thay thế Cố Vị, thời ngài cũng có các Cha phó ở riêng tại Xuân Thiên:
– Phêrô Hoàng Kính (1943-1944).
– Tanítlaô Nguyễn Văn Ngọc (1944-1945).
– Gioan Nguyễn Đăng Bình (1946, đi đi về về làm mục vụ)
C- Thời kỳ thuộc Giáo xứ Hà Thanh (1946-2008).
Từ năm 1946, Hà Thanh được nâng lên hàng Giáo xứ, thì Giáo họ Xuân Thiên thuộc Hà Thanh, qua các Cha sở:
1) PX. Trần Thanh Giản (1946-1948).
2) Matthêô Lê Văn Thành (1948-1950).
3) Phêrô Trần Hữu Tôn (1950-1951).
4) Antôn Nguyễn Văn Thọ (1952-1958[3]).
5) Batôlômêô Nguyễn Văn Phước (1958-1962).
6) Anrê Nguyễn Văn Trúc (1962-1968).
7) Phêrô Huỳnh Đình Kinh (1969-1975).
8) PX. Nguyễn Hoàng Hải (1975-1999). Xây nhà xứ Xuân Thiên.
9) Phaolô Phạm Tá (1999-2008). Triệt hạ Nhà thờ do Cố Vị dựng và nhà xứ do Cha Hải xây để có khuôn viên rộng rãi xây Nhà thờ mới (hiện tồn). Cha Tá cũng làm cổng, xây hàng rào quanh khuôn viên Nhà thờ và xây 2 phong giáo lý dài 14m và rộng 4m.
D- Các giai đoạn có Cha Quản xứ biệt lập
- GB Lê Xuân Mầng Quản xứ tiên khởi (1953-1956).
- Giuse Cái Hồng Phượng Quản sở từ 16-9-2008, kiêm Quản hạt từ 2020.
Trùng tu Nhà thờ, xây lại nhà xứ Xuân Thiên (2010); làm đường bê tông (2012-2014); trùng tu cung thánh Nhà thờ Xuân Thiên, trùng tu Nhà thờ Khánh Mỹ (2016).
Tái lập cộng đoàn nữ tu Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Phú Xuân Huế để giúp mục vụ Giáo xứ (2015) và lo thăm viếng lương dân trong vùng.
Nhà thờ Xuân Thiên – Bên trong cung thánh
III- HOA TRÁI ĐỨC TIN
Giáo dân
– Năm 2010: 350 người
– Năm 2015: 290 người
– Năm 2020: 353 người
****************************************
GIÁO HỌ KHÁNH MỸ
Giáo họ và Nhà thờ Khánh Mỹ nằm ở thôn Khánh Mỹ, xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Nhà thờ Khánh Mỹ cách Nhà thờ Xuân Thiên hơn 4km về phía Bắc Tây Bắc.
Dù đã đón nhận đức tin từ đầu thế kỷ XX, cách đây hơn 100 năm, nhưng qua bao biến thiên của thời cuộc, Giáo họ Khánh Mỹ nay chỉ còn một gia đình giáo dân, ở cạnh Tỉnh lộ 49B, trước trường Trung học phổ thông Vinh Xuân, giữ vai trò “thủ từ” đối với Nhà thờ Khánh Mỹ, cách đó hơn 270m về phía Bắc.
Nhà thờ Khánh Mỹ hiện thời
—————————————————————
[1] Thời đó người ta thường ví von: “Xuân Thiên hiền lành, Hà Thanh sinh sự, Hà Úc ốt ác, Phường Tây rầy rà…”.
[2] Báo cáo Thường niên năm 1913 của Đức cha Eugène Allys gởi Hội Thừa sai Hải ngoại Paris có viết: “Cách đây 30 năm, Hà Úc chưa hiện hữu; ngày nay, Giáo xứ này có trên 600 tân tòng; và nếu thêm 4 Giáo họ bao quanh là Hà Thanh, Xuân Thiên, An Bường và Phường Tây, thì Hà Úc là trung tâm của một Giáo sở có gần 1.800 linh hồn”
[3] Bộ Tiểu sử các Linh mục Giáo phận Huế ghi rằng cha Antôn Nguyễn Văn Thọ lúc ấy kiêm Xuân Thiên và Khánh Mỹ, nhưng cũng nói cha GB Lê Xuân Mừng làm quản xứ Xuân Thiên từ 1953-1956.
——————————————————————–
Mọi góp ý, bổ sung, điều chỉnh xin vui lòng liên hệ với Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi theo địa chỉ email: witness2005@gmail.com Xin cám ơn quý vị rất nhiều.
Nhóm Biên sử Tổng Giáo phận Huế.