Lược sử Giáo xứ An Bằng

06/08/2019

Lược sử

GIÁO XỨ AN BẰNG

I- VỊ TRÍ ĐỊA LÝ

Giáo xứ An Bằng, thuộc giáo hạt Hải Vân, là một làng sát biển Đông, nằm trên địa bàn xã Vinh An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, cách Toà Tổng Giám mục Huế khoảng chừng 25km về phía đông đông nam.

II- NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

A- Những hạt giống tiên khởi

Làng An Bằng (nguyên tên An Đôi, vì kỵ húy nên đổi lại)[1], được hình thành cách đây khoảng 450 năm do những người từ Thanh Hóa vào lập nghiệp. Dân làng làm nghề đánh cá biển, toàn là ngoại đạo.

Vào khoảng năm 1872, anh Lê Quy người An Bằng vào cưới vợ người Hà Úc, sinh được bé gái đặt tên Lê Thị Bạo. Mẹ mất sớm, cha tục huyền, bé Lê Thị Bạo được ở với bà ngoại. Đến tuổi khôn, bé được đến trường sơ tiểu học Hà Úc do cha sở là linh mục Jean-Marie Héry (cố Y, 1854-1879-1905)[2] thành lập và điều hành. Được tiếp xúc với người Công giáo, nhờ ơn Chúa soi sáng thúc đẩy, sau khi tìm hiểu và học giáo lý do cha Héry hướng dẫn, cô Lê Thị Bạo dấn bước quyết định theo Người. Cô nhận lãnh bí tích Rửa tội ngày 17-7-1894 tại nhà thờ Hà Úc với thánh hiệu Matta lúc vừa tròn 21 tuổi. Nhận thấy cô đạo đức, linh mục Héry gởi cô vào tu viện Mến Thánh Giá Phủ Cam Huế để theo con đường tận hiến; nhưng sau đó cô về lại với gia đình, và đã tuần tự đem cha ruột, mẹ kế và 3 người em vào đạo. Họ được rửa tội năm 1897 tại nhà thờ Hà Úc.

Trường hợp khác: ông Lê Nhiều (Lê Vinh), một người lâm bệnh lâu năm, đã qua nhiều thầy, uống nhiều thuốc mà vẫn không thuyên giảm. Một ngày đầu tháng 4 năm 1897, có ông thầy lang người Công giáo gốc Phủ Cam về làng An Bằng chữa bệnh. Gia đình ông Lê Nhiều cũng mời vào, hy vọng chữa lành gia chủ. Sau khi bắt mạch, thầy lang nói: “Bệnh nầy tôi không chữa được, tuy vậy nếu ông muốn thì tôi cũng gắng hết mình. Mà nếu như lành được thì đó là nhờ Ơn Trên, và gia đình ông phải theo đạo”. Ông Lê Nhiều đồng ý cho thầy chữa.

Sau ba ngày uống thuốc, bệnh có phần thuyên giảm; ông tiếp tục chữa và khoảng nửa tháng sau thì khỏi hẳn. Ông Lê Nhiều giữ lời đã hứa nên xin cho 2 con nhỏ là Lê Chất và Lê Thị Thìn được rửa tội ngày 30-5-1897 tại An Bằng với thánh hiệu Phaolô và Anê. Phần ông, vì cần học giáo lý căn bản, nên đến ngày 15-7-1897 mới được rửa tội tại Hà Úc cùng với gia đình ông Lê Quy.

Một trường hợp khác nữa là trong cùng thời gian, gia đình ông Thìn bà Chít, hai con trai tên Tứ và Ngọ cũng đã được linh mục Héry rửa tội ngày 25-4-1896 tại nhà thờ Hà Úc.

Vào giữa năm 1902, linh mục Marcellin Maillebuau (cố Mầu, 1865-1890-1930) về làm chánh xứ Hà Úc. Sau một thời gian tìm hiểu, cha tiếp tục công việc truyền giáo ở An Bằng. Với sự cố gắng vượt bực như chạy đua với thời gian, cố Mầu đã chọn đêm Giáng sinh 24-12-1903 để rửa tội cho 2 em trai: Giuse Lạc (5 tuổi) và Giuse Hiển (3 tuổi) con của ông Khai và bà Lý, khai mở giai đoạn hai cho việc trồng thêm cây đức tin cho vườn xứ An Bằng.

Thiên Chúa còn kêu gọi một dòng tộc cách lạ lùng. Số là vào một buổi chợ trong tháng 2 năm 1905, ông Văn Hòa, nguyên là một “thầy pháp” của làng, đang bện dây dùng cho việc đánh cá. Thấy cô Lê Thị Bạo (như nói trên kia, đã 32 tuổi vẫn còn độc thân vui tính) ra bán vải ở chợ, ông liền chọc ghẹo bằng cách ném mảnh sành. Chẳng may làm cô Bạo chảy máu nhẹ. Biết cô được cố Mầu ở nhà thờ Hà Úc bảo trợ, ông Văn Hòa vội vàng đưa cô vào Hà Úc để xin lỗi cố Mầu. Chẳng biết cố nói thế nào mà sau đó ông cùng cả gia đình đều trở lại đạo; toàn thể gia đình được cố Mầu rửa tội ngày 6-5-1905 tại nhà thờ Hà Úc cùng với 21 người khác. Trong số nầy có gia đình ông Nguyễn Cúc ở xóm mới (giáp An Mỹ hiện thời), và gia đình Phaolô Ngởi+Agata Văn.

Vào khoảng tháng 8-1905, số giáo hữu An Bằng lên đến 58 người. Giáo dân ước ao có một nơi để cùng nhau cầu nguyện, nên cố Mầu sẵn sàng tài trợ kinh phí vật liệu, ông Bênêđictô Văn Hòa dâng mảnh đất vườn và giáo dân góp công sức xây dựng. Thế là một nhà nguyện bằng tranh tre được dựng lên khang trang. Đây là ngôi nhà thờ đầu tiên của xứ An Bằng.

B- Giáo họ với những linh mục kiêm nhiệm

Đến giữa năm 1912, khi con số giáo hữu lên đến 92 người, cố Mầu đã lập thành giáo họ thuộc giáo xứ Hà Úc và chọn hai Thánh Phêrô Phaolô làm bổn mạng, vì dân An Bằng sinh sống bằng nghề đánh cá biển. Cố Mầu đã đặt ông Phaolô Lê Phi (con trai đầu của ông Giuse Lê Quy) làm câu họ đầu tiên.

Trong thời gian cố Mầu ở Hà Úc, có nhiều linh mục phụ tá cho ngài. Các phó xứ được cố Mầu đưa ra phục vụ xứ An Bằng gồm có:

– Linh mục G.B. Huỳnh Viết Chưởng: 1912-1914

– Linh mục Phanxicô X. Trần Văn Lương: 1914-1915

– Linh mục Phaolô Lê Quang Tuyến: 1918-1922

– Linh mục Đôminicô Nguyễn Văn Chước: 1926-1929

Năm 1930, linh mục GB. Nguyễn Văn Hân được đặt làm chánh xứ Hà Úc thay thế cố Mầu, ngài tiếp tục công cuộc truyền giáo trong cả vùng rộng lớn, An Bằng được ngài chú ý nhiều. Trong thời gian nầy có linh mục Tađêô Hồ Bảo Huỳnh làm phó, đặc trách An Bằng các năm 1930-1932.

Năm 1936, sau khi thương lượng với làng, ông Nguyễn Phò làm bộ làng đã ký giấy nhường cho hội giáo một mảnh đất trên gò đồi để xây dựng thánh đường mới, là vùng đất hiện nay. Cha GB. Nguyễn Văn Hân đã tạo điều kiện và giáo dân đã hăng hái nhiệt thành góp công xây dựng ngôi nhà thờ 5 gian bằng gạch ngói, dài 20 mét rộng 9 mét, mặt tiền hướng về phía Tây Bắc (ngược hướng hiện nay, vì đường làng hồi đó ở phía sau).

Năm 1937, linh mục J. Viry (cố Vỵ) thay linh mục Nguyễn Văn Hân làm chánh xứ Hà Úc, ngài cũng lưu tâm đến việc truyền giáo. Chính vì vậy, trong giai đoạn nầy, nhờ ảnh hưởng và uy tín của ngài, có nhiều người An Bằng tòng giáo, nổi bật là dòng họ ông Lê Cảnh. Để kỷ niệm ngày “được làm con Chúa”, hai ông Lê Cảnh và ông Lê Đôn dâng cúng cho nhà thờ một cái chiêng lệnh để phục vụ cho việc phụng tự.

Trong thời đoạn nầy, để mở mang dân trí cho người địa phương, cố Vỵ xây một ngôi trường ba gian[3], mời ông Nguyễn Văn Hiến, người xứ Hà Úc đến dạy chữ quốc ngữ. Đây là ngôi trường sơ học đầu tiên trên đất An Bằng.

Từ năm 1953, có linh mục Giuse Trần Thế Hưng từ ngoài Quảng Bình chạy vào Huế vì thời cuộc và được bề trên giáo phận đặt làm quản nhiệm An Bằng cho đến năm 1955.

C- Giáo xứ với những giai đoạn thăng trầm.

Vào khoảng quý 3 năm 1955, Đức Giám mục Giáo phận Jean-Baptiste Urrutia (Thi) đã nâng giáo họ An Bằng thành giáo xứ với những quản xứ chính thức, biệt lập:

1- Linh mục Phaolô Nguyễn Văn Tiên (1955-1959):

Vị quản xứ tiên khởi là cha Phaolô Nguyễn Văn Tiên[4] (em ruột cha Nguyễn Thanh Tiếp). Ngài đến nhận xứ An Bằng tháng 9 năm 1955 (ở cho tới tháng 8 năm 1959). Như gặp “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, dân làng An Bằng đã tòng giáo rất đông. Vì số tín hữu tăng nên cha Tiên đã kêu gọi giáo dân góp công sức để mở rộng nơi thờ phượng. Ngài đến gõ cửa nhiều nhà hảo tâm, xin gạch ximăng ở cửa Tư Hiền, chở đá từ núi Linh Thái (Vinh Hiền, Phú Lộc)… Thế là ngôi nhà thờ được nâng cao lên và nối thêm ba gian thành 8 gian, có thêm mặt tiền khá đẹp. Ngài vào Đà Nẵng đặt một quả chuông kiểu Tây phương (được sử dụng đến năm 1996).

Năm 1956, ngài xây đài Đức Mẹ sát biển để xin Mẹ ban bình an cho dân làng đi đánh cá.

Song song với việc tái thiết nhà thờ, cha Tiên còn xúc tiến việc giáo dục. Ngài đã xây dựng một ngôi trường, mời các nữ tu dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm về đảm trách. Nhưng việc quan trọng phải nói hơn cả là ngài đã củng cố lòng đạo đức cho giáo hữu bằng cách lập nhiều hội đoàn, đồng thời hết sức lo việc truyền giáo. Số tân tòng trong năm 1957 lên tới trên 100 người, khiến ngài đã phải nhờ nhiều linh mục về giúp ban bí tích Rửa tội.

2- Linh mục Giuse Nguyễn Văn Giáo (1959-1961):

Cha Giáo về thay, làm quản xứ từ tháng 8-1959 đến tháng 9-1961. Giai đoạn nầy là thời gian thịnh đạo của giáo xứ. Mọi sự đều tốt đẹp. Linh mục Nguyễn Văn Giáo tiếp tục lo việc giáo dục, nên đã mở rộng công trình của cha Tiên, đặt tên là Trường Mai Khôi An Bằng. Bảng hiệu nay vẫn còn.

Cha Giáo cũng rất quan tâm đến những người nghèo khổ, bất kể lương giáo. Ngài thường gọi các chú mang gạo ra để trước nhà xứ và mời họ đến nhận.

Sau khi cha được chuyển về làm quản lý Giáo phận, An Bằng lại trở thành giáo họ, trực thuộc giáo xứ Phường Tây, từ tháng 9-1961 kéo dài đến tháng 8-1965. Đó là vì sau biến cố tháng 11-1963 (tổng thống Công giáo Ngô Đình Diệm bị lật đổ), một số tân tòng, do đức tin còn non kém, đã không đứng vững; một số khác lại bỏ xứ đi lập nghiệp ở Nha Trang và Đồng Nai. An Bằng trở nên thưa thớt.

3- Linh mục Tađêô Trần Văn Tri (1965- 1966):

Tháng 8 năm 1965, bề trên đưa linh mục Tađêô Trần Văn Tri về cai quản An Bằng. Làm quản xứ chưa đầy một năm, ngày 5-4-1966, ngài lâm cơn tai biến mạch máu não, bị bại liệt nên phải đi chữa bệnh và sau đó về hưu dưỡng tại Nhà chung Giáo phận.

4- Linh mục Gioakim Võ Quang (1966-1968):

Ngày 20-10-1966, linh mục Gioakim Võ Quang về thay thế linh mục Trần Văn Tri. Cha Gioakim ở với An Bằng đến tháng 3 năm 1968 rồi phải rời xứ vì thời cuộc (biến cố Tết Mậu Thân). Thế là An Bằng lại được bề trên cho nhập vào làm giáo họ của giáo xứ Hà Úc, lúc ấy do cha Phêrô Ngô Văn Triệu cai quản. Sau chiến cuộc 1968, nhà thờ bị bom đạn làm đổ nát, một số khá đông giáo dân vào lập nghiệp tại Lăng Cô, nên An Bằng còn lại khoảng 2/3 nhân sự.

5- Linh mục Augustinô Hồ Văn Quý (1971-1973):

Thiên Chúa không để cho giáo hữu nơi này chịu thiệt thòi quá mức, nên tháng 9-1971, linh mục Augustinô Hồ Văn Quý được bổ về cai quản và An Bằng trở thành giáo xứ lại. Ngài đã sửa sang nhà thờ bị hư hại do chiến cuộc. Vì không đủ kinh phí, nên chỉ lợp tôn, đồng thời mặt tiền nhà thờ cũng thay đổi cho đơn giản. Thời gian này, cha quản xứ cũng tiếp tục việc cải thiện đời sống cho giáo dân lẫn lương dân trong vùng, qua công tác Caritas của Giáo phận.

6- Linh mục Phêrô Lê Đình Khôi (1973-1974):

Vào tháng 8 năm 1973, bề trên lại đổi cha Phêrô Lê Đình Khôi về làm quản xứ. Ngài chỉ ở với An Bằng mười một tháng. Tháng 7-1974 linh mục Phanxicô Xavie Nguyễn Hoàng Hải được bề trên đưa về làm phó xứ Phường Tây và quản nhiệm An Bằng.

Biến cố 1975 xảy đến, cha Phanxicô Xavie được đổi lên xứ Hà Thanh và vẫn kiêm An Bằng.

Khi linh mục Giacôbê Lê Sĩ Hiền về làm quản xứ Hà Úc vào tháng 8-1975 thì cũng kiêm nhiệm An Bằng nữa. Dù hoàn cảnh lúc ấy rất khó khăn, ngài cũng cố gắng hết mình để củng cố đức tin cho giáo hữu bằng cách giảng dạy và dâng thánh lễ mỗi tuần hai lần (Thứ tư và Chúa nhật).

Sau biến cố 1975, cộng đoàn nữ tu ở An Bằng cũng biệt dạng. Để nâng đỡ mình trong việc dạy giáo lý, cha Giacôbê nhờ các chị ở Hà Úc ra giúp hằng tuần.

7- Linh mục GB. Lê Văn Nghiêm (1977-1981) Kỳ 1:

Ngày 9-7-1977, Đức Tổng Giám mục Philiphê Nguyễn Kim Điền đặt linh mục GB. Lê Văn Nghiêm về làm quản xứ. Giáo dân lúc đó được khoảng 550 người. Do hoàn cảnh thời cuộc, linh mục Lê Văn Nghiêm lại phải xa giáo xứ vào ngày 23-6-1981. Cha Giacôbê, vì thương giáo xứ nên lại tiếp tục gánh lấy việc chăm sóc. Nói được, đây là giai đoạn gian lao, rất khó khăn cho việc ra vào lui tới giáo xứ. Nhưng Chúa Thánh Thần đã ban đủ cho cha sở Hà Úc và cho giáo hữu An Bằng nghị lực và lòng nhiệt thành. Linh mục Lê Sĩ Hiền vừa cáng đáng công việc nặng nhọc với 2.800 giáo dân Hà Úc, lại phải kiêm nhiệm xứ An Bằng suốt 13 năm đằng đẵng.

Trong thời gian nầy, dù quá nhiều công việc, cha Giacôbê vẫn hướng dẫn giáo xứ sửa lại nhà thờ bị xuống cấp trầm trọng. Việc tu bổ hoàn thành vào năm 1987, với tháp chuông được xây lại. Năm 1992 ngài sửa sang đài Đức Mẹ ngoài bờ biển (đài nầy đã được cha Nguyễn Văn Tiên xây dựng năm 1956), rồi cùng với giáo xứ làm lại nhà cha sở năm 1989.

Với tài khéo léo sẵn có, năm 1990 cha Lê Sĩ Hiền đã liên hệ với chính quyền rồi với dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm xin lập lại cộng đoàn nữ tu phục vụ xứ đạo.

8- Linh mục G.B Lê Văn Nghiêm (1994-2014) Kỳ II:

Ngày 24-9-1994 Linh mục G.B Lê Văn Nghiêm về lại giáo xứ.

Ngày 22-2-1995 nhân lễ “Lập Tông tòa Thánh Phêrô”, Đức Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể đã đặt viên đá đầu tiên cho công trình xây dựng nhà thờ mới. Việc xây dựng kéo dài hơn hai năm. Nhà cha sở cũng được xây lại (dịch về phía Tây khoảng 25 mét).

 Ngày 25-6-1997, Đức Tổng Giám mục lại về chủ sự lễ thánh hiến nhà thờ mới giữa niềm hân hoan của mọi giáo dân An Bằng. Ngôi thờ tự mới này dâng kính “Thánh Tâm Chúa Giêsu”. Quang cảnh cũ chỉ còn “cây dương liễu” cha Nguyễn Văn Tiên trồng năm 1956.

 Lúc này giáo dân tại xứ là 768 người. Một số lên thành phố Huế sinh sống, một số vào Lăng Cô, số khác lại vào Đà Nẵng, Nha Trang, Đồng Nai, Sài Gòn. Khá đông đi ra nước ngoài.

 Để tạ ơn Thiên Chúa và ghi nhớ công đức các vị khai sáng cùng các vị tiền nhân, giáo xứ đã quyết định xây một “Nhà bia” và tổ chức lễ “Mừng 100 năm nhận lãnh đức tin” (đúng ra là 107 năm) vào hôm 17-7-2001 (ngày mà vào năm 1894, cô Matta Lê Thị Bạo người An Bằng đầu tiên lãnh nhận bí tích Rửa tội).

9- Linh mục Phêrô Nguyễn Hữu Giải (2004-2016):

Ngày 18-5-2004, cha Phêrô Nguyễn Hữu Giải nhận nhiệm vụ quản xứ An Bằng. Ngài tiếp tục củng cố đức tin qua giờ Thánh Thể, các lớp giáo lý, các tổ chức bác ái xã hội; phục hoạt phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể: Ấu, Thiếu, Nghĩa, nung nấu lòng nhiệt thành sống và loan báo Tin Mừng. Ngài cũng làm quản hạt Hải Vân (2008-2012; 2012-2016). Tháng 10-2016 ngài về hưu dưỡng tại Nhà chung Giáo phận.

10- Linh mục Phaolô Phạm Tá (2016-2019):

Quản xứ kiêm quản hạt Hải Vân (nhiệm kỳ 2016-2020). Cha đã trùng tu ngôi nhà thờ sau 20 năm xây dựng, đồng thời cũng tiếp tục công việc giáo dục đức tin cho tín hữu qua nhiều hoạt động mục vụ đa dạng.

Tiếc thay, vì bệnh ung thư, cha Phaolô phải rời nhiệm sở ngày 05-03-2019. Cha Nguyễn Hữu Giải (đang nghỉ hưu) tạm quản nhiệm.

Ngày 19-03-2019, vị linh mục chưa mừng lễ ngân khánh (ngài chịu chức năm 1996) đã qua đời tại bệnh viện quốc tế Huế, trước sự thương tiếc của giáo dân và mọi người. An táng nghĩa trang Thiên Thai ngày 22-03-2019.

11- Linh mục Giuse Phạm Văn Tuệ (5/2019….)

Với bài sai ký ngày 10-5-2019, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh đã bổ nhiệm cha Giuse Phạm Văn Tuệ về An Bằng tiếp nối công việc chăn dắt đoàn chiên của các vị tiền nhiệm.

III- HOA TRÁI ĐỨC TIN

1- Linh mục

1- Linh mục Antôn Văn Đình Quang (Hoa Kỳ)

2- Linh mục Phaolô Trương Minh Tiên (Huế)

3- Linh mục Giuse Maccô Lê Tiến Hóa (Hoa Kỳ)

4- Linh mục Philipphê Nguyễn Bá Thông (Huế)

5- Linh mục Phanxicô Xaviê Lê Văn Cường (Dòng Thánh Tâm)

6- Linh mục Nguyễn Quang Ngọc (Hoa Kỳ)

7- Lm Giuse Lê Văn Trình (Hoa Kỳ)

2- Tu sĩ nam nữ

8- Thầy Đaminh Trương Minh Quả (Dòng Thánh Tâm)

9- Thầy Phaolô Phạm Thiện Trung (Áo)

10- Thầy Gioakim Nguyễn Văn Bính (ĐCV)

11- Thầy Giuse Nguyễn Văn Long (ĐCV)

12- Nữ tu Madalêna Nguyễn Thị Thu Hằng (Hoa Kỳ)

13- Nữ tu Maria Lê Thị Xuân Ngọc (Hoa Kỳ)

14- Nữ tu Maria Nguyễn Thị Xuân (Hoa Kỳ)

15- Nữ tu Bertila Nguyễn Thị Tuyết (Dòng Phaolô)

16- Nữ tu Madalêna Nguyễn Thị Phi (Dòng Phaolô)

17- Nữ tu Maria Matta Lê Thị Thuận (Dòng CĐMVN)

18- Nữ tu Maria Phạm Thị Dinh (Dòng CĐMVN)

19- Nữ tu Maria Matta Văn Thị Mai (Dòng CĐMVN)

20- Nữ tu Matta Nguyễn Thị Thanh Thủy (Dòng Phaolô)

21- Nữ tu Matta Văn Thị Kim Phượng (Dòng CĐMĐV)

22- Nữ tu Madalena Nguyễn Thị Hồng Diệp (em cha Bá Thông)

3- Giáo dân năm:     

2005:   783 người

2008:   642 người

2013:   583 người

2015:   568 người

2016:   450 người

2018:   548 người

Con số giáo dân càng ngày càng ít vì đa số rời quê hương đến định cư tại Hoa Kỳ. Số giáo dân này luôn hiệp thông với giáo xứ và rộng lòng giúp đỡ giáo xứ về mọi mặt. Chưa kể đến việc họ đã tài trợ cho thân nhân ở nhà xây nên một ngôi nghĩa địa hoành tráng vào bậc nhất Việt Nam.

[1] Theo tư liệu lịch sử dân tộc và gia phả các họ khai canh, thì khoảng nửa thế kỷ XVI, Nguyễn Hoàng tức chúa Tiên vào trấn thủ Thuận Hóa năm 1558. Năm 1569, ông lại ra Thanh Hóa chầu vua Lê. Qua năm 1570, một số lái buôn người thôn An Ba, xã Cừ Hà, huyện Khang Lộc, phủ Tân Bình (Quảng Bình ngày nay) đi thuyền ra buôn bán xứ Thanh, trong số đó có ba ngài họ Nguyễn, Trần và Hoàng.  Ba vị này đứng ra tình nguyện dùng thuyền trường đà (loại ghe vận tải lớn ngày xưa) chở chúa Tiên trở vào Ái Tử, lại làm hướng đạo cho chúa đi đánh dẹp quan lại phản loạn.

Sau khi xong việc, năm 1571, ba ngài đưa vợ con, bạn bè vào miền biển huyện Phú Vang, phủ Triệu Phong, lập nên làng xóm, đặt tên là phường An Đôi. Thời chúa Ngãi Nguyễn Phúc Thái (1687-1691), vì kiêng húy tên bà Tống Thị Đôi (thân mẫu chúa Ngãi), làng phải đổi tên thành An Bằng, thuộc nội phủ, tổng Diêm Trường, huyện Phú Vang, phủ Triệu Phong. 

Năm 1835, vua Minh Mạng tiến hành xếp đặt lại các đơn vị hành chánh, thì ấp An Bằng thuộc tổng Kế Mĩ. Ngày nay,  làng An Bằng nằm trong địa phận xã Vinh An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. (Internet)

[2] Linh mục Héry là chánh xứ Hà Úc nhưng phải kiêm nhiệm nhiều nơi: Từ Diêm Trường lên đến Xuân Thiên, vượt phá qua tới Dưỡng Mong, Diêm Tụ. Ba con số chỉ năm là năm chào đời, năm chịu chức và năm qua đời.

[3] nay là  “nhà bia”.

[4] Có khi còn ghi là Nguyễn Thanh Tiên

Nhóm Biên sử Tổng Giáo phận Huế.