LƯỢC SỬ
GIÁO XỨ AN VÂN
I- VỊ TRÍ ĐỊA LÝ
Giáo xứ An Vân, thuộc hạt Thành Phố, tọa lạc trên địa bàn phường Hương An, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế, nằm sâu trong làng quê quanh co, hẻo lánh, cách tòa Tổng Giám mục khoảng 10km về phía Tây Bắc.
II- NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN
1/ Nguồn gốc hình thành
Chưa tìm thấy một bằng chứng xác thực nào về sự ra đời, về gốc tích cư dân nơi đây, cả đời lẫn đạo. Theo Lm. Stanislao Nguyễn Văn Ngọc,[1] giáo dân An Vân có gốc gác từ Quảng Trị, phiêu tán trong các giai đoạn chiến tranh Trịnh-Nguyễn (1627-1672) và Nguyễn-Tây Sơn (1771-1802).
Về giáo sử thì trong bản báo cáo mà Đức cha Charles-Marin Labbé (1648-1697-1723)[2], chủ chăn giáo phận Đàng Trong, gởi về Bộ Truyền bá Đức tin năm 1701, giáo xứ An Vân chưa thấy được đề cập (x. Adrien Launay, Histoire de la mission de Cochinchine,T.1, tr.502). Ngay cả một báo cáo gởi Vatican năm 1747 (thời Đức Giám mục Armand-François Lefèbvre 1709-1743-1760) cũng chưa thấy nhắc tên giáo xứ này.
Như vậy, có thể ước đoán giáo xứ An Vân ra đời khoảng cuối thế kỷ 18 hoặc đầu thế kỷ 19.
2/ Lớn lên trong thử thách (1820-1863)
a- Dưới triều vua Minh Mạng
Trong di chúc của vua Gia Long (1802-1819)[3] có khoản nói về sự bình đẳng các tôn giáo: Nho, Phật, Công và Lão. Nhưng Minh Mạng kế vị (1820-1841) đã không tôn trọng đủ di chúc của phụ vương. Khi ông mới lên ngôi, tình hình tôn giáo còn nhẹ nhàng, nhưng chỉ thời gian ngắn sau, cuộc sống tín hữu gặp nhiều khó khăn vì vua chẳng những không thích mà còn xem Công giáo (Gia Tô) là “tà đạo”. Sau vụ Thánh Phaolô Tống Viết Bường không chịu xuất giáo và được phúc tử đạo (23-10-1833), và sau vụ kiện cáo đất ruộng của 2 làng Dương Sơn và Cổ Lão (1831-1832), vua Minh Mạng ra sắc dụ cấm đạo toàn quốc (6-1-1833), buộc các sĩ quan có đạo trong quân đội phải xuất giáo.
Trong dụ cấm đạo trên, nhà thờ An Vân bị triệt hạ. Nhưng giáo dân nói chung vẫn bình thường, nhờ làng lương bên cạnh không xoi mói. Có thể đây là làng Bồn Phổ[4] mà sau này vào thời Phân Sáp (1861), giáo dân An Vân bị tập trung ở đấy và được dân làng này giúp đỡ !
Năm 1834, vua Minh Mạng ban Thập điều Huấn dụ[5] và buộc thần dân trong nước phải học tập, trong đó đặc biệt có điều thứ 7 (Sùng chính học) tấn kích và vu vạ Công giáo. Giáo dân An Vân cũng như toàn quốc đã trải qua kinh nghiệm “xét lại lương tâm” này cách đặc biệt; và chắc chắn ơn Chúa đã giúp họ vượt qua được những lý luận người phàm mà trung thành với đức tin và với giáo huấn trổi vượt của đạo.
Tuy gặp hoàn cảnh khó khăn như thế, giáo xứ An Vân cũng đã được các vị chủ chăn đến viếng thăm và ban bí tích. Năm 1823, Đức cha Gioan Labartette (1744-1784-1823) kinh lý An Vân và ban phép Thêm sức. Cha thánh Fr. Jaccard (Phan) ở giáo xứ Dương Sơn đã bị triệu vào kinh đô và thường xuyên lên thăm mục vụ giáo xứ An Vân[6]. Khi ngài bị đưa lên Lao Bảo giam thì cha Anrê Nguyễn Hòa An thay thế, cũng lui tới với giáo xứ An Vân.
b- Dưới triều vua Tự Đức
+ Đào tạo và truyền chức linh mục tại An Vân
Năm 1847, Thiệu Trị băng hà, Tự Đức kế nghiệp, và triều đình bận lo đám tang của vua. Tranh thủ thời gian này, Đức cha François-Marie Pellerin (1813-1846-1862, phó của Đức Giám mục Đàng Trong Cuénot (Thể) và sẽ là Giám mục tiên khởi của Giáo phận Bắc Đàng Trong, tức GP Huế sau này từ 1850), lặn lội từ Bình Định ra Đà Nẵng rồi đi tròng[7] ra Huế.
Khi có dụ cấm đạo của vua Tự Đức (1847-1883), việc lùng bắt các Thừa sai trở nên căng thẳng, thì Đức Cha trú tại Dương Sơn, lúc ở nhà giáo dân, lúc ở ràn trâu bò (1848-1849). “Vào đầu tháng 3-1849, Đức cha suýt bị bắt ở Dương Sơn: hai tên lính người lương, được sai đi lấy cho bằng được vôi trầu để dùng trong triều đình và các bàn thờ tổ tiên của nhà vua, bất thần đi vào trong vườn nơi Đức cha đang trú ngụ và chúng thấy ngài rõ ràng. Thay vì báo cho làng lương chỉ cách đó vừa tầm một phát súng, chúng cấp tốc chạy về Huế để tố cáo. Lợi dụng thời gian đó, Đức cha xếp dọn hành lý, và trong lúc các người cho ngài trú xóa đi những dấu vết về việc ngài có ở đó, một con thuyền nhỏ chèo nhanh đưa ngài đến một giáo xứ cách đó 5 hay 6 dặm” (101 Vị Thừa sai MEP đã phục vụ Giáo phận Huế, tập 1, tr.20, Stanislaô Nguyễn Đức Vệ dịch). Đó là giáo xứ An Vân![8] Và kẻ đưa ngài tới đấy chính là quan Thái bộc Micae Hồ Đình Hy.
Trong thời gian trú ẩn ở An Vân (1848-1849), Đức cha Pellerin đã làm những việc quan trọng như mở chủng viện tạm thời tại đây, ban phép Thêm sức cho nhiều người. Đặc biệt đã truyền chức linh mục cho thầy Xitô Trương Công Quang trong đêm khuya tại nhà tư ngày 5-3-1849. Sau đó, ngài phải rời An Vân đi Di Loan gấp do bị phát hiện.
Ngày 17-12-1853, Đức cha Joseph-Hyacinthe Sohier (Bình, MEP, 1818-1851-1876), phó của Đức cha Pellerin, từ Di Loan vào thăm An Vân[9] và âm thầm truyền chức linh mục cho thầy Phaolô Trần Hữu Ninh tại nhà ông Thường.
Như vậy, hai lần giáo xứ được hoan hỷ dự lễ truyền chức cho các thầy được huấn luyện một thời gian tại An Vân. Nhưng xét như linh mục tiên khởi người An Vân, thì đó là cha Mactinô Nguyễn Văn Thanh, được đào tạo tại Pinang và chịu chức năm 1848[10].
+ Những khó khăn xảy đến với giáo xứ
– Năm 1856, sáu giáo dân An Vân bị bắt do lời khai của quan Hồ Đình Hy (bị tống ngục từ tháng 9-1856, ngài khai như vậy, vì tưởng họ đã trốn đi nơi khác rồi): Bà Lê Thị Huệ, các ông Lê Văn Trung, Đặng Văn Ngôn, GB Cư (Lý trưởng), Lê Văn Khuê, Đặng Văn Lưu. Các ông Trung, Ngôn được tha vì quá tuổi. Bà Huệ bị tịch thu tài sản. Ba vị còn lại bị lưu đày ra Lạng Sơn và chết tại đó[11].
– Tháng 10-1858, vua Tự Đức truyền bắt mọi chức việc họ, và các vị ở An Vân cũng đồng một số phận lao tù.
– Giữa năm 1861, vua Tự Đức ra sắc dụ Phân Sáp, nhưng đến ngày 22-8-1861 mới thi hành, và chấm dứt ngày 13-7-1862. Theo sắc dụ nầy, thì giáo dân từ 15 tuổi bị khắc tự và tống vào các trại giam. Giáo dân An Vân bị giữ tại trại Bồn Phổ. May không có sự cố xảy ra, họ an toàn trở về làng cũ.
Về giáo dân An Vân bị bắt giam và bị khắc tự trong vụ Phân Sáp, được biết có bà Anna Lê Thị Điều (1832-1930), làm dâu tại Phường Đúc. Theo ông Phan Văn Hường, cháu nội của bà Điều, thì lúc nhỏ, ông được bà bồng bế và từng sờ vết sẹo khắc tự này. Đó là những lằn khắc xăm màu mực xanh. Bà là chị cha Lê Văn Huấn, mẹ cha Phan Văn Bá, mệ cha Phan Đình Bố, cố cha Phan Phát Huồn và cha Phan Thiện Ân (DCCT).
3/ Phát triển trong an bình (1863)
Năm 1862, vua Tự Đức và triều đình Huế buộc phải ký hòa ước Nhâm Tuất với Pháp sau khi Pháp chiếm 4 tỉnh ở Nam Kỳ. Trong Hòa ước có khoản 2: “Thần dân hai nước Pháp và Tây Ban Nha được hành đạo Gia Tô nước Đại Nam, và bất luận người nước Đại Nam ai muốn theo đạo Gia Tô đều sẽ được tự do theo, nhưng những người không muốn theo đạo Gia Tô thì không được ép họ theo”. Do vậy, sau đó, nhà vua đã phải ra một sắc dụ hủy bỏ lệnh bắt đạo.
Sau khi sắc dụ được ban ra, giáo dân An Vân góp công của đúc chuông[12] để mừng sự kiện lịch sử này, tạ ơn Thiên Chúa và Đức Mẹ.
Tuy nhiên, vào tháng 9-1885, khi phong trào Văn Thân với chủ trương “Bình Tây Sát Tả” tấn công tín hữu và đốt phá nhà thờ của các giáo xứ vùng Bắc Quảng Trị và Nam Quảng Bình, thì một người con của An Vân là cha GB. Lê Văn Huấn, đang coi sóc giáo xứ Nhu Lý, bèn chạy đếngiáo xứ Dương Lộc lánh nạn nhưng không may đã bị giết tại đây ngày 08-09-1885 cùng với gần 2600 tín hữu (trong đó có 3 linh mục và 65 nữ tu). Vậy là An Vân có một vị tử đạo giữa “thời bình”.
Sau khi đạo được bình an, Đức Cha Ant. Caspar (Lộc, 1841-1880-1917) đã ban cho giáo xứ An Vân một hộp đựng xương các thánh Micae Hồ Đình Hy, Gioan Đoạn Trinh Hoan, Matthêu Nguyễn Văn Phượng và Phanxicô Nguyễn Văn Trung, chưa kể một bộ giàn trò làm nhà thờ.
Nhà thờ An Vân hiện tại dâng kính Đức Mẹ dưới tước hiệu “Đức Bà Mân Côi”. Lòng nhà thờ là một thứ nhà rường Việt Nam với bộ giàn trò bằng gỗ và 2 hàng cột. Cha Bùi Quang Lợi và giáo xứ đã dựng nó vào năm 1907. Bộ giàn trò là của một điện trong thành nội, bị sập do bão năm Thìn (1904), Đức cha Caspar (Lộc) đã mua lại và tặng giáo xứ.
Năm 1944, cha Hoàng Kính mở rộng nhà thờ phía trước. Năm 1882 rồi 1994, cha Phan Xuân Thanh đại trùng tu nhà thờ, thay một số cột kèo, gần như trăm phần trăm rui mèn, lợp ngói mới. Trong khi cho thợ nề đập các vôi hồ vữa để tô lại, cha Thanh phát hiện hai hàng cửa vòm ở 2 bên hông nhà thờ, nên đã phục chế như xưa, duyên dáng, ấm áp, và lắp mới cửa gỗ.
Mặt tiền nhà thờ được xây theo kiến trúc tam quan đình làng hơn là kiểu chùa, nhưng lại cao đến đỉnh thánh giá là 15m. Đặc biệt, có nhiều câu đối chữ Hán khảm sành vừa hay đẹp văn chương vừa thâm sâu ý nghĩa.
Trong sân, trước mặt nhà thờ, là một hồ nước cạn trồng sen và súng, tạo hơi mát cho cả khuôn viên.[13] Đây là một trong những nhà thờ cổ độc đáo ở Giáo phận.
III- DANH SÁCH CÁC LINH MỤC QUẢN XỨ
Các vị từ 1 đến 7 là những quản xứ lưu động, coi sóc nhiều giáo xứ tại Huế, trong đó có An Vân. Phải đợi đến khi Đức Cha Sohier được tự do tổ chức lại giáo phận (xác định ranh giới các giáo xứ và nhiệm sở của các quản xứ) từ 1864, thì mới có các cha sở biệt cư thực thụ.
1) GB. Bùi Văn Ngôn (1835-1840)
2) Anrê Nguyễn Hòa An (1842)
3) Gioan Đoạn Trinh Hoan 1842-1845
4) Tađêô Phan Văn Thận (1856)
5)Giuse Nguyễn Văn Mỹ (1856)
6) Anrê Nguyễn Văn Lành (1857)
7) Luca Nguyễn Hữu Tín (1857-1871)
8) Gioan Trần Minh Châu (1871-1876)
9) Phêrô Trần Văn Sáng (1876-1886)
10) Anrê Nguyễn Văn Định (1886-1891)
11) Phêrô Trương Đăng Khoa (1891-1896)
12) Giuse Trần Văn Tỉnh (1897-1905)
13) GB. Bùi Quang Lợi (1906-1911)
14) Anrê Trần Văn Doãn (1911-1918)
15) GB. Bùi Quang Lược (1918-1936)
16) Antôn Phạm Đình Ngãi (1936-1944)
17) Phêrô Hoàng Kính (1944-1946)
18) Phaolô Phan Đình Bố (kỳ 1) (1947-1952)
19) Anrê Nguyễn Hữu Tường (1952-1955)
20) Đôminicô Trần Văn Phú (1955-1965)
21) Phaolô Phan Đình Bố (kỳ 2) (1965-1969)
22) Anrê Nguyễn Văn Cần (1969-1980)
23) Phêrô Phan Xuân Thanh (1980-2008)
24) Giuse Đặng Thanh Minh (2008-2009)
25) Anrê Nguyễn Văn Phúc (2010-2015)
30) Ph. Xavie Nguyễn Văn Cần (2015-…….)
IV. HOA TRÁI ĐỨC TIN
Nhờ có bề dày sống đạo và làm chứng cho đức tin, An Vân quả đã có nhiều hoa trái đức tin đóng góp cho Giáo phận.
1- Linh mục
1- Mactinô Nguyễn Văn Thanh (1820-1848-1869)
2- Têphanô Đặng Văn Hiệp (1836-1867-1903)
3- Phêrô Đặng Văn Minh (1835-1867-1885)
4- G.B Lê Văn Huấn (1840-1882-1885)
5- Anrê Nguyễn Văn Cần (1860-1895-1899)
6- Têphanô Nguyễn Hữu Nông (1866-1897-1912)
7- Matthêô Đỗ Khắc Mỹ (1879-1906-1952)
8- Anrê Nguyễn Hữu Tường (1878-1906-1965)
9- Phêrô Lê Văn Đức (1880-1910-1937)
10- Anrê Lê Văn Kiệm (1884-1914-1963)
11- Tôma Nguyễn Văn Hinh (1890-1922-1965)
12- Phaolô Lê Văn Đẩu (1912-1941-1996)
13- Phêrô Lê Văn Ngọc (1920-1948-……..[14] )
14- Phaolô Nguyễn Ngọc Lan (1930-1957-2007(dòng CCT, hồi tục 1976))
15- P.X Lê Văn Cao (1930-1962-2018)
16- G.B Lê Văn Nghiêm (1942-1976-……..)
17- Giêrađô Lê Văn Hòa (1948-1993-2011)
18- Phaolô Ngô Thanh Sơn (1952-1994-……..)
19- Phaolô Đặng Văn Nam (1960-2001-……..)
20- Bênêđictô Lê Quang Viên (1967-2001-……..)
21- Antôn Lê Anh Quốc (1974-2002-……..)
22- Antôn Lê Văn Thắng (1975-2010-……..)
23- Matthêu Lê Anh Khoa (1982-2015-……)
2- Tu sĩ nam nữ:
– Nam tu sĩ có 2 thầy: Giuse Võ Văn Tuệ, Dòng Chúa Cứu Thế, sinh năm 1925, hiện ở giáo xứ Thái Hà, Hà Nội; và Tađêô Đặng Văn Mầu, Dòng Biển Đức, sinh năm 1931, hiện ở đan viện Thiên An, Huế.
– Nữ tu có 37 chị thuộc các dòng Mến Thánh Giá, Vô Nhiễm, Đi Viếng, Phaolô, Vinh Sơn, Đa Minh, và tu hội đời Thánh Tâm (Hy Vọng).
1- ? Lê Thị Tuấn ……-1885 MTGPC (Phủ Cam)
2- ? Lê Thị Biện ……-1885 MTGDL (Di Loan)
3- Maria Lê Thị Nhường 1878-…… MTGPC
4- Catarina Lê Thị Suy 1890-1945 MTGPC
5- Agata Lê Thị Đào 1902-1982 CĐMVN
6- Madalena Lê Thị Táo 1908-…… MTGPC
7- Isave Lê Thị Thuận ……-…… MTGPC
8- Isave Lê Thị Tề 1910-…… Phaolô ĐN (Đà Nẵng)
9- Mad. Nguyễn Thị Liêm ……-…… MTGPC
10- Mad. Lê Thị Thiều 1877-…… MTGDS (Dương Sơn)
11- Mad. Lê Thị Suy (Lan) 1883-1962 MTGPC
12- Agata Lê Thị Ngâu 1904-1943 CĐMVN
13- Anna Lê Thị Đằng (Tịnh)1906-…… CĐMVN
14- Agata Lê Thị Nghiệm 1916-1981 MTGPC
15- Maria Đặng Thị Lê 1912-…… CĐMVN
16- Maria Đặng Thị Nghi 1919-1943 MTGPC
17- Maria Đặng Thị Liệu 1901-1983 MTGPC
18- Maria Đặng T. Thanh (Hà) 1907-1999 CĐMVN
19- Luxia Nguyễn ThịHồi 1930-…… Phaolô ĐN
20- Mad. Nguyễn T. Thưởng 1924-…… MTGTB (Trí Bưu)
21- Maria Nguyễn Thị Vọng 1921-…… MTGDS
22- Mad. Đặng Thị Liên(g) 1936-…… MTGPC
23- Maria Đặng Thị Thanh 1938-…… Nữ Tử Bác Ái
24- Maria Đặng Thị Tình 1941-…… Phaolô ĐN
25- Maria Lê Thị Hường 1944-…… Phaolô ĐN
26- Mad. Đặng Thị Xuân 1952-…… Phaolô ĐN .
27- Têrêxa Đặng Thị Xinh 1957-2002 CĐMVN
28- Têrêxa Nguyễn T. Kim Lan 1956-…… CĐMĐV
29- Maria Đặng Thị Lộc 1958-…… MTGPC
30- Matta Đặng Thị Vang 1964-…… Tu hội đời
31- Anna Đặng Thị Trúc 1960-…… Tu hội đời
32- Matta Đặng T. Tường Vy ……-…… MTGPC
33- Mad. Lê Thị Tuyến 1964-…… Phaolô ĐN
34- Maria Võ Thị Thu Hường 1967-……. CĐMĐV
35- Maria Đặng Thị Mai 1969-…… Phaolô ĐN
36- Maria Đặng T. Thùy Giang1972-…… Phaolô ĐN
37- Cart. Đặng T. Bích Liễu 1974-…… MTG NTrang
38- Têrêxa Đặng T. Hồng Linh……-…… Đaminh Rs
3- Giáo dân qua các thời kỳ:
Năm 1921 : 445 người.
Năm 1955 : 335 người.
Năm 1966 : 200 người.
Năm 1978 : 370 người.
Năm 1995 : 364 người.
Năm 1999 : 382 người
Năm 2010 : 405 người
Năm 2015 : 444 người
Năm 2019 : 440 người
Nay vì kinh tế khó khăn, giáo dân An Vân phải đi làm ăn xa. Từ Huế đến Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn, đâu cũng có người An Vân. Những ai ở lại thì sống bằng nghề làm rẫy, làm vườn, làm ruộng, nhưng ruộng trong Chầm (vùng đất pha cát) vừa xa vừa xấu, nông dân lại bỏ vào Nam lập nghiệp.
*****************
LƯỢC SỬ
GIÁO HỌ CHẦM
1- Vị trí địa lý
Giáo họ Chầm ở phía Tây Nam Giáo xứ An Vân, phía Tây Bắc Giáo xứ Ngọc Hồ, cách An Vân và Ngọc Hồ hơn 5km, tọa lạc giữa các ngọn núi thuộc phía tây thành phố Huế. Trước đây, Chầm thuộc thôn Chầm, xã Hương Hồ, huyện Hương Trà. Nay Chầm thuộc phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế[15].
2- Hình thành
Sau biến cố năm 1975, hoàn cảnh chung của đất nước rơi vào khó khăn về mọi mặt: kinh tế, chính trị, văn hóa, tôn giáo…. nên phong trào đi kinh tế mới, khai hoang lập ấp, tìm kế sinh nhai phát triển mạnh. Giáo xứ An Vân cũng nằm trong dòng chảy lịch sử đó.
Giáo dân không còn nhiều đất và thiếu phương kế sinh nhai, nên kéo nhau vào Chầm khai phá đất hoang để làm ruộng. Số người vào Chầm hoặc ở lại hoặc đi đi về về khoảng 100 lao động.
Sau nhiều năm canh phá và làm ruộng thuần thục rồi thì thất bại vì 2 lý do: một là nếu ở lại trong Chầm thì xa nhà thờ, hai là Nhà nước nói sẽ chuẩn bị lấy lại Chầm để làm đập chứa nước giúp dân vùng Hương An, Hương Chữ làm ruộng vườn. Vì vậy, hầu hết giáo dân chán nản, đã bỏ làng vào Nam lập nghiệp tại Long Khánh, Xuân Lộc.
3- Hoàn cảnh hiện nay:
Vì những lý do trên, nên hiện nay chỉ còn lại 2 gia đình Công giáo trụ lại trong Chầm. Họ lập được vườn cây và trại chăn nuôi heo, gà. Trong khi lương dân cứ ở lại đó cho đến nay, không còn ruộng thì người ta trồng rừng, nên kinh tế khá hơn.
———————————————————–
[1] Dựa vào phát âm và lời khai của những giáo dân lớn tuổi (80) bị bắt năm 1857 thời vua Tự Đức. Stanislao Nguyễn Văn Ngọc & Giuse Nguyễn Văn Hội, Lịch sử Giáo phận Huế, bản đánh máy chữ, 1994.
[2] Số đầu: năm sinh, số giữa; năm chịu chức giám mục; số cuối: năm qua đời.
[3] Về các vua trong bài, số đầu: năm lên ngôi, số sau: năm băng hà.
[4] Làng Bồn Phổ xã Hương An thành lập vào thế kỷ 16 (1550), khai canh là ngài họ Châu (Châu Quý Công); khai khẩn là tiền nhân các họ Lê, Nguyễn, Phạm, Cao…
[5] Thập điều Huấn dụ: Trong lời nói đầu, nhà vua nhắc cho thần dân biết tâm nguyện của mình là muốn theo bước tiền nhân, và với lòng quan tâm phụ tử, đặt ra 10 điều huấn giáo. Nội dung đại ý như sau: (1) Ðôn nhân luân: Trọng tam cương ngũ thường. Ấy là đạo làm người. (2) Chính tâm thuật: Làm việc gì cũng cốt phải giữ bụng dạ cho chính đính trong sạch. (3) Vụ bản nghiệp: Giữ bổn phận, chăm nghề nghiệp của mình. (4) Thượng tiết kiệm: Chuộng đường tiết kiệm, đừng hoang phí. (5) Hậu phong tục: Giữ phong tục cho thuần thục. (6) Huấn tử đệ: Phải dạy bảo con em. Giáo dục gia đình là nền tảng xã tắc.(8) Giới dâm thắc: Ðừng giữ những điều gian tà dâm dục. (9) Thận pháp thủ: Cẩn thận giữ luật pháp. Ðặc biệt là việc nộp thuế. (10) Quảng thiện hạnh: Rộng rãi làm việc lành.
Riêng điều (7) Sùng chính học, Minh Mạng viết như sau: Tránh học thuyết xấu và học hỏi cái hay. Đừng để qua ngày nào mà không đọc hay học hỏi cũng như phải coi chừng học thuyết sai lầm. Tất cả lý thuyết sai lầm của đạo Gia Tô đều đi ngược với lý trí và nguy hại cho thuần phong mỹ tục. Những người theo phái này, đàn ông đàn bà sống chung với nhau như những người man rợ (muông thú), nhiều người đã phải đóng vào việc thờ phượng, gieo rắc sự bất hòa khắp nơi, điên rồ tôn kính người phải chết, hủy hoại lời dạy phải lẽ và có hại cho nhân loại. Vậy không thể tin vào đạo như thế. Những người đi lang thang khắp nước truyền bá hãy từ bỏ sớm hết sức. Trái lại mọi người hãy giữ cẩn thận tập tục tiền nhân: các lễ phép thông thường trong việc cưới xin cũng như tang chế trong việc thờ cúng ông bà lẫn thần làng.
[6] Còn riêng cha Jaccard Phan, tháng 7.1828, quân lính mang trát son, cáng điều đến triệu cha về kinh đô. Ngài ở Cung Quán dịch các tài liệu tiếng Pháp ra tiếng Việt. Thấy ở Cung Quán như bị “bó tay buộc chân” không làm việc tông đồ được, cha Phan liền xin vua đến ở họ Dương Sơn cách kinh thành 15 cây số, để vừa giúp các tín hữu vừa dịch sách cho hoàng cung. (Giáo xứ Lãng Vân, Hạnh Các Thánh)
[7] Một loại ghe nhỏ.
[8] Đường vào họ đạo tựa như bưng biền khuất kín. Nhờ vị trí hiểm trở này, giáo xứ An Vân trước đây được dùng làm nơi lánh nạn trong các thời kỳ bắt đạo. Các vị Giám mục cũng tới đó trốn tránh.
[9] Đức Cha phó Sohier (Bình) cũng từng ghé thăm họ Dương Sơn trên đường lên An Vân (12-1853). (X. Lược sử giáo xứ Dương Sơn)
[10] Trong thời lệnh Phân Sáp (1860-1861) của vua Tự Đức ban hành, linh mục Mactinô Nguyễn Văn Thanh (1820-1869) đã cải trang làm người giúp việc cho nhà bà Tham Giao ở Gia Hội. Hàng ngày, ngài lên chợ Đông Ba gánh nước thuê để kiếm tiền giúp đỡ giáo dân Đốc Sơ, Kim Long… đang bị nhốt tại các trại giam từ cửa Thượng Tứ lên đến cầu Bạch Hổ và giúp đỡ họ về mặt thiêng liêng, tinh thần. Sau này, lúc lệnh Phân Sáp được bãi bỏ, trong Thánh lễ Tạ ơn tổ chức tại nhà thờ Kim Long (3-1863), Đức Cha JB. Sohier (Bình) từ Kẻ Sen, Kẻ Bàng vào, chỉ dự lễ và nhường cha Thanh chủ tế. Nhiều người buôn bán ở chợ Đông Ba nhận ra ngài và đã lấy làm ngạc nhiên lẫn thán phục.
[11] Ông Giacôbê Lê Văn Khuê có 5 người con, trong đó có Lm GB Lê Văn Huấn, chết vì đạo tại giáo xứ Dương Lộc, Quảng Trị và ông Micae Lê Văn Tuân.
Ông Micae Lê Văn Tuân có 6 người con: 1- Giacôbê Lê Văn Khiêm (chánh tổng, cố nội của các cha Ben. Lê Quang Viên và Ant. Lê Văn Thắng), 2-Maria Lê Thị Nhường (nữ tu MTG Phủ Cam), 3- Lm Phêrô Lê Văn Đức (an táng tại ĐCV Huế), 4- Lm Anrê Lê Văn Kiệm (an táng tại Thiên Thai, Huế), 5- Catarina Lê Thị Suy (nữ tu MTG Phủ Cam), 6- Giacôbê Lê Văn Bút (thân sinh của các linh mục Pr. Lê Văn Ngọc, Px Lê Văn Cao, GB Lê Văn Nghiêm, ông nội của các linh mục Ant. Lê Anh Quốc và Mt Lê Anh Khoa). Thật là một dòng họ vẻ vang !!!
[12] Chuông nầy đã bị nứt, không kêu nữa. Năm 2006, cha Thanh đúc chuông mới, có khắc chữ Nho và chữ Việt.
[13] Năm 2010, cha Anrê Nguyễn Văn Phúc được bổ nhiệm quản xứ. Năm sau, 2011, ngài cùng với Giáo xứ trùng tu nhà thờ thêm một lần nữa bằng cách xây cổng, đúc sân và đúc con đường lên nghĩa trang Rú Bắp, đối diện với nhà thờ.
[14] Ba linh mục Phêrô Lê Văn Ngọc, PX Lê Văn Cao và GB Lê Văn Nghiêm là 3 anh em ruột, với 2 nét đặc biệt: sinh cách nhau 14 năm và chịu chức linh mục cách nhau 10 năm. Cha Lê Văn Ngọc (nay đã nghỉ hưu) nếu được Chúa cho sống tới năm 2020 thì sẽ thọ 100 tuổi, lập kỷ lục sống lâu nhất trong Giáo phận Huế. Ngoài ra, cũng nên biết thêm là 2 linh mục Antôn Lê Anh Quốc và Mátthêu Lê Anh Khoa là hai anh em và là 2 cháu ruột của 3 linh mục trên đây. Cũng thêm 1 kỷ lục nữa.
[15] Nên biết là trước kia thôn An Vân thuộc xã Hương Hồ, khi ấy chưa có xã Hương An; sau tách một phần đất của xã Hương Hồ và 1 phần đất của xã Hương Chữ lập thành 1 xã mới là xã Hương An.