LƯỢC SỬ
GIÁO XỨ BẾN NGỰ
I- TÊN GỌI – VỊ TRÍ ĐỊA LÝ:
1. Tên gọi:
Giáo xứ Bến Ngự nguyên là Giáo xứ thánh Giuse Nhà chung, được hình thành từ năm 1975, hậu thân của giáo xứ Bình Linh vốn do cha Raphael Bửu Hiệp làm quản xứ kiêm tuyên úy dòng La San và trường Bình Linh (Pellerin) trước năm 1975.
Đến năm 2006 Giáo xứ thánh Giuse Nhà Chung được đổi tên thành Giáo xứ Bến Ngự[1] do ý Đức Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể, với văn thư chính thức ký ngày 11-02-2006 do tay Đức Giám mục Phụ tá Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng.
2. Địa bàn và ranh giới:
Địa bàn và ranh giới của giáo xứ được xác định dọc theo đường Phan Đình Phùng, ra đường Hai Bà Trưng, đường Lê Lợi, vòng qua đường Bùi Thị Xuân, hẻm Lịch Đợi.
II- NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN
1. Nguồn gốc hình thành:
Từ đời Đức Cha E.M. Allys (Lý) (1908), tòa Giám mục Huế có sở quản lý gọi là Nhà Chung. Nhà Chung có một nguyện đường nhỏ, có Thánh lễ hằng ngày và Chúa nhật, nên một số giáo dân ở chung quanh đó đến tham dự.
Đến 1975, khi nhà thờ Bình Linh (Pellerin) không còn (vì trường bị nhà nước quản lý), giáo dân giáo xứ Bình Linh về tham dự Thánh lễ Chúa nhật ở Nhà Chung ngày một đông hơn.
Ngoài thánh lễ, Nhà Chung không có tổ chức gì cho giáo dân, khiến con em của họ chẳng được học giáo lý, nên các bậc phụ huynh mong có sự chăm sóc mục vụ cho mọi thành phần, và muốn nguyện đường Nhà Chung trở thành nơi cho các giáo dân trong khu vực nương tựa.
Với nhu cầu thiêng liêng thực tế lúc đó và do nhiều hoàn cảnh khác, linh mục Giuse Trần Thắng Trung, Quản lý Nhà Chung, đã trình lên Đức Tổng Giám mục Philipphê Nguyễn Kim Điền ý muốn xin thành lập một cộng đoàn tín hữu được sinh hoạt tại nguyện đường Nhà Chung.
Đức Tổng Giám mục Philipphê đã chấp thuận nguyện vọng chính đáng ấy. Và ngày 19-3-1976, lễ Thánh Giuse, giáo xứ Nhà Chung được chính thức thành lập, chọn Thánh Giuse làm bổn mạng và mang tên gọi Giáo xứ Thánh Giuse Nhà Chung.
2. Quá trình phát triển:
Dưới dự che chở của Thánh Giuse, giáo xứ đã phát triển. Các sinh hoạt tôn giáo luôn được tiếp tục dưới sự chăm sóc của các linh mục Quản lý Nhà Chung trong vai trò quản xứ (đôi lúc bởi vài linh mục khác tại tòa Giám mục). Các cha quản xứ còn mời các linh mục tu sĩ dòng Thánh Tâm, ở cạnh Nhà Chung, giúp dâng Thánh lễ hằng ngày cũng như Chúa Nhật.
Sự phát triển đã được đánh dấu bằng một biến cố ý nghĩa. Đó là ngày 19-3-2001, giáo xứ Thánh Giuse Nhà Chung đã long trọng mừng kỷ niệm ngân khánh thành lập (19-3-1976 đến 19-3-2001).
Vào cuối tháng 11 năm 2004, để thêm ích lợi thiêng liêng cho giáo hữu, Đức Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể đã ủy thác trách nhiệm chăm sóc mục vụ giáo xứ cho Dòng Thánh Tâm. Và sau hơn một năm, ngày 11-02-2006, Đức Giám mục Phụ tá Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng đã ký văn thư chính thức đổi tên thành Giáo xứ Bến Ngự.
Từ khi chuyển dời sang sinh hoạt tại nhà nguyện của Dòng Thánh Tâm, với danh xưng mới, dạng mục tử mới, môi trường sinh hoạt mới, Giáo xứ đã có nhiều biến chuyển tích cực, các sinh hoạt được nhiều điều kiện thuận lợi hơn. Hằng ngày, ngoài Thánh lễ riêng của dòng vào mỗi sáng sớm, còn có Thánh lễ mỗi tối dành cho các giáo dân trong giáo xứ cũng như các lớp giáo lý, dành cho giới trẻ hàng tuần.
Cha Gioan Hoan Nguyễn Hữu Vịnh là vị quản xứ đầu tiên từ dòng (28/11/2004-20.08.2005)
Thời cha G. Emilianô Đỗ Minh Liên làm quản xứ (2005-2009), vào ngày 16-10-2007, Nguyện đường Dòng Thánh Tâm và cũng là nhà thờ của Giáo xứ được Đức cha Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng (Giám mục Phụ tá lúc bấy giờ) làm lễ Cung hiến. Đó không chỉ là niềm vui cho dòng và giáo xứ Bến Ngự mà còn mang một ý nghĩa lớn lao, thúc đẩy mọi thành phần trong giáo xứ cùng nhau xây dựng cộng đoàn mình ngày càng tốt đẹp hơn.
Giáo xứ hiện có các sinh hoạt hội đoàn như: Legio Mariae, Phan Sinh tại thế,…
Giáo xứ được chia làm 3 khu vực: Thánh Tâm, Giuse và Mẫu Tâm.
Giáo xứ có một Trung tâm Dự bị Hôn nhân (cùng với các trung tâm Phủ Cam và Dòng Chúa Cứu Thế) do Giáo hạt Thành Phố mở.
III- CÁC LINH MỤC QUẢN XỨ:
1- Các linh mục Giáo phận Huế:
- Giuse Trần Thắng Trung (1976-1994), quản xứ tiên khởi
- Antôn Nguyễn Văn Tuyến (1994-1995)
- Phaolô Trần Thắng Thế (1996-1998)
- Phaolô Ngô Thanh Sơn (1998-2001)
- Phêrô Phạm Ngọc Hoa (2001-2004)
- Gioan Boscô Dương Quang Niệm (18.04.2004- 28.11.2004)
2- Các linh mục dòng Thánh Tâm:
- Gioan Hoan Nguyễn Hữu Vịnh (2004-2005)
- G. Emilianô Đỗ Minh Liên (2005-2009)
- Đaminh Phạm Văn Dũng (2009-2013)
- Phêrô Nguyễn Thái Vạn (2013-2017)
- Giuse Phan Tấn Hồ (2017-…..)
IV- HOA TRÁI ƠN GỌI:
1- Linh mục
- Louis Gonzaga Đặng Quang Tiến (Na Uy)
- Gioakim Đào Xuân Thành (USA)
- Phaolô Trương Minh Tiên (gốc An Bằng)
2- Tu sĩ nam nữ
- Micae Nguyễn Phước Bảo Đại Lợi, Dòng Tên
- Madalena Đặng Thị Thu Hiền, Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm
- Madalena Đào Thị Thu Thanh, Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng
- Maria Đặng Thị Thúy Hân, Dòng Thánh Phaolô
3- Giáo dân
– Năm 2014: là 315 người trong tổng số 85 gia đình, sống rải rác giữa những lương dân.
– Năm 2015: 300 người.
– Năm 2018: 315 người.
————————————————————————
[1] Bến Ngự (bến đò của nhà vua): Tên gọi này xuất phát từ sự kiện văn hoá lễ tế Nam Giao của các vua triều Nguyễn đầu thế kỷ XIX: “Gia Long năm thứ nhất (1802), tháng 5 đặt đàn ở địa phận xã An Ninh, hợp tự cả trời đất… Năm thứ 5 (1806) sửa dựng 3 thành trong khu vực đàn Nam Giao ở địa phận xã An Cựu bên bờ Nam sông Hương, lấy ngày tốt trong tháng xuân, nhà vua thân ngự làm lễ”. Đến dịp tế Giao năm Bính Thân, vua Minh Mạng đã cho làm bến để thuyền ngự lên bờ. Sự kiện này đã được sách Đại Nam Thực Lục chép lại như sau: “Ngày Đinh Mão tháng 2, năm Bính Thân, Minh Mạng 17 (1836); tế trời đất ở đàn Nam Giao. Hằng năm, ngự giá qua sông Hương, qua bờ sông Lợi Nông đều phải qua cầu phao. Vua nghĩ, làm cầu phiền và vất vả, chi bằng đi thuyền cho tiện, bèn chuẩn cho bắt đầu từ năm nay, đến kỳ tế Giao, trước một ngày, vua ngự thuyền lâu Vĩnh Ninh, theo đường sông đến bến đò Dương Xuân, lên bờ, đến Trai cung. Trước đó, sai thống chế Hồ Văn Khuê đem quân khơi vét cửa sông Lợi Nông, lại xây bậc thềm ở bờ phía Nam bến Dương Xuân để tiện lên bờ. Đến ngày tế ngự giá đến Trai cung”
Như vậy, nguyên trước tại địa điểm này đã có một bến đò, thuộc địa phận làng Dương Xuân. Qua khảo sát thực địa, hiện nay còn lưu giữ một tấm bia đá bên bờ sông, cạnh chợ, cách cầu Bến Ngự khoảng 60m. (Tác giả Huỳnh Đình Kết, Bến Ngự có từ bao giờ?)
Nhóm Biên sử Tổng Giáo phận Huế.