Lược sử Giáo xứ Buồng Tằm

25/08/2019

LƯỢC SỬ

GIÁO XỨ BUỒNG TẰM

I. VỊ TRÍ ĐỊA DƯ

Giáo xứ Buồng Tằm, thuộc giáo hạt Thành Phố Huế, nằm trên địa bàn thôn Hạ, xã Dương Hoà, thị xã Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên Huế, cạnh nguồn sông Hương dòng Tả trạch, gần lăng Gia Long, cách toà Tổng Giám mục Huế 25km về phía Nam.

II. NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

1- Từ những tín hữu chạy trốn lên miền núi

Khi chúa Minh Nguyễn Phúc Chu cai trị đất nước từ Nam sông Gianh trở vào (1691-1725), vùng Thừa Thiên (lúc ấy gọi là Thuận Hóa) có30 họ đạo thuộc quyền Đức Giám mục François Pérez (1691-1728), Đại diện Tông tòa Giáo phận Đàng Trong.

Vào thời kỳ bắt đạo của chúa (1699-1704)[1], năm 1700 cha P. Langlois, Quản xứ Phủ Cam bị chết rũ tù. Còn tại Thuận Hóa nói chung, theo tường thuật của giáo sĩ Juan AntonioArnedo (Dòng Tên) viết ngày 31-7-1700, giáo hữu một số họ đạo bị bắt giam, đánh đập, chịu tử hình và nhiều người phải chạy trốn để bảo toàn đức tin lẫn tính mạng. Giáo đoàn kinh đô Huế đã sống trong những ngày tháng đen tối. Đức cha chính Pérez và Đức cha phó Charles-Marin Labbé phải ẩn náu ở vùng Nam Giáo phận. Tuy nhiên, vẫn chưa thấy nói đến địa danh Đá Hàn và Buồng Tằm.

Thời Đức Khâm sai Elzéar des Achards de la Baume sang Việt Nam (1-5-1739), tên hai họ đạo vùng núi vừa nói mới bắt đầu xuất hiện trong các bản tường trình của ngài gởi Tòa thánh. Có thể cho rằng chính các tín hữu vùng xuôi (như Phủ Cam) khi chạy lên vùng núi để thoát cơn bách hại đã khai sinh các họ đạo này.

2- Trực thuộc các giáo xứ miền xuôi

Theo sử gia Adrien Launay trong cuốn “Lịch sử truyền giáo ở Đàng Trong, tư liệu lịch sử”, tập 2 (Histoire de la mission en Cochinchine, Documents historiques II, 1728-1771), sau nhiều năm không vị Thừa sai nào đặt chân đến Đá Hàn và Buồng Tằm, thì có cha Chính Jean-Antoine de la Court (MEP), đang coi sóc giáo xứ Phủ Cam (1743-1746), kiêm nhiệm hai cộng đoàn này.

Theo bản tường trình của các thừa sai lên vị Khâm sai Tòa thánh thứ hai là Đức cha Hilario Costa di Jesu năm 1747, Đá Hàn lúc này có 200 và Buồng Tằm 270 tín hữu[2].

Các vị mục tử Phủ Cam hay Ngọc Hồ tiếp tục kiêm nhiệm 2 giáo họ này. Những vị cuối cùng là cha Inhaxiô Nguyễn Ngọc Tuyên, quản xứ Phủ Cam (1866-1880), cha Luca Nguyễn Hữu Tín, Quản xứ Ngọc Hồ (từ 1871) và cha Anrê Trần Văn Doãn, Quản xứ Ngọc Hồ (từ 1879).

Đến năm 1883, riêng giáo họ Buồng Tằm còn lại khoảng 150 giáo dân. Trong vụ Văn Thân thiêu sát tháng 12-1883, giáo họ có 75 người chịu tử đạo (xem Phụ lục bên dưới). Sau biến cố này, số giáo dân ít ỏi sống sót đã quy tụ và xây dựng lại giáo họ.

3- Thành giáo sở độc lập Đá Hàn + Buồng Tằm

Kể từ năm 1897, Đá Hàn và Buồng Tằm được liên kết với nhau, trở thành giáo sở  Đá Hàn, có cha Quản xứ chính thức. Và tính đến hôm nay là có 14 đời Quản xứ.

– Cha Têphanô Đặng Văn Hiệp, người họ An Vân, là cha sở tiên khởi Giáo xứ Đá Hàn và Buồng Tằm (1897-1903).Xác Ngài hiên được chôn trong nhà thờ Đá Hàn.

– Cha Phaolô Huỳnh Văn Thế: 1903-1925 lần thứ I.

– Cha Gabriel Pieters (cố Phiên): 1926-1932

– Cha Louis Bertin (cố Khánh) : 1933-1944.

– Cha Phaolô Huỳnh Văn Thế : 1945-1946. Lần thứ II.

– Cha Đôminicô Nguyễn Văn Trân : 1946-1961. Ngài đã xây lầu nhà xứ Đá Hàn để tránh lụt.

– Cha Matthia Nguyễn Văn Triêm : 1962

– Cha Giacôbê Nguyễn Văn Ngọc: 1963-1964.

Sau năm 1966, vì tình hình bất an, phần đông giáo hữu Đá Hàn và Buồng Tằm về định cư ở vùng Nam Giao và trực thuộc họ Phủ Cam. Đến năm 1975, họ mới hồi cư.

– Cha Giuse Đỗ Bá Ấn : 1975-1980.

– Cha G.B. Phạm Ngọc Hiệp : 1980-1987, tu sửa nhà thờ Đá Hàn và nhiều lần dựng lại nhà thờ BT[3].

– Cha Giuse Đặng Thanh Minh: 1987-1995, sửa tiền đường và tháp nhà thờ, nhà hội. Nhà thờ Đá Hàn hiện nay dài 35m, rộng 13m, cao 8m, tháp cao 40m,

– Cha Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ 1995-2000: làm nhà xứ, trường mẫu giáo, đào giếng nước sạch và sửa chữa lại nhà thờ Đá Hàn sau trận lụt thế kỷ 1999. Trận lụt này cuốn trôi 100 nhà dân lẫn nhà thờ Buồng Tằm làm bằng tre nứa. Sau trận lụt lịch sử đó, một số gia đình trong giáo xứ di dời qua bên kia sông, hình thành một làng mới gần lăng Minh Mạng, dọc theo quốc lộ 49.

Cha Phêrô rời Giáo xứ tháng 5/2000 và mãi đến tháng 2/2001, cha Đôminicô Phan Phước mới về nhận xứ. Trong 9 tháng vắng mặt cha sở này, các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế, Thiên An rồi Thánh Tâm tạm thời đến dâng lễ.

– Cha Đôminicô Phan Phước 2/2001-2008: tiếp tục xây dựng và hoàn thành nhà thờ Đá Hàn. Ngài cũng xâynhà thờ Buồng Tằm trên vùng đất mới, nhưng chưa hoàn thiện.

Thành lập phong trào Thiếu nhi Thánh Thể và hội Legio Mariae.

– Ngày 10-9-2008, cha Giuse Phan Văn Quyền nhậm chức Quản xứ Đá Hàn. Tiếp tục công trình của các cha trước để lại là củng cố và xây dựng giáo xứ ngày một đi lên về tinh thần cũng như vật chất.

Ngày 02-11-2009, xây dựng Đất thánh Đá Hàn

Ngày 24-11-2009, trùng tu lăng 75 vị tử đạo Buồng Tằm và khánh thành.

Tháng 5-2010, mở rộng và bêtông hóa con đường bên phải nhà thờ Đá Hàn.

Ngày 25-3-2011, khánh thành nhà thờ và nhà xứ Buồng Tằm.

Tháng 8/2015, linh mục Giuse Trần Hữu Đạt được bổ nhiệm làm cha phó Đá Hàn.

4- Thành giáo xứ biệt lập

Ngày 25-10-2016, Đức Tổng Giám mục Phanxicô Lê Văn Hồng ra văn thư chính thức thành lập giáo xứ Buồng Tằm và cha phó Đá Hàn Giuse Trần Hữu Đạt được bổ nhiệm chính thức làm Quản xứ tiên khởi.

Thánh lễ tạ ơn và nghi thức nhận xứ được cử hành long trọng do Đức Tổng Giám mục Phanxicô Xavie Lê Văn Hồng chủ sự, với sự hiện diện của đông đảo các linh mục, tu sĩ và giáo dân.

Lễ Truyền tin là bổn mạng Giáo xứ.

III. HOA TRÁI ĐỨC TIN

 1- Linh mục

– Giacôbê Nguyễn Văn Ngọc, sinh 8-2-1905, thụ phong linh mục ngày 26-5-1934, qua đời ngày 3-5-1983. Cha ngài là ông Giuse Nguyễn Văn Hướng, người may mắn sống sót trong vụ Văn Thân tấn công Buồng Tằm. Ngài có vóc dáng to lớn, ăn nói bặt thiệp, kể chuyện rất hấp dẫn, khôi hài.

– Phanxicô Xavie Lê Xuân Quang, sinh ngày 25-12-1919, thụ phong linh mục ngày 3-6-1950, dòng Chúa Cứu Thế, qua đời vì bệnh lao ngày 15-5-1960. Ngài đã lập một Praesidium (Legio Mariae) ở Sài Gòn đầu tiên tại giáo xứ Dòng Chúa Cứu Thế, như là “hồn”, “men” cho các Praesidia sau nầy.

2-Nữ tu

– Têrêxa Nguyễn Thị Suy, Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng.

– Maria Nguyễn Thị Linh, Dòng Kín Huế.

3- Giáo dân:

– 2016: 300 người

– 2019: 300 người

Phụ lục

CÂU CHUYỆN TỬ ĐẠO BUỒNG TẰM THỜI VĂN THÂN 1883.

Tạp chí Sacerdos Indosinensis[4] tháng 12 năm 1938 có kể lại chi tiết vụ thảm sát này. Chúng tôi xin ghi lại nội dung bài báo:

“Họ Buồng Tằm 75 người tử đạo.

“Buồng Tằm vốn là một Giáo xứ ở xa thành phố Huế, nằm về mạn núi cách Huế chừng 20-25km về hướng lăng Gia Long. Giáo xứ Buồng Tằm vốn là một họ đạo Công giáo, có trên 200 năm nay rồi.

“Trước kia, giáo xứ này được yên ổn. Nhưng vào dạo tháng 12 năm 1883 có tiếng đồn giết đạo. Ông già bà lão, đàn bà trẻ con, nghe vậy chạy vào rừng núi núp. Trong lúc đó trai tráng trong làng lo canh giữ nhà cửa và phụ trách tiếp tế gạo cơm cho người lánh nạn.

“Lúc ấy làng Dương Hòa ở bên cạnh, mới hỏi thăm người đứng đầu Giáo xứ Buồng Tằm. Dân làng bảo giáo dân ai về nhà nấy chớ sợ. Vì họ đứng ra bảo lãnh khi có cuộc sát hại. Giáo dân Buồng Tằm nghe vậy, yên trí đem nhau về nhà.

“Ông Lý Quyền lý trưởng làng Dương Hòa còn đến an ủi giáo dân cứ an cư lạc nghiệp, làm ăn đi, chớ sợ hãi lo lắng.

“Buổi chiều trước khi thiêu sát, Lý Quyền còn tới gặp giáo dân và cam đoan với họ, nếu có việc gì xảy ra, ông sẽ bảo lãnh hết.

“Lúc ấy ông Trùm Dần, đứng đầu họ Buồng Tằm thấy thái độ ông Lý Quyền như vậy cũng tin. Rồi hơn nữa, ông lại kỉnh cho làng 100 quan tiền để xin làng bảo trợ.

“Thế rồi không ngờ, ngày 11-11 năm Mùi (Quý Mùi) tức là đầu khoảng tháng 12 dương lịch năm 1883, hai người cầm đầu Văn Thân là Mệ Hai và Tôn Thất Cường, người làng Châu Chữ, Dinh Quẹo và tên Bòm ở Trường Giang, tên Thân, tên Hộ người làng Phủ Tú. Tất cả tựu lại giết họ Buồng Tằm. Đồng thời có mấy tay trong làng như Lý Quyền, Cai Nghi, tên Chánh Xương, Cột, Kỳ, Hoài, Tám, Sanh và nhiều người khác nữa họp nhau lại ở làng Châu Chữ để mưu giết họ Buồng Tằm.

“Thật vậy, tối lúc 11 giờ đêm. Họ kéo nhau đến Buồng Tằm rồi phóng hỏa vào nhà thờ, đốt xóm nhà giáo dân, lửa khói sáng rực trời :

“Trừ 2 nhà chúng không đốt, định trú đêm tại đó. Vì bất ngờ, giáo dân bị thiêu sát 42 người.

“Trong đó có vợ chồng ông Trùm Dần và anh Chánh bị đâm.

“Vợ chồng ông Trí và bà Lành bị chết thiêu.

“Bà Nghi bị xô vào nhà thờ đang cháy nên đã chết.

“Anh Hội bị một mũi giáo nhưng thoát được đến nằm trong một cái miếu bên lương. Sáng ngày Văn Thân bắt được, chém liền. Nhưng họ chỉ cắt có nửa phần cổ rồi để vậy thôi.

“Còn anh Dong ở dưới đò làm nghề buôn với giáo dân Buồng Tằm cũng bị chúng xử tử. Đò thì chúng tịch thu.

“Một em gái nhỏ tên Khương đang nằm ngủ trên giường bị chúng chém một lát. Nó hoàng hồn tìm đường chạy trốn. Nhưng sức yếu em chạy vừa vịn vào cột. Máu me em dính cả vào đấy, sau người ta phải vào, lau chùi mới sạch. Cuối cùng em Khương được cứu sống.

“Một ông già người lương 80 tuổi đã thu giấu cha con ông Biện Công trong nhà. Văn Thân bắt được giết cả 3 người.

“Thế là xong đợt một.

“Qua ngày 12 âm lịch, quân Văn Thân bắt được 33 người nữa. Chúng xử trảm (chém) họ trước nhà ông Trùm Dần, trừ ra mụ Trinh thì chôn sống vì bà này đang có thai.

“Sau cuộc tàn sát, Văn Thân chôn xác chết vào 9 cái hầm. Nhưng nhằm đất tư, nên 2 ngày sau họ dời sang nơi khác mà chôn trong 2 hầm.

“Những người còn sống sót tất cả 13 người.

“Ông Biện Hướng nhờ ông Định bên lương giấu trong củi. Nhưng vợ ông Định hoảng sợ la lên vì có lệnh ai chứa chấp sẽ bị «tru di tam tộc»[5]. Ông Hướng phải chạy ra ngoài vườn, chui vào lùm cây để trốn. Văn Thân sau đó đem chó săn lùng khắp. Nhưng may mắn ông Hướng thoát được liền chạy lên núi trốn. Tình cờ gặp ông Giáp Lý nữa.

“Nhờ ông Thiệu bên lương, người Quảng Nam ngụ trong làng Dương Hòa đem cơm nước hàng ngày. Ông Thiệu sau đó cũng đưa 2 người về nhà mình nữa, rồi gởi 2 ông về Phủ Cam, theo đò bà Phú. Nhờ vậy 2 ông được cứu sống.

“Có 2 em khác tên là Trọng và Kề. Cả 2 độ 10 tuổi, sáng ngày 13 âm lịch, hai em lại nhà Văn Thân ăn xin. Văn Thân định cho ăn xong rồi giết. Nhưng ăn rồi họ quên đi không giết nữa. Về sau 2 em được một gia đình bên lương đem về nuôi và 2 em đã giữ trâu cho nhà ấy”.

Người ghi phần nầy xin bổ túc thêm :

Ông Trùm Dần là ông nội và ông Hướng là ông thân của linh mục Giacôbê Nguyễn Văn Ngọc. Linh mục Nguyễn Văn Ngọc gốc người Buồng Tằm còn cho biết thêm :

“Ông nội của linh mục, tức là ông Trùm Dần, gia đình bị giết trong đợt đầu với 42 người. Văn Thân sau khi đốt nhà thờ và giết hại giáo dân, chúng còn giữ lại hai nhà của ông nội linh mục để làm nơi trú ẩn ban đêm và để họp lại chia của cải với nhau, lấy được từ các gia đình bị giết.

“Trong đợt hai, ông thân linh mục tức là ông Hướng may thoát được. Nhưng khi chúng kiểm danh lại những người bị giết, chúng thấy còn sót lại trên 10 người chưa giết. Ông Hướng núp trong đám thơm, lá cao quá đầu. Văn Thân đem chó đi săn, tìm giáo hữu còn lại, ông Hướng thấy thế hoảng hốt tin chắc rằng sẽ chết, nên liền lấy khăn bịt đầu lại (thói xưa đàn ông lớn tuổi hay để tóc dài, bối như phụ nữ). Ông quỳ, thầm đọc kinh Ăn Năn Tội và kinh Lạy Thánh Nữ Đồng Trinh Maria… để chuẩn bị chết. Quân Văn Thân dùng rựa dài phăng lá thơm làm rơi ngay cái khăn bịt đầu của ông, lẫn lá thơm. Nhưng may mắn rựa không trúng đầu.

“Lại nữa nhờ chúng uống rượu say nên không để ý có người. Chúng bỏ đi mất. Ông Hướng mới vội vã thoát thân trốn lên núi.

“Sau đó gặp ông Lý (Giáp Lý) và nhờ 2 người lương dân : ông Thiệu và bà Phú. Ông Hướng cùng ông Lý cả 2 đều được đưa về Phủ Cam, nhưng phải đi ban đêm mất trọn hai đêm liền. Ban ngày phải núp lén.

“Ông Hướng có một người em gái tên là Anna Nhơn còn nhỏ. Ông Lý Quyền, cầm đầu Văn Thân vùng đó, muốn giữ lại để sau làm vợ cho con mình.

“Nhưng cô Nhơn ấy về sau kết bạn với một người tại làng Ngọc Hồ. Bây giờ có cháu chắt là linh mục Tống Thanh Trọng”.

 ———————————————————

[1]Mùa thu 1699, triều đình tra xét bắt đạo Thiên Chúa, phàm nhân dân ta ai có đạo thì phải bỏ để trở lại làm dân bình thường, lấy nhà tu làm nhà ở, lại còn đốt sách vở của đạo Thiên Chúa, người phương Tây thì buộc họ phải về nước” (https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n_Ph%C3%BAc_Chu). Năm 1704: Chúa Minh đình chỉ việc cấm đạo vì quý mến một số giáo sĩ Dòng Tên người Tây Ban Nha trong đó có cha Juan Antonio Arnedo. Ngài là nhà thiên văn giỏi và là nhà thầy thuốc riêng của chúa tại kinh đô.

[2] Adrien Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine, t. II, tr. 188

[3]Tháng 3 năm 1980, cha đến làm Quản xứ Đá Hàn, kiêm Bình Điền (phía tả ngạn sông Hương), và kiêm Buồng Tằm (phía hữu ngạn sông Hương). Cha chính thức nhận xứ Buồng Tằm vào chiều ngày 25.3.1980, lễ Đức Mẹ được Truyền Tin, bổn mạng Giáo xứ.

Vì ở đầu nguồn và sát bờ sông, mỗi lần có mưa to, Buồng Tằm lụt lớn. Năm nào cũng bị lụt ít là 5, 7 lần; đời sống bà con trong thôn thật vất vả. Nhà thờ Buồng Tằm lúc bấy giờ chỉ là vách phên, mái lá, ghế bàn đơn sơ; hễ lụt lớn là trôi cả nhà thờ và bàn ghế; cụ thể là cái lụt lịch sử năm 1984. Ngay sau đó, cha con lại khẩn trương dựng lên một nhà thờ phên lá khác. Nói về lòng đạo đức, thì giáo dân Buồng Tằm tuyệt vời : can đảm sống đạo, thể hiện cao đẹp chứng tá đức tin kiên cường như các bậc tiền bối đã anh dũng hy sinh. Năm 1883, thời Văn Thân,  tại Buồng tằm, đã có 75 vị bị thiêu sát vì đạo. Sau năm 1975, Hợp tác xã nông nghiệp và lâm nghiệp địa phương rất căng; kiểng đánh vang trời, tiếng hô xung phong ầm ĩ; mặc kệ, cứ đến ngày Chúa nhật, giáo dân nhất loạt nghỉ việc đồng áng rừng núi, để đọc kinh gia đình ban sáng, ban chiều học giáo lý, ban tối tham dự thánh lễ. Mặc dù là vùng sâu vùng xa, Buồng Tằm cũng được các nữ tu Dòng Con Đức Mẹ Đi viếng của Giáo phận, ngay từ năm 1975, đã can trường hy sinh, chịu thương chịu khó thường trú và phục vụ. Sự hiện diện của các nữ tu là một niềm vui và khích lệ lớn cho giáo dân cũng như bà con lương dân trong vùng.

Còn cha sở mỗi ngày Chúa nhật, sau khi dâng 2 thánh lễ và dạy giáo lý ở Đá Hàn, từ giữa trưa đi đò ngang ra ngồi bến đò chợ Tuần, chờ chuyến đò dọc từ chợ Đông Ba lên; mỗi ngày chỉ có một chuyến đò, nếu trật chuyến, phải chờ đến Chúa nhật tuần sau mới đi dâng thánh lễ được. Vất vả mất sức, nhưng hân hoan vui sướng vì được phục vụ giáo dân nhiệt tình sống đức tin cao đẹp. Đặc biệt hành khách đi đò hầu hết là lương dân; đây là cơ hội thuận tiện để cha được tiếp xúc và nói về đạo công giáo trong thời buổi cấm cách nghiệm ngặt. Thỉnh thoảng cha cũng cố gắng đi xe đạp từ Đá Hàn, xuyên rừng vượt suối ngang qua thôn La Khê trẹm, Kim Ngọc, Đình Môn; để gặp gỡ một số người trong thôn làng vùng núi. Bà con lương giáo Buồng Tằm vì thế hiểu nhau, kính trọng và sống rất tốt với nhau.

Đúng 7 năm phục vụ, sau khi cử hành thánh lễ kính Đức Mẹ được Truyền Tin, bổn mạng Giáo xứ Buồng Tằm (25.3.1987), Cha G.B. Phạm ngọc Hiệp rời Đá Hàn Buồng Tằm Bình Điền về nhậm xứ Tân Mỹ, Thuận An.

[4]SACERDOS INDOSINENSIS : Linh mục Nguyệt san do sáng kiến của Ðức Khâm sứ Tòa thánh Constantin Ayuti và Ðức cha Eugène Joseph Allys (Lý), MEP. Chủ bút: Lm. Léopold Michel Cadière (cố Cả), MEP. Các chủ bút kế tục : Lm. François Lesmale (Lễ), MEP. (1928). Lm. Hồ Ngọc Cẩn (1935). Lm. Ngô Ðình Thục (1935-1938). Lm. Trần Văn Phát (1938-1940). Lm. Nguyễn Khắc Ngữ (1940-1944). Tòa soạn: Tòa Khâm sứ Ðông Dương tại Phủ Cam, Huế. Phát hành số 1-2-3 ngày 19-03-1927 và sau 17 năm hoạt động, nguyệt san đình bản vào năm 1944. Khổ 21 x 15cm, in tại Imprimerie de la Mission de Qui Nhơn, Annam. (BNF : JO-80-82905)

[5]Giết 3 họ: họ cha, họ mẹ và họ vợ.

———————————————

Mọi góp ý, bổ sung, điều chỉnh xin vui lòng liên hệ với Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi theo địa chỉ email: witness2005@gmail.com Xin cám ơn quý vị rất nhiều.

Nhóm Biên sử Tổng Giáo phận Huế.