Lược sử Giáo xứ Đông Hà + Giáo xứ Bắc Cửa Việt

23/09/2019

GIÁO XỨ ĐÔNG HÀ + GIÁO XỨ BẮC CỬA VIỆT 

LƯỢC SỬ

GIÁO XỨ ĐÔNG HÀ

I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ

Giáo xứ Đông Hà, thuộc Giáo hạt Quảng Trị, nằm trên địa bàn thành phố Đông Hà với 9 phường: Phường 1, 2, 3, 4, 5, Đông Giang, Đông Lễ, Đông Lương và Đông Thanh. Riêng nhà thờ thì toạ lạc tại một mảnh đất cao, với diện tích 1.993 m2 trên trục đường Lý Thường Kiệt, khu phố 10, phường 5, cách quốc lộ 1A chừng 2km về phía tây, và cách Tòa TGM Huế khoảng 70km về phía tây bắc[1]. Giáo dân phần lớn ở xa nhà thờ, rải rác khắp các phường trong toàn thành phố.

II. NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

1- Từ giáo họ với những chứng nhân đức tin thời Văn Thân

Đông Hà là một giáo xứ được thành hình vào khoảng thượng bán thế kỷ XX. Thế nhưng trước đó, tại Đông Hà đã có mặt những giáo dân ngay từ thời vua Tự Đức nhà Nguyễn hoặc xa hơn. Bằng chứng là Đông Hà có lăng tử đạo, hiện còn tại phường Đông Thanh, nơi chôn cất 60 giáo dân bị quân Văn Thân giết ngày 8-9-1885. Phường này, tọa lạc ở bờ bắc sông Hiếu (sông Đông Hà), cách quốc lộ 1A chừng 2km về phía Tây, ngày xưa mang tên Kẻ Nghĩa, là một giáo họ thuộc Dương Lộc, một giáo xứ nằm phía đông Đông Thanh, bên kia sông Thạch Hãn, cách khoảng 6km.

Lăng Tử đạo Đông Hà

Đến thập niên 1920, Đông Hà vẫn chưa có nơi thờ phượng. Tháng 06-1932, làng Phương Gia[2] (cách Đông Hà khoảng 1 cây số về phía Tây) có một ngôi nhà thờ, với cha Phaolô Lê Quang Tuyến (1932-1941) làm chánh xứ. Từ đó Đông Hà là giáo họ trực thuộc Giáo xứ Phương Gia.

Ngày 28-12-1941 cha Phaolô Phan Đình Bố đến thay thế cha Lê Quang Tuyến. Khi chiến tranh giữa Pháp và Nhật xảy ra, cha Bố phải lánh nạn vào Huế. Cũng từ đây Phương Gia và Đông Hà không còn linh mục quản xứ nữa (từ 1945 đến 1947)

2- Thành giáo xứ độc lập rồi bị xóa sổ.

Năm 1948, tình hình có phần lắng dịu, cha Alexis Phan Đức Sắc từ Thạch Hãn chuyển ra Đông Hà. Ngài đặt viên đá đầu tiên xây cất ngôi nhà thờ tại trục đường 9A thành phố Đông Hà, nay là 68 Trần Hưng Đạo (xem bản đồ). Từ đó Đông Hà đã chính thức trở thành một giáo xứ. Năm 1953, linh mục Louis Valour (cố Hoan), hội Thừa sai Hải ngoại Paris (MEP), đến thay cha Sắc trong trách nhiệm mục vụ.

Cha Valour đã mở trường học, trạm xá, trại trẻ mồ côi… Nhưng tiếc thay, chiến tranh càng lúc càng ác liệt. Ngày 20-2-1966, cố Valour và hai chú giúp lễ đã qua đời trong một lần đi dâng lễ ở họ nhánh Lâm Lang (xe ngài bị vấp mìn). Cả 3 cha con được an táng trước sân nhà thờ Đông Hà cũ, sau được di dời (dưới thời cha PX. Lê Văn Cao, Quản xứ Đại Lộc) vào nghĩa trang Giáo xứ Trí Bưu, thị xã Quảng Trị[3].

Cha Jean-Baptiste Etcharren, MEP, thay thế cha Valour vào năm 1966, nhưng mùa hè năm 1972, khi chiến tranh lan rộng, cha Etcharren phải vào Phan Thiết, còn giáo dân Đông Hà buộc phải sơ tán vào miền Nam. Nhà thờ sau biến cố 1972 chỉ còn lại một đống gạch vụn.

Trong thời gian này có cha phó Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, gốc Vinh nhập Giáo phận Huế (1965-1972). Năm 1967, với sự cho phép của Đức Tổng Giám mục Philípphê Nguyễn Kim Điền, ngài mở một cô nhi viện và trường tư thục cấp III Ðắc Lộ (ngay bên cạnh nhà thờ) để giúp đỡ các em mồ côi nạn nhân chiến tranh và thanh thiếu niên vùng giới tuyến. Năm 1972, ngài di chuyển trường Ðắc Lộ và 202 em mồ côi từ Quảng Trị vào Bình Tuy (bây giờ thuộc huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận), lập làng thiếu nhi Bồ Câu Trắng. Năm 1978, sau khi chính quyền Việt Nam tiếp quản cơ sở trường học và làng thiếu nhi, ngài chuyển sang phụ trách Giáo xứ Bồ Câu Trắng (nay là giáo xứ Thánh Linh), sau đó làm hạt trưởng giáo hạt Hàm Tân rồi được tấn phong Giám mục ngày 14-7-2001.

Kể từ tháng 03-1972 đến tháng 11-1996, 24 năm trường, do chiến tranh kéo dài và chính thể chuyển đổi, Đông Hà và Phương Gia xem như đã xóa tên trong danh sách giáo xứ và giáo họ của Tổng Giáo phận Huế. Giáo dân phải tản mác khắp mọi miền đất nước, kể cả ra hải ngoại.

Năm 1975, tín hữu Đông Hà chỉ có 34 gia đình về lại quê hương sau nhiều năm xa xứ; họ quây quần bên nhau buồn vui lẫn lộn trên đống tro tàn. Sau đó giáo dân đã chung sức dựng được một ngôi nhà thờ tạm cạnh nhà cha sở vốn còn sót lại một phần sau chiến cuộc. Nhưng nhà thờ thì có mà cha sở thì không!

Đến năm 1985, ngôi nhà thờ tạm bị cơn bão số 8 cuốn đi tất cả, chỉ để lại nền nhà trơ trọi với 3 nấm mộ (của cố Hoan và 2 trẻ giúp lễ) làm chứng tích. Giáo dân Đông Hà một lần nữa bơ vơ. Đã không có cha sở lại chẳng còn nhà thờ, nên hàng tuần họ phải tự túc đi tham dự thánh lễ ở các giáo xứ khác trong vùng như Trí Bưu, La Vang, Đại Lộc…

3- Hồi sinh thành giáo xứ và giáo sở (1996)

Ngày 10-11-1996, giáo dân Đông Hà hân hoan tiếp đón Đức Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể và cha tân Quản xứ Giuse Trần Văn Tuyên (có khi viết là Trần Đức Tuyên), đến để tái lập Đông Hà. Giai đoạn này, cha sở Đông Hà còn kiêm nhiệm các giáo họ: Phước Tuyền (Cam Lộ), Khe Sanh, Nam Tây, Hướng Hóa, Dakrông, Bắc Cửa Việt.

Ngày 06-5-1997, UBND tỉnh Quảng Trị chính thức cấp 1.080m2 đất tại số 201 đường Lý Thường Kiệt, khu phố 10, phường 5, thành phố Đông Hà cho giáo xứ. Kể ra khá xa cụm tín hữu! Chỉ mấy ngày sau, một ngôi nhà thờ tạm với mái tôn, kèo sắt, tường phên cót lác mọc lên. Sau này, cha sở Giuse mua thêm đất chung quanh nên tổng cọng diện tích hiện thời là 1.993m2.

Ngày 19-3-1998, toàn thể Giáo xứ Đông Hà lại vui mừng đón Đức Tổng Giám mục Têphanô đến đặt viên đá đầu tiên để xây dựng ngôi thánh đường mới. Hoàn thành năm 1999, nhà thờ có chiều dài 35m, chỗ rộng nhất 22m, tháp chuông cao 29m, nóc mái cao 13m, với Thánh Cả Giuse làm bổn mạng.

Từ năm 2000, các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Huế đã hiện diện tại Giáo xứ Đông Hà để cộng tác với cha sở và giáo dân trong các công tác mục vụ, ngoài ra cộng đoàn các chị còn phụ trách về mặt xã hội: nuôi các trẻ em mồ côi và nghèo khổ.

Từ năm 2002, các giáo họ được trao lại cho cha sở Phước Tuyền, từ đó cha sở Đông Hà chỉ còn phụ trách Giáo xứ Đông Hà mà thôi.

Ngày 03-10-2008, giáo xứ lại chào đón một Quản xứ mới, cha Phêrô Phạm Ngọc Hoa (sinh 1957, Linh mục 2000). Cũng từ lúc này, cha sở Đông Hà được giao thêm địa bàn Bắc Cửa Việt.

Ngay sau khi nhận nhiệm sở, cha Phêrô đã bắt tay vào việc tạo thêm cơ sở vật chất như: làm 3 phòng giáo lý, xây dựng mới đài Đức Mẹ, làm sân để xe, chỉnh trang khuôn viên nhà thờ, trang bị thêm ánh sáng, quạt điện…. Tháng 6-2012, cha Quản xứ tiến hành tu sửa thánh đường: sơn quét lại toàn bộ, nới rộng tiền đường, cắt bỏ hai cánh gà hai bên khiến khuôn viên nhà thờ thêm rộng rãi. Đồng thời tạo thêm cây cảnh và vật trang trí cho khuôn viên.

Tháng 8-2017, cha sở cùng bà con giáo dân Đông Hà, đặc biệt là những gia đình tín hữu đang sinh sống tại phường Đông Thanh, cùng đồng lòng trùng tu lăng Tử đạo tại đó. Đây là nơi an nghỉ của 60 chứng nhân đức tin thời phong trào Văn Thân nổi dậy thảm sát các tín hữu vùng Quảng Trị, trong đó có Đông Thanh (nay thuộc Giáo xứ Đông Hà).

Mặt tiền lăng tử đạo này có 2 câu đối. (đọc từ phải sang trái)

Binh hỏa lạc – xả sanh bảo đạo – nhất tâm kiên thiết thạch.

Chúa ân long – bí thưởng lai tô – thiên cổ trọng vinh bao,

Dịch nghĩa:

Lửa đạn xem thường, bỏ mạng vì giữ đạo, một lòng bền sắt đá.

Ơn Chúa tuôn đẫy, thưởng công sống mai ngày, ngàn kiếp rực vinh khen.

Trong quá trình sửa chữa, hai câu đối này vẫn được giữ nguyên nội dung. Sau thời gian trùng tu, đến tháng 10-2017, cha sở Phêrô, cha phó Phaolô, các nữ tu cùng nhiều bà con giáo dân quy tụ đến Lăng tử đạo cử hành nghi thức làm phép, cùng cầu xin Chúa cho con cháu biết noi gương kiên trung của các tiền nhân, can đảm trở nên chứng nhân của Chúa trong thời đại này.

Bên cạnh đó, cha cũng đã không quên xây dựng đời sống tinh thần cho giáo dân như: củng cố lại các hội đoàn, tổ chức các lớp giáo lý một cách có nề nếp và hiệu quả, thiết lập việc chầu Thánh Thể mỗi thứ năm hàng tuần theo phiên của các hội đoàn, thống kê lại số giáo dân trong toàn giáo sở, làm mới sổ gia đình Công giáo[4]. Ngoài ra, ngài còn kiêm Giáo xứ Bắc Cửa Việt (chính thức thành lập từ ngày 17-01-2011), và đã củng cố lại Hội đồng Giáo xứ nơi đây cũng như dâng Thánh lễ theo yêu cầu của giáo dân tại đó.

Ngày 27-04-2013, Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli, đại diện Tòa thánh bất thường trú tại Việt Nam, viếng thăm giáo xứ Đông Hà, một vinh dự hiếm có cộng đoàn nào được.

Ngày 01-06-2019, với bài sai ký hôm 10-05, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh đã bổ nhiệm cha Antôn Lê Anh Quốc đến làm Quản xứ Đông Hà, thay thế cha Phêrô Phạm Ngọc Hoa đi làm Quản xứ Phường Tây.

Về đến Đông Hà, cha Antôn thấy các phòng giáo lý dã chiến được làm từ thời cha Phêrô, nay đã quá xập xệ. Ngài kêu gọi giáo dân ủng hộ kinh phí và xoay xở thêm, để sửa sang lại. Nửa cuối tháng 8-2019, công việc sửa sang bắt đầu tiến hành: thay mới các vách ngăn, đóng trần các phòng học, đóng mới một số bàn cho giáo lý sinh, sơn phết lại các bàn ghế cũ, thay một số quạt và điện chiếu sáng. Đến đầu tháng 9-2019, công việc hoàn tất, các phòng học sáng sủa khang trang hơn, để kịp thời gian bắt đầu năm học giáo lý mới, niên khóa 2019-2020.

IV. CÁC QUẢN XỨ VÀ PHÓ XỨ

A. Các cha Quản xứ

1- Phaolô Lê Quang Tuyến (1932-1941): Quản xứ Phương Gia.

2- Phaolô Phan Đình Bố (28.12.1941-1945): Quản xứ Phương Gia.

3- Alexis Phan Đức Sắc (1948-1953): Quản xứ Đông Hà tiên khởi.

4- Louis Valour (cố Hoan) (1953-1966).

5- Matthêô Trần Thanh Minh (1957-1958): tạm thay cố Hoan một năm.

6- Jean Baptiste Etcharren (1966-1972).

7- Giuse Trần Văn Tuyên (10.11.1996-30.9.2008)

8- Phêrô Phạm Ngọc Hoa (03.10.2008-5.2019)

9- Antôn Lê Anh Quốc (01.06.2019…..)

B. Các cha phó xứ

1- PX. Lê Văn Cao (1962-1964).

2- Đôminicô Phạm Hữu Thành (1964).

3- Phaolô Nguyễn Thanh Hoan (1965-1972), Giám mục Giáo phận Phan Thiết (2005-2009)

4- Phêrô Hoàng Thái Ân (1967-1969).

5- GB. Lê Văn Hiệp (1968).

6- GB. Nguyễn Văn Thông (1968).

7- Phêrô Lê Đình Khôi (1970).

8- Đaminh Cẩm Nguyễn Đình Cẩm (1970).

9- Têphanô Lê Công Mỹ (1971).

10- Phêrô Huỳnh Văn Nguyên (15.8.2010-25.6.2013)

11- Phaolô Nguyễn Duy Khánh (25.7.2015-10.2016)

12- Giuse Phạm Hữu Quang (24.9.2016 – 19.9.2018)

13- Batôlômêô Nguyễn Phúc (01.10.2018-10.05.2019)

VI. HOA TRÁI ĐỨC TIN:

a- Nữ tu

1- Cécilia Trần Thị Quỳnh Sa, Dòng Mến Thánh Giá Bà Rịa

2- Catarina Hoàng Thị Sương Hà, Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh mục.

b- Giáo dân

– Từ năm 1975-2001, Giáo xứ Đông Hà gồm toàn thành phố Đông Hà với 9 phường: 293 giáo dân. Ngoài ra, còn có 6 giáo họ: Phước Tuyền, Khe Sanh, Nam Tây (Gio Linh), Hướng Hóa, Đakrông, Cửa Việt, với 3.055 giáo dân. Tổng cộng Giáo sở Đông Hà có 3.348 người.

– Từ năm 2002, các giáo họ được trao lại cho cha sở Phước Tuyền, từ đó cha sở Đông Hà chỉ còn phụ trách Giáo xứ Đông Hà mà thôi.

– Từ ngày 03-10-2008, cha sở Đông Hà được giao thêm địa bàn Bắc Cửa Việt. Từ ngày 17-01-2011, Giáo xứ Bắc Cửa Việt được thành lập và tách khỏi Giáo xứ Đông Hà nhưng vẫn do cha sở Đông Hà kiêm nhiệm. Số giáo dân Đông Hà (năm 2013): 669 người/204 gia đình và Bắc Cửa Việt: 284 người/59 gia đình.

– Năm 2015: 983 người

– Năm 2019: 571 người / 164 hộ gia đình (thống kê tháng 8/2019 theo chỉ thị của ĐTGM Giuse Nguyễn Chí Linh, dịp chuẩn bị mừng 170 năm thành lập Gp. Huế).

Bên trong nhà thờ Đông Hà 

*****************************

LƯỢC SỬ GIÁO XỨ BẮC CỬA VIỆT

I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ

Giáo xứ Bắc Cửa Việt nằm trên địa bàn huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, trải dài chừng 8km trên trục đường 9 từ Mai Xá đến Cửa Việt, gồm: xã Gio Mai, xã Gio Việt, xã Gio Hải và thị trấn Cửa Việt, cách thành phố Đông Hà chừng 20 km về phía đông, cách Tòa Tổng Giám mục Huế khoảng 90km về phía tây bắc.

II. NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

Giáo xứ Bắc Cửa Việt là tên gọi chung có từ ngày 17-01-2011, chỉ các cộng đoàn Kitô hữu tái lập ở vùng này từ năm 1996. Nhưng trước đó, từ tháng 6 năm 1900 đến tháng 4 năm 1972, trong khu vực nằm gần biển, giữa Cửa Tùng và Cửa Việt, có các giáo xứ giáo họ mang tên Mai Xá, Long Hà, Chợ Hôm, Hà Lợi, Hà Lộc… Suốt 72 năm, các họ đạo này đã phát triển tùy vào sự đổi thay của lịch sử đất nước vốn có quá nhiều biến động, nhất là tại vùng mà một thời gian dài đã trở thành giới tuyến ngăn cách hai miền Nam Bắc nước Việt. Cho đến hôm nay, chúng ta chỉ có vài điểm cơ bản của lịch sử các giáo xứ giáo họ ấy dựa trên những tài liệu ít ỏi được lưu giữ của Giáo phận.

– Trước khi có cuộc chia đôi đất nước, tức từ 1900 đến 1954, lần lượt đã có 6 vị Quản xứ coi sóc cả vùng, mà trú sở chính có khi là Mai Xá, có khi là Hà Lợi (ở hai đầu Giáo sở). Ít có tài liệu về các vị này.

– Linh mục Raphael Fasseaux (cố Phương), vị thừa sai nổi tiếng của Nước Ngọt (1925-1932; 1937-1947), đã xây dựng các giáo xứ giáo họ vùng Cửa Việt từ năm 1954 đến năm 1962: làm một số nhà thờ và trường học bằng bê tông cốt thép kiên cố, rửa tội cho gần 1.000 tân tòng. Nhưng do chiến tranh từ năm 1966 đến 1968, giáo dân phải di tản khắp nơi, các nhà thờ và trường học đều bị bỏ hoang, dần dần hầu như hư hỏng toàn bộ.

– Năm 1969, linh mục Gioan Baotixita Lê Văn Hiệp về nhận xứ, thành lập Giáo sở Long Hà (bao gồm Mai Xá, Chợ Hôm, Long Hà, Hà Lợi, Hà Lộc), số giáo dân gần 2.000 người. Ngài làm nhà thờ bằng gỗ lợp tôn tại Long Hà, sau đó làm nhà thờ Hà Lợi (khu tập trung Cửa Việt) cũng bằng gỗ lợp tôn, và nhà thờ Chợ Hôm bằng gạch lợp ngói. Cả 3 nhà thờ đều nhỏ. Tại Mai Xá, cha xây một trường học hai phòng trên đống đổ nát của cơ sở cũ từ thời cố Phương. Tại Chợ Hôm thì ngôi trường lớn hơn, đủ bậc tiểu học, nhưng cũng chỉ bằng ván ép. Giáo sở sinh hoạt ổn định, cơ cấu tổ chức đầy đủ, đời sống tinh thần của giáo dân được nâng cao. Thỉnh thoảng, vào ban đêm, cha bắc loa trên nóc nhà thờ, phát thanh truyền giáo cho lương dân trong khu vực. Nhưng đây là vùng đất chỉ có an ninh ban ngày. Cha còn phụ trách một giáo họ nhỏ tại làng Duy Phiên, trên cồn Bắc Phước, vốn nằm giữa sông Thạch Hãn và gần cửa biển.

Tháng 4 năm 1972, chiến tranh làm cho mọi người phải sơ tán khắp nơi, nhất là vào Nam.

– Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, nhiều người trở về quê cũ, nhưng đời sống vật chất và tôn giáo vẫn còn thiếu thốn và nhiều hạn chế. Tuy nhiên cha Phanxicô Lê Văn Cao, Quản xứ Đại Lộc (một giáo xứ thuộc huyện Triệu Phong) kiêm nhiệm Bắc Cửa Việt vẫn thường xuyên thăm viếng, chăm sóc mục vụ. Vào các dịp lễ trọng, ngài thường thuê ghe đò cho giáo dân đi tham dự thánh lễ ở Đại Lộc hoặc các giáo xứ lân cận.

Năm 1990, điều kiện sống tương đối khá hơn, việc đi lại dễ dàng, nhưng vì chưa có nhà thờ, giáo dân vẫn tạm thời đi dự lễ Chúa nhật và những ngày lễ trọng ở Đại Lộc, Trí Bưu hay La Vang

Năm 1996, Giáo xứ Đông Hà được tái lập, giáo dân vùng Bắc Cửa Việt sáp nhập vào đấy và được coi như một giáo họ.

Ngày 17-02-2011, Giáo họ Bắc Cửa Việt tách khỏi Giáo xứ Đông Hà và chính thức trở thành giáo xứ, tuy nhiên vẫn do cha sở Đông Hà kiêm nhiệm.

Ngày 18-05-2011, Hội đồng Giáo xứ được chính thức thành lập và Giáo xứ Bắc Cửa Việt có thánh lễ hằng tuần vào Chúa nhật và các ngày lễ trọng tại nhà một giáo dân (anh Phêrô Bùi Xuân Hiệu) ở khu phố 5, thị trấn Cửa Việt.

Ngày 25-01-2016, lễ đặt viên đá xây dựng Thánh đường Bắc Cửa Việt do Đức Tổng Giám mục Phanxicô Xavie Lê văn Hồng chủ sự[5].  Ngôi nhà thờ này nằm cách chợ Cửa Việt khoảng 1km về phía bắc tây bắc. Cha Phêrô Phạm Ngọc Hoa phụ trách xây dựng và sau đó chuyển giao cho vị Quản xứ mới là cha Antôn Lê Anh Quốc. Công việc vẫn đang tiến hành.

III. CÁC QUẢN XỨ VÀ PHÓ XỨ

Từ năm 1900 đến 1972

1- Linh mục Gioan Lê Văn Dưỡng: Cha sở Hà Lợi (từ tháng 6-1900 đến tháng 8-1913).

2- Linh mục Phaolô Trần Văn Sanh: Cha sở Hà Lợi (từ tháng 8-1913 đến năm 1914). Sau đó cha vào Nhĩ Hạ kiêm Hà Lợi đến năm 1930.

3- Linh mục Phaolô Trần Bá Úy: Cha sở Kim Đâu, Sòng, Mai Xá (1912 đến tháng 8-1916). Chia tách thành lập Giáo xứ Mai Xá, ngài làm cha sở ở đây cho đến tháng 8-1924.

4- Linh mục Tôma Hoàng Ngọc Bang: Cha sở Mai Xá (1932-1936)

5- Linh mục Tôma Lê Văn Thiện: Cha sở Mai Xá (1937-1946)

6- Linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Văn Huệ: Cha sở Mai Xá Chánh, Mai Xá Thị (1946-1947).

7- Linh mục Raphael Fasseaux (Cố Phương): Cha sở Mai Xá (1954-1959)

8- Linh mục Gioan Baotixita Etcharren: Cha sở Mai Xá (1959-1960). Tạm thay.

9- Linh mục Raphael Fasseaux (Cố Phương): Cha sở Mai Xá, Chợ Hôm (Tân Xuân), Lâm Xuân, Long Hà, Hà Lợi, Hà Lộc, Diêm Hà Hạ, Hà Lợi Tây (1960-1962)

10- Linh mục Giacôbê Trần Văn Thời: Cha sở Hà Lợi, kiêm nhiệm Hà Lộc, Diêm Hà Hạ, Hà Lợi Tây, Long Hà (từ 04.7.1962 đến tháng 6.1963).

11- Linh mục Phêrô Lê Văn Ngọc: Cha sở Hà Lợi (1963-1964), cha sở Mai Xá (1964-1968)

12- Linh mục Gioan Baotixita Lê Văn Hiệp: Cha sở Mai Xá, Long Hà, Chợ Hôm, Hà Lợi, Hà Lộc (1969-1972).

13- Linh mục Anrê Ngô Văn Nhơn làm phó cha Etcharren ở Đông Hà, biệt cư Chợ Hôm (1970-1971).

Sau biến cố Mùa hè Đỏ lửa 1972, tất cả các giáo xứ kể trên không còn sinh hoạt nữa.

Từ năm 1996

1- Linh mục Giuse Trần Văn Tuyên, Quản xứ Đông Hà kiêm toàn vùng trong đó có Giáo xứ Bắc Cửa Việt (1996-2008)

2- Linh mục Phêrô Phạm Ngọc Hoa, Quản xứ Đông Hà kiêm Giáo xứ Bắc Cửa Việt (2008-2019)

Từ năm 2010 có các cha phó về làm lễ Chúa nhật và lễ trọng:

– Linh mục Phêrô Huỳnh Văn Nguyên, từ 15-8-2010 đến 25-6-2013.

– Linh mục Phaolô Nguyễn Duy Khánh, từ tháng 7-2015 đến 10-2016.

– Giuse Phạm Hữu Quang, từ tháng 9.2016 đến 9.2018

– Linh mục Batôlômêô Nguyễn Phúc (10-2018 đến 05-2019)

3- Linh mục Antôn Lê Anh Quốc, từ 01-06-2019….

IV. HOA TRÁI ĐỨC TIN

1- Giáo dân:

– Năm 2015: 380 người / 84 gia đình

– Năm 2019: 270 người / 82 hộ gia đình (thống kê tháng 8/2019 theo chỉ thị của ĐTGM Giuse Nguyễn Chí Linh, dịp chuẩn bị mừng 170 năm thành lập Gp. Huế).

——————————————————————

[1] Toàn thành phố  Đông Hà ngày nay nằm trên trục quốc lộ 1A, tại ngã ba khởi đầu quốc lộ 9 ở phía đông đi qua Nam Lào, Đông Hà nằm về phía Nam bên cạnh bờ sông Điếu Ngao (hay Hiếu Giang hay sông Đông Hà). Đông Hà từ sau 1975 đến nay là tỉnh lỵ Quảng Trị, nơi có văn phòng tòa hành chánh tỉnh, và là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của tỉnh. Cũng kể từ đó, thị xã Quảng Trị cũ (trước 1975) nằm về phía đông cạnh sông Thạch Hãn có diện tích 5,3 km2, nơi có thành cổ Quảng Trị được xây đắp năm 1822 dưới đời vua Minh Mạng, nay chỉ còn là di tích lịch sử và là một thị xã nhỏ của tỉnh Quảng Trị mà thôi. Chợ Đông Hà ngày nay vẫn còn nằm nguyên vị trí cũ, sát cánh bờ Nam sông Điếu Ngao và quốc lộ I và là khởi đầu quốc lộ 9 đi Nam Lào.

[2] Từ Huế ra, làng Phương Gia cách cầu Đông Hà 1km về hướng Nam bên dưới quốc lộ 1A

[3] Từ năm 1960, Đức Tổng Giám mục GB. Urrutia (Thi), khi được Đức Tổng Giám mục Martinô Ngô Đình Thục kế nhiệm chủ chăn Tổng Giáo phận Huế, đã về nghỉ hưu tại nhà xứ Đông Hà. Ngài ở đây cho đến năm 1972, khi xảy ra biến cố Mùa hè Đỏ lửa.

Về cả 3 vị mục tử ngoại quốc hiến thân cho Tin Mừng tại vùng giới tuyến lửa đạn thời đó, Tiểu sử 101 Thửa sai MEP phục vụ Giáo phận Huế 1850-1975 (Lm Stanislaô Nguyễn Đức Vệ dịch) đã viết như sau: “Tháng 02-1966, cha Louis Valour, gốc du Puy, cháu của ba linh mục dòng họ Valour, bị chết vì mìn nổ. Chính cha Etcharren là người được gọi thay thế ngài trong giáo xứ Đông Hà. Cha Etcharren mời Đức cha Urrutia đến ở đó và Đức cha chấp nhận không do dự. Tuy nhiên Đức cha biết rằng nơi đó chẳng phải sẽ được nghỉ ngơi chút nào. Nhóm anh em tại đây gồm những người trẻ: linh mục và chủng sinh đi thực tập, nên họ hơi rộn ràng và não trạng khác nhau. Hơn nữa vùng này rất xao động. Các con đường bị đặt mìn trong hơn một năm rồi. Các cuộc nhả roc-két đã bắt đầu một năm sau đó và trung tâm giáo xứ ở vào nơi đặc biệt nguy hiểm. Hai người bị bắn và khoảng 15 người bị thương ngay trong nhà. Cả cha Valour được chôn cất trước nhà xứ cũng không được miễn trừ khi nằm trong mộ. Trong thời kỳ đó, ba anh em thừa sai người Pháp đã bị giết, đó là các cha Audigou, Cressonnier và Poncet, một người khác là cha Neyroud bị trọng thương, làm cho nhóm thừa sai Pháp bị thu nhỏ lại thành một nhóm rất ít.. Dầu như thế, Đức cha Urrutia vẫn quyết ở lại Đông Hà, làm nhiều việc phục vụ, không ngại đi bộ nhiều cây số để đến trong các họ nhánh”.

[4] Đa phần lúc ấy chưa có sổ gia đình Công giáo, hay nếu có thì cũng không đầy đủ.

[5] Ngày 28-9-2015, UBND tỉnh Quảng Trị đã có quyết định số 2039/QĐ-UBND giao đất với diện tích 3.982m2 cho giáo xứ Bắc Cửa Việt để xây dựng nhà thờ tại vị trí đường Phạm Văn Đồng, khu phố 3, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Vì vùng đất trũng, cha Phêrô Phạm Ngọc Hoa đã phải ổn định khuôn viên bằng việc xây kè giữ đất và đổ hơn 6.000m3  đất cát. Cha cũng xây nhà giáo lý để có chỗ dâng lễ tạm thời.

———————————————————————

Mọi góp ý, bổ sung, điều chỉnh xin vui lòng liên hệ với Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi theo địa chỉ email: witness2005@gmail.com Xin cám ơn quý vị rất nhiều.

Nhóm Biên sử Tổng Giáo phận Huế.