GIÁO SỞ DƯỠNG MONG
GIÁO XỨ DƯỠNG MONG – GIÁO HỌ HÀ TRUNG
Nhà thờ Dưỡng Mong
GIÁO XỨ DƯỠNG MONG
I- VỊ TRÍ ĐỊA LÝ
Giáo xứ Dưỡng Mong, thuộc giáo hạt Hương Phú, nằm trên địa bàn xã Vinh Thái, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế, cách tòa Tổng Giám mục Huế khoảng 25 km về phía đông nam, ẩn mình giữa hai dòng sông Đại Giang và Trường Hà hiền hòa. Giáo xứ có một ngôi nhà thờ xinh đẹp. Đi xa khoảng vài km nữa về phía đông nam là nhà thờ Hà Trung, trên xã Vinh Hà.
II – NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN
1- Từ cuộc truyền giáo của linh mục Antoine Stoeffler (1889)
Sử sách cho biết: hạt giống đức tin đã được gieo vãi ở vùng đất Dưỡng Mong dưới thời Đức Giám mục Louis Caspar (Lộc) cai quản Giáo phận Huế (1880-1917).
Năm 1889, linh mục Antoine Stoeffler (cố Thể), chủ chăn tiên khởi của giáo xứ Diêm Tụ (1889-1908), đã mở các lớp dạy đạo cho những vùng lân cận thuộc giáo hạt Bên Thủy (tên gọi lúc ấy) như Hòa Đa, Dưỡng Mong, Hà Trữ, Hà Trung… Ngài còn cho khai hoang nhiều ruộng Nhà chung và giao cho giáo dân canh tác.
Nhưng công cuộc truyền giáo đó không phải dễ dàng. Sau đây là bản tường trình của cha Eugène Allys (Lý), quản xứ Phủ Cam kiêm quản hạt Bên Thủy bấy giờ, dâng lên Đức Giám mục Caspar và được ngài đưa vào bản báo cáo năm 1889 gừi Hội Thừa sai Hải ngoại:
“Cách đây khoảng hai tháng, nhiều gia đình thuộc các làng Diêm Tụ, An Lưu, Dưỡng Mong, Hà Nhuận đã xin trở lại đạo, Vì trong thời gian đó con rất bận, con đã cho họ về với những lời tốt đẹp, sau khi đã dạy họ giữ kín việc họ vừa làm. Nhưng lương dân trong (các) làng này, bị những chuyến đi về của các dự tòng gây chú ý, đã sớm biết được ý định của họ và lập tức hăm dọa sẽ cho họ nếm đủ thứ vũ nhục, nếu họ cứ tiếp tục muốn trở lại và có những liên hệ với người Âu.
Cách đây 3 tuần, có được một lúc thảnh thơi, con đã đi cùng với cha Rault và một linh mục An Nam đến thăm các làng ấy, và xem cần có phương thức nào để dạy cho những người xin trở lại. Con đã thăm viếng nhiều làng An Nam, đã có nhiều liên hệ với một đám đông lương dân; nhưng chưa bao giờ con gặp những kẻ đầy thù nghịch như trong các vùng này.
Sau khi đã bị nhục mạ nhiều lần trong làng Dưỡng Mong, con đã muốn được dẫn đến nhà ông lý trưởng, nhưng không ai chịu chỉ cho con chỗ ông ta ở; người ta đã đem con tới nhà một kẻ mà con chẳng biết làm chức vụ gì. Vì tối hôm ấy phải ngủ rất gần làng đó, con đã nhờ nói với lý trưởng rằng con ao ước thưa chuyện với ông, và con sẽ rất vui nếu ông đến cho con gặp. Viên chức này đã tránh đến theo lời con mời, mà chỉ sai tới một trong những kẻ đã nhục mạ con và nói với con cho ông cây roi mây. Con đã từ chối việc đó và trả lời rằng mình không đến để cho roi mây, rằng con ao ước gặp lý trưởng để xin ông bảo dân chúng nên tỏ ra lịch sự hơn với những người ngoại quốc, rằng vì lý trưởng đã không muốn tiếp con lẫn đến tìm con, nên con sẽ trình các nhận xét của con cho ông qua viên tri huyện. Con không biết ông Huyện có bảo lý trưởng phải tỏ ra đường hoàng hơn chăng; nhưng điều chắc chắn là các làng ấy ngày càng thù nghịch với những ai xin trở lại; các người này bị quở trách là có liên hệ với Tây, lôi kéo Tây về làng của họ.
Cuối cùng, vào ngày kia, sau khi báo tin rằng con sẽ sai một linh mục bản xứ đến ở tại một trong những làng ấy, để dạy những ai muốn nghe ngài, thì các chức sắc, chánh tổng, lý trưởng và nhiều nhân vật ảnh hưởng khác, đã không cầm được cơn giận của họ; và giữa khuya Thứ sáu sang Thứ bảy (mồng 1 đến mồng 2 tháng ba), họ tới thật đông bao vây một ngôi nhà, nơi một kitô hữu Phủ Cam qua đường đã qui tụ một số người để dạy vài kinh nguyện. Họ đã bắt trói, đánh đập, buộc gông chủ nhà tên Nam, nhạc gia tên Kim, cũng như tín hữu Phủ Cam, lấy của ông ta 54 quan tiền. Những người khác hoảng sợ đã chạy trốn khắp nơi. Sau một vài đòn roi, tín hữu Phủ Cam đã được thả ra, còn hai người kia bị dẫn lên huyện.
Ngày thứ bảy, khi những kẻ trốn chạy đến kể cho con vụ việc này, con đã sai một người lên huyện lỵ xem sự thể thế nào. Ông tri huyện, có lính thông đồng với những kẻ đã trói và đánh đập 2 tù nhân, đã không kết tội gì các cá nhân này; ông chỉ nói rằng đó là những kẻ hung hăng lắm, và khi trở lại, họ đã có ý định áp bức các đồng hương của mình. Đàng khác, ông thêm, người ta đang tìm bắt tiếp nhiều kẻ khác có liên hệ với họ.
Con thú thực rằng lời lẽ của viên tri huyện đã làm cho con rất đỗi ngạc nhiên, càng ngạc nhiên hơn khi ông quả quyết rằng vì những người này là dân An Nam và chưa là Kitô hữu, nên ông Công sứ của Pháp chẳng có mắc mớ gì trong vụ việc này. Còn về lời kết án những tân tòng ấy là hung hăng, là đáng sợ, là muốn dựa vào chúng con để áp bức đồng hương của mình, lời kết án đó hoàn toàn sai lạc, vì phần lớn những người xin trở lại đều sống ngày qua ngày nhờ lao động của mình và chẳng thấy gì là đáng sợ cả”.[1]
2- Thành giáo họ được kiêm nhiệm (1908-2005)
Được cha Antoine Stoeffler, quản xứ tiên khởi của Diêm Tụ thành lập và coi sóc, nên Dưỡng Mong (cùng với Hà Trung) là một giáo họ thuộc giáo sở Diêm Tụ, được các cha quản xứ nơi này kiêm nhiệm từ đầu cho đến thời cha Giuse Trần Viết Viên (2005) mới tách thành giáo xứ biệt lập. Như vậy,
– Cha sở thứ 1 là Antoine Stoeffler (Cố Thể): 1889-1908.
– Cha sở thứ 2 là Paul Laurence (Cố Phước): 1908-1910.
– Cha sở thứ 3 là Joseph Montagnon (Cố Minh): 1910-1912.
– Cha sở thứ 4 là Pierre Etchebarne (Cố Chế): 1912-1918.
– Cha sở thứ 5 là Gioakim Nguyễn Văn Khiết: 1918-1934
– Cha sở thứ 6 là Tađêô Hồ Bảo Huỳnh: 1934-1937.
– Cha sở thứ 7 là Anrê Nguyễn Văn Từ: 1937-1945.
– Cha sở thứ 8 là Stanislaô Nguyễn Văn Ngọc: 1945-1949. Ngài làm nhà trường, nhà họ và nhà thờ Dưỡng Mong, chọn Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội (08-12) làm Bổn mạng giáo xứ. Ngài xin hai chị dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng về dạy. Hai chị ở Diêm Tụ, sáng đi chiều về. Cha cũng đã mua gỗ để trùng tu nhà thờ Hà Trung, Mộc Trụ và Hà Trữ, nhưng chưa kịp khởi công thì được đổi lên Lương Văn năm 1949.
– Cha sở thứ 9 là Giuse Ngô Văn Trọng: 1949.
– Cha sở thứ 10 là Raphaen Bửu Hiệp: 1949-1950
– Cha sở thứ 11 là Giuse Lê Văn Hộ: 1950-1953. Ngài đã xây nhà cho các nữ tu dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng về giúp mục vụ tại Dưỡng Mong (trước đó các chị phải ở Diêm Tụ).
– Cha sở thứ 12 là Micae Hoàng Ngọc Bang: 1953-1958.
– Cha sở thứ 13 là Matthia Nguyễn Văn Triêm: 1958-1962.
– Cha sở thứ 14 là Phêrô Nguyễn Đình Chế: 1962-1964.
– Cha sở thứ 15 là Tôma Lê Văn Cầu: 1964-1965
Vì chiến cuộc lan rộng, cả vùng Phú Thứ (tên gọi lúc đó) trở nên bất an nên cha Tôma phải sớm đem phần lớn giáo dân di tản lên vùng Phú Bài, trú gần Phù Lương, một giáo xứ an ninh hơn vì nằm cạnh những khu vực quân sự và quốc lộ 1. Giáo dân ở đây cho tới năm 1975.
Từ 1965 đến 1975, giáo sở Diêm Tụ trở nên bãi chiến trường. Các cơ sở đều bị bom đạn tàn phá, chỉ có nhà thờ Dưỡng Mong tồn tại.
– Cha sở thứ 16 là Micae Trần Minh Huy: 18/9/1975-12/05/1996.
Sau biến cố năm 1975: Vì hoàn cảnh kinh tế và chính trị nên nhiều bà con giáo dân phải rời quê hương đi lập nghiệp ở những nơi khác trên đất nước cũng như ở hải ngoại. Đặc biệt các bạn trẻ đi làm ăn ở những thành phố lớn.
Công lao của cha Huy thật to lớn. Suốt 21 năm coi sóc đàn chiên, cha đã gieo vãi Tin Mừng tình thương của Chúa cho nhiều thế hệ, xây dựng tình đoàn kết lương giáo; ngài không chỉ hun đúc đời sống thiêng liêng cho giáo dân mà còn góp phần xây dựng đời sống xã hội ở vùng đất này. Ngài mở nhiều con đường nối liền các xóm, các thôn với nhau; đổ đá Biên Hòa lên nhiều con đường cát trắng khó đi, giúp cho bà con lương giáo lưu thông dễ dàng và thuận tiện.
Trong 21 năm làm quản xứ Diêm Tụ, ngài đã tái thiết nhà thờ Dưỡng Mong, nhà thờ Hà Trung, nhà xứ Dưỡng Mong; nâng cấp nhà xứ Hà Trung, sửa chữa trường mầm non Hà Trung, trùng tu sở các nữ tu Dưỡng Mong khang trang thuận tiện.
Vì dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng sau năm 1975 thiếu nhân sự, cha mời dòng Mến Thánh Giá Huế về giúp lo mục vụ ở Dưỡng Mong thay thế.
Đặc biệt ngài khuyến khích con em chăm lo học tập để vươn lên trong đời sống văn hóa, sáng lập chương trình bảo trợ ơn gọi «Cho một tương lai tốt đẹp», giúp được nhiều người trẻ trong giáo xứ và Giáo phận làm linh mục và tu sĩ.
Bên cạnh việc chăm lo cho người còn sống, cha còn lo liệu cho người quá cố có nơi an nghỉ được trang nghiêm, nên đã xin chính quyền xã Vinh Thái một khu đất để lập một nghĩa trang giáo xứ thật rộng lớn, diện tích:10.764m2.
Nửa năm 1996, cha Micae rời nhiệm sở vì gia nhập hội Xuân Bích, đi du học Pháp.
– Cha sở thứ 17 là Phaolô Trần Khôi: 1996-2005.
Ngài xây dựng ở Dưỡng Mong một ngôi nhà dạy giáo lý, nhà cho bà giúp việc, đóng mới trần nhà thờ bằng tôn, xây đài Thánh Giuse và cổng nhà thờ. Ở Hà Trung, ngài cho thay lại hệ thống âm thanh, và bàn ghế quỳ trong nhà thờ.
Nhà thờ Dưỡng Mong – Bên trong
3- Thời giáo xứ biệt lập, có linh mục cai quản (2005…)
Ngày 20-07-2005, vì nhu cầu mục vụ, Đức Tổng Giám mục giáo phận Têphanô Nguyễn Như Thể đã tách 4 giáo xứ thành hai giáo sở, do hai vị quản xứ đảm trách. Dưỡng Mong và Hà Trung làm thành một giáo sở, với cha Giuse Trần Viết Viên làm quản xứ tiên khởi. Giáo xứ Diêm Tụ và Trường Lưu được tiếp tục giao phó cho cha Phaolô Trần Khôi.
1- Cha Giuse Trần Viết Viên: 07/2005-04/2009.
Ngài đã sửa lại đài Đức Mẹ và xây mới đài Thánh Giuse.
Vào năm 2007, vì nhiều lý do, các nữ tu dòng Mến Thánh Giá Huế không còn giúp mục vụ ở Hà Trung và Dưỡng Mong nữa.
2- Cha Giuse Nguyễn Văn Tiến: 04/2009-10/2018
– Thay lại gạch men nhà thờ Dưỡng Mong (năm 2011)
– Thành lập hội Lòng Chúa Thương Xót (2013), chuyên lần chuỗi Lòng Chúa Thương Xót vào chiều thứ 6, lúc 3giờ.
– Sửa lại cung thánh nhà thờ Dưỡng Mong (năm 2014)
– Xây tường chung quanh khu đất nhà thờ Dưỡng Mong.
– Ngày 4-12-2014, giáo xứ tổ chức 125 năm lãnh nhận hồng ân đức tin (1889-2014). Trong dịp này, Đức Tổng giám mục Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng về chủ tế Thánh lễ tạ ơn.
3- Cha Gioan Bosco Dương Quang Niệm: 10/2018….
Nhà thờ Hà Trung
III – HOA TRÁI ĐỨC TIN
1- Linh mục
Cha Phêrô Huỳnh Văn Nguyên (Lm: 2010)
Cha Batôlomeo Nguyễn Văn Gioang. (Lm: 1996. Gp Đà Lạt. Họ ngoại).
Cha Anrê Lê Minh Phú (Lm: 2012. Gốc Hòa Đa. Họ ngoại).
2- Nam nữ tu sĩ
- Chị Anê Nguyễn Thị Lợi (dòng CĐMĐV)
- Chị Luxia Nguyễn Thị Vân (dòng CĐMĐV)
- Chị Maria Nguyễn Thị Mai Trang (dòng MTG Bà Rịa)
- Chị Elizabet Huỳnh Thị Diệp (dòng MTG Qui Nhơn)
- Chị Madalena Lê Thị Bích Hà (dòng MTG Huế)
- Chị Maria Lê Thị Thanh Tiên (dòng MTG Huế)
- Chị Catarina Dương Đình Phương Tiên (dòng Đa-minh)
- Chị Huỳnh Thị Đào (dòng MTG Bà Rịa)
- Chị Anna Lê Thị Hiên (dòng Phaolô Đà Nẵng)
- Chị Anê Huỳnh Thị Luyến (dòng MTG Huế)
- Chị Nguyễn Thị Tuyệt Diệu (dòng MTG Huế)
- Chị Anna Dương Thị Ánh Tuyết (dòng MTG Huế)
- Chị Luxia Nguyễn Thị Kim Anh (dòng MTG Huế)
- Chị Anê Lê Thị Thùy Trang (dòng Mến Thánh Giá Huế)
- Chị Anna Dương Thị Giang Chi (dòng MTG Quy Nhơn)
- Chị Anna Dịch Dương Thu Thảo (dòng CĐMVN Huế. Gp Đà Nẵng. Họ ngoại).
3- Giáo dân
– Năm 2010: 305 người
– Năm 2015: 253 người .
– Năm 2019: 268 người[2]
**************************************
GIÁO HỌ HÀ TRUNG
Là một giáo họ xuất hiện trên bản đồ giáo phận từ năm 1889, khi linh mục Antoine Stoeffler (cố Thể), chủ chăn tiên khởi của giáo xứ Diêm Tụ (1889-1908), mở các lớp dạy đạo cho những vùng lân cận thuộc giáo hạt Bên Thủy như Hòa Đa, Dưỡng Mong, Hà Trung, Hà Trữ…
Đa phần thời gian tồn tại, Hà Trung được chăm sóc, kiêm nhiệm bởi các vị quản xứ Diêm Tụ. Tuy nhiên, theo cuốn Tiểu sử các linh mục Giáo phận Huế, có nhiều giai đoạn Hà Trung có vị quản xứ tại chỗ: Chẳng hạn:
– Cha Anrê Nguyễn Hữu Tường (1878-1906-1965) từ năm 1911 đến 1913.
Trước đó, từ tháng 9-1908, ngài đã ở phó cha A. Stoeffler (cố Thể) ở Diêm Tụ, tiếp theo phó cha J. Montagnon (cố Minh) cũng ở Diêm Tụ đến năm 1911.
– Cha Gioan Lê Văn Dưỡng (1862-1894-1917) từ tháng 8-1913 đến tháng 2-1917.
Cha hoạt động truyền giáo mạnh mẽ tại vùng Hà Trung, với sự giúp đỡ rộng rãi của một anh em linh tông là Thượng thư Nguyễn Hữu Bài. Cụ cho cha tiền để nuôi dạy chầu nhưng (dự tòng). Hết tiền và lương thực, cha đem đò lên Huế chở.
Dù có thể giá lớn, cha Dưỡng sống bình dân, ngồi trệt dưới đất dạy chầu nhưng, họ cũng ngồi trệt chung quanh vị mục tử.
Ngài qua đời tại đây, xác được an táng trong nhà thờ Hà Trung (hiện còn bia mộ)[3].
– Cha Micae Hoàng Ngọc Bang (1895-1926-1968) từ 1962 đến 1964.
Trước đó, ngài làm quản xứ Diêm Tụ từ 1953 đến 1958.
Khi làm quản xứ Hà Trung, ngài xây nhà cha sở tại đây. Ngài còn làm nhà thờ và nhà các chị tại Hà Trữ. Cơ sở nầy khá to lớn so với vùng đó. Nhưng mấy năm sau, gặp thời kỳ chiến tranh bom đạn, cơ sở nầy bị phá hủy bình địa, nay chẳng còn dấu vết gì.
– Cha G.B Phạm Bá Viên (1913-1943-1998) từ 1964 đến 1965.
Sau đó, từ năm 1965 đến 1974, vì Hà Trung nói riêng và giáo sở Diêm Tụ nói chung trở nên mất an ninh do chiến cuộc, nên cha quản sở Diêm Tụ là Tôma Lê Văn Cầu (1922-1955-1998) thỉnh thoảng mới tới Hà Trung. Mỗi Chúa nhật, ngài từ trại định cư gần giáo xứ Phi Trường (nay gọi là giáo xứ Phù Lương) về Hà Trung làm lễ. Nơi đây, lúc ấy còn có sở các chị Mến Thánh Giá.
Một lần kia, tháng giêng năm 1967, có 3 cha dòng Chúa Cứu Thế, từ Mỹ Á (bên kia phá Tam Giang) qua Hà Trung sinh hoạt. Các ngài tổ chức mấy tuần truyền giáo. Ba cha dòng là cha Lôrensô Vũ Văn Phát, cha Micae Trương Văn Hành và cha Quyến (hồi tục ít năm sau). Ba vị về ở luôn tại nhà cha sở hơn một tuần lễ mà chẳng có chuyện gì.
Nhưng Chúa nhật nọ, lúc 12 giờ trưa, các cha vừa ăn cơm trưa với các chị gần xong, thình lình ở ngoài sân trước mặt nhà cha sở nổi lên tiếng la hét dữ dội: “Đây là ba cái nhà, một nhà tôn, hai nhà ngói. Cha ở mô, chị ở mô?”. Giọng nói đầy vẻ hằn học và hăm dọa.
Một chị Mến Thánh Giá (tên Đằng) rời khỏi bàn ăn đứng dậy, ra đứng ở cửa giữa. Chị báo tin cho trong nhà: “Có ông điên cầm chiếc mác lớn!”. Nói xong, chị sang phòng kế cận định khép các cửa lại vì sợ “tên điên” lọt vào. Không ngờ chị vừa đóng một cánh cửa thì tên đó đã tới. Nó dùng mác chặt ngay trên đầu chị. Chị chết tại chỗ! Tên đó liền chạy vào phòng trong chặt luôn một chị Mến Thánh Giá khác. Chị này (tên là Tha) đưa tay đỡ, bị đứt một ngón tay. Hiện chị còn sống tại dòng mẹ.
Ba cha thấy vậy hoảng hốt đâm đầu chạy! Tên kia rượt đuổi theo. Cha Quyến bị chém nơi cùi tay, vì ngài đang mặc áo dòng vừa chạy thì bị té! Còn cha Hành chạy xa, vớ được cái đòn xóc, chống cự nó một hồi. Cả nhà ai nấy đều la to lên. Đồng bào xung quanh nghe liền chạy lại. Họ bắt được tên đó, dẫn lên một đồn lính, giao cho đồn. Ông đồn trưởng gọi điện thoại, kêu trực thăng về chở các nạn nhân lên Huế. Ít phút sau, trực thăng về đưa họ đi. (Trích Tiểu sử cha Micae Trương Văn Hành, trong Tiểu sử các Linh mục Giáo phận Huế, Tập 3, tr. 53, số 336, có sửa chữa vài chỗ).
– Cha Micae Trần Minh Huy (1940-1972-) từ 9-1974 đến tháng 4-1975.
Nhà xứ Hà Trung
————————————————————————
[1] Mgr Caspar, Rapport annuel des évêques, 1889.
[2] Giáo xứ cho tới nay vẫn giữ được một số tài sản đất đai đáng kể: (1) Khuôn viên Nhà thờ: 5.862m2, (2) Nghĩa địa: 10.764m2, (3) Vườn bạch đàn: 1.200m2, (4) Hồ cá: 2.000m2, (5) Khu vườn do anh chị em bà Báu và ông Lê Ngọc chuyển nhượng năm 2014: 1.020m2
[3] Bia mộ ghi tên là Gioan Nguyễn Văn Dưỡng. Có lẽ do cha mẹ ngài bên lương và mất sớm, ngài được một gia đình Công giáo nhận làm con nuôi nên đã đổi theo họ của ân nhân mình. Cùng với cụ Thượng thư Nguyễn Hữu Bài, ngài là nghĩa tử của cha Gioan Trần Minh Châu, vì thế đã được cụ giúp đỡ nhiều trong việc truyền giáo ở Hà Trung. Khi ngài chết, cụ lại cho lính về chầu hầu quan tài rất trọng thể. Ông Đinh Doãn sắc (thường gọi là Đốc Sắc ở Phủ Cam), học trò của ngài, đã xây một nhà thờ đẹp để chôn cất ngài.
———————————————————————–
Mọi góp ý, bổ sung, điều chỉnh xin vui lòng liên hệ với Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi theo địa chỉ email: witness2005@gmail.com Xin cám ơn quý vị rất nhiều.
Nhóm Biên sử Tổng Giáo phận Huế.