Lược sử Giáo xứ Lương Văn

28/11/2019

Lược sử

GIÁO XỨ LƯƠNG VĂN

I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ

Giáo xứ Lương Văn, thuộc Giáo hạt Hương Phú, nằm trên địa bàn phường Thủy Lương, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên-Huế, cách tòa Tổng Giám mục Huế khoảng 11km về phía đông đông nam. Nhà thờ Lương Văn ở số 6 đường Trần Hoàn, phường Thủy Lương.

II. NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

1- Hạt giống Tin Mừng từ một lương y (1873)

Năm 1859, để tận diệt Công giáo, vua Tự Đức (1847-1883) đã đưa ra kế hoạch “Phân sáp”, ban đầu bí mật, sau đó công khai. Đại Nam Thực Lục của Quốc Sử quán triều Nguyễn, tập 7  (bản dịch của Viện Sử học, Hà Nội), tr. 725, đã ghi chép vào năm Tự Đức thứ 14 (1861) như sau: “Sức nhắc lại các địa phương phải nghiêm ngặt chia ghép bọn dân đạo. Trước đây, chia ghép các dân đạo, còn nhiều sót lậu. Đến bây giờ, nghiêm bắt phủ huyện các địa phương: phàm những dân đạo trai gái già trẻ, không cứ đã bỏ đạo hay chưa, đều thích chữ vào mặt, chia ghép đến ở vào xã thôn không có đạo, mà phải quản thúc cho nghiêm. Những tên đầu mục hung ác vẫn nghiêm giam như cũ. Nếu người Tây dương đến nơi, thì đem bọn dân đạo ấy giết cho hết. Phủ huyện nào lại còn nhu nhơ dong kẻ gian, để đến nỗi sinh ra việc gì lo ngại, tất phải chiểu quân luật trị tội”.

Lúc đó, như nhiều nơi khác, tại Lương Văn có một số trại giam ở Cồn Cát (tương truyền cạnh sở các chị Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng bây giờ) được xây dựng để cầm giữ các Kitô hữu Phủ Cam và Thợ Đúc. Một số đã chết rũ tù vì Chúa ở đây. Bằng chứng là vào thời điểm cha Stanislao Nguyễn Văn Ngọc làm Quản xứ Lương Văn (1949-1961), có ông Alexi Nguyễn Văn Nghi từ Phủ Cam về xin tìm và cải táng các phần mộ bà con mình mang lên đất thánh của giáo xứ ông ở.

Cũng trong thời gian bách hại đó, có nhiều tín hữu tìm về lẩn trốn tại giáo xứ Ba Châu, thôn Vĩnh Lưu, xã Phú Lương, huyện Phú Vang (quê hương của Đức Giám mục Đôminicô Hồ Ngọc Cẩn sau này, phía bắc của Lương Văn, bên kia sông Lợi Nông, còn gọi là sông Đại Giang hay An Cựu)[1]. Trong đó có ông Anrê Nguyễn Như Chương (1835-1910) một lương y, đạo dòng, từ làng Vạn Xuân, Hương Trà, Thừa Thiên. Tại Ba Châu, thầy Chương kết bạn với bà Isave Hồ Ngọc Thị Thận (cô ruột của Đức cha Hồ Ngọc Cẩn). Thời bấy giờ, ở Lương Văn hễ ai đau yếu gì thì đều cho người nhà đến Ba Châu tìm mời thầy Chương. Thấy vậy, nhạc phụ của vị lương y góp ý rằng: “Thôi thì mời thầy về ở hẳn bên làng để hôm sớm cho tiện, bà con khỏi phải qua lại xa xôi, vất vả”. Thế là làng Lương Văn rước Thầy về ngụ cư vào năm 1873. Đây thật là thiên định: Hạt giống Tin Mừng được gieo vào thửa đất mới.

Thầy Chương sinh được hai trai là Antôn Nguyễn Như Uyển (1863-1934) và Phaolô Nguyễn Như Đỉnh (1868‑1943) rồi có được 20 người cháu. Đây là nhóm giáo hữu đầu hết làm phát sinh Giáo xứ Lương Văn ngày nay, mà thầy Chương chính là nhà truyền giáo tiên khởi.

2- Thành lập giáo họ (1903)

Năm 1903, dạy xong một lớp gồm 44 dự tòng Lương Văn đầu tiên, cha Phaolô Lê Văn Hiển (1880-1906-1930)[2], Quản xứ Sư Lỗ đã mời cố Lễ (François Lemasle, Giám mục tương lai), cố Phiên (Gabriel Pieters) làm phép rửa tội cho họ tại nhà thờ giáo họ Văn Giang (lúc ấy thuộc Sư Lỗ nhưng nay thuộc Thần Phù). Kế tiếp, thầy Chương dâng cúng ngôi nhà ba căn, hai chái, tường gạch, mái tranh làm nhà nguyện. Giáo họ Lương Văn coi như được thành lập. Sau đó, cha Hiển bán ngôi nhà đó đi rồi mua ngôi đình của làng La Khê rộng lớn, chở về làm nhà thờ trên ba sào đất do làng Lương Văn cấp cho giáo họ[3]. Ngày 7-12-1912, ngôi nhà thờ mới khánh thành, dịp này, cha Hiển rửa tội thêm 19 dự tòng, còn ông Nguyễn Như Uyển dâng cúng cho họ giáo quả chuông Nam, hiện vẫn còn sử dụng.

Năm 1913, Văn Giang tách khỏi Sư Lỗ, trở thành giáo xứ. Cha Hiển cũng từ Sư Lỗ đổi đến Văn Giang cai quản, và giáo họ Lương Văn tiếp tục được ngài kiêm nhiệm.

Năm 1916, cha Batôlômêô Phạm Hữu Hội (1880-1911-1954) thay cha Hiển, kiêm lo ruộng Nhà chung. Giáo họ Lương Văn rửa tội thêm 45 tân tòng.

3- Trở thành giáo xứ rồi giáo sở (1929).

Tháng 4-1929, Đức cha Eugène Allys (Lý) tách Lương Văn khỏi Văn Giang, cho trở thành Giáo xứ, đặt Quản xứ tiên khởi là cha Phêrô Huỳnh Văn Thuận (1893-1922-1961), kiêm giáo họ Giáp Nam (phía tây Lương Văn, nay thuộc Thần Phù). Cũng nên biết rằng lúc bấy giờ, Lương Văn được gọi là Lương Yên vì nhà thờ tọa lạc ở cuối làng Lương Văn và đầu làng Huỳnh Yên, còn giáo dân thì sống trên đất của cả hai làng.

Ngày 30-11-1930, cha Thuận đã rửa tội cho 48 tân tòng đầu tiên ở làng Chiết Bi (xã Phú Thượng, huyện Phú Vang), lập nên giáo họ Chiết Bi. Nhà thờ ở đây được xây dựng trên 2 sào đất do làng cấp, nay đã bị đốt phá. Lương Văn trở thành giáo sở.

Cùng thời điểm trên, tại Lương Văn, cha Thuận tiến hành xây nhà thờ mới, nhà xứ và một sân lát gạch có tường thành kiên cố bao bọc (nhà thờ và sân gạch còn đến bây giờ). Ba công trình hoàn tất năm 1933. Trong dịp này, ông Anrê Hồ Tấn Hóa, giáo dân Phủ Cam, dâng tặng quả chuông tây cho giáo xứ, đến nay còn sử dụng. Cũng năm này, Sở quản lý đất ruộng Nhà chung Giáo phận Huế ở Văn Giang được dời về Lương Văn cho thuận tiện giao thông đường thủy và đường bộ.

Ngày 25-8-1933, cha Thuận đổi ra An Lạc (Quảng Bình), cha Phêrô Tống Văn Hộ (1884-1915-1968) về thay thế. Ngài tu chỉnh sổ sách, lập hội Các đẳng, hội Trái Tim và hội Đức Bà Mông Triệu. Hằng năm có góp lúa làm quỹ để lo việc bác ái từ thiện và thêm tài chính cho giáo xứ.

Tháng 8-1937, cha Thuận lại được đổi về làm Quản sở Lương Văn lần 2. Ngài lập hội Thánh Mẫu thay thế cho ba hội trước đã ngưng hoạt động. Bộ đồ gánh đám được làm vào năm này, tới năm 1982 được tu chỉnh và vẫn còn dùng cho đến ngày nay.

Năm 1940, ngài lập sở các chị Mến Thánh Giá Kim Đôi (nay gọi là Con Đức Mẹ Đi Viếng), trường tiểu học Phêrô, nhà ở cho các chị. Trường học khai giảng ngày 14-9-1940.

Tháng 3-1945, cha Thuận nhận trách vụ mới: Quản lý Giáo phận. Cha Anrê Nguyễn Văn Từ (1889-1920-1974) về Lương Văn kế nhiệm.

Tháng 4-1949, thay cha Từ là cha Stanislao Nguyễn Văn Ngọc (1910-1942-1992). Lúc này, giáo họ Giáp Nam được phân về cho cha sở Thần Phù.

Năm 1950, Dòng Mến Thánh Giá Kim Đôi (tức Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng hiện thời) dời đệ tử viện về Lương Văn và mở trường trung học Sào Nam. (Năm 1965, viện lại chuyển lên Huế, khi dòng chuyển Nhà mẹ từ Kim Đôi về Phú Hậu).

Từ 1953 đến 1956, Giáo xứ Hòa Đa (phía đông Lương Văn), do dân số quá ít, đã trở thành giáo họ, trực thuộc Lương Văn. Năm 1954 (biến cố di cư), một số giáo dân thuộc mấy giáo xứ ở Quảng Bình là Mỹ Duyệt, Mỹ Trung, Bình Thôn và Trung Quán gồm trên 2000 người vào ở Lương Văn. Họ được chia làm 4 xóm: xóm Đức Bà, xóm Thánh Tâm, xóm Hài Đồng và xóm Giuse.

Để đáp ứng các nhu cầu mới, cha Ngọc cho xây thêm một trường học, một bệnh xá và nhà hộ sinh. Ngài mở rộng nhà thờ Lương Văn bằng cách xây thêm hai cánh hai bên cung thánh và kéo dài thêm một căn phía sau, sắm máy phát thanh, phát điện. Giáo xứ bấy giờ thật sinh động, các hội đoàn Công giáo Tiến hành được hình thành và lớn mạnh.

Ngày 15-7-1961, cha Anrê Nguyễn Văn Cần (1904-1934-1993) về làm Quản sở Lương Văn. Ngài tổ chức trồng dừa, làm lại sổ giáo dân, trùng tu các nhà chị và trường học mùa hè 1963.

Thời gian 1961-1969, vì lý do kinh tế, một số giáo dân phải đi lập nghiệp các nơi khác, đang khi đó thì từ 1965 đến 1970, Hòa Đa trực thuộc Lương Văn lại. Dù thế, giáo sở Lương Văn ngày 5-4-1969 chỉ còn 350 tín hữu (Lương Văn 210 người, Hòa Đa 55 người, Tô Đà 75 người và Chiết Bi 10 người).

4- Canh tân theo Công đồng chung Vaticanô II (1969).

Năm 1969-1972, cha Phaolô Mai Xuân Hiến quản xứ. Ngài xúc tiến việc canh tân về nghi lễ phụng vụ mới. Bàn thờ chính và cung thánh được tu sửa cho hợp với tinh thần mới của Giáo hội.

Năm 1972-1975, cha Phaolô Ngô Văn Triệu đảm trách giáo xứ. Ngài lập ra hai ca đoàn. Đến biến cố tháng 5-1975, người dân tứ tán, giáo dân cũng vậy.

Từ tháng 6-1975, cha Giuse Trần Văn Phước và cha Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Huy lần lượt làm quản xứ vài tháng. Đến ngày 11-12-1975, cha Giacôbê Trần Văn Thời kế nhiệm cho đến đầu năm 1980 thì về Hòa Đa (được tách) để làm cha sở giáo xứ này. Tô Đà cũng được tách từ năm 1979 để chuyển qua trực thuộc Phù Lương. Thay cha Thời, ngày 5-3-1980 cha Phêrô Nguyễn Hữu Giải về nhận xứ. Lúc này số giáo dân của Lương Văn là 210 người ở rải rác trong 3 xóm: Giuse, Thánh Tâm và Đức Bà.

Bên trong nhà thờ Lương Văn

Với đà canh tân của các vị tiền nhiệm, cha đã cùng với giáo sở hăng hái sống và truyền đạo.

* Kể từ 1980, hàng tuần có lớp giáo lý cho ấu nhi, thiếu nhi, thiếu niên, thanh niên và hàng tháng cho cha mẹ lớn, cha mẹ trẻ. Từ 25-5-1980 đến hết tháng sáu, tại nhà thờ có triển lãm về Lịch sử Hội thánh Toàn cầu. Hội thánh Việt Nam, Giáo phận Huế và Giáo xứ Lương Văn.

* Kể từ 15-8-1980, sau lễ Mẹ Hồn Xác Lên Trời, từng xóm tự tổ chức đọc kinh và sinh hoạt vào mỗi buổi tối Chúa nhật sau khi dự Phép lành Mình Thánh Chúa tại nhà thờ. Ngày 4-2-1981, lễ Giao thừa Tân Dậu, mỗi gia đình rước câu Lời Chúa đầu xuân về nhà mình.

* Ngày 13-8-1981, tổ chức hành hương La Vang bằng cách đi bộ trên đoạn đường 75 cây số. Năm này, có hai buổi diễn đã dày công luyện tập tại nhà thờ, đó là vở cải lương “Tình phụ tử” và dao ca “Giáng sinh”.

* Năm 1982, để đón mừng kỷ niệm 80 năm giáo xứ được thành lập (1903-1983: Lớp tân tòng đầu tiên được rửa tội) và 50 năm ngôi nhà thờ được xây dựng (1933-1983), toàn thể giáo xứ kể từ Chúa nhật 4-7-1982 đều hướng về ngày cao điểm 15-8-1983 (Bổn mạng giáo xứ) bằng nhiều hoạt động: ghi chép và học thuộc lòng Lời Chúa, tổ chức lần hạt, đọc kinh sáng tối gia đình, dâng mình cho Mẹ, tôn vương Thánh Tâm, tham dự thánh lễ, chầu Mình Thánh Chúa…

Lễ Mẹ Hồn Xác Lên Trời 15-8-1983 đến, cả giáo xứ tề tựu đông đủ để tham dự Thánh lễ trong hân hoan và sốt sắng, giữa tiếng chuông rung và pháo nổ, với những điệu vũ và ngàn hoa dâng Mẹ. Sau đó, tất cả cùng quây quần trong bữa cơm trưa vui vẻ, thân mật. Chiều tối, giáo hữu toàn hạt, thôn dân xa gần tập trung tại thánh đường Lương Văn dự buổi “Hoan ca Thánh nhạc” kéo dài suốt ba tiếng đồng hồ.

5- Mười năm thiếu vắng quản xứ (1984-1994).

Ngày 19-3-1984, cha sở Lương Văn phải từ giã giáo dân vì nhà cầm quyền buộc đi “học tập cải tạo” ở trại Đồng Sơn rồi Bình Điền (trong gần 6 năm trời) !?!

Không để con cái sống cảnh bơ vơ, với tư cách quản hạt, cha Raphaen Bửu Hiệp bấy giờ đang Quản xứ Phù Lương, đã tạm thời kiêm nhiệm Lương Văn theo ý Đức Tổng Giám mục Philipphê Nguyễn Kim Điền. Mặc dù xấp xỉ tuổi 70, cha vẫn rất nhiệt tình với giáo xứ, để lại cho anh chị em giáo hữu biết bao gương sáng, lòng đạo.

Tuy nhiên, vì sức khỏe ngày một suy yếu, cha đã xin chuyển giao quyền hạt trưởng lại cho cha Giacôbê Trần Văn Thời năm 1988 dưới sự chuẩn y của Đức Hồng y Giám quản Trịnh Văn Căn.

Lương Văn một lần nữa lại được cha Thời kiêm nhiệm. Dù cũng đã cao tuổi, đang coi giáo xứ Hòa Đa, kiêm Phù Lương, kiêm hạt trưởng, cha cũng vì Chúa phục vụ bổn đạo, hăng hái làm hết sức mình. Hằng tuần, không quản mưa nắng, cha vẫn luôn duy trì 4 Thánh lễ, cổ vũ việc đọc Thánh kinh, lập hội Legio Mariae, dạy giáo lý…

Cha để lại cho giáo xứ một máy phát điện, hệ thống điện trong nhà thờ, sửa và làm mới hội quán. Tháng 6-1994, phát hiện mình mắc bệnh ung thư gan, cha vào Sài Gòn chữa trị. Trước lúc ra đi, ngài nhờ cha Đôminicô Phan Phước, Quản xứ Thần Phù đến Lương Văn giúp tạm.

Ngày 18-9-1994, cha Giacôbê từ trần. Giáo phận và Giáo xứ Lương Văn hết sức thương tiếc.

6- Có lại chủ chăn cũ.

Cha Đôminicô coi sóc Lương Văn cách tận tình. Nửa năm sau, ngày 3-12-1994, niềm vui lại đến với giáo xứ: cha Phêrô Nguyễn Hữu Giải trở về nhiệm sở. Lương Văn có lại quản xứ. Cha tiếp tục những gì trước đây còn dang dở.      

* Củng cố Hội đồng Giáo xứ từ 3 người lên đến 8 người. Có Thánh lễ mỗi ngày và Phép lành Mình Thánh Chúa mỗi tối Chúa nhật. Đào tạo mầm non ơn gọi: Các em dự tu nam hàng đêm ở lại học và nghỉ tại nhà xứ. Dạy giáo lý và sinh hoạt với thiếu nhi, thiếu niên, thanh niên vào tối thứ Hai, ngày thứ Năm và sáng Chúa nhật. Phát lịch Công giáo và sách Tân Ước cho mỗi gia đình.

* Tiếp tục duy trì hội Legio Mariae. Lập hội Bác ái Vinh Sơn: Ân nhân hội gồm những gia đình tự nguyện góp “Hũ gạo tình thương”, để chia sẻ cho các người nghèo bất kể lương giáo tại địa phương. Lập nhóm “Tu đức Linh thao”, vừa cầu nguyện vừa sẵn sàng sửa chữa, dựng nhà cho nhiều gia đình neo đơn. Giúp đỡ học sinh nghèo, mở lớp dạy phụ đạo cho cấp I, cấp II.

* Năm 1996, đại trùng tu ngôi Thánh đường nhưng lưu ý đến việc bảo tồn cấu trúc cổ. (Thay những phần gỗ hư hỏng, đánh dầu bóng lại; quét vôi lại mặt tiền, tháp chuông; đóng mới 15 bộ ghế quỳ; tu sửa tường thành, sân gạch). Đưa về và hiện tôn kính bốn mảnh xương Thánh Tử đạo Việt Nam tại nhà thờ kể từ 15-11-1995 là Ximong Phan Đắc Hòa, Tôma Trần Văn Thiện, Phaolô Tống Viết Bường, Phaolô Lê Bảo Tịnh. Cung nghinh tượng Đức Mẹ La Vang về giáo xứ kể từ 31-7-1999.

* Về truyền giáo: Giáo dân trong xứ trước đây chỉ sống ở hai thôn, nay lan rộng trên đủ 6 thôn của xã Thủy Lương. Rồi năm 1998, việc con cháu họ Hồ Ngọc (bà con của Đức Giám mục Hồ Ngọc Cẩn) trở về xây mộ tổ tiên đã khiến nhiều gia đình ở Ba Châu thấy lòng thảo kính cha mẹ của người Công giáo, đã xin trở lại.

Năm 1995, cha Micae Trần Minh Huy, Quản hạt Hương Phú kiêm Quản xứ Hòa Đa, gia nhập hội Xuân Bích, đã giao lại hạt và xứ cho cha Phêrô Giải. Hòa Đa trực thuộc Lương Văn lần nữa. Cha Giải lên làm hạt trưởng.

7- Các vị chủ chăn tiếp nối:

– Linh mục Gioakim Nguyễn Văn Hùng: Ngày 12-5-2004, cha Gioakim về nhận nhiệm sở Lương Văn, kiêm luôn Hòa Đa, thay thế cha Phêrô đi làm Quản xứ An Bằng.

Đầu tiên cha Gioakim xây dựng tường thành bao quanh khuôn viên nhà thờ và nhà xứ, có sự cộng tác của ông Đôminicô Phan Văn Đông (tức Đơn), ở tại Phủ Cam, gốc Lương Văn. Lắp ráp toàn bộ hệ thống âm thanh trong nhà thờ, mua máy phát điện mới, làm xe tang để đưa người chết. Năm 2008, xây dựng trường giáo lý có 3 phòng. Năm 2012, đại trùng tu nhà xứ Lương Văn.

Tổ chức các lớp giáo lý gồm có: Vỡ lòng (25 em), Thêm sức (35 em), Thanh niên (20 em). Có các đại chủng sinh về giúp dạy giáo lý cho lớp thanh niên sáng Chúa nhật. Nhờ đó:

– Ngày 22-4-2007, Đức Giám mục Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng về ban phép Thêm sức cho 46 em, trong đó có 35 em thuộc Giáo xứ Lương Văn.

– Ngày 24-7-2011, Đức Tổng Giám mục Stêphanô Nguyễn Như Thể về ban phép Thêm sức cho 43 em, trong đó có 35 em thuộc Giáo xứ Lương Văn.

Số giáo dân năm 2013 có 94 hộ với 395 người chia thành 4 xóm: xóm Thánh Tâm 1 (19 hộ), xóm Thánh Tâm 2 (22 hộ), xóm Đức Bà (20 hộ), và xóm Giuse (33 hộ). Các Hội đoàn gồm có: hội Vinh Sơn, hội Chung sự Hiếu đạo, Gia đình trẻ, Mẹ gia đình, Ca đoàn

– Linh mục Gioan Baotixita Phạm Ngọc Hiệp: Ngày 12-10-2016, cha Gioan Baotixita về nhận nhiệm sở Lương Văn, kiêm nhiệm Hòa Đa, thay thế cha Gioakim đi làm Quản xứ Tiên Nộn.

Về đối nội: Cha tăng cường nhân số Hội đồng Giáo xứ, chỉnh đốn nhân sự 4 khu vực. Về giáo lý, cha mời các đại chủng sinh và nữ tu dạy những lớp lớn mỗi Chúa nhật. Đặc biêt, cha thành lập nhóm Ơn gọi, hàng tuần được cha gặp gỡ và hướng dẫn tu đức. Tối Chúa nhật đầu tháng, quy tụ các bà mẹ và bà mệ để chầu Mình Thánh Chúa, lần chuỗi cầu nguyện. Tháng 5 đọc kinh và thánh lễ lần lượt tại các khu vực. Tháng 10, lần chuỗi tại các tư gia.

Về đối ngoại, Lương Văn là địa phương có nhiều niềm tin khác nhau: Phật giáo, Khổng giáo, Tin lành giáo, đạo ông bà, vô thần… Cha sở và giáo xứ cố gắng bắt các nhịp cầu bằng cách thăm viếng các chức sắc, giúp đỡ các gia đình nghèo bất phân tôn giáo… nhất là trong các ngày lễ lớn như Phật đản, Vu lan, Cúng gia tiên, Giáng sinh và Tết Nguyên đán.

Về xây dựng, nhà thờ Lương Văn là một trong những thánh đường cổ ở Giáo phận Huế được xây dựng và kết cấu bằng gỗ quý. Mái nhà, trần nhà, cột nhà và mọi loại bàn ghế đều bằng gỗ lim, gỗ kiền. Với thời gian và khí hậu ẩm ướt, mối mọt bắt đầu xuất hiện và phá hoại. Cha và giáo xứ đã mau chóng thuê thợ chuyên môn đến diệt, để bảo tồn một công trình văn hóa hiếm có.

– Linh mục Gioakim Trần Đình Tạo: Ngày 27-10-2017, cha Gioakim đến nhận nhiệm sở Lương Văn thay thế cha Gioan Baotixita về Nhà chung nghỉ dưỡng. Cùng lúc ấy, Hòa Đa lại tách khỏi Lương Văn, trở về cương vị giáo xứ biệt lập, với cha Phaolô Ngô Thanh Sơn làm quản xứ. Cha Gioakim đã tiến hành các công việc như sau:

* Tổ chức các hội đoàn:

– Cải tổ và mở rộng thêm số thành viên Hội đồng giáo xứ từ 9 người thành 14 người.

– Tái lập các đoàn thể cũ (Bác ái Vinhsơn, Legio Mariae, Cha Gia đình, Mẹ Gia đình, Ban Chung sự, Nhóm Ơn gọi-Lễ sinh, Ca đoàn)

– Tân lập một số hội đoàn mới (Ban Giáo lý, Thiếu nhi Thánh Thể, Ban Truyền thông, Nhóm Khuyết tật Hoa Hướng Dương, Đạo binh Hồn nhỏ… )

* Tổ chức các hoạt động:

– Phụng vụ ngày thường lẫn Chúa Nhật, mỗi giới – mỗi hội đoàn đảm trách theo thứ tự.

– Giáo lý sáng Chúa nhật (6 lớp), sau đó sinh hoạt phong trào TNTT (>100 em).

– Sinh hoạt (giải trí, thi đua) toàn giáo xứ dịp Lễ Mẹ Hồn Xác Lên Trời, bổn mạng giáo xứ

– Trại huấn luyện, vui chơi cho các em TNTT và dã ngoại theo từng đoàn thể trong dịp hè…

– Lớp học tình thương (ngoại ngữ), lớp học vi tính, lớp học đàn + nhạc cho các em.

– Giao lưu thể thao với với giáo xứ bạn. Múa Trung thu giúp trẻ em nghèo.

– Mở cơ sở làm hương trầm cho nhóm khuyết tật.

* Xây dựng các cơ sở:

– Trùng tu một số hạng mục trong nhà thờ và xây dựng các công trình phụ trong khuôn viên nhà thờ giáo xứ.

– Ngày 26-7-2019, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh đặt viên đá xây dựng nhà thờ Lương Văn mới, khởi đầu cho việc quy hoạch tổng thể khuôn viên thánh đường trong tương lai.

Mô hình nhà thờ Lương Văn mới và quy hoạch tổng thể khuôn viên trong tương lai

* Vài sự kiện mục vụ:

– Ngày 09-09-2018, Đức Tổng Giuse Nguyễn Chí Linh đến thăm và ban phép thêm sức cho các em hai Giáo xứ Lương Văn + Thần Phù (tại giáo sở Thần Phù)

– Ngày 21-10-2018, Lễ Khánh nhật Truyền giáo, toàn giáo hạt quy tụ về dự lễ.

– Ngày 14-05-2019, Đức Tổng Giuse Nguyễn Chí Linh đến thăm và chủ tế thánh lễ cho ngày gặp mặt Ủy ban Loan báo Tin Mừng của TGP.Huế.

III- HOA TRÁI ĐỨC TIN:

1- Linh mục:

+ Xuất thân từ giáo xứ và gia đình còn ở lại giáo xứ.

– Antôn Nguyễn Văn Thăng (chịu chức năm 2000),

– Antôn Nguyễn Như Hùng Dũng (chịu chức năm 2012).

+ Gốc Lương Văn:

– Gioan Baotixita Nguyễn Như Định (chịu chức năm 2008) Giáo phận Bắc Ninh.

– Gioakim Trần Quốc Toàn (chịu chức năm 2008) Giáo phận Mỹ Tho.

– Giuse Trương Hoàng Vũ (chịu chức năm 2019) Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn.

– Phêrô Cao Đức Lợi (chịu chức năm 2017) Dòng Biển Đức Thiên An.

2- Nam nữ tu sĩ:

– Matthêu Nguyễn Đăng Huệ, Dòng Thánh Tâm.

– Anê Nguyễn Thị Lệ, Dòng Phaolô (Pháp).

– Maria Nguyễn Thị Thanh Nhung, tu đoàn Thừa Sai Thánh Mẫu.

– Lucia Nguyễn Thị Duy, Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng.

– Maria Nguyễn Thị Hiếu, Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng.

– Têrêxa Trần Thị Thanh Tâm, Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng.

– Maria Nguyễn Thị Lệ Hòa, Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng.

– Maria Goretti Nguyễn Thị Ngọc Bích, Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng.

– Maria Goretti Nguyễn Thị Trâm Anh, Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng.

– Maria Nguyễn Thị Thanh Nguyên, Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng.

– Maria Goretti Mai Thị Xuân Hiền, Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng.

– Maria Goretti Nguyễn Thị Quỳnh Mai, Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng.

3- Giáo dân:

– Năm 2010:    585 người.

– Năm 2015:    575 người.

– Năm 2019:    460 người,

Ngày 01-08-2019 thống kê danh sách hiện có mặt tại giáo xứ: 460 người, 165 hộ; di dân: 20 người.

Nhà cha sở, đại trung tu năm 2012.

Sở các nữ tu dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng, vốn đã có mặt tại giáo xứ từ năm 1940.

*****************************************

PHỤ LỤC

RUỘNG NHÀ CHUNG Ở LƯƠNG VĂN VÀ CÔNG VIỆC CÁC TÁ ĐIỀN

(Trích Lịch sử Giáo xứ Lương Văn. Kỷ niệm 130 năm truyền giáo 1873-2003, tr. 10-11).

Đất ruộng Nhà Chung hàng ngàn mẫu tại các làng Văn Giang, Khê Xá, Vĩnh Lưu, Hòa Đa, Diêm Tụ, Dưỡng Mong, Chiết Bi, Lương Văn, Thần Phù, thuộc hai huyện Hương Thủy và Phú Vang, thuộc quyền quản lý của cha sở Lương Văn.

Ruộng Nhà Chung gồm một phần khai hoang, một phần mua và một phần của giáo dân dâng cúng để tạo công ăn việc làm cho nông dân nghèo.

Cha Huỳnh Văn Thuận tổ chức canh tác thành hai dạng: Ruộng dễ làm cho nông dân lương giáo của các làng trên canh tác, đong lương hàng năm cho Nhà Chung Lương Văn, mỗi mẫu 10 thùng/năm (hai vụ) khoảng 120 kg. Được mùa thì đong đủ, mất mùa được giảm miễn theo tỷ lệ mất mát. Ruộng khó làm (ruộng sâu, gọi là ruộng ô, đầm), Sở quản lý Lương Văn trực canh, mướn nhân công lương giáo trong vùng; ăn uống chung 3 bữa và trả công bằng lúa.

Cha Thuận sắm hàng chục xe đạp nước để tiêu nước, nuôi vài chục con trâu cày để canh tác. Vào thời vụ gieo cấy và gặt hái, có đến hàng trăm người làm, tấp nập, vui vẻ, nhộn nhịp. Ngài cũng sắm nhiều đò, noốc (ghe) để vận chuyển. Đến mùa đạp nước ra để cấy lúa, cá tôm vô số được chuyển về Nhà Chung Lương Văn từng đò, noốc, dùng để ăn uống cho trai bạn và thừa ra phơi khô, làm mắm để dùng… Còn mùa gặt đến thì đò, noốc ngược xuôi vận chuyển lúa bó về bến Chợ Mới Lương Văn hàng chục chiếc, gánh lúa vào sân Nhà Chung từng đoàn người, rộn ràng, tấp nập.

Về đêm, phía này trâu đạp lúa, đằng kia người xảy rơm, đây giã gạo, kia xay lúa, xen lẫn những câu hò giã gạo vang lên rộn rã cả một vùng trời… Thật là một cảnh vô cùng náo nhiệt, hồ hởi, vui tươi, dạt dào yêu thương.

Các ông Phaolô Trần Văn Viên (thân phụ của sư huynh Lasan Trần Văn Bửu) và ông Đôminicô Nguyễn Thời Rả là những người điều hành công việc ruộng đất cho cha Thuận. Những người lớn tuổi tại địa phương bây giờ mỗi khi có dịp thăm viếng, họ đều rất ca ngợi kiểu cách làm ăn, giúp dân… của Nhà Chung Lương Văn.

———————————————————

[1] Ba Châu là một giáo xứ có truyền thống lâu đời, tiền thân của giáo xứ Lương Văn, nhưng vì trải qua nhiều chiến cuộc nên giáo dân ở đây phải sơ tán khắp nơi, đến nay chỉ còn dấu vết của nền và móng nhà thờ.

[2] Ấn bản mới của bộ Tiểu sử các Linh mục Giáo phận Huế (do cha Stanislao Nguyễn Đức Vệ chấp bút) ghi họ của ngài là Nguyễn Cao Hiển. Còn Sư Lỗ (xã Phú Hồ, huyện Phú Vang) là một giáo xứ kỳ cựu, có từ đầu thế kỷ 20, nhưng nay chỉ là một giáo họ, thậm chí giáo xóm (vì chỉ còn một gia đình) của giáo xứ An Truyền. Trên nền nhà thờ Sư Lỗ, nay chỉ có một nhà nguyện nhỏ xíu, ở tọa độ 16.4810  107.6515 trên Google Map.

[3] Khoảnh đất nhà thờ, nhà cha sở, nhà chị sở, nhà chung và trường học thì vào đời vua Gia Long (1802-1820) là tư dinh của Tả Quân Nguyễn Phước Phổ: mặt tiền có hồ sen, bên tả là hồ nuôi cá, cạnh là giếng xây hiện vẫn còn gọi là Giếng Đồng, bên hữu phía đằng sau có cái bàu hình vuông, để voi tắm gọi là Bàu Voi, nay trở thành bàu ruộng. Ông Tả Phổ chết tuyệt tự, nên khoảnh đất cung dinh này với thời gian qua hai thế kỷ đã trở thành hoang vu, bình địa. Lăng mộ của ông tọa lạc phía sau chợ chiều Phù Lương đến nay vẫn còn gọi là “Lăng Ông Tả”. Một ý kiến khác cho rằng Nguyễn Phước Phổ là con trai thứ 8 của vua Gia Long, tước Điện Bàn Công, có con cái.

**********************************

Mọi góp ý, bổ sung, điều chỉnh xin vui lòng liên hệ với Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi theo địa chỉ email: witness2005@gmail.com Xin cám ơn quý vị rất nhiều.

Nhóm Biên sử Tổng Giáo phận Huế