LƯỢC SỬ
GIÁO XỨ NHẤT TÂY
Nhà thờ Nhất Tây hiện thời, khánh thành ngày 12-01-2012
I- VỊ TRÍ ĐỊA LÝ
Giáo xứ Nhất Tây, giáo hạt Hương Quảng Phong, nằm trên địa bàn làng Thanh Hương, xã Điền Hương, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế, cách tòa Tổng Giám mục Huế 38km theo đường chim bay về hướng bắc tây bắc.
II- NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIẺN.
1- Từ cuộc truyền giáo tại vùng Dinh Cát giữa thế kỷ 17
Được thành lập năm 1853 như một trong 3 giáo xứ (Nhất Đông, Nhất Tây, Hương Lâm) thuộc giáo sở Thanh Hương[1], dưới thời Đức cha François Pellerin, Giám mục tiên khởi Giáo phận Huế, nhưng Nhất Tây đã đón nhận đức tin từ thời chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần (1620-1648-1687), lúc các thừa sai dòng Tên đến truyền giáo tại vùng Dinh Cát và tạo nhiều cộng đoàn tín hữu, trong đó có cộng đoàn làng Hương Triều (1664) mà Nhất Tây bấy giờ là một trong 3 thôn của làng (xem lược sử giáo sở Nhất Đông).
2- Lớn lên trong thử thách và gian khổ
Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, giáo dân Nhất Tây, như toàn giáo sở Thanh Hương và giáo hạt Dinh Cát, đã gánh chịu nhiều cuộc bắt đạo thời các chúa Nguyễn, vua Tây Sơn, rồi vua Nguyễn, cho đến tận Văn Thân “bình Tây sát Tả”.
Trong những cuộc bắt đạo các năm 1663-1665 của chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần (1648-1687), năm 1691 của chúa Ngãi Nguyễn Phúc Trăn (1687-1691), các năm 1714-1715 của chúa Minh Nguyễn Phúc Chu (1691-1725), nhà thờ giáo họ Nhất Tây (bằng tranh tre được dựng lên từ rất sớm, cách phía sau ngôi nhà thờ hiện nay chừng 300m) cũng bị triệt hạ. Nhưng không thấy tài liệu nào đề cập đến việc giáo dân bị bắt bớ hay giết chết vì theo đạo.
Trong cuộc bách hại đời chúa Võ Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) do vụ Pierre Poivre[2] và thời chúa Định Nguyễn Phúc Thuần (1765-1776), Nhất Tây cũng như các họ đạo khác chẳng còn linh mục lui tới làm mục vụ. Vào những năm nầy, giáo dân các nơi tại Thuận Hóa và Dinh Cát phải về Phú Xuân-Huế để dự lễ Phục sinh và Giáng sinh do cha Johann Koffler, vị linh mục (dòng Tên, người Đức) duy nhất còn được phép cử hành tại nhà nguyện trong phủ chúa (nhờ làm ngự y).
Năm 1776, lợi dụng cuộc nội chiến giữa 3 họ Trịnh, Nguyễn và Nguyễn Tây Sơn (1775-1802), cha Jean Labartette đã mạo hiểm ra thăm giáo hạt Ruộng Sâu[3] trong đó có cộng đoàn Hương Triều (gồm Nhất Tây, Nhất Đông và Hương Lâm). Chẳng biết lúc bấy giờ còn có mấy ai giữ đạo !?!
Trong các đợt bắt đạo 16 năm (1825-1841) của Minh Mạng, các năm 1851, 1854, 1857 của Tự Đức, không giáo dân nào mà lại không bị buộc học điều thứ 7 trong Thập điều Huấn dụ của Minh Mạng (Sùng chính học)[4], bị buộc xuất giáo (bỏ đạo); không chức sắc chức việc nào mà không bị truy lùng. Chính vì thế, năm 1859, cha Anrê Nguyễn Văn Lành, quản sở Thanh Hương (1858-1867), đã phải núp lánh vì cơn bắt đạo.
Ngày 22-8-1861, Tự Đức hạ dụ Phân Sáp. Giáo dân Thanh Hương (trong đó tín hữu Nhất Tây) cũng như các họ đạo khác phải tháp nhập vào các làng lương, má thích 2 chữ “Tả đạo”, bị tập trung ở các trại giam chờ thiêu sát (nếu có đạo trưởng xuất hiện tại khu vực). Trước đây ở Thanh Hương còn những ông già bà lão, hai má hằn dấu sẹo của 2 chữ thích này.
Ngày 5-6-1862, hòa ước Nhâm Tuất ra đời, cho phép các giáo sĩ ngoại quốc tự do truyền đạo và đòi hỏi bãi bỏ các lệnh cấm đạo. Năm sau (1863), Tự Đức hạ dụ tha phân sáp, tín hữu ai nấy được hồi gia. Giáo dân Thanh Hương trở về làng cũ, nhưng nhà cửa ruộng vườn của họ đã bị cướp bóc phá hoại. Cha quản sở Anrê Nguyễn Văn Lành cũng từ nơi lánh nạn trở về, rồi năm 1866, mua đất lập sở các nữ tu Mến Thánh Giá tại Thanh Hương.
Năm 1866, ngài có cha Matthia Huỳnh Kim Khánh (gốc Kẻ Sen, Quảng Bình 1826-1865-1866) làm phó, biệt cư Nhất Tây.
Năm 1867, Đức Giám mục Hyacinthe Sohier (Bình) ra thông cáo xin các cha trong Giáo phận cho biết tên các giáo xứ để dễ bề xếp đặt. Theo đó, lúc bấy giờ Nhất Tây là giáo xứ có 12 giáo họ: Đông Dương, Diên Khánh, Hương Giang, Văn Quỹ, Hà Viện, Hương Nhơn, Phường Thuốc, Cây Da, Hội Đào, Phò Trạch, Trường Phước với linh mục Phêrô Võ Viết Liên (gốc Kẻ Bàng, Quảng Bình, 1833-1867-1895) biệt cư, đang khi vẫn là phó cho cha quản sở Thanh Hương Anrê Nguyễn Văn Lành cư trú ở Nhất Đông. Ngài đã xây nhà thờ cho Nhất Tây. Có thể đây là nhà thờ bằng gạch lợp ngói đầu tiên của giáo xứ
Đến thời Văn Thân, với chủ trương “bình Tây sát Tả”, đi tàn sát, cướp bóc và đốt phá các giáo xứ thuộc giáo hạt Dinh Cát đầu tháng 9-1885, Nhất Tây cũng không tránh khỏi số phận thê thảm. Cha Jean Bonnand (cố Bổn), lúc ấy đang làm quản sở Thanh Hương (bao gồm Nhất Tây, Nhất Đông và Hương Lâm, có cha Phaolô Trương Văn Vân ở phó) đã vội cho tiến hành việc bảo vệ giáo sở. Sau thấy tình hình nguy hiểm, ngài đem giáo dân xuống ghe, men theo sông Ô Lâu rồi phá Tam Giang, đi trốn trong đêm mồng 9 tháng 9-1885 vào Thuận An. Tại đây cha con được tướng Pháp de Courcy cho lính hộ tống về lại Thanh Hương. Sau Văn Thân hăm dọa, cha Bonnand lại đưa con cái mình vào Thuận An lần nữa. Một số giáo dân Thanh Hương làm nghề nuôi vịt và ở đò đã định cư nơi đây, lập nên giáo xứ Tân Mỹ hiện thời. Nhà thờ Nhất Tây do cha Liên xây có thể đã bị phá hủy trong hoàn cảnh đó.
3- Thành giáo xứ biệt lập rồi giáo sở (1892)
Từ 1892, Nhất Tây xuất khỏi giáo sở Thanh Hương và có các vị quản xứ sau đây:
1) Đôminicô Lê Xuân Biện (Thạch Hãn) 1892-1902
2) René Boillot (cố Ban) 1902-1908.
Đến miền truyền giáo Đàng Trong, trước tiên ngài được đặt làm phó cha Gontier (quản sở Thanh Hương cư trú tại Nhất Đông) ngày 07-10-1900. Ngày 07-07-1902 ngài chuyển sang Nhất Tây làm quản xứ. Bị cơn sốt độc hại, ngài đuối sức 2 tháng sau đó. Phục hồi tại dưỡng đường Hồng Kông, ngài trở về Nhất Tây và ở đây 6 năm (theo Báo cáo thường niên 1905 của Đức Giám mục Caspar). Bị sốt dai dẳng, ngài đáp tàu đi Pháp vào tháng 10-1908. Năm 1912 mới trở về Huế. Ngài đã xây nhà thờ Nhất Tây, kích thước: dài 24m, rộng 10m, cao 8m, nhưng có lẽ vì ngài bệnh tật dai dẳng nên chưa hoàn thành nó được, còn thiếu tháp chuông ở giữa.
3) Philipphê Dương Đức Kỳ 908-1912
Cũng bị bệnh sốt rét hành hạ nhưng thắng được. Ngài hoàn thành ngôi nhà thờ mà vị tiền nhiệm, cha R. Boillot đã khởi công (theo Báo cáo Thường niên 1912 của Đức cha Allys), tức là xây ngọn tháp mà tương truyền cao tới 30m, tương đương với tháp nhà thờ Nhất Đông; và từ đó nhà thờ Nhất Tây được gọi là Nhà thờ Tháp một, tương ứng với Nhà thờ Tháp đôi ở Nhất Đông. Hai bên cách nhau chưa tới 2km và nổi lên giữa đồng ruộng làng Thanh Hương, xã Điền Hương.
Đến năm 1972 (chiến cuộc Mùa hè Đỏ lửa), nhà thờ Nhất Tây bị sập đổ, nhưng những phần còn lại của tháp nhà thờ cũng cho phép hình dung sự bề thế và mỹ thuật của công trình. Hai trụ cột với những đường vòng xoắn uốn lượn đi lên phảng phất nét kiến trúc của những đền đài Hy Lạp cổ. Những cửa vòm uốn lượn bằng gạch dày và kiên cố cho thấy sự khéo léo của người thiết kế.
4) G.B. Lê Văn Tài (Kim Long) 1913-1917
5) Phanxicô Salêdiô Trần Văn Đông 1917-1944.
Làm cha sở Nhất Tây 27 năm trời, qua đời và mai táng tại nhiệm sở ngày 8-12-1944, thọ 77 tuổi, 42 năm linh mục.
Theo “Sổ các phép Địa phận Huế”, năm 1921, giáo sở Nhất Tây có giáo xứ Nhất Tây 194 giáo dân, các giáo họ Nhì Tây 26 giáo dân, Vân Trình 57, Diên Khánh 61, Đông Dương 71, Đông Hương Hạ 7 giáo dân. Cả địa sở Nhất Tây gồm 417 giáo dân. Theo cuốn Les Missions Catholiques en Indochine 1939 (tr. 182), lúc bấy giờ giáo sở Nhất Tây có 368 giáo dân với 5 cộng đoàn.
6) P.X. Trương Văn Lương 1947-1952
Gián đoạn vì chiến tranh.
7) Phaolô Lê Quang Tuyến 1956-1960
8) Phêrô Huỳnh Văn Hóa 1960-1968, Nhất Đông kiêm Nhất Tây
9) Phaolô Tống Văn Đơn 1970-1972, Nhất Đông kiêm Nhất Tây
4- Lại thuộc về giáo sở Thanh Hương (1972)
Từ và do cuộc chiến đầu năm 1972, cả 3 giáo xứ Nhất Đông, Nhất Tây và Hương Lâm lại hợp nhất thành giáo sở Thanh Hương. Các vị mục tử từ đó khi ở xứ này, khi ở xứ kia .
10) Giacôbê Lê Sĩ Hiền 1972-1974
11) Simon Võ Hoàng Y 1974-1975
12) Gioan Nguyễn Đức Tuân 1975-1998
Ngài làm chánh xứ vùng Thanh Hương từ tháng 6-1975 (Nhất Đông, Nhì Đông, Nhất Tây, Hương Lâm,) kiêm Đồng Dương, Đại Lược, Thế Chí Đông. Sau đó nhận thêm giáo xứ Phú Xuân (Phường Thuốc), Phong Nguyên (Vĩnh Nguyên). Có cha Ximong Võ Hoàng Y (nguyên quản sở Thanh Hương) rồi cha Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ từ trong nam ra hiệp lực.
Tháng 9-1977: Thanh Hương tách xứ lại. Cha Nguyễn Ngọc Mỹ phụ trách Nhất Đông và Hương Lâm. Cha Tuân lên ở Nhất Tây kiêm Đồng Dương, Phú Xuân và Phong Nguyên.
Năm 1982, ngài trùng tu lại nhà thờ Nhất Tây (sửa cung thánh) với gạch lấy từ tháp nhà thờ bị sụp đổ do chiến cuộc 1972. Ngài cũng kiêm Hương Lâm và Nhất Đông từ 1995-1999.
13) Đôminicô Nguyễn Tưởng 1998-2003.
Quản xứ Hương Lâm, kiêm Nhất Đông, Nhì Đông, Nhất Tây, Đại Lược, Kế Môn từ tháng 1-1999 đến tháng 5-2003. Ngài trú tại Hương Lâm. uXây nhà mục vụ giáo xứ Nhất Tây.
14) Inhaxiô Lê Quang Hòa 2003-2017
Trông coi giáo xứ Nhất Đông, giáo xứ Nhất Tây và giáo họ Nhì Đông từ 17-05-2003. Trùng tu nhà thờ Nhất Đông, xây dựng nhà thờ Nhất Tây và Nhì Tây.
Ngày 17-5-2007, Đức Giám mục phụ tá P.X. Lê Văn Hồng đã chủ sự nghi thức đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà thờ Nhất Tây mới. Ngày 12-01-2012, lễ khánh thành do Đức Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể chủ sự. Thánh hiệu: Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.
Bên trong nhà thờ Nhất Tây hiện thời
5- Lại thành giáo xứ độc lập (2017)
5) Gioan Bosco Trần Anh Thao 10-2017.
Từ 25-10-2017, tách khỏi Nhất Đông và Nhì Đông, Nhất Tây được cha Gioan Bosco Trần Anh Thao làm quản xứ.
Ngài đã xây dựng đài Đức Mẹ, đài Thánh Giuse và nay đang xây nhà xứ, nhà mục vụ (mới).
III- HOA TRÁI ĐỨC TIN
1- Tu sĩ nam nữ
Vì hầu hết thời gian tồn tại của mình, giáo xứ Nhất Tây nằm trong giáo sở Thanh Hương (y như thôn Nhất Tây cùng 2 thôn Nhất Đông và Hương Lâm cùng thuộc làng Thanh Hương), nên nhiều tu sĩ nam nữ đã ghi gốc của mình là Thanh Hương mà không xác định là Nhất Tây, Nhất Đông hay Hương Lâm.
2- Giáo dân
– Năm 2019: 232 người
———————————————————–
[1] Mang tên Hương Triều trước thời Gia Long, Thanh Hương lúc đó là một làng có 3 thôn: Nhất Đông, Nhất Tây và Hương Lâm. Ở đây, trong việc đặt tên, hành chánh đạo và hành chánh đời có sự phù hợp.
[2] Vụ Pierre Poivre: Năm 1743, Friell đến Huế với tư cách cố vấn văn phòng thương mại Công ty Đông Ấn (của Pháp) ở Pondichéry (Ấn Độ) và xin được phép mua bán với xứ Đàng Trong. Nhưng ông đã không tới chào quan Cai An Tin khiến ông này giận và ghét luôn các Thừa sai. Năm 1749, Pierre Poivre đại diện công ty Pháp đến Đàng Trong và xin mua bán, nhưng việc bất thành. P. Poivre đã cho tàu nhổ neo mà không đợi giấy phép của chúa, ông cũng không trả tiền phiên dịch cho Micae Cường mà còn bắt cóc tay này theo (vì cho là phản bội). Vụ việc này khiến Võ vương tức giận, anh ông Cường thì đưa đơn kiện Đức cha Armand Lefèbvre (1741-1760). Sẵn mối bất bình với các Thừa sai, Cai An Tin cho lính đến tòa Giám mục ở Thợ Đúc, bắt Đức cha và các linh mục Rivoal, Lidur, Mathias, Maccioni và Antoine về giam. Trong toán lính đi bắt có Cai Nhi xông vào nhà Đức cha, dọa chém ngài, lột áo lụa, dân chúng thì lợi dụng cơ hội để hôi của. Lính còn triệt hạ các nhà thờ và tịch thu tài sản các linh mục: Graff, Neugebauer. Linh mục Moureiro thì bị bắt trói và mang gông. Sau cùng Đức cha Lefèbvre và các Thừa sai bị đưa vào Hội An để về Macao.
Vụ việc P. Poivre gây tổn thất lớn cho giáo đoàn Đàng Trong và ảnh hưởng nặng nề đối với giáo xứ Thợ Đúc. Trước sẵn có linh mục bao nhiêu thì bây giờ lại vắng vẻ bấy nhiêu. Vụ việc chỉ được xem lắng dịu khi Đức cha Bennetat dàn xếp đưa Micae Cường về nước (5-1752), chuộc lại nhà thờ Thợ Đúc mà Đức cha Lefèbvre đã bán lúc bị trục xuất.
Xem Adrien Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine. Documents historiques II 1728-1771. Paris Téqui, 1924. Trang 209-274..
3 Năm 1739, Đức cha Elzear-François des Achards de la Baume, Khâm sai Toà thánh đến VN để giải quyết vụ tranh chấp khu vực truyền giáo và mục vụ của các thừa sai đủ hội dòng tại giáo phận Đàng Trong, ngài có tới thăm các họ đạo vùng Ruộng Sâu và ghé viếng nhà nguyện thánh hiệu Phêrô của họ Kẻ Văn. Có thể đây là nhà thờ thứ hai được dựng lên sau hai năm bắt đạo (1714-1715) đời chúa Minh Nguyễn Phúc Chu. Xem Adrien Launay, Sđd, trang 73.
[4] Thập điều Huấn dụ của vua Minh Mạng: Điều thứ 7: “Sùng chính học: Tránh học thuyết xấu và học hỏi cái hay. Minh Mạng khuyên đừng để qua ngày nào mà không đọc hay học hỏi cũng như phải coi chừng học thuyết sai lầm. Tất cả lý thuyết sai lầm của đạo Gia Tô đều đi ngược với lý trí và nguy hại cho thuần phong mỹ tục. Những người theo phái này, đàn ông đàn bà sống chung với nhau như những người man rợ (muông thú), nhiều người đã phải đóng vào việc thờ phượng, gieo rắc sự bất hòa khắp nơi, điên rồ tôn kính người phải chết, hủy hoại lời dậy phải lẽ và có hại cho nhân loại. Vậy không thể tin vào đạo như thế. Những người đi lang thang khắp nước truyền bá hãy từ bỏ sớm hết sức. Trái lại mọi người hãy giữ cẩn thận tập tục tiền nhân: các lễ phép thông thường trong việc cưới xin cũng như tang chế trong việc thờ cúng ông bà cũng như thần làng”.
**********************************
Mọi góp ý, bổ sung, điều chỉnh xin vui lòng liên hệ với Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi theo địa chỉ email: witness2005@gmail.com Xin cám ơn quý vị rất nhiều.
Nhóm Biên sử Tổng Giáo phận Huế