LƯỢC SỬ
GIÁO XỨ PHƯỚC TUYỀN
Nhà thờ Giáo xứ Phước Tuyền (đã bị phá và đang xây dựng lại)
I- VỊ TRÍ ĐỊA LÝ
Giáo xứ Phước Tuyền, thuộc Giáo hạt Quảng Trị, nằm bên đường Nguyễn Tri Phương, trên địa bàn xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, cách thành phố Đông Hà 13km về phía tây và cách tòa Tổng Giám mục Huế khoảng 83km về phía tây bắc. Danh hiệu nguyên thủy của giáo xứ là Tân Yên. Sau khi được tái lập năm 2003, trên phương diện hành chánh giáo xứ thuộc thôn Phước Tuyền, vì vậy mang tên mới là Phước Tuyền.
II- NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN
1- Từ các linh mục hội Thừa sai Hải ngoại Paris (MEP)
Giáo xứ Tân Yên được nhắc đến lần đầu tiên trong lịch sử Giáo phận Huế qua Báo cáo Thường niên của Đức Giám mục Giáo phận Antoine Caspar gởi hội Thừa sai Hải ngoại Paris năm 1901. Báo cáo đó cho biết: từ cuối năm 1899, cha Henri Arnoulx de Pirey (cố Huề, 1873-1897-1934), đã được Đấng Bản quyền bổ nhiệm làm quản xứ Tân Yên (Cam Lộ). Ngài cai quản xứ này một thập kỷ (1899-1909). Giáo xứ bao gồm các làng Tân Yên, Tân Đô, Tân Lang, Lâm Lang, Cam Dang, Quật Xá, Kẻ Nghĩa, Nhựt Lệ.[1] Có lẽ đây là vị quản xứ tiên khởi.
Ở Tân Yên, cha Henri de Pirey vừa lo cho các Kitô hữu, lại vừa thành công trong việc xâm nhập nhiều làng ngoại đạo. Giáo hữu (đa phần dân thượng, một ít dân kinh) thích viếng thăm “Cố” và trò chuyện với ngài. Ngài còn hy vọng tăng thêm vùng hoạt động, nhưng hoàn cảnh buộc Đức Giám mục đưa ngài về lo cho một nhiệm sở quan trọng hơn là Bố Liêu[2].
Cha Jules Montagnon (cố Minh, 1873-1899-1926) thay thế cha de Pirey tại Tân Yên từ tháng 09-1909, nhưng đến năm 1910 thì được đổi vào Diêm Tụ. Lãnh lấy một cánh đồng đã được gieo vãi tốt đẹp, cha Montagnon chỉ có gặt hái và chưa đầy ba tháng sau khi lãnh nhiệm vụ, ngài đã rửa tội hơn 30 tân tòng và chuẩn bị cho nhiều lương dân trở lại. (Báo cáo Thường niên năm 1909 của Đức cha Eugène Allys).
Cha Giuse Nguyễn Văn Linh (gốc Nhu Lý, 1868-1897-1941), kế nhiệm làm cha sở Cam Lộ và ngài ở đây khá lâu dài, từ tháng 9-1910 đến 7-1924. Hoàn tất ước nguyện của vị tiền nhiệm là cha de Pirey, ngài đã xây dựng lại một nhà nhờ đẹp và lớn hơn nhà thờ hiện còn lúc ấy. Từ tháng 5-1923 đến tháng 7-1924, ngài có một phụ tá là cha Mátthêo Nguyễn Thanh Bạch (gốc Nhu Lâm 1879-1906-1943).
Kế nhiệm là cha Phaolô Lê Quang Tuyến (gốc Kim Long, 1881-1912-1960). Ngài coi sóc Tân Yên và các họ nhánh từ 1924 đến 1932.
Sau cha Tuyến là cha Adolphe Delvaux (cố Văn, 1877-1902-1960). Tháng 06-1932, ngài được bổ nhiệm điều hành xứ Tân Yên cùng các họ nhánh trên đường đi Lào. Ngài vừa lo công việc mục vụ vừa chuyên khảo cứu Kinh thánh… Tháng 08-1937, Đức cha Arsène Lemasle gửi đến cho ngài cha René Boillot (cố Ban, 1877-1900-1956). Vị phó xứ này ở tại Tân Lâm và lo các họ đạo Mai Lãnh, Khe Sanh và Lao Bảo cho đến tháng 11-1946, khi tất cả các họ đạo này về lại giáo xứ Cam Lộ.
Trong các biến cố tháng 8-1945 và tháng 12-1946, cha Delvaux được tiếp tục ở lại Cam Lộ, không bị dẫn đi giam ở Vinh như 19 thừa sai Pháp khác (trong đó 7 vị từ Huế), vì ngài là người Luxembourg. Sau khi Nhật thất bại, quân Tàu đến và Việt Minh nắm chính quyền, đã xảy đến vô vàn phiền nhiễu và lo ngại cho vị mục tử: cha Delvaux phải sống cô lập trong một góc tại Tân Yên, bất an, thiếu thốn, các họ đạo bị tàn phá, các giáo dân phải tản lạc.
Một chiều thứ bảy kia vào năm 1950, cha nhận được một tờ giấy cấm ngài cử hành thánh lễ tại nhà thờ và ngay cả nơi nhà ngài. Hôm sau, bị trục xuất, ngài đi lánh nạn ở Dòng Phước Sơn, Quảng Trị. Yên tĩnh trở lại, ngài trở về Tân Yên, tái dựng cơ đồ đổ nát. Nhưng đến tháng 03-1953, Đức cha J.B. Urrutia (Thi) đã yêu cầu ngài rời Tân Yên là nơi quá bị Việt Minh hăm dọa. Ngài đã phải vào Huế tháng 06.
Năm 1954, sau hiệp định Genève, cha Delvaux trở lại Tân Yên, trùng tu nhà xứ và nhà nguyện. Tiếp đó ngài bắt tay sửa sang nhà thờ Cam Lộ đã bị thiệt hại nặng nề. Kiệt sức, ngài lui về sở quản lý Huế (Nhà chung Giáo phận hiện thời) năm 1958, đắm mình trong việc đọc tài liệu về các thánh Tử đạo Việt Nam và ghi chép tiểu sử các linh mục Giáo phận.
Cha Georges Neyroud (cố Sáng, 1921-1946-2009) được bổ nhiệm làm cha sở Tân Yên (Cam Lộ) từ cuối năm 1958 cho đến năm 1968. Được hưởng một thời gian an bình khoảng 2 năm, ngài lợi dụng cơn lặng sóng này để thăm viếng các làng mạc, quy tụ các cộng đoàn rải rác và dạy những người muốn trở lại đạo. Ngài cũng sử dụng những nguồn lực đang có để phục vụ cho sự phát triển, chăm lo y tế và giáo dục tại khu vực, nơi nhiều gia đình vẫn còn rất nghèo. Trong công việc này, ngài được trợ lực bởi một nhóm các nữ tu Mến Thánh Giá. Chị Maria Nguyễn Thị Sen, người đã làm việc với ngài nói về vị mục tử như sau: “Cha Neyroud rất tận tâm đối với mọi người, công giáo hay lương dân, ngay cả những người dân tộc. Ngài lo lắng cho mọi người về đời sống vật chất cũng như tinh thần. Ngài đã mở những trạm khám và chính ngài đến săn sóc cho dân chúng mỗi ngày thứ năm. Những ai không thể được săn sóc tại chỗ, ngài chở họ đi đến bệnh viện tỉnh. Ngài đã mở các trtường học cho tất cả, không phân biệt tôn giáo. Ngài cũng đã mở những lớp học ban tối cho các người lớn và trẻ nhỏ không thể đến trường ban ngày. Ngày chúa nhật, ngài tổ chức dạy giáo lý cho trẻ nhỏ và các lớp chuẩn bị hôn nhân cho giới trẻ. Ngài cũng giúp các gia đình nghèo khổ nhất, có được một tài sản nhỏ khởi đầu, để lo chăn nuôi, trồng trọt hoặc may vá. Giữa chúng tôi, ngài thực là vị chăn chiên lành quên mình cho đàn chiên”.
Tiếc thay! Cơn lặng sóng không kéo dài lâu! Từ năm 1960, Việt Minh, từ nay gọi là Việt cộng, hoạt động lại ở vùng giới tuyến, khiến Cam Lộ, Đông Hà trở nên rất sôi động, đầy nguy hiểm. Chúa nhật 20-02-1966, cha Louis Valour (cố Hoan), quản xứ Đông Hà, láng giềng và thân hữu của cha Neyroud, đã dẫm phải một quả mìn khi đi dâng lễ tại làng Lâm Lang (họ nhánh của Tân Yên nhưng lúc đó đã thuộc Đông Hà), giữa một cộng đoàn những người mới theo đạo. Hai em tình nguyện đi giúp lễ cùng chết với ngài.
Vào năm 1968, cuộc đại tấn công Tết Mậu Thân xảy ra khiến cha Neyroud phải rời Cam Lộ.
Cha Guy Audigou (cố Hậu, 1911-1929-1972), cựu tù nhân ở Vinh trở về từ Pháp năm 1967, đến thế chỗ cha Neyroud ở giáo xứ Cam Lộ vào năm 1969. Trước đó ngài được đặt ở vùng Gio Linh, bắc Giáo phận Huế, gần phía nam vĩ tuyến 17. Sau khi thoát khỏi một trận dội bom đầu tiên năm 1968 làm cho ngài thực sự mất tất cả những gì mình có, ngài cùng với những người thoát nạn tìm nơi trú ẩn tại Cam Lộ, sẵn sàng bắt đầu lại, với nụ cười vẫn nở trên môi, thông truyền can đảm và niềm tin cho những ai đi theo mình.
Ngày 31-03-1972 cha Guy Audigou bị giết tại Cam Lộ, trong lúc chở một người bị thương nặng đến bệnh viện. Ngài vừa rời khỏi nhà, thì một quả đạn B40 bắn thẳng vào xe ngài, giết ngài ngay tức khắc, cũng như người bị thương và một chú giúp lễ tình nguyện đi theo. Tình hình lúc bấy giờ mất an ninh, giáo dân cũng như dân cư ở đây phải di tản. Nhưng còn lại tại Cam Lộ hai nữ tu MTG và một nhóm giáo dân quyết chôn cất cha Guy Audigou và chú giúp lễ một cách xứng đáng trên mảnh đất của giáo xứ. Hiện nay mộ 2 cha con nằm cạnh nhà thờ Phước Tuyền.
Mộ cha Guy Audigou tại Phước Tuyền, bên cạnh một chú giúp lễ Phêrô Nguyễn Thục.
Nhà thờ Phước Tuyền trước năm 1975
2- Hồi phục từ 1975 và tái lập từ 2003
Sau năm 1975, hòa bình trở lại, nhiều người hồi cư, ở Phước Tuyền giữ đạo vẫn còn một số ít gia đình. Trong số đó, đặc biệt có 22 hộ người Vân Kiều (Bru) thuộc làng Kurpur là một ngôi làng nằm cách Cam Lộ chừng 40km về phía Tây, trên Quốc lộ 9 (nay là Xa lộ Á châu AH 16) đi lên cửa khẩu Lao Bảo giữa Việt Nam và Ai Lao (theo Lê Văn Huề). May mà nhà thờ vẫn còn, tháp chuông vẫn trụ, chỉ bị hư hại chút ít.
Từ năm 1985 đến 1995, vùng Cam Lộ (cùng với Khe Sanh, Đông Hà, Cồn Tiên, Cửa Việt) mới được sự kiêm nhiệm của cha Phanxicô Xavie Lê Văn Cao (gốc An Vân, 1930-1962-2018) là người từ tháng 5-1975 được đặt cai quản 3 giáo sở Đại Lộc, Bố Liêu, Mỹ Lộc, nay kiêm thêm vùng bắc Quảng Trị. Thỉnh thoảng ngài đến viếng thăm các nơi này và dâng lễ.
Năm 1991-1993, dưới sự trợ giúp của hội Thừa Sai Paris (MEP), các nữ tu Mến Thánh Giá Huế, Cộng đoàn sở Cam Lộ đã tu sửa và cải tạo nhà thờ Cam Lộ.
Đến năm 1996, khi cha Giuse Trần Văn Tuyên (hay Trần Đức Tuyên, gốc Thai Dương Thượng, 1939-1969-2010) được bề trên đưa ra Đông Hà làm quản xứ, thì Khe Sanh, Cam Lộ được chuyển qua sự kiêm nhiệm của ngài.
Tháng 9-2003, linh mục Phanxicô Xavie Nguyễn Đức Hòa (gốc giáo xứ Mẹ Hằng Cứu Giúp, 1975-2002-) được Đức Tổng giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể đặt làm quản xứ Phước Tuyền (huyện Cam Lộ), kiêm giáo họ Khe Sanh (huyện Hướng Hóa[3]). Ngài tu sửa nhà thờ, xây dựng mới nhà xứ và nhà mục vụ.
Ngày 02-5-2009, đã diễn ra Thánh lễ Tạ ơn tại nhà thờ Phước Tuyền để kỷ niệm 50 năm lãnh nhận bí tích Rửa tội của anh chị em thuộc các xứ đạo Lâm Lang[4], Định Xá và Mộc Đức.
Đó là do năm 1958, linh mục Louis Valour (cố Hoan, 1923-1948-1966), người Pháp, thuộc hội Thừa sai Paris, đã đến gieo hạt giống Tin Mừng tại các địa điểm nói trên. Vì thế, năm 1959, ở những nơi này, đã có trên 100 gia đình nhận lãnh bí tích Rửa tội. Nhà thờ Lâm Lang cũng được xây dựng vào cùng năm 1959. Vài năm sau, nhà thờ Định Xá cũng mọc lên.
Sau biến cố ngày 01-11-1963 (chế độ của tổng thống Công giáo Ngô Đình Diệm sụp đổ), một số vẫn còn vững tâm sống đạo. Linh mục Louis Valour nhiệt tâm săn sóc những giáo dân này.
Từ 2007-2011, cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Đức Hoà có hai phó xứ lần lượt là cha Phaolô Trương Minh Tiên (gốc An Bằng, 1975-2007-) rồi cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Thiện Nhân (gốc Trí Bưu, 1975-2008-). Cùng các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá, ba vị mục tử tìm đủ mọi cách để nâng đỡ nên con số giáo dân trở về lại dần dần tăng thêm: trên 40 gia đình.
Ngày 25-6-2013, cha Phêrô Huỳnh Văn Nguyên (gốc Vinh Thái, 1978-2010-) quản xứ Phước Tuyền, kiêm Nam Tây, thay thế cha Nguyễn Đức Hòa sang Pháp, nhập hội Thừa sai Paris.
Ngày 29-7-2015, linh mục Micae Ngô Quang Danh (gốc Thuận Nhơn, 1978-2012-) làm lễ nhậm chức Quản xứ Phước Tuyền trong niềm hân hoan của toàn thể giáo dân.
Cha Micae Ngô Quang Danh ngày nhận xứ 29-07-2015
Để thăng tiến đời sống đạo của tín hữu, cha Micae thành lập phong trào Cursillo (Học hội Kitô giáo) cùng tổ chức lại nhiều hội đoàn khác.
Giữa năm 2019, cha đã tiến hành đập bỏ nhà thờ cũ, xây dựng một thánh đường mới to đẹp hơn. Mọi việc đang tiến hành.
III- HOA TRÁI ĐỨC TIN
1- Tu sĩ
Catarina Nguyễn Thị Ngọc Liên, sn: 1983, vk: 2015. Dòng Mến Thánh Giá Huế (họ Định Xá).
2- Giáo dân
– Năm 2013: 899 người
– Năm 2015: 300 người.
– Năm 2020: 378 người.
————————————————————–
[1] Tên các làng này được cha Pirey ghi rõ trong thư gởi bề trên của mình và được Đức cha Caspar trích lại trong Báo cáo Thường niên năm 1901 gởi hội Thừa sai Hải ngoại Paris (nguyên văn tiếng Pháp). Nhưng cụ Lê Thiện Sĩ, người nghiên cứu lịch sử Giáo phận Huế, có chú thích dưới Báo cáo này rằng: trong bảng “Danh sách xã thôn Trung Kỳ” do chính quyền Trung Kỳ lập trước năm 1945, thì trong huyện Cam Lộ, tại tổng Cam Vũ chỉ có tên 3 làng Tân Đô, Lâm Lang và Nhật Lệ, và tại tổng Mai Lộc có tên làng Quật Xá. Ngoài ra không thấy tên 3 làng Tan Yen, Tan Lang, Cam Dang.
[2] Trong nhiệm kỳ của cha de Pirey, có cha Đôminicô Phạm Văn Yến (1875-1904-1941) tạm thay thế từ th.8-11/1907.
[3] Ngày 19-07-2011, khi linh mục Giuse Phan Miên (1960-2000-2013) được Đức TGM Têphanô chính thức đặt làm Quản xứ tiên khởi của Khe Sanh kiêm Ba Lòng thì Khe Sanh mới thôi trực thuộc Phước Tuyền.
[4] Thật ra, theo Báo cáo Thường niên của Đức cha A. Caspar thì Lâm Lang đã biết đạo từ 1899, tức trước đó 110 năm. Các họ đạo Định Xá, Mộc Đức trước kia thuộc giáo sở Đông Hà, sau biến cố 1975, các họ đạo này không còn nhà thờ nên tín hữu đã đến sinh hoạt tại giáo xứ Phước Tuyền và sau đó sáp nhập vào đây.
———————————————————————
Mọi góp ý, bổ sung, điều chỉnh xin vui lòng liên hệ với Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi theo địa chỉ email: witness2005@gmail.com Xin cám ơn quý vị rất nhiều.
Nhóm Biên sử Tổng Giáo phận Huế.