LƯỢC SỬ
GIÁO XỨ SƠN CÔNG
Nhà thờ Sơn Công (cung hiến ngày 24-6-2005)
I- VỊ TRÍ ĐỊA LÝ
Giáo xứ Sơn Công, Giáo hạt Hương Quảng Phong, nằm trên địa bàn xã Hương Vân, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế, cách Tòa TGM Huế hơn 18km về phía Tây Tây Bắc.
II- NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN
1- Từ các nhà truyền giáo hội Thừa sai Hải ngoại Paris
Sơn Công có lẽ là một trong những Giáo xứ được hình thành sớm nhất của Giáo phận Huế. Trên 300 năm trước, nơi đây đã có người Công giáo rồi. Bằng chứng là vào những thập niên cuối thế kỷ thứ 17, một Linh mục Hội Thừa sai Paris (MEP) giữ chức Tổng đại diện, Cha Charles-Marin Labbé (Giám mục phó tương lai 1648-1697-1723), được Đức Cha Guillaume Mahot[1], Giám mục Đại diện Tông tòa Giáo phận Đàng Trong, cử ra vùng Bắc Giáo phận. Ngài đã đi thăm nhiều xứ đạo từ Thừa Thiên đến Quảng Trị và Quảng Bình.
Trong bản tường trình dài viết từ 1684-1686 gởi Đức Giám mục Louis Laneau (Giám quản Giáo phận 2 lần, trú tại Xiêm), Cha Labbé đã ghi lại các nơi có người Công giáo mà ngài đã đến viếng thăm và ban các bí tích năm 1685, trong có địa danh Sơn Công ở Thuận Hóa. Cha viết: “Tại Sơn Công, nơi đã bỏ đạo từ lâu, nay các Kitô hữu bắt đầu giữ đạo lại khá nhiệt thành. Cách đây 3 năm, tôi chỉ giải tội được 15 người; cách đây 2 năm, tôi ngồi tòa được 30, còn hiện tại được 50”[2]. Với nhận xét trên đây, chúng ta thấy là từ năm 1682, vùng Sơn Công đã có dân theo đạo rồi.
Ngoài ra, trong một bản tường trình khác bằng La ngữ gởi Thánh bộ Truyền bá Đức tin năm 1701, Đức Cha phó Charles Labbé cho biết thêm tên các họ đạo trong cả Giáo phận. Riêng tại vùng quê Thừa Thiên (Thuận Hóa), có tới 16 Giáo xứ, trong đó có Sơn Công, được ghi số thứ tự là 9[3].
Tới gần giữa thế kỷ thứ 18, vào năm 1747, Khâm sứ Tòa thánh thứ 2 là Đức Cha Hilario Costa di Jesu, đến thay thế Đức Khâm sứ đầu tiên Elzéar des Achards de la Baume qua đời, để tiếp tục dàn xếp các vụ tranh chấp vùng hoạt động giữa các Thừa sai khác nhau dòng triều, quốc tịch ở Giáo phận Đàng Trong. Nhờ vậy, ngày 4-7-1747, ta có một bản tường trình ghi lại tên các Giáo xứ tỉnh Thừa Thiên, trong đó có Sơn Công. Họ đạo nầy đang được các Cha Dòng Tên coi sóc. Sơn Công lúc đó có 60 tín hữu[4], là một trong những họ đạo trung bình. Những họ đạo lớn như Thợ Đúc có tới 400, Chuồn (An Truyền) 350, Cồn Mồ (Phủ Cam) 300.
Nói như thế không có nghĩa là các Thừa sai đã được tự do giảng đạo và các tín hữu được yên hàn giữ đạo. Vì những kẻ cai trị Đàng Trong lúc ấy thỉnh thoảng lại bách hại tôn giáo mới du nhập từ Tây phương này. Chúa Hiền (Nguyễn Phúc Tần, 1648-1687) với hai sắc chỉ năm 1663 và 1665. Chúa Ngãi (Nguyễn Phúc Thái, 1687-1691) với sắc chỉ năm 1691. Chúa Minh (Nguyễn Phúc Chu, 1691-1725) với sắc chỉ năm 1700. Chúa Võ (Nguyễn Phúc Khoát, 1725-1765) với sắc chỉ năm 1750. Chúa Định (Nguyễn Phúc Thuần, 1765-1777) với hai sắc chỉ năm 1767. Sau đó (từ 1777) là cuộc chiến giữa 3 phe: Tây Sơn, Nguyễn và Trịnh cho đến năm 1801. Thời kỳ nầy, đất nước bị xáo trộn, nhất là vùng Kinh đô Huế. Dĩ nhiên, tôn giáo cũng chịu ảnh hưởng ít nhiều, các cộng đoàn Kitô hữu như Sơn Công không khỏi khốn khổ. Các Mục tử khi ấy chỉ làm mục vụ lưu động và đa phần thời gian là lén lút.
Sau 18 năm triều vua Gia Long (1802-1820) và 5 năm đầu triều vua Minh Mạng (1820-1825) được yên hàn giữ đạo, các cộng đoàn Kitô hữu lại lâm vào những cơn bách hại liên tục và khủng khiếp cho đến năm 1862, khi vua Tự Đức buộc phải ký hòa ước Nhâm Tuất với chính phủ Pháp, chấm dứt cuộc “Phân sáp” đầy hãi hùng (1861) và cho tự do truyền đạo lẫn hành đạo.
2- Hoa quả đức tin đầu mùa
Đến đời vua Tự Đức (1847-1883), Giáo xứ Sơn Công mới thấy xuất hiện vị Linh mục bổn quán đầu tiên là Cha Antôn Nguyễn Văn Giáo (1825-1862, có khi gọi là Nguyễn Hồng Giáo). Ngài thụ huấn tại chủng viện Pénang (Malaysia) từ 1843-1852, thụ phong Linh mục năm 1854. Khi ấy, Giáo phận Huế đã biệt lập với tên gọi Bắc Đàng Trong (1850), dưới quyền cai quản của Đức Giám mục François Pellerin (Phan) từ 1850-1862 (có Đức Cha Hyacinthe Sohier làm phó từ năm 1851).
Làm mục vụ lưu động tại vùng Di Loan-An Ninh (Quảng Trị), Cha Giáo gởi nhiều báo cáo lý thú hay về nơi hoạt động của mình cho Đức Cha Sohier (lúc đó đang trốn tránh tại Kẻ Sen – Kẻ Bàng, hai Giáo xứ vùng rừng núi thuộc tỉnh Quảng Bình từ 1855 đến 1862). Chẳng hạn thư ngày 17-10-1859: tin tức về họ đạo Di Loan, có lẽ nói đến ông Phêrô Thuận, một giáo dân nơi đây từng giúp đỡ 2 Đức Cha chánh phó nhưng đã chết rũ tù 24-9-1859, cổ đang mang gông nặng. Thư ngày 11-3-1860 cho biết Cha Phêrô Đỗ Khắc Nhơn vừa mới bị bắt hôm mồng 6, khi đi kẻ liệt, nhờ hối lộ 5 quan tiền mới được tha. Thư ngày 12-4-1860: hơn một nửa họ đạo Di Loan bị cúm hết. Ma quỉ trong nhà ông Lựu quấy phá dữ tợn!?! Thư ngày 4-5-1860: ở Di Loan, trâu heo bị dịch chết lung tung. Ma quỉ lại ném lửa lên nhà ông Lựu đến 10 lần, sau cùng đốt cháy mất!?! Thư ngày 14-4-1861: tại họ đạo An Ninh, tín hữu bị dịch chết có hơn 40 người…
Ngày 9-6-1861, Cha Nguyễn Văn Giáo được đổi ra vùng Mỹ Hương (Quảng Bình). Lúc đó là đại nạn “Phân sáp” do vua Tự Đức gây ra. Cha bị bắt nhiều lần, nhưng nhờ khéo léo lo lót nên được yên cả. Ngài qua đời ở An Ninh ngày 23-6-1862, thọ 57 tuổi, làm Linh mục 5 năm và được mai táng tại đó.
Tưởng cũng nên nhắc tới hoa quả thứ hai của Sơn Công, Cha Anphongsô Trần Bá Lữ (1845-1884-1913), một trong những vị Linh mục truyền giáo thời danh của Giáo phận Huế.
Tháng 1-1885, ngài làm Cha phó Phủ Cam, giúp Cha Eugène Allys (Cố Lý). Ở đó cho đến tháng 11-1890, nhưng đi mục vụ cả vùng phía Nam Giáo phận như Cầu Hai, Nước Ngọt và phía biển như Hà Úc, Diêm Tụ v.v…
Tháng 12-1890, ngài làm Cha sở An Đôn, chuyên trách các họ đạo vùng núi như Ba Lòng, Nà Nẫm. Tháng 9-1893, ngài được chỉ định lên Thanh Tân sửa sang lại Nhà Dục anh (nhà nuôi trẻ mồ côi), ở đây 4 năm.
Năm 1897, ngài đổi về An Thành kiêm Kim Đôi, An Xuân, Phú Ngạn, Đồng Xuyên, Mỹ Xá, Tiên Thành, Vân Quật, La Vân thượng, La Vân hạ, Tây Thành… ở đây được 5 năm.
Cha Trần Bá Lữ qua đời tại An Thành, thọ 68 tuổi, 25 năm Linh mục, an táng Sơn Công.
3- Điêu đứng vì đại nạn “Phân sáp”
Tháng 7-1861, có sắc chỉ “Phân sáp” quy mô và dã man của vua Tự Đức. Nội dung gồm năm khoản: “1- Tất cả già, lớn, bé, nam, nữ Công giáo phải chia ra phân tán vào các làng lương không Công giáo. 2- Các làng không Công giáo phải nhận canh chừng theo tỉ lệ năm người lương canh một người giáo. 3- Các nhà Công giáo bị phá hủy, đất đai trao cho các người lương canh tác để nộp thuế. 4- Vợ chồng con cái phải tách biệt nhau. 5- Phải khắc chữ “Tả đạo” ở má trái và nơi lưu đày ở má phải”[5].
Trong tình hình khốn khó ấy, dọc theo bờ sông Hương từ cửa Thượng Tứ tới cầu Bạch Hổ có mấy nhà giam như vậy, dành cho các họ đạo sau đây : Kim Long, Đốc Sơ, Nhu Lâm, Dương Sơn và Sơn Công. Chính Cha Máctinô Nguyễn Văn Thanh, gốc Giáo xứ An Vân, đã cải trang làm một người gánh nước thuê ở chợ Đông Ba, để có thể tiếp xúc, giúp đỡ các tín hữu gặp nạn như vậy.
Nhưng năm 1861, quân Pháp đánh đồn Chí Hòa, rồi chiếm luôn các tỉnh Gia Định, Định Tường, Biên Hòa, Vĩnh Long, buộc lòng vua Tự Đức phải ký kết Hòa ước Nhâm Tuất (1862).
Tiếp theo sau, thời kỳ Tự Đức tha đạo, Đức Cha Hyacinthe Sohier (Bình) mới công khai xuất hiện và chọn Giáo xứ Kim Long, gần hoàng cung (Thành Nội), làm nơi trú ngụ thường xuyên.
Đầu năm 1864 (ngày 23 tháng Giêng), Đức Cha đã mở một cuộc cấm phòng chung lần đầu tiên cho các Linh mục trong Giáo phận, rồi từ đó trở đi ngài bắt đầu xếp đặt các Giáo sở, Giáo xứ, phân bố Quản sở trong từng khu vực nhất định để các vị làm việc ổn định, có “bài sai”, không giống như trước đây, một vùng rộng lớn bao la với những Thừa sai lưu động.[6] Đến 8-8-1867 thì có Thông báo chính thức về các Giáo sở và các Quản sở: 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên có 26 Giáo sở, 26 Quản sở coi sóc 109 Giáo xứ[7].
4- Lúc thành Giáo họ lúc thành Giáo xứ.
Lúc này, có lẽ Sơn Công còn rất ít giáo dân, mặc dầu là họ đạo kỳ cựu so với Thanh Tân và Sơn Quả là hai Giáo xứ cận kề (Nhà thờ Sơn Công cách Nhà thờ Sơn Quả 5,4km theo đường chim bay về hướng Đông Đông Bắc). Thành ra Sơn Công có số phận thăng trầm, khi thì Giáo họ trực thuộc Sơn Quả hay Thanh Tân, khi thì Giáo xứ độc lập.
+ Từ 1864, Sơn Công (và Sở Dục anh Thanh Tân) được kiêm nhiệm bởi vị Quản xứ Sơn Quả tiên khởi là Cha Giuse Hồ Đình Tính (1835-1864-1891)[8]. Số là ngoài sáng kiến về các Giáo sở Giáo xứ nói trên, Đức Cha Sohier còn có sáng kiến khác: thành lập một Sở Dục anh trong Giáo phận để nuôi dạy con cái mồ côi của những gia đình đã bị bách hại trong quá khứ, đặc biệt vụ “Phân sáp” vừa qua. Ban đầu, Đức Cha định chọn La Vang làm địa điểm đặt sở, nhưng làng Cổ Vưu (Trí Bưu) không chịu nhượng đất (La Vang lúc ấy thuộc về Cổ Vưu), ngài mới vào Thanh Tân–Ồ Ồ, vùng Ba Trục[9]. Thế là Sở Dục anh được khai sinh từ năm 1864 tại nơi này. Để thưởng công cho vị tín hữu đã tuẫn đạo là Thánh Micae Hồ Đình Hy, nhân cuộc tĩnh tâm đầu tiên nói trên, Đức Cha đã phong chức cho thầy Giuse Hồ Đình Tính con của Thánh Hy (có vợ là bà Luxia Tân, gốc Sơn Quả) rồi đặt ngay làm quản lý Sở Dục anh (tiền thân Giáo xứ Thanh Tân sau này) kiêm 2 Giáo xứ.
+ Cuối năm 1867, Đức Cha giao công tác coi sóc Sở Dục anh (bắt đầu thành Giáo xứ Thanh Tân) và Giáo họ Sơn Công cho Cha Jean-Nicolas Renauld (Cố Đồng 1839-1867-1898), Cha Hồ Đình Tính thành Phó xứ (đến 1878 thì về An Truyền). Cha Renauld ở Thanh Tân cho tới cuối năm 1881 thì đổi về Huế làm Giám đốc Đại Chủng viện. Năm sau, một cơn hỏa hoạn làm tiêu tan nhà cửa Sở Dục anh bao gồm cả Nhà thờ do Cha xây dựng năm 1875.[10]
+ 1882-1883: Cha Giuse Hồ Đình Tính, Quản xứ Thanh Tân kỳ 2 kiêm nhiệm.
+ 1883-1891: Cha Đôminicô Nguyễn Công Sâm, Quản xứ Sơn Quả kiêm nhiệm.
+ 1891-1896: Cha Giuse Bùi Văn Tuyển, Quản xứ Sơn Quả kiêm nhiệm.
+ 1897-1912: Cha Auguste Chaiget (Cố Soái), Quản xứ Thanh Tân kiêm nhiệm.
Cha phó Phêrô Đỗ Khắc Tuế biệt cư Sơn Công từ 12-1908 đến 12-1911.
+ 1912-1914: Cha Jules Montagnon (Cố Minh), Quản xứ tiên khởi.
+ 1915-1922: Cha Phêrô Nguyễn Văn Chức, Quản xứ kỳ 1.
+ 1922-1931: Cha Tađêô Đỗ Văn Cử, Quản xứ.
+ 1931-1932: Cha Phêrô Nguyễn Văn Chức, Quản xứ kỳ 2.
+ 1933-1938: Cha Gioakim Nguyễn Văn Dụ, Quản xứ Thanh Tân kiêm nhiệm.
+ 1938-1940: Cha Tađêô Hồ Bảo Huỳnh, Quản xứ Thanh Tân kiêm nhiệm.
+ 1940-1941: Cha Tađêô Hồ Bảo Huỳnh, Quản xứ Sơn Quả kiêm nhiệm.
+ 1942-1944: Cha Phêrô Nguyễn Văn Chức, hưu trí và qua đời tại Sơn Công.
+ 1942-1945: Cha Anrê Nguyễn Hữu Tường.
+ 1946-1956: Cha Batôlômêô Nguyễn Văn Khâm.
+ 1956-1962: Cha Gioan Baotixita Lê Xuân Mầng, đúc chuông cho Nhà thờ.
+ 1963: Cha Matthêu Lê Văn Thành.
+ 1963-1968: Cha Inhaxiô Võ Văn Bảo.
Vụ Mậu Thân (1968), phần đông giáo dân di cư về Huế hoặc những nơi khác.
+ 1971-1972: Cha Đôminicô Nguyễn Văn Nghĩa, Quản xứ Bồ Điền[11] kiêm Sơn Công.
Chiến cuộc Mùa hè Đỏ lửa (1972), phần đông giáo dân lại di cư về Huế hoặc những nơi khác.
+ 1975-1979: Cha Phaolô Trần Bá Hạnh: qua đời và an táng tại Sơn Công.
+ 1979-1995: Cha Phêrô Lê Đình Khôi, Quản xứ Sơn Công kiêm Bồ Điền.
Bên trong Nhà thờ Sơn Công mới
+ 1995-2010: Cha Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Huy, Quản xứ Sơn Công kiêm Bồ Điền. Ngài xây Nhà thờ Sơn Công mới: ĐTGM Têphanô Nguyễn Như Thể đặt viên đá đầu tiên ngày 19-3-2003 và khánh thành cung hiến Nhà thờ ngày 24-6-2005, dâng kính Thánh Gioan Tẩy giả.
+ 2010-2016: Cha Giuse Hoàng Quốc, Quản xứ Sơn Công kiêm Bồ Điền.
+ Từ 13-10-2016: Cha Micae Ngô Văn Thuận, Quản xứ Sơn Công kiêm Bồ Điền.
Từ tháng 05-2019, Giáo họ Bồ Điền chuyển sang trực thuộc Giáo xứ Sơn Quả.
III- HOA TRÁI ĐỨC TIN
1- Linh mục
1- Antôn Nguyễn Văn Giáo: sinh 1825, lm 1854, mất 1862.
2- Gioan Trần Bá Lữ: sinh 1845, lm 1884, mất 1913.
3- Phaolô Trần Bá Úy: sinh 1877, lm 1908, mất 1944.
4- Phaolô Trần Bá Hạnh: sinh 1897, lm 1926, mất 1984.
5- G.B. Trần Công Ba, sn 1966, lm 2003. Dòng Don Bosco.
6- G.B. Phạm Xứ : sinh 1967, lm 2008.
7- Matthêu Nguyễn Hữu Quang, sn 1974, lm 2006. Dòng Chúa Cứu Thế.
8- Phêrô Phạm Linh Nghi: sinh 1978, lm 2010.
9- Đôminicô Lê Duy Khánh, sn 1978, lm. 2012.
10- Đôminicô Trần Bá Kha: sinh 1983, lm 2017.
11- Đôminicô Trần Công Truyền: sinh 1984, lm 2018.
12- Đôminicô Phạm Linh Quyền, sn 1984, lm 2018.
13- Philipphê Hoàng Phi Hùng, Dòng Thánh Thể Thủ Đức.
2- Chủng sinh + Tu sĩ nam nữ
1- Đôminicô Trần Bá Thanh Bình (Đcv Huế, khóa XIV 2014-2022)
2- Giuse Nguyễn Thái Ân (Đcv Huế, khóa XVII 2017-2025)
4- Phêrô Trần Bá Thảo (sn 1987, vk 2019). Dòng Chúa Cứu Thế.
5- GB. Trần Bá Long (sn 1994, khấn 2019). Dòng Chúa Cứu Thế.
6- Phêrô Trần Bá Quý (sn 1998, Đệ tử). Dòng Chúa Cứu Thế.
7- Ysave Nguyễn Thị Tường Vi (sn 1984, tk 2014). Dòng Phaolô.
8- Anna Phạm Thị Quỳnh Lan (sn 1985, tk 2015). Dòng Phaolô.
9- Anna Trần Thị Kim Thi (sn 1996, đệ tử). Dòng Phaolô Đà Nẵng.10- Anna Trần Thị Lệ Thư (sn 2000, đệ tử). Dòng Phaolô, cộng đoàn Thiên Hựu Huế.11- Maria Trần Thị Bích Hảo (sn 2000, đệ tử). Dòng Phaolô, cộng đoàn Thiên Hựu Huế.
12- Têrêxa Trần Thị Thục (sn: 1941, vk: 1982). Dòng Mến Thánh Giá.
13- Maria Phạm Thị Báu (sn: 1949, vk: 1975). Dòng Mến Thánh Giá.
14- Xêxilia Trần Thị Quỳnh Lan (sn: 1981, vk: 2016). Dòng Mến Thánh Giá.
15- Anna Phạm Thị Tuyết Nhung (sn: 1982, vk: 2012). Dòng Mến Thánh Giá.
16- Matta Trần Thị Thanh Tuyền (sn: 1988, vk: 2018). Dòng Mến Thánh Giá.
17- Maria Trần Thị Kim Yến (sn 1991, tk 2016). Dòng Mến Thánh Giá Huế.18- Anna Trần Thị Tâm (sn 2000, đệ tử). Dòng Mến Thánh Giá Huế.
19- Anna Trần Thị Hương Giang (sn: 1998, đệ tử). Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng.
20- Isave Trần Thị Bông (sn: 1961, vk 2020). Tu hội đời Thánh Tâm.
3- Giáo dân:
– Năm 2010: 860 người.
– Năm 2015: 980 người.
– Năm 2020: 699 người.
——————————————————————————
[1] Đức Cha Guillaume Mahot, vị Đại diện Tông tòa thứ 2 của Giáo phận Đàng Trong, sau Đức Cha Lambert de la Motte (1659-1679). Đức Cha Mahot, sinh năm 1630, giữ chức vụ từ 1682 đến 1684. Giữa và tiếp là Đức Cha Louis Laneau (ở Thái Lan) làm Giám quản Tông tòa Đàng Trong 2 lần (1679-1682) và (1864-1867).
[2] Adrien Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine. Documents historiques I (1658-1727). Paris, Téqui, 1923. Tr. 337.
[3] Adrien Launay, Sđd I, tr. 502
[4] Adrien Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine. Documents historiques II (1728-1771). Paris, Téqui, 1924. Tr. 178.188.
[5] Lm Mai Đức Vinh, Các văn kiện cấm đạo (4). http://catechesis.net/cac-van-kien-cam-dao-4/
[6] Lợi dụng sắc dụ tha đạo của Vua Tự Đức, Đức Cha triệu tập tất cả các Linh mục về Tòa Giám mục Kim Long tĩnh tâm (1864). Đây là một biến cố lớn của Giáo phận! Trong dịp tĩnh tâm nầy Đức Cha quy định nhiều việc đến hôm nay còn thực hành: (a) Kể từ nay, mỗi Linh mục được sai đi phục vụ đều có “Bài sai” chỉ nơi, ranh giới rõ ràng. (b) Mỗi Giáo xứ phải có Nhà thờ, nhà xứ, giáo dân. (c) Mỗi Giáo xứ phải có sổ bí tích, kê khai đầy đủ lý lịch từng người, gia đình. (d) Các Cha phải chăm lo mục vụ, tránh gương xấu, lo dạy giáo lý. (e) Chỉnh đốn lại các tu viện Mến Thánh Giá. (f) Nhất là phải tuyển chọn các chủng sinh có tính tình, khả năng tốt hơn vào Chủng viện Di Loan. (Xem Nguyễn Lý Tưởng, Giáo phận Huế kỷ niệm 150 năm thành lập. http://ttntt.free.fr/archive/NguyenLyTuongHue.html)
[7] Thông cáo dùng chữ “Giáo xứ” để chỉ chung Giáo xứ chính (mà tên được đặt cho Giáo sở) và các Giáo xứ phụ. Nay có thể gọi là Giáo xứ và các Giáo họ.
[8] Theo Thông cáo tháng 8-1867 của Đức Giám mục Hyacinthe Sohier, Giáo sở Sơn Quả có 2 Giáo xứ: Sơn Quả, Sơn Công và Sở Dục anh Thanh Tân… Cha Quản sở tiên khởi là Giuse Hồ Đình Tính (Giảng), người Nhu Lâm. Nhưng nên nhớ ngài đã lên đây từ năm 1864. Thông cáo năm 1867 chỉ là hợp thức hóa danh vị “Quản sở” thôi.
[9] Đồi núi Thanh Tân – Khe suối Ồ Ồ. Nay là xã Phong Xuân, giáp ranh với xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế.
[10] Sau đó (1882) Cha Renauld đổi về làm Giám đốc Đại Chủng viện Huế. Rồi một phần vì thời cuộc, phần khác vì rừng thiêng nước độc, dễ sinh bệnh tật, Giáo xứ Thanh Tân (xã Phong Xuân) phải xin Giáo xứ Sơn Quả (bên cạnh, xã Phong Sơn) nhượng một phần đất để tái lập, còn Sở Dục anh giải tán, trẻ thơ được đưa về cô nhi viện Kim Long được thành lập ít nhất từ năm 1875, do các chị Dòng Mến Thánh Giá phụ trách (theo Báo cáo Thường niên 1875 của Đức Cha Sohier). Năm 1889, khi Dòng Thánh Phaolô thành Chartres (Pháp) được Đức Cha Antoine Caspar (Lộc) mời qua Việt Nam phục vụ, thì năm sau, Cô nhi viện Kim Long được giao cho các nữ tu Dòng này và đổi tên thành Viện Dục anh Kim Long (x. Báo cáo Thường niên 1890 của Đức Cha A. Caspar).
[11] Về họ đạo Bồ Điền. xin xem lược sử Giáo xứ Sơn Quả.