Lược sử Giáo xứ Sơn Thủy A Lưới

19/03/2020

Lược sử

GIÁO XỨ SƠN THỦY A LƯỚI

I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ

Giáo xứ Sơn Thủy A Lưới, thuộc giáo hạt Thành Phố, Tổng Giáo phận Huế. Nhà thờ Giáo xứ toạ lạc tại thôn Quảng Hợp, xã Sơn Thủy, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế, cách tòa Tổng Giám mục Huế khoảng 62km theo đường bộ hay hơn 42km theo đường chim bay về phía tây tây nam. Địa bàn giáo xứ bao gồm trọn vẹn huyện miền núi A Lưới[1].

II- NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

1- Từ phong trào đi kinh tế mới 1975

Sau biến cố năm 1975, phong trào đi kinh tế mới phát triển mạnh ở các tỉnh miền Trung, nhất là Thừa Thiên-Huế. Nhiều người Công giáo từ các giáo xứ: Xuân Thiên, Hà Thanh, Thành Công, Linh Thủy, Thạch Bình, Phủ Cam đến lập nghiệp tại huyện miền núi A Lưới. Họ là những gia đình tín hữu hạt nhân đầu tiên góp phần hình thành nên một cộng đoàn giáo xứ sau này.

Năm 1976, có thêm nhiều gia đình Công giáo từ dưới đồng bằng lên A Lưới để lập nghiệp. Cũng năm này, có anh Trần Văn Bông, lúc ấy là thành viên của một tu hội đời, đã quy tụ các gia đình lại và xin cha Giuse Đặng Thanh Minh (phó xứ Phủ Cam) từ Huế lên dâng lễ Giáng sinh cho khoảng 60 gia đình Công giáo tại xã Thuỷ Phước lúc bấy giờ, nay là xã Hương Phong. Sau sự kiện này, anh Bông và hầu hết các gia đình Công giáo đã di dời đến vùng khác, không còn ở A Lưới nữa; chỉ còn lại một vài gia đình bám rừng trụ đất để sinh sống. Vì thế có dư luận cho rằng các linh mục đã dụ con chiên đi nơi khác, làm cho tình hình công khai giữ đạo và tuyên xưng niềm tin tại A Lưới từ năm 1976 càng trở nên khó khăn hơn.

Mãi đến dịp Giáng sinh 1979-1980, cha Phaolô Nguyễn Trọng (cư trú tại đại chủng viện Huế lúc bấy giờ) âm thầm lên A Lưới thăm giáo dân cách kín đáo, ban các bí tích cần thiết. Sau một vài ngày, cha lại trở về nơi cư trú, rồi việc sinh hoạt đạo lại lắng xuống một thời gian.

Mùa hè 1986, một số người Công giáo đã mạnh dạn tìm kiếm các đồng đạo và họ đã gặp nhau để bàn về việc đọc kinh cầu nguyện chung. Ban đầu chỉ có 4 gia đình sống rải rác cách xa nhau hàng chục cây số, đó là gia đình các ông bà Phaolô Nguyễn Trọng, Simon Nguyễn Láng, Gioakim Ngô Văn Lượng và Têphanô Nguyễn Đình Hoành. Từ đó họ đến từng gia đình theo phiên để đọc kinh, cầu nguyện, tham dự Thánh lễ thiêng liêng qua Đài phát thanh Chân lý Á Châu từ Philippin.

Số giáo dân sau đó ngày càng đông hơn: từ 50, 70, lên 100, rồi 250 người, vì có thêm những hộ mới, như gia đình các ông bà Trần Thanh Tin, Trần Văn Quyền, Nguyễn Có, Võ Hoà, Phan Phép, Nguyễn Mẫu….

Tên gọi ban đầu là Giáo điểm truyền giáo A Lưới hay còn gọi là cộng đoàn A Lưới.

Nhờ sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa, trong những năm từ 1994-1996, thỉnh thoảng có linh mục từ thành phố Huế được cử lên A Lưới giúp một vài ngày dịp lễ Giáng sinh và Phục sinh, như cha Phaolô Nguyễn Trọng, cha Antôn Nguyễn Văn Tuyến, cha Phêrô Nguyễn Văn Linh của giáo phận và cha Micae-Hy Nguyễn Văn Châu thuộc Dòng Thánh Tâm. Ngoài việc ban các bí tích cần thiết cho tín hữu, các cha luôn an ủi và động viên tinh thần giữ đạo của đoàn chiên xa xôi. Sau đó là sự đi về và hiện diện thường xuyên hơn của anh em Ddòng Thánh Tâm và chị em Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm lo chăm sóc và đồng hành với cộng đoàn tín hữu này.

2- Thành giáo điểm truyền giáo của Dòng Thánh Tâm (19962005)

Năm 1996, Đức TGM Giáo phận Huế Têphanô Nguyễn Như Thể chính thức giao giáo điểm và vùng truyền giáo A Lưới cho Dòng Thánh Tâm. Đức Tổng bổ nhiệm tu sĩ linh mục Micae-Hy Nguyễn Văn Châu làm quản nhiệm, có các thầy Dòng Thánh Tâm và các chị Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm cùng cộng tác chăm sóc mục vụ và mang Tin Mừng đến với lương dân.

Dần dần, mỗi tháng rồi mỗi Chúa nhật đều có linh mục dòng Thánh Tâm lên dâng lễ và ban các bí tích cho cộng đoàn A Lưới. Phải kể đến sự cộng tác nhiệt thành của các nữ tu Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm như các chị Consolata Bùi Thị Bông, Anna Nguyễn Thị Chỉ, Gilberta Nguyễn Thị Thảo… trong giai đoạn này.

Gia đình ông Têphanô Nguyễn Đình Hoành đã dâng cúng mảnh đất 2.850m2 để làm nơi thờ phượng. Ban đầu nhà nguyện của giáo điểm chỉ tạm thời dựng cọc và lợp tôn. Được biết, cha Tổng đại diện Phaolô Nguyễn Kim Bính đã từng hỗ trợ mái tôn mới thay mái tôn cũ dột nát.

3- Thành giáo xứ từ năm 2005

Ngày 25-7-2005, Đức TGM Tổng Giáo phận Huế Têphanô Nguyễn Như Thể chính thức thành lập giáo xứ Sơn Thuỷ A Lưới, và bổ nhiệm tu sĩ linh mục Phêrô Nguyễn Đại làm quản xứ tiên khởi. Đây cũng là lúc ra mắt Hội đồng mục vụ giáo xứ trước giáo quyền và chính quyền.

Ngày 29-6-2007, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cấp giấy phép xây dựng nhà thờ giáo xứ trên mảnh đất gia đình ông bà Hoành đã hiến tặng, thay thế nhà nguyện lợp tôn tạm thời, để đáp ứng nhu cầu tâm linh của các tín hữu Công giáo tại huyện A Lưới.

Ngày 1-8-2007, Đức TGM Têphanô đã chủ sự lễ đặt viên đá đầu tiên khởi công xây dựng nhà thờ giáo xứ. Sau hơn một năm, công trình đạt được khoảng 40% thì phải tạm dừng vì thiếu kinh phí. Mãi đến ngày 18-4-2010 mới tiếp tục thi công đợt 2 cho đến khi hoàn thiện.

Ngày 30-5-2012, Đức TGM Têphanô chủ sự lễ khánh thành và cung hiến thánh đường mới cho Thiên Chúa qua sự bảo trợ của Thánh cả Giuse. Đây là thành quả sau 5 năm khó nhọc của mọi thành phần dân Chúa trong giáo phận, giáo xứ và quý ân nhân xa gần giúp cho cộng đoàn tín hữu vùng truyền giáo này.

Nhà thờ có diện tích 1000m2 (dài 50m, rộng 20m, tháp chuông cao 25m) được xây dựng trên mảnh đất của ông Hoành hiến tặng như đã nói trên. Đây là một trong những nhà thờ thuộc loại rộng lớn trong giáo phận, xây dựng bằng bê-tông cốt thép và lợp tôn. Cũng được cho là nhà thờ đẹp, có kiến trúc đặc thù, thu hút nhiều khách du lịch viếng thăm.

Nhờ công lao của các linh mục quản xứ và sự giúp đỡ của quý ân nhân, giáo xứ đã mua thêm được đất liền kề để có khuôn viên sinh hoạt chung, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ tất cả mọi người, không phân biệt giáo-lương hay kinh-tộc tại A Lưới.

III. CÁC LINH MỤC QUẢN XỨ

1. Giai đoạn kiêm nhiệm: Từ 1975 đến năm 1996

Đây là giai đoạn khó khăn, chưa hình thành cộng đoàn giáo xứ, chưa có nhà thờ, nhiều linh mục Giáo phận đi tiên phong như “những mục tử tìm chiên bơ vơ tản lạc”, đến vào các dịp Giáng sinh hoặc Phục sinh để nâng đỡ, an ủi, khích lệ và ban bí tích cho giáo hữu:

– Lm. Giuse Đặng Thanh Minh (1976)

– Lm. Phaolô Nguyễn Trọng (1979, 1980, 1993, 1994)

– Lm. Antôn Nguyễn Văn Tuyến (1994, 1995)

– Lm. Phêrô Nguyễn Văn Linh (1995, 1996)

– Tu sĩ Lm. Micae-Hy Nguyễn Văn Châu (1995, 1996)

2. Giai đoạn quản nhiệm: Từ năm 1996-2005

Năm 1996, Đức TGM Têphanô giao giáo điểm truyền giáo A Lưới cho Dòng Thánh Tâm phụ trách. Từ đó, nhà dòng đã bổ nhiệm các tu sĩ linh mục của dòng đến phục vụ trực tiếp:

– Tu sĩ Lm. Micae-Hy Nguyễn Văn Châu (1996-2000)

– Tu sĩ Lm. Phêrô Nguyễn Đại (2000-2005)

3. Giai đoạn quản xứ: Từ năm 2005 trở đi

1- Cha Phêrô Nguyễn Đại (2005-2008). Quản xứ tiên khởi, khởi công xây nhà thờ.

2- Cha Têphanô Trần Đình Tề (2008-2009). Chăm sóc mục vụ, làm cửa hội trường, hầm nhà thờ.

3- Cha G.E. Đỗ Minh Liên (2009-2012). Chăm sóc mục vụ, thành lập 4 giáo họ, hoàn thiện công trình xây dựng nhà thờ, tổ chức lễ khánh thành, cung hiến nhà thờ.

4- Cha Giuse Dương Bảo Tịnh (2012-2013). Chăm sóc mục vụ, kiện toàn các đoàn hội, mua thêm đất mở rộng sân đầu.

5- Cha Giuse Trần Đình Toàn (2013-2017). Chăm sóc mục vụ, lắp hệ thống nước tinh khiết, mua xe tải cũ chuyên chở nước, mua thêm đất, san lấp mặt bằng, xây rào đầu nhà thờ, lát gạch men hội trường hầm nhà thờ, lắp đặt đèn chiếu sáng quanh nt.

6- Cha Phêrô Nguyễn Thái Vạn (2017-2019). Chăm sóc mục vụ, xây dựng sân khấu đầu nhà thờ, làm nệm bàn quỳ trong nhà thờ, xây dựng kiên cố một phần tường bao, làm một số dậu rào sắt, cơi nới mái tôn hành lang, sửa chữa chống thấm nhà thờ.

7- Cha Đaminh-Xuyên Vũ Ngọc Cương (từ 2019…). Chăm sóc mục vụ và truyền giáo, làm sân và công trình sinh hoạt.

Bên trong nhà thờ Sơn Thủy

IV. HOA TRÁI ĐỨC TIN

1. Nữ tu:

1/ Maria Phan Thị Thùy Dương, Dòng CĐMVN. Chuẩn bị khấn trọn

2/ Agata Trần Thị Hải, Dòng CĐMVN. Khấn tạm

3/ Maria Phan Thị Tuyết Ny, Dòng Mẹ Lên Trời, Sài Gòn. Khấn tạm

2. Giáo dân:

– Năm 2010:    575 người.

– Năm 2015:    520 người.

– Năm 2020:    496 người.[2]

3. Sinh hoạt trong Giáo xứ:

– Ban ngành và Hội đoàn: Hội đồng Mục vụ Giáo xứ, Hiệp hội Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, Giới cha gia đình, Giới mẹ gia đình, Giới trẻ, Ca đoàn Xêcilia, Ban giáo lý, Ban văn hoá thể thao; Ban phụng vụ, Ban bác ái xã hội, Ban truyền thông, Ban trống,

– Các giáo điểm: Sơn Thuỷ, Hồng Thượng, Phú Vinh, Hương Phong, Đông Sơn, Quảng Ngạn, Vinh Lợi, Hồng Thái, Quảng Nhâm, A Ngo, Xóm chợ Thị trấn, Phước Sơn, Hồng Nam. Thỉnh thoảng linh mục đến dâng lễ tại nhà giáo dân trong các giáo điểm.

– Các giáo họ: các giáo điểm kể trên tạm phân chia thành 4 giáo họ, cả 4 giáo họ được thành lập từ tháng 10/2009 và đều chưa có nhà nguyện (ngoại trừ giáo họ Nhà xứ).

Giáo họ Nhà xứ, quan thầy Lòng Chúa Thương Xót, 124 người thuộc 46 hộ gia đình.

Giáo họ Quảng Ngạn, quan thầy Thánh Gioan Baotixita, 79 người thuộc 24 hộ gia đình.

Giáo họ Phú Hương, quan thầy Thánh Phaolô Tông đồ, 104 người thuộc 37 hộ gia đình.

Giáo họ Thị Trấn, quan thầy Thánh Phanxicô Xaviê, có 189 người thuộc 69 hộ gia đình.

– Phân chia phụng vụ và ý cầu nguyện:

Thứ hai: mẹ gia đình, tôn kính các Thánh Tử đạo VN, cầu cho các mẹ gia đình và các linh hồn.

Thứ ba: sắc tộc thiểu số, tôn kính các Thánh và Tổ tiên, cầu nguyện cho việc truyền giáo.

Thứ tư: cha gia đình, tôn kính Thánh cả Giuse quan thầy, cầu nguyện cho các cha gia đình và chính quyền.

Thứ năm: thiếu nhi và giới trẻ, tôn thờ Chúa Giêsu Thánh Thể, cầu nguyện cho thiếu nhi, giới trẻ, các linh mục, cầu cho ơn gọi.

Thứ sáu: hiệp hội CĐM Vô Nhiễm, tôn thờ Thánh Tâm và Lòng Thương Xót Chúa, cầu nguyện cho hiệp hội, cho các bệnh nhân và tội nhân.

Thứ bảy: biệt kính Đức Mẹ, sáng đi thăm viếng, tối lễ CN.

Chúa nhật: sáng lễ CN và học giáo lý, chiều trao MTC cho người già và bệnh nhân.

* Kỷ niệm 15 năm thành lập giáo xứ và 45 năm đón nhận Tin Mừng:

Trong tâm tình tạ ơn cùng với giáo phận Huế mừng năm thánh kỷ niệm 170 năm thành lập giáo phận, giáo xứ Sơn Thuỷ A Lưới được phép của Đức TGM Giuse và Dòng Thánh Tâm, sẽ tổ chức kỷ niệm 15 năm thành lập giáo xứ Sơn Thuỷ và 45 năm Tin Mừng được gieo vãi trên mảnh đất sơn cước A Lưới. Thánh lễ Tạ ơn sẽ được tổ chức vào ngày 24-5-2020 tại Nhà thờ Giáo xứ do Đức TGM Giuse chủ sự.

———————————————————————————-

[1] A Lưới là một huyện miền núi nằm ở phía tây tỉnh Thừa Thiên Huế chạy dọc theo dãy núi Trường Sơn, cách thành phố Huế 70 km, có 85 km đường biên giới giáp với Lào. Diện tích toàn huyện là 1.224,6 km2, dân số theo thống kê năm 2019 là 56.370 người. Ở đây có 26 dân tộc cùng sinh sống, nhưng chủ yếu là 5 dân tộc: Pacô, Cơtu, Tàôi, Bru và Kinh. Huyện A Lưới gồm có 17 xã và 01 thị trấn. Ranh giới hành chính của huyện được xác định: bắc giáp huyện Phong Điền và huyện Đa Krông (tỉnh Quảng Trị); nam giáp huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam); đông giáp Hương Trà, Nam Đông và các thị xã Hương Trà, Hương Thủy; tây giáp nước CHDCND Lào (theo Wikipedia).

[2] Hiện nay, hầu hết các giáo xứ tại Huế đều giảm dân số, có nhiều lý do. Nhưng lý do chính là giáo dân đi vào nam làm ăn sinh sống cho dễ dàng hơn.

————————————————————————-

Mọi góp ý, bổ sung, điều chỉnh xin vui lòng liên hệ với Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi theo địa chỉ email: witness2005@gmail.com Xin cám ơn quý vị rất nhiều.

Nhóm Biên sử Tổng Giáo phận Huế.