Lược sử
GIÁO XỨ TÂY LỘC
Nhà thờ Tây Lộc
I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ
Giáo xứ Tây Lộc, thuộc Giáo hạt Thành Phố, nằm trên địa bàn 5 phường: Tây Lộc, Thuận Hòa, Thuận Thành, Thuận Lộc và Phú Thuận, thành phố Huế[1], cách tòa Tổng Giám mục khoảng 3km về phía tây bắc.
Nhà thờ giáo xứ, ở số 146 Nguyễn Trãi, phường Tây Lộc, được dâng kính các Thánh Tử đạo Việt Nam. Đây là một trong những nhà thờ mang nét kiến trúc Á Đông vừa cổ kính vừa gần gũi với người Việt. (xem Phụ lục I).
II. NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN
1. Nguồn gốc hình thành.
Vào thập niên 1940, một số gia đình từ giáo xứ Gia Hội vào mua đất và định cư tại Thành Nội, rồi một số quân nhân Công giáo làm việc trong quân y viện Mang Cá cũng mang theo vợ con tới đây. Tiếp theo, nhiều tín hữu đến làm ăn sinh sống từ các giáo xứ Phủ Cam, Tây Linh, Dương Sơn, Bác Vọng, Linh Thủy, Tân Mỹ v.v…
2. Giai đoạn khởi đầu (1949-1960).
Vì thế, vào năm 1949, Giáo xứ Tây Lộc ra đời, dưới thời Đức Giám mục Gioan Baotixita Urrutia Thi (1948-1960). Ban đầu, có một tín hữu nhiệt thành là ông Tham Hải xin một miếng đất tại số 37 Nguyễn Trãi để làm một nhà nguyện tạm thời.
Từ năm 1952, hội Từ thiện Vinh Sơn và Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm bắt đầu đến khu vực Thành Nội phục vụ qua việc mở một bệnh xá nhỏ giúp bà con nghèo vùng An Hòa và Đốc Sơ, rồi mở một trường tiểu học bên cạnh nhà nguyện. (xem Phụ lục II).
Sau năm 1954, một số đồng bào Công giáo từ nam Quảng Bình, bắc Quảng Trị và từ nhiều vùng mất an ninh thuộc Quảng Trị và Thừa Thiên như: Kẻ Văn, Ô Sa (Sịa), Thanh Tân (trong đó có gia đình cha Tôma Trần Văn Hiệu) v.v… di cư đến Tây Lộc lập nghiệp.
Cùng lúc, trong kế hoạch mở rộng thành phố mà Tây Lộc được chọn làm địa bàn, chính quyền đã xây dựng khu thương phế binh và dãy nhà công chức dọc theo các đường Hoàng Diệu, Lê Đại Hành, Trần Quốc Toản, Ngô Thế Lân bây giờ. Chợ Tây Lộc cũng được lập. Dân từ các nơi khác do đó đến mua nhà, mua đất để làm ăn. Dần dà cả một khu phố được hình thành trong đó có nhiều nhà tín hữu. Rồi một số học sinh Công giáo từ xa đến trọ học trường Nông Lâm Súc thành lập năm 1959 cạnh hồ Tịnh Tâm.
Giáo dân do đó lên khá đông, nên các cha giáo sư trường Thiên Hựu (phía hữu ngạn sông Hương) thay phiên nhau đến Tây Lộc dâng lễ.
3. Giai đoạn phát triển (1961-1975)
Năm 1961, cha Phaolô Nguyễn Thanh Hòa (1893-1924-1979) được bổ nhiệm làm Quản xứ tiên khởi của Giáo xứ Tây Lộc. Lúc bấy giờ, ngôi nhà nguyện cũ đã xuống cấp, giáo dân lại ngày càng đông, nên ngài đã chuẩn bị xây dựng một ngôi thánh đường mới. Việc này phải mất 3 năm, và một trong những cách gây quỹ để làm nhà thờ thời ấy là xổ số tombola. Ngài ước muốn xây một ngôi nhà thờ kính các Thánh Tử đạo Việt Nam.
Năm 1962, sau khi hết nhiệm kỳ Tổng phụ trách Dòng Mến Thánh Giá Cải Cách Kim Đôi (sau này là Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng), chị Anna Phan Thị Chiêm đã được mời đến thành lập cộng đoàn tại Tây Lộc. Cùng thi hành sứ mạng của Dòng còn có chị Marie Colomban Trần Thị Kiệm. Nguyên là y tá, chị đã mở một trạm xá nhỏ ở khu vực Thành nội.
Năm 1964, cha Phaolô Nguyễn Thanh Tiếp (1919-1950-2011) kế nhiệm cha Nguyễn Thanh Hòa. Ngày 03-05-1964, ngài khởi công xây nhà thờ Tây Lộc. Đến năm 1967, ngôi thánh đường khang trang đã được hoàn thành và tồn tại cho đến hôm nay.
Ngoài nhà thờ ra, cha quản xứ còn xây dựng thêm một số cơ sở để phục vụ giáo dân lẫn lương dân, chẳng hạn trường giáo lý phía trước nhà thờ (ở bên trái nếu nhìn từ cổng). Ngài cũng nhờ ông Tham Hải xây lại cơ sở cho hội Từ thiện Vinh Sơn, giao cho Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng phụ trách (nuôi cô nhi và dạy trẻ nhỏ). Cơ sở nầy, sau 1975, được nhà nước mượn làm nơi “nuôi và dạy nghề cho trẻ em lang thang trong thành phố” và đến nay thì chiếm luôn.
4. Giai đoạn tái thiết (từ 1975 đến nay).
Sau biến cố năm 1975, tình hình kinh tế, xã hội và tôn giáo nói chung gặp nhiều khó khăn, Giáo xứ Tây Lộc cũng rơi vào cùng hoàn cảnh. Vì vậy, giáo dân đã di cư đi nơi khác rất nhiều (năm 1978 có 1.500 người, năm 2015 còn khoảng 670 người). Đang khi ấy, dân nhập cư từ miền bắc tràn vào miền nam ồ ạt. Do đó, nhiều đất nhà thờ từ Giáo phận Huế trở vào gặp nguy cơ bị lấn chiếm.
Vì vậy năm 1983, khi làm Quản xứ Tây Linh kiêm Tây Lộc, cha Batôlômêô Nguyễn Quang Anh đã vội xây tường thành bao quanh nhà thờ và nhà xứ Tây Lộc. Nhờ vậy khuôn viên thánh đường mới không bị lấn chiếm và giữ được cho đến hôm nay. Ngài cũng xây nhà xứ hiện tồn.
Từ năm 1985, do mở cửa kinh tế, tình hình cuộc sống khắp nơi khởi sắc, Giáo xứ Tây Lộc nhờ vậy lại phát triển về mọi mặt:
– Nghề nghiệp: Ngoài một số giáo dân sống bằng buôn bán, thủ công, mộc nề, dịch vụ, nghề tự do v.v… phần còn lại làm công chức, nhân viên tại các công ty tư nhân, ngân hàng, khách sạn.
– Giáo dục: giáo dân Tây Lộc nhiều người có trình độ văn hóa khá cao: đại học và hậu đại học. Hiện giờ trong giáo xứ có thạc sĩ, bác sĩ, giáo sư và giáo viên …
Từ năm 2004, cha Quản xứ mới là Anrê Ngô Văn Nhơn đã đại tu nhà thờ, vì nhà thờ từ lúc xây xong (1967) đến khi ấy chưa lần nào được sửa chữa. Ngài cho lợp lại mái nhà thờ, đóng trần, lót gạch hoa, thay các cửa sổ ximăng bằng cửa sắt, chỉnh trang cung thánh. Nói tóm, chỉ giữ nguyên bàn thờ và các hàng ghế dành cho giáo dân, những gì còn lại (Nhà tạm, hòm xương Thánh Tử đạo, ghế chủ tế, bàn thờ Đức Mẹ và Thánh Giuse, ảnh tượng Chặng đàng Thánh giá) đều mới. Ngài cũng lót gạch xi-măng sân nhà thờ.
Đến đầu năm 2019, cha xứ Anrê về hưu dưỡng tại Nhà chung của Tổng Giáo phận
Từ đó cho tới 24-05-2019, cha PX Nguyễn Văn Thương, phụ tá giám đốc Tiền chủng viện, làm giám quản.
Ngày 24-05-2019, cha Philipphê Hoàng Linh được bề trên Giáo phận đặt làm Quản xứ. Bài sai ký ngày 10-05-2019.
Nhân dịp mừng Bổn mạng lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam và kỷ niệm 70 năm thành lập giáo xứ (1949-2019) vào ngày 27-28/11/2019, cha Quản xứ đã kêu gọi bà con giáo dân trong và ngoài giáo xứ quảng đại đóng góp để trùng tu tháp nhà thờ, sơn mới lại nhà thờ, xây đài Đức Mẹ ở sân nhà thờ, phía bên phải nếu đi từ cổng vào. Ngài cũng dự tính đặt tượng Chúa Kitô Vua ở vòm trên cùng, dựng phù điêu 16 vị Thánh Tử đạo thuộc Tổng Giáo phận Huế ở vòm giữa tầng hai, còn nơi hai vòm hai bên thì đặt tượng thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ. (xem mô hình phía dưới)
Đài Đức Mẹ do cha Hoàng Linh mới xây dựng
III. CÁC CHA QUẢN XỨ
Stt | Tên thánh – Họ và tên | Thời gian | Công trình thực hiện |
01 | Phaolô Nguyễn Thanh Hòa | 1961 – 1964 | Chuẩn bị xây nhà thờ mới. |
02 | Phaolô Nguyễn Thanh Tiếp | 1964 – 1971 | Xây nhà thờ, cơ sở hội Từ thiện Vinh Sơn, trường giáo lý. |
03 | Phaolô Nguyễn Kim Bính | 1971 – 1972 | |
04 | Antôn Nguyễn Văn Trông | 1972 – 1975 | |
05 | Gioakim Lê Thanh Hoàng | 1975 – 1983 | |
Giai đoạn năm 1983-2001, Giáo xứ Tây Lộc trực thuộc các linh mục Quản xứ Tây Linh | |||
06 | Bartôlômêô Nguyễn Quang Anh | 1983 – 1999 | Xây tường thành và cổng, nhà xứ. |
07 | Phaolô Nguyễn Văn Hiển | 1999 – 2001 | |
Từ 2001, Giáo xứ Tây Lộc lại có Quản xứ riêng của mình | |||
08 | Phaolô Nguyễn Thanh Tiên | 2001 – 2002 | Trồng cây. |
09 | Antôn Dương Quỳnh | 2002 – 2004 | |
10 | Anrê Ngô Văn Nhơn | 2004 – 2019 | Đại tu nhà thờ. |
11 | Philipphê Hoàng Linh | 05/2019…… | Xây đài Đức Mẹ. Kỷ niệm 70 năm. |
IV. HOA TRÁI ĐỨC TIN
1. Linh mục
Stt | Tên thánh – Họ và Tên | Chịu chức/năm | Giáo phận-Dòng | Phục vụ |
01 | Phêrô Huỳnh Trọng | 2002 | Huế | Gx. Thủy Yên |
02 | Lê Văn Đức | Dòng Ngôi Lời |
2. Nữ tu
Stt | Tên thánh – Họ và Tên | Khấn dòng | Giáo phận-Dòng | Phục vụ |
01 | Maria Huỳnh Thị Tịnh | Ursuline (Pháp) | Việt Nam | |
02 | Anna Huỳnh Thị Nhàn | Phaolô | Đà Nẵng | |
03 | Maria Huỳnh Thị Kim Liên | Phaolô | Đà Nẵng |
3. Giáo dân:
– Trước năm 1978, khoảng 1500 giáo dân.
– Năm 2015, khoảng 670 người.
– Năm 2019, 535 người, 175 gia đình.
*********************
PHỤ LỤC
I- Thánh đường Giáo xứ Tây Lộc
Nhà thờ lúc mới xây dựng.
Nhà thờ dự kiến trùng tu mặt tiền.
Thánh đường kính các Thánh Tử đạo Việt Nam (duy nhất tại Giáo phận Huế cho đến nay), thuộc phường Tây Lộc, Thành Nội Huế, nằm về phía tây bắc tòa Tổng Giám mục Huế.
Sở dĩ nhà thờ được dâng kính các Thánh Tử đạo Việt Nam là vì Đức cha Phêrô Ngô Đình Thục (cai quản Giáo phận từ 1961-1963) nhận thấy Tây Lộc ở gần An Hòa, một pháp trường tử đạo nổi tiếng ở Huế. Có 4 vị thánh đã tử đạo tại chợ An Hòa này. Trong khi bước ra pháp trường, các ngài có thể đã đi qua vùng Tây Lộc. Do đó nếu Tây Lộc không phải là đất tử đạo, thì giáo xứ này cũng phảng phất hương vị tử đạo. Đó là lý do Tây Lộc được chọn để xây dựng nhà thờ kính các Thánh Tử đạo Việt Nam.
Đây là một trong những nhà thờ mang nét kiến trúc Á Đông vừa cổ kính vừa gần gũi với người Việt. Nhà thờ có hai mái xây chồng lên nhau với chiếc tháp nhỏ nằm bên trên. Ngói ở đây giả âm dương, có hình ống dài sắp đều nhau thành từng đường song song, chạy từ trên mái xuống. Các dầm chìa (console) cũng phảng phất nét xưa của đình miếu, sắp xếp lồi lõm vừa duyên dáng vừa kín đáo. Đặc biệt ở hai góc của mái có hai con rồng như đang bay, nhưng ngoái đầu nhìn lui về cây Thánh giá gắn trên nóc nhà thờ.
Nếu trong kiến trúc Á Đông, hai con rồng thường được mô tả/xây dựng như đang tranh nhau hạt ngọc, tượng trưng sự khôn ngoan, thì ở đây các con rồng lại xoay đầu lại, không phải trong tư thế giành giật mà là ngạc nhiên, thờ lạy.
Lòng nhà thờ rộng thoáng với hai hàng cột chống đỡ cho một nền trần đúc.
Ở vòm giữa nơi tầng hai, trước đây có đặt tượng Đức Mẹ La Vang. Nay, nhân kỷ niệm 70 năm thành lập giáo xứ, tượng sẽ được thay thế bằng một bức phù điêu 6 thánh Tử đạo Việt Nam, bổn mạng của nhà thờ; hai bên là tượng thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ (xem mô hình) và ở vòm trên cùng sẽ là tượng Chúa Kitô Vua.
Nhà thờ nằm sâu trong một khuôn viên, nhìn về hướng Tây, trông ra con đường phố Tây Lộc chạy về chợ Tây Lộc.
Bên trong nhà thờ Tây Lộc ngày cha Philipphê Hoàng Linh nhận xứ 24-05-2019
II- Hai Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm và Đi Viếng phục vụ (1956-1975)
1. Khai lập:
Ngay từ trước năm 1952, hội Từ thiện Vinh Sơn có lập một bệnh xá mang tên Hội An tại Thành nội Huế. Đến 1952, hội xin Dòng Con ĐMVN đến phục vụ.
2. Đảm nhận bệnh xá:
Ngày 15-10-1952, bà bề trên dòng M. Hélène Nguyễn Thị Xem phái nữ tu M. Julie Minh đến tiếp quản bệnh xá, cùng với nữ tu M. Clotilde Đức và M. Borie Ngụ. Các chị cứ sáng đi tối về dù mưa nắng. Đường đi khá vất vả, vì chiến tranh còn để lại nhiều đổ nát hư hỏng, các chị vừa lòn vừa trèo qua các bức thành sụp đổ. Dẫu nhọc nhằn nhưng tình yêu Chúa Kitô vẫn thúc bách các chị.
Gọi tên bệnh xá, nhưng đó chỉ là một túp lều tranh lụp xụp, chật hẹp, không chứa đủ bệnh nhân đến điều trị. Mọi sự còn thiếu thốn, nhà dòng phải mở thêm một gian phòng rộng rãi cho các bệnh nhân.
Vì địa điểm không tiện, bề trên dòng xin hội dời bệnh xá đến Tây Lộc, giữa một khu vườn rộng rãi mát mẻ. Ngày 04-01-1956 việc di dời thực hiện, nhưng chị M. Julie vẫn cứ sáng đi tối về.
Theo lời yêu cầu của hội từ thiện, chính phủ và hội hợp lực kinh phí để xây cất một bệnh xá mới, có thêm trường học, nhà ở, dòng chỉ góp công xây cất.
3. Khai giảng trường học, khánh thành bệnh xá:
Ngày 01-4-1956, nữ tu M. Thérèse Tịnh và một cô giáo đến khai giảng lớp học có 60 học sinh, rồi tăng dần lên 100. Chị M. Julie Minh thì lo việc thuốc men. Từ đó gọi là bệnh xá Tây Lộc và cũng từ hôm ấy các chị ở luôn tại chỗ.
Ngày 17-7-1956, nhận lời thỉnh cầu của cha Simon Nguyễn Văn Lập, giám đốc hội Từ thiện Vinh Sơn, Đức Khâm sứ Toà thánh Giuseppe Caprio đến cử hành Thánh lễ khánh thành cơ sở Tây Lộc. Sau Thánh lễ, Đức Khâm sứ đồng bàn với một số quan khách và đặc biệt với mấy trăm người nghèo của hội. Sau “bữa tiệc kẻ khó” ấy, ngài tận tay trao thực phẩm cho họ. Thật đúng với tên “Bệnh xá Vinh Sơn Tây Lộc”.
Bệnh xá và trường học Vinh Sơn Tây Lộc được tiếp tục lớn lên nhờ sự bảo trợ đặc biệt của Cha Simon Nguyễn Văn Lập.
Trường học và bệnh xá Vinh Sơn Tây Lộc chấm dứt hoạt động năm 1962.
4- Tiếp nối công việc phục vụ
Khi Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm rời khỏi Tây Lộc thì Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng (lúc đó còn gọi là Dòng Mến Thánh Giá Cải Cách Kim Đôi) tới thay thế. Cộng đoàn nữ tu này được chị Anna Phan Thị Chiêm, nguyên Tổng phụ trách, thành lập, có sự cộng tác của chị Marie Colomban Trần Thị Kiệm. Vốn có nghề y tá, chị Kiệm đã mở một trạm xá nhỏ.
Năm 1964, Dòng phụ trách cơ sở mới của hội Từ thiện Vinh Sơn mà ông Tham Hải xây lại theo yêu cầu của cha Phaolô Nguyễn Thanh Tiếp. Tại đây, các chị cũng mở trường mang tên Tiểu học Vinh Sơn mà vị hiệu trưởng năm 1969 là chị Maria Régina Nguyễn Thị Bích. Cơ sở xã hội này hoạt động cho tới năm 1975.
—————————————————————
[1] Nghĩa là hầu như trọn Thành nội (Kinh thành) Huế, ngoại trừ một phần phường Thuận Lộc, thuộc giáo xứ Tây Linh.
**********************************
Mọi góp ý, bổ sung, điều chỉnh xin vui lòng liên hệ với Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi theo địa chỉ email: witness2005@gmail.com Xin cám ơn quý vị rất nhiều.
Nhóm Biên sử Tổng Giáo phận Huế