Bảo tàng Anima Mundi, Bảo tàng Dân tộc học của Vatican

09/12/2021

Hơn 80 ngàn hiện vật, minh chứng của các dân tộc và nền văn hóa từ khắp nơi trên thế giới. Đó là Bảo tàng Anima Mundi mới, trước đây được gọi là Bảo tàng Dân tộc học của Bảo tàng Vatican.

Từ mất phương hướng đến ngạc nhiên, từ sự ham tìm hiểu đến mong muốn biết các nền văn hóa và truyền thống xa xưa. Đó là hành trình đầy cảm xúc của những người đã đến Vatican để chiêm ngưỡng những kiệt tác của Raphael và Michelangelo, rồi sau đó bước vào những căn phòng mới của Bảo tàng Dân tộc học, nay được gọi là Anima Mundi (linh hồn của thế giới). Đây không chỉ là địa điểm triển lãm như các khu triển lãm khác, nhưng theo cái nhìn của sự hòa nhập và đối thoại, một không gian để gắn kết, một dấu hiệu của sự tôn trọng các tiêu chuẩn thẩm mỹ không mang tính “Châu Âu”. Ở đây nghệ thuật được kết hợp ở số nhiều, theo cách tiếp cận Công giáo toàn cầu, phổ quát. Đây là một bảo tàng có trung tâm là vùng ngoại vi.

Triển lãm truyền giáo, Vatican 1925

Hạt nhân đầu tiên bắt nguồn từ việc trao tặng các tác phẩm thời tiền Colombia hơn 300 năm trước. Nhưng điểm khởi đầu thực sự cho bộ sưu tập này là Triển lãm Truyền giáo Phổ quát được Đức Giáo hoàng Piô XI mong muốn vào năm 1925 tại Vatican. Vào thời điểm châu Âu đang bị tàn phá bởi tinh thần của chủ nghĩa dân tộc, một triệu người có cơ hội chiêm ngưỡng hơn 100 ngàn hiện vật từ khắp nơi trên thế giới, cả từ những vùng đất bị có cái nhìn định kiến là “hoang dã”. Đó là một minh chứng hùng hồn về Giáo hội với những cánh cửa rộng mở.

40 ngàn hiện vật vẫn còn ở trong Thành Vĩnh cửu. Số phận của các hiện vật này được niêm ấn bởi Tự sắc Quoniam tam praeclara của Đức Pio XI, vào ngày 12/11/1926, thành lập Bảo tàng Truyền giáo Dân tộc học. Ban đầu được chỉ đạo bởi cha Wilhalem Schmidt và được đặt trong Toà nhà Lateranô. Dưới thời thánh Giáo hoàng Phaolô VI, vào những năm 70, được chuyển đến Bảo tàng Vatican.

Các hiện vật, đại sứ của các dân tộc

Ngày nay, Bảo tàng Anima Mundi có khoảng 80 ngàn hiện vật và tác phẩm nghệ thuật đến từ châu Phi, châu Mỹ, châu Đại Dương, châu Úc, châu Á, thế giới Hồi giáo cũng như các nền văn minh thời tiền sử và tiền Colombia. Cha Nicola Mapelli thuộc Hội Giáo hoàng Truyền giáo Hải ngoại (Pime), Quản đốc Bảo tàng Anima Mundi giải thích: “Các hiện vật là những đại sứ văn hóa, nói về các dân tộc từ đó nó được mang đến: từ Papua New Guinea đến Alaska, từ Úc đến sa mạc Sahara đến châu Á. Tính năng động và sức sống đặc trưng cho lịch sử của các hiện vật. Thực tế, loại hình nghệ thuật này chưa bao giờ chết và luôn chuyển động. Ngày nay, nó tiếp tục nuôi dưỡng mối quan hệ với các địa điểm và dân tộc xuất xứ, với niềm tin và tầm nhìn của họ về cuộc sống”. Đây là một bộ sưu tập tổng hợp, là tuyên ngôn và tiếng nói của các nhóm dân mà quyền cơ bản của họ thường bị đe doạ hoặc vi phạm.

Tái kết nối

Bảo tàng xây dựng những cây cầu, gợi mở đối thoại. Là phương tiện bảo vệ nhân phẩm, di sản và tài sản của các dân tộc cách xa chúng ta về không gian và thời gian, nhưng được kết nối bởi cùng một nhân loại và sự sáng tạo. Từ cảm nhận này, trong khi tôn trọng các nền văn hóa, và mong muốn bảo tồn giá trị ngữ nghĩa và biểu tượng của mỗi hiện vật, sự “tái kết nối” được nảy sinh. Cha Mapelli đã đi đến các quốc gia nguồn gốc của các hiện vật, và gặp gỡ các dân tộc địa phương. Cha nói: “Điều quan trọng là chúng ta phải đối thoại với các dân tộc này. Ví dụ, để chuẩn bị cho khu vực Úc, khu vực đầu tiên mở cửa cho công chúng, chúng tôi đã đến các ngôi làng nơi có các hiện vật đang được chúng tôi bảo quản. Chúng tôi hỏi những người thổ dân về ý nghĩa mà họ gán cho những sáng tạo của họ và cách họ muốn chúng được hiển thị cho khách viếng thăm của chúng tôi. Và vì vậy chúng tôi cố gắng làm, khi có thể, cho mọi hiện vật”.

Quà tặng dành cho Giáo hoàng

Hầu hết các hiện vật trong Bảo tàng Anima Mundi là những món quà mà các Giáo hoàng nhận được trong những thế kỷ trước hoặc những món quà được gửi đến Vatican từ những vùng đất xa xôi. Một số đã được “hồi hương”: ví dụ như trường hợp của một tsantsa, một đầu người khô, được sử dụng cho các mục đích nghi lễ của bộ tộc Jivaro ở Amazon, gần đây đã được bảo tàng Vatican cho “hồi hương” về Ecuador.

Những câu chuyện

Đằng sau mỗi hiện vật là một câu chuyện. Cuộc gặp gỡ cảm động đã diễn ra giữa cha Mapelli với hậu duệ của tác giả của một trong những cây cột được chạm khắc và sơn ở quần đảo Tiwi, trên các vùng lãnh thổ của thổ dân giữa Úc và Indonesia. Cha nói: “Ở tuổi 80, người phụ nữ này nhớ đến người ông, người mà khi bà còn nhỏ, đã đặt bà lên đầu gối khi ông khắc những chiếc cột này, nói với bà rằng những gì ông đang làm là dành cho một người ở rất xa và rất quan trọng: đó là Giáo hoàng! Người phụ nữ này ôm chầm lấy tôi vì bằng một cách nào đó, tôi đã kể cho bà nghe câu chuyện của bà và ông của bà”.

Không biên giới

Bảo tàng Anima Mundi là một nơi không định giới. Ngày 18/10/2019, dịp khánh thành phòng triển lãm, Đức Thánh Cha nói: “Bất cứ ai bước vào nơi này, đều cảm thấy rằng trong ngôi nhà này cũng có một chỗ cho mình, cho dân tộc, truyền thống, văn hóa của mình. Tất cả các dân tộc đang ở đây, dưới bóng của mái vòm đền thờ Thánh Phêrô, gần với trái tim của Giáo hội và Giáo hoàng”.

Bảo tồn, nghiên cứu, đối thoại

Giám đốc Phòng thí nghiệm, Stefania Pandozy cho biết: “Trong suốt 20 năm hoạt động trong bảo tàng, chúng tôi đã thay đổi cách tiếp cận mà chúng tôi sử dụng để trùng tu, từ phương Tây, châu Âu sang tầm nhìn thời hậu thuộc địa. Chúng tôi hiểu sự cần thiết của đạo đức và trách nhiệm trong việc bảo tồn. Chúng tôi quan niệm bảo tàng này như một kho báu chứa hàng ngàn đồ vật có giá trị lớn, nhưng chúng tôi không thể tưởng tượng mình có thể gặp được những người sống, các nền văn minh sống, các kho báu thực sự để nghe kể về các cộng đồng mà từ đó các hiện vật được tạo ra. Anima Mundi thực sự là một bảo tàng của đương đại. Trải nghiệm này cho phép chúng tôi tiếp xúc với nhiều loại vật liệu bản địa, thuộc các nền văn hóa ngoài châu Âu. Chúng tôi cố gắng thu hút sự tham gia của các cộng đồng cội nguồn trong các lựa chọn bảo tồn và trưng bày. Nền tảng công việc của chúng tôi là không ngừng đánh giá cao sự đa dạng, mục tiêu là chia sẻ kinh nghiệm bảo tồn để thúc đẩy chức năng giáo dục của phòng thí nghiệm như một nơi nghiên cứu và đối thoại”.

Đạo đức trong phục chế

Nhân viên trong Phòng thí nghiệm đặc biệt này chỉ có phụ nữ, mỗi người chuyên về các loại vật liệu khác nhau. Từ việc so sánh và chia sẻ thông tin ở cấp độ quốc tế đã khai sinh cuốn cẩm nang “Đạo đức và Thực hành Bảo tồn”, do Xưởng biên tập. Đây là cẩm nang đầu tiên trên thế giới về bảo tồn các hiện vật dân tộc học và đa vật học.

Giám đốc Stefania Pandozy tiếp tục: “Đạo đức bảo tồn là có thể và được tổng hợp trong một phân tích cẩn thận về bối cảnh xuất xứ của các hiện vật dân tộc học, trong cuộc đối thoại với các cộng đồng bản địa ngày nay. Đó là một sự thay đổi mô hình, tạo ra những thách đố về chuyên môn và con người đối với tất cả những người làm việc trong lĩnh vực văn hóa, nhận thức rằng xã hội đương đại của chúng ta, vốn quá ít chú ý đến hạnh phúc chung, có thể và phải trở nên liên đới và bao gồm hơn”.

Trao đổi quốc tế

“Ước mơ của chúng tôi là mở ra, tại Vatican, một trường học quốc tế để giáo dục các thế hệ phục chế mới nhằm bảo tồn kiến thức và kỹ thuật mà nếu không sẽ có nguy cơ bị mai một. Nhiều phòng thí nghiệm phục chế trên thế giới đã chia sẻ sự dấn thân về cách tiếp cận bảo tồn mới này. Chúng tôi đã có cơ hội trải nghiệm thực tế này. Đó là một cơ hội tuyệt vời để thảo luận về kinh nghiệm và tính chuyên nghiệp của các Phòng thí nghiệm Phục chế”.

Chia sẻ bảo tồn

Một ví dụ về “Chia sẻ bảo tồn” là công việc do Phòng thí nghiệm thực hiện cùng với một chuyên gia về các loại chim, khi phục chế một chiếc mũ đội đầu Mekeo đặc biệt của người bản địa Papua New Guinea, cổ xưa nhất trên thế giới. Việc xác định các loài chim và nghiên cứu các loại lông được sử dụng giúp chúng ta có thể thu thập được một loại mẫu, để đại diện cho tất cả các màu lông và lông vũ hiện có trong tự nhiên và trong các bộ sưu tập của Bảo tàng. Bộ sưu tập quý giá này đã được sử dụng để ra mắt cùng với Phòng thí nghiệm Khoa học của Bảo tàng Vatican, một thử nghiệm tiên tiến về việc sử dụng công nghệ laser để làm sạch lông vũ.

Sự bền vững

Với mục tiêu hướng tới tính bền vững, trong sự hợp tác với Phòng thí nghiệm Bảo tồn và Phục chế, và các Phòng thí nghiệm Phục chế khác của Bảo tàng Vatican, nhóm chuyên gia đã tích cực trong nhiều năm nghiên cứu về vật liệu tự nhiên và các sản phẩm tương thích sinh học, trong một số trường hợp đã được chứng minh là bền hơn so với các vật liệu tổng hợp.

Kho tàng có thể nhìn thấy

Bộ sưu tập Anima Mundi còn là biểu tượng của sự cởi mở và hiếu khách. Nó như một chiếc hộp lớn trong suốt, có điều hòa nhiệt độ và được giám sát liên tục bên trên không gian triển lãm, gồm 98% tài sản của toàn bộ bộ sưu tập. Dự án tổng thể của Bảo tàng, hiện chỉ bao gồm khu vực dành riêng cho Úc và Thái Bình Dương, cũng dự kiến xây dựng các phần lục địa khác. Chúng sẽ được kết nối với nhau, không có bất kỳ bức tường hoặc giới hạn nào, được chiếu sáng bởi ánh sáng tự nhiên, được lọc phù hợp vì lý do bảo tồn và đến từ các cửa sổ lớn. Nó gợi lên những tia nắng mặt trời xuyên qua thảm thực vật rậm rạp và xum xuê của những khu rừng Amazon, hoặc thắp sáng màu sắc của thảo nguyên Sioux, hay tỏa ra và làm ấm cát trong sa mạc.

Vẻ đẹp hợp nhất

Cha Nicola Mapelli giải thích: “Hiểu rằng đằng sau chiếc áo dài Sioux không chỉ là bộ trang phục nhưng là cuộc sống của cả một dân tộc, bàn tay của những người phụ nữ dệt nên nó, nghi lễ thanh tẩy, tiếng trống, vũ điệu mặt trời. Điều đó có nghĩa là vượt ra ngoài tầm hiểu biết cá nhân, và đặt mình vào chuyển động”.

Cho đến nay, quan điểm này tiếp tục truyền cảm hứng cho ơn gọi truyền giáo của Bảo tàng Anima Mundi, khi các hiện vật của nó được hiện diện trong các cuộc triển lãm quốc tế đáng nhớ: Cuba năm 2012; Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất vào năm 2014, sự kiện đầu tiên thuộc loại hình này diễn ra giữa Bảo tàng Vatican và một quốc gia Hồi giáo; tại Canberra, Úc vào năm 2018, nơi lần đầu tiên Bảo tàng Vatican hợp tác với hai bảo tàng khác – Bảo tàng Văn minh Hồi giáo Sharjah và Bảo tàng Quốc gia Úc – để tạo ra một triển lãm chung về nghệ thuật Hồi giáo, một minh chứng cho cuộc đối thoại và hiểu biết lẫn nhau giữa các nền văn hóa và tôn giáo; ở Trung Quốc, Bắc Kinh, vào năm 2019. Nó đại diện cho một dấn thân nhân danh cái đẹp, các vẻ đẹp khác nhau, vẻ đẹp hợp nhất.

Ngọc Yến 

Nguồn: Đài Vatican News