“Lòng người nham hiểm khôn dò, nào ai biết được?”.
Kính thưa Anh Chị em,
Thở vắn than dài của Giêrêmia một lần nữa được gặp thấy trong hai bài đọc hôm nay. Sách Mikha nói, “Khốn cho những kẻ suy tính điều gian ác và mưu đồ việc xấu xa”; Matthêu thì nói, “Khi ấy, các người biệt phái đi ra, bàn mưu kế chống lại Chúa Giêsu để hãm hại Người”.
Từ ngày tội lỗi đi vào trần gian, lòng người không còn hướng về lòng Chúa, hình ảnh Thiên Chúa nơi nó bị méo mó; và như thế, con người chiều theo sự tội, hướng theo mê lầm. Mikha đã phơi trần sự ác của người đương thời, “Khốn cho những kẻ suy tính điều gian ác và mưu đồ việc xấu xa… Sáng ngày, chúng thực hiện điều đó, vì tay chúng chống lại Thiên Chúa”.
Sang thời Chúa Giêsu, những con người chống lại Thiên Chúa hiện nguyên hình; họ là những biệt phái, những nhà lãnh đạo tôn giáo đương thời. Tin Mừng Matthêu viết, “Khi ấy, các người biệt phái đi ra, bàn mưu kế chống lại Chúa Giêsu để hãm hại Người”.
Một cái gì đó thật buồn, gây sốc và thậm chí gương xấu đối với chúng ta khi đọc lại những lời này. Ở đây, các nhà lãnh đạo tôn giáo đã chủ động, cố tình và mưu toan giết Chúa Giêsu, Cứu Chúa của thế giới; Đấng mà lẽ ra họ phải chuẩn bị chờ đón và hy vọng cũng như giúp người khác hy vọng và đón chờ, ấy thế, lại trở thành đối tượng của những ác tâm, hận thù và giết chóc. Chúa Giêsu thấy tất cả; Tin Mừng nói, “Biết thế, Ngài rời bỏ nơi ấy”. Ở một trình thuật tương tự, Marcô ghi, “Ngài đã bỏ họ mà qua bờ bên kia”. Ngài rời bỏ nơi ấy, Ngài qua bờ bên kia mang theo một nỗi buồn man mác, một nỗi buồn thánh thiện của lòng thương xót. Trước những mưu toan nham hiểm của lòng người, Chúa Giêsu không rơi vào tức giận, tuyệt vọng hay suy nghĩ về một sự trả đũa nào, Ngài lặng lẽ rời đi. Isaia đã thấy trước sự nhu mì của người tôi tớ Thiên Chúa khi nói tiên tri về Ngài, “Người không cãi cọ hay dức lác”, vì Ngài vẫn hy vọng và cầu nguyện cho những ai đang mưu toan hại Ngài biết ăn năn trở về.
Anh Chị em,
Hôm nay, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục chịu bức hại và đôi khi những bức hại đó vẫn được nhìn thấy ở các Kitô hữu hoặc nơi chính chúng ta hay ngay cả nơi các nhà lãnh đạo, đạo cũng như đời. Chúa Giêsu đang bị bức hại khi con cái Hội Thánh không xây dựng hiệp nhất; khi gương mù gương xấu xảy ra nơi này nơi kia; khi Hội Thánh không còn là Hội Thánh của người nghèo. Ngài đang bị bách hại khi con cái chạy theo vật chất, quyền lực và danh vọng; khi Hội Thánh đánh mất đời sống cầu nguyện và cậy người hơn cậy Chúa. Trước những đáng tiếc có thể đang có, Chúa muốn chúng ta nên giống Ngài là nhẫn nại, hiền lành và biết buồn một cái buồn thánh như Ngài. Một cái buồn thúc đẩy sám hối và yêu mến; một cái buồn giục giã cầu nguyện và hy vọng, cầu cho những ai bách hại Thiên Chúa và Hội Thánh biết ăn năn trở về.
Thầy Carlo Carretto, tu sĩ người Ý, đã sống khổ tu trong sa mạc Sahara nhiều năm. Từ sự cô tịch, thầy viết cuốn “Tôi tìm và đã thấy”. Với thầy, bất chấp nhiều điều có thể gợi lên sự vắng mặt của Thiên Chúa, thầy vẫn tìm thấy Người; và Giáo Hội, đôi khi qua tội lỗi của mình, khiến nhiều người khó tin vào Chúa, thầy vẫn yêu mến. Thầy viết, “Tôi phải phê phán người, Giáo Hội của tôi, nhưng tôi yêu người quá chừng quá đỗi! Người đã làm tôi khổ nhiều nhưng tôi nợ người cũng nhiều; tôi muốn thấy người bị phá hủy nhưng tôi lại cần người hiện diện. Người đã gây ra nhiều tai tiếng nhưng chỉ mình người giúp tôi hiểu ra sự thánh thiện. Nhiều lần tôi thấy như mình đã đóng sầm cánh cửa lòng trước mặt người, nhưng bao lần tôi cầu nguyện xin cho mình được chết trong cánh tay người! Tôi yêu mến người, Giáo Hội mẹ của tôi”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin cho con biết buồn và cứ buồn nỗi buồn thánh của Chúa, miễn sao con đừng làm Chúa không vui và mẹ Hội Thánh phải buồn”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)