Các Bề trên Tổng quyền dòng nữ và tiến trình hiệp hành

05/05/2022

Hội nghị toàn thể lần thứ 22 của Liên hiệp Quốc tế các Bề trên Tổng quyền dòng nữ (UISG) diễn ra tại Roma từ ngày 02 đến 06/5/2022, với chủ đề “Đón nhận tính dễ bị tổn thương trong tiến trình hiệp hành”.

Khoảng 700 nữ tu của 71 quốc gia, trong đó có 520 Bề trên Tổng quyền tham dự trực tiếp, tập trung thảo luận về các chủ đề liên quan đến hiệp hành tính, bao gồm: tính dễ bị tổn thương, tiến trình hiệp hành, đời sống tu sĩ và hiệp hành tính, ngoại vi, lời mời gọi biến đổi.

Các nữ tu đến từ khắp nơi trên thế giới, mong muốn thúc đẩy sứ vụ, sự hiệp thông và linh đạo. Một diễn đàn quốc tế, nơi các Bề trên Tổng quyền có thể chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin, hỗ trợ lẫn nhau với tư cách là những nhà lãnh đạo của Giáo hội và thế giới, trong số các nhiệm vụ khác khuyến khích các nhà lãnh đạo thúc đẩy đối thoại và cộng tác.

Tất cả có thể nên một

Sơ Jolanta Kafka, Chủ tịch Liên hiệp Quốc tế các Bề trên Tổng quyền dòng nữ (UISG) cho Vatican News biết trong khuôn khổ tiến trình hiệp hành 2021-2023, Bộ Tu sĩ đã mời gọi các nữ tu tham gia vào đời sống của Giáo hội địa phương, trong các ủy ban, trong sự hiện diện, lắng nghe, lưu ý rằng tất cả các tiếng nói đều được lắng nghe.

Sơ cũng cho rằng sự phản ánh ở cấp độ nội bộ của các dòng tu có thể ảnh hưởng đến một định hướng mới trong sứ vụ. Sơ nói: “Chúng tôi tin rằng đóng góp là để cung cấp sự phong phú của các linh đạo và đặc sủng vì lợi ích của Giáo hội, với sức mạnh lớn hơn và học hỏi lẫn nhau”.

Tầm quan trọng của việc tạo không gian an toàn cho tất cả mọi người

Sự đồng hành của các Bề trên Tổng quyền là một yếu tố được sơ Kafka, người luôn ủng hộ văn hóa quan tâm, bảo vệ nhắc đến. Cuộc gặp gỡ của các nữ tu cũng nhằm mục đích nâng cao nhận thức về trách nhiệm của các nữ tu trong việc ngăn ngừa lạm dụng.

Sơ Kafka khẳng định rằng Liên hiệp thúc đẩy các lĩnh vực đào tạo về chủ đề này. Ví dụ, vào tháng 3/2022, Liên hiệp đã tổ chức một khóa học trực tuyến kéo dài hai ngày về “Gọi tên cho những người không thể gọi tên”. Hơn 450 giáo dân và tu sĩ đã tham gia khoá học này, theo ghi chú của Liên hiệp, họ tham gia, theo nhiều cách khác nhau, trong lĩnh vực phòng chống lạm dụng thể lý và tình dục, cũng như quyền bính và lương tâm.

Sơ còn cho biết Liên hiệp cũng có một ủy ban chung với Liên hiệp các Bề trên Tổng quyền dòng nam đồng hành với các học viện trong việc thiết lập các khoá học và đào tạo các nữ tu để ngăn ngừa tất cả các hình thức lạm dụng.

Vai trò của các nữ phó tế trong Giáo hội tiên khởi

Khi được hỏi về câu hỏi mà các Bề trên Tổng Quyền các dòng nữ đã đặt ra với Đức Thánh Cha Phanxicô cách đây sáu năm liên quan đến nữ phó tế, sơ Kafka khẳng định vấn đề đã được phân tích bởi ủy ban thứ nhất, và công việc đã kết thúc. Tuy nhiên, sơ nói thêm Đức Thánh Cha Phanxicô muốn vấn đề được nghiên cứu sâu hơn; do đó, một uỷ ban thứ hai đã được thiết lập cách đây hai năm và họ đang chờ kết quả.

Năm ngày làm việc

Trong năm ngày gặp gỡ, các hoạt động của các nữ tu bao gồm: các bài tham luận, thời gian thinh lặng, suy tư, thảo luận, cầu nguyện trước Thánh Thể và các hoạt động khác. Vào thứ Hai, ngày 02/5, trung tâm của sự suy tư là “Tính dễ bị tổn thương”. Thứ Ba, dành cho “Tiến tới một tiến trình hiệp hành”. Thứ Tư, tập trung vào đời sống tu sĩ và hiệp hành tính. Thứ Năm đề tài “Sự chào đón triệt để: trên đường đến các vùng ngoại vi” và vào ngày này, các nữ tu có buổi yết kiến Đức Thánh Cha Phanxicô. Cuối cùng, vào thứ Sáu, các tham dự viên làm việc xoay quanh chủ đề “Lời mời gọi hoán cải”.

Đón nhận tính dễ bị tổn thương trong tiến trình hiệp hành

Sơ Mary Kudiyiruppil, Phó thư ký điều hành giải thích thêm về chủ đề của Hội nghị “Đón nhận tính dễ bị tổn thương trong tiến trình hiệp hành”. Theo sơ, tính dễ bị tổn thương là tình trạng khó khăn chung của con người đòi hỏi lòng nhân ái, liên đới và hỗ trợ. Thông thường, người ta thích che giấu sự tổn thương của mình, cố gắng tạo ấn tượng rằng mọi thứ trong tầm kiểm soát. Điều này là do tính dễ bị tổn thương có thể khiến bạn xấu hổ và bị cho là một dấu hiệu của sự yếu đuối.

Đối với các dòng tu, càng khó tỏ ra mình dễ bị tổn thương vì những giả định về việc xây dựng đời sống thánh hiến như đức tin vào Thiên Chúa, cầu nguyện, bảo đảm được Thiên Chúa và Giáo hội kêu gọi và sai đi.

Ngày nay, các hội dòng đang gặp phải tình trạng dễ bị tổn thương từ nhiều nơi. Chúng tôi trải nghiệm tình trạng dễ bị tổn thương về giảm số lượng. Đối với nhiều dòng, sự suy giảm về số lượng đang khiến họ trở nên dễ bị tổn thương. Chúng tôi cảm thấy dễ bị tổn thương từ cấu trúc bên trong của chính đời sống dâng hiến khi chúng tôi đối diện với những vấn đề, thách đố và sự tấn công. Chúng tôi gặp phải tình trạng dễ bị tổn thương từ bên trong các thành viên của chúng tôi trong cộng đoàn, những người đang tìm kiếm sự thay đổi và phù hợp.

Điều quan trọng cần lưu ý là chủ đề của Hội nghị nói rằng “đón nhận” tính dễ bị tổn thương, khác với việc chỉ khoan thứ hoặc chịu đựng. “Đón nhận” xảy đến khi có sự ấm áp và gần gũi trong một mối quan hệ tốt đẹp. Đó là về việc nhận ra, kết bạn và tin tưởng khi dễ bị tổn thương. Và trong cuộc gặp gỡ trung thực này, có sức mạnh, sự chữa lành và hy vọng. Đón nhận sự tổn thương là đón nhận Thập giá với hy vọng Phục sinh. Mục tiêu của Hội nghị toàn thể của Liên hiệp Quốc tế các Bề trên Tổng quyền dòng nữ không chỉ là để than phiền về tình trạng dễ bị tổn thương của các nữ tu, nhưng là để xem các nữ tu, những người vẫn là một sức mạnh đáng kể trong Giáo hội và xã hội, có thể duy trì ngọn lửa hy vọng qua sự hiện diện và sứ vụ của họ trong thế giới.

Là những người lãnh các hội dòng, chúng tôi nhận thức được vai trò của mình trong việc thúc đẩy và thúc đẩy chiều hướng này.

Đức Hồng y Tổng trưởng Bộ tu sĩ mời gọi các nữ tu tìm lại đoàn sủng

Cũng liên quan đến tính dễ bị tổn thương, trong ngày thứ Ba, tại Hội nghị, Đức Hồng y João Braz de Aviz, Tổng trưởng Bộ Tu sĩ đã nêu bật một số khía cạnh của tình trạng dễ bị tổn thương trong đời sống thánh hiến hiện nay.

Đức Hồng y nói: “Các tu sĩ nam nữ được an ủi nhiều bởi trải nghiệm đức tin, vì thế chúng ta được kêu gọi đón nhận tính dễ bị tổn thương của chúng ta. Một tình trạng không khác với những người chúng ta đồng hành”. Ngoài ra, Tổng trưởng Bộ Tu sĩ nhìn nhận rằng “đời sống thánh hiến đang trải qua một khủng hoảng sâu sắc. Do đó, chúng ta phải sống như Công đồng Vatican II mời gọi: là những môn đệ của Chúa Giêsu cùng với toàn thể Dân Chúa tìm lại căn tính của đoàn sủng của mỗi hội dòng và đấng sáng lập”.

Hiệp hành tính

Về chủ đề “Hiệp hành tính” cho ngày thứ hai và thứ ba của Hội nghị toàn thể, sơ Franca Zonta, thành viên của Hội đồng Điều hành của Liên hiệp Quốc tế các Bề trên Tổng quyền dòng nữ cho biết: Chúng tôi tự hỏi: con đường hiệp hành sẽ biến đổi đời sống thánh hiến như thế nào? Và trên hết: đóng góp của đời sống thánh hiến cho tiến trình này liên quan đến toàn thể Giáo hội như thế nào? Là phụ nữ và là nữ tu chúng tôi cảm thấy được chất vấn cách đặc biệt từ chủ đề, hành trình này, một hành trình mà chúng tôi với tư cách là Liên hiệp Quốc tế các Bề trên Tổng quyền đã và đang thực hiện, từ khi Thánh Thần linh hoạt Công đồng Vatican II, đã thúc đẩy chúng tôi quy tụ lại với nhau để lập nên Liên Hiệp này, một diễn đàn hỗ trợ chúng tôi đối diện với những thách đố và cùng phát triển, đáp ứng những thách đố của thời đại.

Hiệp thông, tham gia và sứ vụ, những từ khoá của Thượng Hội Đồng, đối với chúng tôi cũng là một thách đố không ngừng chất vấn chúng tôi.

Hành trình của chúng tôi nảy sinh từ ước muốn: 1/Trước hết làm chứng cho sự hiệp thông giữa các đoàn sủng khác nhau, vẻ đẹp của của sự đa dạng trong các hình thức khác nhau của đời sống thánh hiến; 2/Tham gia và chia sẻ kinh nghiệm, hiểu bằng trực giác, ý tưởng, hy vọng; 3/ Tập hợp sức mạnh và nguồn lực cho sứ vụ mà hơn bao giờ hết ngày nay đòi hỏi sự hợp lực, bao gồm, hội nhập.

Và điều này có thể xảy ra ở mức độ mà chúng tôi cùng nhau suy tư, chia sẻ, làm cho tính liên văn hóa, một đặc điểm của các hội dòng, một cơ hội tuyệt vời để trải nghiệm và cho thấy rằng ước mơ của Đức Thánh Cha Phanxicô, được thể hiện trong “Fratelli tutti”, là có thể.

Hiệp hành tính chạm đến một đề tài mà với tư cách là nữ tu, chúng tôi rất cảm nhận được. Chúng tôi đã đi một chặng đường dài, nhưng con đường vẫn còn xa.

Cuộc gặp gỡ làm cho chuỗi này rung động hơn nữa. Tìm thấy chính mình cùng nhau sẽ cho phép chúng tôi nói một cách mạnh mẽ, bằng những ngôn ngữ và cách thức khác nhau, nhưng với một trái tim duy nhất “Adsumus Sancte Spiritus – Này chúng con trước nhan Ngài, Lạy Thánh Thần!” Bởi vì đây là thái độ khích lệ chúng tôi khi bắt đầu phiên họp toàn thể này: ý thức về tình trạng dễ bị tổn thương của chính mình và tin tưởng mở ra trước tác động của Chúa Thánh Thần.

Chúng tôi đứng trước Chúa Thánh Thần: canh tân đời sống thánh hiến từ sâu thẳm sao cho phong cách hiệp hành phải làm cho chúng tôi sinh động không chỉ đôi khi nhưng còn mang tính cơ cấu, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với chúng ta trong diễn văn khai mạc Thượng Hội Đồng.

Và để nó không chỉ là một từ thời thượng mà ngày nay chúng ta xướng lên trong mọi bài diễn văn và trong mọi lĩnh vực, nhưng cần phải dấn thân huấn luyện. Bước ngoặt sẽ được hình thành bởi vì chỉ có thay đổi tư duy, chỉ có một quan niệm lãnh đạo, phong cách quyền bính mới thì mới có thể khiến chúng ta tiến nhanh chóng hơn trên con đường của một sự hiệp hành đích thực và hiệu quả.

Ngọc Yến

Nguồn: Đài Vatican News