Trong hai ngày 28 và 29/11, các đại diện châu lục đã có cuộc họp tại Vatican để thảo luận về “Tài liệu cho Giai đoạn Lục địa” và trình bày với ĐTC Phanxicô về những hoa trái, kết quả và đề xuất của giai đoạn tham vấn.
Trong hai ngày gặp gỡ, các đại diện đã thảo luận về một số thách đố của tiến trình Thượng Hội Đồng. Đồng thời, một số tham dự viên nhận thấy cần phải có một định nghĩa chính xác về cụm từ “bao gồm” liên quan đến cách nhìn về tiếng nói và quan điểm của những người không Công giáo hoặc từng là Công giáo; hiểu lầm rằng quá trình tham vấn có nghĩa là đáp ứng tất cả những yêu cầu được đưa ra; tiếng nói của phụ nữ được đưa ra là một thách đố đặc biệt ở những nơi mà xã hội vẫn còn chế độ gia trưởng; và phương tiện truyền thông giải thích Thượng Hội Đồng từ góc nhìn xã hội học hơn là Giáo hội.
Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich, tổng tường trình viên Thượng Hội Đồng Giám Mục cho biết, trong suốt chặng đường, tiến trình của Thượng Hội Đồng đã phải đối diện với những “cám dỗ”. Đặc biệt trên các phương tiện truyền thông có một cám dỗ muốn chính trị hoá Giáo hội. Ngài nói: “Một số người đưa ra chương trình cải cách Giáo hội. Họ biết rất rõ những gì cần phải làm và họ muốn sử dụng Thượng Hội Đồng cho mục đích đó. Họ muốn khai thác Thượng Hội Đồng, chính trị hóa Thượng Hội Đồng. Một thành phần khác ngược lại, là những người “lạc hậu”, không chịu hiểu rằng một truyền thống Công giáo thực sự cần mở ra trong khi vẫn duy trì bản chất. Đó là những người muốn làm chậm tiến trình Thượng Hội Đồng.”
Tuy nhiên, Đức Hồng Y cho biết, 30 tham dự viên từ khắp nơi trên thế giới đã gặp nhau tại Vatican trong hai ngày này “muốn có thể đi vào một sự phân định thực sự, một sự phân định tông đồ, truyền giáo, để Giáo hội có thể thực hiện sứ vụ của mình trong thế giới. Chúng ta muốn đi cùng nhau, cùng với Giáo hội và trên hết là với Chúa Thánh Thần và với Chúa Giêsu, để chỉnh trang lại Giáo hội chúng ta”.
Nhận định về hai ngày họp, Đức Hồng Y Mario Grech, Tổng Thư ký Thượng Hội đồng Giám mục khẳng định: “Một cuộc gặp gỡ cho thấy sức sống của Giáo hội. Tôi cảm thấy biết ơn và ngạc nhiên. Tôi đã nghe chứng từ về một Giáo hội sống động. Việc chia sẻ những ngày này cho thấy hành trình đang diễn ra tốt đẹp và chúng ta có rất nhiều điều để học hỏi lẫn nhau. Tôi có rất nhiều hy vọng cho nhiệm vụ của chúng ta, trước hết là truyền giáo: loan báo tin mừng của Chúa Giêsu Kitô”.
Ngài nói thêm: “Chúng ta không được loại trừ bất kỳ ai, nhưng lắng nghe tất cả mọi người. Ngay cả những người ở bên ngoài khuôn khổ chính thức của Giáo hội, bởi vì, đôi khi, Giáo hội hiện diện ở nơi mà chúng ta không nghĩ tới. Đó là tiến trình hiệp hành. Trên con đường này chúng ta không được sợ những căng thẳng vốn cũng có thể là điều bổ ích.”
Vào ngày cuối, các đại diện đã trình bày với ĐTC Phanxicô về những thành quả, yêu cầu và đề xuất nảy sinh trong giai đoạn tham vấn, nghĩa là giai đoạn đối thoại và lắng nghe dân Chúa tại các lục địa hoặc khu vực tương ứng của họ.
Ngọc Yến
Nguồn: Đài Vatican News