“Cùng nhau bước đi để thúc đẩy hòa bình” là tên của cuộc hành hương tại Thái Lan của các nhà lãnh đạo tôn giáo do các tu sĩ dòng Salêdiêng tổ chức từ ngày 13/11/2020 đến 10/01/2021.
Được cộng đoàn tu sĩ dòng Salêdiêng của Hat Yai, thuộc tỉnh Songkhla tổ chức, cuộc hành hương “Cùng nhau bước đi để thúc đẩy hòa bình” có tổng cộng 4000 km đi bộ. Sự kiện có nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo tham gia bắt đầu vào ngày 13/11 năm ngoái tại biên giới Amphoe Betong, tỉnh Yala, và kết thúc vào Chúa nhật 10/01 ở khu vực phía bắc của đất nước, tại biên giới của Amphoe Chiang Khong, tỉnh Chiang Rai.
Tinh thần huynh đệ được Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích trong Thông điệp Fratelli tutti đã được cụ thể hóa trong suốt cuộc hành hương, qua những cử chỉ nhỏ trao đổi giữa những người hành hương và những sáng kiến mang tính biểu tượng.
Bắt đầu khởi hành, cộng đoàn Salêdiêng đã tập họp tại giáo xứ Đức Mẹ Lộ Đức một nhóm các nhà sư khất thực và đại diện 5 tôn giáo: Phật giáo, Kitô giáo, Hồi giáo, Ấn giáo và Sikh. Tất cả cùng nhau thực hiện cuộc đi bộ xuyên Thái Lan từ nam đến bắc.
Theo ban tổ chức, cuộc hành hương là dịp các tôn giáo gặp gỡ nhau và đồng thời là cơ hội để mọi người cùng tổ chức, đưa ra các sáng kiến cho các hoạt động khác trong năm 2021. Sáng kiến liên tôn được thúc đẩy để tạo ra sự hiệp lực giữa năm tôn giáo hiện diện ở Thái Lan, dựa trên giáo lý của mỗi tôn giáo, và để có sự cộng tác giữa các tín đồ của các tôn giáo nhằm phát triển một sự hiểu biết lẫn nhau, trách xa chủ nghĩa duy vật, xây dựng và mang lại hòa bình cho tất cả mọi người ở Thái Lan và các nơi khác.
Trong suốt cuộc hành trình, những người hành hương đã làm bầu khí trở nên linh hoạt với các cuộc trò chuyện liên quan đến liên tôn, và thực hiện một số cuộc viếng thăm các tín đồ và các nơi thờ tự của nhau. Và vào những ngày cuối của cuộc hành hương, các cộng đoàn và trung tâm khác của các tu sĩ dòng Salêdiêng ở Ronphiboon và Chumphorn cũng tham gia các hoạt động thúc đẩy hòa bình.
Theo nhận định của một số người, cuộc hành hương để thúc đẩy hòa bình là một thời điểm cụ thể và thực tế cho đất nước. Vì trong năm qua, Thái Lan đã chứng kiến việc hàng ngàn người biểu tình, yêu cầu chính phủ từ chức, cải cách Hiến pháp và giảm bớt quyền của nhà vua. Một điều chưa từng có trước đây tại một đất nước mà uy quyền hoàng gia hiện diện ở mọi khía cạnh xã hội như Thái Lan. (CSR_156_2021)
Ngọc Yến
Nguồn: Đài Vatican News