Các thừa sai Dòng Đức Bà An Ủi và nỗ lực chống nạn ăn cướp đất của các thổ dân Brasil

12/06/2018

Trong năm nay 2018 các thừa sai dòng Đức Bà An Ủi mừng kỷ niệm 70 năm hiện diện và truyền giáo trong bang Roraima bên Brasil. Tuy các thừa sai đã đến đây vào năm 1948, nhưng mãi đến năm 1971 các vị mới rõ ràng lựa chọn công khai bênh vực các thổ dân. Và năm 1972 các thừa sai bắt đầu đến sống trong các làng của thổ dân. Đây là một thay đổi triệt để trong cung cách rao truyền Tin Mừng cho các thổ dân. Từ một viễn tượng truyền giáo duy bí tích, tùng phục quyền lực mạnh mẽ của giới đại điền chủ các thừa sai dòng Đức Bà An Ủi bước sang một loại mục vụ ngôn sứ và giải phóng, được thực thi trong các làng mạc của thổ dân và đồng hành với các thổ dân. Sự lựa chọn này cũng đã đã được giáo phận Roraima chấp nhận, khiến cho ĐC Aldo Mongiano Giám Mục Roraima, các thừa sai và nhân viên của Giáo Hội bị bách hại, bôi nhọ, nói xấu và đe dọa bị giết chết. Các tay đại điền chủ treo giải thưởng rất lớn cho ai hạ sát được Đức Cha.

Chương trình truyền giáo mới của các thừa sai có tên là “Chương trình của Thiên Chúa cho chúng ta”. Việc suy tư đề tài này đã hướng dẫn hoạt động rao truyền Tin Mừng, bằng cách sát nhập đức tin vào đời sống, trong đó việc giải phóng đất đai là mục tiêu chính. Năm 1972 các thừa sai thành lập “Hội đồng cố vấn thổ dân” gọi tắt là CIMI. Hội đồng này từ từ đã trở thành dụng cụ suy tư và yểm trợ cuộc tranh đấu bảo vệ đất đai, phẩm giá và quyền lợi của các thổ dân.

Hiện nay có 7 linh mục trẻ người Phi châu của dòng đang cùng một tu huynh người Ý hoạt động trong vùng Đất thổ dân Raposa Serra do Dol. Đây là vùng đất rộng 1,7 triệu héc ta, và năm 2005 đã được chính phủ của tổng thống Brasil Lula da Silva công bố là vùng đất được che chở, nghĩa là chỉ dảnh riêng cho các thổ dân. Việc thừa nhận này đã diễn ra sau 34 năm tranh đấu của các thổ dân chống lại nạn xâm lăng và ăn cướp đất đai của họ, khiến cho 21 thổ dân và các lãnh tụ thổ dân bị thiệt mạng.

** Trong khoản 231, triệt 2 Hiến pháp liên bang nhà nước Brasil thừa nhận “Các vùng đất truyền thống do các thổ dân chiếm đóng được dành riêng cho quyền sở hữu thường hằng của họ, và họ có quyền sử dụng các tài nguyên phong phú, các quặng mỏ, hồ và sông ngòi tại đây”. Trong các vùng Surumu, Sierras, Baixo Cotingo và Raposa gồm hơn 200 làng các thổ dân. Cuộc sống của dân chúng luôn luôn được tổ chức chung quanh một thủ lãnh gọi là “Tuxaua”.

Trong các cộng đoàn và các trường học nhiều cấp khác nhau hầu như tất cả các giáo viên đều là các thổ dân. Sự hiện diện của trẻ em và người trẻ gây kinh ngạc cho những ai tới thăm. Khoảng 60% tổng số dân toàn vùng là người trẻ dưới 15 tuổi. Chúng là một bảo đảm cho tương lai, nhưng đồng thời cũng bao gồm các thách đố.

Vào năm 1977 có khoảng một trăm thủ lãnh Tuxaua và các đại diện thổ dân khác tổ chức một trong các phiên họp đầu tiên trong cứ điểm truyền giáo Surumu, nhưng bị quân đội đột nhập giải tán. Tuy nhiên, các thủ lãnh Tuxaua không sợ hãi trước các đe dọa đàn áp. Họ giải tán, nhưng sau đó lại tổ chức họp ở một nơi khác. Sự kiện này được coi như hành động công khai kháng cự lại sự đàn áp của chính quyền và kiếm tìm quyền tự quyết của phong trào các thổ dân tranh đấu bảo vệ các quyền lợi của họ. Rất có thể vì thế năm 2005 nhà thờ, trường học và trung tâm y tế của cứ điểm truyền giáo Surumu đã bị đốt phá trong một trong các tấn công do những người muốn xâm lấn và ăn cướp đất đai của các thổ dân chủ mưu.

Khúc rẽ quyết liệt xảy ra ngày 26 tháng 4 năm 1977, khi trong cuộc họp tại làng Maturuca cách Boa Vista 320 cây số, các thổ dân quyết định “nói “không” với rượu và nói “có” với cộng đoàn”, và tiến hành việc tổ chức phong trào bênh vực quyền lợi của các thổ dân, đạt tột đỉnh với việc thành lập “Hội đồng thổ dân Roraima” viết tắt là CIR. Mục đích của hội đồng là dấn thân chống lại các người tìm vàng và đá quý “garimperos”, và các nông dân không phải gốc thổ dân xâm lăng và ăn cướp đất đai của các thổ dân.

Một trong các động lực lớn tạo thuận tiện cho cuộc tranh đấu này là sự thành công của chương trình “Mỗi một thổ dân một con bò”, được phát động năm 1980, theo đó mỗi cộng đoàn thổ dân được giao cho 52 con bò để họ chung nhau chăn nuôi trong vòng 5 năm, rồi sau đó tới lần họ cung cấp 52 con bò cho một cộng đoàn thổ dân khác. Sáng kiến này đã được Giáo Hội công giáo và nhiều ân nhân yểm trợ, và đã giúp gầy dựng các trang trại chăn nuôi cộng đồng lên tới 30.000 con bò.

** Cha Philip Njoroge nhấn mạnh rằng giờ đây anh chị em thổ dân là các tác nhân chính. Các thừa sai chúng tôi chỉ theo dõi và đồng hành với họ làm sao để cho cuộc sống của họ được triển nở trong việc hoàn toàn tôn trọng các quyền lợi, nền văn hóa và sự khôn ngoan truyền thống của họ. Sau 70 năm hiện diện các thừa sai dòng Đức Bà An Ủi đã học biết đồng hành với các thổ dân, chia sẻ các niềm hy vọng, các cuộc tranh đấu, các niềm vui, nỗi buồn và khổ đau của họ, bằng cách bẻ gẫy các ranh giới và mô thức bảo thủ của việc loan báo Tin Mừng.

Giáo sư Andre Pereira, thủ lãnh thứ hai của vùng Maturuca, tóm tắt các thách đố lớn mà các thổ dân phải đương đầu là: tôn trọng các dấn thân, săn sóc lo lắng cho đất đai và gia tăng sản xuất, sống phù hợp với chương trình của Thiên Chúa đối với chúng tôi, hoạt động trong các cộng đoàn để cùng nhau đương đầu với các vấn đề và các chướng ngại. Cần cấp bách đầu tư vào việc đào tạo và giáo dục giới lãnh đạo cộng đoàn, tức các Tuxaua, các chuyên viên phối hợp cộng đoàn, các người chăn nuôi, các giáo lý viên và các nhân viên y tế… làm sao để họ hiểu biết rõ ràng và thấu đáo vai trò của họ”.

Ông Inacio Brito, một trong các giáo sư đầu tiên đề ra chương trình giáo dục cho các thổ dân, cho rằng cần hiện diện nhiều hơn nữa trong các cộng đoàn để giúp họ chống lại các đe dọa. Ông nói: ngày nay đường lối chính trị của các đảng phái tại Brasil là muốn chia rẽ bằng cách rải các mục sư tin lành vào trong các cộng đoàn có hàng lãnh đạo yếu ớt. Họ muốn lấy mất đi các quyền lợi, mà Hiến pháp dành cho chúng tôi là quyền được giáo dục, được săn sóc sức khỏe, quyền tự do di chuyển, quyền có các dự án cho đời sống vv. Chính sách này là một bách hại chống lại các thổ dân. Cuộc tranh đấu bảo vệ đất đai nảy sinh do sự hiệp nhất giữa nhiều miền khác nhau, nhưng nhiều điều đã thay đổi mặc dù Hội đồng thổ dân Roraima tiếp tục nỗ lực phối hợp. Đường lối chính trị của nhà nước là chia rẽ các nhóm để làm suy yếu các thổ dân. Bằng chứng là việc tu chính Hiến pháp do hai chính trị gia chống thổ dân đề xướng. Họ đem bò đến cho các thổ dân, nhưng không phải với dụng ý tốt. Nhận các cống hiến này là điều tốt để bù vào các mất mát. Nhưng phải rất cẩn thận đối với việc lèo lái và nguy cơ xâm lăng và chia rẽ của họ. Ông Brito nói: giới chức chính trị đã luôn luôn chống lại thổ dân chúng tôi giờ đây bất thình lình họ đem mật ong tới cho chúng tôi. Cần phải mở mắt tỉnh táo để đừng rơi vào âm mưu của họ.”

** Chị Marisete de Souza, là một trong các chuyên viên phối hợp phong trào bảo vệ quyền lợi của các thổ dân, cho biết hiện nay nữ giới cũng dấn thân trong tổ chức “Phụ Nữ thổ dân Roraima” với các chương trình đào tạo và trợ giúp kinh tế, cho thấy các kết quả tổ chức đã đạt được trong thời gian qua: số súc vật gia tăng, việc trồng tỉa được cải tiến, và đã có vài chị em phụ nữ giữ chức thủ lãnh Tuxaua. Chị nói: dấn thân của chúng tôi là củng cố căn tính và các truyền thống thổ dân. Chúng tôi làm điều đó qua chương trình làm việc thảo luận chung, qua các khóa đào tạo, cũng như các cuộc hội họp. Nhiệm vụ là phụ nữ, là mẹ, là vợ trong gia đình và là thành viên hoạt động tích cực của chúng tôi đó là tranh đấu cho việc phát triển có thể thực hiện được và chống lại việc dùng các loại rượu. Chúng tôi cộng tác với các thừa sai và được các vị trợ giúp tận tình.

Chương trình che chở đất đai đã được thực hiện tại nhiều nơi sau khi hết nạn đại điền chủ tác oai tác quái. Chẳng hạn trong vùng đất trước đây của điền chủ Jair, đã nảy sinh ra cộng đoàn mới với 19 gia đình. Họ thường xuyên gặp gỡ và thảo luận các vấn đề với nhau. Ông Jacir Jose de Souza, một trong hai thủ lãnh cộng đoàn, cho biết trong các thách đố chính có việc kể lại cho trẻ em và người trẻ biết các kết quả đã đạt được và các dấn thân cần tiếp tục. Ngoài ra, cần tỉnh thức trước các vụ xâm lăng và ăn cướp đất đai mới. Còn ông Matias de Lima thì cho biết ông đã từng bị bắt, bị tra tấn và đánh gẫy xương vai. Điều khiến cho ông lo ngại là các thủ lãnh cộng đoàn ngày nay không cương quyết như ngày xưa, và giới chức chính trị đã mua chuộc được vài người. Con cháu chúng tôi cần có lương thực để sống còn. Vì thế tôi sẽ tranh đấu cho tới hơi thở cuối cùng cho quyền lợi của chúng tôi.

Marinho Macuxi Souza, một trong các con trai của ông Matias, cho biết là trước đây người da trắng đã cấm không cho chúng tôi săn bắn, câu cá và trồng tỉa. Họ đã bắt giữ, đánh đập và đốt phá nhà cửa của chúng tôi và cứ điểm truyền giáo Surumu. Ngày nay chúng tôi thấy cha mẹ chúng tôi không còn phải đau khổ vì bạo lực nữa. Liên quan tới đất đai chúng tôi đang cố gắng làm tốt chừng nào có thể, theo các nguyên tắc canh tác có thể thực hiện được và việc đào tạo kỹ thuật mà chúng tôi đã học được tại trường ở Surumu như: cách chăn nuôi súc vật, cách trồng tỉa rau không dùng chất trừ sâu bọ. Nhưng cần phải làm nhiều hơn nữa để bảo vệ đất đai.

** Hai vợ chồng ông Edinho Batista và bà Catiane de Souza vừa mới từ thủ đô Brasilia trở về. Họ mới tham dự “Trại đào tạo Terra Livre lần thứ 15” trong các ngày từ 23 tới 27 tháng 4 vừa qua quy tụ 3.000 tham dự viên đến từ khắp nơi trong toàn nước Brasil. Họ cho biết hiện còn có 836 vùng đất cần chia ranh giới cho các thổ dân. Chúng tôi phải che chở bảo vệ Mẹ Đất của chúng tôi, và giờ đây chúng tôi muốn giúp đỡ các anh chị em thổ dân khác giải phóng đất đai của họ. Trại đào tạo có đề tài là “Hiệp nhất cuộc tranh đấu bảo vệ các thổ dân: bảo đảm các nhu cầu đầu tiên của các thổ dân”. Mặc dù có các đầu tư nhưng vẫn còn rất nhiều vấn đề liên quan tới lãnh vực sức khỏe, giáo dục, an ninh, hạ tầng cơ sở. Văn phòng thư ký sức khỏe thổ dân đã chỉ được thành lập hồi năm 2010. Hầu như trong mọi cộng đoàn thổ dân đều có các trường tiểu học. Vài trung tâm chính có các trường trung học và chương trình giáo dục cho giới trẻ và người lớn. Nhưng rất tiếc nhiều cơ cấu ở trong tình trạng tạm bợ cần có các cải tổ, nhưng chính phủ rất hiếm khi làm điều đó. Để xây các trường học và trung tâm y tế mới vài cộng đoàn đã tín thác nơi các dự án của Giáo Hội công giáo, và sự trợ giúp của các thừa sai. Văn phòng các dự án phát triển của các thừa sai dòng Đức Bà An Ủi đã yểm trợ vài chương trình xây cất này. Nhưng các khoảng cách quá xa và đường lộ quá xấu, khiến cho việc xây cất gặp nhiều khó khăn và mắc mỏ.

Rất thường khi việc trợ giúp các thổ dân bị chậm lại, vì các tranh luận nhiệm vụ chuyên môn giữa các tổ chức chính quyền liên bang, của nhà nước và của tỉnh lỵ địa phương. Ngoài ra, cũng còn có các tuyên truyền xuyên tạc của giới đại điền chủ và giới chức chính trị không muốn cho các thổ dân phát triển cuộc sống của họ. Tuy gặp nhiều khó khăn các thổ dân vẫn tiếp tục các sinh hoạt truyền thống và phát huy các giá trị văn hóa của họ. Các cộng đoàn rất sinh động, được tổ chức chu đáo với đông đảo người trẻ, có thực phẩm nuôi sống, có cuộc sống tinh thần đạo đức và ý thức công dân sâu xa. Sự bần cùng của họ là gia tài do các kẻ xâm lăng để lại, khi bạo hành, hủy hoại và đốt phá nhà cửa, các nơi thờ tự, trường học và trung tâm y tế của ho. Những kẻ xâm lăng và ăn cướp đất đai này tiếp tục là một đe dọa đối với quyền tự quyết và phẩm giá và quyền lợi của các thổ dân.

Linh Tiến Khải

Nguồn: Đài Vatican