Chúa Nhật XXVII Thường Niên A – Sự Lạ Nơi Mắt Chúng Ta – Giải thích bản văn Tin Mừng

01/10/2020

Mt 21,33-43: Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các thượng tế và các kỳ lão trong dân rằng: “Các ông hãy nghe dụ ngôn này: Có ông chủ nhà kia trồng được một vườn nho. Ông rào dậu chung quanh, đào hầm ép rượu và xây tháp canh, đoạn ông cho tá điền thuê, rồi đi phương xa. Đến mùa nho, ông sai đầy tớ đến nhà tá điền để thu phần hoa lợi. Nhưng những người làm vườn nho bắt các đầy tớ ông: đánh đứa này, giết đứa kia và ném đá đứa khác. Chủ lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước, nhưng họ cũng xử với chúng như vậy. Sau cùng chủ sai chính con trai mình đến với họ, vì nghĩ rằng: Họ sẽ kính nể con trai mình. Nhưng bọn làm vườn vừa thấy con trai ông chủ liền bảo nhau: ‘Đứa con thừa tự kia rồi, nào anh em! Chúng ta hãy giết nó đi và chiếm lấy gia tài của nó’. Rồi họ bắt cậu, lôi ra khỏi vườn nho mà giết. Vậy khi chủ về, ông sẽ xử trí với bọn họ thế nào?” Các ông trả lời, “Ông sẽ tru diệt bọn hung ác đó, và sẽ cho người khác thuê vườn nho để cứ mùa nộp phần hoa lợi”.

Chúa Giêsu phán: “Các ông chưa bao giờ đọc thấy trong Kinh Thánh: ‘Chính viên đá bọn thợ loại ra, đã trở nên viên đá góc. Đó là việc Chúa làm và là việc lạ lùng trước mắt chúng ta!’ Bởi vậy, Tôi bảo các ông: Nước Thiên Chúa sẽ cất khỏi các ông để trao cho dân tộc khác biết làm cho trổ sinh hoa trái”.  

Dụ ngôn nầy được cả ba tin mừng nhất lãm ghi lại (Mt 21,33-43; Mc 12,1-12; Lc 20,9-19), và chỉ Matthêô thêm dụ ngôn “hai người con” vào giữa tranh luận về quyền bính của Chúa Giêsu và dụ ngôn nầy. Đây là một trong ba dụ ngôn Chúa Giêsu nói trong đền thờ Giêrusalem (21,28-32, 21,33-46, 22,1-10). Những người đứng nghe Ngài là các thượng tế, kinh sư, niên trưởng và Pharisêô. Khung cảnh “trong đền thờ” Giêrusalem (21,12.14.15.23) là cái chốt quan trọng giúp hiểu được những vấn đề được đặt ra trong chương nầy. Giêrusalem tượng trưng cho dân tộc và Nước Thiên Chúa (x. Isa. 2,2–3; 40,4; Luca 21,24). Và đền thờ là biểu tượng hữu hình sự hiện diện của Thiên Chúa. Việc nêu rõ các thượng tế, kinh sư, Pharisêô, niên trưởng “trong đền thờ” biện minh cho quyền lãnh đạo tôn giáo của họ. Bởi đó, họ đến như người có qưyền tra vấn Chúa Giêsu Kitô về “quyền giảng dạy” của Ngài; dĩ nhiên là trong đền thờ (21, 23-27). Phần Chúa Giêsu, Ngài kể ra hai dụ ngôn “Hai người con” và “Tá điền vườn nho” nhằm cho họ thấy họ đã hành xử như thế nào với quyền lãnh đạo tôn giáo nầy.

Đoạn 21,33-46 có thể được chia thành hai phần: Dụ ngôn Tá điền vườn nho (21,33-39) và Áp dụng dụ ngôn(21,41-46). “Nghe” và “dụ ngôn” đóng khung đoạn nầy (cc. 33.45).

Dụ ngôn Tá điền vườn nho (cc. 33-39)

Trình thuật nầy gồm: – Khung cảnh của dụ ngôn là vườn nho (c. 33), – Chủ sai các tôi tớ đi và họ bị ngược đãi (cc. 34- 39). Phần nầy gồm ba lần sai đi và ba lần đáp trả: – Lần đầu tiên, Chủ nhân sai các tôi tớ đi, các tá điền đánh đập, giết, ném đá họ (cc. 34-35), – Lần nữa, chủ nhân sai thêm nhiều tôi tớ khác, các tá điền cũng đối xử với họ như vậy (c. 36), – Sau cùng, chủ nhân sai Con của ông đến, các tá điền lôi người con nầy ra ngoài vườn nho và giết đi (cc. 37-39).

Thêm một lần nữa, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn để nói với các nhà lãnh đạo do thái. Lần nầy, Ngài mở đầu dụ ngôn bằng mệnh lệnh “Hãy nghe đây!” (x. 13,18), không chỉ để kéo sự chú ý mà còn vì tính nghiệm trọng của nội dung dụ ngôn (cc. 28-32).

“Một người làm một vườn nho…” (c. 33). Dụ ngôn tá điền vườn nho của Matthêô rất gần với bài ca vườn nho trong Is 5,1-7. Dụ ngôn bắt đầu bằng mô tả ông chủ lập một vườn nho. “Vườn nho” (Heb. kerem, Gk. ampelōn) trong nông nghiệp ngày xưa của Israel là vườn nằm trên đồi trong đó người ta trồng ba loại cây ăn trái chính: cây ôliu, cây vả và cây nho. Bởi đó, các loại cây nầy thường được nêu lên chung với nhau; chẳng hạn sách Quan án 9,7-15; Tv 128,3; Hc 39,26-27 (x. Myers, A. C.,The Eerdmans Bible Dictionary, Grand Rapids, Mich, 1987, trg. 1038; Krauss, S., Talmudische Archäologie, 3 vols., 1910-12, Olms, 1966, 2.202-6, 228-29); câu chuyện Chúa Giêsu thấy cây vả không có trái (cc. 18-22) và dụ ngôn vườn nho nầy làm chúng ta có thể nghĩ là Ngài đã thấy một vườn nho bên đường khi Ngài trở lại Giêrusalem, và Ngài dùng cả hai trong giáo huấn của Ngài. Hàng rào vườn nho, có thể làm bằng gỗ cây hoặc đá,  chất thành hàng chung quanh, để bảo vệ khỏi thú dữ và trộm cướp (x. Tv 80,13-14). Bồn đạp nho đào sâu trong lòng đất để lấy nước cốt nho, và tháp canh để canh chừng chim trời, thú và trộm cướp. Chủ vườn đã làm tất cả những gì có thể cho vườn nho của ông.

Dụ ngôn rất giàu các chi tiết ẩn dụ. Vườn nho tượng trưng cho dân Israel (x. Is 5,7); tuy nhiên, trong dụ ngôn nầy, vườn nho cũng là Giêrusalem (c. 39; Dt 13,12tt), và Nước Thiên Chúa (c. 43). Chủ vườn nho được gọi là kyrios, chính là Thiên Chúa, (x. 13,27; 20,8; 21,40). Các tá điền là các thượng tế, Pharisêô, niên trưởng (21,23.45), nghĩa là những người lãnh đạo của Giêrusalem và Israel. Hoa trái là những việc làm tốt mà Thiên Chúa đòi hỏi (x. 3,8.10. 12,33; 13,8). Các tôi tớ là các ngôn sứ của Thiên Chúa (Esdra 9,11; Is 20,3; Giêr 7,25; Đan 9,6.10; Amos 3,7; Zach 1,6; Ezek 38,17). Người con là Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa.

Chủ đi xa và khi đến “mùa hoa quả”, chủ vườn sai các tôi tớ đến với các tá điền để thu phần hoa trái thuộc về ông (c. 34). Kỳ hạn thu hoạch chừng 5 năm sau khi trồng (x. Lv 19,23-25). Dụ ngôn nhắc đến “trái/quả”, karpos, đến 3 lần (cc. 34.41.43) cho thấy việc thu hoạch hoa trái vào đúng kỳ hạn là rất quan trọng đối với Thiên Chúa. Động từ “gần đến”, engizō, qui chiếu về Nước Trời đang đến (x. 3,2; 4,17; 10,7). Và cụm từ “gần đến kỳ hạn thời hoa trái” ám chỉ thời cánh chung đang đến. Mọi sự sẽ được quyết định cách dứt khoát khi đến “thời hoa trái”, kaios tōn karpōn (c. 34) – phân biệt với kairos tou therismos, “thời thu hoạch” (13,30). Ngay đầu tin mừng Matthêô đã kêu gọi “Hãy sinh hoa trái xứng với lòng sám hối” (3,8), và khi “thời hoa trái” đến, cây nào không sinh quả, sẽ bị chặt đi và quăng vào lửa (3,19). Vậy khi chủ vườn sai tôi tớ đi thu hoạch hoa trái là “thời hoa trái” đã đến. Cây vả trong đoạn trước không sinh trái, nên đã bị chúc dữ và chết khô ngay (21,19). Các tá điền không nộp hoa quả cho chủ, chủ sẽ lấy vườn nho đi khỏi tay họ và giao vườn nho cho các tá điền khác (c. 41); ở đây thánh sử không nói cây nho có sinh trái hay không, mà chỉ cho thấy là chủ vườn không thu được gì cả vào thời hoa quả, và nguyên nhân chính là do các tá điền.

Dụ ngôn nói đến ba lần chủ vườn sai người của ông đến. Động từ apostellō, “sai đi/đến” gắn liền với sứ vụ: Thiên Chúa sai Con Một của Ngài đến (15,24; 21,37), Chúa Giêsu sai các môn đệ đi (10,5.16.40; 11,10; 13,41; 21,34). Cả ba lần các tá điền đã đáp lại bằng bạo lực và giết chết các tôi tớ của Thiên Chúa (Mt 5,12; 23,31.34, đặc biệt 23,37; 1Thes 2,15; Dt 11,37), Zacharia bị ném đá (2 Niên sử 24,21), Stêphanô Cv 7,59).

Sau cùng chủ vườn nho quyết định sai con của ông đến (Dt 1,1-2; Mt 10, 40; 15,24). Ngài là Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa (3,17; 11,27; 17,5). Động từ entrepomai, có nghĩa là “nể trọng” một người (x. Lc 18,2; Dt 12,9). Với hai lần dùng tĩnh từ sở hữu “con của ông”, “con của tôi” (c. 37), Matthêô,để cho thấy là,chủ vườn nho nghĩ rằng vì ông mà con ông sẽ được kính nể. Nhưng các tá điền đã không kính nể (11,19; 12,24), mà còn âm mưu giết người con thừa tự ấy để chiếm đoạt gia sản (16,21; 17,23; 26,4). Ngài đã bị giết và treo trên thập giá ngoài thành Giêrusalem, “ngoài vườn nho” (c. 39; 27,32; Ga 19,20; Dt 13,12). Đến đây khuôn mặt ẩn dụ của “các tá điền” đã trở nên rõ ràng. Họ là những người lãnh đạo tôn giáo Israel.

Áp dụng dụ ngôn (cc. 40-46)

Sang phần hai, Matthêô bắt đầu bằng một câu hỏi “Vậy khi chủ vườn nho đến, ông sẽ đối xử thế nào với những tá điền ấy”. Ông bây giờ được gọi là kyrios, “Chúa”. (c. 40). Phần nầy sẽ trình bày phản ứng của chủ vườn nho. Các tá điền đã không chiếm được vườn nho như họ nghĩ, “Chúng ta sẽ có cả cơ nghiệp” (c. 38). Chủ vườn sẽ lấy vườn nho lại và giao cho các tá điền khác để nộp hoa trái đúng thời (c. 41). Đoạn nầy cũng đồng thời trình bày việc lạ lùng Thiên Chúa thực hiện là làm cho Người Con của Ngài bị giết thành “Đá góc” (c. 42.44). Phần nầy có bố cục như sau: – Câu hỏi nhập đề (c. 40); – Việc làm của Chúa (cc. 41.44); – Phản ứng tiêu cực của các lãnh đạo tôn giáo (cc. 45-46).

Các câu 41-44 nói về việc Chúa sẽ làm có cấu trúc như sau: a-b-a’-b’:

  • Giao vườn nho cho những tá điền khác – để nộp hoa trái, karpos, cho Ngài (c. 41)

b- Viên đá, lithos, bị loại bỏ… lại thành “Đágóc” (c. 42)

           a’- Giao Nước trời cho một dân tộc – để sinh hoa trái, karpos, cho Nước Trời (c. 43)

                 b’- Ai ngã nhằm viên đá, lithos, sẽ bị tan tành…( c.44).

Cấu trúc nầy cho thấy:

1 – Vườn nho chính là Nước Trời, những tá điền khác là một dân tộc khác, không còn là Israel nữa, và điều Thiên Chúa luôn luôn đòi hỏi là hoa trái, karpos, mà dân tộc mới nầy phải làm nẩy sinh và giao nộp cho Ngài đúng thời.

2- “Viên đá” chính là Chúa Giêsu Kitô. Câu trích dẫn thánh vịnh 117,22 nầy được Chúa Giêsu nói cách trọng khể khi tên của Ngài “Giêsu” được nêu lên ở câu 42. Ngài ám chỉ về chính mình. Có hai nghịch lý ở đây là “Viên đá bị loại bỏ” lại trở nên “Đá góc” trên đó ngôi nhà Hội Thánh mới sẽ được xây dựng lên (x. 16,16; 26,61; 27,40; Ga 2,19-21), và những người đã loại bỏ viên đá sẽ bị tan tành khi rơi trên viên đá nầy (x. Rom 9,33; 1 Ph 2,7-8)

Như thế, trong khi các tôi tớ và con của chủ vườn bị giết, apokteinō, (cc. 35.38.39), còn những tá điền lại bị hủy diệt, apollumi, (c. 41).Ý nghĩa của hai động từ nầy rất khác biệt nhau như chúng ta thấy trong  10,28: apokteinō là chỉ giết được thân xác, không giết được linh hồn; apollumi là hủy diệt cả hồn lẫn xác (22,27). Thiên Chúa không chỉ có thể “hủy diệt”, mà còn cứu được những người đã bị hủy diệt (x. 10,6; 15,24; 18,14); còn các Pharisêô đã tìm cách hủy diệt Ngài (12,14), nhưng họ chỉ có thể giết Ngài.

Cuối cùng là phản ứng tiêu cực của các thượng tế và Pharisêô (cc. 45-46). Hai hạn từ “nghe” và “dụ ngôn” (c. 45) đóng khung lại đoạn nầy. Tuy nhiên so với lúc đầu Matthêô đã thêm “các thượng tế và Pharisêô” (xem c. 23), và thay đổi “dụ ngôn” thành “các dụ ngôn”, số nhiều. Sự thay đổi nầy ngụ ý là Chúa Giêsu đã nói hai dụ ngôn “Hai người con” và “Tá điền vườn nho” với các nhà lãnh đạo Israel, trong đó có cả Pharisêô (x. 27,62). Qua hai dụ ngôn nầy, Chúa Giêsu đã trả lời cho họ câu hỏi về quyền giảng dạy của Ngài (c. 23). Ngài là Con Thiên Chúa được sai đến, và sẽ bị giết (26,63. 65-66; 27,40.43). Và đây là lần đầu tiên và duy nhất Chúa Giêsu Kitô loan báo trực tiếp cho những người sẽ giết Ngài cuộc khổ nạn và phục sinh của Ngài; ba lần trước đây Ngài chỉ nói riêng cho các môn đệ (16,21; 17,22-23; 20,18-19). Các thượng tế và Pharisêô hiểu rõ là Ngài nói về họ, nhưng “sợ dân chúng” đã cản trở họthực hiện việc họ muốn lúc nầy (c. 46).

Thiên Chúa mạnh mẽ và quyền năng hơn con người. Chính Ngài quyết định số phận cho Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô. Khi tìm cách loại bỏ Người Con nầy ra khỏi lòng mình, con người liều mình đánh mất đặc quyền làm con Thiên Chúa.

Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến