Dân chủ theo sự khôn ngoan của các Giáo hoàng trong bối cảnh quốc tế hiện nay

30/03/2023

Tham gia hội thảo “Dân chủ vì công ích. Chúng ta muốn xây dựng thế giới nào?” tại Đại học Giáo hoàng Gregoriana, ngày 27/3/2023, Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher, Ngoại trưởng Toà Thánh đã có bài phát biểu với tựa đề “Dân chủ theo sự khôn ngoan của các Giáo hoàng, trong bối cảnh quốc tế hiện nay”.

Hiến chương Bác ái

Bắt đầu từ việc xem xét ảnh hưởng của Kitô giáo trong việc xây dựng lý thuyết nền dân chủ đương đại, và nhắc đến Carta CaritatisHiến chương Bác ái, một tài liệu ngắn từ thế kỷ 12, được xem là bản tuyên ngôn đầu tiên cho sự chung sống dân sự và dân chủ, Đức Tổng Giám Mục Gallagher nhấn mạnh dân chủ phục vụ cho sự đoàn kết của một dân tộc, kết quả của một cam kết tạo ra sự thống nhất.

Việc xây dựng Hiến chương Bác ái là một gợi ý để trả lời câu hỏi hướng dẫn cuộc hội thảo này: Chúng ta muốn xây dựng nền dân chủ nào? Thực tế, Hiến chương không có trước, nhưng là kết quả của một trải nghiệm và mong muốn trải nghiệm này vẫn tồn tại; hay đúng hơn, ý muốn cứu độ trên hết là đoàn sủng bác ái nguyên thủy. Nền tảng của các mối quan hệ của “xã hội đan tu”, nhưng còn của một ý tưởng về xã hội dân sự và kinh tế, là nguyên tắc Bác ái.

Nhưng bác ái tác động như thế nào đối với con người và đối với tổ chức xã hội? Hiến chương Bác ái luôn nói về bác ái phải được giáo dục liên tục, cho đến mức sửa lỗi cho nhau, và điều này trước hết áp dụng cho các viện phụ, nghĩa là những người lãnh đạo các cộng đoàn, được kêu gọi để liên tục trở thành người con và môn đệ. Đối với cộng đoàn đan tu, thách đố là phải đối diện với đời sống hiệp thông, cảm nghiệm được phó thác trong tình huynh đệ, nên người lãnh đạo là người đầu tiên phải được huấn luyện và sửa sai theo nguyên tắc bác ái.

Ở điểm này, Đức Tổng Giám Mục đặt câu hỏi: “Hiến chương Bác ái dạy chúng ta thảo luận, làm việc, cam kết tạo ra sự thống nhất, đây không phải là mục tiêu của nền dân chủ sao?” Và ngài nhận xét rằng, ngày nay, dường như điều thúc đẩy chủ quyền, đảm bảo quyền tự do và bình đẳng của mọi công dân là chính trị tiêu cực, việc ủy quyền các đề xuất của người khác, bất kể chúng là gì, để tối đa hóa các mục tiêu cá nhân và sự đồng thuận, nhưng những nỗ lực tìm kiếm sự thống nhất lại ít được chú ý. Chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa vị lợi dường như là câu trả lời duy nhất cho nhu cầu hạnh phúc củng cố cơ cấu của nền dân chủ giả tạo.

Đây là lý do tại sao từ thời Đức Piô XI bác ái đã được định nghĩa là “hình thức cao nhất của chính trị”, bởi vì nó là sức mạnh duy nhất có khả năng vượt qua sự chia rẽ, không chỉ một lần, nhưng còn có thể tiếp tục mở ra để tìm kiếm sự hiệp thông và hiệp nhất.

Dân chủ còn là gì nếu không phải là sự phục vụ cho sự hiệp nhất giao hưởng của một dân tộc? Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc điều này khi nói: “chính trị, vốn bị nhiều người gièm pha, là một ơn gọi rất cao cả, là một trong những hình thức bác ái quý giá nhất, vì tìm kiếm công ích. Chúng ta phải tự thuyết phục mình rằng bác ái không chỉ là nguyên tắc của các mối quan hệ vi mô: quan hệ bạn bè, gia đình, nhóm nhỏ, mà còn là nguyên tắc của các mối quan hệ vĩ mô: xã hội, kinh tế, chính trị”.

Chính trị không còn nhằm mục đích cải thiện xã hội

Tiếp đến, Đức Tổng Giám Mục đặt câu hỏi về tác động của hiện tượng con người di chuyển đối với khả năng phục hồi của mối liên kết giữa các cá nhân, những người trở thành tập hợp các chủ thể xa lạ với nhau, nếu không muốn nói là cạnh tranh và thù địch nhau. Đặc biệt, ngài giải thích cách mà sự tăng tốc của thời nay tạo ra một mạch ngắn mà dường như những thay đổi không có định hướng thực sự. Ngài chỉ rõ, trong khi  quy trình dân chủ nhất thiết phải có nhiều lớp: đảm bảo rằng các lập luận của mọi người được chuyển thành đại diện thì cần phải có thời gian.

Theo Đức Tổng Giám Mục, hậu quả là rõ ràng: “Trong nền chính trị hiện đại, thậm chí hơn cả trong quá khứ, không phải sức mạnh của lập luận tốt nhất quyết định các chính sách tương lai, nhưng là sức mạnh của ác cảm, bản năng, phép ẩn dụ và hình ảnh gợi mở”. Ngoại trưởng Toà Thánh nhấn mạnh điều mà ngài định nghĩa là bước ngoặt thẩm mỹ trong chính trị: các chính trị gia và các nhóm giành chiến thắng trong cuộc bầu cử không có ý tưởng, chương trình và luận điểm rõ ràng.

Vì thế có một xu hướng khác trong các hệ thống dân chủ ngày nay: trong thế kỷ 21, người ta ngày càng nhận thấy rằng các cải cách chính trị không còn nhằm mục đích cải thiện các điều kiện xã hội và định hình các chính sách của chính phủ theo các mục tiêu văn hóa hoặc xã hội được xác định một cách dân chủ. Thay vào đó, chính trị dường như có mục đích duy nhất là duy trì hoặc làm cho các công ty có khả năng cạnh tranh và hỗ trợ khả năng tăng tốc. Do đó, cải cách được coi là “điều chỉnh cần thiết” đối với nhu cầu cơ cấu. Trong bối cảnh này, chính trị không thể vượt ra ngoài nhu cầu kinh tế, đó là sự hy sinh tất cả năng lượng chính trị và cá nhân trên bàn thờ cạnh tranh kinh tế xã hội.

Sự khôn ngoan của các Giáo hoàng

Đức Tổng Giám Mục nhắc đến hai vị Giáo hoàng, bắt đầu từ Đức Lêô XII đến Đức Piô XII. Chính Đức Giáo Hoàng Piô XII đã tố cáo “nguyên nhân khủng hoảng của chủ nghĩa chuyên chế là do đã xa rời học thuyết và thực hành chung sống xã hội khỏi sự quy chiếu về Thiên Chúa và do đó chà đạp lên đặc tính thánh thiêng con người, trung tâm của trật tự xã hội.

Ngoại trưởng Toà Thánh tuyên bố, với Đức Piô XII, giờ đây, học thuyết xã hội của Giáo hội tập trung vào nền dân chủ. Và những thông điệp xã hội tiếp theo sẽ đi theo con đường này. Đức Tổng Giám Mục nhắc đến sự đóng góp theo hướng này của thánh Gioan XXIII, thánh Gioan Phaolô II cho đến Đức Thánh Cha Phanxicô.

Khi còn là hồng y, vào năm 2011, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết về sự suy thoái chính trị, về sự trống rỗng của nền dân chủ, về cuộc khủng hoảng của thành phần ưu tú. Đề cập đến đạo đức, vị Giáo hoàng tương lai nhắc nhở về trách nhiệm của mọi người, đặc biệt các nguyên thủ quốc gia, cam kết khắc phục tình trạng không còn chấp nhận được cũng như không còn bền vững nữa.

Nói tóm lại, Đức Thánh Cha đề xuất nền dân chủ phải được xây dựng một cách thực chất, có sự tham gia và mang tính xã hội. Ngài khẳng định không nhất thiết phải giải quyết một “nền dân chủ cường độ thấp”.

Về vấn đề này, Đức Tổng Giám Mục Gallagher nhắc lại các bài phát biểu của Đức Thánh Cha ở Hy Lạp vào năm 2021. Trong dịp đó, Đức Thánh Cha nhấn mạnh cách khắc phục sự hồi sinh của nền dân chủ không qua việc tìm kiếm cách ám ảnh để được biết đến, khao khát tầm nhìn và tuyên bố những lời hứa không thể thực hiện được, hoặc tán thành thực dân ý thức hệ trừu tượng, nhưng nằm ở chính trị tốt với tư cách là trách nhiệm cao nhất của công dân và ‘nghệ thuật vì công ích’. Đây là phong cách chính trị dân chủ thực sự của Đức Thánh Cha, điều ngài đã nói trước Nghị viện Âu châu vào năm 2014.

Dân chủ: một hệ thống thảo luận tự do đang phát triển

“Nền dân chủ không loại trừ các đối lập chính trị, kinh tế, xã hội, tôn giáo, ý thức hệ: trái lại, dân chủ sống nhờ những đối lập đó”, Đức Tổng Giám Mục xác định và nhấn mạnh thực tế rằng không thể có nền dân chủ trong một quốc gia không được thống nhất bởi các giá trị chung và không nhận ra một số mục tiêu như mong muốn.

Nói về cơ cấu của nền dân chủ, ngài chỉ ra ba yếu tố phải tương tác với nhau, nếu không hệ thống sẽ sụp đổ: cơ sở lý thuyết, cấu trúc xã hội, cấu trúc pháp lý. Đặc biệt, trong giáo huấn Giáo hội đã chỉ rõ rằng “Nhà nước là kết cấu pháp lý của toàn xã hội này, nhưng nó không đồng hoá xã hội: nhà nước chỉ định hướng, điều phối, hợp nhất và, khi cần thiết, thay thế xã hội”.

Những căn bệnh của các nền dân chủ hiện đại

Sau cùng, Ngoại trưởng Toà Thánh đề cập đến những căn bệnh của các nền dân chủ, đó là sự suy yếu hoặc ăn mòn do sự phá vỡ liên kết quan trọng phải liên kết sự đồng thuận và sự thật; sự suy đồi chính trị, và có thể nói, vận động hành lang thoái hóa nền dân chủ; phúc lợi và sự trôi dạt quan liêu của nhà nước.

Theo Đức Tổng Giám Mục, điều đầu tiên đáng lo ngại đó là mối quan hệ giữa sự đồng thuận và sự thật. Để đưa mối quan hệ này trở lại với cách giải thích chính xác của nó, cần tin chắc rằng quy tắc đồng thuận phụ thuộc vào tiêu chí cơ bản của sự thật, do đó, liên kết với sự thật và những lý tưởng sâu sắc, được chia sẻ.

Do đó, lương tâm và cộng đồng hoá thực tế niềm tin này là điều cần thiết. Sau cùng, việc kiên trì nuôi dưỡng một mạng lưới các đức tính công dân rộng khắp là rất quan trọng. Tóm lại, nếu lãnh đạo không thành công, không có bất kỳ quy tắc nào của đời sống xã hội thì chỉ có bạo lực, phá hủy các tòa nhà và cánh đồng, hỏa hoạn và cái chết sẽ ngự trị.

Để lãnh đạo tốt, bên cạnh các nhân đức đối thần, cần phải có những đức tính lấy cảm hứng từ hòa bình, dũng cảm, thận trọng, cao thượng, tiết độ. Tất cả những điều này đã được tóm tắt trong bài phát biểu của Đức Thánh Cha Phanxicô trước Ngoại giao đoàn dịp đầu năm “xây dựng hòa bình trong sự thật có nghĩa trên hết là tôn trọng con người”.

Ngọc Yến

Nguồn: Đài Vatican News