ĐTC Phanxicô đã và đang gia tăng một loạt các hoạt động giáo huấn, nhắm động viên các tín hữu Công Giáo và cả những người thiện chí, các vị lãnh đạo công quyền và mọi người khác ý thức mình là một gia đình nhân loại duy nhất, là anh chị em với nhau, và vì thế, đặc biệt trong thời kỳ đại dịch này và sau đó, cần dấn thân xây dựng một thế giới mới, một nền kinh tế mới và cùng bảo vệ trái đất như căn nhà chung của mọi người.
Công bố Thông điệp thứ ba
Thực vậy, còn 2 tuần nữa, ĐTC Phanxicô sẽ đến Assisi vào chiều ngày thứ Bẩy 3-10-2020, áp lễ kính thánh Phanxicô, để ký thông điệp mới của ngài với tựa đề: ”Fratelli tutti”, [Tất cả là anh em] về tình huynh đệ và tình thân hữu xã hội. Văn kiện giáo huấn cấp cao này sẽ được chính thức công bố lúc 12 giờ trưa chúa nhật 4-10-2020, giờ Roma.
Đây sẽ là thông điệp thứ 3 trong triều đại của ĐTC Phanxicô, sau Thông điệp ”Lumen Fidei” [Ánh sáng đức tin] viết chung với ĐGH Biển Đức 16 và công bố năm 2013, tiếp đến là Thông điệp “Laudato sì” năm 2015 về việc bảo vệ trái đất như căn nhà chung của nhân loại, trong một nền sinh thái toàn diện.
Văn kiện mới này chắc chắn sẽ vang vọng lớn trên thế giới, như thông điệp Laudato sí cách đây 5 năm. Trong những ngày qua đã có những bài báo dự đoán nội dung thông điệp sắp công bố, dựa theo tựa đề bắt đầu bằng sự trích dẫn câu ”Fratelli tutti” của thánh Phanxicô (Ammonizioni 6,1: FF 155), để suy tư, nhấn mạnh tình huynh đệ và tình thân hữu xã hội là điều hết sức cần thiết trong xã hội hoàn vũ thời hậu đại dịch. Tất cả mọi người đều là anh chị em với nhau.
Hai cuốn sách phỏng vấn và 3 diễn văn
Trong thời gian này, lập trường giáo huấn của ĐTC Phanxicô còn được phổ biến qua hai cuốn sách phỏng vấn dài, và 3 diễn văn quan trọng. Dường như qua những sinh hoạt này, ngài muốn trình bày cho thế giới biết điều ngài nghĩ, cách ngài nhìn thế giới và đâu là cách thức thế giới nên hành động trong thời kỳ hậu đại dịch Covid-19.
Cuốn TerraFutura
Thực vậy, ngoài thông điệp như văn kiện chính thức, có cuốn sách tựa đề ”TerraFutura” [Trái đất tương lai] ghi các cuộc đối thoại với ĐGH Phanxicô về sinh thái học toàn diện. Đây là cuốn sách ngài viết chung với ông Carlo Petrini, 71 tuổi, một ký giả và là người sáng lập tổ chức tên là ”Slow Food” [Thực phẩm chậm] hồi năm 1989, một tổ chức chuyên bảo vệ nền văn hóa và các truyền thống nấu ăn địa phương. Năm 2016, ông được bổ nhiệm làm Đại sứ đặc biệt của tổ chức Lương nông quốc tế (FAO) ở Âu Châu để tiêu diệt nạn đói. Trong cuốn sách này, ông cùng với ĐGH ủng hộ một nền sinh thái học toàn diện, tôn trọng và chăm sóc trái đất cũng như tất cả những người sống trên đó, cổ võ công lý cho con người và bảo tồn thiên nhiên. Sách này được xuất bản vào đầu tháng 9-2020.
Sứ điệp Video gởi Đại hội đồng LHQ
Rồi sau ngày thứ ba, 22-9-2020, ĐTC Phanxicô sẽ gửi sứ điệp Video nhân dịp Đại hội đồng LHQ và sẽ nói về việc biến cuộc khủng hoảng Coronavirus này thành cơ hội để xét lại các chính sách kinh tế, chính trị và môi trường. Ngài sẽ giải thích cách thức lợi dụng cuộc khủng hoảng này để mưu ích cho nhân loại và trái đất. Vì đại dịch, khóa họp cấp cao năm nay của Đại hội đồng LHQ diễn ra dưới dạng trực tuyến, sứ điệp của ĐTC gửi cho các đại biểu cũng ở dạng Video.
Huấn giáo trong các buổi tiếp kiến chung
Từ khi đại dịch Covid-19 được xác nhận hồi trung tuần tháng 3 năm nay, ĐTC Phanxicô đã dùng các bài huấn giáo trong các buổi tiếp kiến chung mỗi sáng thứ tư, ban đầu dưới dạng trực tuyến, và gần đây trong các buổi tiếp kiến trực diện, để nói về các nguyên tắc đạo lý xã hội Công Giáo có thể được áp dụng để giúp thế giới phục hồi khỏi đại dịch, để mưu ích cho con người và môi trường.
Sứ điệp cho hai Hội nghị trực tuyến
Tiếp đến, ngày 15 tháng 10 tới đây, sẽ diễn ra Hội nghị về Hiệp ước hoàn cầu về giáo dục. ĐTCĐTC Phanxicô rất ủng hộ dự án này và sẽ gửi sứ điệp video. Sau đó, ngày 22-11, sẽ diễn ra sinh hoạt ”Nền kinh tế Phanxicô”, tiến hành dưới dạng trực tuyến, và ĐTC Phanxicô sẽ đọc diễn văn trong sự kiện này. Lẽ ra cuộc gặp gỡ này sẽ tiến hành từ ngày 26 đến 28-3 năm nay tại Assisi, quê hương của Thánh Phanxicô, với sự tham dự của hơn 2 ngàn kinh tế gia và doanh nhân, – trong đó có 41% là phụ nữ-, đến từ 35 quốc gia. Nhưng rồi bị hoãn lại lần thứ I vào thời điểm từ ngày 19 đến 21-11 năm nay tại Assisi, nhưng lại bị hoãn lần thứ 2 đến tháng 11 năm 2021.
Cuốn sách thứ hai: ”Chúng tôi mơ ước”
Sau cùng ngày 1-12-2020 sẽ xuất bản một cuộc sách phỏng vấn dài ĐTC Phanxicô dành cho ký giả Austen Ivereigh, 54 tuổi, một ký giả Công Giáo người Anh, với tựa đề ”Chúng ta hãy mơ ước. Con đường dẫn tới một tương lai tốt đẹp hơn” (Let us dream. The Path for a Better Future).
Mong ước sứ điệp lan rộng
Người ta nhận thấy trong thời gian ra khỏi tình trạng giới nghiêm, ĐTC Phanxicô càng muốn tiếng nói của ngài được lắng nghe.
Trong số những lần ngài lên tiếng vừa liệt kê trên đây, chắc chắn thông điệp ”Fratelli tutti” sẽ là văn kiện chính thức và quan trọng nhất, kín múc từ linh đạo thánh Phanxicô Assisi, vì thế ĐTC muốn ký văn kiện này cạnh mộ thánh nhân. Cha Pietro Messa, dòng Phanxicô, đã chia sẻ những nhận định cho thấy ĐTC đã lấy cảm hứng từ thánh Phanxicô như thế nào. Tình huynh đệ sẽ là chất keo nối kết các chủ đề trọng yếu trong giáo huấn của ĐTC Phanxicô, đó là:
– Cần xây dựng lại hệ thống kinh tế và làm cho nó bớt tệ hại đối với những người nghèo nhất
– Nhấn mạnh đến việc săn sóc thiên nhiên, công trình sáng tạo của Thiên Chúa
– Giúp đỡ những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, bắt đầu là những người di dân
– Tầm quan trọng của tôn giáo trong việc phổ biến ý niệm bất bạo động.
Thông tin quá tải?
Có người đặt câu hỏi: ”Tại sao ĐTC Phanxicô lên tiếng ồ ạt như thế trong lúc này? Những thứ thông tin như vậy dường như quá tải, nhất là về một số vấn đề?
Theo ký giả Andrea Gargliaducci, trên trang mạng ”Thứ Hai Vatican” (Monday Vatican), truyền đi ngày 14-9-2020, trước tiên có thể là vì ĐTC thấy đây là lúc thuận tiện để lên tiếng. Tình trạng giới nghiêm đã giúp cơ hội suy tư sâu rộng, vì đây là một cuộc ra khỏi loạt sinh hoạt thông thường và vì ĐGH đã tận dụng tình trạng này để sắp xếp các tư tưởng của ngài. Thông điệp thứ 3 của ĐTC Phanxicô đến giữa một loạt các diễn văn khác. Loại văn kiện này sẽ đánh dấu đặc điểm triều đại Giáo Hoàng của ngài.
Thứ hai vì ĐTC Phanxicô đang tiến hành ý tưởng cải tổ. Trong số mới xuất bản, bán nguyệt san La Civiltà Cattolica (Văn minh Công Giáo) của dòng Tên Italia, LM chủ nhiệm Antonio Spadaro, giải thích rằng cuộc cải tổ của ĐTC Phanxicô trước tiên nhắm đến cải tổ tinh thần và chỉ sau đó mới cải tổ cơ cấu. Sau 7 năm, chương trình cải tổ giáo triều Roma của ĐTC Phanxicô vẫn đang còn chờ đợi văn kiện chung kết là Tông hiến mới để thay thế Tông hiến Pastor Bonus ban hành cách đây 32 năm dưới thời Đức Gioan Phaolô 2.
Song song với việc đó, ĐTC Phanxicô đang đẩy mạnh việc cải tổ tinh thần trong cộng đồng nhân loại rộng lớn, và thời điểm đại dịch giúp đẩy mạnh tiến trình này. Theo ĐTC Phanxicô, Giáo Hội phải thiết lập những cây cầu và đối thoại với thế giới tân tiến. Cha Spadaro cũng đặt câu hỏi: Động lực thúc đẩy của triều đại Giáo Hoàng này còn hay hết rồi? Cha đáp: ”Nó vẫn chưa cạn và nếu ai nghĩ khác thì họ chưa hiểu ý nghĩa thực sự của cuộc cải tổ mà ĐTC Phanxicô nhắm tới. Động lực ấy không cạn, nhưng chúng ta thấy sự thay đổi nhịp bước của triều đại Giáo Hoàng: với những cuộc tông du bị ngăn cản, ĐGH có thể tìm những hình thức khác để thông truyền tư tưởng của ngài và đó là lý do ta thấy những hoạt động truyền bá của ĐTC Phanxicô có vẻ ồ ạt hiện nay. Sự chú ý bây giờ xoay sang các ý tưởng của ngài, chứ không phải về cách cai trị của ngài.
G. Trần Đức Anh OP
Nguồn: Đài Vatican News