HỘI THẢO VỀ SỰ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
DÀNH CHO CÁC GIÁM MỤC VÀ CÁC NHÀ ĐÀO TẠO TẠI CÁC CHÚNG VIỆN Á CHÂU
“Người mẹ trái đất đang kêu la vì những phá hoại của con người làm ô nhiễm: khí, nước, môi trường sống… Và những người nghèo là những nạn nhân gánh chịu nhiều hậu quả của những tàn phá thiên nhiên này,”[1]
Nhận thức về tính nghiêm trọng từ lời cảnh báo ở trên của Đức Phanxicô trong thông điệp Laudato Si’ năm 2015, văn kiện về Đào tạo Linh mục (Ratio) vào năm 2016 đã khẳng định: “Bảo vệ công trình tạo dựng và chăm lo cho ngôi nhà chung – Trái Đất – chính là nhân sinh quan và vũ trụ quan của Kitô hữu; … Sống ơn gọi làm người bảo vệ công trình của Thiên Chúa là phần cốt yếu của một đời sống nhân đức; đó không phải là một lựa chọn tùy ý hay một khía cạnh thứ yếu trong kinh nghiệm Kitô giáo. Vì thế, các linh mục tương lai cần rất nhạy bén về vấn đề này; …và cụ thể trong sứ vụ mục tử sau này, họ sẽ cổ võ mọi người chú trọng đúng mức đến tất cả những đề tài liên quan đến việc bảo vệ công trình tạo dựng”[2]
Trong ý hướng này, Văn phòng Giáo sĩ và Văn phòng Phát triển Con người trực thuộc Liên hội đồng Giám Mục Á Châu (FABC) đã phối hơp tổ chức khóa hội thảo với chủ đề “Khơi gợi mối quan tâm về biến đổi khí hậu nơi các chủng viện: Dành cho các Giám Mục và các Nhà đào tạo tại các Chủng viện tại Châu Á.” Theo đó, khóa hội thảo kéo dài từ ngày 04 đến ngày 8 tháng 11 năm 2019 tại Trung Tâm Tĩnh Huấn Salesian ở Huahin thuộc Giáo phận Surat Thani, Thái Lan.
Các tham dự viên của khóa hội thảo này gồm 06 Giám mục, 26 Linh mục, 01 Tu sĩ và 8 giáo dân đến từ 10 quốc gia (Ấn Độ, Bangladesh, Đài Loan, Hàn Quốc, Hồng Kong, Malaysia, Phillipines , Srilanka, Thái Lan và Việt Nam). Cách riêng, 06 thành viên tham dự Hội thảo từ Việt Nam bao gồm Đức Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng (Chủ tịch Ủy ban Giáo sĩ và Chủng sinh trực thuộc HĐGMVN), Cha Giuse Phạm Văn Trọng (Thư ký ủy ban), Cha Phaolô Vũ Đỗ Anh Khoa (Phụ trách Đào tạo Chủng sinh Dự Bị thuộc Tổng giáo phận Sài gòn), cha Phaolô Nguyễn Văn Khai (Đại chủng viện Vinh), Cha Phêrô Nguyễn Ngọc Thoại và Cha Gioakim Nguyễn Thái Hòa (Đại Chủng viện Nha Trang).
Sau Thánh Lễ khai mạc do Đức Cha Joseph Sridarunsil, Giám mục giáo phận Surat Thani chủ sự, phần lớn thời gian được sử dụng để suy tư và thảo luận xoay quanh 05 đề tài về sự biến đổi khí hậu bao gồm (1) Văn kiện “Định Hướng Căn Bản cho Việc Đào Tạo Linh Mục” đối với sự biến đổi khí hậu và việc đào tạo tại chủng viện, (2) Khoa học và lịch sử vể sự biến đổi khí hậu, (3) Thông điệp Laudato Si’ và những áp dụng trong việc đào tạo tại chủng viện, (4) Sự biến đổi khí hậu: giáo dục và phương pháp luận trong việc đào tạo tại chủng viện, và (5) Phụ nữ và sự biến đổi khí hậu: vượt quá những quy định giới tính. Sau đây là một vài nét chính yếu của mỗi đề tài:
- Đề tài thứ nhất “Văn kiện ‘Định hướng căn bản cho việc đào tạo linh mục’ đối với sự biến đổi khí hậu và việc đào tạo tại chủng viện” được Đức Cha Allwyn D’Silva, giám mục phụ tá giáo phận Mumbai, India khai triển dựa trên số 172 của Ratio 2016. Theo đó, Đức Cha Allwyn nhấn mạnh đến 3 điểm then chốt cần lưu tâm, đó là vấn nạn về sinh thái, việc bảo vệ ngôi nhà chung và sự hoán cải sinh thái.[3] Triển khai của Đức Cha Allwyn dựa trên xác tín: Cuộc khủng hoảng sinh thái không chỉ là vấn đề kinh tế xã hội, mà căn bản là một vấn đề đạo đức và tinh thần. Bởi vì, nguyên nhân hàng đầu đưa tới các vấn đề môi trường là do lòng tham cũng như sự ích kỷ, thờ ơ và vô ơn. Từ xác tín này, bộ môn Thần học Sinh thái (Eco-theology), với 3 giai đoạn bao gồm Hoán cải (Conversion), Hiệp thông (Communion) và Canh tân (Renewal), được giới thiệu để qua hội thảo lần này, nó giúp thay đổi niềm tin, thái độ và hình thành mẫu thức hành vi mang tính sinh thái.
- Đề tài thứ hai “Khoa học và lịch sử về sự biến đổi khí hậu” do tiến sĩ Antonio G.M. La Viña, giám đốc điều hành Viện Quan Sát Khí Tượng Manila, thuyết trình. Tiến sĩ Antonio đã khơi gợi những vấn nạn ảm đạm liên quan tới mực nước biển và băng quyển, sự xói mòn đất đai và hiệu ứng nhà kính. Các vấn nạn này đưa đến những tác động mang tính toàn cầu và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của con người, cách đặc biệt đến những người nghèo.
- Khởi đi từ xác tín “bảo vệ ngôi nhà chung (môi trường) đối với đời sống Kitô hữu không bao giờ là tùy ý hay là một chọn lựa thứ cấp”, cha Clarence Devadass đã trình bày mối liên hệ thiết yếu giữa ba văn kiện Laudato Si’ 2015, Ratio 2016 và Veritatis Gaudium 2017 qua đề tài thứ ba “Thông điệp Laudato Si’ và những áp dụng trong việc đào tạo tại chủng viện”. Với kinh nghiệm của một Giám đốc Học viện mục vụ và Trung tâm nghiên cứu Công giáo thuộc tổng giáo phận Kuala Lumpur của Malaysia, cha Clarence cho rằng nếu quan tâm thực sự tới sinh thái, chúng ta cần phải có một sự hiểu biết đúng đắn về ý niệm Stewardship (tạm hiểu là bổn phận quản gia). Theo đó, Thần học về bổn phận quản gia (Theology of stewardship) liên quan đến vấn đề sinh thái được áp dụng trong bối cảnh đào tạo tại chủng viện nhấn mạnh đến 5 điểm bao gồm lối sống giản đơn, sự chiêm ngắm Thiên Chúa, mối quan tâm đến người nghèo, việc bảo vệ môi trường và đối thoại.[4]
- Đề tài thứ tư “Biến đổi khí hậu: giáo dục và phương pháp luận trong việc đào tạo tại chủng viện” do cha Niphot Thianwihan đến từ giáo phận Chiang Mai, Thái Lan. Với những kinh nghiệm giảng dạy lâu năm trong việc huấn luyện nông nghiệp trồng trọt và trí thức hữu cơ [5], cha Niphot nhấn mạnh đến yếu tố động lực trong việc huấn luyện. Theo đó, cùng với tiến trình giáo dục, động lực là một trong những yếu tố cần thiết để biến đổi bản thân và môi trường.[6]
- Đề tài cuối cùng “Phụ nữ và sự biến đổi khi hậu: vượt quá những quy định giới tính” được trình bày bởi nữ Tiến sĩ Kochurani Abraham đến từ Diễn đàn các nữ thần học của Ấn Độ. Với ước muốn làm rõ đâu là cách thức mà nữ giới, nam giới và con người thuộc bất cứ giới tính nào có thể cùng nhau gánh vác, Tiến sĩ Kochurani khẳng định sự biến đổi khí hậu không phải là vấn đề của riêng giới tính nào nhưng là của tất cả chúng ta.
Cùng với chiều kích tri thức được triển khai qua các giờ hội thảo, các tham dự viện còn duy trì một mối hiệp thông thiêng liêng với nhau và với toàn thể Giáo hội qua các Thánh Lễ và các giờ cầu nguyện chung với nhau. Họ cũng sống những giờ phút huynh đệ qua những gặp gỡ ngoài giờ hội thảo hay trong các bữa ăn ấm áp tình người. Tất cả luôn là cơ hội để các tham dự viên có dịp chia sẻ với nhau những thao thức mục vụ trong sứ vụ nơi Giáo hội mà họ đang phục vụ.
Đỉnh điểm của khóa hội thảo là văn bản cam kết của FABC. Một văn bản cam kết được hình thành từ sự đóng góp ý kiến của các tham dự viên. Nó được coi như hoa trái của những ngày thao thức, suy tư và hội thảo về vấn đề biến đổi khí hậu ngày nay.
Cuối cùng, khóa hội thảo kết thúc với Thánh Lễ bế mạc do Đức Cha Allwyn D’Silva, Giám mục phụ tá giáo phận Mumbai, India. Đây là cơ hội để các tham dự viện tạ ơn Thiên Chúa, Đấng luôn ban tặng cho Giáo Hội những mục tử như Ngài ước muốn, đã cho các tham dự viên có được những giây phút cùng nhau thao thức, suy tư và chia sẻ về con người, Giáo Hội và thế giới với những ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu hiện nay.
Xin Mẹ Maria, mẹ của các linh mục, luôn khơi gợi lòng nhiệt thành nơi những người con linh mục của Mẹ để họ luôn dấn thân vì một tương lai tươi sáng hơn cho con người và trái đất này nhất là khi sự biến đổi khí hậu nơi trái đất ngày càng gia tăng nghiêm trọng.
Lm. Giuse Phạm Văn Trọng
Thư ký Ủy ban Giáo sĩ Chủng Sinh trực thuộc HĐGMVN
[1] ĐGH Phanxico, Laudato Si, số 2.
[2] Bộ Giáo Sĩ, Ratio 2016, số 172.
[3] Ratio 2016, số 172.
[4] x. ĐGH Phanxico, Laudato Si’, số 214 và 225.
[5] Theo bài viết Lịch Sử về Chủ Nghĩa Du Vật của 02 tác giả Deirdre O’Neil và Mike Wayne, trí thức hữu cơ là một ý niệm tìm thấy trong cuốn sách Những Ghi Chép trong Tù (The Prn Notebooks) của Antonio Gramsci, một nhà lý luận chủ nghĩa Maxist người Ý. Gramsci chia các phần tử trí thức thành 02 loại: trí thức truyền thông và trí thức hữu cơ. Trí thức truyền thống đề cao văn hóa và trật tự xã hội vốn có. Trong khi đó, trí thức hữu cơ nỗ lực thay đổi và ảnh hưởng văn hóa, đạo đức và chính trị. http://www.historicalmaterialism.org/blog/intellectuals
[6] x. Laudato Si’, số 15.
Nguồn: hdgmvietnam.com