Phát biểu tại Diễn đàn “Tương lai của châu Âu” được tổ chức tại Bled, Slovenia, hôm thứ Tư 01/9, Đức Hồng y Parolin Pietro, Quốc vụ khanh Tòa Thánh tập trung vào các vấn đề: liên đới châu Âu và hợp tác quốc tế, di cư và thay đổi nhân khẩu học.
Trước hết về liên đới châu Âu và hợp tác quốc tế, Quốc vụ khanh Tòa Thánh giải thích rằng, điều đáng buồn là hiện nay lòng tin vào luật quốc tế và các tổ chức quốc tế bị suy yếu. Điều này ảnh hưởng đến các dự án châu Âu, ảnh hưởng đến cảm thức thuộc về, điều vốn dựa trên việc tuân thủ các giá trị cơ bản của châu Âu, như tôn trọng nhân phẩm, ý thức sâu sắc về công lý, tự do, cần cù, tinh thần chủ động, tình yêu gia đình, tôn trọng sự sống, lòng khoan dung, mong muốn hợp tác và hòa bình.
Đức Hồng y Parolin nhấn mạnh: “Châu Âu, không được quên cội nguồn Kitô giáo và sự đóng góp cần thiết của các Giáo hội. Bất cứ nơi nào chúng ta cố gắng suy tư về tương lai châu Âu và tái khám phá bản sắc châu Âu, điều cần thiết là phải khuyến khích và hỗ trợ một cuộc đối thoại cởi mở, minh bạch và thường xuyên với đại diện của các Giáo hội và các hiệp hội hoặc cộng đoàn tôn giáo, góp phần định hình các giá trị châu Âu. Điều này có nghĩa là châu Âu phải tái khám phá giá trị của việc đón tiếp: Liên đới châu Âu là trọng tâm của dự án châu Âu. Hơn nữa, hợp tác không được giới hạn ở các biên giới châu Âu. Như đại dịch covid-19 đã cho thấy, tất cả chúng ta đều ở trên cùng một con thuyền, mong manh và mất phương hướng, cả ở châu Âu và phần còn lại của thế giới”.
Đề cập đến vấn đề di cư, Đức Hồng y nói: “Cần có một nỗ lực toàn cầu về di cư. Trong bối cảnh ngày nay, các giải pháp phân mảnh không phù hợp. Cần có các cộng đoàn liên đới hỗ trợ người di cư và cho phép họ học cách tôn trọng và đồng hóa văn hóa và truyền thống của các quốc gia đón tiếp. Cùng đường lối này, các nhà lãnh đạo châu Âu phải tích cực thúc đẩy các chính sách chào đón, bảo vệ và hòa nhập người di cư, người tị nạn và những người xin tị nạn”.
Cũng liên quan đến người di cư, Đức Hồng y Parolin nói thêm hai chủ đề: Trước hết là thay đổi nhân khẩu học và trợ giúp các gia đình. Ngài nói: “Một số quốc gia châu Âu cần có những chính sách gia đình rộng lớn và có tầm nhìn xa, nhằm tạo cho những người trẻ có đủ công việc ổn định và an ninh cho ngôi nhà của họ, và tạo điều kiện cần thiết cho sự phát triển của các gia đình, điều này rất quý giá cho tương lai của lục địa châu Âu. Chủ đề thứ hai là nhu cầu xây dựng quyền tự chủ chiến lược của châu Âu, có nghĩa là các nước châu Âu phải coi mình là đối tác chứ không phải là đối thủ cạnh tranh hay thực dân. Quyền tự chủ chiến lược phải mở ra để hợp tác rộng rãi hơn với các quốc gia khác”.
Ngọc Yến
Nguồn: Đài Vatican News