ĐHY Parolin: Châu Âu không được quên nguồn gốc Kitô

01/12/2021

Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh phê bình Uỷ ban châu Âu có ý định loại bỏ những cụm từ liên quan đến Kitô giáo trong tài liệu hướng dẫn truyền thông. Ngài khẳng định: “Đây không phải là cách để chống phân biệt đối xử”.

Liên minh châu Âu cho công bố sổ tay hướng dẫn truyền thông có tựa đề “Liên minh bình đẳng”. Tài liệu gây tranh cãi đề xuất thay cụm từ “kỳ lễ Giáng sinh” bằng “kỳ nghỉ lễ”, và để đảm bảo quyền “mọi người được đối xử bình đẳng”, không sử dụng từ “Miss hoặc Mrs – Cô hoặc bà”, đồng thời những tên tiêu biểu trong một tôn giáo cụ thể như “Maria” và “Gioan” cũng không được sử dụng nữa.

Liên quan đến tài liệu này, trong một cuộc phỏng vấn hôm 30/11/2021, Đức Hồng y Pietro Parolin nói: “Tôi tin rằng mối quan tâm xóa bỏ mọi phân biệt đối xử là đúng. Đó là một con đường mà chúng ta ngày càng ý thức hơn và tất nhiên cũng phải đưa vào thực hành. Tuy nhiên, theo tôi, đây không phải là cách để đạt được mục tiêu này. Bởi vì cuối cùng nó có nguy cơ hủy diệt con người, theo hai hướng: Thứ nhất, về sự khác biệt đặc trưng thế giới của chúng ta, thật không may, xu hướng này lại đồng nhất mọi thứ, không biết tôn trọng ngay cả những khác biệt chính đáng, tất nhiên không được trở thành xung đột hay nguồn gốc của sự phân biệt đối xử, nhưng cần phải hòa nhập để xây dựng một nhân loại trọn vẹn và toàn diện. Thứ hai là việc quên đi những gì là một thực tế. Bất cứ ai đi ngược lại với thực tế sẽ tự đặt mình vào tình thế nguy hiểm. Và sau đó là sự hủy bỏ nguồn gốc của chúng ta, chiều kích Kitô của châu Âu, đặc biệt đối với các ngày lễ của Kitô giáo. Tất nhiên, chúng ta biết châu Âu có rất nhiều ảnh hưởng đến sự tồn tại và bản sắc của nó, nhưng chúng ta không được quên rằng một trong những ảnh hưởng chính là Kitô giáo. Vì vậy, xoá bỏ sự khác biệt và nguồn gốc đồng nghĩa với việc tiêu diệt con người”.

Nhắc đến mục đích chuyến tông du của Đức Thánh Cha đến đảo Sýp và Hy Lạp, cũng liên quan đến vấn đề này, Quốc vụ khanh Toà Thánh cho rằng, trong sứ điệp video gửi đến Hy Lạp và Sýp trước khi khởi hành cách đây vài ngày, Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh chiều kích châu Âu này. Nghĩa là đi đến các nguồn cội của châu Âu, tìm ra những gì là yếu tố cấu thành châu Âu. Chắc chắn, văn hóa Hy Lạp là một trong những yếu tố này. Vì vậy, đối với Đức Hồng y, cuộc viếng thăm này rất đúng lúc, là một hành trình kêu gọi chúng ta trở lại những chiều kích cơ bản không thể xoá bỏ này.

Ngoài Quốc vụ khanh Toà Thánh, Đức Hồng y Jean-Claude Hollerich, Chủ tịch Uỷ ban các Hội đồng Giám mục của Liên minh châu Âu (COMECE) cũng đã lên tiếng phản đối tài liệu “Liên minh bình đẳng” này. Ngài nói: “Trung lập không có nghĩa là đưa tôn giáo xuống phạm vi riêng tư. Giáng Sinh không chỉ là một phần của truyền thống tôn giáo châu Âu nhưng còn là thực tế của châu Âu. Việc tôn trọng sự đa dạng tôn giáo không thể dẫn đến hậu quả nghịch lý là huỷ bỏ yếu tố tôn giáo khỏi diễn văn công khai. Mặc dù Giáo hội Công giáo ở châu Âu hoàn toàn ủng hộ bình đẳng và cuộc chiến chống phân biệt đối xử, nhưng rõ ràng hai mục tiêu này không thể dẫn đến sự xuyên tạc hoặc tự kiểm duyệt. Nguyên tắc quý báu về tính bao gồm không được gây ra tác dụng ngược của sự loại trừ”.

Trước những phản ứng trên, Bà Helena Dalli, Ủy viên Bình đẳng của Uỷ ban châu Âu thông báo: “Chúng tôi đang xem xét những mối quan tâm này để giải quyết chúng trong một tài liệu cập nhật”.

Ngọc Yến

Nguồn: Đài Vatican News