ĐHY Parolin: Cuộc viếng thăm của ĐTC Phanxicô đến Bahrain là dấu hiệu của hiệp nhất, đối thoại

02/11/2022

Trả lời phỏng vấn của Vatican News về chuyến tông du của ĐTC Phanxicô đến Bahrain, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh khẳng định rằng cuộc viếng thăm là dấu hiệu của sự hiệp nhất, đối thoại trong thời điểm có thể nói là bi thảm của lịch sử nhân loại.

Trong cuộc phỏng vấn, trước hết, Đức Hồng Y cho biết cuộc viếng thăm bắt nguồn từ lời mời của Quốc vương Bahrain, đồng thời trùng với Diễn đàn về đối thoại Đông và Tây vì sự chung sống của nhân loại, sau đó là lời mời của Đức cha Paul Hinder, Giám quản Tông toà Bắc Ả Rập.

Về việc ĐTC Phanxicô sẽ tham dự buổi bế mạc Diễn đàn về đối thoại Đông và Tây vì sự chung sống của nhân loại, Đức Hồng Y cho rằng đây là một dấu hiệu của sự hiệp nhất tại một thời điểm đặc biệt tế nhị, phức tạp, bi thảm của lịch sử; là một lời mời gọi đối thoại, gặp gỡ giữa Đông và Tây, trong một thực tế đa sắc tộc, văn hoá và tôn giáo như ở Bahrain.

Đức Hồng Y cho rằng cuộc viếng thăm lần này của ĐTC Phanxicô đến Bahrain có mối liên hệ với các cuộc viếng thăm trước ở Iraq, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Marốc, Ai Cập, Azerbaijan, và gần đây nhất là Kazakhstan. Theo Quốc vụ khanh Toà Thánh, chuyến tông du mang tính thời sự lớn, và là một “sợi chỉ đỏ” kết nối các cuộc viếng thăm trước. Sợi chỉ đỏ này chỉ đơn giản muốn nói rằng Thiên Chúa và thù hận, tôn giáo và bạo lực tuyệt đối không thể đi với nhau, không thể có bất kỳ liên hệ và hòa giải nào, bởi vì bất cứ ai chấp nhận hận thù và bạo lực thì đều xuyên tạc bản chất tôn giáo.

Đức Hồng Y nói: “Ở Kazakhstan, ĐTC Phanxicô nhấn mạnh vào hai điểm quan trọng mà tôi nghĩ cần phải lưu ý ở đây. Trước hết là sự thanh tẩy, nghĩa là, luôn có sự cám dỗ để lôi kéo tôn giáo và đôi khi sử dụng nó cho các mục đích không phải tôn giáo, và do đó cho mục đích quyền lực, áp bức. Vì vậy ĐTC Phanxicô mời gọi cuộc thanh tẩy sâu sắc này. Tiếp đến là việc các tôn giáo có thể hợp tác với nhau để xóa bỏ mọi hiểu lầm, để tôn giáo luôn trở thành một nhân tố hòa giải, hòa bình, gắn kết và hòa hợp”.

Ngọc Yến

Nguồn: Đài Vatican News