Trả lời phỏng vấn của Vatican News trước chuyến tông du của ĐTC Phanxicô đến Hungary, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh cho biết ĐTC Phanxicô đến quốc gia này như một người hành hương hoà bình, đón tiếp và gặp gỡ; mong muốn xây dựng một xã hội huynh đệ trong một Âu châu bị tổn thương vì chiến tranh, với cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất từ Thế chiến thứ hai.
Với câu hỏi thứ nhất liên quan đến mục đích chuyến tông du, Đức Hồng Y Parolin nhắc lại cuộc viếng thăm của ĐTC Phanxicô là một phần thực hiện lời hứa. Bởi vì, thực tế ngài đã viếng thăm Budapest cách đây một năm rưỡi, vào tháng 9/2021, dịp bế mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế. Lần đó, ngoài Thánh lễ trọng thể, ĐTC Phanxicô đã có một số cuộc gặp gỡ ở cấp độ riêng tư với chính quyền, các Giám mục và với các Kitô hữu thuộc các hệ phái khác nhau cũng như với các đại diện cộng đồng Do Thái. Giờ đây, với chuyến tông du này, trước hết, Đức Thánh Cha có ý định hoàn tất cuộc viếng thăm trước, và do đó phần lớn thời gian dành cho các cuộc gặp gỡ với các nhóm, các thành phần của người dân Hungary.
Giải thích tại sao ĐTC Phanxicô chỉ đến Budapest mà không đến các thành phố khác, Quốc vụ khanh Toà Thánh nói: “Trước hết, tập trung các cuộc gặp gỡ ở thủ đô nhằm tránh việc đi lại và tập hợp các thực tế khác nhau của đất nước tại Budapest, thành phố đang cử hành một kỷ niệm quan trọng trong năm nay, 150 năm thành lập”.
Về cuộc chiến tại Ucraina ảnh hưởng thế nào đến cuộc viếng thăm, Đức Hồng Y nhắc lại chuyến tông du đã được lên kế hoạch từ lâu, vì thế không phải vì chiến tranh hiện nay mà ĐTC Phanxicô đến Hungary. Nhưng ai cũng biết, thảm kịch chiến tranh đang kéo dài rất gần gũi với con tim Đức Thánh Cha, vì thế Đức Hồng Y tin chắc rằng trong cuộc viếng thăm này, ĐTC Phanxicô sẽ tìm cách thúc đẩy và dấn thân cho hoà bình.
Và hậu quả của chiến tranh là dòng người tị nạn đến Hungary, đối với vấn đề này, một lần nữa Quốc vụ khanh Toà Thánh nói Âu châu đang sống trong cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất kể từ Thế chiến thứ hai: hơn 8 triệu người tị nạn Ucraina đã vượt biên sang Liên minh Âu châu. Vì thế, đại lục này phải có trách nhiệm tìm một cuộc sống tốt hơn cho những người đến biên giới của mình, và cả việc giúp đỡ cho những người di tản còn ở lại quê hương được sống trong hoà bình.
Hungary là một quốc gia có cam kết hỗ trợ gia đình rất tốt, và Đức Thánh Cha là người luôn quan tâm đến người lớn tuổi và người trẻ, câu hỏi được phóng viên đặt ra là “Cuộc gặp gỡ với Người kế vị thánh Phêrô sẽ thúc đẩy việc xây dựng những cây cầu giữa các thế hệ và các quốc gia không?”. Đức Hồng Y trả lời: “Chắc chắn là có, chúng ta nhớ lại cách đây hai năm, vào năm 2021, Đức Thánh Cha đã thiết lập Ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi, được cử hành hàng năm vào Chúa nhật thứ Tư của tháng Bảy, và năm nay sẽ là ngày 23/7. Và chủ đề này trong bối cảnh của Hungary càng mang tính thời sự nếu xét về phu nhân tổng thống – Bộ trưởng Bộ Gia đình từ năm 2020-2021 – rất quan tâm đến gia đìn; chúng tôi cũng đã có thể xác nhận điều này khi bà đến gặp Đức Thánh Cha ở Vatican và thăm Phủ Quốc vụ khanh. Quan tâm đến yếu tố nhỏ nhưng cũng quan trọng nhất của mỗi xã hội, đối với tôi sự chung sống hài hoà giữa các thành viên của gia đình tạo ra những tác động tích cực. Do đó, chúng tôi hy vọng trên nền tảng nhịp cầu gia đình liên thế hệ, nhịp cầu hoà bình cũng có thể được xây dựng giữa các quốc gia”.
Ngọc Yến
Nguồn: Đài Vatican News