Trong hội nghị Caritas Quốc tế kéo dài hai ngày tại Paris, Đức Hồng y Pietro Parolin và nhiều diễn giả chính khác nhau nêu bật những thực tế khắc nghiệt và bất công mà nhiều phụ nữ phải đối mặt trên khắp thế giới, đồng thời cam kết cùng nhau hành động để tạo ra một xã hội công bằng và bình đẳng hơn cho tất cả.
Hội nghị có tên “Bộ mặt đầy đủ của nhân loại: Phụ nữ giữ vai trò lãnh đạo vì một xã hội công bằng”, do Phái đoàn quan sát viên thường trực của Tòa thánh tổ chức cùng với UNESCO và Caritas Quốc tế, dưới sự bảo trợ của UNESCO.
Ba mục tiêu chính của Hội nghị
Diễn ra từ ngày 27 đến 28/10/2022, Hội nghị có ba mục tiêu chính: khám phá những thách đố đối với phụ nữ ở mọi tầng lớp trong xã hội; tập trung vào các trở ngại ngăn cản phụ nữ tiếp cận các vị trí lãnh đạo và ra quyết định; và đề xuất các chiến lược cụ thể về cách góp phần loại bỏ những rào cản này.
Vai trò của giáo dục đối với việc thăng tiến nữ giới
Đại diện cho Tòa Thánh, Đức Hồng y Quốc vụ khanh Toà Thánh Pietro Parolin, đã có bài phát biểu chính nói về vai trò của giáo dục, và các giá trị của nữ tính như một món quà dành cho nhân loại.
Đức Hồng y lưu ý rằng chênh lệch giáo dục “thường liên quan đến thu nhập, chủng tộc và các tình huống dễ bị tổn thương khác nhau vẫn khiến nhiều trẻ nữ và phụ nữ trẻ bị gạt ra ngoài lề xã hội”. Ngài nhấn mạnh rằng nếu không có quyền được giáo dục, thì bất kỳ cuộc thảo luận nào về việc thăng tiến phụ nữ đều “có nguy cơ trở thành một bài thực tập hùng biện trống rỗng”.
Nói về phụ nữ từ quan điểm giáo dục, theo Đức Hồng y, có nghĩa là nhấn mạnh tầm quan trọng cơ bản của các quá trình phát triển nhân bản, tinh thần, trí tuệ và nghề nghiệp, những điều giúp họ có thể tham gia vào xã hội ngang hàng với nam giới. Ngài nói rằng các quốc gia nên có can đảm đầu tư vào các quá trình này, để đảo ngược mối liên hệ bất cân xứng và đáng xấu hổ giữa chi tiêu công cho giáo dục và ngân quỹ được dành cho vũ khí.
Cần hành động thêm nữa
Đức Hồng Y Parolin cũng thay mặt ĐTC Phanxicô cảm ơn sự cống hiến của rất nhiều nhà giáo dục hiện diện ở những nơi xa xôi nhất của trái đất: “hầu hết trong số họ là phụ nữ, cả tu sĩ và giáo dân.”
Kết thúc bài nói chuyện, Đức Hồng y nhắc lại rằng “mặc dù suy tư về sự tiến bộ của phụ nữ đã góp phần vào những thành công to lớn, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm.”
Hồng Thủy
Nguồn: Đài Vatican News