Về sự hiện diện của giáo dân trong xã hội, Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh nhận định rằng: “Trong 20 năm qua, có một sự lùi về phía sau”, vì vậy “giáo dân cần phải hiện diện nhiều hơn nữa trong mọi lĩnh vực của đời sống công cộng và cá nhân”.
Trong cuộc phỏng vấn của báo Người đưa tin chiều của Ý, sau cuộc gặp gỡ với 70 hiệp hội giáo dân ở Roma, ngày 09/3, Đức Hồng y nói Sắc lệnh Apostolicam Actuositatem – Tông đồ Giáo dân, của Công đồng yêu cầu các giáo dân dấn thân trong các hoạt động tông đồ mạnh mẽ và mở rộng cách khẩn trương hơn trong thời đại đang thay đổi ngày nay.
Theo Đức Hồng y, điều quan trọng là phải nhắc lại rằng Công đồng không nhìn giáo dân như thể ở hàng thứ hai, phục vụ phẩm trật trong Giáo hội và đơn giản là những người thi hành mệnh lệnh từ trên đưa xuống, nhưng là những người đã được rửa tội, được kêu gọi làm sinh động và hoàn thiện thực tại trần thế với tinh thần Kitô. Quốc vụ khanh Toà Thánh nói: “Thông điệp mà chúng tôi có thể đưa ra, trước hết là sự khích lệ, định hướng và làm vững chắc. Sự hiệp lực này phát triển giáo huấn của thánh Phaolô: Giáo hội là một thân thể duy nhất, mặc dù được tạo thành nhiều chi thể, mỗi chi thể có chức năng riêng”.
Khi được hỏi về việc người Công giáo tham gia vào chính trị, Đức Hồng y cho rằng đây là điều thứ hai đến sau điều thứ nhất đó là dấn thân vào xã hội. Trong xã hội, người Công giáo phải hiện diện cách hữu hình, chứng tá của một quan điểm và một lối sống được truyền cảm hứng từ Tin Mừng. Tham gia vào chính trị là hệ quả tự nhiên của sự tham gia vào xã hội. Nếu không, nó sẽ giống như một người muốn xây toà nhà nhưng không có nền móng, không thể đứng vững và các nỗ lực trở nên vô ích.
Theo Đức Hồng y, những nguyên nhân dẫn đến sự “thoái lui” của giáo dân trong chính trị có nhiều: “Thứ nhất do khủng hoảng đức tin, mà một phần là hệ quả của sự tục hóa. Vào đầu thế kỷ này, tục hoá gia tăng mạnh mẽ một phần do công nghệ và kỹ thuật số, đang biến đổi lối sống và cách suy nghĩ của chúng ta. Sự biến đổi này cũng làm cho thể chế giáo hội bất ngờ”.
Ngài giải thích rằng người Công giáo tham gia chính trị cách tích cực có nghĩa là khả năng hiện diện trong mọi lĩnh vực của đời sống công và tư. Như thế, họ có thể là “men” được Công đồng chỉ ra. Chắc chắn chúng ta không nghĩ đến việc tái đề xuất những kế hoạch của quá khứ, nhưng về sự hiện diện rộng rãi, bắt đầu từ môi trường xã hội và văn hóa. Đó là những yêu cầu không dành riêng cho Kitô hữu nhưng liên quan đến con người nói chung, mọi nơi và mọi lúc.
Đối với xu hướng phân chia người Công giáo giữa “những người bảo thủ” chú ý đến các vấn đề đạo đức và “những người cấp tiến” chú ý đến các vấn đề xã hội, Đức Hồng y chỉ rõ: “Hơn cả sự chia rẽ, tôi thích nói về sự khác biệt về quan điểm. Thật là một sai lầm nghiêm trọng khi nghĩ rằng các vấn đề đạo đức hoặc đạo đức sinh học rõ ràng hơn là các vấn đề xã hội và không có tính liên tục. Mọi đồng tiền đều có hai mặt. Các vấn đề xã hội không thể được đóng khung một cách chính xác nếu không bắt đầu từ một nhân học nào đó và ngược lại. Sự tách biệt này không có nền tảng và có hại cho chính hoạt động của Giáo hội”.
Ngọc Yến
Nguồn: Đài Vatican News