Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh khẳng định với các nhà báo hôm Chúa nhật vừa qua tại một nhà thờ ở Roma rằng, cần phải áp dụng ngoại giao thương xót, một ngoại giao kiên nhẫn. Bởi vì sẽ không có ngoại giao nếu không có sự kiên nhẫn.
Trong cuộc phỏng vấn, Đức Hồng Y tái khẳng định điều đã được ngài nói cách đây một tuần. Theo đó, ngoại giao thương xót phải được áp dụng hiệu quả hơn, bởi vì nó là ngoại giao duy nhất có thể đưa ra câu trả lời cho những vấn đề lớn của thế giới ngày nay. Ngài nói: “Ngoại giao thương xót mời gọi chúng ta không bao giờ thất vọng về con người. Cần phải nghĩ rằng mọi người, mọi dân tộc đều có thể thay đổi để trở nên tốt hơn. Do đó, cần phải tin tưởng mọi người, để những nguồn lực tốt nhất thực sự được khơi dậy nơi mỗi người và giúp thay đổi thực tế”.
Đi từ khẳng định của Đức cố Hồng Y Casaroli, nguyên Quốc vụ khanh Toà Thánh, về ngoại giao của Toà Thánh là ngoại giao kiên nhẫn, phóng viên hỏi Đức Hồng Y Parolin về điều này, và ngài khẳng định: “Chắc chắn! Không có kiên nhẫn thì không có ngoại giao, bởi vì đó là nghệ thuật của những nỗ lực nhỏ, có lẽ không mang lại kết quả ngay lập tức; vì lý do này cần phải rất kiên nhẫn, bởi vì kết quả không đến ngay lập tức. Vì thế chúng ta không được nản lòng và tiếp tục đặt những dấu hiệu nhỏ sẽ đem lại kết quả vào ngày mai”.
Liên quan đến câu hỏi sự khác biệt của ngoại giao Vatican với các thực thể khác, Đức Hồng Y cho biết ngoại giao Tòa Thánh không gắn liền với một quốc gia nhưng gắn liền với một thực tế của luật quốc tế. Tòa Thánh, vốn không có lợi ích chính trị, kinh tế, quân sự…, nhưng phục vụ trong tư cách của Giám mục Roma, là mục tử của Giáo hội phổ quát. Do đó, Toà Thánh có một chức năng Giáo hội rõ ràng, là một trong những công cụ hiệp thông giữa Giáo hoàng và các Giám mục và hợp tác trong việc bảo đảm tự do của các Giáo hội địa phương đối với chính quyền dân sự. Toà Thánh còn có đặc tính dấn thân bảo vệ phẩm giá và các quyền cơ bản của mọi người, bảo vệ những người nhỏ bé yếu đuối, hoạt động vì sự sống, trong mọi giai đoạn, thúc đẩy hòa giải và hòa bình, qua đối thoại, ngăn chặn và giải quyết các xung đột, hỗ trợ sự phát triển toàn diện, để truyền bá tình huynh đệ phổ quát. Toà Thánh tin tưởng vào tầm quan trọng của các tổ chức quốc tế, trước hết là Liên Hiệp Quốc, và kiên định với ý tưởng và phương pháp của chủ nghĩa đa phương.
Theo Đức Hồng Y, Giáo hội có thể kiến tạo hoà bình bằng sứ điệp Tin Mừng. Chủ đề hòa bình xuyên suốt Tin Mừng từ đầu đến cuối: khi Chúa Giêsu sinh ra, các thiên thần báo tin “Bình an dưới thế cho người thiện tâm”, cho đến Bữa Tiệc Ly: “Thầy ban bình an của Thầy cho các con”. Giáo hội là người bảo vệ và chứng nhân bình an của Chúa Giêsu.
Quốc vụ khanh Toà Thánh còn nhấn mạnh rằng, mặt khác, hiệp ước về tình huynh đệ nhân loại rất quan trọng đối với hòa bình, bởi vì nó là con đường cụ thể, qua đó hòa bình được xây dựng. Tình huynh đệ được xây dựng khi chúng ta ý thức chúng ta là một gia đình duy nhất, có Thiên Chúa là Cha, và tất cả chúng ta đều là anh chị em; do đó chúng ta đối xử với nhau như vậy và có khả năng chấp nhận, hiểu biết và cộng tác với nhau. (Acistampa 20/3/2023)
Ngọc Yến
Nguồn: Đài Vatican News