Trong sứ điệp video gửi tới các tham dự viên của Diễn đàn Phụ nữ G20, diễn ra trong hai ngày 18 và 19/10/2021, tại Milan, bắc Ý, Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh, đại diện Đức Thánh Cha Phanxicô, nhấn mạnh rằng “thế giới cần sự lãnh đạo và sự khéo léo của phụ nữ”.
Tại Diễn đàn này, các tham dự viên thảo luận những vấn đề, nhằm mục đích nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng của phụ nữ và tác động tích cực của nữ giới đối với các nỗ lực phục hồi kinh tế và xã hội sau đại dịch.
Thực tế, trong xã hội, số phụ nữ lãnh đạo vẫn còn ít. Vì vậy, Diễn đàn tập trung nói đến tình hình thực tế này và đưa ra các giải pháp như đào tạo cho phụ nữ trẻ, tăng cường sự hiện diện của phụ nữ trong các lĩnh vực liên quan đến quá trình chuyển đổi kỹ thuật số và các ngành như khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học, vượt qua những định kiến vẫn tồn tại. Buổi gặp gỡ còn thảo luận về biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, bảo vệ sức khỏe và nhà ở, vai trò ngoại giao của phụ nữ và cái nhìn của phụ nữ trong chính sách đối ngoại, với niềm tin rằng tất cả những điều này có thể tạo ra sự khác biệt.
Đức Hồng y Parolin nói trong sứ điệp gửi đến Diễn đàn rằng, thế giới cần sự đồng hành, lãnh đạo và sự khéo léo của phụ nữ để đối phó với những thách đố lớn hiện nay. Ngài nhìn nhận rằng những thách đố lớn mà thế giới đang phải đối mặt do đại dịch cần có những nỗ lực cần thiết để phục hồi và hỗ trợ những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Quốc vụ khanh Toà Thánh lưu ý rằng Đức Thánh Cha thường nhấn mạnh về “sự đóng góp không thể thay thế của phụ nữ trong việc xây dựng một thế giới có thể trở thành ngôi nhà cho tất cả mọi người”. Trước những thách đố xã hội, kinh tế và khí hậu toàn cầu ngày nay, Đức Hồng y khẳng định vai trò của phụ nữ trong việc thúc đẩy ý thức “vị tha”, đặc biệt cần thiết để vượt lên trên những sở thích thiển cận chỉ hướng đến lợi nhuận trước mắt.
Nhấn mạnh tầm quan trọng sống còn của sự tham gia và hợp tác của tất cả các thành viên trong xã hội, Đức Hồng y Parolin nói “tất cả mọi người đều được kêu gọi để đảm nhận ơn gọi chung là trở thành những người tích cực xây dựng thế giới tốt đẹp hơn”.
Trong phần kết luận, Đức Hồng y nhắc lại mong ước của Đức Thánh Cha về sự tiếp cận một nền giáo dục chất lượng của trẻ nữ và phụ nữ ở khắp nơi, để họ có thể cống hiến hết mình cho sự phát triển và tiến bộ của các xã hội gắn kết.
Ngọc Yến
Nguồn: Đài Vatican News