Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh đã gặp gỡ các thành viên của Ủy ban chuyên gia đánh giá các biện pháp chống rửa tiền và tài trợ khủng bố (Moneyval) của Hội đồng Châu Âu, khi họ bắt đầu chuyến thăm đánh giá tại Vatican vào thứ Tư 30/9.
Thông cáo của Phòng Báo chí Tòa Thánh nói rằng chuyến thăm đánh giá của Ủy ban “được tổ chức trong bối cảnh của Vòng Đánh giá thứ Năm, được thỏa thuận vào năm 2019, theo đó, tất cả các khu vực tài phán thành viên của Moneyval đều phải tuân theo”.
Tổ chức Moneyval
Moneyval là tên chính thức của Ủy ban chuyên gia của Hội đồng châu Âu về Đánh giá các biện pháp chống rửa tiền và tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố (AML / CFT). Cơ quan giám sát đưa ra đánh giá dựa trên các tiêu chuẩn toàn cầu của Lực lượng Đặc nhiệm Hoạt động Tài chính (FATF), mà cơ quan này là thành viên liên kết hàng đầu.
Thông cáo Phòng Báo chí Tòa Thánh xác định: “Mục đích của giai đoạn đánh giá này là đánh giá sự hiệu quả của các biện pháp lập pháp và thể chế được các cơ quan tài phán áp dụng trong những năm gần đây đối với việc phòng chống rửa tiền và tài trợ cho khủng bố.”
Đức Hồng y Parolin đã chào đón đội chuyên gia và nhắc lại cam kết và sự tham gia của Tòa thánh và Quốc gia Thành Vatican trong việc chống rửa tiền và tài trợ cho khủng bố.
Bản chất thiêng liêng và sứ mạng của Tòa Thánh
Đức Hồng y nói với nhóm chuyên gia rằng bản chất thiêng liêng và sứ mạng của Tòa Thánh là tìm cách thúc đẩy “nỗ lực chung để xây dựng nền văn minh tình yêu, dựa trên các giá trị phổ quát của hòa bình, liên đới, công lý và tự do”.
Không giống như các quốc gia khác có nền kinh tế nhằm tạo ra sự giàu có và thịnh vượng cho các cộng đồng quốc gia của họ, các quỹ do Tòa thánh và Quốc gia Thành Vatican quản lý chủ yếu được nhắm đến các hoạt động tôn giáo và bác ái. Tuy nhiên, việc quản lý các quỹ này phải phù hợp với mục đích được nhắm đến và chiều kích đạo đức.
Các hoạt động phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức
Đức Hồng y cho biết Cơ quan Kiểm toán của Vatican chịu trách nhiệm giám sát và điều tiết mảng tài chính của Vatican. Ngài nhắc lại lời Đức Thánh Cha, Ngân hàng Vatican không thể nhắm trước hết đến lợi nhuận tối đa có thể nhưng là “các nguyên tắc phù hợp với các chuẩn mực của đạo đức, tính hiệu quả nhất quán và cách làm phản ánh bản chất đặc biệt của nó”. (CSR_7050 & 7066_2020)
Hồng Thủy
Nguồn: Đài Vatican News