TÔNG DU MÔNG CỔ
DIỄN VĂN CỦA ĐTC PHANXICÔ
Gặp gỡ các cấp Chính quyền, Xã hội dân sự và Ngoại giao đoàn
Ulaanbaatar, 02/09/2023
Kính thưa ngài Tổng thống nước Cộng hòa,
Kính thưa ngài Chủ tịch Quốc hội,
Kính thưa ngài Thủ tướng,
các thành viên Chính phủ và Ngoại giao đoàn,
các Chính quyền dân sự và tôn giáo,
các đại diện giới văn hóa,
Kính thưa quý ông bà,
Tôi xin cảm ơn ngài Tổng thống về sự đón tiếp và những lời ông đã nói với tôi, đồng thời tôi xin gửi lời chào thân ái đến từng người trong số quý vị. Tôi rất vinh dự được đến đây, hạnh phúc vì được du hành đến vùng đất rộng lớn và hấp dẫn này, đến với dân tộc hiểu rõ ý nghĩa và giá trị của cuộc hành trình. Điều này được bộc lộ qua những nơi cư ngụ truyền thống, ger, những ngôi nhà di động tuyệt đẹp. Tôi tưởng tượng lần đầu tiên bước vào, với sự tôn trọng và cảm xúc, một trong những chiếc lều hình tròn nằm rải rác trên vùng đất Mông Cổ hùng vĩ, để gặp gỡ quý vị và hiểu quý vị hơn. Vì vậy, tôi đang ở đây, đang đứng ở lối vào, một người hành hương của tình bạn, nhón chân nhẹ nhàng đến với quý vị và với trái tim vui mừng, mong muốn mình được phong phú về chiều kích con người trước sự hiện diện của quý vị.
Khi chúng ta vào nhà của bạn hữu, thói quen tốt là trao đổi những món quà và nghĩ về những lần gặp gỡ trước đó. Quan hệ ngoại giao hiện đại giữa Mông Cổ và Tòa Thánh có từ thời gian gần đây; năm nay đánh dấu kỷ niệm 30 năm ngày ký kết một Lá thư nhằm tăng cường quan hệ song phương. Tuy nhiên từ lâu trước đó, đúng 777 năm trước, ngay giữa cuối tháng 8 và đầu tháng 9 năm 1246, Tu huynh Giovanni di Pian del Carpine, đặc phái viên của Giáo hoàng, đã đến thăm Guyug, hoàng đế Mông Cổ thứ ba, và trình bày bức thư chính thức của Giáo hoàng Innôcentê IV cho Đại Hãn. Ngay sau đó, bức thư trả lời, mang dấu ấn của Đại Hãn, bằng chữ viết Mông Cổ truyền thống, đã được soạn thảo và dịch sang nhiều thứ tiếng. Lá thư đó được lưu giữ trong Thư viện Vatican và hôm nay tôi vinh dự giới thiệu với quý vị một bản sao được chứng thực, được thực hiện bằng những kỹ thuật tiên tiến nhất để đảm bảo chất lượng tốt nhất có thể. Chớ gì đó là dấu hiệu của một tình bạn lâu đời đang phát triển và được canh tân.
Tôi được biết rằng vào sáng sớm, các trẻ em ở đất nước quý vị đứng ở cửa lều và đưa mắt nhìn về phía chân trời xa xa để đếm đầu gia súc và báo con số cho cha mẹ. Cũng tốt cho chúng ta khi nhìn vào chân trời rộng lớn xung quanh chúng ta, vượt qua những quan điểm hạn hẹp và mở ra cho mình một tầm nhìn toàn cầu rộng lớn hơn. Đó là bài học từ những cái lều (ger): xuất phát từ cuộc sống du mục ở thảo nguyên, chúng lan rộng trên một lãnh thổ rộng lớn, trở thành một yếu tố nhận dạng của nhiều nền văn hóa lân cận. Không gian rộng lớn của các miền của quý vị, từ sa mạc Gobi đến thảo nguyên, từ các bình nguyên rộng lớn đến các khu rừng thông và các dãy núi Altai và Khangai. Được giao kết với những dòng sông quanh co, nhìn từ trên cao dường như được trang trí tinh xảo trên những loại vải quý cổ xưa, các miền đất của quý vị là tấm gương phản chiếu vẻ đẹp hùng vĩ của cả hành tinh, được mệnh danh là khu vườn thu hút và mời gọi. Sự khôn ngoan của quý vị, được hình thành qua nhiều thế hệ bởi những người chăn nuôi và trồng trọt khôn ngoan, luôn tôn trọng sự cân bằng mong manh của hệ sinh thái, có nhiều điều để dạy cho những người ngày nay không muốn khép mình trong việc tìm kiếm một mối quan tâm cụ thể thiển cận, nhưng mong muốn trao tặng cho hậu thế một vùng đất vẫn hiếu khách và tươi tốt. Quý vị giúp chúng tôi tôn trọng và canh tác cách cẩn thận điều mà các Kitô hữu chúng tôi xem là công trình sáng tạo của Thiên Chúa, nghĩa là kết quả của kế hoạch nhân từ của Người, và chống lại những tác động của sự tàn phá của con người bằng một nền văn hóa quan tâm và tầm nhìn xa, được phản ánh trong các chính sách sinh thái có trách nhiệm. Các ger là những nơi cư trú mà ngày nay có thể được định nghĩa là hiệu quả và hợp sinh thái vì chúng linh hoạt, đa chức năng và không có tác động nào đến môi trường. Hơn nữa, tầm nhìn toàn diện về truyền thống Saman Giáo của Mông Cổ, được kết hợp với sự tôn trọng mọi sinh vật thừa hưởng từ triết lý Phật giáo, có thể đóng góp cách có giá trị cho nỗ lực cấp bách và không thể trì hoãn để bảo vệ hành tinh Trái đất.
Ger, hiện diện ở cả khu vực nông thôn và thành thị, cũng minh chứng cho sự kết hợp quý giá giữa truyền thống và hiện đại, vì nó nối kết cuộc sống của người già và người trẻ, và do đó làm chứng cho sự tiếp nối của dân tộc Mông Cổ. Từ xa xưa đến nay, dân tộc này đã bảo tồn cội nguồn của mình trong khi, đặc biệt là trong những thập kỷ gần đây, sẵn sàng đón nhận những thách đố to lớn ở mức độ toàn cầu về phát triển và dân chủ. Mông Cổ ngày nay, với mạng lưới quan hệ ngoại giao rộng rãi, tư cách thành viên tích cực tại Liên Hiệp Quốc, những nỗ lực thúc đẩy nhân quyền và hòa bình, đóng một vai trò quan trọng ở trung tâm lục địa châu Á rộng lớn và trên trường quốc tế. Tôi cũng muốn đề cập đến quyết tâm của quý vị trong việc ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân và giới thiệu đất nước của quý vị với thế giới như một quốc gia không có vũ khí hạt nhân. Mông Cổ là một quốc gia dân chủ theo đuổi chính sách đối ngoại hòa bình nhưng cũng đề xuất đóng một vai trò quan trọng vì hòa bình thế giới. Hơn nữa – một yếu tố quan trọng nữa cần được nêu lên – hình phạt tử hình không còn xuất hiện trong hệ thống tư pháp của quý vị nữa.
Nhờ khả năng thích ứng với các điều kiện khí hậu khắc nghiệt, các ger giúp cho con người có thể sống ở những môi trường rất đa dạng; đây là trường hợp xảy ra trong thời kỳ huy hoàng của đế chế Mông Cổ, với việc mở rộng lãnh thổ của nó. Hơn nữa, tôi đến Mông Cổ khi quý vị đang đánh dấu một kỷ niệm quan trọng đối với quý vị, 860 năm ngày sinh của Thành Cát Tư Hãn. Việc đế chế có thể bao trùm những vùng đất xa xôi và đa dạng như vậy qua nhiều thế kỷ chứng tỏ khả năng nổi bật của tổ tiên quý vị trong việc thừa nhận những phẩm chất nổi bật của các dân tộc hiện diện trên lãnh thổ rộng lớn của nó và đưa những phẩm chất đó phục vụ cho sự phát triển chung. Mô hình này cần được đánh giá cao và được tái đề xuất trong thời đại của chúng ta. Xin Trời cao ban cho các điều kiện của nơi từng là pax mongolica, hòa bình Mông Cổ, nghĩa là không có xung đột, ngày nay cũng được tái tạo, trong sự tôn trọng luật pháp quốc tế, trên trái đất, nơi đã bị tàn phá bởi vô số xung đột này. Theo một trong những câu tục ngữ của quý vị, “mây bay đi, nhưng trời xanh còn đó”. Cầu mong những đám mây đen của chiến tranh bị xua tan, bị cuốn đi bởi ước muốn vững chắc về một tình huynh đệ phổ quát, trong đó những căng thẳng được giải quyết thông qua gặp gỡ và đối thoại, và các quyền cơ bản của mọi người được bảo đảm! Ở đây, trên đất nước phong phú về lịch sử và rộng mở hướng lên bầu trời này, chúng ta hãy khẩn cầu món quà này từ Đấng Tối Cao, và cùng nhau, chúng ta hãy nỗ lực xây dựng một tương lai hòa bình.
Khi bước vào một ger – nơi cư trú truyền thống, ánh mắt của chúng ta hướng lên điểm trung tâm cao nhất, nơi có cửa sổ tròn để ánh sáng chiếu vào và bầu trời được chiêm ngưỡng. Tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của thái độ nền tảng này mà truyền thống của quý vị giúp chúng tôi đánh giá cao: khả năng luôn hướng nhìn lên cao. Ngước mắt lên trời – bầu trời xanh vĩnh cửu mà quý vị luôn tôn kính – có nghĩa là kiên trì trong thái độ ngoan ngoãn cởi mở với giáo huấn tôn giáo. Sự nhạy cảm tinh thần sâu sắc thuộc về bản sắc văn hóa của quý vị, và thật đúng đắn khi Mông Cổ phải là một biểu tượng của tự do tôn giáo. Khi chiêm ngưỡng những chân trời vô tận và dân cư thưa thớt, dân tộc của quý vị đã phát triển một cảm quan tinh thần tinh tế, phát sinh từ việc nuôi dưỡng sự thinh lặng và nội tâm. Sự hùng vĩ trang trọng của vô số hiện tượng tự nhiên xung quanh quý vị đã làm nảy sinh một cảm giác kỳ diệu, mang đến sự đơn giản và thanh bạch, ưa thích những gì thiết yếu và khả năng tách rời khỏi những gì không cần thiết. Ở đây, tôi nghĩ đến mối đe dọa do chủ nghĩa tiêu thụ mang lại, điều mà ngày nay, ngoài việc tạo ra những bất công lớn, còn dẫn đến một não trạng cá nhân chủ nghĩa, ít quan tâm đến người khác và những truyền thống đúng đắn đã được thiết lập. Khi các tôn giáo vẫn đặt nền tảng trên di sản tinh thần nguyên thủy của mình và không bị ô nhiễm bởi những lệch lạc giáo phái, thì cho thấy đó là những chỗ dựa đáng tin cậy trong việc xây dựng các xã hội lành mạnh và thịnh vượng, trong đó các tín đồ nỗ lực đảm bảo rằng sự chung sống hòa bình và tầm nhìn xa về chính trị ngày càng được đặt để phục vụ lợi ích chung. Đồng thời, các tôn giáo cũng là sự bảo vệ chống lại mối đe dọa tham nhũng ngấm ngầm, thực tế đó cũng là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự phát triển của bất kỳ cộng đồng nhân loại nào; tham nhũng là kết quả của một não trạng thực dụng và vô đạo đức đã làm nghèo các nước. Đó là dấu hiệu của một tầm nhìn không nhìn lên bầu trời và chạy trốn khỏi những chân trời rộng lớn của tình huynh đệ, thay vào đó trở nên khép kín và chỉ quan tâm đến lợi ích riêng của mình.
Ngược lại, nhiều nhà lãnh đạo xa xưa của quý vị đã dạy quý vị phải luôn hướng nhìn lên cao và vào khung cảnh rộng lớn. Họ đã chứng tỏ một khả năng phi thường trong việc kết hợp những tiếng nói và kinh nghiệm khác nhau, kể cả từ quan điểm tôn giáo. Một thái độ tôn trọng và hòa giải đã được thể hiện đối với sự đa dạng của các truyền thống thánh thiêng, như được làm chứng bởi các nơi thờ phượng khác nhau – bao gồm một địa điểm Kitô giáo – được bảo tồn ở cố đô Kharakhorum. Kết quả là, gần như cách tự nhiên, quý vị đã đạt được sự tự do tư tưởng và tôn giáo hiện đã được ghi trong Hiến pháp của quý vị. Sau khi bỏ lại đằng sau, không đổ máu, hệ tư tưởng vô thần vốn cho rằng nó có thể loại bỏ tôn giáo, coi đó là một trở ngại cho sự phát triển, quý vị đã thừa nhận và tôn trọng tầm quan trọng cơ bản của sự hợp tác hài hòa giữa các tín đồ thuộc các tôn giáo khác nhau, mỗi người, từ quan điểm cụ thể của riêng mình, góp phần vào sự tiến bộ đạo đức và tinh thần của các dân tộc.
Về vấn đề này, cộng đồng Công giáo Mông Cổ vui mừng tiếp tục sự đóng góp của mình. Trên thực tế, chính tại một ger mà cách đây hơn ba mươi năm, cộng đồng Công giáo đã bắt đầu cử hành đức tin của mình, và Nhà thờ Chính tòa hiện nay, tọa lạc tại thành phố vĩ đại này, gợi nhớ đến hình dạng của một ger. Đây là những dấu hiệu cho thấy cộng đồng Công giáo mong muốn chia sẻ cuộc sống và công việc của mình, trên tinh thần phục vụ có trách nhiệm và huynh đệ, với người dân Mông Cổ, cũng là người dân của mình. Vì lý do này, tôi hài lòng khi cộng đồng này, dù nhỏ bé và âm thầm, đang chia sẻ một cách nhiệt tình và dấn thân vào tiến trình phát triển của đất nước bằng cách truyền bá văn hóa liên đới, tôn trọng phổ quát và đối thoại liên tôn, cũng như bằng cách hoạt động vì công lý, hòa bình và hòa hợp xã hội. Tôi hy vọng rằng, nhờ luật pháp có tầm nhìn xa và chú ý đến những nhu cầu cụ thể, những người Công giáo địa phương, được sự giúp đỡ của các tu sĩ nam nữ, phần lớn, đến từ các quốc gia khác, sẽ có thể, luôn luôn và không gặp khó khăn gì, đóng góp về mặt nhân bản và tinh thần cho Mông Cổ, vì lợi ích của dân tộc này. Các cuộc đàm phán hiện đang diễn ra để quy định một thỏa thuận song phương giữa Mông Cổ và Tòa Thánh là một phương tiện quan trọng để đạt được những điều kiện cần thiết cho việc theo đuổi các hoạt động thông thường mà Giáo hội Công giáo tham gia. Ngoài khía cạnh tôn giáo đặc biệt của việc thờ phượng, những điều này còn bao gồm nhiều sáng kiến nhằm phục vụ sự phát triển con người toàn diện, được thực hiện nhất là trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, trợ giúp xã hội, nghiên cứu và thăng tiến văn hóa. Những sáng kiến này làm chứng rõ ràng cho tinh thần khiêm tốn, huynh đệ và liên đới của Tin Mừng Chúa Giêsu, con đường duy nhất mà người Công giáo được mời gọi đi theo trong cuộc hành trình mà họ chia sẻ với tất cả các dân tộc trên trái đất.
Khẩu hiệu được lựa chọn cho chuyến đi này – Cùng nhau Hy vọng – thể hiện khá rõ tiềm năng bẩm sinh của hành trình mà chúng ta đang cùng nhau thực hiện trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau và hợp tác theo đuổi lợi ích chung. Giáo hội Công giáo, với tư cách là một tổ chức lâu đời hiện diện ở hầu hết mọi quốc gia trên thế giới, là hiện thân của một truyền thống tinh thần cao quý và hiệu quả đã góp phần vào sự phát triển của toàn thể các quốc gia trong nhiều lĩnh vực hoạt động của con người, từ khoa học đến văn học, từ nghệ thuật đến đời sống chính trị, xã hội. Tôi chắc chắn rằng người Công giáo Mông Cổ sẽ tiếp tục sẵn sàng cống hiến sự đóng góp của họ cho việc xây dựng một xã hội thịnh vượng và an ninh, trong đối thoại và hợp tác với tất cả những người khác đang sinh sống trên mảnh đất vĩ đại dưới bầu trời này.
“Hãy giống như bầu trời”. Bằng những lời này, một nhà thơ nổi tiếng đã khuyến khích chúng ta vượt lên trên sự phù du của các sự kiện trần thế, bằng cách noi theo sự vĩ đại được gợi hứng từ chính trời xanh mênh mông và trong vắt mà chúng ta chiêm ngưỡng ở Mông Cổ. Hôm nay, là những người hành hương và khách mời ở đất nước có rất nhiều điều để cống hiến cho thế giới này, chúng tôi cũng muốn đón nhận lời mời đó và biến nó thành những dấu hiệu cụ thể của lòng trắc ẩn, đối thoại và tầm nhìn chung cho tương lai. Chớ gì các thành phần khác nhau của xã hội Mông Cổ, được đại diện đầy đủ ở đây, tiếp tục cống hiến cho thế giới vẻ đẹp và sự cao quý của dân tộc độc đáo này. Bằng cách này, giống như chữ viết theo chiều dọc truyền thống của quý vị, ước gì quý vị luôn “chính trực” trong nỗ lực giảm bớt nỗi đau khổ to lớn của con người xung quanh mình, nhắc nhở mọi người về phẩm giá của mỗi con người, được mời gọi sống trong ngôi nhà trần thế của chúng ta bằng cách đón nhận bầu trời. Bayarlalaa! [Xin cảm ơn quý vị!]
Nguồn:Đài Vatican News