TÔNG DU MARSEILLE
DIỄN VĂN CỦA ĐTC Phanxicô
Cầu nguyện cùng Đức Mẹ với giáo sĩ giáo phận
Vương cung thánh đường “Notre Dame de la Garde”
ngày 22/09/2023
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Tôi rất vui khi được bắt đầu chuyến viếng thăm của tôi bằng việc chia sẻ khoảnh khắc cầu nguyện này với anh chị em. Tôi cảm ơn Đức Hồng Y Jean-Marc Aveline vì những lời chào đón và chào Đức cha Eric de Moulins-Beaufort, các anh em Giám mục, các Cha giám đốc và tất cả anh chị em, các linh mục, phó tế và chủng sinh, các tu sĩ nam nữ đang làm việc trong tổng giáo phận này với lòng quảng đại và dấn thân xây dựng một xã hội gặp gỡ Thiên Chúa và tha nhân. Cảm ơn sự hiện diện và phục vụ của các anh chị em cũng như cảm ơn vì những lời cầu nguyện của anh chị em!
Đến Marseille, tôi hòa cùng với những nhân vật vĩ đại: Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Thánh Charles de Foucauld, Thánh Gioan Phaolô II và nhiều người khác đã đến đây để phó thác cho “Đức Mẹ de la Garde”. Chúng ta đặt dưới áo choàng của Mẹ những thành quả của Cuộc gặp gỡ Địa Trung Hải, cùng với những mong đợi và hy vọng trong lòng anh chị em.
Trong bài đọc Kinh Thánh, tiên tri Xôphônia đã khuyến khích chúng ta hãy vui mừng và tin tưởng, và nhớ rằng Chúa là Thiên Chúa của chúng ta không ở xa, Người đang ở đây, gần chúng ta, để cứu độ chúng ta (x. 3,17). Theo một nghĩa nào đó, đó là một thông điệp nhắc nhở chúng ta về lịch sử của Vương cung thánh đường này và những gì Vương cung thánh đường diễn tả. Trên thực tế, Vương cung thánh đường không được thành lập để tưởng nhớ một phép lạ hay một cuộc hiện ra cụ thể nào, nhưng đơn giản vì, kể từ thế kỷ 13, Dân thánh của Thiên Chúa đã tìm kiếm và tìm thấy ở đây, trên ngọn đồi La Garde, sự hiện diện của Chúa qua đôi mắt của Mẹ Thánh thiện của Người. Đó là lý do tại sao trong nhiều thế kỷ người dân Marseille – đặc biệt là những người đi thuyền trên những con sóng của Địa Trung Hải – đã lên đó để cầu nguyện. Chính Dân Thánh trung thành của Thiên Chúa – tôi dùng từ này – đã “xức dầu” cho đền thánh này, nơi cầu nguyện này. Dân Thánh của Thiên Chúa, như Công đồng nói, là những người không thể sai lầm trong đức tin.
Ngay cả ngày nay, Mẹ Tốt lành mang đến cho tất cả mọi người “những ánh nhìn giao nhau” rất dịu dàng: trước hết là của Chúa Giêsu, Đấng mà Mẹ luôn hướng ánh nhìn của chúng ta đến và Đấng mà tình yêu được phản chiếu trong đôi mắt của Mẹ – cử chỉ đích thật nhất của Mẹ là: “Các người hãy làm điều Người bảo”, chỉ cho thấy Chúa Giêsu; mặt khác, đó là ánh nhìn của nhiều người nam nữ thuộc mọi lứa tuổi và hoàn cảnh. Mẹ đón nhận tất cả và mang đến cho Thiên Chúa, như chúng ta đã nhắc lại ở đầu buổi cầu nguyện này, khi đặt một ngọn nến đang cháy dưới chân Mẹ. Ở đây, nơi ngã tư của các dân tộc – Marseille -, chính ở nơi những ánh nhìn giao nhau này, tôi muốn suy tư với anh chị em, bởi vì đối với tôi, dường như chiều kích Thánh Mẫu của thừa tác vụ của chúng ta được thể hiện rõ ràng trong đó. Trên thực tế, chúng ta, các linh mục, những người thánh hiến, phó tế, chúng ta cũng được mời gọi làm cho dân chúng cảm nhận được cái nhìn của Chúa Giêsu, đồng thời, đưa cái nhìn của anh chị em của chúng ta đến với Chúa Giêsu. Một sự trao đổi ánh nhìn. Trong trường hợp đầu tiên, chúng ta là công cụ của lòng thương xót, trong trường hợp thứ hai, chúng ta là công cụ chuyển cầu.
Ánh nhìn đầu tiên: đó là cái nhìn của Chúa Giêsu đang nhìn con người cách dịu dàng âu yếm. Người nhìn chúng ta chăm chú, từ đầu đến chân, không phải để phán xét nhưng để nâng đỡ những người thấp kém. Đó là một cái nhìn đầy dịu dàng, tỏa sáng qua đôi mắt của Mẹ Maria. Và chúng ta, được mời gọi truyền đạt cái nhìn này, được yêu cầu phải trở nên khiêm tốn, để với sự cảm thương, chúng ta có thể có “lòng nhân từ kiên nhẫn và khích lệ của vị Mục Tử Nhân Lành, Đấng không trách mắng những con chiên lạc, nhưng vác nó trên vai và ăn mừng vì nó quay trở lại với đàn chiên (xem Lc 15,4-7)” (Bộ Giáo Sĩ, Cẩm nang về thừa tác vụ và đời sống linh mục, 41). Tôi thích nghĩ rằng Chúa không biết chỉ tay để lên án, nhưng biết đưa tay nâng dậy.
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy học từ cái nhìn này, chúng ta đừng để một ngày nào trôi qua mà không nhớ đến lúc chúng ta đã nhận được ánh nhìn này, và chúng ta hãy biến nó thành ánh nhìn của mình, để trở thành những con người có lòng trắc ẩn. Sự gần gũi, lòng cảm thông, sự dịu dàng. Chúng ta đừng quên. Có sự cảm thông có nghĩa là gần gũi và dịu dàng. Chúng ta hãy mở cửa các nhà thờ và nhà xứ, nhưng trên hết là những cánh cửa của trái tim, để thể hiện khuôn mặt của Chúa qua sự hiền lành, nhân hậu và hiếu khách của chúng ta. Chớ gì bất cứ ai đến gần anh chị em đều không gặp sự xa cách và phán xét, nhưng sẽ tìm thấy chứng tá của một niềm vui khiêm tốn, sinh hoa kết quả hơn bất kỳ khả năng phô trương nào. Cầu mong những người bị tổn thương trong cuộc sống tìm được nơi trú ẩn an toàn trong ánh mắt của anh chị em, một sự khích lệ trong vòng tay anh chị em, sự âu yếm trong bàn tay có khả năng lau khô nước mắt của anh chị em. Ngay cả trong nhiều sự lo lắng bận rộn hàng ngày, xin đừng để mất đi sự ấm áp của cái nhìn phụ tử và mẫu tử của Thiên Chúa.
Xin các linh mục, trong bí tích Hòa giải, hãy luôn tha thứ! Anh em hãy quảng đại như Thiên Chúa quảng đại với chúng ta. Hãy tha thứ! Và với sự tha thứ của Thiên Chúa, chúng ta mở ra nhiều con đường trong cuộc sống. Và điều này thật là tuyệt vời khi ban phát sự tha thứ của Người một cách quảng đại, nghĩa là luôn luôn, luôn luôn, để giải thoát con người, nhờ ân sủng, khỏi xiềng xích của tội lỗi và giải thoát họ khỏi những trở ngại, cắn rứt, oán giận và sợ hãi mà một mình họ không thể chiến thắng được. Thật tuyệt khi khám phá lại với sự kinh ngạc, ở mọi lứa tuổi, niềm vui của việc chiếu sáng cuộc sống, trong những lúc vui cũng như buồn, bằng các Bí tích, và chuyển trao, nhân danh Thiên Chúa, những niềm hy vọng bất ngờ: sự gần gũi an ủi của Người, lòng thương xót chữa lành của Người, sự dịu dàng của Người khiến chúng ta rung cảm. Hãy gần gũi với mọi người, đặc biệt là những người mong manh nhất và kém may mắn nhất, và đừng bao giờ để những người đau khổ không tìm thấy sự quan tâm và gần gũi ân cần của chúng ta. Bằng cách này, đức tin hướng dẫn hiện tại, niềm hy vọng hướng tới tương lai và lòng bác ái tồn tại mãi mãi sẽ phát triển nơi họ cũng như nơi anh chị em. Đây là bước đầu tiên: mang ánh nhìn của Chúa Giêsu đến với anh chị em chúng ta.
Chỉ có một tình huống duy nhất trong cuộc sống khi chúng ta được phép nhìn người khác từ trên xuống dưới: đó là khi chúng ta tìm cách cầm tay nâng họ dậy. Trong những trường hợp khác, đó là tội kiêu ngạo. Hãy nhìn những người ở phía dưới và những người với bàn tay – cố ý hay vô thức – yêu cầu bạn nâng họ lên. Hãy cầm tay họ và nâng họ lên: đó là một cử chỉ rất đẹp, đó là một cử chỉ không thể thực hiện được nếu không có sự dịu dàng.
Tiếp đến là ánh nhìn thứ hai: ánh nhìn của những người hướng về Chúa Giêsu. Giống như Đức Maria, người ở Cana trước hết đón nhận và sau đó mang đến với Chúa những lo lắng của đôi vợ chồng trẻ (x. Ga 2,3), anh chị em cũng được mời gọi trở thành tiếng nói chuyển cầu cho người khác (xem Rm 8,34). Bằng cách này, trong việc đọc Kinh nguyện, suy niệm Lời Chúa, Kinh Mân Côi hàng ngày và mọi lời cầu nguyện khác – tôi đặc biệt khuyên anh chị em chầu Thánh Thể. Chúng ta đã đánh mất một ít ý nghĩa của việc chầu Thánh Thể, chúng ta phải lấy lại điều này, tôi yêu cầu điều này. Tất cả những lời cầu nguyện này sẽ có rất nhiều khuôn mặt của những người mà Chúa Quan Phòng đặt trên hành trình của anh chị em. Anh chị em sẽ mang theo đôi mắt của họ, tiếng nói của họ, những câu hỏi của họ đến Bàn tiệc Thánh Thể, đến trước Nhà Tạm hoặc trong sự thinh lặng trong căn phòng của anh chị em, nơi Chúa Cha nhìn thấy anh chị em (xem Mt 6,6). Anh chị em sẽ là tiếng vọng trung thành của họ, như là những người chuyển cầu, như “các thiên thần trên trái đất”, những sứ giả tiến dâng mọi điều này “đến trước nhan vinh hiển của Chúa” (Tb 12,12).
Và tôi muốn tóm tắt bài suy niệm ngắn gọn này bằng cách thu hút sự chú ý của anh chị em vào ba hình ảnh Đức Maria được tôn kính trong Vương cung thánh đường này. Đầu tiên là bức tượng lớn trên đỉnh tháp, diễn tả Mẹ ôm Hài nhi Giêsu đang chúc lành: Giống như Đức Maria, chúng ta hãy mang phúc lành và bình an của Chúa Giêsu đến mọi nơi, đến mọi gia đình và mọi tâm lòng. Đó là cái nhìn của lòng thương xót. Hình ảnh thứ hai được tìm thấy bên dưới chúng ta, ở tầng hầm: đó là “Đức Trinh nữ cầm bó hoa”, một món quà từ một giáo dân rộng lượng. Mẹ cũng bế Hài Nhi Giêsu trên một tay và giới thiệu Người cho chúng ta, nhưng mặt khác, thay vì vương trượng, Mẹ cầm một bó hoa. Hình ảnh này khiến chúng ta nghĩ đến cách Đức Maria, mẫu mực của Giáo hội, khi giới thiệu Con của Mẹ cho chúng ta, cũng giới thiệu chúng ta với Người, giống như một bó hoa trong đó mỗi người là duy nhất, đẹp đẽ và quý giá trước mắt Chúa Cha. Đó là cái nhìn của sự chuyển cầu. Điều này rất quan trọng: sự chuyển cầu. Đầu tiên là ánh nhìn thương xót của Đức Mẹ, đây là ánh nhìn chuyển cầu. Cuối cùng, hình ảnh thứ ba là hình ảnh chúng ta nhìn thấy ở đây, ở giữa, trên bàn thờ, nổi bật vì vẻ huy hoàng mà pho tượng chiếu tỏa. Anh chị em thân mến, chúng ta cũng hãy trở thành một Tin Mừng sống động đến mức chúng ta quên chính mình để chia sẻ Tin Mừng, phản chiếu ánh sáng và vẻ đẹp của Tin Mừng bằng một đời sống khiêm tốn, vui tươi, đầy nhiệt huyết tông đồ. Chớ gì nhiều nhà truyền giáo đã khởi hành từ nơi cao đẹp này để loan báo Tin Mừng về Chúa Giêsu Kitô cho toàn thế giới là nguồn động lực cho chúng ta.
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy mang ánh nhìn của Thiên Chúa đến cho anh chị em chúng ta, chúng ta hãy mang nỗi khát khao của anh chị em chúng ta đến với Thiên Chúa, chúng ta hãy loan truyền niềm vui Tin Mừng. Đây là cuộc sống của chúng ta và nó vô cùng đẹp đẽ, bất chấp những khó khăn và vấp ngã. Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện với Đức Mẹ, để Mẹ đồng hành và bảo vệ chúng ta. Và tôi xin anh chị em cầu nguyện cho tôi.
Nguồn: Đài Vatican News