“Chúng ta hãy đi đến những làng, những thành lân cận, để Tôi cũng rao giảng ở đó nữa”.
Kính thưa Anh Chị em,
Thư Do Thái hôm nay nói về Chúa Giêsu thế này, “Người nên giống anh em mình mọi đàng”; không chỉ nên giống, Ngài muốn mọi anh em Ngài nhận biết Cha của Ngài cũng là Cha của họ; Ngài nóng lòng cho công cuộc rao giảng Nước Thiên Chúa hầu mọi người được ơn cứu độ. Trong Tin Mừng hôm nay, các môn đệ nói, “Mọi người đều đi tìm Thầy”, Chúa Giêsu lại bảo họ, “Chúng ta hãy đi đến những làng, những thành lân cận, để Tôi cũng rao giảng ở đó nữa”. Rõ ràng, Ngài ước cho nhiều người được loan báo Tin Mừng, Ngài là một người sống cho người khác, nên không lạ, mọi người tìm kiếm Ngài. Và chúng ta tự hỏi, vậy ‘động lực bên trong’ của Chúa Giêsu là gì?
Thánh Marcô mô tả một ngày sống và hoạt động của Chúa Giêsu; Ngài không mệt mỏi làm việc từ sáng đến tối; Ngài không bao giờ nghĩ về mình. Chúa Giêsu không khi nào nói Ngài quá mệt hay quá bận để phục vụ một ai đó hoặc quá mất thời giờ vì một người nào đó. Ngài có mặt vì mọi người, và không ngừng thúc đẩy bản thân phải làm nhiều hơn. Vậy phải chăng chính tình yêu và lòng xót thương là ‘động lực bên trong’ của Ngài, buộc Ngài cống hiến hết mình cho mọi người mà không tính toán? Tin Mừng cho biết, “Cả thành tụ họp trước cửa nhà”, và Ngài mở trái tim cho mọi người; Ngài dạy dỗ, chữa lành bệnh, trừ quỷ. Ngài quả là Vị Thượng Tế nhân từ và trung tín.
“Mọi người đều đi tìm Thầy”, Phêrô và các môn đệ đã nói với Chúa Giêsu như thế; nghĩa là chính bản thân Phêrô, các bạn của ông và dân thành đều ước ao gặp Ngài. Đó cũng là mong mỏi và ước ao đúng đắn nhất của mỗi người. Chúa Giêsu là khao khát sâu sắc nhất của mọi trái tim con người, ‘một con người’ đại diện cho mỗi người, từng người trong một nhân loại được tạo dựng để khát khao; vì lẽ, con người là một tạo vật được sinh ra để khao khát, nhưng khao khát đúng đắn nhất, đích thực nhất là khao khát Thiên Chúa. Đây phải là một ‘động lực bên trong’ của mỗi người. Chỉ Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô mới có khả năng cho con người hết khát, hết đói và hết mong mỏi; Ngài từng nói, “Ai đến với Tôi sẽ không hề đói; ai tin vào Tôi, chẳng khát bao giờ!”.
Đến đây, một câu hỏi kép đặt ra cho chúng ta là, ‘động lực bên trong’ của Chúa Giêsu cũng như ‘động lực bên trong’ của những con người đi tìm kiếm Ngài là gì? Trước hết, với Chúa Giêsu, ‘động lực bên trong’ của Ngài là tình yêu đối với Chúa Cha, khao khát Chúa Cha; và cùng với Cha, Ngài khao khát con người. Vì thế càng kết hiệp với Cha, càng chăm chú cầu nguyện, Chúa Giêsu càng khao khát con người như Chúa Cha hằng khao khát. Vì thế, với Ngài, cầu nguyện không chỉ là một hoạt động trong ngày, nhưng là một phần trong thói quen hàng ngày. Tắt một lời, Chúa Cha và những khao khát của Cha là ‘động lực bên trong’ của Chúa Giêsu.
Cũng thế, Thiên Chúa phải là ‘động lực bên trong’ của chúng ta. Chúng ta chỉ gặp Thiên Chúa nếu biết khát khao Người. Cầu nguyện là lúc chúng ta được Thiên Chúa đổ đầy, khoả lấp khát khao; cuộc gặp gỡ quan trọng này mang lại ánh sáng và sức mạnh cho mọi cuộc gặp gỡ khác. Qua cầu nguyện, tình yêu chúng ta dành cho người khác được nhen nhóm để có thể cống hiến không mệt mỏi cho họ; qua cầu nguyện, chúng ta trở thành những con người cho người khác và cũng qua cầu nguyện, chúng ta sẽ khao khát các linh hồn như Chúa Giêsu khao khát.
Năm 1961, Tổng thống John Kennedy quyết tâm đưa con người lên mặt trăng và trở về trái đất an toàn trước năm 70. Hàng triệu người nghĩ điều này thật viển vông; thế nhưng, với cơ quan không gian NASA thì không. Năm 1969, cả thế giới vui mừng khi xem những thước phim chiếu cảnh Neil Amstrong đi bộ trên mặt trăng và trở về trái đất bình an; nhưng mấy ai biết những thước phim này đã từng được ‘xem trước’ cả ngàn lần trong trí tưởng tượng của các chuyên gia NASA.
Anh Chị em,
Quyết tâm của Chúa Giêsu còn mạnh hơn quyết tâm của John Kennedy; ‘động lực bên trong’ của Ngài là đưa cả nhân loại không chỉ lên mặt trăng, nhưng lên tận cung lòng Cha, lên tận cõi đời đời. Kế hoạch này không viển vông nhưng hiện thực ngay hôm nay, nếu chúng ta biết nuôi dưỡng cho mình một khao khát Giêsu trên tất cả mọi khát khao; thế nhưng, trái tim của chúng ta chỉ yêu mến Chúa Cha và các linh hồn không bằng cách nào khác, ngoài việc nên giống Chúa Giêsu trong yêu mến và cầu nguyện.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, mỗi ngày Chúa vẫn đang vất vả tìm kiếm và cứu chữa các linh hồn, trong đó có con; xin cho con xác định ‘động lực bên trong’ của đời con là chính Chúa, để con mải khát khao Ngài, khao khát các linh hồn như chính Chúa đang khao khát”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)