ĐTC Phanxicô: Cách đối xử với người nghèo là thước đo của nền văn minh

12/01/2024

Sáng thứ Tư ngày 10/01, ĐTC Phanxicô tiếp các thành viên của Hiệp hội DIALOP, khuyến khích họ can đảm phá vỡ những khuôn mẫu, quan tâm đến những người yếu đuối và thúc đẩy pháp lý.

Hiệp hội DIALOP hoạt động cho việc đối thoại giữa những người theo chủ nghĩa Xã hội và các Kitô hữu. Thành viên của hiệp hội gồm các học giả, chính trị gia, nhà hoạt động và sinh viên của một số nước Âu châu. Với niềm tin đối thoại là cách tốt nhất để tạo ra sự thay đổi, Hiệp hội nỗ lực hoạt động để biến thế giới thành một nơi sinh sống tốt đẹp hơn.

Trong bài nói chuyện dành cho các đại diện của Hiệp hội, trước hết ĐTC Phanxicô nhắc đến câu nói của một nhà văn Mỹ Latinh về tầm nhìn của con người: Con người có hai mắt, một mắt bằng thịt và một mắt bằng thuỷ tinh. Với mắt thứ nhất người ta thấy những gì đang nhìn, và mắt thứ hai thấy những gì đang mơ ước. ĐTC Phanxicô nói: “Qua nhiều thế kỷ, có những ước mơ vĩ đại về tự do, bình đẳng, nhân phẩm và tình huynh đệ, những tấm gương phản ánh ước mơ của Thiên Chúa, đã tạo ra những thay đổi và tiến bộ”. Và với suy nghĩ này Đức Thánh Cha đưa ra ba lời khuyên.

Thứ nhất can đảm phá vỡ khuôn mẫu để mở ra cho đối thoại, những con đường mới. Trong một thời điểm có nhiều xung đột và chia rẽ, chúng ta không được đánh mất tầm nhìn về những gì vẫn có thể làm được để đảo ngược tiến trình. Chống lại những kiểu tiếp cận cứng nhắc để vun trồng với tâm hồn rộng mở lắng nghe, không loại trừ ai, ở bình diện chính trị, xã hội và tôn giáo, để sự đóng góp của mỗi người có thể được đón nhận tích cực trong các tiến trình thay đổi có liên kết với tương lai của chúng ta.

Thứ hai quan tâm đến người yếu đuối. Về điểm này, ĐTC Phanxicô nhấn mạnh thước đo của nền văn minh có thể thấy được qua cách đối xử với những người dễ bị tổn thương: người nghèo, người thất nghiệp, người vô gia cư, người nhập cư, người bị bóc lột và tất cả những người mà nền văn hoá vứt bỏ biến họ thành rác thải. Một nền chính trị phục vụ con người thực sự không thể bị chi phối bởi các cơ chế tài chính và thị trường. Tình liên đới, ngoài nhân đức luân lý là một đòi hỏi sự công bằng, yêu cầu sửa chữa những bóp méo và thanh tẩy những ý định của các hệ thống bất công.

Lời khuyên cuối cùng được ĐTC Phanxicô nói đến là tính hợp pháp. Đối với ngài, những gì đã nói ở trên bao hàm một cam kết chống lại tai hoạ của tham nhũng, lạm dụng quyền bính và bất hợp pháp. Thực tế, chỉ trong sự trung thực các mối quan hệ lành mạnh mới có thể được thiết lập và cộng tác với sự tin tưởng và hiệu quả trong việc xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.

Nguồn: Đài Vatican News