Trong một Phúc chiếu được ban hành ngày 15/4/2025, có tựa đề “Thừa tác vụ Phêrô”, ĐTC Phanxicô đổi mới chương trình đào tạo sinh viên của Trường Ngoại giao Tòa Thánh, nơi chuẩn bị các nhân viên ngoại giao của Tòa Thánh cho công việc của họ.
Trường Ngoại giao Tòa Thánh đã đào tạo “nhiều thế hệ linh mục, những người đã đặt ơn gọi của mình vào việc phục vụ cho thừa tác vụ Phêrô bằng cách phục vụ tại các trụ sở Đại diện ĐTC Phanxicô và Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh trong hơn 300 năm qua”.
Chương trình học thuật mới nhằm mục đích cung cấp một chương trình đào tạo “vững chắc” và “liên tục” để giúp các đại diện của Đức Giáo hoàng thực hiện sứ mạng ngoại giao tại các quốc gia trên khắp thế giới và đối mặt với những thách thức của một thế giới không ngừng thay đổi, để đảm bảo những phẩm chất cơ bản như “chú ý lắng nghe, làm chứng nhân, cách tiếp cận huynh đệ và đối thoại”, luôn có nơi những người phục vụ tại các Tòa Sứ thần.
Thông qua những thay đổi nhỏ và điều chỉnh nhỏ, cuộc cải cách của ĐTC Phanxicô nhằm mục đích tăng cường việc thực hành “món quà của chức linh mục” cho những người được kêu gọi “nỗ lực liên tục để mang sự gần gũi của Giáo hoàng với các dân tộc và Giáo hội”.
Theo một tuyên bố của Tòa Thánh, mục đích của việc cải cách “là cung cấp cho các sinh viên – các linh mục trẻ từ các giáo phận trên khắp thế giới – sự chuẩn bị hoàn chỉnh và phù hợp cho sứ mạng ngoại giao mà Tòa Thánh giao phó cho họ”.
Thông cáo của Tòa Thánh giải thích rằng “Chương trình đào tạo được đề xuất cho các Đại diện tương lai của Đức Giáo hoàng kết hợp các kỹ năng lý thuyết với cách tiếp cận công việc và lối sống có khả năng đảm bảo sự hiểu biết sâu sắc về năng động phức tạp của quan hệ quốc tế”. Quyết định này “là một phần của tầm nhìn rộng hơn về việc cập nhật và nâng cao các nghiên cứu về Giáo hội theo các tiêu chuẩn quốc tế đặc trưng của giáo dục đại học”. Trường Ngoại giao Tòa Thánh sẽ được thành lập như một Học viện nghiên cứu Khoa học Ngoại giao, đào tạo học thuật cao hơn trong lĩnh vực Khoa học Ngoại giao.
Học viện “sẽ cấp bằng cấp học thuật của Cử nhân và Tiến sĩ về Khoa học ngoại giao, bao gồm các nghiên cứu trong các ngành luật, lịch sử, chính trị và kinh tế, cũng như các ngôn ngữ được sử dụng trong quan hệ quốc tế và các lĩnh vực nghiên cứu có liên quan”.
Tài liệu của ĐTC Phanxicô giải thích rằng “cần phải đảm bảo rằng các chương trình giảng dạy có mối liên hệ chặt chẽ với các ngành học về Giáo hội, thực hành của Giáo triều Roma, nhu cầu của các Giáo hội địa phương và rộng hơn là với hoạt động loan báo Tin Mừng, hoạt động của Giáo hội và mối quan hệ của Giáo hội với văn hóa và xã hội loài người”.
Theo ĐTC Phanxicô, đây là “những yếu tố cấu thành bổ sung hoạt động ngoại giao của Tòa Thánh và khả năng hoạt động, làm trung gian, vượt qua các rào cản và do đó phát triển các con đường đối thoại và đàm phán cụ thể nhằm đảm bảo hòa bình và tự do tôn giáo cho tất cả các tín hữu, cũng như trật tự giữa các quốc gia”.
ĐTC Phanxicô lưu ý rằng các nhà ngoại giao của Tòa Thánh thực hiện “một hoạt động mục vụ phản ánh tinh thần linh mục, phẩm chất con người và khả năng chuyên môn của họ”. Ngoài ra, “sứ mạng được giao phó cho các nhà ngoại giao của Đức Giáo hoàng bao gồm việc đại diện cho ngài trước các cơ quan công quyền”. Thật vậy, “việc thực hiện hiệu quả quyền công sứ vốn có và độc lập cũng là một yếu tố của thừa tác vụ Phêrô và việc thực hiện quyền này phải được tôn trọng theo các quy tắc của luật pháp quốc tế vốn là nền tảng cho cuộc sống của cộng đồng các quốc gia”.
Trong thời đại của chúng ta, ĐTC Phanxicô nói, “rõ ràng là việc phục vụ này không còn giới hạn ở những quốc gia mà sự hiện diện của Giáo hội từ lâu đã dựa trên việc rao giảng Phúc Âm, mà còn được thực hiện ở những nơi mà Giáo hội là một cộng đồng mới và đang phát triển, hoặc tại các diễn đàn quốc tế, nơi mà thông qua các đại diện của mình, Tòa Thánh Phêrô theo dõi chặt chẽ các cuộc tranh luận, đánh giá các lập luận và, dưới góc độ đạo đức và tôn giáo cụ thể của mình, đề xuất đánh giá các vấn đề lớn liên quan đến hiện tại và tương lai của gia đình nhân loại”.
Do đó, trường Ngoại giao Tòa Thánh “không chỉ đơn thuần là cung cấp trình độ giáo dục khoa học và hàn lâm cấp cao, mà còn phải đảm bảo rằng hoạt động của họ sẽ mang tính Giáo hội, nhất thiết phải gắn kết với thực tế của thế giới chúng ta, ‘đặc biệt là trong thời đại như của chúng ta, được đánh dấu bằng những thay đổi nhanh chóng, liên tục và sâu rộng trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ’”.
Và vì vậy, ĐTC Phanxicô nói: “Họ không chỉ cần có được kiến thức lý thuyết, mà còn cần phải phát triển một cách tiếp cận công việc và lối sống có thể giúp họ hiểu được động lực sâu sắc hơn của quan hệ quốc tế và được tôn trọng vì cách tiếp cận của họ đối với các nguyện vọng và khó khăn mà một Giáo hội ngày càng mang tính hiệp hành phải đối mặt”.
Nguồn: Đài Vatican News